Tin Thế Giới – 25/3/2015
Tổng thống Indonesia: Không chống đối Bắc Kinh
Tổng thống Indonesia đã tìm cách lảng tránh những bình luận của ông liên quan tới Bắc Kinh và vấn đề Biển Đông. Lên tiếng hôm 24 tháng Ba trong cuộc họp báo nhân chuyến đi chính thức tới thăm Nhật Bản, ông khẳng định Jakarta không về phe nào trong cuộc tranh chấp đang tiếp diễn ở Biển Đông.
Ông Widodo nói: “Tôi cần tuyên bố rằng Indonesia không ngả về phe nào trong cuộc tranh chấp”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Yomiuri của Nhật Bản hôm Chủ nhật vừa qua, ông Widodo nói rằng tuyên bố đường 9 đoạn của Bắc Kinh “không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế”, nhưng Jakarta vẫn muốn đóng vai trò một trung gian điều giải trung thực trong nỗ lực giải quyết một trong những vụ tranh chấp đã trở thành điểm nóng ở Châu Á và trên thế giới.
Tổng thống Indonesia giải thích rằng ông chỉ nói tới đường 9 đoạn mà Bắc Kinh đã vạch ra trên Biển Đông, chứ không nói tới cuộc tranh chấp ở Biển Đông nói chung. Ông bác bỏ mọi dấu hiệu cho rằng ông chống đối Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Indonesia khẳng định rằng trong tư cách một thành viên của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á – tức ASEAN, nước ông duy trì cam kết ủng hộ bộ Quy tắc Ứng xử trển biển mà ASEAN đã thương thuyết với Trung Quốc nhằm giảm thiểu căng thăng tại Biển Đông.
Ông Widodo sẽ lên đường sang Trung Quốc sau chặng dừng chân ở Nhật Bản trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị Tổng Thống Indonesia. – VOA
Tin Hoa Kỳ – Vận động sử dụng đồng 1 đôla bằng kim loại, dân Mỹ phản đối
Trong tình hình khoản nợ quốc gia của Mỹ tiếp tục leo thang, Quốc hội liên tục tranh luận về các phương sách để tiết kiệm tiền bạc. Liên minh Đồng Đôla Kim loại, một nhóm vận động, nói rằng có thể tiết kiệm hàng tỷ đôla nếu đồng 1 đôla bằng kim loại được sử dụng thay cho những đồng đôla giấy. Các đồng đôla bằng kim loại đã có từ lâu, nhưng nhiều người không chịu sử dụng. Trong những năm vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ đã tìm cách quảng bá đồng đôla kim loại, nhưng rồi đình chỉ gần như toàn bộ việc phát hành vào năm 2011.
Ông Jim Kolbe, đồng chủ tịch Liên minh đồng đôla kim loại, nghĩa rằng việc chuyển qua sử dụng đồng kim loại này là việc đáng làm.
Ông nói: “Làm ra đồng đôla kim loại tốn kém hơn, vào khoảng 17 xu so với 5 hay 6 xu để làm đồng đôla giấy. Tuy nhiên, đồng kim loại bền tới 35 năm, và thường được làm bằng kim loại tái chế, còn đồng giấy thì phải được làm bằng chất liệu mới, và mỗi năm ta phải hủy 3 tỷ đôla những đồng bạc cũ rách.”
Từ nhiều năm, vị cựu dân biểu này đã vận động cho dự luật ủng hộ đồng đôla kim loại bằng cách giảm dần việc phát hành đồng bạc giấy – một biện pháp đã vấp phải sự chống đối của cả các chính trị gia lẫn công chúng. Nhưng ngày nay, theo ông, bầu không khí đã thay đổi, và một cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy 61% người Mỹ tán thành ý kiến vừa kể.
“Khi họ biết được về những tiết kiệm có liên quan đến việc này, thì họ sẽ ủng hộ ý kiến thay thế đồng đôla giấy bằng đồng đôla kim loại.”
Ông Kolbe nêu ra một cuộc khảo cứu của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ, tức GAO, là cơ quan điều tra cách thức chính phủ chi dùng tiền của người đóng thuế. GOA ước tính người đóng thuế sẽ tiết kiệm được hơn 4 tỷ đôla trong vòng 30 năm, và con số đó có thể còn cao hơn nữa. Sự kiện này hấp dẫn người đóng thuế Christy Thompson. Bà này nói, “Có thể tôi sẽ đồng ý, chúng ta cần phải làm như vậy.”
