Tin Thế Giới – 22/5/2015
Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra ở Biển Đông – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải pháp hòa bình – Trung-Mỹ tiếp tục căng thẳng về tuần tra
Washington khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên biển và trên không, trong khu vực Biển Đông, bất chấp các cảnh báo của TC.
Hôm qua, 21/05/2015, Hải quân Mỹ đã cho công bố hai cuộn băng video và băng thu âm cuộc khẩu chiến giữa Hải quân TC và máy bay tuần tra Mỹ P8-A Poseidon xẩy ra hôm trước, ngày 20/04/2015/, trên không phận các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Hải quân TC đã tám lần yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực. Phi hành gia Mỹ trên máy bay do thám đáp lại đó là không phận quốc tế, nhưng Hải quân TC vẫn tiếp tục xua đuổi máy bay Mỹ.
Đây là sự cố mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông. TC tìm mọi cách để khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục điều máy bay trinh thám vào vùng này, để chứng tỏ là Washington không thừa nhận các đòi hỏi của Bắc Kinh tại những khu vực có đảo nhân tạo do TC cải tạo bồi đắp.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russel, phụ trách khu vực Đông Á, nói rằng các chuyến bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế ở Biển Đông là một hoạt động bình thường. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ tìm mọi cách duy trì khả năng thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển và trên không, cho Hoa Kỳ và tất cả các nước khác.
Ông Russel tuyên bố: “Bất kỳ ai có đầu óc bình thường thì sẽ không tìm cách ngăn cản các hoạt động của Hải quân Mỹ”, đó không phải là một cách hay ho, nhưng không đủ để ngăn cản một máy bay quân sự Mỹ bay trên không phận quốc tế, cho dù có những thách thức, phản đối hay yêu cầu từ phía quân đội TC.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, cho đến nay, các máy bay do thám Mỹ chưa đi vào không phận bên trên các đảo nhân tạo mà TC xây dựng ở Biển Đông. Bất chấp các căng thẳng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận quốc tế ở Biển Đông.
Ngày hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC tố cáo các hoạt động tuần tra của Mỹ tại Biển Đông là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nơi mà các hành động xác quyền chủ quyền của TC gây lo ngại cho các nước láng giềng.
Tuyên bố với các phóng viên tại Hà Nội hôm nay, 22/05/2015, ông Ban Ki Moon cho biết ông đã thảo luận với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các mối quan ngại về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói ông đã kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại và theo đúng công pháp quốc tế, không có những hành động gây hấn hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, tại Canberra hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews tuyên bố Úc chống việc xây căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuyên bố tại Melbourne, Bộ trưởng Andrews nói rằng Úc không chấp nhận mọi “hành động dùng vũ lực đe dọa hoặc hành động đơn phương” ở vùng Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Úc ra tuyên bố như trên sau khi xảy ra vụ hải quân TC ngày 20/05/2015 vừa qua đã nhiều lần cảnh báo phi cơ do thám của Mỹ bay bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông.
Bộ trưởng Andrews nhấn mạnh là gần phân nửa thương mại của Úc là qua ngõ Biển Đông và chính phủ Canberra đã kêu gọi phải bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển và trên không qua vùng này đối với mọi quốc gia. Theo lời ông Andrews, tuy căng thẳng là không thể tránh khỏi, “cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều có lợi ích trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực”. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng bác bỏ mối quan ngại rằng Canberra đang cô lập Bắc Kinh khi thắt chặt quan hệ thêm với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
TC nói sẽ tiếp tục theo dõi không phận và hải phận trên Biển Đông trong khi Hoa Kỳ nói hoạt động tuần tra của họ là hợp pháp.
Một nhóm phóng viên của kênh truyền hình CNN hôm 20/5 đã chứng kiến cảnh hải quân TC cảnh cáo tám lần khi máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ bay trên khu vực Đá Chữ thập trong quần đảo Trường Sa, nơi TC đang tiến hành việc xây dựng đảo nhân tạo.
Nói về căng thẳng này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 21/5 kêu gọi các nước liên quan “có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hàng không ở biển Đông… không làm phức tạp thêm tình hình”.
