Tin Thế Giới – 23/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 23/12/2014

Đồng Rúp tuột dốc, liệu Trung Cộng có nên giúp Nga hay không?

Do khủng hoảng Ukraina, Nga bị phương Tây trừng phạt, nền kinh tế nguy khốn. Để đối phó, Matxcơva quay sang tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đồng Rúp mất giá thê thảm, liệu TC, nước có dự trữ ngoại tệ khổng lồ, có nên giúp đỡ Nga hay không?
Theo China Daily, cuối tuần qua, trong cuộc gặp với báo giới, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, TC sẵn sàng hỗ trợ Nga, nhưng Bắc Kinh nghĩ rằng Matxcơva có đủ khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế hiện nay.
Theo lãnh đạo ngành ngoại giao TC, thì Nga có đủ sự khôn ngoan, thận trọng cần thiết để vượt qua được những khó khăn. Vương Nghị nói: «Nếu nước Nga có nhu cầu, chúng tôi sẽ cung cấp viện trợ cần thiết trong khả năng của mình» và nhấn mạnh rằng cho đến nay, hai nước vẫn giúp đỡ lẫn nhau.
Đó là những tuyên bố thể hiện thiện chí, nhưng trên thực tế, có những vấn đề mà TC phải cân nhắc, trước khi ra tay giúp đỡ, nhất là đối với Nga.
Theo Đa Duy Tân Văn (Duowei News), một tờ báo của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, được báo Đài Loan WantChinaTimes, trích dẫn, thì trước tiên, rất khó ngăn chặn được cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga, cho dù TC có giúp đỡ: Sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu khí, các trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu của Nga và giá dầu tụt giảm mạnh đã làm viễn cảnh nền kinh tế Nga trở nên u ám.
Mặt khác, dự trữ hối đoái của Nga không đủ, thanh khoản thiếu nghiêm trọng. Cho dù muốn hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, thì Bắc Kinh cũng phải hiểu là họ không thể làm được gì nhiều cho Matxcơva.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, TC không có một nỗ lực công khai nào giúp đỡ Nga trong cuộc đối đầu chính trị với phương Tây. Bắc Kinh chủ trương giữ «lập trường trung lập» và cũng sẽ có thái độ tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính của Nga.
Đa Duy Tân Văn cho rằng TC và Nga có những tính toán khác nhau để khẳng định vai trò của mình tại Châu Âu và Châu Á, cũng như trên thế giới.
Cho đến nay, Matxcơva không chính thức đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã gặp đồng nhiệm TC Lý Khắc Cường hai lần trong hai tháng. Lần gần đây nhất là tại cuộc họp Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ngày 15/12, nhưng hai bên không thảo luận chính thức về việc đồng Rúp mất giá. Trong khi đó, cũng tại Thượng đỉnh này, Medvedev lại gặp Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, để bàn về những vấn đề tài chính của Nga.
Đa Duy Tân Văn nhận định, cho dù TC là một trong những đối tác chiến lược quan trọng, Nga vẫn thận trọng trước nguy cơ Bắc Kinh có thể trở thành đối thủ cạnh tranh chính trị trên trường quốc tế. Ngay cả khi rất cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tránh phụ thuộc vào TC.
Vào lúc Matxcơva muốn diễu võ giương oai với phương Tây, thì Nga cũng tìm cách phô trương sức mạnh của mình đối với TC, như tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông hồi đầu tháng 11, trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh. Đồng thời, Matxcơva cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước Châu Á khác, như Ấn Độ, CSVN.
Chính vì thế, cho đến nay, ngoài việc đưa ra một tuyên bố sẵn sàng giúp Matxcơva, mang nặng tính chính trị và ngoại giao, TC có một mối quan tâm thực dụng hơn. Theo Reuters, trong chín tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của TC sang Nga tăng 10,5% và nhập khẩu tăng 2,9%, so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Tổng trao đổi mậu dịch song phương lên tới 70,78 tỷ đô la. Trước việc đồng Rúp bị mất giá tới 50% trong năm nay, Bộ Thương mại TC gợi ý nên tăng cường dùng Nhân dân tệ, thay cho đồng Rúp, trong thanh toán ngoại thương giữa hai nước.