Nhưng nhiều người không tin tưởng, trong đó có bà Kim Doring ở thành phố Alexandria trong bang Virginia.
Bà Kim giải thích, “Mang tiền giấy dễ hơn là một đống tiền cắc. Tiền cắc vừa nặng túi lại vừa rổn rảng.”
Chủ nhà hàng ăn ở thủ đô Washington, bà Sue Fouladi, không thích khi nghĩ đến việc trong két có thêm đồng đôla kim loại. Bà nói, “Bất tiện lắm. Nếu không còn cách nào khác thì tôi phải làm thế, nhưng tôi không vui tí nào cả.”
Thêm vào vấn đề là những đồng bạc kim loại màu vàng và bạc có kích cỡ bằng đồng 25 xu. Ông Robert Blecker, một giáo sư kinh tế học tại trường Đại học American ở Washington cho rằng đồng đôla kim loại phải có kích cỡ và độ dày khác với đồng 25 xu. Ông nói thêm, “Và nếu chúng ta có thể thiết kế một đồng đôla kim loại không to và cồng kềnh, thì người Mỹ sẽ thích hơn.”
Nhưng điều đó không làm phiền sinh viên Emily Sturgill. Cô nói, “Có khi bỏ nó vào túi dễ dàng và khỏi phải lo kẹp phải đồng đôla giấy lúc lấy chìa khóa hay điện thoại ra.”
Cả ông Kolbe và ông Blecker đều đồng ý rằng việc sử dụng rộng rãi đồng đôla kim loại sẽ không diễn ra một cách dễ dàng. Ông Blecker nói. “Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ đồng giấy cho đến khi nó bị hủy bỏ và không còn lựa chọn nào khác hơn là dùng đồng kim loại.”
Đó là điều đã xảy ra ở các nước khác, như Canada, theo ông Blecker, là nơi công chúng bây giờ đương nhiên chấp nhận đồng 1 và 2 đôla bằng kim loại. Ông nghĩ rằng công chúng Mỹ rồi cũng sẽ quen với đồng đôla kim loại.
Bà Doering nói, “Tôi nghĩ là thế, nhưng ban đầu thì tôi cũng không thích mấy.” Bà Thompson thì tỏ ra lạc quan hơn, “Nếu chỉ có đồng đôla kim loại được lưu hành, thì ta sẽ quen đi thôi.”
Nhưng hàng chồng tiền cắc vẫn còn đang chất đống trong các kho bạc của nhà nước, thay vì trong túi người dân Mỹ. – VOA
Nhân quyền vẫn là mảng ‘gai góc’ – Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương
Đại sứ Hoa Kỳ và CSVN nói về hợp tác trong nhiều lĩnh vực cũng như về trở ngại chính để đạt được tối đa tiềm năng giữa hai nước.
Tại cuộc thảo luận ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC hôm 24/3, Đại sứ hai nước nói về tiềm năng hợp tác song phương trong bối cảnh Hà Nội và Wasington đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Trong phần hỏi đáp giao lưu với khách mời, một số chủ đề được nêu ra bao gồm hợp tác an ninh quốc phòng, môi trường, kinh tế và nhân quyền.
Tuy nhiên chủ đề gây tranh cãi về việc Nga dùng Vịnh Cam Ranh dường như gây chú ý trước tiên.
Một phóng viên của Reuters đặt câu hỏi cho Đại sứ CSVN Phạm Quang Vinh rằng Hà Nội phản ứng ra sao với quan ngại của Hoa Kỳ trước việc truyền thông đăng tải mới đây về việc Cam Ranh được dùng để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ của Nga.
Phóng viên này hỏi rằng việc này có vẫn đang tiếp diễn hay không và điều này có hệ lụy ra sao với khả năng Hoa Kỳ dỡ bỏ thêm lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho CSVN.
“Điều đầu tiên tôi muốn đề cập là chúng tôi có chính sách độc lập trong quan hệ ngoại giao, chúng tôi sẽ không để quan hệ của mình với bất kỳ nước nào gây hại đến bên thứ ba hay nước thứ ba.
