Tin Thế Giới – 23/9/2015
Tập Cận Bình: Xung đột Mỹ-Trung sẽ là ‘đại hoạ’
Chủ tịch TC Tập Cận Bình kêu gọi cải thiện quan hệ với Washington để ngăn chận một vụ xung đột giữa hai nước mà ông gọi là “đại hoạ”. Theo tường thuật của thông tín viên William Gallo của đài VOA, nhân dân Trung Hoa kêu gọi như vậy trong lúc bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ một tuần.
Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong bài diễn văn chính sách ông đọc trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ hôm thứ 3 tại Seattle.
Tập nói “Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác với nhau một cách tốt đẹp, họ có thể trở thành nền tảng cho sự ổn định toàn cầu. Nếu đôi bên xung đột hoặc đối đầu với nhau thì điều đó sẽ dẫn tới tai hoạ lớn cho cả hai nước và cho toàn thế giới.”
TC sẵn sàng đối thoại về an ninh mạng
Nhà lãnh đạo TC cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác đang gây căng thẳng cho các mối quan hệ song phương, kể cả vấn đề tin tặc mà Tổng thống Barack Obama đã nói rõ là sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận của cuộc họp sắp tới tại Tòa Bạch Ốc.
“Chính phủ Trung Quốc không hề tham gia, khuyến khích hay hỗ trợ bất cứ ai để thực hiện những vụ đánh cắp bí mật thương mại,” Tập Cận Bình nói như vậy và lập lại những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh là Trung Quốc là nạn nhân, chứ không phải thủ phạm, của những vụ tấn công mạng.
Tập cho biết TC sẵn sàng thiết lập “một cơ chế đối thoại cấp cao với Hoa Kỳ về việc phòng chống tội phạm mạng”, trong một cố gắng nhằm trấn an các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang cảm thấy lo âu trước mối đe dọa ngày càng lớn của những vụ tin tặc.
Tập Cận Bình cũng nói rằng TC sẽ không hạ thấp tỉ giá hối đoái của đồng nguyên để thúc đẩy xuất khẩu. Đây là một vấn đề mà các giới chức Mỹ đã lo ngại từ nhiều năm qua và sự lo ngại này đã gia tăng hồi gần đây vì những vụ phá giá chỉ tệ mà TC đã thực hiện một cách bất ngờ khi thị trường chứng khoán TC tuột dốc.
Cuộc họp thượng đỉnh dự kiến có nhiều căng thẳng
Theo dự liệu, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung sẽ có một cuộc thảo luận cặn kẽ về gián điệp mạng và các vấn đề kinh tế khi nhà lãnh đạo TC thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tới Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ 6.
Ông Jason Furman, kinh tế gia trưởng của Tòa Bạch Ốc, hôm qua cho biết Hoa Kỳ sẽ thúc giục TC không nên tiến hành những hoạt động gọi là “sửa nhanh” để giải quyết các vấn đề kinh tế, như phá giá đồng nguyên để thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Furman nói việc TC nới lỏng sự kiểm soát đối với đồng nguyên “đã gây ra hỗn loạn” trên các thị trường tài chánh toàn cầu và các giới chức Mỹ cũng sẽ đề cập tới vấn đề thị trường chứng khoán có nhiều dao động của TC.
Trước khi Tập Cận Bình lên đường sang thăm Hoa Kỳ, các giới chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ lên án những hoạt động gián điệp mạng do Bắc Kinh bảo trợ. Họ nói rằng đây là một chướng ngại lớn cho các mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Chúng tôi nghe thấy mỗi lúc một nhiều những mối quan tâm về những hoạt động của TC, cho nên chúng tôi muốn làm rõ là khả năng của TC để tiếp tục tăng trưởng sẽ gặp rủi ro nếu các doanh nghiệp không tin là họ sẽ không bị tin tặc tấn công,” Phó Cố vấn an ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nói.