TC dùng tiền để thực hiện “quyền lực mềm” – TC đề nghị cấp 3 tỉ đôla cho các nước láng giềng

Vào ngày 19/12/2014, trong chuyến viếng thăm Thái Lan trước khi dự hội nghị thượng đỉnh Mekong lần thứ 5 tại Bangkok, Thủ tướng TC Lý Khắc Cường và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã dự lễ ký kết các hiệp định về đường sắt và nông nghiệp, trị giá hơn 10 tỉ đôla.

Hiệp định về nông nghiệp dự trù TC sẽ mua 2 triệu tấn gạo và 200 ngàn tấn cao su của Thái Lan. Hiệp định về đường sắt bao gồm dự án xây dựng hai tuyến đường sắt, trong đó một tuyến sau này sẽ là tuyến đường sắt cao tốc, trong khuôn khổ một dự án rộng lớn hơn, nhằm nối liền tỉnh Vân Nam TC với Singapore. Hai dự án đường sắt nói trên sẽ được khởi công vào năm 2016 và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2022.

Từ hơn 20 năm qua, Bắc Kinh vẫn hô hào xây dựng tuyến đường sắt Vân Nam-Singpore, nhằm củng cố ảnh hưởng và gia tăng trao đổi thương mại với các nước Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Vân Nam.

Các hiệp định vừa ký với Thái Lan thật ra chỉ là một phần trong những nỗ lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng này nhằm cải thiện quan hệ giữa TC với các nước ASEAN sau một mùa hè đầy căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là do việc Bắc Kinh đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa.

Chỉ một ngày sau khi ký các hiệp định với Thái Lan, tại hội nghị thượng đỉnh Mekong, lãnh đạo chính phủ TC đã hứa sẽ cấp cho bốn nước Cam Bốt, Lào, CSVN và Miến Điện một khoản tín dụng hơn 11,5 tỉ đôla, chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp.

Vào tháng 11 vừa qua, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Nay Pyi Daw, Lý Khắc Cường cũng đã hứa các khoản vay với lãi suất thấp tổng cộng 20 tỉ đôla cho 10 nước Đông Nam Á để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong những tháng gần đây TC đã đổ rất nhiều tiền của vào vùng Đông Nam Á để cố làm dịu hình ảnh của một cường quốc khu vực hiếu chiến, chỉ biết dùng sức mạnh để lấn át láng giềng, nhất là trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Đây rõ ràng là một sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Cụ thể, là TC nay đặt ưu tiên ngày càng nhiều cho quan hệ với các nước láng giềng Đông Á và Đông Nam Á, hơn là với Hoa Kỳ và các cường quốc khác, nói chung là với các nước phát triển. Bắc Kinh lại càng cần phải ve vãn các nước Đông Nam Á để đối đầu với chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ. Chính sách của họ là thuyết phục các nước láng giềng Đông Nam Á là tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của TC.

Càng củng cố vị thế cường quốc ở châu Á, TC lại càng khó chấp nhận các nước Tây phương can thiệp vào khu vực này, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Thành ra Bắc Kinh vẫn dứt khoát chống lại việc đưa tranh chấp này ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế.

Và cũng để đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản, Bắc Kinh cũng đang cố thiết lập một liên minh Âu-Á-Phi, thể hiện qua chuyến viếng thăm gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Kazakhstan và Serbia, trước khi đến Thái Lan vào tuần trước. Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 03/2013, Chủ tịch TC Tập Cận cũng đã thăm nhiều nước châu Âu và châu Á.

