Tin Thế Giới – 24/3/2015
Máy bay Airbus của hãng hàng không Đức rơi tại Pháp. Toàn bộ 150 người thiệt mạng.
Một chiếc Airbus A320, chở theo 150 người, vừa bị rơi vào sáng nay, 24/03/2015, tại vùng Alpes-de-Haute-Provence, miền Nam nước Pháp. Toàn bộ 150 người, trong đó có 6 nhân viên phi hành đoàn, đã tử nạn. Đây là chiếc máy bay của hãng Germanwings, một chi nhánh của hãng hàng không Đức Lufthansa. Lúc gặp nạn, chiếc Airbus này đang bay trên tuyến đường Barcelona-Düsseldorf.
Cục Hàng không Dân dụng Pháp, do bị mất liên lạc với máy bay và do không còn thấy tín hiệu radar nào của máy bay, nên tuyên bố coi như máy bay đã gặp nguy vào lúc 9h30, giờ quốc tế, tại khu vực gần thành phố Barcelonnette, vùng núi Alpes. Theo hãng Germanwings, thời gian chiếc Airbus bị rơi là 8 phút.
Đa số nạn nhân là người Tây Ban Nha và người Đức, còn lại là Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, theo hãng Germanwings, trên máy bay có 67 người Đức, trong đó có 16 học sinh sang Barcelona trong một chương trình trao đổi với các trường trung học Tây Ban Nha.
Theo bộ trưởng Giao thông Pháp Alain Vidalies, điều kiện thời tiết lúc đó không đặc biệt xấu và chiếc Airbus gặp nạn không phải là máy bay củ. A320 là một loại máy bay mà Airbus đã sản xuất hơn 5000 chiếc và nổi tiếng là vận hành rất tốt.
Các mảnh vỡ của máy bay đã được trực thăng của hiến binh Pháp tìm thấy. Máy bay bị rơi tại một vùng núi phủ đầy tuyết, rất hiểm trở và như vậy là địa hình này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đội cứu hộ, được điều động ngay đến hiện trường tai nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đến tận nơi xảy ra tai nạn. Về phần thủ tướng Manuel Valls thì nói rằng chưa thể biết được nguyên nhân tai nạn, nhưng chính phủ sẽ làm đủ mọi cách để biết được chuyện gì đã xảy ra và để đón tiếp thân nhân các nạn nhân trong điều kiện tốt nhất.
Ngay sau khi hay tin về tai nạn, tổng thống Pháp François Hollande đã gọi điện thoại cho thủ tướng Đức Angela Merkel và nói chuyện với quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI, vừa đến Paris hôm nay mở chuyến viếng thăm cấp Nhà nước trong 3 ngày.. Nnưng ngay sau khi đến Pháp, quốc vương Tây Ban Nha đã hủy phần tiếp theo của chuyến công du. Thủ tướng Merkel ngày mai cũng sẽ đến tận nơi máy bay rơi. Vào đầu phiên hỏi-đáp hàng tuần với chính phủ hôm nay, Quốc hội Pháp cũng đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân.
Đây là tai nạn hàng không tại Pháp kể từ tai nạn của chiếc máy bay siêu âm Concorde khi vừa cất cánh tại sân bay Roissy ngày 25/07/2000, khiến 113 người thiệt mạng. – RFI
Mỹ có thể đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên
Một giới chức cấp cao của Ngũ Giác Đài mới đây cho biết một hệ thống phòng thủ phi đạn có tên THAAD có thể là một bộ phận chính của những nỗ lực nhằm ứng phó với mối đe dọa phi đạn của Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên William Kim của đài VOA, TC bày tỏ quan tâm về diễn tiến mới này.
Ông David Stilwell, Phó Giám đốc Phòng Quân Chính Á Châu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết phi đạn của Bắc Triều Tiên đã tạo ra điều mà ông gọi là “nhu cầu phòng thủ phi đạn” và hệ thống THAAD (Termial High-Attitude Area Defense) của Mỹ có thể cung cấp “sự bảo vệ an ninh tốt hơn”, nhất là cho Nam Triều Tiên.
Ông Stilwell phát biểu như vậy tại một cuộc diễn thuyết mới đây ở Washington, trong lúc có một cuộc tranh luận về việc Hoa Kỳ có thể bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn này ở Nam Triều Tiên.
Trợ lý Ngoại trưởng TC Lưu Kiến Siêu đã bày tỏ quan tâm về diễn tiến này khi đến thăm Nam Triều Tiên hồi tuần trước. Seoul đã lên tiếng phản bác. Tuy không nêu đích danh TC, Bộ Quốc Phòng Nam Triều Tiên nói rằng “một nước láng giềng” không nên tìm cách “gây ảnh hưởng” lên các chính sách an ninh của Nam Triều Tiên.
