Tin Thế Giới – 26/11/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 26/11/2014

Thủ lĩnh sinh viên Joshua Wong bị bắt, cảnh sát Hồng Kông cố giải tỏa thêm một địa điểm biểu tình

Hai thủ lĩnh sinh viên Hong Kong bị bắt giữ khi nhà chức trách với trát tòa bắt đầu giải tán trại biểu tình ở khu vực buôn bán Mong Kok. Hai người này là Joshua Wong và Lester Shum. Kể từ hôm thứ Ba, tin tức nói gần 150 người đã bị tạm giữ.

Trong một diễn biến khác, 7 cảnh sát bị quay phim đánh một người biểu tình hồi tháng 10, đã bị bắt. Cảnh sát Hong Kong nói họ bị tạm giam vì nghi ngờ đã hành hung người khác.

Xô xát xảy ra khi nhà chức trách với trát tòa bắt đầu giải tán trại biểu tình ở khu vực buôn bán Mong Kok. Quá trình này diễn ra một cách hòa bình trong ngày thứ Ba, nhưng chuyển thành bạo lực khi con số người biểu tình gia tăng. Cảnh sát đã phải dùng dùi cui và hơi cay để dẹp người biểu tình trên các phố xung quanh đường Nathan.

Chiến dịch giải tán trại biểu tình ở Mong Kok tiếp tục trong sáng thứ Tư 26/11. Tòa đã phát lệnh giải tỏa các khu phố Argyle và Dundas. Sau khi nhân viên thừa phát lại đọc cảnh báo, các công nhân đã bắt đầu dỡ các tấm gỗ và các nguyên vật liệu khác. Ai cản trở việc này đều có thể bị bắt, theo phán quyết của tòa.

Người biểu tình bắt đầu xuống đường từ đầu tháng Mười để đòi quyền tự do bầu chọn người đứng đầu Hong Kong năm 2017.

Khi bắt đầu hồi tháng Mười, cuộc biểu tình thu hút hàng chục nghìn người tham gia, nhưng con số nay xuống chỉ còn vài trăm cho dù cuộc thương lượng giữa hai bên vẫn còn chưa ngã ngũ.

Bước sang ngày thứ 60, phong trào bất phục tùng dân sự và đòi cải cách dân chủ tại Hồng Kông vẫn còn chiếm giữ 3 địa điểm.

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình:

“Chỉ riêng trong ngày hôm qua, đã có 116 người bị bắt giữ, thế nhưng, trên thực địa, các nhân viên thi hành án vẫn không thể hoàn tất được nhiệm vụ của mình. Họ cố gắng thực hiện hai mệnh lệnh của Tòa án tối cao, sau khi có đơn kiện của một công ty xe taxi và một công ty xe khách loại nhỏ, yêu cầu tư pháp cho giải tỏa một phần khu phố và một ngã tư.

Tình hình tối qua căng thẳng. Cảnh sát đã nhiều lần dùng hơi cay để giải tán người biểu tình. Đa số những người biểu tình bị giải tán theo hai lệnh của tư pháp, lại chuyển sang chiếm giữ một khu phố bên cạnh, nơi đã được giải tỏa từ tháng trước.

Hôm nay, những người chống lại phong trào biểu tình chiếm giữ đường phố, được gọi là những người yêu nước vì trung thành với Bắc Kinh, đầu đội mũ đỏ, mặc áo T-shirt in dòng chữ Tôi yêu Hồng Kông, có hình một trái tim mầu đỏ rất to trên ngực, đã hỗ trợ các nhân viên thi hành án, gỡ bỏ các hàng rào do người biểu tình mới lập ra.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), người trẻ nhất và kiên quyết nhất trong số các lãnh đạo mong phong trào biểu tình kêu gọi mọi người tiếp tục chiếm giữ đuờng phố. Hôm nay, anh đã bị bắt cùng với Sầm Ngao Huy (Lester Shum), lãnh đạo số hai của liên đoàn sinh viên.