TC đã đề nghị cung cấp khoảng 3 tỉ đôla (trong số 11.5 tỉ) qua những khoản vay và viện trợ cho các nước láng giềng Campuchia, CSVN, Myanmar, Thái Lan và Lào để cải thiện cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất, và để chống lại tình trạng nghèo túng.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong ở Bangkok cuối tuần trước, Thủ tướng TC Lý Khắc Cường nói đây là những nỗ lực quan trọng nâng cấp sự hợp tác giữa Trung Cộng-ASEAN, và rằng TC sẵn sàng làm việc với năm nước này để xây dựng một khuôn khổ mới nhằm làm sâu sắc hơn sự hợp tác, cũng như đưa quan hệ đối tác toàn diện ở Tiểu vùng sông Mekong lên một cấp độ mới.

Tân Hoa Xã dẫn lời Lý cho biết TC có kế hoạch xuất khẩu điện, viễn thông, thép và xi măng có năng suất cao sang các nước láng giềng trên những tuyến đường vận tải trong khu vực.

Thứ Sáu tuần trước, TC cho biết sẽ xây dựng một mạng lưới đường sắt dài 867 km ở Thái Lan và mua hai triệu tấn gạo của nước này.

Đông Nam Á hiện là khu vực mới cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa TC và Mỹ. TC thể hiện một hình ảnh nhẹ nhàng hơn cho khu vực này, một phần thông qua cung cấp kinh phí cho những dự án cơ sở hạ tầng mới có quy mô lớn. – Theo RFI, VOA

Giáo hoàng: ‘Vatican mắc 15 căn bệnh’

Giáo hoàng Francis đã phê phán gay gắt tình trạng quan liêu ở Vatican trong một thông điệp tiền Giáng sinh gửi đến các vị hồng y.

Ngài than phiền về ‘bệnh Alzheimer tinh thần’, ‘sự khủng bố bằng lời đồn đại’, ‘suy nghĩ ngày một cứng rắn’, và ‘cảm giác mình là mãi mãi và không ai đụng được đến mình’.

Ngài nói Giáo triều Roma – cơ quan điều hành tối cao của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã – đang mắc ‘15 căn bệnh’ mà Ngài muốn chữa trị trong năm mới.

Giáo hoàng Francis, vị lãnh đạo Giáo hội đầu tiên đến từ châu Mỹ-Latin, cũng phê phán ‘những ai bị ám ảnh bởi hình ảnh của mình’.

Ngài yêu cầu cải cách Giáo triều.

Cử tọa ngồi im

Khi Giáo hoàng Francis kết thúc bài diễn văn của mình, cử tọa ngồi im lặng.

Trong bài diễn văn hôm thứ Hai ngày 22/12, Giáo hoàng Francis nói một số giáo sỹ ham muốn quyền lực đã phạm tội ‘thản nhiên giết chết thanh danh của các vị đồng sự và huynh đệ của họ’.

Ngài so sánh công việc của đội ngũ chức việc trong Giáo hội giống như một dàn nhạc ‘lỗi nhịp’ bởi vì họ không hợp tác được với nhau và không có tinh thần làm việc nhóm.

Trước khi được bầu lên hồi tháng 3/2013, Giáo hoàng Francis đã gặp phải chống đối nội bộ đối với một số cải cách mà Ngài muốn thực hiện.

Ngài đã thành lập một loạt các cơ quan chuyên trách để chống tham nhũng và quản lý yếu kém đồng thời cũng chỉ định một đội ngũ cố vấn.

Giáo hoàng cũng phát động việc làm sạch Ngân hàng Vatican vốn bị nhiều tai tiếng sau hàng loạt vụ bê bối.

Người ngoài?

Ngài cũng đề nghị tản quyền của Vatican – vốn tập trung vào tay Giáo triều trong hàng trăm năm qua – để cho phép các giám mục trên khắp thế giới có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề về giáo lý của Giáo hội.

Bản thân Giáo hoàng Francis chưa từng làm việc trong Giáo triều trước khi bước lên ngôi vị giáo hoàng.

Từ Rome, phóng viên BBC David Willey bình luận:

“Rõ ràng Giáo hoàng Francis đã gặp phải sự chống đối trong số gần 3.000 thành viên của Giáo triều mà đa số là người Ý.

