Tin Thế Giới – 29/4/2015
Khu vực gần tâm chấn ở Nepal nhận cứu trợ; tử vong lên tới 5.000 người
Liên Hiệp Quốc cho biết bắt đầu cung ứng thức ăn, thuốc men vào hôm thứ Tư ở khu vực gần tâm chấn của trận động đất xảy ra hôm thứ bảy ở Nepal, nơi có con số người thiệt mạng lên đến 5.000.
Đã có các nỗ lực của Chương Trình Lương Thực Thế Giới xung quanh khu vực Gorkha trong khi các giới chức Nepal cam kết hôm thứ 4 rằng họ sẽ cải thiện hơn thông qua sự ứng phó của chính phủ đối với những người cần lương thực, nước uống và nơi ở.
Trong khi đó, các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ tiếp tực thu dọn trong đống đổ nát từ trận động đất 7.8 độ Richter. Tối khuya hôm thứ ba, một nhóm cứu hộ của Pháp đã cứu được một người đàn ông ra từ ngôi nhà bị sập ở thủ đô Kathmandu nơi ông ta bị kẹt trong hơn 80 giờ đồng hồ.
Theo thông tín viên Steve Herman của VOA ghi nhận từ Nepal, những đội cứu hộ nước ngoài đầu tiên với những thiết bị hiện đại đã đến thị trấn Sankhu, phía bắc của Kathmandu, hôm thứ 4, nhưng một thành viên của nhóm cứu trợ Trung Quốc cho thông tín viên của VOA biết rằng khó mà tìm được ai đó còn sống sau một thời gian dài từ lúc động đất.
Thông tín viên Herman cho biết những cư dân ở Sankhu nhận được lương thực và nước uống nhưng họ nói với anh rằng họ ước gì sự giúp đỡ này đến sớm hơn.
“Chúng tôi đã hỏi một đại tá cảnh sát lực lượng có vũ trang câu hỏi này và ông ta trả lời rằng ông ấy hoàn toàn thông cảm với sự thất vọng của người dân ở đây rằng họ đã không thấy bất cứ một ai từ chính phủ tới và họ đã không nhận được lương thực và đồ cứu trợ từ sớm hơn. Nhưng ông ta nói rằng chính phủ Nepal với những nguồn lực rất hạn chế trong lúc này đã làm hết sức để giúp mọi người ở đây.”
LHQ ước tính rằng trận động đất đã ảnh hưởng tới 8 triệu người – hơn ¼ dân số của đất nước này – với 1,4 triệu người đang cần lương thực. Trận động đất này đã làm cho ít nhất 10.000 người bị thương.
Người đứng đầu về công tác cứu trợ của LHQ, bà Valerie Amos, dự kiến sẽ tới Nepal hôm thứ Năm này để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ.
Với nhiều người thất vọng bởi cái mà họ nói là sự ứng phó chậm trễ của chính phủ, hàng nghìn người đã tụ tập ở Kathmandu hôm thứ 4 để đáp các xe buýt rời thành phố tới các gia đình thân nhân của họ ở những khu vực ngoại ô.
Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã cam kết qua một phát biểu trên truyền hình hôm thứ 3 sẽ xây dựng lại những kiến trúc có tầm quan trọng về lịch sử, tôn giáo và khảo cổ bị hư hại và tuyên bố 3 ngày quốc tang cho những nạn nhân của trận động đất.
Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế đã lập một trang web cho những bạn bè và gia đình để thông báo những người thân bị mất tích, hoặc tìm kiếm những người đã ghi danh. – VOA
Phúc trình: Tự do báo chí toàn cầu ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm
Năm 2014, tự do báo chí toàn cầu xuống đến mức thấp nhất trong hơn một thập niên, theo phúc trình được một tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế công bố ngày hôm nay 29/4.
Cuộc thăm dò hàng năm của Freedom House cho biết các nhà báo trên toàn thế giới gặp phải những hạn chế do nhiều thế lực áp đặt, bao gồm những chính phủ chuyên chế, các phần tử khủng bố và các chủ nhân truyền thông có những quyền lợi về kinh doanh.
Các nước tệ hại nhất trong bảng sắp hạng gồm 199 quốc gia và vùng lãnh thổ là Bắc Triều Tiên, Uzbekistan, Turkmenistan, Belarus, Cuba, Syria, Iran và Crimea. Na Uy, Thụy Điển và Bỉ đứng đầu danh sách.