Washington đang cố gắng hạ giảm tầm quan trọng của vụ tranh cãi này. Ông Stilwell cho biết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là một đề tài mà Hoa Kỳ và TC thường xuyên thảo luận với nhau rất cặn kẽ.
Vị chuẩn tướng không quân này nói “Đương nhiên, đây là một vấn đề quan trọng vì cả hai nước đều sẽ bị khốn đốn nếu xảy ra một tai nạn hạt nhân hay trong trường hợp quyền kiểm soát những khả năng hạt nhân đó bị mất đi.”
Các giới chức Ngũ Giác Đài nói rằng hệ thống THAAD sẽ mang lại cho Nam Triều Tiên một khả năng răn đe lớn hơn để ứng phó với mối đe dọa mỗi ngày một nhiều của vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ và Nam Triều Tiên cho biết chưa có quyết định về việc bố trí hệ thống này.
Tại cuộc họp báo hôm thứ hai, ông Kim Min Seok, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nam Triều Tiên nói “Chúng tôi chưa quyết định về việc các lực lương Mỹ bố trí hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên. Chúng tôi cũng chưa nhận được yêu cầu tham khảo ý kiến từ phía Mỹ.”
Hệ thống THAAD, với radar có khả năng truy tung những vật thể trong khoảng cách 1.200 dặm, được thiết kế để nghênh cản các loại phi đạn đạn đạo bay cao. – Theo VOA
Bầu cử Pháp: Đảng Bảo thủ UMP dẫn đầu
Đảng bảo thủ UMP ở Pháp do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy lãnh đạo về nhất trong các cuộc bầu cử địa phương hôm qua.
Đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande không dự kiến chiến thắng, nhưng đã khuyến khích dân chúng đi bỏ phiếu chống lại Mặt trận Quốc gia cực hữu (tức đảng FN) do bà Marine Le Pen dẫn đầu.
Tình hình ban đầu cho thấy đảng UMP được 31% phiếu bầu và FN được 24%. Đảng Xã hội cầm quyền được 19%.
Đảng UMP và đảng Xã hội sẽ có thể kêu gọi đồng minh khi cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử vòng nhì vào chủ nhật tới.
Các nhà phân tích cho rằng trong cuộc đua vòng nhì cử tri của hai đảng này có phần chắc sẽ chuyển sang dành sự ủng hộ cho bất kỳ đảng nào đẩy lùi đảng FN.
Giới quan sát chính trị cho rằng đảng FN với cương lĩnh chống di dân, chống sử dụng đồng euro, và chống Hồi giáo sẽ khó kiếm đồng minh.
Cả hai đảng Xã hội và UMP, vốn thường là đối thủ, đã cảnh báo về tương lai nước Pháp nếu đảng FN lên nắm quyền. – VOA
ADB: Ấn Độ, Đông Nam Á có thể bù đắp cho nền kinh tế trì trệ của TC
Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB nói triển vọng của các nền kinh tế Á Châu đang trỗi dậy rất lạc quan khi bước vào năm 2016 với tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ và Đông nam Châu Á bù đắp cho tình trạng trì trệ của nền kinh tế TC. Nhưng ADB cũng nhìn thấy những rủi ro trước mắt, theo tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben.
Trong phúc trình về triển vọng thường niên công bố hôm nay, Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB tỏ ra lạc quan về các nền kinh tế Châu Á mặc dầu mức tăng trưởng của TC chậm lại xuống tới một mức chưa từng thấy trong gần 25 năm.
Nhưng nền kinh tế trì trệ của TC sẽ được bù đắp bởi những tiến bộ kinh tế ở Ấn Độ và đông nam Châu Á, một sự phục hồi kinh tế ở Hoa Kỳ và giá dầu sụt giảm trên thế giới, theo nhận định của ngân hàng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hong Kong được truyền hình trực tiếp trên mạng internet, kinh tế gia trưởng của ADB, ông Shang Jin-Wei nói triển vọng nói chung là lạc quan trong 2 năm sắp tới.
“Sự tăng trưởng của các nước đang phát triển ở Châu Á giữ vững và dự kiến sẽ ở mức 6,3% trong năm nay và năm tới. Đó là nhờ vào Ấn Độ và Indonesia với thành tích tốt hơn trước đây, bù đắp vào mức tăng trưởng chậm lại ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa PRC. Áp lực lạm phát thấp hơn nhờ một sự phối hợp giữa các cải cách về chính sách tiền tệ trong nước, như ở Ấn Độ, và giá sản phẩm thấp hơn.”