Ngài chưa từng làm việc ở Rome trước khi Ngài được bầu làm Giáo hoàng hồi năm ngoái. Ở Vatican, Ngài là người ngoài đến từ một nơi khác. Ngài rõ ràng rất bất mãn với tác phong làm việc trì trệ và yếu kém ở Vatican.

Ngài đang cố gắng cải cách Vatican với sự giúp đỡ của một nhóm cố vấn bao gồm các hồng y mà Ngài triệu tập từ khắp các châu lục để soạn thảo một bản Hiến pháp mới của Vatican.” – Theo BBC

Bắc Hàn đã kích cuộc biểu quyết về nhân quyền của Hội Đồng Bảo An LHQ

Hôm qua 22/12/2014, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về các tội ác trầm trọng chống lại người dân của chính quyền Bình Nhưỡng, đặc biệt trong các trại lao cải. Theo Hoa Kỳ, lời chứng của các cựu tù nhân cho thấy chế độ độc tài cộng sản Bắc Hàn khiến dân chúng nước này phải sống trong “cơn ác mộng”.

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet cho biết cụ thể:

Hội đồng Bảo an nhóm họp hôm qua để thảo luận lần đầu tiên về toàn bộ các vi phạm nhân quyền của chính quyền Bắc Hàn. Cuộc họp có nguy cơ không diễn ra, do TC cho rằng Hội đồng Bảo an không có nhiệm vụ thảo luận về vấn đề nhân quyền. Ý kiến này cũng được Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, với 11 phiếu ủng hộ, hai phiếu chống và sự vắng mặt của đại diện hai nước Tchad và Nigeria, đề nghị của TC đã bị bác.

Cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an, mà đại diện Bắc Hàn từ chối không tham dự, là một cáo buộc nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ Samantha Power đã chỉ ra “những tội ác man rợ” trong các trại cải tạo lao động, một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Quan điểm của Hoa Kỳ là cần đưa Bắc Hàn ra trước Tòa án hình sự quốc tế để xét xử về các tội ác chống nhân loại, giống như điều mà Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã khuyến nghị.

Thay mặt cho nước Pháp, đại sứ François Delattre lên án “một cỗ máy kinh hoàng… của một chế độ khát máu nhằm nô dịch dân chúng nước mình”. Ông nhấn mạnh “chính quyền Bắc Hàn sẽ phải trả lời cho các hành động của mình trước công lý”.

Các thảo luận về tình trạng nhân quyền tại Bắc Hàn được tiến hành dựa trên một báo cáo của ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc. Theo báo cáo này, hiện có từ 80 nghìn đến 120 nghìn người bị giam giữ tại các trại lao cải Bắc Hàn.

Trong phát biểu hôm qua, đại sứ Hoa Kỳ Samatha Power chỉ nhắc qua vụ công ty điện ảnh Sony Picture bị tấn công tin học hồi tuần trước, mà Washington cho rằng có bàn tay của Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ lên án Bắc Hàn không chỉ bịt miệng dân chúng của nước mình, mà “dường như còn kiên quyết cản trở” quyền tự do ngôn luận của chính nước Mỹ.

Cho dù Hội đồng Bảo an không đưa ra một quyết định nào, các hiệp hội bảo vệ nhân quyền cho rằng việc thảo luận tại Hội đồng Bảo an về Bắc Hàn đã tạo ra một bước ngoặt. Giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch giải thích: “Hội đồng Bảo an đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng những thập niên tàn bạo chống lại người dân Bắc Hàn cuối cùng sẽ phải chấm dứt”.

Đối với đại sứ Nam Hàn Oh Joon, cuộc thảo luận có một ý nghĩa đặc biệt, bởi “hàng triệu người dân Nam Hàn có người thân sống ở miền Bắc”, “Lòng chúng tôi đau đớn khi đọc các lời chứng” do Liên Hiệp Quốc thu thập. Mặt khác, theo ông, việc đưa chính quyền Bình Nhưỡng ra tòa “không phải là con đường duy nhất” có thể, mà còn cần phải “hợp tác trong vấn đề nhân quyền với Bắc Hàn”.

