Tin Thế Giới – 24/6/2015
Ba Tổng thống Pháp bị tình báo Mỹ nghe lén – Pháp triệu Đại sứ Mỹ tới về vụ nghe lén
Cả ba Tổng thống Pháp, từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy cho đến François Hollande đều đã bị tình báo Hoa Kỳ nghe lén, theo các tài liệu của WikiLeaks được hai tờ báo Pháp đăng tải tối qua, 23/06/2015. Paris lên án hành động “không thể chấp nhận được giữa các đồng minh.”
Các tài liệu do nhật báo Libération và trang mạng Médiapart đăng tải là những tài liệu đóng dấu “Tối mật”, chủ yếu bao gồm 5 báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Mỹ, dựa trên những cuộc nghe lén điện thoại. Những tài liệu này, được gởi cho giới tình báo Hoa Kỳ và các lãnh đạo của NSA, cho thấy cả ba Tổng thống Hollande, Sarkozy và Chirac đều đã bị tình báo Mỹ nghe lén, ít ra là trong giai đoạn từ 2006 đến 2012.
Tài liệu gần đây nhất ghi ngày 22/05/2012, tức vài ngày sau khi ông Hollande nhậm chức Tổng thống, đề cập đến những cuộc họp bí mật để thảo luận về khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, trong cuộc họp này, Tổng thống Holande tỏ vẻ rất lo ngại cho Hy Lạp.
Một tiết lộ khác từ các tài liệu nói trên là sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Hollande đã liên lạc với lãnh đạo đảng đối lập SPD Sigmar Gabriel và mời ông này đến Paris để thảo luận. Thủ tướng Pháp lúc đó là Jean-Marc Ayrault đã khuyên ông Hollande là nên giữ bí mật cuộc tiếp xúc này để tránh “các vấn đề ngoại giao” với Berlin, nếu bà Angela Merkel biết được là Paris đã lén gặp đối lập Đức.
Sau khi các tài liệu nói trên được báo chí Pháp công bố, Tổng thống Hollande đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng để bàn về hành động đáp trả của Paris đối với Washington về vụ này. Hội đồng Quốc phòng quy tụ Tổng thống Hollande, Thủ tướng Manuel Valls, ba bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng, cùng với các lãnh đạo quân sự và tình báo của Pháp.
Trong cuộc họp này, tổng thống Hollande tuyên bố là Pháp “sẽ không dung thứ bất cứ hành động này gây phương hại an ninh của mình”. Một quyết định được đưa ra sau cuộc họp là “điều phối viên quốc gia về tình báo”, ông Didier Le Bret, hiện làm việc tại điện Elysée, sẽ đến Hoa Kỳ trong những ngày tới để thảo luận với chính quyền Obama về những quy định về gián điệp giữa hai nước.
Sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, tổng thống Hollande cũng đã tiếp một phái đoàn các lãnh đạo Quốc hội Pháp để nói về vụ tình báo Mỹ nghe lén các vị nguyên thủ quốc gia Pháp. Theo lời một thành viên của phái đoàn Quốc hội, ông Hollande yêu cầu Hoa Kỳ nhắc lại những cam kết đưa ra vào năm 2013 chấm dứt việc dọ thám các lãnh đạo Pháp. Về phần Ngoại trưởng Laurent Fabius thì đã triệu đại sứ Mỹ Jane Hartley lên để nghe phản ứng của chính phủ Pháp.
Ngay trước cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, phát ngôn viên chính phủ Pháp Stéphane Le Foll, phát biểu trên kênh truyền hình I-Télé sáng nay, 24/06/2015, đã lên án một hành động “không thể chấp nhận giữa các đồng minh”. Tuy nhiên, ông Le Foll nói thêm: “Những gì đã xảy ra là không thể chấp nhận được, nhưng không phải vì thế mà giữa hai nước sẽ gặp khủng hoảng”.
Theo những người thân cận với ông Sarkozy, cựu Tổng thống Pháp cũng cho rằng những phương pháp gián điệp như vậy là “không thể chấp nhận được” giữa các đồng minh. Còn những người thân cận với cựu Tổng thống Chirac thì chưa có phản ứng.
Toàn bộ chính giới Pháp, từ phe đối lập cánh hữu cho đến phe cánh tả cầm quyền đã nhất loạt lên án hành động nghe lén các Tổng thống Pháp của tình báo Hoa Kỳ.
Nhà trắng hôm qua bảo đảm rằng hiện giờ Hoa Kỳ không nghe lén các liên lạc điện thoại của tổng thống Hollande, nhưng không nói rõ là những hoạt động đó có đã được tiến hành trong quá khứ hay không. – RFI
***
Pháp đã triệu Đại sứ Hoa Kỳ tại Paris lên về vụ được cho là Mỹ theo dõi Tổng thống Francois Hollande và hai tổng thống tiền nhiệm, các quan chức nói.
Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) theo dõi lén các Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande trong giai đoạn 2006-12, Wikileaks cho biết.
