Tin Thế Giới – 27/4/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 27/4/2015

Thủ tướng Nhật Bản thăm Hoa Kỳ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có mặt tại thành phố Boston vào lúc bắt đầu chuyến viếng thăm 4 thành phố ở Mỹ, bao gồm cuộc hội kiến với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào ngày mai và một bài diễn văn chưa từng có trước đây trước phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày thứ tư. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, chuyến viếng thăm nêu bật mối quan hệ tốt đẹp giữa Washington với Tokyo vào lúc kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt.

Chuyến viếng thăm của thủ tướng Abe diễn ra trong lúc các giới chức cao cấp của Mỹ và Nhật Bản hoàn tất những văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng để phản ảnh vai trò lớn hơn của Nhật Bản trong công tác bảo vệ an ninh cho chính quốc gia của họ. Ông Evan Madeiros, Giám đốc Châu Á sự vụ của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, hôm thứ sáu cho biết văn kiện hướng dẫn được cập nhật lần đầu tiên kể từ năm 1997 sẽ nới rộng đáng kể vai trò của Nhật trong liên minh và cung cấp một cơ chế để Nhật Bản hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng của Mỹ.

Trong cuộc diễn thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Đại sứ Nhật tại Hoa Kỳ, ông Kenichiro Sasae, nói rằng hướng dẫn mới sẽ được tiếp nối bằng công tác lập pháp về an ninh phù hợp với quyết định hồi năm ngoái của nội các để thay đổi sự diễn giải bản hiến pháp chủ hoà nhằm cho phép Nhật Bản tiến hành những hoạt động quân sự hỗn hợp để tự vệ.

“Đối với Nhật Bản, sự thay đổi trong tư duy của chúng tôi về công cuộc phòng thủ chung là một sự thay đổi vô cùng to lớn. Thay đổi này diễn ra sau khi có sự tin tưởng lẫn nhau trong 70 năm và hoạt động lập pháp của chúng tôi sẽ thiết lập một khung sườn để Nhật Bản cộng tác thêm nữa với Hoa Kỳ.”

Giáo sư Jefferey Kingston, một chuyên gia về các vấn đề Châu Á của Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng sáng kiến của Thủ tướng Abe về “chủ nghĩa hoà bình chủ động” là một sự chuyển đổi hết sức lớn lao trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Ông nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên do chính dẫn tới sự thay đổi này.

“Vào năm 1997, ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 10 tỉ đô la. Năm ngoái, con số này đã lên tới 144 tỉ và có rất nhiều những hành động quyết liệt về vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. Cho nên, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những mối quan tâm về tham vọng bá quyền của họ ở Châu Á đang đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản tới gần nhau hơn. Và ông Abe rất muốn có được một sự cam kết của Hoa Kỳ để hậu thuẫn cho Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một tình huống bất ngờ liên quan tới những hòn đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông.”

Tuy nhiên, ông Kingston cho biết sự ủng hộ của dân chúng Nhật Bản đối với chủ nghĩa hoà bình chủ động rất yếu ớt: với 23% tán đồng và 68% chống đối. Ông nói rằng những cam kết trong văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng vượt khỏi sự ủng hộ của quốc hội và công chúng Nhật Bản và điều đó có thể tạo ra căng thẳng giữa hai nước. – VOA

Tử vong trong trận động đất ở Nepal lên tới hơn 3.700 người – Hy vọng tìm được người sống sót phai dần

Tại Nepal hy vọng tìm được người sống sót trong trận động đất phai dần giữa lúc quốc gia nhỏ bé này phải vất vả đối phó với những vấn đề sau trận động đất làm hơn 3.700 người thiệt mạng. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha tại trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở New Dehli, những toán cứu hộ đang vội vã đến với những người cần được cứu trợ, giữa những lo ngại về dịch bệnh và thiếu thực phẩm và nước uống.

Hơn 48 giờ đồng hồ sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển Nepal, những người chịu ảnh hưởng cầu nguyện và chờ tin tức về thân nhân giữa lúc các toán cứu hộ dùng mọi phương tiện từ cuốc chim cho đến tay không để đào bới các đống đổ nát.