Bắc Hàn đả kích cuộc biểu quyết hôm thứ hai của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, sự gia tăng áp lực quốc tế đối với các nhà lãnh đạo của Bắc Hàn có thể làm leo thang khả năng đối đầu.

Cuộc biểu quyết để đưa những vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã được thông qua bất chấp sự phản đối của TC và Nga. Bắc Triều Tiên đã không chịu thừa nhận cuộc họp mà Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power nằm trong số những người lên tiếng chỉ trích những tội ác chống nhân loại của chính phủ ở Bình Nhưỡng.

“Ngày hôm nay chúng ta đã phá vỡ sự im lặng của Hội đồng Bảo an. Chúng ta đã bắt đầu rọi chiếu một tia sáng và những gì được phơi bày quả là kinh hoàng.”

Đây là lần đầu tiên tình hình nhân quyền Bắc Hàn được mang ra tranh luận tại Hội đồng Bảo an.

Theo qui định của Liên hiệp quốc, một khi Hội đồng Bảo an biểu quyết để đưa một vấn đề vào chương trình nghị sự, vấn đề đó có thể được mang ra bàn thảo vào bất cứ lúc nào.

Ông Phil Roberston của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cho rằng điều này có nghĩa là Liên hiệp quốc có ý định tiếp tục gây áp lực lên Bắc Hàn.

“Kim Jong Un phải coi chừng. Ông ấy đang đối mặt với một sự đồng thuận quốc tế mạnh mẽ, với những thông tin đầy đủ về những tội ác của ông ấy và những người tiền nhiệm. Quốc tế có quyết tâm theo đuổi sự việc cho tới cùng.”

Cho tới lúc này, các giới chức Bắc Hàn vẫn tiếp tục không chịu giao tiếp với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền của mình. Thay vào đó, họ yêu cầu Liên hiệp quốc điều tra nước Mỹ về bản phúc trình hồi gần đây về những vụ tra tấn của CIA. Họ cũng gọi những người Bắc Hàn đào tị đã trợ giúp trong cuộc điều tra của ủy ban Liên hiệp quốc là những “thành phần cặn bã của loài người.”

Hội đồng Bảo an chưa có hành động về một khuyến nghị đòi đưa Bắc Hàn ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Một hành động như vậy có phần chắc sẽ bị phủ quyết bởi đồng minh của Bắc Hàn là TC, hoặc Nga.

Trong quá khứ cộng đồng quốc tế chỉ chú tâm tới việc ngăn chận chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Ông Victor Cha, một nhà phân tích tình hình Bắc Hàn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói rằng ông không biết Bình Nhưỡng sẽ phản ứng như thế nào đối với áp lực mới xoay quanh những vụ vi phạm nhân quyền ở nước họ.

“Vấn đề là họ sẽ phản ứng như thế nào. Họ sẽ phản ứng bằng cách có những nhượng bộ thật sự về mặt nhân quyền, cho phép các quan sát viên quốc tế vào nước họ; hay là họ sẽ phản ứng bằng cách thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hay một loạt những vụ thử nghiệm phi đạn? Đó là vấn đề mà chúng tôi thật sự không biết.”

Cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an diễn ra trong lúc căng thẳng tăng cao giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Washington hứa trả đũa cho vụ tin tặc mà họ cho là do Bắc Hàn thực hiện nhắm vào hãng phim Sony để tìm cách ngăn chận việc phát hành một cuốn phim hài hước xoay quanh một âm mưu hư cấu là ám sát Kim Jong Un. Mạng internet ở Bắc Hàn đã bị rớt trên diện rộng hồi hôm qua trong một diễn tiến mà một số người đồn đoán là một vụ tấn công mạng do Washington thực hiện. – Theo RFI, VOA