Tin Thế Giới – 29/11/2014
Giá dầu lao dốc sau hội nghị OPEC – Giá đồng rúp giảm mạnh
Giá dầu chạm ngưỡng thấp nhất trong bốn năm trở lại đây sau khi OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng dầu.
Giá dầu thô Brent đã chạm mức thấp nhất trong vòng bốn năm, ở mức 71,12 đôla một thùng, vào sáng ngày thứ Sáu, trước khi phục hồi về mức mức trên 73 đôla.
Giá dầu thô Brent trước đã giảm 5 đôla một thùng vào ngày thứ năm sau khi OPEC thông báo sẽ không thay đổi kế hoạch sản xuất sau buổi họp mặt ở Vienna.
12 thành viên OPEC đã quyết định duy trì sản lượng 90 triệu thùng dầu mỗi ngày như đã nhất trí trước đó vào tháng 12 năm 2011.
Giá dầu ở Mỹ đã giảm còn 67.75 đô la một thùng, thấp nhất kể từ tháng năm 2010.
Sau cuộc họp ở Vienna, Tổng Thư ký OPEC Abdallah Salem el-Badri cho biết tổ chức này sẽ không tìm cách đẩy giá dầu bằng việc cắt giảm sản lượng.
“Có sự sụt giảm giá, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta nên phản ứng nóng vội”, ông nói.
Trong phiên giao dịch hôm qua 28/11/2014, giá dầu tại thị trường New York mất thêm 7 đô la và rơi xuống dưới ngưỡng 70 đô la một thùng tại thị trường Luân Đôn. Kéo theo đó là đà tuột dốc của đồng tiền Nga. Venezuela thông báo cắt giảm ngân sách nhà nước. Đây là những hậu quả sau việc tổ chức OPEC loại trừ khả năng giảm lượng cung cấp dầu cho thế giới.
Kết thúc cuộc họp tại Vienna cách nay hai ngày, tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC thông báo duy trì mức sản xuất. Quyết định nói trên là gáo nước lạnh đối với những quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, như Nga, Iran hay Venezuela. Các nước này chờ đợi tổ chức OPEC giảm lượng cung cấp để đẩy giá dầu lên cao trở lại, bởi vì từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu trên thế giới trung bình đã giảm mất 35 %.
Theo giới phân tích, OPEC vẫn giữ nguyên mức cung cấp để làm nản lòng các tập đoàn khai thác khí và dầu đá phiến của Mỹ. Nhưng đồng thời đây cũng là một con dao hai lưỡi vì ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các thành viên trong khối như Indonesia, Iran, Iraq, Algeria, Nigeria, Venezuela…
Trong trường hợp của Venezuela chẳng hạn ngay từ hôm qua 28/11/2014, Tổng thống Nicolas Maduro đã thông báo cắt giảm ngân sách nhà nước, cắt giảm chi tiêu công cộng. Caracas không loại trừ khả năng giảm lương hưu và trợ cấp xã hội. Xuất khẩu dầu hỏa đem về đến 96 % ngoại tệ cho Venezuela và quốc gia Trung Mỹ này bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá dầu trên thế giới giảm đi mất 1/3 trong quý 2 vừa qua.
Viễn cảnh kinh tế của nước Nga thêm u ám
Tuy không là một trong số 12 thành viên của OPEC nhưng Nga cũng là một nguồn cung cấp dầu hỏa quan trọng của thế giới, sau quyết định từ cuộc họp ở Vienna, đồng rúp của Nga lại mất giá mạnh.
Vào giờ đóng cửa, trên thị trường Moscow 1 euro đổi được 62,2 rúp, và 50 rúp mới mua được một đồng đô la. Tính từ cuối tháng 10/2014 đồng tiền của Nga mất giá 19 % so với đô la và 17 % so với đồng euro.
Trong một một năm qua, do bị trừng phạt kinh tế vì can thiệp vào Ukraine, kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn. Với tác động của việc giá dầu giảm mạnh, thu nhập của Nga càng bị thắt lại, khi biết rằng dầu hỏa là một nguồn lợi đem về đến 50% thu nhập toàn quốc. – BBC, RFI
80 người chết trong vụ đánh bom đền thờ Hồi Giáo Kano ở Nigeria – Tấn công “khủng bố” làm 15 người chết ở Tân Cương
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan thề sẽ “bằng mọi giá” truy lùng những kẻ khủng bố đã tấn công đền thờ Hồi giáo, giết chết hơn 80 tín đồ và làm bị thương ít nhất 100 người.
Tổng thống Jonathan ra một tuyên bố hôm thứ Bảy kêu gọi người dân Nigeria “đừng tuyệt vọng vào thời điểm thử thách này” trong lịch sử của quốc gia.