“Việt Nam mở cửa cho tất cả các nước sử dụng dịch vụ hậu cần ở cảng Cam Ranh, và điều đó nên được hiểu là không gây hại đến bất kỳ nước nào. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thảo luận vấn đề này và có sự hiểu nhau rõ ràng”, Đại sứ CSVN Vinh nói.
Vinh cũng nói thêm rằng “Chúng tôi không có thông tin nào về việc này [tiếp nhiên liệu cho phi cơ ném bom của Nga]”.
Trả lời câu hỏi này, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius nói rằng “Hoa Kỳ tôn trọng những thỏa thuận của Việt Nam với các nước và chúng tôi không ở vị trí để bảo Việt Nam cách họ tạo dựng quan hệ với nước nào và như thế nào. Chúng tôi vui mừng thấy Việt Nam có quan hệ tốt với các nước khác.”
Tuy nhiên ông Osius nói rằng “Nga đã đưa Việt Nam vào thế khó xử bằng việc sử dụng thỏa thuận hai bên có với nhau để triển khai các hoạt động có tính khiêu khích.”
Bán vũ khí
Về câu hỏi liên quan tới lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, Đại sứ Vinh nói:
“Chắc chắn Việt Nam muốn Hoa Kỳ bỏ cấm bán vũ khí hoàn toàn. Đó cũng là biểu tượng chính trị nữa vì năm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa nên mọi thứ nên được bình thường, bao gồm cả việc này.”
“Ngoài thủ tục mua bán thì cũng phải nói đến nhu cầu của hai phía chúng tôi cần gì và phía Mỹ có thể cung cấp gì.”
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius nói rằng “Hoa Kỳ cung cấp tàu tuần tra biển có tốc độ cao cho Việt Nam có cơ hội bán và chuyển giao công nghệ nhưng chưa có hợp đồng nào cả vì cần có thời gian.
Ông Osius nói rằng “nếu câu hỏi có tính giả định là bao giờ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm thì câu trả lời phụ thuộc vào chủ đề đã được nêu tại buổi thảo luận hôm nay là nhân quyền”.
Nhân quyền là chủ đề mà ông gọi là “hóc búa nhất.”
Nhân quyền
Chủ đề nhân quyền được đưa ra khi luật gia Cù Huy Hà Vũ đặt câu hỏi cho Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Ông Vũ nói “Chính phủ Việt Nam không thể tiếp tục nói rằng họ đã làm tất cả cho chính sách về nhân quyền Việt Nam và dựa vào các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.”
“Câu hỏi của tôi cho ông Phạm Quang Vinh là trong tương lai gần chính phủ Việt Nam có thể ngưng trấn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam và ngăn cản giới bất đồng và các tù nhân lương tâm liên lạc với các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ hay không?”
Đại sứ Vinh trả lời: “Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế chính, và chúng tôi bác bỏ việc nói rằng có tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Chúng tôi đang có các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ và trao đổi hữu ích và có bất đồng nhưng có sự hiểu nhau thông qua đối thoại và tham vấn.”
“Chúng tôi có luật pháp và bảo đảm rằng ai cũng bình đẳng trước pháp luật,” Vinh nói.
Trong khi đó Đại sứ Osius nói rằng “Tôi không nghĩ rằng quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa cho tới khi có những tiến bộ đáng kể và có thể chứng minh được về nhân quyền.”
“Trong lúc này có nỗ lực chung của hai phía. Phía Việt Nam là sửa đổi bộ luật hình sự cho phù hợp với hiến pháp để có sự nhất quán.”
“Đối thoại để xem các điều khoản có thể được thay đổi ra sao vì không phải điều nào trong bộ luật hình sự cũng phù hợp với hiến pháp và chúng tôi làm như vậy thông qua đối thoại và tham vấn với cố vấn pháp lý của Hoa Kỳ đóng tại Hà Nội với Bộ Tư pháp Việt Nam.”
“Và tôi hy vọng rằng sẽ là điều tốt đẹp nếu trong quá trình sửa đổi đó, Việt Nam ngưng việc bắt người thông qua việc áp dụng các điều luật gây tranh cãi.”
“Tôi không biết liệu chúng tôi và Việt Nam có đi tới đồng thuận về điều đó hay không nhưng chúng tôi có đối thoại hữu ích nên hãy kiên nhẫn và chúng ta sẽ có tiến bộ về vấn đề này.”