Các giới chức Mỹ đã đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài đối với Bắc Kinh, và Tổng thống Obama cho biết Washington đang chuẩn bị “một số biện pháp” để chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy là “đây không phải chỉ là một vấn đề làm cho chúng tôi bực bội đôi chút.”
Biển Đông
Một lãnh vực bất đồng khác là những yêu sách chủ quyền gây nhiều tranh cãi của TC ở Biển Đông.
Trong bài diễn văn hôm thứ ba, Tập Cận Bình nhấn mạnh là TC không muốn đối đầu với các nước khác, và không muốn hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Tập nói “Tôi xin nhắc lại: bất kể là phát triển cho tới mức nào đi nữa, Trung Quốc cũng không bao giờ theo đuổi ý đồ bá quyền hay bành trướng.”
Trong thời gian qua TC đã tiến hành những dự án xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên những hòn đảo nhỏ mà họ chiếm cứ ở quần đảo Trường Sa, nơi các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.
Hồi đầu tuần này, Tập Cận Bình nói với tờ Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Hoa từ thời xa xưa.
Tập nói “Sự phát triển và bảo trì mà Trung Quốc thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng tới hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác, và việc này không nên bị diễn giải quá đáng.”
Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu TC ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế và có thể làm bùng ra những vụ xung đột ở Biển Đông.
Vấn đề nhân quyền
Thành tích nhân quyền của TC là một nguồn xích mích khác với Hoa Kỳ và đề tài này có phần chắc sẽ được nêu ra trong chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình.
Trong lúc nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đọc diễn văn tại Seattle hôm thứ ba, nhiều người đã tụ tập ở gần đó để lên án điều mà họ cho là các chính sách hà khắc của Bắc Kinh ở Tây Tạng và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Tập Cận Bình cũng sẽ gặp phải những cuộc biểu tình phản kháng tương tự khi ông tới Washington và New York trong những ngày sắp tới.
Hồi đầu tuần này, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, nói rằng các giới chức Mỹ sẽ tiếp tục hối thúc TC ngưng câu lưu các nhà tranh đấu, nới rộng tự do ngôn luận, và loại bỏ những sự hạn chế đối với các sinh hoạt tôn giáo.
Tuy nhiên, những phát biểu tương tự trong quá khứ đã bị Bắc Kinh bác bỏ và không mang lại tiến bộ nào đáng kể. Bên cạnh đó, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Obama sẽ dành ưu tiên cao hơn cho vấn đề nhân quyền trong cuộc họp sắp tới với Tập Cận Bình.
Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận TC của tổ chức Human Rights Watch, nói “Đây là một mối quan hệ lớn và phức tạp. Điều này tuyệt đối chính xác. Và do đó, có rất nhiều đề tài cần lưu ý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự xuống cấp của tình hình nhân quyền ở TC dưới sự cai trị của Tập Cận Bình là một việc cần đặc biệt lưu tâm.”
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho VOA, bà Richardson nói “Chúng tôi cũng cố gắng nhắc nhở mọi người là những luật lệ và những định chế độc lập ở TC có thể giúp bảo vệ nhân quyền – như một hệ thống toà án độc lập, tôn trọng quyền tự do diễn đạt; những luật lệ và định chế đó cũng rất cần thiết cho một mối quan hệ lành mạnh về thương mại và cho một sự hợp tác tốt đẹp hơn về ngoại giao và cho nhiều khía cạnh khác của mối quan hệ”. – Theo VOA
Tổng Thống Philippines chế giễu đòi hỏi chủ quyền của TC
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino đã chế giễu về những đòi hỏi chủ quyền biển của TC, và ca ngợi Nhật Bản đã thông qua luật pháp để cho phép quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài.
Pháp Tấn Xã hôm nay dẫn lời phát biểu của ông Aquino trên đài truyền hình ABS-CBN, nói rằng TC đề nghị cùng phát triển các tài nguyên trong Biển Đông, nhưng cùng lúc lại tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng biển có tính nhạy cảm này.