Trước đó một lúc, trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi tuyên bố TC ”có quyền theo dõi không phận và hải phận nhằm bảo ̣đảm an ninh quốc gia và ngăn chặn tai nạn hàng hải”.
Tại Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf thì nói: ”Tôi đã xem video [cảnh tuần tra và bị cảnh báo]. Tôi không thấy đó là đối đầu. Đúng là phía TC có ra cảnh báo miệng. Không rõ dựa trên cơ sở nào mà họ cảnh báo như vậy”.
”Máy bay quân sự của Hoa Kỳ hoạt động theo luật lệ quốc tế trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.”
Bà Harf khẳng định: “Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục hoạt động theo đúng quyền tự do và sử dụng đúng luật vùng biển thuộc Biển Đông”.
‘Đây là hải quân Trung Quốc… Hãy đi đi’
Trong vụ mà CNN ghi lại được, khi máy bay Mỹ đang bay trên các đảo nhân tạo mà TC đang xây dựng ở vùng biển tranh chấp, sóng liên lạc qua radio từ phía TC phát tiếng nói: “Đây là hải quân Trung Quốc… Quý vị hãy đi đi!”.
Những hình ảnh do máy bay P8-A Poseidon và sau đó được CNN chiếu lại cho thấy hoạt động xây dựng và nạo vét sôi động trên những hòn đảo nhân tạo này trong lúc tàu hải quân TC đang có mặt gần đó.
Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc giải mật hình ảnh video của hoạt động xây dựng của TC và đoạn băng thu âm lời cảnh cáo đối với máy bay Mỹ.
Căng thẳng này đang làm dấy lên quan ngại rằng có thể sẽ lại xảy ra sự kiện đối đầu như hồi năm 2001 khi chiến đấu cơ của TC đâm phải máy bay do thám của Mỹ làm phi công TC tử nạn còn phi hành đoàn Mỹ thì bị bắt giam trên đảo Hải Nam. – Theo RFI, BBC
Hải quân Myanmar giải cứu hơn 200 di dân
Myanmar cho biết hải quân nước này đã giải cứu 208 người di cư trên tàu hai tàu đánh cá ở ngoài khơi bờ biển phía tây.
Một phát ngôn viên của tổng thống, ông Zaw Htay, cho biết các tàu này đã được phát hiện hôm thứ năm ngoài khơi bờ biển bang Rakhine, nơi hàng ngàn người Rohingya bỏ chạy để lánh nạn áp bức.
Trong khi đó, nhiều tàu của Malaysia đang canh chừng di dân có thể đang bị mắc kẹt ngoài biển.
Đây là động thái chính thức đầu tiên của Malaysia để cứu mạng hàng ngàn người di cư đi lánh nạn bị ngược đãi, và mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài.
Tư Lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar phát biểu: “Về sự tham gia của lực lượng quân đội Malaysia trong các hoạt động nhân đạo, đặc biệt liên quan đến người di cư Rohingya, tôi muốn thông báo rằng lực lượng hải quân Malaysia đã điều bốn tàu tới vùng biển ngoài khơi đảo Langkawi.”
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Malaysia và Indonesia nhượng bộ áp lực quốc tế và đồng ý cung cấp nơi tạm trú cho những người di cư tuyệt vọng gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, cho tới khi tìm ra một giải pháp lâu dài hơn.
Cho đến lúc đó, hai nước này cùng với Thái Lan đã từ chối, không hỗ trợ người di cư.
Tư Lệnh Hải quân Indonesia Ade Supandi nói: “Hải quân sẽ tham khảo với Bộ Ngoại giao Indonesia về vấn đề này. Hôm qua Bộ Ngoại giao đã thảo luận vấn đề này và tại thời điểm này, chúng tôi sẽ ra tay giúp đỡ nếu những người di cư gặp khó khăn và cần được giúp đỡ.”
Gần 3.000 người được gọi là ‘thuyền nhân’ đã được giải cứu hoặc tìm đường vào bờ được tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nhưng các nhóm bênh vực nhân quyền cảnh báo rằng có phần chắc hơn là hàng nghìn người bị mắc kẹt trên biển, cạn lương thực và nước uống.
Thái Lan vẫn tiếp tục từ chối không chịu giúp người di cư.