Freedom House nói, một cách tổng quát chỉ có 14% dân số thế giới sống trong những quốc gia tự do “nơi việc tường thuật những tin tức chính trị được thực hiện một cách mạnh mẽ, an toàn của những nhà báo được đảm bảo, việc nhà nước can thiệp vào công việc của truyền thông ít xảy ra và báo chí không bị những áp lực pháp lý và kinh tế”.
Phúc trình cho rằng tự do báo chí bị sụt giảm là vì có sự gia tăng những luật lệ hạn chế báo chí. Phúc trình nói những luật lệ này được thông qua vì những lý do an ninh quốc gia.
Một lý do khác được nêu lên làm cho tự do truyền thông bị giảm sút là các nhà báo trong nước và nước ngoài không có khả năng tiếp cận và tường thuật một cách tự do tại những nơi có biểu tình và những vùng có giao tranh.
Phúc trình phần lớn đưa ra những nhận xét tiêu cực về Trung Đông và Bắc Phi, nơi một đợt sóng các cuộc biểu tình trên đường phố, được nói đến như là Mùa Xuân Ả Rập, đã đưa đến ít kết quả trong việc tăng tiến tự do.
Phúc trình cho biết “Sau những thắng lợi lịch sử tại Trung Đông vào năm 2011, chỉ có một quốc gia tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc thực hiện lời hứa của Mùa Xuân Ả Rập. Tunisia có số điểm cao nhất trong các quốc gia Ả Rập trong hơn một thập niên dù vẫn thuộc các nước Tự do Một Phần.”
Freedom House ước lượng chỉ có 2% những người sống tại Trung Đông và Bắc Phi là có khung cảnh tự do báo chí. Freedom House đặc biệt nhấn mạnh đến sự sụt giảm tại Ai Cập, Libya, Syria và Iraq—là những quốc gia trong năm qua đã chứng kiến những gia tăng về các hoạt động quân sự.
Tại Châu Mỹ, phúc trình ghi nhận sự thụt lùi về tự do tại Honduras, Peru, Venezuela, Mexico và Ecuador. Tại Cuba, tự do báo chí được xếp hạng nghèo nàn dù Hoa Kỳ đang có những hành động nhằm tái lập quan hệ ngoại giao với quốc gia cộng sản này.
Phúc trình cho biết “Dù có việc trả tự do cho hơn 50 tù chính trị vào cuối tháng 12 năm ngoái, các nhà báo vẫn còn bị giam giữ trong năm 2014 và việc kiểm duyệt vẫn còn tràn lan, làm cho Cuba trở thành quốc gia có thành tích tồi tệ nhất trong vùng với 91 điểm.
Châu Á có những nước có thành tích tự do báo chí tệ hại nhất thế giới như Bắc Triều Tiên cũng như những nước có lịch sử tự do báo chí nghèo nàn như Lào, Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Vanessa Tucker thuộc Freedom House mô tả điều bà gọi là sự can thiệp cao độ của chính phủ Trung Quốc đối với truyền thông xã hội và truyền thông truyền thống trong nước.
Bà Tucker nói với Đài VOA rằng tại Trung Quốc “Con số khổng lồ các nhân viên nhà nước theo dõi những điều phát biểu trên mạng, đưa ra những chỉ dẫn hàng ngày về những gì có thể tường thuật và tường thuật như thế nào và theo dõi những nhà báo nếu họ không tường thuật một cách thích hợp.”
Miến Điện chứng kiến sự đảo ngược về tự do báo chí vào năm 2014, một khuynh hướng tiếp sau một vài năm có cải thiện sau khi chấm dứt sự cai trị của quân đội vào năm 2011.
Bà Sarah Cook, một nhà phân tích kỳ cựu về Đông Á của Freedom House nói “Năm nay chúng tôi chứng kiến một số nhà báo không những chỉ bị bắt giữ mà còn bị bỏ tù. Một số nhà báo nước ngoài cũng gặp những hạn chế khắc nghiệt về visa.”
Theo Freedom House, khu vực Âu-Á vẫn còn là vùng tệ hại nhất về tự do báo chí, đặc biệt là sự sụt giảm tại Nga.