Trang web tố giác thông tin mật dẫn nguồn từ “các báo cáo tình báo tuyệt mật và tài liệu kỹ thuật” của NSA.
Ông Hollande triệu tập phiên họp Hội đồng Quốc phòng về vấn đề này vào ngày thứ Tư, một trợ lý của ông nói với hãng tin AFP.
Ông nói Pháp sẽ “không tha thứ” cho các hành động đe dọa an ninh.
Hoa Kỳ từ chối bình luận về “các cáo buộc tình báo cụ thể”.
Ned Price, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói thêm rằng Mỹ “không nhắm vào và sẽ không nhắm vào các cuộc trao đổi liên lạc của ông Hollande”.
NSA trước đây từng bị cáo buộc do thám Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo Brazil, Mexico.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu Đại sứ Mỹ Jane Hartley tới để thảo luận về các tin tức mới nhất, các quan chức Pháp nói.
Bà Hartley được trông đợi là sẽ tới Bộ Ngoại giao ở Paris vào cuối ngày thứ Tư.
Pháp có nhận biết việc bị nghe lén?
Hôm thứ ba, WikiLeaks cho biết họ bắt đầu công bố các tập tin dưới tiêu đề “Espionnage Elysee” – (Theo dõi Elysee), tức nói về theo dõi lén dinh tổng thống Pháp.
WikiLeaks cho biết các tập tin mật “xuất phát từ hoạt động theo dõi lén liên lạc mà NSA nhắm trực tiếp tới ba tổng thống cũng như các bộ trưởng Pháp và đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ.”
Một trong các tập tin vào năm 2012 là về ông Hollande thảo luận khả năng Hy Lạp có thể rời khu vực dùng đồng euro, trong khi một tập tin khác – từ năm 2011 – cáo buộc ông Sarkozy quyết tâm nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, có thể không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Một tập tin vào năm 2010 nói rằng các quan chức Pháp nhận biết được việc Hoa Kỳ đang nghe lén mình và định sẽ khiếu nại chuyện này.
Theo nội dung tóm tắt một lần trao đổi bị nghe lén thì đại sứ Pháp tại Washington và cố vấn ngoại giao của ông Sarkozy đã thảo luận về kế hoạch ông Sarkozy bày tỏ sự “thất vọng” về việc Mỹ không sẵn lòng ký một “thỏa thuận hợp tác tình báo song phương”.
“Điểm mắc kẹt chủ yếu là việc Mỹ muốn tiếp tục nghe lén Pháp,” nội dung này nói.
Hiện chưa rõ liệu các tài liệu xuất phát từ dữ liệu bị đánh cắp của người từng được NSA dùng là Edward Snowden hay không, phóng viên an ninh của BBC là Gordon Corera nói.
Các tập tin Wikileaks đã được báo ngày Liberation tại Pháp đăng và Mediapart, một tạp chí mạng thiên tả chuyên về phóng sự điều tra, đang tìm hiểu thông tin đưa lên Wikileaks.
‘Dân cũng bị nghe lén như lãnh đạo’
Bình luận về các thông tin rò rỉ được báo chí đăng tải từ WikiLeaks, người phát ngôn Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói:
“Chúng tôi sẽ không bình luận về các cáo buộc tình báo cụ thể. Xét về bối cảnh chung, chúng tôi không tiến hành các hoạt động do thám tình báo nước ngoài trừ phi vì mục đích an ninh quốc gia có lý và cụ thể.
”Hoạt động này được áp dụng với công dân thường hệt như với lãnh đạo các nước.”
Trong khi đó trợ lý tổng thống Pháp nói với hãng tin AFP rằng ông Holland sẽ chủ trì một phiên họp hội đồng quốc phòng để “đánh giá bản chất của thông tin được báo chí đăng tải vào tối thứ Ba và đưa ra kết luận hữu ích.”
Cáo buộc rằng Hoa Kỳ theo dõi lén Thủ tướng Đức Merkel đến từ tài liệu do ông Snowden tiết lộ ra về hoạt động do thám qui mô lớn của Hoa Kỳ vào năm 2013.
Khi có cáo buộc này, Tòa Bạch Ốc không bác bỏ thẳng thừng nhưng nói rằng điện thoại của bà Merkel vào chính khi đó không bị nghe lén và sẽ không bị theo dõi trong tương lai.
Truyền thông Đức sau đó đưa tin cơ quan tình báo quốc gia Đức từng theo dõi lén các quan chức hàng đầu của Pháp và những trụ sở chính của EU theo đề nghị của Hoa Kỳ. – BBC
Tổng thống Obama nới lỏng chính sách cho gia đình con tin
Chính phủ Mỹ sẽ thôi đe dọa truy tố những gia đình tìm cách điều đình với những kẻ bắt con tin người Mỹ ở nước ngoài hoặc trả tiền chuộc để người thân của họ được thả.
Theo dự liệu, Tổng thống Barack Obama ngày hôm nay sẽ nới lỏng chính sách khi ông trình bày kết quả cuộc duyệt xét về những qui định hướng dẫn về vấn đề con tin tại Tòa Bạch Ốc cùng với một số gia đình con tin.
