Tin Thế Giới – 30/3/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 30/3/2015

Đàm phán hạt nhân Iran: Khẩn trương trước hạn chót

Tòa Bạch Ốc nói Iran nắm quyền quyết định trong việc thuyết phục thế giới về ý định hạt nhân hòa bình nước này và đưa ra những đảm bảo cần thiết nhằm đạt được một hiệp ước quốc tế chi phối chương trình hạt nhân của Tehran. Thông tín viên Đài VOA Michael Bowman tường trình là thế giới đang chú ý đến Thụy Sĩ, nơi các nhà thương thuyết đang nỗ lực lần cuối để đạt được một thỏa thuận về một khung làm việc vào hạn chót là cuối tháng này.

Hoạt động thì ồ ạt, nhưng không có mấy nhận định công khai từ phía các giới chức cao cấp tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng quyết định liệu nhiều năm thương thuyết sẽ thành công hay thất bại. Ngay lúc này, một chiến thuật mặc cả chung là đổ trách nhiệm đạt được thỏa thuận cho phía bên kia. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:

“Cuối cùng đây là lúc Iran đưa ra một tín hiệu rõ rệt cho cộng đồng thế giới về việc họ có muốn đưa ra những cam kết nghiêm chỉnh được đòi hỏi hay không, và căn bản là tôn trọng những tuyên bố được đưa ra trước đây là Iran không nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Nếu họ cam kết như vậy, thì vào cuối tháng 3 họ có thể làm như thế.”

Iran vẫn giữ vững lập trường là yêu cầu bãi bỏ hoàn toàn và nhanh chóng các biện pháp chế tài như điều kiện tiên quyết để đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Trong khi đó, Israel vẫn tiếp tục không đồng ý về một thỏa thuận vì e rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho Tehran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói:

“Thỏa thuận này, dường như đã xuất hiện, có tất cả mọi điều mà chúng tôi lo ngại, và còn hơn thế nữa. Cùng với việc các bên sắp đạt được thỏa thuận nguy hiểm này, Những con rối của Iran tại Yemen đang thi hành những hoạt động để chiếm những khu vực rộng lớn hơn tại nước này nhằm chiếm lĩnh eo biển chiến lược Bab el Manda, thay đổi sự cân bằng trên biển và thay đổi việc cung cấp dầu hỏa cho toàn thế giới.”

Nhưng trong khi không hứa là những cuộc đàm phán sẽ thành công, Tòa Bạch Ốc tiếp tục bênh vực những nỗ lực ngoại giao.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói trên chương trình ‘This Week’ của đài truyền hình ABC:

“Cách tốt nhất đối với chúng ta là ngăn không cho Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân bằng cách theo đuổi những biện pháp ngoại giao với cộng đồng quốc tế để buộc Iran tình nguyện thi hành những bước để chấm dứt bất cứ con đường nào đi đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Việc này đòi hỏi Iran phải có những cam kết rõ ràng.”

Phát ngôn viên Earnest nói những cam kết này bao gồm những cuộc thanh sát gắt gao các cơ sở hạt nhân của Iran – một trong nhiều đề tài được thảo luận kín tại Thụy Sĩ vào lúc hạn chót sắp đến để một thỏa thuận được thành hình. – VOA

Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Đại Tây Dương?

Báo mạng The Epoch Times, trụ sở tại New York, trong ấn bản ngày 29/03/2015 tiết lộ Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân tại vịnh Walvis của Namibia. Chính quyền Windhoek không bình luận về tin trên.

The Epoch Times trích lại một bài báo của tờ The Nambian số ra ngày 26/01/2015 theo đó, tờ báo Namibia này đã nắm giữ được bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có ý đồ xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Đại Tây Dương. Sau khi đã bồi đắp đảo, xây dựng cơ sở quân sự tại vùng Biển Đông, Trung Quốc mở rộng tham vọng đến tận Namibia, ở Nam bán cầu.

Bằng chứng đó, theo tiết lộ của tờ báo, là bức thư đề ngày 20/01/2015 mà đại sứ Namibia tại Bắc Kinh gửi về bộ Ngoại giao ở Windhoek. Trong thư, ông Ringo Abed nêu lên khả năng một phái đoàn Trung Quốc sẽ viếng thăm Namibia để thảo luận về dự án căn cứ Walvis.