Ông Aquino nói “Điều nực cười là TC có ý nói những gì của chúng tôi là của chúng tôi, còn những gì của các ông, thì chúng ta cùng chia sẻ”.
Ông Aquino bác bỏ lời kêu gọi đối thoại tay đôi của TC. Ông nói bất cứ cuộc đàm phán nào cũng có liên hệ tới các nước khác đang đòi chủ quyền một phần khu vực này, như Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Tổng Thống Aquino ca ngợi việc quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật gây tranh cãi để nới lỏng những hạn chế đối với lực lượng tự vệ của nước này, mở đường cho việc quân đội Nhật Bản có thể chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Các dự luật an ninh được quốc hội Nhật thông qua hôm thứ Bảy vừa rồi đã bị Bắc Kinh lên án. Họ nói rằng đây là một mối đe doạ cho hoà bình khu vực. – Theo VOA
Đức Giáo Hoàng gặp Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu ngày trọn vẹn thứ nhất trong chuyến thăm Hoa Kỳ hôm nay bằng cuộc gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc.
Sau đó trong ngày Ngài sẽ dâng lễ phong thánh cho một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 18 đã loan truyền tin mừng của Hội thánh tại nơi mà nay là bang California.
Đức Giáo Hoàng được Tổng thống Obama và gia đình nghênh đón hôm thứ Ba khi Ngài đến căn cứ không quân Joint Base Andrews ở ngoại ô thủ đô Washington tiếp theo sau chuyến thăm Cuba 3 ngày, nơi Ngài được ca ngợi như một vị anh hùng vì đã giúp hàn gắn quan hệ ngoại giao cho Havana và Washington sau nửa thế kỷ thù địch.
Sau khi được Tổng thống Obama chào đón và hàng trăm người của các nhóm đại diện tung hô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đoàn tùy tùng đưa về Tòa Khâm sứ Vatican, nơi Ngài sẽ ở trong thời gian thăm thủ đô Washington.
Thay vì đi xe limosine sang trọng, vị Giáo hoàng 78 tuổi, chọn đi bằng chiếc xe hơi đơn giản loại nhỏ màu đen hiệu Fiat. Ngài vẫy chào đám đông đứng dọc bên đường dẫn đến Tòa Khâm sứ, hân hoan đón chào Ngài.
Từ khi được bầu lên lãnh đạo Giáo triều Vatican, Đức Giáo Hoàng người Argentina đã thu hút sự nể phục của hàng triệu người vì sự chú tâm của Ngài vào mục tiêu chống nghèo đói, bất bình đẳng trong thu nhập, chủ nghĩa tư bản lộng quyền và biến đổi khí hậu – đồng thời Ngài cũng bị một số người Mỹ bảo thủ cực lực chỉ trích.
Trong chuyến bay từ Cuba đến Washington, Đức Giáo Hoàng nói rằng giáo lý của Ngài chỉ đơn giản là phần “học thuyết xã hội trong Giáo hội”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo trông đợi sẽ đề cập đến những chủ đề này khi Ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Nhưng Ngài nói với các phóng viên báo chí rằng Ngài sẽ không dùng bài diễn văn tại Quốc hội để kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt cấm vận thương mại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đối với nước Cộng sản Cuba.
Sau khi họp với Tổng thống Obama hôm nay, Đức Giáo Hoàng sẽ dự một cuộc diễu hành ở Quảng trường Quốc gia của thủ đô Washington.
Sau đó vào buổi chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh lễ cho khoảng 30,000 người tại Vương cung Thánh đường Quốc gia.
Trong Thánh lễ này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong hiển thánh cho á thánh Junipero Serra, tu sĩ Dòng Phanxicô người Tây Ban Nha có công trong việc khai mở các vùng truyền giáo của người Tây Ban Nha ở thể kỷ 18.
Nhưng lễ phong thánh cho ông Serra khơi dậy một nỗi đau cho nhiều người Mỹ Bản địa – họ nói rằng ông Serra đã đối xử ác nghiệt với người bản địa.