Một cặp vợ chồng trẻ ở Kathmandu nói với các phóng viên về việc họ ra khỏi nhà như thế nào khi trận động đất chôn vùi nhà của họ ngày thứ Bảy vừa qua. Ngày hôm nay vẫn không có tin tức gì về hai đứa con nhỏ họ để lại.

Tuy nhiên người cha kiên nhẫn chờ trên những đống đổ nát.

Ông nói ông muốn tìm hai đứa con, chết hay sống, mà vẫn chưa làm được.

Thủ đô Nepal và những thị trấn khác đều có những câu chuyện đau lòng như vậy. Ngày hôm nay những lễ hoả táng tập thể được thực hiện giữa lúc con số tử vong tiếp tục gia tăng.

Các nỗ lực cứu trợ tiến hành chậm chạp sau khi trận động đất chết người và những dư chấn mạnh làm hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Đây là trận động đất tệ hại nhất trong ký ức của hầu hết người Nepal.

Quốc vụ khanh Lila Mani Poudyal của Nepal kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. Bà nói rằng Nepal cần mọi thứ từ thực phẩm khô cho đến lều trại và thuốc men, cùng các toán chuyên viên để đối phó với tình hình sau trận động đất.

Những trại khổng lồ với các lều vải được dựng lên tại những thị trấn chính, nhưng những sự giúp đỡ tương tự chưa đến được những vùng xa xôi hẻo lánh.

Nước láng giềng Ấn Độ đã nhanh chóng phái binh lính và nhân viên cứu hộ để giúp việc tiếp cứu và những nỗ lực cứu trợ, nhưng điều này không dễ dàng đối với các toán cứu trợ quốc tế khác đến Nepal vì những xáo trộn và tắc nghẽn tại phi trường quốc tế nhỏ và duy nhất của Nepal.

Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói về giao thông dày dặc trên các xa lộ dẫn đến Kathmandu.

“Chúng tôi được tin là các con đường được mở, nhưng xe cộ di chuyển rất chậm, tắc nghẽn vì quá nhiều xe…chúng tôi đang theo dõi tình hình, nhưng đây là một tình hình rất khó khăn.”

Việc thiếu thốn các nhu cầu căn bản ngày càng tăng là một thách thức cho hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa không có tiền bạc và áo quần. Bên ngoài các trạm xăng là đoàn người xếp hàng dài dằng dặc. Nước uống thiếu và giá thực phẩm tăng cao tại quốc gia nằm giữa lục địa này mà hầu hết các nhu cầu được chở bằng xe từ Ấn Độ.

Một phụ nữ Ấn Độ đã thoát khỏi thủ đô Nepal nói thật là đau lòng khi chứng kiến những đau khổ của quốc gia nghèo khó này.

Bà nói có rất ít sự giúp đỡ, mọi người dân đều ở trên đường, tất cả Kathmadu đều đổ xô ra đường.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc nói có gần một triệu trẻ em đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp.

Các cư dân thủ đô Nepal đêm qua đã phải ngủ lại trên đường phố vì lo sợ xảy ra thêm các cơn dư chấn sau trận động đất.

Ông Milan Rasieli, một cư dân ở Kathmandu, cho biết:

“Tôi đã ở đây ba ngày qua, nhưng chính quyền vẫn chưa làm gì cả. Tối qua mưa rơi và tất cả chúng tôi đều bị ướt nhẹp, kể cả trẻ em. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền giúp đỡ, nhưng họ cứ nói là sẽ tới trong nửa giờ đồng hồ nữa, nhưng mà chẳng ai tới cả”.

Các hệ thống thông tin liên lạc từ các vùng nông thôn đã bị trận động đất cắt đứt.

Con số thương vong dự kiến sẽ còn tăng khi liên lạc được thiết lập tới các vùng này.

Ông Matt Darvas, điều phối viên của nhóm đối phó với thảm họa động đất của tổ chức World Vision nói:

“Thật là hết sức khó khăn. Kể cả lúc yên bình nhất, những ngôi làng này cũng rất khó tiếp cận. Có những đường đất mà chỉ xe kéo 4 bánh mới có thể đi qua. Họ quen với nhiều trận lở đất mỗi năm, và mỗi một trận có thể làm cho một con đường bị chặn ngay lập tức, khiến cho một ngôi làng hoàn toàn bị cô lập. Những ngôi làng đó nằm cheo leo trên các sườn núi và vách đá.”

Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật rằng các quan chức cứu hộ ở Kathmandu nói rằng họ “quá tải” với các yêu cầu hỗ trợ và cứu hộ trên khắp cả nước.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm thứ Bảy, cách Kathmandu 80 km về phía tây bắc, phá hủy phần lớn trung tâm lịch sử của thủ đô.

Cơn dư chấn mạnh 6,7 độ richter xảy ra hôm Chủ Nhật nằm trong số ít nhất 18 cơn chấn động với cường độ nhỏ hơn làm rung chuyển Kathmandu kể từ thứ Bảy.

Trận động đất làm rung chuyển vùng đồi trước trưa thứ Bảy, giờ địa phương, san bằng các di tích lịch sử, cổ kính, xây bằng gạch và gỗ tại thủ đô.

Tin cho hay, ít nhất 180 người đã thiệt mạng khi ngọn tháp mang tính biểu tượng của thành phố là Dharahara, một di sản thế giới của UNESCO, đổ sập.

Về phía đông thủ đô Kathmandu, các trận lở tuyết đã làm rung chuyển núi Everest, điểm cao nhất trên thế giới, làm ít nhất 18 người leo núi thiệt mạng và chôn vùi toàn bộ các địa điểm cắm trại dưới chân núi.

Nhiều người thiệt mạng ở Ấn Độ. Bangladesh, Bhutan và một số nơi dọc theo vùng biên giới hẻo lánh giữa Nepal và Trung Quốc cũng thông báo thêm về thương vong.

Hoa Kỳ đã ngay lập tức cam kết khoản cứu trợ thảm họa 1 triệu đôla và triển khai nhóm cứu hộ động đất tinh nhuệ có trụ sở ở Virginia.

Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết ba tấn hàng cứu trợ và 40 thành viên của nhóm ứng phó thảm họa quốc gia của nước này đã bay tới Nepal. Nước này cũng đang tiến hành sơ tán công dân bằng đường hàng không.

Trung Quốc, Đức, Canada và Israel nằm trong số các quốc gia triển khai các nhân viên ứng phó thảm họa tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Trận động đất xảy ra hôm thứ Bảy mạnh nhất ở Nepal trong vòng 81 năm. Năm 1931, một cơn địa chấn mạnh hơn đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng. – VOA

TT Afghanistan thăm Ấn Độ sau khi bắt nhịp cầu với Pakistan, TC

Chuyến đi thăm Ấn Độ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm nay đã bị hoãn lại vài tiếng đồng hồ sau khi xảy ra giao tranh ác liệt tại miền bắc Afghanistan. Chuyến đi của ông Ghani đến New Delhi hy vọng sẽ mang lại kết quả là Ấn Độ mở rộng vòng tay với nhà lãnh đạo mới của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tổng thống Afghanistan đã củng cố quan hệ với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan và TC. Thông tín viên Anjana Pasricha tường thuật từ thủ đô Ấn Độ.

Dù Ấn Độ đã xây dựng được mối liên hệ đáng kể trong suốt thời gian cai trị của cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hiện nay sẽ gặp nhà lãnh đạo Afghanistan, người đã ra chỉ dấu cho thấy có những ưu tiên mới khi ông đi thăm Bắc Kinh và Islamabad trước khi đến New Delhi.

Một số nhà phân tích nói Kabul thất vọng vì Ấn Độ đã chậm chạp đối với yêu cầu của Afghanistan về cung cấp trang bị quân sự và trợ giúp chiến đấu trong nhiệm kỳ của ông Karzai.

Trong tháng này Ấn Độ đã chuyển giao cho Kabul 3 máy bay trực thăng quân sự, nhưng không đồng ý về một danh sách dài các khí tài quân sự trong đó có cả xe tăng.

Giới lãnh đạo mới ở Kabul được biết đã ngưng yêu cầu này lại. Tổng thống Ghani cũng đã có thay đổi đáng kể trong mối quan hệ với Pakistan. Việc này đưa đến một số quan ngại là Ấn Độ đang mất dần ảnh hưởng đối với Afghanistan.

Ông Manoj Joshi, thuộc Quỹ Nghiên cứu Người quan sát tại New Delhi, nói Afghanistan không thể không cần sự hỗ trợ của Pakistan trong những cuộc thương thuyết với phe nổi dậy Taliban.