Kể từ khi bắt đầu vào ngày 28/09, phong trào biểu tình không đạt được một sự nhượng bộ nào của chính quyền”. – BBC, RFI

Rối loạn ở Ferguson sang đến đêm thứ nhì, biểu lộ sự chia rẽ chủng tộc ở Mỹ – Một cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Việt bị thiêu rụi 

Công chúng Mỹ có ý kiến bất đồng đối với việc một đại bồi thẩm đoàn quyết định không khởi tố cảnh sát viên da trắng bắn chết thiếu niên da đen tay không ở thành phố Ferguson. Một số người tức giận trước điều mà họ cho là sự bất công đối với người Mỹ gốc Phi châu, trong khi những người khác hô hào cho sự tôn trọng các thủ tục pháp lý. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, vụ này đã bộc lộ những mối căng thẳng chủng tộc còn tồn tại trong xã hội Mỹ.

Thống đốc Missouri hôm qua đã ra lệnh điều động thêm binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến Ferguson, trong lúc các tổ chức của người Mỹ gốc Phi châu trên cả nước bày tỏ sự chống đối đối với điều mà họ gọi là sự bất công chủng tộc còn tồn tại trong xã hội.

Ông William Barber, Chủ tịch Phân hội Raleigh của Hiệp hội Thăng tiến Quyền lợi Người Da màu Toàn quốc (NAACP), phát biểu như sau:

“Chúng ta không thể tiếp tục để cho đám tang này nối tiếp đám tang kia, vụ giết hại này nối tiếp vụ giết hại kia.”

Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại hơn 170 thành phố trên cả nước, kể cả New York, để phản đối quyết định của đại bồi thẩm đoàn. Nhiều người biểu tình nói rằng họ xuống đường để thu hút sự chú ý của mọi người đối với một vấn đề rộng lớn hơn. Một người biểu tình ở New York phát biểu như sau:

“Tôi biết là nhiều người trong chúng tôi xuống đường vì vụ Michael Brown, nhưng thiếu niên này chỉ là một trong hàng ngàn nạn nhân.”

Các sinh viên của Đại học Indiana đã cử hành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Michael Brown trong lúc một số học sinh trung học ở Minneapolis tự ý rời khỏi phòng học để phản đối quyết định của bồi thẩm đoàn.

Những người biểu tình ở Los Angeles bày tỏ sự phẫn nộ về cách đối xử của cảnh sát với người Mỹ gốc Phi châu. Một người biểu tình tên Pete White cho biết:

“Tôi không ngạc nhiên. Chắc chắn là như vậy. Ở nước Mỹ, cảnh sát da trắng đang giết người và nhân viên bảo vệ da trắng đang giết người da đen 24 giờ đồng hồ mỗi ngày. Do đó, điều này không làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng hơn đối với tôi là những người xuống đường sẽ làm gì để ngăn chận những vụ sát hại người da đen và da nâu trong các cộng đồng của chúng ta.”

Lãnh tụ phe Dân chủ ở Hạ viện, bà Nancy Pelosi, bày tỏ thất vọng đối với quyết định của bồi thẩm đoàn và nói rằng còn nhiều việc cần phải làm để giải tỏa sự bất mãn của người Mỹ da đen. Bà nói:

“Tôi nghĩ rằng phản ứng này rõ ràng là cần phải được giải quyết. Ý tôi muốn nói là có một sự tức tối, một sự bất mãn bên trong các cộng đồng của chúng ta về mối quan hệ giữa mọi người.”

Có một điều khá rõ ràng là nhiều người biểu tình cảm thấy tức giận đối với hệ thống chấp hành pháp luật hơn là đối với đại bồi thẩm đoàn gồm 12 cư dân tiểu bang Missouri được tuyển chọn theo cách thức ngẫu nhiên.

Ông Ted Sandquist, một cư dân ở thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky, nhận định như sau về quyết định của bồi thẩm đoàn:

“Tôi cảm thấy như thể mọi việc đã được cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng và đó là một kết quả có tính chất công chính.”

Nhiều người Mỹ hô hào cho những luật lệ mới để cảnh sát giảm bớt việc sử dụng khí giới sát thương.

Bà Debra Mitchell, cư dân ở Louisville, phát biểu như sau.

“Họ có những loại súng gây choáng, súng hơi mà họ có thể dùng. Chúng ta có thể bảo vệ cho mình bằng những cách khác ngoài cách sử dụng sức mạnh gây chết người.”

Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên hiệp quốc hôm qua nói rằng Hoa Kỳ cần xem xét kỹ tới tâm lý nghi kỵ giữa một số sắc dân và ảnh hưởng của các mối quan hệ chủng tộc đối với công tác chấp hành luật pháp.