Hoa Kỳ hối thúc chính phủ các nước trong khu vực hãy hợp tác trong công tác tìm kiếm, giải cứu, và cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn người di cư yếu đuối này. – VOA
Quốc hội Mỹ tranh luận về chiến lược chống Nhà nước Hồi Giáo – Chiếm Palmyra là thắng lợi lớn cho Nhà nước Hồi giáo ở Syria
Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo đã đạt được những thắng lợi đáng kể trong những ngày gần đây, tiếp sau những thất bại nhất thời gây ra bởi các cuộc không kích của liên minh nhắm vào những vị trí của tổ chức này.
Tổ chức Hồi Giáo cực đoan chiếm được thành phố lịch sử Palmyra của Syria ngày hôm qua 21/5 chỉ vài ngày sau khi chiếm được Ramadi tại Iraq. Các nhà lập pháp trong đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ kêu gọi Hoa Kỳ tham gia về quân sự nhiều hơn chống lại Nhà nước Hồi Giáo nhưng chính quyền Obama bác bỏ chiến lược này.
Các phần tử chủ chiến đã công bố một video cho thấy lực lượng này có mặt bên ngoài Palmyra, một thành phố cổ với những di tích đổ nát tráng lệ được UNESCO liệt kê vào di sản của nhân loại.Tin này gây nên những ám ảnh về các vụ phá hoại phi lý mà Nhà nước Hồi Giáo đã làm đối với những di tích văn hóa tại Iraq.
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova nói: “Một lần nữa tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả các bên duyệt xét lại các chiến lược, duyệt xét lại các hành động quân sự, bảo vệ và bảo tồn Palmyra.”
Đảng Cộng hòa tại thượng viện Mỹ ngày hôm qua kêu gọi có thêm những nỗ lực quân sự phối hợp của Hoa Kỳ chống lại Nhà nước Hồi Giáo kể cả việc gởi bộ binh đến vùng này…
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham bang South Carolina nói: “Chúng ta cần thành lập một đội quân Ả Rập trong đó chúng ta đóng góp một phần đến vùng này và bắt đầu chiếm lại đất trong tay Nhà nước Hồi Giáo tại Syria và tiêu diệt vương quốc Hồi Giáo.”
…hay vũ trang cho các lực lượng peshmerga của người Kurd hiện đang chiến đấu chống tổ chức cực đoan này.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz, bang Texas phát biểu: “Thực tế hiện nay lực lượng này là đội quân trên bộ của chúng ta. Vấn đề là Nhà nước Hồi Giáo đang sử dụng trang bị quân sự của Hoa Kỳ chiếm được từ Iraq. Vũ khí của người Kurd đã lỗi thời, và việc chính quyền Obama từ chối vũ trang cho người Kurd là một điều vô lý.”
Chính quyền Obama đã loại trừ việc binh sĩ Mỹ can dự vào một cuộc chiến tranh tốn kém và kéo dài vì cho rằng không có lợi cho Hoa Kỳ. Ngay cả những người muốn Hoa Kỳ có hành động thêm nữa cũng đồng ý như vậy.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal bang Connecticut nói: “Sự hiện diện của quân đội Mỹ không phải là câu trả lời. Dân chúng Mỹ hay quyền lợi trong vùng không được phục vụ tốt bằng một sứ mạng chiến đấu quan trọng của binh sĩ Mỹ.”
Hoa Kỳ đã tham gia các cuộc không kích vào những vị trí của Nhà nước Hồi Giáo, giúp cho các lực lượng địa phương có thể chiếm lại được một số lãnh thổ do các phần tử hiếu chiến chiếm trước đây. Hoa Kỳ cũng huấn luyện cho các lực lượng đối lập Syria. Các giới chức nói tiến trình này mất nhiều thời gian, nhưng đạt được kết quả qua việc giải phóng thành phố Kobani của Syria.
Việc Nhà nước Hồi giáo chiếm được Palmyra ở Syria, một trong những địa điểm Di sản Thế giới có giá trị nhất trong khu vực, có thể là một chiến thắng quân sự to lớn cho tổ chức này, bởi vì họ lấy được một kho vũ khí quan trọng, một phi cảng và một nhà tù chứa đầy các phần tử thánh chiến.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng việc chiếm đóng nhanh có thể cũng nằm một phần trong một thất bại chiến lược đã được tính toán cho chính phủ Syria trong lúc chống lại các lực lượng nổi dậy mà Damascus coi như một mối đe dọa lớn hơn cả Nhà nước Hồi giáo.
