Tin Thế Giới – 25/11/2015
Ukraine đóng không phận với mọi phi cơ Nga
Ukraine vừa ra lệnh cấm bay trên không phận nước mình đối với toàn bộ máy bay Nga.
Quyết định được Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk, công bố tại một cuộc họp chính phủ phát trên truyền hình.
Cùng lúc, Gazprom, hãng dầu khí khổng lồ của Nga, ngưng xuất khẩu gas của Nga sang Ukraine.
Gazprom nói họ đã ngưng việc vận chuyển vì Ukraine đã tiêu thụ hết lượng khí đốt Kiev trả tiền.
Nhưng Ukraine lại nói lý do chấm dứt việc mua từ Gazprom bởi họ có thể mua được với giá rẻ hơn từ Âu châu.
Lệnh cấm bay vào không phận Ukraine được áp dụng cả với các phi cơ quân sự và dân sự.
“Chính phủ Ukraine đã quyết định cấm toàn bộ các chuyến bay của toàn bộ các hãng hàng không Nga ra vào không phận Ukraine,” ông Yatsenyuk nói.
‘Những rủi ro nghiêm trọng’
Sau các vụ đụng độ trước đây quanh chuyện cung ứng khí đốt, hai nước đồng ý là Ukraine sẽ thanh toán trước tiền mua gas.
Nhưng giám đốc điều hành của Gazprom, Alexei Miller, hôm thứ Tư nói rằng Ukraine đã dùng hết lượng khí mà nước này đã chi trả.
Trong một tuyên bố, ông Miller nói rằng “việc chuyển giao đã chấm dứt cho tới khi nhận được các khoản thanh toán mới từ công ty Ukraine.”
“Việc từ chối mua khí đốt Nga sẽ tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho việc vận chuyển gas tới châu Âu qua ngả Ukraine và cho việc cung ứng gas tới các khách hàng Ukraine trong mùa đông tới đây,” ông nói thêm.
‘Hoàn toàn sai’
Tuy nhiên, ông Yatsenyuk đã bác bỏ hoàn toàn các nhận xét của ông Miller.
Ông nói chính phủ ông đã quyết định không mua gas từ Nga nữa bởi Ukraine có thể mua được từ nơi khác với giá rẻ hơn.
“Chính phủ đã ra quyết định với [hãng dầu khí quốc gia Ukraine] Naftohaz là chấm dứt mua gas của Nga.”
“Họ hoàn toàn sai. Không phải là họ ngưng cấp khí đốt cho chúng tôi, mà là chúng tôi không mua của họ nữa.”
Nga đã cắt đứt việc cung ứng khí đốt cho Ukraine hồi tháng Sáu 2014, khi cuộc xung đột giữa chính phủ tại Kiev và các phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine leo thang.
Tuy nhiên, việc cung ứng đã được nối lại sau khi hai bên đạt thỏa thuận trả trước.
Khoảng 15% lượng khí đốt sử dụng tại châu Âu được vận chuyển qua ngả Ukraine. EU đã trung gian tổ chức các cuộc đàm phán nhằm duy trì việc cung ứng giữa hai bên. – BBC
Tập đoàn quân sự Thái Lan “xoay trục” qua Trung Quốc
Nếu có một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, thì đó là cảnh tượng chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn trên bầu trời Thái Lan trong tuần này. Vào lúc Hoa Kỳ xoay trục qua châu Á, thì đồng minh truyền thống của Mỹ tại Đông Nam Á là Thái Lan lại nghênh đón cuộc tập trận đầu tiên với Trung Quốc, đối thủ của Hoa Kỳ. Trong một bài phân tích công bố hôm nay, 25/11/2015, hãng tin Pháp AFP không ngần ngại cho là Bangkok đang “xoay trục” về phía Bắc Kinh.
Theo AFP, kể từ khi quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2014 và sau đó lên cầm quyền, quan hệ Mỹ-Thái đã bắt đầu trắc trở, nhất là khi tại Bangkok lại xuất hiện một chính phủ quân sự độc tài, vẫn đẩy lùi vô thời hạn các cuộc bầu cử.
Quan hệ phần nào nguội lạnh với Mỹ như đã thúc đẩy tập đoàn quân sự Thái Lan hướng qua Trung Quốc, một nước vừa có tiền, vừa có một chế độ độc đoán, vừa rất vui khi chiêu dụ thêm được một nước nặng ký ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt khi đó là một đồng minh kỳ cựu của Hoa Kỳ.
Theo nhà phân tích chính trị Puangthong Pawakapan, trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, chính quyền Thái Lan hiện thời “rõ ràng là thoải mái hơn nhiều với Trung Quốc, bởi vì hai bên có cùng một ngôn ngữ của các thể chế độc đoán”.
Dấu hiệu chuyển trục qua Trung Quốc
Theo AFP, Bắc Kinh đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ. Ngay sau cuộc đảo chính, Trung Quốc đã công nhận lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan là tướng Prayuth Chan-ocha, trong khi Hoa Kỳ trái lại đã đình chỉ mọi chuyến thăm cấp cao đến vương quốc Thái.