“Tôi không nghĩ là chủ đề nhân quyền dễ giải quyết chút nào. Có một số tiến bộ là rất tuyệt, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đồng thuận với nhau về tất cả các vấn đề.”
Tại sự kiện này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason đã hỏi Đại sứ Mỹ về lý do khiến Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ông Osius nói ông tin tưởng là có thể hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay và nếu thông qua được đàm phán thì đó có thể xem là giải quyết cơ bản khúc mắc trong khái niệm về quy chế kinh tế thị trường.
Đại sứ hai nước cũng đã cập nhật khán giả và đại biểu tham gia sự kiện này về một loạt các lĩnh vực như hợp tác an ninh biển và quốc phòng, môi trường, giáo dục, y tế, hạt nhân dân sự.
Đại sứ Vinh nhấn mạnh về mục tiêu tăng “gấp đôi” mậu dịch song phương trong khi Đại sứ Osius nói ông đặt nhiều hy vọng có thể mở đường bay trực tiếp giữa hai nước trong năm nay.
Trong khi Đại sứ CSVN tại Mỹ lên tiếng nhắc lại mong muốn Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trên Việt Nam thì yêu cầu này duờng như đã bị phía Mỹ gián tiếp từ chối khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam kêu gọi chính quyền Hà Nội có thêm bước tiến trong việc cải thiện nhân quyền.
Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định rằng việc gỡ bỏ hoàn toàn đó sẽ là một quyết định “mang ý nghĩa biểu tượng”.
Theo ĐS Mỹ, đúng là trong thời gian qua, CSVN đã có một số cởi mở trong lãnh vực tôn giáo và chính trị, nhưng chính quyền cần phải có tiến bộ nhiều hơn nữa để quan hệ Mỹ-Việt được phát huy một cách tối đa.
Đại sứ Mỹ đã kêu gọi CSVN tạm dừng các vụ bắt giam trong khuôn khổ những luật lệ mà theo ông, hiện đang được sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam. Các luật lệ này bao trùm các lĩnh vực như quyền tự do Internet, tự do ngôn luận và hội họp.
Vấn đề Cam Ranh và Nga, Đại sứ Việt Nam như có ý trấn an khi Vinh cho rằng Việt Nam đã xác định rõ với Mỹ rằng sẽ không cho phép bất kỳ nước nào dùng sân bay và các cơ sở khác tại Việt Nam để gây hại cho một nước thứ ba.
Theo hãng tin Mỹ AP, Hoa Kỳ và Việt Nam đang trong tiến trình thắt chặt quan hệ trên cơ sở mối quan ngại chung trước đà vươn lên của Trung Quốc.
Trong một bài viết đăng trên tờ báo The Diplomat ở Washington hôm 24 tháng Ba, Phạm Quang Vinh nhắc đến Quan hệ Đối tác Toàn diện mà Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký vào tháng Bảy năm 2013 trong chuyến đi của Trương Tấn Sang tới thăm nước Mỹ.
Đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ nói “đã tới lúc nên nới rộng và đào sâu quan hệ hữu nghị, sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước. Qua quan hệ Đối tác Toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vạch ra hướng đi trong nhiều năm tới, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế thương mại, y tế và hỗ trợ nhân đạo, giáo dục và môi trường”. Vinh nhấn mạnh “hai nước có thể đẩy bình thường hoá tiến xa hơn nữa bằng cách dỡ bỏ những chướng ngại lỗi thời, như lệnh cấm bán vũ khí” cho Việt Nam.
Mặc dù CSVN trong thời gian qua đã phóng thích một số tù nhân chính trị, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng Hà Nội tiếp tục bắt giữ thêm nhiều người khác, và vòng luẩn quẩn vẫn cứ tiếp tục, với ít nhất 29 vụ truy tố trong năm ngoái.
Hãng tin AP thuật lại rằng Đại sứ CSVN Phạm Quang Vinh đã “mặt lạnh như tiền” khi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết tới, chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam tại buổi hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
Đại sứ Vinh lặp lại lập luận cố hữu của Hà nội, rằng “tất cả mọi người đều được đối xử ngang hàng trước luật pháp, và không hề có tù nhân lương tâm tại Việt Nam”.
Cuối tháng 5 tới đây, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ, thêm một bước có tính cách biểu tượng trong quan hệ ngày càng cải thiện giữa hai nước. – Theo BBC, RFI, VOA