Phúc trình cho biết “Chính phủ Nga xiết chặt việc kiểm soát tin tức và thông tin trong một môi trường vốn đã hạn chế truyền thông. Nhà cầm quyền dùng lẫn lộn các biện pháp như thay đổi luật lệ, áp lực kinh tế, và tuyên truyền xuyên tạc, đặc biệt đối với xung đột tại Ukraine để nhằm thực hiện mục tiêu của chính phủ.”
Châu Âu là khu vực có thứ hạng cao nhất trong vùng, dù nơi này bị sụt giảm lớn hàng thứ hai trong thập niên qua.
Tiểu vùng Sahara Châu Phi là vùng duy nhất cho thấy có tăng tiến về tự do báo chí trong năm 2014 dù phúc trình nói “hầu hết các nước có được sự tăng tiến bắt đầu từ một nền tảng thấp, như Cộng hòa Trung Phi và Guinea-Bissau”.
Phúc trình chỉ trích Hoa Kỳ vì điểm số sụt một điểm do việc giam giữ, quấy nhiễu và đối xử thô bạo đối với các nhà báo trong những cuộc biểu tình đòi quyền dân sự tại thành phố vùng trung tây Ferguson, bang Missouri.
Phúc trình cũng nói “Những người bênh vực tự do báo chí vẫn còn quan ngại về một vài tập tục và chính sách của chính phủ liên bang, kể cả việc chính quyền Obama tương đối kiểm soát chặt chẽ tin tức ra khỏi Tòa Bạch Ốc và các cơ quan chính phủ.” – VOA
Tin Hoa Kỳ
Thủ tướng Nhật phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ
Hôm nay 29/04/2015, nhân chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ ngỏ lời trước các nghị sĩ của cả hai viện Quốc hội Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một lãnh đạo chính phủ Nhật phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, 70 năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai.
Hôm qua, tại Nhà Trắng, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Barack Obama đã bày tỏ nhiều dấu hiệu thể hiện sự đồng tâm nhất trí của hai lãnh đạo Nhật Mỹ. Hai ông cũng nhấn mạnh đến tính vững chắc của quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama đã ca ngợi đoạn đường mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đi qua, gần 70 năm sau khi chấm dứt Thế chiến thứ hai. Theo ông Obama, trong 7 thập niên qua, hai nước Mỹ, Nhật đã trở thành không chỉ là đồng minh, mà còn là những đối tác và người bạn thật sự. Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề cao vai trò mang tính xây dựng của Thủ tướng Abe trong hơn 2 năm qua.
Tổng thống Obama cho rằng việc Nhật Bản đóng vai trò ngày càng quan trọng cho an ninh và hòa bình trong vùng châu Á-Thái Bình Dương là rất cần thiết. Nhưng ông Obama khẳng định liên minh “không gì lay chuyển” giữa Washington với Tokyo không nên được xem là “một sự khiêu khích” đối với TC.
Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật có hiệu lực đối với toàn bộ các lãnh thổ của Nhật, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Tokyo đang tranh giành chủ quyền với TC. Ông Obama cũng nhấn mạnh là Hoa Kỳ và Nhật Bản đều quan ngại về những hoạt động của TC, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, tái khẳng định ông rất chú trọng đến quyền tự do lưu thông hàng hải, đến việc tôn trọng công pháp quốc tế và đến việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Về phần Thủ tướng Shinzo Abe đã không có tuyên bố gì cụ thể về quá khứ quân phiệt của Nhật. Khi được hỏi về số phận của hàng ngàn phụ nữ bị buộc phải làm gái “giải sầu” cho lính Nhật, Thủ tướng Abe chỉ nói là ông “rất buồn” khi nghĩ đến “nỗi đau khổ vô bờ bến” mà những phụ nữ nói trên đã phải gánh chịu, nhưng ông không hề đưa ra lời xin lỗi nào.
Theo các sử gia, đã có đến 200,000 phụ nữ đã bị đưa vào các nhà chứa phục vụ cho quân đội Thiên Hoàng trong thời gian chiến tranh, đa số là phụ nữ Triều Tiên, nhưng trong đó cũng có nhiều phụ nữ TC, Indonesia, Philippines và Đài Loan. – Theo RFI