Tại đông nam Châu Á, mức tăng trưởng của Thái Lan cũng sẵn sàng được cải thiện góp phần vào triển vọng kinh tế tốt hơn cho toàn vùng.
Nhiều nước trong khắp khu vực, trong đó có Ấn Độ và Indonesia, đã cắt giảm trợ giá dầu trong bầu không khí giá dầu thấp hơn, cải thiện các thành tích tài chính và ngân sách và mở đường cho việc chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ xã hội.
Nhưng nền kinh tế của TC, lực đẩy chính trong khu vực, dự kiến sẽ chậm lại với mức tăng trưởng thường niên dự kiến là 7%, một phần vì đầu tư sụt giảm, nhất là trong ngành địa ốc. Kinh tế gia Wei nói chi phí lao động tăng cao, và trị giá tiền tệ TC là đồng nhân dân tệ cũng tăng, góp phần vào sự sụt giảm tăng trưởng.
Tại đông nam Châu Á, vào lúc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chuẩn bị khai trương chính thức, các nền kinh tế năm nay sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trong năm 2016 tăng lên trên 5%. Triển vọng các nền kinh tế ở Thái Bình Dương cũng tốt đẹp.
Nhưng ở Trung Á, nơi tăng trưởng vốn đã chậm lại vì giá dầu sụt và tác động của cuộc suy thoái ở Nga, tăng trưởng kinh tế sẽ “trì trệ” thêm, theo ADB.
ADB cũng cảnh báo về nhiều yếu tố rủi ro, trong đó có những “sai lầm” về chính sách trong việc điều tiết kinh tế của TC, một sự chậm lại trong các cải cách kinh tế của Ấn Độ, và những bất định phát xuất từ vụ khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.
Một mối quan ngại khác là khả năng lãi suất ở Hoa Kỳ có thể tăng khiến các quỹ đầu tư bị rút ra khỏi Châu Á và gây bất ổn cho các thị trường tài chính. Ngân hàng nói có thể có hiện tượng giá dầu tăng trở lại gây thiệt hại cho các tiến bộ đã đạt được nhờ giá nhiên liệu thấp hơn. – Theo VOA
Trung Cộng muốn đào kênh xuyên Thái Lan để tránh Mỹ ở eo biển Malacca
Trong những tháng gần đây, dự án đào một con kênh nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông xuyên ngang bán đảo phía nam của Thái Lan đã xuất hiện trở lại. Kênh đào Kra, như tên gọi của dự án này, sẽ giúp cho tàu buôn từ Ấn Độ Dương muốn lên vùng Đông Bắc Á không phải đi vòng qua eo biển Malacca ngoài khơi bờ biển phía nam của Malaysia. Các công ty TC, được chính quyền Bắc Kinh chống lưng, là thành phần đang cố gắng thúc đẩy dự án này.
Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh một sự xích lại gần nhau rõ nét giữa TC và Thái Lan kể từ khi xẩy ra cuộc đảo chính đưa giới tướng lĩnh lên cầm quyền ở Bangkok vào tháng Năm 2014, ý đồ đào kênh xẻ ngang miền Nam Thái Lan, ngoài mục tiêu kinh tế, còn đậm nét động cơ chính trị. Từ Bangkok, Thông tín viên RFI tại Thái Lan Arnaud Dubus cho biết thêm một số thông tin về dự án đào con kênh xuyên miền Nam Thái Lan đang được TC thúc đẩy.
RFI: Arnaud, đầu tiên anh có thể phác họa những nét chính về dự án kênh đào Kra?
Arnaud Dubus: Dự án kênh đào Kra đã có từ nhiều thế kỷ nay. Ngay từ thời vương quốc Ayuthaya, ý tưởng đào một con kênh xẻ ngang bán đảo nam Thái Lan tránh khỏi phải đi vòng qua eo biển Malacca đã từng được thảo luận. Cách đây 10 năm, các công ty Trung Quốc đã từng nghiên cứu kỹ vấn đề này, nhưng không đưa ra được một kết quả cụ thể nào.
Ý tưởng đơn giản. Đào một con kênh dài chừng 100km đi ngang qua eo đất Kra cho phép rút ngắn được khoảng 48 giờ so với hành trình bình thường là các thương thuyền hay tàu dầu phải đi qua eo biển Malacca. Một vài nghiên cứu cho thấy điều đó cho phép tiết kiệm mỗi năm khoảng 50 tỷ đô-la, nhưng trên thực tế mọi thứ không rõ ràng lắm, vì nhiều nghiên cứu khác đặt vấn đề khả năng sinh lợi của dự án.
