Tin Thế Giới – 29/3/21
Ông Biden không có ý định gặp ông Kim. Khi được hỏi liệu cách tiếp cận ngoại giao của TT Biden với Triều Tiên có bao gồm việc “ngồi với Chủ tịch Kim Jong Un” như cựu Tổng thống Donald Trump đã từng làm hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, “Tôi nghĩ cách tiếp cận của ông ấy sẽ khá khác biệt và đó không phải là ý định của ông ấy”. Triều Tiên hôm thứ Bảy (27/3) tuyên bố rằng chính quyền Biden đã có bước đi sai lầm đầu tiên và bộc lộ “thái độ thù địch sâu sắc” khi chỉ trích cái mà nước này gọi là vụ thử tên lửa tự vệ [Reuters].
Myanmar: Số người biểu tình thiệt mạng đã vượt quá 500. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết thông tin này sau khi có thêm 14 người biểu tình bị lực lượng an ninh tấn công tới mức thiệt mạng vào hôm thứ Hai (29/3). Những người chết hôm thứ Hai bao gồm ít nhất 8 người biểu tình ở ngoại ô Nam Dagon của thành phố Yangon. Các nhân chứng cho biết, lực lượng an ninh Myanmar đã sử dụng vũ khí hạng nặng để giải tỏa hàng rào bao cát của người biểu tình. Chưa có thông tin chi tiết về loại vũ khí này, mặc dù một nhóm cộng đồng đã đăng hình ảnh một người lính với súng phóng lựu [Reuters].
LHQ: Nhiều công ty Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) hôm thứ Hai (29/3) nói rằng một nhóm công tác của LHQ cho biết, hơn 150 công ty Trung Quốc và nước ngoài sản xuất “thương hiệu toàn cầu nổi tiếng” có thể liên quan đến buôn người, lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác ở khu vực Tân Cương. Không có công ty cụ thể nào được nêu tên, nhưng nhóm công tác của LHQ đã đề cập đến các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, ô tô và dệt may [SCMP].
Mỹ-Ấn tập trận. Để đối phó với các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ và Ấn Độ hôm Chủ nhật (28/3) đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự ở khu vực phía đông Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận kéo dài đến thứ Hai (29/3). Cuộc tập trận này diễn ra một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du ba nước châu Á của ông. Trong chuyến thăm này, Mỹ-Ấn đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác quân sự trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ tham vọng gây ảnh hưởng trong khu vực [Taiwan News].
Trung Quốc ‘hoàn thiện’ sửa luật bầu cử Hồng Kông. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc bắt đầu thảo luận dự luật này vào thứ Hai (29/3) và sẽ bỏ phiếu thông qua vào thứ Ba. Đạo luật này đã bị lên án vì các điều khoản được đặt ra nhằm cấm các ứng cử viên ủng hộ dân chủ tranh cử tại vùng lãnh thổ tự trị. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đến thăm Hồng Kông để nghe phản hồi từ “nhân dân” về đạo luật, phần lớn những người mà họ gặp đều là những người thân Bắc Kinh. Đây được xem là một thủ thuật chính trị để khiến đạo luật của họ được tạo ra có tính hợp pháp [Nikkei].
Tỷ phú giàu nhất Czech tử nạn tại Mỹ. Tỷ phú Petr Kellner, 56 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng ở tiểu bang Alaska, Mỹ hôm 27/3. Theo Forbes, Ông Kellner là doanh nhân nổi bật ở Czech từ những năm 1990, với tài sản ước tính khoảng 17,5 tỷ đô la Mỹ. Cảnh sát Alaska cho biết 5 người thiệt mạng và một người bị thương trong vụ rơi trực thăng. Tất cả đều là vận động viên trượt tuyết đang tham gia chuyến du lịch ở nước ngoài [Reuters].
Mỹ đình chỉ thương mại với Myanmar. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 29/3 thông báo rằng Hoa Kỳ đình chỉ mọi hoạt động giao thương với Myanmar đến khi chính phủ dân cử ở nước này được khôi phục. Cụ thể, Bà Tai thông báo đình chỉ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư được Washington và Naypyidaw ký năm 2013 [Reuters].
Bắc Kinh lớn tiếng cảnh báo phương Tây. Phát ngôn viên chính quyền Tân Cương Xu Guixiang ngày 29/3 nói rằng “kỷ nguyên bắt nạt” Trung Quốc đã qua sau khi H&M và các hãng thời trang phương Tây như Nike và Adidas lên tiếng về “lao động cưỡng bức”. Tuyên bố của chính quyền Tân Cương được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Anh áp đòn trừng phạt lên chính quyền Trung Quốc với cáo buộc “chống lưng” cho các hành vi cưỡng bức lao động ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng đã ngay lập tức đáp trả [SCMP].
Nhật – Indonesia tập trận, phản đối Bắc Kinh. Nhật và Indonesia sẽ tổ chức tập trận chung để thể hiện thái độ phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, sau khi Bắc Kinh cho hơn 200 tàu neu đậu ở vùng biển này. Trong một thông cáo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto hôm 28/3 đã nhất trí rằng hai nước sẽ gửi thông điệp “phản đối mạnh mẽ” các động thái của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông [Twitter, SCMP].
Ông Trump nói về ‘biên giới’ và Trung Quốc tại đám cưới. “Biên giới đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất mà mọi người từng chứng kiến. Và những gì mọi người thấy bây giờ, hãy nhân nó lên 10 lần”, ông Trump nói tại một bữa tiệc cưới tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Palm Beach, Florida. Ông cũng nói về vị thế của Mỹ hiện tại trong mắt Bắc Kinh. “Trung Quốc… họ chưa bao giờ đối xử với chúng ta theo cách đó đúng không? Mọi người đã thấy những gì đã xảy ra vài ngày trước chứ? Thật là khủng khiếp”, ông Trump nói, đề cập tới cuộc hội đàm Mỹ – Trung tại Alaska diễn ra vào ngày 18-19/3. Trong cuộc họp này, quan chức TQ Dương Khiết Trì đã lớn tiếng chỉ trích gay gắt chính quyền Mỹ [TMZ].