Tin Thế Giới – 28/12/2014
Tạm ngưng tìm kiếm phi cơ AirAsia của Nam Dương chở 162 người mất tích ngoài khơi ND
Công tác tìm kiếm chiếc phi cơ QZ8501 của AirAsia từ trên không đã tạm ngưng do trời tối, nhưng một số tàu thuyền vẫn đang cố gắng lần tìm dấu vết của chiếc máy bay, hãng tin AP nói.
Tin tức xác nhận rằng tới nay, chừng 11 giờ đồng hồ sau khi QZ8501 mất liên lạc, công tác tìm kiếm trên không phải tạm ngưng do thời tiết xấu và tầm nhìn kém.
Hiện người ta vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay.
Chuyến bay từ Indonesia sang Singapore với 162 người trên khoang mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào khoảng 6:20 sáng giờ địa phương (23:20 GMT) Chủ Nhật 28/12 khi đang trên vùng biển Java.
Chiếc Airbus A320-200 trước khi biến mất đã không phát ra tín hiệu bất thường nào.
Trong khu vực đang có thời tiết xấu và chiến dịch tìm kiếm đã được tạm ngưng do trời về đêm.
Các máy bay từ Indonesia và Singapre đã rà soát khu vực biển giữa Kalimantan và Java.
Chiếc phi cơ rời thành phố Surabaya của đông Java vào lúc 05:20 sáng giờ địa phương (22:20GMT) và lẽ ra sẽ tới Singapore vào lúc 08:30 sáng (00:30 GMT).
Chiếc phi cơ mất tích đã yêu cầu được “đổi hướng bay” so với đường bay đã định do mây quá dày đặc, AirAsia nói.
Bộ Giao thông Indonesia nói viên phi công đã yêu cầu cho phép bay lên độ cao 38.000 bộ (11 ngàn mét) để tránh mây.
Hiện người ta chưa tìm được bất kỳ mảnh vỡ nào, một quan chức Indonesia nói với BBC.
Giới chức Malaysia cũng đưa ra thông tin tương tự.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Liow Tiong Lai, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Tới lúc này, đã có rất nhiều đồn đoán về việc đã tìm thấy chiếc máy bay. Nhưng tới lúc này thì đó là các tin không đúng. Tới lúc này, chúng tôi vẫn đang tìm kiếm chiếc máy bay.”
AirAsia, hãng hàng không giá rẻ nắm 49% cổ phần của AirAsia Indonesia, là hãng có trụ sở chính tại Malaysia và chưa từng mất một chiếc máy bay nào.
Tuy nhiên, 2014 là một năm khó khăn cho ngành hàng không Á châu.
Hãng hàng không quốc gia Malaysia đã bị hai vụ tổn thất lớn, gồm chuyến bay MH370 và MH17.
Chuyến bay MH370 biến mất khi đang đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hồi tháng Ba, mang theo 239 hành khách và phi hành đoàn. Xác máy bay được cho là ở khu vực Ấn Độ Dương nhưng tới nay vẫn chưa xác định được vị trí.
MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine hồi tháng Bảy, giết chết toàn bộ 298 người trên khoang.
Giới hữu trách đã giảm bớt công tác tìm kiếm tại biển Java vào đêm 28/12 (giờ địa phương) và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm toàn diện vào rạng sáng thứ Hai.
Chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ rời thành phố Surabaya của Indonesia để tới Singapore, và đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu khi bay được gần nửa chặng.
Indonesia cho biết các tàu bè vẫn sẽ ở lại khu vực tìm kiếm qua đêm, và sẽ sử dụng đèn siêu sáng để tìm kiếm trên bề mặt biển trong khi các chuyến bay tìm kiếm ngưng lại cho tới rạng sáng Thứ Hai.
Trước khi mất liên lạc, phi công đã yêu cầu đài kiểm soát không lưu ở Jakarta cho phép tăng độ cao khoảng 1,800 mét để tránh thời tiết xấu.
Thông cáo của hãng AirAsia nói rằng chiếc Airbus A320-200 có 149 hành khách Indonesia trên khoang, cùng với 3 người Hàn Quốc. Singapore, Malaysia và Anh mỗi nước có một công dân trên khoang. Phi hành đoàn gồm 6 người Indonesia và một phi công phụ người Pháp.
Bộ trưởng Giao thông Indonesia cho biết quân đội nước này cùng với cơ quan cứu hộ Singapore đã tham gia cùng các đội tìm kiếm.
Các tàu thuyền trong khu vực cũng đã được yêu cầu thông báo cho giới hữu trách Indonesia bất kỳ thông tin nào liên quan tới chiếc máy bay, và hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ, nếu cần.
Chi nhánh của AirAsia ở Indonesia điều hành chiếc máy bay mất tích.