Một loạt tiếng nổ và tiếp theo là súng nổ từ bên ngoài đền thờ Hồi giáo chính ở Kano đang lúc đông kín tín đồ ngay khi buổi cầu kinh thứ Sáu bắt đầu.
Những người mục kích nói rằng mấy mươi người bị thương và e rằng đã chết sau hai vụ nổ tại một khoảnh sân bên ngoài Đại giáo đường Kano, và một vụ nổ thứ ba ở gần đó.
Cảnh sát đến hiện trường đã đụng phải một băng đảng gồm những thanh niên hò hét và ném gạch đá, gậy gộc. Cảnh sát đã phải khó khăn lập lại kiểm soát khu vực cổng vào đền thờ.
Một phóng viên của đài VOA tường trình rằng tình hình sau đó lắng xuống, khi các toán y tế đến cứu chữa người bị thương.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cực lực lên án vụ tấn công, và nói rằng Hoa Kỳ sát cánh với nhân dân Nigeria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, và khẳng định cam kết tiếp tục chung sức với toàn dân Nigeria để chống những kẻ thù đó.
Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon “kêu gọi giới hữu trách nhanh chóng đưa các thủ phạm ra trước công lý.”
Đền thờ này có liên hệ với một trong những nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng lớn nhất nước là Tiểu vương Kano, người mới đây đã kêu gọi người dân Nigeria cầm vũ khí lên chống nhóm Boko Haram. Tiểu vương Kano hiện đang ở nước ngoài.
Chưa ai đứng ra nhận đã thực hiện vụ tấn công tại thành phố lớn thứ hai này của Nigeria, nhưng những nghi ngờ tập trung vào Boko Haram, nhóm thường có những vụ tấn công tương tự.
Kano là thành phố có hơn 3 triệu dân ở miền bắc Nigeria.
Trong khi đó ở Trung Quốc, mười lăm người thiệt mạng và 14 người khác bị thương trong vụ “tấn công khủng bố” tại Tân Cương. Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 29/11/2014 cho biết như trên.
Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, “một nhóm khủng bố” hôm qua đã tấn công vào các thường dân tại huyện Sa Xa (Shache hay Yarkand theo tiếng Duy Ngô Nhĩ), làm 4 người chết và 14 người bị thương. Mười một “kẻ khủng bố” đã bị bắn hạ trong vụ này. Tân Hoa Xã dẫn thông báo của chính quyền địa phương cũng xác nhận con số trên.
Tân Hoa Xã cho biết vào khoảng 13 giờ 30 địa phương (5 giờ 30 GMT) hôm qua, các hung thủ đã quăng chất nổ và lăn xả vào đám đông tại một khu phố thương mại, dùng dao đâm loạn xạ. Mười một kẻ tấn công đã bị công an đang tuần tra trong khu vực nổ súng giết chết. Các chất nổ, dao và búa đã bị tịch thu tại hiện trường, những người bị thương được đưa đến bệnh viện.
Vùng đất Hồi giáo Tân Cương thường xuyên bị chấn động bởi các vụ đụng độ do căng thẳng giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền luôn lên án “chủ nghĩa khủng bố” hay “chủ nghĩa ly khai” của những người đấu tranh Duy Ngô Nhĩ.
Nằm cách thành phố Khách Thập (Kachgar) 200 km về hướng đông nam, tại huyện Sa Xa đã từng xảy ra một vụ bạo động lớn hồi tháng Bảy, ngay trước khi mùa chay Ramadan kết thúc. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, công an đã “bắn hạ hàng mấy chục hung thủ đã tấn công vào thường dân và xe cộ”.
Vụ bạo động mới này khẳng định tình trạng ở Tân Cương đang xấu đi. Trong khi những tháng gần đây Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch đàn áp quy mô với việc hàng mấy chục vụ hành quyết được chính thức loan báo, hàng trăm vụ bắt người, các phiên tòa vội vã kết án hàng loạt bị cáo và những “tên khủng bố” bị công khai bêu riếu.
Sự kiện này cũng diễn ra năm ngày sau khi các sinh viên (của giáo sư đại học người Duy Ngô Nhĩ đang bị tù đày, ông Ilham Tohti) đã bị bí mật đưa ra tòa với cáo buộc tội danh “ly khai”, tương tự như người thầy. Bốn hôm trước đó, ông Tohti trong phiên tòa phúc thẩm cũng đã bị y án chung thân. Tuy lâu nay tố cáo tình trạng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhà kinh tế uy tín được coi là một tiếng nói ôn hòa này chưa bao giờ đòi hỏi độc lập cho Tân Cương.
