Tin Thế Giới – 24/1/2015
Trung Cộng yêu cầu các nước nhỏ chớ đưa ra ‘đòi hỏi vô lý’
Trung Cộng (TC) cho biết họ lên án việc các nước lớn hiếp đáp những nước nhỏ hơn, nhưng nhấn mạnh những nước nhỏ nên chấm dứt những “đòi hỏi vô lý.”
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (22/1), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh lập trường của TC là “tất cả các nước, bất kể lớn nhỏ, đều bình đẳng.”
“Chúng tôi chống lại việc các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ. Đồng thời chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những đòi hỏi vô lý,” Hoa nói.
Phát biểu này dường như đáp lại phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng “các nước lớn không thể bắt nạt các nước nhỏ,” khi được hỏi về hành vi của TC ở Biển Đông trong dịp ông đến Philippines đối thoại với các quan chức nước sở tại trong tuần này.
TC đang vướng vào tranh chấp với Philippines, CSVN, Malaysia, Brunei và Đài Loan ở Biển Đông, nơi TC tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên này.
Philippines và Việt Nam là hai nước thường lên tiếng mạnh mẽ về việc TC xâm phạm vùng lãnh thổ mà hai nước tuyên bố chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế, thực hiện những hoạt động cải tạo đất đai, quấy rối ngư dân, và làm gián đoạn việc thăm dò năng lượng trong vùng biển của mỗi nước. – Theo VOA
Mỹ tạm ngưng các hoạt động chống khủng bố ở Yemen
Hàng ngàn người Yemen hôm nay xuống đường phản đối nhóm phiến quân Houthi của người Hồi giáo Shia, hai ngày sau khi tổng thống và nội các từ chức.
Những người mục kích cho biết người biểu tình tuần hành từ một quảng trường gần Đại học Sana’a tới khu vực từng là nơi cư ngụ của các nhà lãnh đạo Yemen ở thủ đô.
Hôm qua, các giới chức an ninh cấp cao của Mỹ cho biết hoạt động chống khủng bố ở Yemen đã bị tạm ngưng, sau khi chính phủ do Washington hậu thuẫn bị sụp đổ.
Các giới chức am hiểu tình hình nói rằng sự từ chức của Tổng thống Abd Rabbo Mansour Hadi và nội các của Thủ tướng Khaled Bahah làm cho các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ ở Yemen “bị tê liệt.”
Hãng thông tấn Reuters trích lời 3 giới chức Mỹ nói rằng sự tạm ngưng này bao gồm những vụ không kích bằng máy bay không người lái. Hiện chưa rõ sự đình chỉ này sẽ kéo dài bao lâu.
Các lực lượng Mỹ làm việc chung với nhân viên an ninh Yemen để giám sát nhóm al-Qaida trên bán đảo Ả Rập (AQAP) từ một trung tâm tình báo ở miền nam Yemen. Tuy nhiên, các giới chức cho biết hồi tối thứ sáu rằng hầu hết các hoạt động tình báo giờ đây đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi, những người đã chiếm các cơ sở trọng yếu của chính phủ hôm thứ năm và lật đổ chính phủ.
Phiến quân Houthi đối mặt với sự chống đối của AQAP cũng như của Hoa Kỳ.
Tương lai chính trị của Yemen hiện vẫn chưa rõ ràng, trong lúc quốc hội chuẩn bị để quyết định vào ngày mai về việc có nên chấp thuận sự từ chức của Tổng thống Hadi hay không. – VOA
Hy Lạp chờ đợi cơn địa chấn bầu cử Quốc hội
Ngày mai 25/01/2015, người dân Hy Lạp sẽ đi bầu để chọn ra những người đại diện tại Quốc hội. Cuộc bầu cử trước thời hạn này đang được Liên hiệp Châu Âu và thị trường tài chính hết sức chú ý, vì Syriza, đảng cánh tả được cho là cực đoan, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến. Người ta chờ đợi một cơn địa chấn với sự thắng thế của đảng Syriza của ông Alexis Tsipras, với chủ trương chấm dứt chính sách khắc khổ.
Từ Athènes, đặc phái viên RFI Tudor Tepeneag gởi về bài tường trình:
“Tại Athènes, không ai còn nghi ngờ về chiến thắng của Alexis Tsipras và đảng cực tả Syriza của ông ta. Tuy vậy, trong buổi mít-tinh cuối cùng của chiến dịch tranh cử, trong gian phòng họp đầy kín người, thủ lãnh phe đa số hiện nay, Thủ tướng bảo thủ Antonis Samaras hứa hẹn “sự cố Tsipras” sẽ không xảy ra. Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không cho phép đất nước lại quay ngược chiều”, tỏ ra hãnh diện về một số kết quả tốt đẹp về kinh tế mới đây.
Antonis Samaras cảnh báo: “Đảng Syriza sẽ khiến cho châu Âu chống lại chúng ta”. Nhưng Alexis Tsipras đã lên tiếng đáp trả từ Héraklion, thủ phủ đảo Crète, nơi ông đến vận động những người ủng hộ. Thủ lãnh Syriza khẳng định sẽ không lãnh đạo cuộc chiến trong một góc nhỏ của châu Âu, mà cho toàn bộ các dân tộc châu Âu. Ông Tsipras nhấn mạnh: “Đó là cuộc chiến nhằm chấm dứt chính sách khắc khổ”.
Chỉ có một điều chưa rõ: Liệu đảng của ông Tsipras có đạt mức 37% tổng số phiếu hay không? Việc này sẽ giúp thủ lãnh Syriza đạt được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Hy Lạp, nhờ đó có thể mặc sức tiến hành chính sách mà ông đã hứa hẹn. Theo các thống kê mới nhất, kịch bản này rất có thể sẽ trở thành sự thật”. – RFI
Tin Hoa Kỳ: Tổng thống Obama đi thăm Ấn Độ
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay lên đường đi Ấn Độ để thảo luận với Thủ tướng Narendra Modi về vấn đề biến đổi khí hậu và các mối quan hệ kinh tế.
Tổng thống Obama sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ tham dự Lễ Quốc Khánh ngày 26 tháng 1 của Ấn Độ, đánh dấu ngày hiến pháp của quốc gia Nam Á này bắt đầu có hiệu lực vào năm 1950.
Hai nhà lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp khi ông Modi đến thăm Washington hồi năm ngoái. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã mời Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle làm khách quí của ông tại Lễ Quốc Khánh.
Chuyến công du của Tổng thống Obama bao gồm một hội nghị thượng đỉnh song phương và các cuộc thảo luận về kinh tế giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và Ấn Độ.
Tổng thống Obama định đi thăm đền Taj Mahal nổi tiếng vào ngày thứ ba, nhưng tin tức cho biết ông đã hủy bỏ kế hoạch đó để đến thăm Saudi Arabia sau khi nhà vua của quốc gia Trung Đông này băng hà.
Ấn Độ đã bố trí khoảng 50.000 nhân viên an ninh ở thủ đô New Delhi và một vùng cấm bay sẽ được thiết lập trong thời gian diễn ra cuộc diễu hành vào ngày thứ hai. – VOA