Một băng video nghiệp dư đăng trên một trang mạng xã hội hôm qua cho thấy hình ảnh dường như của một giếng dầu ở gần Palmyra.
Người đàn ông trong video, được cho là một chiến binh Nhà nước Hồi giáo, đã đưa ra những lời đe dọa không rõ nét nhắm vào dân chúng trong Vịnh Ả Rập và người Alawi – là hệ phái của Tổng thống Bashar al-Assad – và đoạn video cho thấy một chiếc xa chạy trên đường đến Palmyra.
Cùng ngày hôm đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng loan báo qua Twitter rằng họ đã chiếm được thành phố, gồm một căn cứ quân sự được cho là chứa những khối lượng vũ khí lớn, một phi cảng và một nhà tù.
Ông Mario Abou Zeid, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut, nói các phần tử thánh chiến từ khắp nơi của Syria đang bị giam giữ trong nhà tù đó, và đó có thể là một nguồn tuyển mộ trong tương lai.
Ông nói: “Sự kiện này cũng sẽ giúp Nhà nước Hồi giáo phóng thích một số phần tử thánh chiến mới và những người bị giam giữa trong các nhà tù này và sử dụng họ vào mục đích có lợi cho tổ chức.”
Cú giáng mạnh
Việc Palmyra thất thủ là một cú mạnh đánh vào chính phủ, đang kiểm soát thành phố, chủ yếu là cắt đứt tuyến đường bộ từ thủ đô Damascus đến các thành phố miền đông nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ.
Ông Zeid nói việc thất thủ Palmyra chứng tỏ thế yếu ngày càng tăng của quân đội chính phủ và các toán dân quân được Iran hậu thuẫn chống lại các nhóm nổi dậy; nhưng, theo ông, cũng có thể có một yếu tố chiến lược trong việc rút lui: “Chế độ Assad muốn mở đường cho Nhà nước Hồi giáo hơn là để bất cứ thành phố hay cơ sở nào lọt vào tay phe đối lập.”
Ông Zeid nói chính phủ Assad coi các nhóm nổi dậy là một mối đe dọa lớn hơn Nhà nước Hồi giáo. Ông cũng nói nhìn về phía trước, ông Assad có thể bảo vệ các lợi ích của ông bởi vì ông là kẻ thù của cả phe nổi dậy lẫn Nhà nước Hồi giáo.
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang chống lại ISIS, tức Nhà nước Hồi giáo, nhưng lại ủng hộ phe nổi dậy. Theo ông Zeid, nếu một thành phố rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo, thì ông Assad có thể có sự hỗ trợ để lấy lại được.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ nước ngoài dường như không có tác dụng, bởi vì nhóm Nhà nước Hồi giáo tiếp tục lấn lướt thêm ở cả Iraq lẫn Syria, sau khi chiếm được Ramadi, một thủ phủ tỉnh của Iraq, chỉ vài ngày trước trước, theo nhận định của chuyên gia phân tích Tim Eaton thuộc Chatham House.
Ông Eaton nói: “Khi chứng kiến các diễn biến trong những ngày gần đây ở Ramadi và nay ở Palmyra, chúng ta thấy rằng sự việc không nhất thiết là tốt; nhưng sự thực là, để đảo ngược chiều hướng này sẽ tiếp tục phải có một cam kết mà cho đến giờ này cộng đồng quốc tế vẫn không muốn từ bỏ. Do đó tôi cho rằng rõ ràng các biến cố như vụ Palmyra thực sự nêu bật các vấn đề này và cũng nêu bật sự kiện là sách lược không có hiệu quả.”
Di sản văn hóa
Palmyra là nơi tọa lạc một trong những di sản quan trọng nhất trong khu vực, nơi có nghệ thuật và những cổ vật từ hàng ngàn năm. ISIS trước đây vẫn tìm cách gây sự chú ý hơn qua việc phá hoại những kho cổ vật quý và đăng những hình ảnh video lên mạng.