Cuộc duyệt xét kéo dài 6 tháng được thực hiện sau khi chính phủ Obama bị đả kích dữ dội bởi thân nhân của một số nạn nhân. Những người này nói rằng họ bị đe dọa là sẽ bị truy tố nếu họ tìm cách kiếm tiền để trả tiền chuộc.
Các giới chức Mỹ nói rằng biện pháp hành chánh mới sẽ cải thiện sự phối hợp và liên lạc với các gia đình con tin và giúp đỡ trong việc tiếp xúc với những kẻ bắt cóc để con tin được an toàn trở về.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ ba nói rằng Tổng thống Obama sẽ không thay đổi sự cấm chỉ đối với việc nhượng bộ những kẻ bắt cóc.
Một số con tin người Mỹ đã bị sát hại trong năm vừa qua ở Trung Đông, trong đó có một số người bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo chặt đầu.
Không giống như một số đồng minh Âu Châu, Hoa Kỳ khăng khăng cho rằng họ sẽ không nhượng bộ trước những kẻ bắt cóc con tin và có một chiến lược nghiêm khắc là không trả tiền chuộc.
Washington nói rằng trả tiền chuộc chẳng những giúp cho những phần tử hiếu chiến có thêm tiền mà còn khuyến khích bọn chúng thực hiện thêm những vụ bắt cóc.
Mặc dầu vậy, giới hữu trách Mỹ hồi năm ngoái đã thả 5 tù nhân Taliban bị giam ở Vịnh Guantanamo để đổi lấy tự do cho một quân nhân Mỹ bị Taliban giam giữ ở Afghanistan trong 5 năm. – VOA
Mỹ lên án các vụ tấn công mạng được ‘chính phủ TC bảo trợ’
Hoa Kỳ đã chỉ trích TC là thực hiện các vụ tấn công mạng được chính phủ bảo trợ – một lời cáo buộc thẳng thừng được đưa ra vào lúc giới hữu trách ở Washington tiếp tục điều tra một vụ tấn công mạng ồ ạt vào các dữ liệu của công chức liên bang.
Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đưa ra nhận định hôm qua trong ngày thứ nhì của các cuộc đàm phán cấp cao về an ninh và kinh tế với các giới chức TC.
Ông nói. “Chúng tôi hết sức quan ngại về việc đánh cắp qua mạng được chính phủ Trung Quốc bảo trợ.”
Trong các nhận định công khai, ông Lew không cụ thể đề cập đến loạt tấn công bị tiết lộ hồi đầu tháng này, trong đó các tay hacker đã tiếp cận hay đánh cắp thông tin cá nhân mật của hàng triệu cựu công nhân viên, cùng các công chức còn đang làm việc với chính phủ Hoa Kỳ.
Chính quyền Obama chưa công khai lên án chính phủ TC là đứng sau vụ tấn công mạng vào Cục Quản lý Nhân viên, nhưng nhiều giới chức khác nhau đã nói họ ngày càng tin rằng chuyện này đã xảy ra.
Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thường niên trong tuần này với các giới chức Bắc Kinh tại Washington, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hứa vụ hacking sẽ được thảo luận “bằng ngôn từ rất thẳng thắn.” Chưa có chi tiết nào về những cuộc đối thoại này được công bố.
Chi tiết tiếp tục được đưa ra về quy mô vụ hacking vào các máy điện toán của Cục Quản lý Nhân viên OPM. Giám đốc FBI James Comey nay tin rằng có tới 18 triệu nhân viên còn đang làm việc, đã thôi việc và sắp làm việc cho chính phủ liên bang bị ảnh hưởng, theo các nhà lập pháp được tường trình về việc này và đã nói chuyện với đài CNN.
Con số đó cao hơn nhiều so với con số 4,2 triệu nhân viên mà OPM đã nói là bị ảnh hưởng do vụ tiết lộ thông tin này. Tin cũng gợi ý cho thấy các tay hacker đã tiếp cận được thông tin cực kỳ mật phát hiện trong những cuộc kiểm tra lý lịch nhân viên liên bang.
Chính phủ TC đã cực lực phủ nhận đứng sau vụ xâm nhập mạng, và đã đả kích các giới chức và truyền thông Hoa Kỳ là đồn đoán về lai lịch của các tay hacker.
Ủy viên Quốc vụ viện TC Dương Khiết Trì nói TC sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về vấn đề tội phạm mạng và nói Bắc Kinh ủng hộ một “quy ước hành xử quốc tế về việc chia sẽ thông tin mạng.”
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã truy tố 5 sĩ quan quân đội TC về tội hacking và đánh cắp bí mật thương mại từ những máy điện toán của nhiều công ty lớn về hạt nhân, kim khí và năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ.
TC gay gắt lên án vụ truy tố này và đã đình chỉ một loạt các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ về việc chống tội ác mạng. Cuộc đối thoại đó vẫn chưa được nối lại. – Theo VOA