AirAsia là hãng hàng không giá rẻ có trụ sở đặt ở Malaysia, và cũng có các chuyến bay sang Việt Nam.
Sau khi tai nạn xảy ra, các trang của AirAsia trên các trang mạng xã hội đã thay avatar màu xám, thay vì màu đỏ như thường lệ.
Giám đốc điều hành công ty Tony Fernandes đã lên mạng xã hội để an ủi các nhân viên của hãng.
“Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thử thách kinh khủng này”, ông Fernandes viết trên Twitter. Ông nói thêm rằng ông đang trên đường tới Surabaya.
Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng lên Twitter và khuyên các thân nhân của các hành khách chuyến bay xấu số “cứng cỏi” trong hoàn cảnh này.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Obama đã được thông báo về vụ máy bay rơi, và các quan chức Mỹ “sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”.
Theo thông báo trên trang Facebook của AirAsia Vietnam, trong số 155 hành khách trên khoang có 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.
Hãng hàng không AirAsia đã thành lập Trung tâm Cứu nạn khẩn cấp dành cho các gia đình, thân nhân của những hành khách có mặt trên chuyến bay QZ8501.
Cơ trưởng của chuyến bay này đã thực hiện 6,100 giờ bay, và cơ phụ có kinh nghiệm lái 2,275 giờ bay.
Máy bay thực hiện chuyến QZ8501 được bảo dưỡng lần cuối vào ngày 16 tháng 11 năm 2014.
Vài phút trước khi máy bay mất tích, phi công đã xin phép trạm không lưu ở Jakarta đổi kế hoạch bay, bằng cách bay cao hơn, do điều kiện thời tiết quá xấu. Theo thông báo của hãng Air Asia, mọi liên lạc với chiếc Airbus đã bị mất khi máy bay còn nằm dưới sự kiểm soát của Cục Giao thông Hàng không Indonesia.
Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo khẳng định là chiếc máy bay của Air Asia rất tốt, vừa được bảo trì ngày 16/11 vừa qua, nhưng điều kiện thời tiết lúc ấy thì rất xấu. Ông cho biết là các nỗ lực tìm kiếm hiện tập trung ở khu vực nằm giữa đảo Belitung với Kalimantan, bên bờ phía Tây đảo Borneo, tức là nằm giữa lộ trình dự kiến của máy bay mất tích.
Không quân Indonesia cho biết đã điều động hai phi cơ để tìm kiếm máy bay mất tích. Singapore cũng đề nghị cho không quân và hải quân của nước này tham gia tìm kiếm.
Chiếc máy bay mất tích hiện do hãng Air Asia Indonesia khai thác. Hãng này là chi nhánh của Air Asia, trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia, hiện chiếm hạng đầu trong số các hãng máy bay giá rẻ ở Đông Nam Á.
Đây là lần đầu tiên máy bay của Air Asia gặp tai nạn như vậy, nhưng là vụ thứ ba có liên quan đến một hãng hàng không Malaysia trong năm nay. – BBC, VOA, RFI
Chính phủ Syria và phe đối lập dự định gặp nhau tại Nga
Chính phủ Syria cho biết họ sẵn sàng gặp phe đối lập tại Moscow, Nga, nhằm tìm giải pháp chấm dứt gần 4 năm xảy ra cuộc nội chiến tại nước này.
Bộ Ngoại giao Syria hôm qua 27/12, cho biết sẵn sàng tham gia “một cuộc gặp tham vấn và sơ bộ” ở Nga nhằm tìm một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, vẫn còn các trở ngại cần phải vượt qua trước khi hai bên tìm được một giải pháp hòa bình.
Nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, hiện kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria, vẫn chưa tham gia bất kỳ sáng kiến nào nhằm chấm dứt nội chiến.
Các nhóm đối lập khác nhau chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức hồi đáp về cuộc họp với các quan chức Syria ở Moscow.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc họp “không chính thức” giữa chính quyền Syria và phe đối lập dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 1.
Các nỗ lực trước đây trong năm nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, trong đó có hai vòng đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, đạt được ít tiến bộ. – VOA
Nhật Bản sẽ ra luật để đẩy nhanh việc triển khai quân ở nước ngoài
Nhật Bản dự trù soạn thảo một luật nhằm đẩy nhanh việc triển khai quân ở nước ngoài để tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình và yểm trợ các đồng minh. Hành động này có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Tokyo với các nước láng giềng, vốn vẫn không quên quá khứ quân phiệt của Nhật.
Theo báo chí Nhật ngày 28/12/2014, Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Tự do Dân chủ của ông dự trù vào đầu năm tới sẽ soạn thảo một đạo luật nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn về mặt thủ tục hành chính cho việc triển khai quân đội ở nước ngoài.