Bản án hết sức nặng nề trên dành cho nhà trí thức được các chuyên gia coi là điềm báo rất xấu cho vùng đất này, nơi đã có hàng trăm người chết do bạo lực và đàn áp từ mùa hè qua. Theo các nhà phân tích và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh đã gây thêm căng thẳng tại Tân Cương. – VOA, RFI
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng Đền Thờ Xanh ở Istanbul
Ðức Giáo hoàng Phanxicô đứng cúi đầu chắp tay cầu nguyện bên cạnh đại giáo sĩ Istanbul, Rahmi Yaran, người chủ trì lễ cầu nguyện tại đền thờ Sultan Ahmet được xây dựng hồi thế kỷ thứ 17 của Thổ Nhĩ Kỳ, hay còn gọi là Đền Thờ Xanh.
Hôm nay là ngày thứ hai của chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ba ngày của Ðức Giáo hoàng.
Sau đó, Ðức Giáo hoàng đã viếng thăm Hagia Sofia – nhà thờ chính tòa Byzantine ở Constantinople (nay là Istanbul) trước khi trở thành một đền thờ khi người Hồi giáo chiếm thành phố này vào năm 1453.
Trong gần 1.000 năm, đây là nhà thờ quan trọng nhất của Chính thống giáo.
Sau đó, Hagia Sofia trong suốt gần năm thế kỷ đã trở thành một nhà thờ đạo Hồi dưới thời đế chế Ottoman. Còn hiện nay, nơi này là một bảo tàng viện.
Trong ngày thứ Bảy này Ðức Giáo hoàng Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, lãnh tụ tinh thần của 300 triệu tín đồ Chính thống giáo trên toàn thế giới.
Ðức Giáo hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thứ tư đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm của ngài đến quốc gia thế tục trên hiến pháp, nhưng có đa số người theo Hồi giáo, này diễn ra vào lúc Thổ Nhĩ Kỳ đang chật vật tiếp nhận hơn 1,6 triệu người tị nạn, chủ yếu là người Syria rời bỏ đất nước vì chiến tranh.
Hôm thứ Sáu, Giáo hoàng kêu gọi một cuộc đối thoại liên tôn giáo nhằm chống lại chủ nghĩa cuồng tín và bỏ thủ cực đoan trong chuyến thăm tới Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngài cũng kêu gọi có thúc đẩy mới cho hòa bình ở Trung Đông, nói rằng khu vực này “quá từ lâu nay đã trở thành sân khấu cho các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn”.
Phần lớn trong số 80 triệu dân của đất nước này là giáo dân đạo Hồi và có khoảng 120.000 là các Kitô hữu.
‘Hàn gắn chia rẽ’
Các phóng viên nói hai vị lãnh tụ tôn giáo Phanxicô và Bartholomew có mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ.
Và các cuộc thảo luận giữa hai vị theo dự kiến tập trung vào việc hàn gắn chia rẽ trong Giáo Hội Kitô giáo vốn phân chia giữa La Mã và Constantinople.
Hôm thứ Sáu tại Ankara, Giáo hoàng Francis trong các phát biểu của mình cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết về hòa giải và đối thoại giữa các tôn giáo. – VOA, BBC
Nga bắn thành công hỏa tiễn liên lục địa Boulava
Hôm qua 28/11/2014, Bộ Quốc phòng Nga loan báo quân đội nước này đã bắn thành công hỏa tiễn liên lục địa Boulava từ tàu ngầm nguyên tử Alexandre Nevski.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Tiềm thủy đĩnh nguyên tử Alexandre Nevski hoạt động dưới đáy biển Barents (ở phía bắc phần lãnh thổ châu Âu của Nga) đã thực hiện thành công việc phóng hỏa tiễn liên lục địa Boulava. Các hỏa tiễn này đã đạt đến mục tiêu Koura ở Kamtchatka, thuộc vùng Viễn Đông của Nga”.
Đây là lần thử nghiệm tên lửa Boulava thứ 22 kể từ năm 2005 đến nay, trong đó có 8 vụ bắn thử thất bại, và là lần bắn thử Boulava thành công thứ ba, sau thất bại cách đây một năm.
Xuất xứ từ hỏa tiễn địa-địa Topol-M (theo cách gọi của Mỹ là hỏa tiễn SS-27), Boulava là tên lửa chuyên dụng cho tàu ngầm. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ một hỏa tiễn đất đối đất sang hỏa tiễn hải đối đất là rất phức tạp.
Có tầm bắn 8.000 km, hỏa tiễn Boulava (theo bảng phân loại của NATO là hỏa tiễn SS-NX-30) có thể được trang bị 10 đầu đạn nguyên tử. Loại tên lửa này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử bắn hỏa tiễn thế hệ thứ tư đang được đóng.
Cũng trong ngày hôm qua, một đội tàu chiến Nga được nhìn thấy tại biển Manche. Đây không phải là một ngạc nhiên đối với NATO, tuy vậy một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng dù trên hải phận quốc tế, sự hiện diện của các chiến hạm này không phải là dấu hiệu của sự xuống thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine. – RFI