Thành phố Ferguson đã xảy ra những vụ rối loạn trong đêm thứ nhì và những vụ xuống đường để bày tỏ tình liên đới đã được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp nước.

Hơn 2.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được điều tới Ferguson để ngăn chận những vụ rối loạn. Rối loạn bùng ra tối thứ hai sau khi đại bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố cảnh sát viên Darren Wilson.

Phóng viên Ayesha Tanzeem của đài VOA, đang có mặt ở Ferguson, cho biết những vụ rối loạn đêm thứ ba không dữ dội bằng đêm trước, là lúc có mười mấy ngôi nhà bị đốt cháy:

“Một lý do là Vệ binh Quốc gia có mặt ở nhiều địa điểm. Chúng tôi trông thấy họ bên ngoài sở cảnh sát. Họ đứng đàng sau những toán cảnh sát. Họ không đứng ở đàng trước, nhưng họ mặc trang phục và mang thiết bị chống bạo động và được bố trí theo đội hình chống bạo động và trước mặt họ là một đội hình chỉ huy thống nhất chống bạo động. Họ được bố trí ở nhiều nơi và canh gác những khu vực trọng yếu ở Ferguson và các quận xung quanh.”

Một thời khắc căng thẳng đã xảy ra khuya thứ ba, khi một nhóm người biểu tình đập vỡ cửa kính và nổi lửa đốt cháy một chiếc xe cảnh sát trước Tòa Thị chính Ferguson.

Phóng viên Tanzeem cho biết nhiều nhân viên cảnh sát chống bạo động và Vệ binh Quốc gia đã tới nơi trên những chiếc xe bọc sắt và ra lệnh cho người biểu tình giải tán:

“Họ bắt đầu loan báo là mọi người phải rời khỏi khu vực ngay tức khắc. Khi đó có một người nào đó, mà tôi không biết có phải là cảnh sát hay không, một người nào đó trong đám đông đã xịt hơi cay mắt vào nhiều người, trong đó có một phóng viên của VOA, đồng nghiệp của chúng tôi. Anh này bị xịt thuốc cay mắt rất nhiều. Chúng tôi phải vội vã tìm nhân viên y tế và đưa anh ấy tới nơi an toàn.”

Cảnh sát tuyên bố cuộc tụ tập đó là bất hợp pháp và cảnh báo họ sẽ bắt ngay những ai không chịu giải tán. Sau đó, tất cả những người biểu tình đã giải tán trong vòng nửa giờ đồng hồ.

Cảnh sát trưởng Quận St. Louis Jon Belmar xác nhận tại một cuộc họp báo khuya thứ ba là không có những vụ rối loạn lớn nào khác nữa. Nhưng ông cho biết có 44 người bị bắt trong đêm thứ ba, sau khi có 61 người bị bắt trong đêm trước.

Vụ bắn chết thiếu niên da đen Michael Brown, 18 tuổi, đã làm bùng ra những mối căng thẳng sắc tộc và bộc lộ những sự lo ngại về sự thô bạo của cảnh sát và nạn kỳ thị chủng tộc ở ngoại ô thành phố St. Louis, nơi đa số cư dân là người da den, và ở những nơi khác trên cả nước.

Hôm qua, những người biểu tình đã tuần hành và ngăn chận xe cộ ở nhiều thành phố, trong đó có St. Louis, Cleveland, và Seattle. Tại thủ đô Washington, những người biểu tình đã nằm trên đường trước một sở cảnh sát trong một hành động phản kháng được gọi là “die-in” hay “chết lỳ”. Những người biểu tình ở New York cũng gây gián đoạn cho lưu thông trên các cây cầu và Đường hầm Lincoln. Một số người biểu tình bị bắt.

Tổng thống Barack Obama hôm qua nói rằng những ai phá hoại tài sản là phạm tội hình sự và phải bị truy tố. Nhưng vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ nói thêm rằng ông hiểu được là có nhiều người tức giận vì quyết định của đại bồi thẩm đoàn. Ông nói rằng sự tức tối của những người biểu tình “có gốc rễ sâu xa trong nhiều cộng đồng của người da màu, những người cảm thấy luật lệ của chúng ta không phải lúc nào cũng được chấp hành một cách đồng nhất hay một cách công bằng.”