Thậm chí, gần như là trong một chuyện tiếu lâm, mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Thái Lan, Tướng Tanasak Patimapragorn, đã gây sửng sốt khi dùng một hình tượng lãng mạn để nói về quan hệ đang nồng ấm giữa Bangkok và Bắc Kinh. Ông đã nói công khai trong cuộc họp báo chung có mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng: “Tôi mà là phụ nữ, thì tôi sẽ yêu ngài ấy thôi”. “Ngài ấy” tức là ông Vương Nghị.
Song song với ngoại giao, các mối quan hệ về kinh tế, quân sự cũng phát triển tốt, nổi bật là dự án khổng lồ nhằm thiết lập mạng lưới đường sắt tại Thái Lan, với chi phí lên đến hàng tỷ euro, do Trung Quốc xây dựng. Ngoài ra, Thái Lan cũng đã nêu lên khả năng mua tàu ngầm của Trung Quốc, với kinh phí gần một tỷ euro.
Khía cạnh đen tối của quan hệ hữu hảo Thái-Trung
Trước mắt, nạn nhân của tiến trình cải thiện bang giao rõ nét giữa Bangkok và Bắc Kinh là những người từ Trung Quốc chạy sang Thái Lan trước đây với hy vọng tìm được chốn dung thân.
Trong tháng Bảy vừa qua, hơn một trăm người Duy Ngô Nhĩ đã bị Bangkok trục xuất về Trung Quốc, bất chấp những lời cảnh báo của Liên Hiệp Quốc về nguy cơ họ bị ngược đãi khi bị cưỡng bức hồi hương.
Tệ hại hơn nữa, đầu tháng Mười vừa qua, Thái Lan lại trục xuất thêm về Trung Quốc hai nhà đối lập Trung Quốc, trong đó có một người từng sống nhiều năm ở Thái Lan. Quyết định trục xuất này đáng chú ý vì được tiến hành bất chấp quy chế tị nạn đã được Liên Hiệp Quốc cấp cho họ.
Nhận định về chính đường lối xích lại gần Trung Quốc hiện nay của chính quyền quân sự Thái Lan, ông Paul Chambers, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, đã nêu bật chính sách thực dụng của giới quân sự, luồn lách giữa các mối quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ để thu lợi nhiều nhất.
Điều đáng ngại – như chuyên gia này nhận định – là việc trục xuất hai nhà ly khai Trung Quốc mới đây bất chấp phản ứng của Liên Hiệp Quốc, là tín hiệu “để cho Trung Quốc thấy rằng quân đội Thái Lan sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn để giúp Bắc Kinh”. – RFI
Biển Đông: Manila bác bỏ chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh ở tòa quốc tế
Trong ngày khai mạc phiên điều trần mới tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về đơn Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, đại diện Manila vào hôm qua, 24/11/2015 đã bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông. Các luật sư của Philippines cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử và bản đồ cổ để đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Theo báo Singapore The Straits Times, trong một bức thư gửi từ La Haye, bà Abigail Valte, phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết là ông Paul Reichler, một luật sư của phía Philippines, đã lý luận rằng cái mà Trung Quốc cho là chủ quyền lịch sử của họ tại Biển Đông “không hề tồn tại” căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Trung Quốc đã đánh dấu “chủ quyền” lịch sử của họ bằng một đường chín đoạn từ đảo Hải Nam tỏa xuống tận Indonesia, thâu tóm gần như toàn bộ diện tích 3,5 triệu km2 của Biển Đông, bất chấp sự kiện là có vùng biển xa lục địa Trung Quốc đến 1.611km nhưng lại sát cạnh Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Một luật sư khác đại diện cho Philippines, ông Andrew Loewenstein, đã cho rằng kể cả khi có chủ quyền trên các vùng biển đảo họ yêu sách, Trung Quốc đã “không đáp ứng được các điều kiện về việc xác lập (tuyên bố chủ quyền)”.
Theo luật sư Loewenstein, Trung Quốc đã không hành xử “quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài” tại vùng Biển Đông. Ông đã trình ra 8 tấm bản đồ, trong đó có một tấm có từ thời nhà Minh, cho thấy là vùng nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc chưa bao giờ được ghi nhận là lãnh thổ Trung Quốc.
Phiên điều trần lần này tại La Haye sẽ kéo dài cho đến thứ hai 30/11. Dù không mở ra cho công chúng, nhưng các quan sát viên đến từ Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Úc được vào dự khán. – RFI
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sau vụ bắn rơi Sukhoi
Sau khi chiếc Sukhoi-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm qua với lý do đã xâm phạm không phận nước này, Tổng thống Vladimir Putin giận dữ cho rằng đây là “mũi dao đâm sau lưng”, và khuyến cáo công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm nay 25/11/2015 tuyên bố Ankara muốn tránh mọi leo thang quân sự với Moscow.