“Ấn Độ có những giới hạn về mặt địa lý. Thứ hai là việc những quốc gia như Hoa Kỳ vào lúc này có lẽ quyết định nỗ lực thuyết phục Pakistan đóng một vai trò tích cực. Do đó tôi nghĩ Ấn Độ đã có một bước lùi. Tuy nhiên điểm chính là vai trò của Ấn Độ luôn luôn có giới hạn.”

Tuy nhiên, những chuyên gia như ông Joshi cũng nói là sự lo ngại về việc Ấn Độ bị gạt ra bên lề tại Afghanistan đã bị phóng đại quá đáng vì New Delhi sẽ tiếp tục có vai trò chính yếu trong việc tái thiết Afghanistan.

Trong 15 năm qua, Ấn Độ đã tiêu 2 tỉ đô la để xây dựng đường xá, xa lộ, những đường giao thông khác, trường học và ngay cả tòa nhà quốc hội Afghanistan.

Ông Sukh Deo Muni là một nhà phân tích về Nam Á thuộc Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng tại New Delhi cho biết:

“Ấn Độ có vai trò trong lãnh vực phát triển. Ấn Độ có vai trò về mặt củng cố khả năng của Afghanistan bằng cách huấn luyện nhân sự và những phương thức khác để trợ giúp cho nước này.”

New Delhi cũng có thể loan báo những biện pháp như hợp tác nhiều hơn nữa trong việc huấn luyện các lực lượng phòng vệ Afghanistan.

Hai bên cũng sẽ thảo luận về những hiệp ước quá cảnh có thể giúp phát triển mậu dịch. New Delhi đã ra chỉ dấu muốn tham gia thỏa thuận quá cảnh song phương giữa Kabul và Islamabad có thể nối liền Ấn Độ với Afghanistan xuyên qua Pakistan, nhưng mối quan hệ không thuận lợi với Islamabad có thể là một trở ngại.

New Delhi cũng hy vọng sớm ký được một thỏa thuận với Tehran để phát triển Cảng Chabahar ở vùng đông nam Iran. Cảng này có thể giúp Ấn Độ tiếp cận được Afghanistan nằm trong đất liền và vùng Trung Á qua ngả Iran.

Môn cricket được say mê tại Nam Á cũng sẽ được thảo luận. Nhà lãnh đạo Afghanistan muốn Ấn Độ xây dựng một sân vận động để Kabul có thể tổ chức được những trận đấu cricket. Afghanistan là quốc gia mới nhất trong số các nước mà môn cricket được cả nước hâm mộ. – VOA

Tin Hoa Kỳ
Đài ABC: Mỹ đang duyệt xét về chính sách trả tiền chuộc con tin

Một hệ thống truyền hình Mỹ tường thuật rằng chính quyền Tổng thống Obama đang duyệt xét một thay đổi quan trọng trong chính sách, liên quan đến việc trả tiền chuộc các con tin người Mỹ.

Kênh truyền hình tin tức ABC, hôm Chủ nhật loan tin rằng những gia đình tìm cách điều đình trả tiền chuộc cho thân nhân bị cầm giữ ở nước ngoài sẽ không còn bị truy tố về tội giao dịch với khủng bố.

Theo ABC, sự thay đổi này là do khuyến nghị của nhóm cố vấn Toà Bạch Ốc – Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia

Một viên chức Mỹ nói với đài truyền hình, “Bất cứ thân nhân của một người Mỹ bị giữ làm con tin ở nước ngoài, chính họ sẽ hoàn toàn không còn phải đối mặt với án tù hay thậm chí bị đe doạ truy tố vì tìm cách giải thoát cho người thân.”

Bà Diana Foley, mẹ của ông James Foley, ký giả bị nhóm Nhà nước Hồi giáo chặt đầu hồi năm ngoái, nói với đài ABC rằng các viên chức Mỹ đe dọa gia đình bà là họ sẽ vi phạm các tội hình sự nếu tìm cách quyên tiền để giải thoát cho con.

Toà Bạch Ốc bác bỏ các lời cáo buộc và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Jonh Kerry nói ông “thực sự sửng sốt” về lời tố cáo này.

Chính quyền Tổng thống Obama chưa bình luận gì về tường thuật của đài ABC. – VOA