Ngoài ra, trong một bức thư khác đề ngày 22/12/2014, Đại sứ Abed cho biết đã có một cuộc tiếp xúc với một quan chức cao cấp trong bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm 19/12/2014 để thảo luận về một dự án “có lợi cho cả đôi bên”. Cụ thể là phía quân đội Trung Quốc đề nghị đặt căn cứ hải quân ở Walvis và hứa sẽ đào tạo cho hải quân của Namibia.

Theo nhật báo The Namibian, tới nay nhà cầm quyền ở thủ đô Windhoek tỏ ra rất mơ hồ và có nhiều thông tin trái ngược trước những tiết lộ của tờ báo Anh ngữ The Namibian.

Tuy nhiên, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, International Herald Leader từ tháng 11/2014 đã xác định tin được tờ báo Namibia tiết lộ. Báo Trung Quốc thậm chí còn đi sâu hơn vào chi tiết: Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 17 căn cứ quân sự ở hải ngoại, trong đó có dự án ở Namibia (Vịnh Walvis), Bắc Triều Tiên (Cảng Chongjin), Thái Lan (đảo Koh Lanta) và ở nhiều địa điểm chiến lược khác.

Không quân Trung Quốc thao diễn quân sự ở Đông Thái Bình Dương

Căng thẳng giữa Bắc Kinh với Đài Bắc và Manila có nguy cơ gia tăng, sau đợt tập trận của không quân Trung Quốc ở khu vực phía Đông Thái Bình Dương vào hôm nay 30/03/2015.

Bản tin của AFP cho biết máy bayTrung Quốc đã bay qua eo biển Bashi ở phía nam Đài Loan. Chính phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc thông báo tin trên và nhận định Trung Quốc tập trận cũng như các “nước lớn” thường làm. Thậm chí bộ Quốc phòng còn công bố hình ảnh cuộc thao diễn sáng nay. Đây là lần đầu tiên Không quân Trung Quốc tập trận xa bờ biển của nước này như vậy. – RFI

Pháp: Liên minh Trung Hữu thắng lớn cuộc bầu cử hội đồng tỉnh

Theo kết quả chung cuộc, đảng cánh hữu UMP do cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lãnh đạo và đảng cánh trung UDI chiếm được 66 tỉnh trên tổng số 101, trong vòng hai cuộc bầu cử hội đồng tỉnh 29/03/2015. Đảng Xã hội và các đồng minh cánh tả từ 61 tỉnh nay chỉ còn nắm 34 tỉnh.

Sau ba cuộc đầu phiếu liên tiếp, thị xã, nghị viện châu Âu và Thượng viện, cuộc bầu cử hội đồng tỉnh là trận thua đậm thứ tư của đảng Xã Hội cầm quyền. Phe hữu kiểm soát 2 trên 3 tỉnh sau vòng hai. Một trong những biểu tượng của thất bại này là một loạt “thành trì”, trong đó có “tỉnh nhà” của thủ tướng và tổng thống đương nhiệm bị mất về tay đối thủ.

Đảng Cộng sản Pháp cũng bị mất một tỉnh và chỉ giữ được một địa phương duy nhất gần Paris.

Ẩn số Mặt Trận Quốc Gia, đảng cực hữu bài ngoại, gây lo ngại cho các bộ tham mưu chính trị, cuối cũng đã được lá phiếu cử tri giải đáp. Tuy đạt được kết quả tốt, nhưng tổ chức chính trị mang sắc thái cha truyền con nối cuối cùng không chiếm được một tỉnh nào, kể cả ở những địa phương họ có nhiều ảnh hưởng nhất.

Thất bại nặng nề của đảng Xã Hội liệu có thể xem là tín hiệu ghế tổng thống sẽ rơi vào tay một ứng cử viên của đảng UMP vào năm 2017 hay không ?

Nhiều nhân vật cánh tả đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết nếu không muốn bị loại ngay từ vòng đầu cuộc chạy đua vào điện Elysée trong hai năm tới. – RFI

Lính Nga tại Ukraina : Vladimir Putin giấu đầu lòi đuôi

mediaẢnh do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp cho thấy sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina.State Department

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã trao tặng cho một vài đơn vị quân đội một danh hiệu cực kỳ cao quý mà trong thời Đệ nhị Thế chiến, chỉ dùng để ban thưởng cho những đơn vị được cho là anh hùng. Quyết định này đã làm dấy trở lại câu hỏi là phải chăng đó là những đơn vị đã tham chiến tại Ukraina, điều mà Mátxcơva luôn phủ nhận. Và nếu đúng là như vậy, thì rõ ràng là ông Putin đã giấu đầu, nhưng lại để lòi đuôi.