Ông Eaton nói nhóm này cũng bán bất cứ báu vật nào có thể di dời, và mối lo ngại rằng những báu vật ở Palmyra sẽ bị phá hoại hay bán đi một cách phi pháp còn nhiều hơn là mất đi các món ấy.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ nếu ta bàn về tình trạng Syria hậu chiến cuối cùng sẽ ra sao, khi những vết sẹo còn quá mới do những cuộc giao tranh khủng khiếp nay gây ra, thì ta phải nhìn vào những thứ sẽ kết nối người Syria lại với nhau và cái tinh thần cùng chung một lịch sử này – cùng chung các nền văn hóa- và nhiều nền văn hóa khác nhau – là điều thực quan trọng. Mất đi điều đó ư? Tôi nghĩ đó quả thực là một điềm xấu.”
Hơn 200 ngàn người đã thiệt mạng và một nửa dân số bị thất tán trong cuộc nội chiến 4 năm ở Syria.
Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã lợi dụng tình hình rối ren, chiếm các thành phố và thị trấn từ gần một năm nay, nhưng họ tiếp tục thay đổi chiến thuật, và do đó, theo ông Eaton, rất khó mà đoán được sắp tới họ sẽ làm gì. – VOA
TT Obama tiếp kiến Tổng thống Essebsi của Tunisia – Obama: Tunisia là đồng minh quan trọng của Mỹ không nằm trong khối NATO
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm 21/5 tiếp kiến Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi tại Tòa Bạch Ốc để góp phần nêu bật sự ủng hộ của Washington đối với cuộc chuyển tiếp dân chủ ở Tunisia.
Tổng thống Essebsi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử có tính chất lịch sử hồi tháng 12.
Các giới chức Mỹ nói rằng ông Obama sẽ thảo luận về việc gia tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho Tunisia, là nước đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ và mối đe dọa của tình hình bất ổn trong khu vực.
Tổng thống lâu năm Zine El Abidine Ben Ali đã bị lật đổ năm 2011 bởi những cuộc biểu tình đòi dân chủ. Diễn tiến này đã tạo hứng khởi cho những cuộc nổi dậy đòi dân chủ được đặt tên Mùa Xuân Ả Rập tại các nước Bắc Phi và Trung Đông.
Từ đó tới nay, Tunisia đã tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ, và tuy có xảy ra một số vụ bạo động, nước này đã tránh được tình trạng hỗn loạn đã gây khốn đốn cho các nước khác trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Năm 21/5 đã định danh Tunisia là một đồng minh quan trọng không thuộc khối NATO của Mỹ, ca ngợi những cải cách dân chủ của nước này sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả-rập năm 2011.
Quốc gia Bắc Phi này trở thành nước thứ 16 được Mỹ định danh như vậy, đưa tới việc tăng cường những liên kết quân sự và tài chính giữa hai nước trong khi không có một thỏa thuận phòng thủ chung. Kể từ năm 1989, Mỹ đã thiết lập những liên minh với các nước bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đặt ở châu Âu.
Ông Obama đã gặp hội kiến Tổng thống Tunisia Beji caid Essebsi tại Tòa Bạch Ốc. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông hài lòng khi nghe nói về sự thay đổi chính trị của Tunisia chuyển sang một nền dân chủ. Ông Essebsi là nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên trong lịch sử 60 năm của Tunisia trong tư cách một quốc gia độc lập.
Nhà lãnh đạo Mỹ cam kết cung cấp viện trợ ngắn hạn của Mỹ cho Tunisia để hoàn thành những cải cách kinh tế và chống lại tình trạng thất nghiệp.
Tổng thống Essebsi nói với ông Obama rằng sự chuyển hóa của Tunisia tiếp tục bị đe dọa bởi những nhóm khủng bố.
Trong một bài xã luận chung hôm thứ năm đăng trên báo The Washington Post, Tổng thống Obama và Tổng thống Essebsi nói “Tunisia cho thấy rằng dân chủ không chỉ khả dĩ mà cũng cần thiết ở Bắc Phi và Trung Đông.”
“Chính phủ đoàn kết dân tộc ngày nay bao gồm những người có chủ trương thế tục và chủ trương Hồi giáo, chứng tỏ rằng dân chủ và Hồi giáo có thể phát triển mạnh cùng nhau,” họ nói.
Tổng thống Essebsi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử lịch sử tháng 12 năm ngoái. – VOA