Nhưng báo chí Nhật cho biết là Đảng Tự do Dân chủ còn phải thuyết phục đảng liên minh Komeito, vì đảng này cho tới nay vẫn do dự không muốn thông qua một bộ luật như vậy.
Vừa được bầu lại làm thủ tướng trong tháng này, ông Shinzo Abe đang muốn mở rộng vai trò của quân đội Nhật trong khuôn khổ bản Hiến pháp hòa bình do Hoa Kỳ áp đặt lên nước này sau Thế chiến thứ hai. Ông Abe muốn quân đội Nhật được quyền yểm trợ các đồng minh như Hoa Kỳ, nếu lực lượng Mỹ bị tấn công.
Thủ tướng Abe và Đảng Tự do Dân chủ thậm chí còn muốn sửa đổi Hiến pháp Nhật, nhưng đây là vấn đề đang gây chia rẽ dư luận Nhật và làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, vẫn thường xuyên lên án Tokyo là không chịu nhìn nhận quá khứ xâm lược của Nhật ở châu Á.
Thật ra thì việc mở rộng vai trò của quân đội Nhật một phần cũng chính là do áp lực của Mỹ. Cho tới nay, viện cớ bản Hiến pháp hoà bình, Tokyo vẫn đóng góp rất ít về mặt quân sự vào các chiến dịch quân sự trên thế giới. – RFI
Tin Hoa Kỳ
Mỹ, NATO chính thức kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan
Hoa Kỳ và NATO hôm nay chính thức chấm dứt 13 năm tác chiến ở Afghanistan bằng một buổi lễ tại trụ sở quân đội của họ ở Kabul.
Vì lý do an ninh, ít thông tin chi tiết được công bố trước khi diễn ra buổi lễ này.
Khoảng 13.000 binh sĩ vẫn sẽ ở lại Afghanistan để giúp huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng của chính phủ Afghanistan.
Sau khi binh sĩ Mỹ và NATO rút đi, lực lượng của Afghanistan sẽ đảm trách các chiến dịch tác chiến và đảm bảo an ninh ở nước này.
Một cư dân ở thủ đô Kabul nói ông tự hào và hài lòng về khả năng của các lực lượng an ninh Afghanistan.
Lúc cao điểm, có khoảng 140.000 binh sĩ của 50 quốc gia tham gia vào chiến dịch tại Afghanistan.
Gần 3.500 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng trong cuộc chiến từ năm 2001. Nhưng tổn thất nhân mạng của quân đội và cảnh sát Afghanistan nặng nề hơn nhiều, với hơn 4.600 người thiệt mạng chỉ tính trong 10 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, theo Liên Hiệp Quốc, số nạn nhân thường dân trong năm nay đã tăng 19%, với gần 3.200 người chết tính đến cuối tháng 11.
Sau 13 năm tham chiến ở Afghanistan, lực lượng khối NATO chính thức rút khỏi quốc gia hiện vẫn đối phó với phiến quân Taliban.
Nhiệm vụ bảo đảm an ninh sẽ do quân đội Afghanistan, với khoảng 350 ngàn binh lính, đảm trách. Từ ngày 01/01/2015, khối NATO sẽ chỉ đảm trách việc trợ giúp và huấn luyện quân đội Afghnistan.
Nhưng nếu như khối NATO hạ cờ ở Kabul, thì phe taliban vẫn không buông súng. Phát ngôn viên của lực lượng này tuyên bố rằng 13 năm hoạt động của quân đội Mỹ và NATO tại Afghanistan là một thất bại “tuyệt đối”.
Hàng tỷ đôla mà quốc tế viện trợ cho Afghanistan từ năm 2001 cho đến nay đã không mang lại hiệu quả mong muốn do nạn tham nhũng nặng nề tại nước này.
Sau cuộc bầu cử tổng thống 2014, Ashraf Ghani đã giành thắng lợi trước đối thủ Abdullah Abdullah, nhưng đã ba tháng kể từ khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, hai ông vẫn chưa đồng ý với nhau về thành phần chính phủ “đoàn kết dân tộc”.
Về phần phe Taliban thì hy vọng lợi dụng tình hình này để duy trì thế mạnh trong trường hợp có đàm phán với chính phủ mới ở Kabul. Nhưng cùng lúc đó, lực lượng này trong những tuần qua đã liên tục tấn công vào nhà riêng của người ngoại quốc, các đoàn xe ngoại giao, xe bus của quân đội và tấn công cả vào trung tâm văn hóa Pháp ở Kabul.
Về phần lực lượng Mỹ thì từ đây đến cuối năm 2015 sẽ chỉ còn phân nửa quân ở Afghanistan và đến cuối năm 2015, sẽ chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ để bảo vệ đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul.
Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục yểm trợ trên không cho quân đội Afghanistan và có thể can thiệp trực tiếp nếu lực lượng Taliban tiến quá nhanh. – VOA, RFI