Một cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Việt đã bị thiêu rụi trong vụ bạo động ở thị trấn Ferguson thuộc tiểu bang Missouri, “gây thiệt hại hàng trăm nghìn đôla”.

Bạo loạn bùng phát ở khu vực ngoại ô thành phố St. Louis hôm 24/11, nơi phần đông người Mỹ gốc Phi sinh sống, sau phán quyết gây tranh cãi của bồi thẩm đoàn.

Thông tin về thiệt hại của người Việt được ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở thành phố St. Louis, thông báo với VOA Việt Ngữ.

Ông Cường cho hay:

“Tôi cũng có liên lạc với các chủ nhân người Việt ở trong vùng đó. Có một tiệm mà chủ nhân là người Việt thì cái tòa nhà của họ đã bị đốt cháy. Người chủ đó là chủ nhân của nhà hàng và của cả tòa nhà đó luôn. Tòa nhà đó theo ước tính là có thể lên tới 500 nghìn đôla, có nghĩa là khoảng nửa triệu Mỹ kim. Đó là cái thiệt hại của họ hiện tại bây giờ. Ngoài ra, thiệt hại lớn nhất đối với doanh nghiệp ở đó là việc giảm đi thu nhập. Từ khi sự việc này xảy ra, việc kinh doanh của họ rất là chậm. Họ không có làm ăn buôn bán gì được cả. Cái đó mới là cái nặng nhất cho các thương gia ở trong khu vực đó”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với người chủ gốc Việt sở hữu cơ sở bị phóng hỏa mà ông Cường nêu.

Ông Phạm Tuấn Phong, một doanh nhân người Việt ở thành phố St. Louis, kể với VOA về những gì mắt thấy tai nghe khi bạo loạn bùng phát:

“Căng thẳng lắm. Những người xấu lợi dụng các cuộc biểu tình, đập các cửa tiệm, đốt cháy, tùm lum hết. Nói chung bạo động rất lớn. Người Việt ở đây cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người bị đốt cháy tiệm. Những nhà hàng nhỏ nhỏ hay tiệm nail thì ở cửa, ở phía trước cửa, người ta phải đóng dán hết. Kể cả đóng, dán thì nó cũng banh ra, nó đập. Khu đó, bữa nay không ai dám mở cửa. Người Việt sống ở đây cũng hơi hoang mang”.

Các cuộc xuống đường tại 12 nơi như New York hay Seattle phần lớn diễn ra ôn hòa, nhưng bạo loạn cũng bùng phát tại Oakland và Los Angeles, California, tiểu bang cũng có đông người Việt sinh sống. – VOA

Tin Hoa Kỳ

Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập niên

Nền kinh tế Mỹ đang tiến triển theo đà nhanh hơn dự kiến ban đầu, vì nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng mạnh nhất tính từ hơn một thập niên nay.

Các nền kinh tế lớn tại Châu Âu và Châu Á đang chậm lại, nhưng hôm nay Hoa Kỳ cho hay nền kinh tế Mỹ tăng vọt 3,9% tính từ tháng 7 tới tháng 9, so với mức 3,5% mà chính phủ Mỹ ước lượng cách đây nhiều tuần.

Kinh tế Mỹ tăng 4,6% trong quý Hai, mức tăng cao nhất kể từ năm 2003.

Chính phủ Mỹ nói động lực cho tỷ lệ tăng trưởng trong quý 3 là do mức chi tiêu của giới tiêu thụ, cùng với việc đầu tư nhiều hơn vào doanh nghiệp và lĩnh vực xuất khẩu, cũng như khuynh hướng hạ giảm nhập khẩu.

Ngay trong lúc này, thì Hoa Kỳ dường như là điểm sáng nhất trong bức tranh toàn cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu.

Khối sử dụng đồng Euro gồm 18 nước, cộng chung là nền kinh tế lớn hơn Hoa Kỳ, đang trong tình trạng gần như suy thoái. Đà tăng trưởng đã chậm lại đáng kể tại Trung Quốc, nển kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trong khi Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã lâm vào suy thoái.

Giới phân tích kinh tế Mỹ nói đà tăng trưởng của Mỹ có thể chậm lại, xuống còn khoảng 2,5% trong 3 tháng cuối năm nay, nhưng dự kiến sẽ tăng nhanh hơn, có lẽ 3% trong năm 2015. – VOA