Trước diễn đàn các quốc gia Hồi giáo họp tại Istanbul, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ bảo vệ an ninh và quyền của nhân dân”. Ông biện minh cho việc đưa các chiến đấu cơ F-16 can thiệp là vì chiếc Sukhoi-24 của Nga đã được “cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút” phải rời khỏi không phận, đồng thời nói rằng lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề biết chiếc máy bay ấy của nước nào.
Tuy vậy, ông Erdogan cũng tố cáo việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để trợ giúp chế độ Bachar Al Assad. Theo ông, không hề có quân IS trong khu vực trên, mà Nga chỉ muốn oanh kích người Turkmen (người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ).
Phía Nga nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không hề cảnh báo, và chiếc Su-24 bay trên không phận Syria đã bị rơi cách biên giới 4 km. Ngoại trưởng Serguei Lavrov đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, và Moscow cũng ngưng mọi hợp tác quân sự với Ankara. Tổng thống Vladimir Putin cảnh cáo “các hậu quả nghiêm trọng” về vụ chiếc máy bay Sukhoi bị bắn rơi, đồng thời khuyến cáo công dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigou hôm nay loan báo đã cứu được viên phi công thứ hai của chiếc Su-24 và đưa về căn cứ, sau 12 tiếng đồng hồ tìm kiếm. Một quân nhân tham gia cứu hộ đã tử thương sau khi chiếc trực thăng Mi-8 bị đạn bắn trúng, còn phi công thứ nhất đã bị chết sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay. Ông Choigou cũng thông báo triển khai hệ thống phòng không S-400 tại căn cứ không quân Hmeimim.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Jérome Bastion cho biết dư luận tại Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này:
“Nếu báo chí thân chính phủ có giọng điệu ca khúc khải hoàn theo kiểu ‘Không nên gây hấn với chúng ta’, ‘Ta đã cho họ biết mặt’, ‘Họ đáng bị như thế’…thì cảm giác nói chung là lo lắng cho tương lai. Kể cả đối với phe Hồi giáo, chẳng hạn tờ báo Milli Gazete viết rằng ‘Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước dấn sâu vào vô định’.
Về phía các nhà phân tích thường chỉ trích chính sách của chính phủ thì mang tính tiêu cực hơn. Chẳng hạn Hürriyet nhận định đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, và Cumhuriyet cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ lần này đang ở ngưỡng cửa chiến tranh. Nhà bình luận viết rằng đây là sai lầm lớn nhất trong lịch sử ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, việc tấn công vào Nga không nằm trong khả năng của đất nước, có nguy cơ quay lại với sự đối đầu trực tiếp như vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt nhiều chiến lược gia lo ngại Nga sẽ tăng cường các hành động đánh vào các nhóm đồng minh của Ankara. Tất nhiên là người Turkmen sẽ bị trả đũa trước tiên, đồng thời Nga cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn đối với các phe mà Ankara coi là kẻ thù như người Kurdistan.” – RFI
Tunisia tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Ít nhất 12 người thiệt mạng tại thủ đô của Tunisia hôm thứ Ba khi một vụ nổ nhắm vào một chiếc xe buýt chở những thành viên thuộc lực lượng cận vệ tổng thống tinh nhuệ của nước này, Bộ Nội vụ cho biết.
Vụ nổ xảy ra trên một đại lộ ở trung tâm Tunis.
Nguồn tin của an ninh và tổng thống cho biết vụ nổ là một vụ tấn công, nói thêm rằng hiện vẫn chưa rõ liệu đó là một quả bom hay chất nổ bắn vào xe buýt khi nó đang đi trên Đại lộ Mohamed V. Xe cứu thương phóng tới hiện trường và lực lượng an ninh nhanh chóng phong tỏa khu vực.
Tổng thống Beji Caid Essebsi tuyên bố tình trạng khẩn cấp 30 ngày trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở vùng thủ đô Tunis. Ông đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh vào sáng thứ Tư.
Phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ông cho biết Tunisia đang “lâm chiến với chủ nghĩa khủng bố,” và kêu gọi hợp tác quốc tế chống lại những kẻ cực đoan đã thực hiện nhiều vụ tấn công chết người trong những tuần gần đây.
“Tôi muốn trấn an người dân Tunisia rằng chúng ta sẽ đánh bại chủ nghĩa khủng bố,” ông nói.
Vụ nổ diễn ra 10 ngày sau khi nhà chức trách gia tăng mức độ an ninh tại thủ đô và triển khai lực lượng an ninh với số lượng cao bất thường.
Đầu tháng này, nhà chức trách Tunisia loan báo triệt phá một ổ khủng bố mà họ nói đã lập kế hoạch tấn công những đồn cảnh sát và khách sạn ở thành phố ven biển Sousse, khoảng 150 km về phía đông nam Tunis.
Ngành du lịch của Tunisia đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay sau những vụ tấn công của những kẻ cực đoan. Vụ xả súng tại một khách sạn sang trọng ở Sousse hồi tháng Sáu vừa qua làm thiệt mạng 38 người, chủ yếu là khách du lịch, trong khi vụ tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan hồi tháng 3 tại viện bảo tàng Bardo nổi tiếng của Tunisia gần thủ đô giết chết 22 người. – VOA