Trong một bản tin đề ngày 27/03/2015, hãng tin Pháp AFP ghi nhận là trong tuần này, Tổng thống Nga đã ban danh hiệu « Vệ binh » cho hai lữ đoàn kỵ binh không vận và một trung đoàn thông tin. Dưới thời Stalin, danh hiệu « Vệ binh » đã được trao cho những đơn vị Hồng quân Liên Xô đặc biệt dũng cảm trong việc ngăn chặn bước tiến của Đức quốc xã vào năm 1941.

Đối với giới quan sát, Bộ Quốc phòng Nga vẫn luôn khẳng định rằng danh hiệu « Vệ binh » này không được trao cho các đơn vị quân sự « trong thời bình », do đó việc trao tặng danh hiệu đó vào lúc này có thể là một sự thừa nhận ngầm rằng quân đội Nga đã chiến đấu ở miền Đông Ukraina.

Theo sắc lệnh của ông Putin, các lữ đoàn không kỵ 11 và 83 cùng với trung đoàn thông tin 38 được vinh danh vì chủ nghĩa anh hùng tập thể và lòng dũng cảm đã thể hiện « trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và lợi ích đất nước ». Các từ ngữ được sử dụng để vinh danh các đơn vị nói trên khá lạ lùng, vì lẽ trên nguyên tắc, theo quan điểm chính thức, nước Nga hiện không can dự vào bất kỳ một cuộc xung đột quân sự nào.

Khi bị chất vấn, ông Dmitry Peskov phát ngôn viên Tổng thống Putin đã phủ nhận mọi liên hệ giữa danh hiệu được trao với việc lính Nga tham chiến tại Ukraina, và cho rằng danh hiệu đó có thể liên quan đến các nhiệm vụ trước đó. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Peskov giải thích rằng các đơn vị được khen thưởng đã tham gia vào các hoạt động khác nhau từ thời Xô viết, và có đơn vị đã từng phục vụ ở vùng Kafkaz bất ổn.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận, nhưng chuyên gia quân sự nổi tiếng về Nga là Igor Sutyagin khẳng định rằng ba đơn vị được vinh danh đã tham chiến ở miền đông Ukraina, và danh hiệu cao quý đó đã được trao tặng để cổ vũ tinh thần cho lực lượng không kỵ của Nga. Theo chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu RUSI của Anh này, từng làm gián điệp tại Nga, thì hai lữ đoàn không kỵ được vinh danh đều đã chiến đấu tại Ukraina, và cả hai đều đã bị tổn thất, thậm chí tổn thất nặng nề.

Trong một báo cáo gần đây dựa trên những gì mà ông gọi là ” nguồn mở “, chuyên gia Sutyagin khẳng định rằng các lữ đoàn 11, đồn trú ở thành phố Ulan-Ude vùng Siberia, là một trong những đơn vị Nga thường xuyên chiến đấu ở Ukraina vào tháng Hai. Còn trả lời AFP qua email, ông Sutyagin cho biết là Lữ đoàn 83, đặt căn cứ tại thị trấn Ussuriisk gần Vladivostok, thì đã qua tham chiến ở Ukraina « trước tháng Hai một chút ».

Theo nhà phân tích chính trị độc lập Alexander Konovalov, khi vinh danh các đơn vị nói trên, ông Putin có lẽ muốn duy trì uy tín của mình trong quân đội, cho dù việc này có thể tiết lộ sự kiện đó là số lính Nga đang tham chiến tại Ukraina.

Ngay cả Igor Korotchenko, một nhà báo cực kỳ ủng hộ ông Putin, biên tập viên của một tạp chí quốc phòng luôn phủ nhận việc lính Nga chiến đấu tại Ukraina, cũng phải cho rằng danh hiệu Vệ binh là một sự thừa nhận đóng góp của các đơn vị và : « Điều đó có nghĩa là họ đã thực thụ thi hành nhiệm vụ ».