Đức Giáo Hoàng sẽ đi New York vào thứ Sáu để phát biểu trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc. Sáng thứ Bảy Ngài đến Philadelphia để dự hội nghị thế giới về gia đình do Vatican bảo trợ. – VOA
Lãnh đạo thế giới họp tại LHQ bàn về những thách thức toàn cầu
Các nhà lãnh đạo thế giới sắp sửa tụ họp tại Liên Hiệp Quốc với con số đông đảo nhất từ trước tới nay. Hơn 150 vị tổng thống và thủ tướng sẽ đến dự phiên họp của Đại hội đồng năm nay, cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan thế giới này. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ tới trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9, chỉ vài giờ trước giờ khai mạc một hội nghị cấp cao về xoá đói giảm nghèo.
Nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican sẽ nói chuyện với các nhân viên của Liên Hiệp Quốc và họp riêng với Tổng thư ký Ban Ki Moon, là người đã hội kiến Đức Giáo Hoàng ba lần tại Vatican.
Ông Ban Ki Moon cho biết như sau về những cuộc gặp gỡ đó.
“Chúng tôi đã thảo luận với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề xoá nghèo và các vấn đề về người di cư và người tị nạn, và quan trọng hơn hết là vấn đề biến đổi khí hậu.”
Sau cuộc họp với người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng sẽ đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Ông Carne Ross, một nhà tư vấn về ngoại giao, cho biết nhiều người muốn nghe Đức Giáo Hoàng nói về các vấn đề của thế giới.
“Điều đặc biệt là ông ấy dường như đã trở thành một tiếng nói thật sự của uy quyền toàn cầu về đạo đức đối với những vấn đề như người tị nạn và biến đổi khí hậu. Rất nhiều người sẽ trông chờ ở ông ấy và muốn nghe những gì ông nói về tình trạng của thế giới hiện nay.”
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nói rằng phiên họp năm nay của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phải tìm cách giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải. Ông Richard Gowan, giáo sư chính trị của Đại học Columbia, cho biết như sau.
“Sẽ có những phát biểu có tính chất chúc mừng nhau về thoả thuận hạt nhân Iran, nhưng điều đó sẽ bị lu mờ bởi vụ khủng hoảng nhân đạo ở Châu Âu và thế lực không bị suy suyển của Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông.”
Vào ngày 30 tháng 9 sẽ có một cuộc họp cấp cao về vụ khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu. Tổng thư ký Ban Ki Moon cho biết ông hy vọng có thể vận động được một sự ứng phó có tính chất nhân đạo và có hiệu quả cho vụ khủng hoảng này.
Đa số những người trong làn sóng di dân tràn vào Châu Âu hiện là người Syria trốn chạy cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm.
Việc Nga mới đây gia tăng sự hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm gia tăng những mối căng thẳng với Washington. Tổng thống Vladimir Putin sẽ đến dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên trong vòng gần một thập niên. Theo giáo sư Gowan, ông Putin có lẽ sẽ trình bày một chiến lược mới về Syria, nhưng chiến lược đó có phần chắc sẽ không được nhiều người tán đồng.
“Có một sự bất đồng ý kiến một cách cơ bản giữa Nga với Mỹ và các nước Châu Âu về vấn đề ông Assad, và Moscow tiếp tục hỗ trợ ông Assad, cho nên có phần chắc là sẽ có một sự đổ vỡ ngoại giao chứ không phải một sự đột phá.”
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ chủ toạ một cuộc họp về vấn đề chống khủng bố. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, cho biết như sau.
“Tổng thống sẽ triệu tập một phiên họp để bàn về việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, để xem xét những gì mà liên minh đã đạt được và tìm hiểu xem có những điều gì cần phải làm thêm.”
Các nhà quan sát nói rằng phiên họp năm nay của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể là lớn nhất từ trước đến nay, cả về con số các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị lẫn những thách thức cần phải khắc phục. – VOA