Ngược lại, có điều chắc chắn là eo biển Malacca đã quá tải, và mặt khác, các hoạt động hải tặc ngoài khơi eo biển cũng khá nhiều. Như vậy, kênh đào Kra giảm bớt gánh nặng cho eo biển. Nhưng nhất là, sự hiện diện của một eo biển xuyên qua vùng cực nam Thái Lan sẽ là một con đường thay thế cho lộ trình ban đầu qua eo biển Malacca. Do đó, Trung Quốc quan tâm rất nhiều đến điều này, do bởi các căng thẳng mạnh mẽ giữa quốc gia này với nhiều nước Đông Nam Á liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng đồng thời cũng do sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực. Trong trường hợp eo biển Malacca phải bị đóng do căng thẳng gia tăng, kênh đào Kra sẽ là mạch giao thông sống còn cho việc vận chuyển dầu khí nhập khẩu về Trung Quốc.
RFI: Dự án mới đây đã được khơi dậy lại. Như vậy vụ việc đã đi đến đâu?
Arnaud Dubus: Trong bối cảnh Trung Quốc và Thái Lan xích lại gần nhau kể từ sau vụ đảo chính hồi năm rồi, rất nhiều dự án hạ tầng về giao thông do các doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhận tại Thái Lan, nhất là các tuyến đường sắt mới Bắc-Nam. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc ngay từ đầu năm đã khởi động lại dự án kênh Kra với tiến hành một nghiên cứu về tính khả thi kéo dài trong một năm. Theo quan điểm của Bắc KInh, dự án nằm trong khuôn khổ khái niệm “Con đường tơ lụa hàng hải” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng.
Lộ trình được dự trù trong dự án ày sẽ đi qua vùng xa nhất ở phía nam bán đảo Thái Lan ngang tầm với thành phố Songkhla. Điều quan trọng cần lưu ý là lộ trình được vẽ rất gần với vùng mà phe nổi dậy ly khai Hồi giáo Mã Lai đang hoành hành tại miền nam Thái Lan. Một điều chắc chắn là một khi công trình được bắt đầu tại vùng này, vấn đề an ninh sẽ được đặt ra trong khi xây dựng và sau khi kết thúc công trình. Chúng ta hãy nhớ là trong vòng 10 năm, cuộc nổi dậy của phe ly khai đã gây ra cái chết cho hơn 6000 người.
RFI: Nếu được thực hiện , dự án có thể sẽ có những hậu quả nào có thể có cho các quốc gia Đông Nam Á khác?
Arnaud Dubus: Cho dù sẽ phải đầu tư khoảng 20 tỷ đô-la vào dự án, Thái Lan đương nhiên sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong khối ASEAN. Không chỉ là do quyền sử dụng kênh đào mà Thái Lan sẽ được hưởng, mà còn do tác động kích thích tăng trưởng kinh tế mà dự án này sẽ đem lại ngay từ lúc khởi động công trình. Hơn nữa, Thái Lan còn dự tính mở các đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp ngay chính lối vào và lối ra con kênh, đặt trọng tâm vào công nghiệp dầu khí.
Một quốc gia khác cũng được hưởng lợi đó là Miến Điện, vì hiện nay nước này, cho tới nay, để xuất khẩu hàng hoá, buộc phải đi một đường vòng dài xuống phía nam qua eo biển Malacca, trong khi Miến Điện lại nằm rất gần với kênh Kra. Ngược lại, có thể Malaysia, Singapore và ngay cả Indonesia sẽ bị mất quyền lợi, nếu kênh Kra được hình thành, bởi vì lưu thông hàng hải trên vùng lãnh hải của họ chắc chắn sẽ bị giảm xuống.
Một quốc gia hưởng lợi lớn khác nữa có lẽ sẽ là Trung Quốc. Nước này sẽ có nhiều đường vận chuyển nhiên liệu thuộc quyền sử dụng của họ. Cho nên các tập đoàn Trung Quốc rất quan tâm đến dự án. Nhưng Thái Lan cũng đã nhận thấy là với các dự án đường sắt, việc xích lại gần với Bắc Kinh về mặt kinh tế cũng có những bất lợi. Bởi những khoản tín dụng do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ cho các dự án đường sắt tại Thái Lan có lãi suất là 4%/ năm, cao hơn lãi suất chung của các quốc gia như Nhật Bản dành cho những dự án tương tự. Đó là chưa kể đại bộ phận nhân công tại các công trường có chủ đầu tư Trung Quốc tại Thái Lan sẽ là người Trung Quốc. Chính vì vậy mà Bangkok đã từ chối vay tiền của Trung Quốc cho các dự án đường sắt. – Theo RFI