Tin Thế Giới – 21/4/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 21/4/2015

Cựu Tổng thống Ai Cập bị án tù 20 năm

Một tòa án tại Ai Cập đã kết án cựu Tổng thống Mohammed Morsi 20 năm tù liên quan tới việc giết hại người biểu tình trong thời gian ông nắm quyền.

Đây là phán quyết đầu tiên mà ông phải đối diện kể từ sau khi bị lật đổ, và là một trong một số các phiên tòa ông sẽ phải ra hầu.

Ông Morsi bị quân đội lật đổ hồi tháng Bảy 2013 sau các cuộc biểu tình đường phố rầm rộ phản đối sự cầm quyền của ông.

Kể từ đó, giới chức đã cấm đảng Huynh đệ Hồi giáo của ông hoạt động, và đã bắt giữ hàng ngàn người ủng hộ ông.

Ông Morsi và một số lãnh đạo của Huynh đệ Hồi giáo đã bị cáo buộc tội xúi giục người biểu tình giết hại một phóng viên và những người biểu tình đối lập trong các vụ đụng độ bên ngoài dinh tổng thống hồi cuối 2012.

Khi đám đông kéo tới tụ tập bên ngoài dinh, ông Morsi đã ra lệnh cho cảnh sát giải tán họ.

Họ từ chối rời đi, do đó Huynh đệ Hồi giáo đã đưa các ủng hộ viên của mình tới. Có 11 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ.

Trước khi tòa ra phán quyết, Huynh đệ Hồi giáo đã cáo buộc người từng là lãnh đạo quân đội và nay là Tổng thống, ông Abdul Fattah al-Sisi là đã dùng hệ thống tư pháp “như một thứ vũ khí”.

Bản thân ông Morsi đã bác bỏ thẩm quyền của tòa án và hét to trong phiên xử đầu tiên rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính quân sự.

Hôm thứ Hai 20/4, một tòa án đã kết án tử hình 22 ủng hộ viên của Huynh đệ Hồi giáo liên quan tới vụ tấn công một đồn cảnh sát ở Cairo. – BBC

Mỹ-TC đấu bóng trên Biển Đông

Thủy thủ hai nước Mỹ, TC hôm nay, 21/04/2015 đấu bóng với nhau trên lãnh thổ TC, nhân dịp chiếc soái hạm của hạm đội 7 của Hoa Kỳ ghé thăm hữu nghị một căn cứ hải quân TC trên Biển Đông.

Theo hãng tin AFP, chiến hạm USS Blue Ridge đã ghé cảng Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông, nơi đặt căn cứ hải quân của TC trên Biển Đông. Các chiến hạm TC đậu tại đây có nhiệm vụ bảo vệ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Các thủy thủ TC đã lên thăm chiến hạm khổng lồ nặng 18.400 tấn của Mỹ, đậu bên cạnh các chiến hạm của Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Hoa ở cảng Trạm Giang, trước khi ăn trưa trên tàu với các thủy thủ Mỹ.

Sau đó, thủy thủ hai nước đã đấu giao hữu thể thao, đội chủ nhà thắng trận bóng đá với tỷ số 3-1, nhưng về môn bóng chuyền thì phía Mỹ vượt trội.

Các quân nhân hai nước vẫn thường xuyên gặp nhau, mặc dù Washington ngày càng lo ngại về những hành động xác quyết chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhất là với việc TC cải tạo, bồi đắp các đảo ở những khu vực đang tranh chấp trên vùng biển này.

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris tuyên bố: “TC là kẻ đã khiến căng thẳng gia tăng và đã có những hành động khiêu khích trên Biển Đông”.

Hiện đang viếng thăm Jakarta, đô đốc Harris nói: “Tôi không nghĩ là hiện nay có khả năng xảy ra xung đột giữa các lực lượng trên Biển Đông, nhưng tôi phải sẵn sàng đối phó với khả năng này”.

Giữa hải quân hai nước Mỹ Trung suýt nữa đã xảy ra đụng độ: Vào năm 2013, chiến hạm Cowpens của Mỹ đã phải tránh một chiến hạm TC chắn ngang đường, theo tin của Lầu năm góc.

Chỉ huy chiến hạm USS Blue Ridge Charles Banks cho biết là trong năm ngày ghé cảng TC, các sĩ quan hai nước sẽ thảo luận về một bộ “quy tắc ứng xử” cho những vụ chạm trán bất ngờ giữa các chiến hạm hai nước. – Theo RFI

Bị nghi ngờ tham nhũng, Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 21/04/2015, thông báo Thủ tướng Lee Wan Koo chính thức đệ đơn xin từ chức do tai tiếng của vụ nhận tài trợ bất chính trong chiến dịch vận động tranh cử.

Theo hãng Reuters, ông Lee Wan-Koo bị nghi ngờ đã nhận từ chủ tập đoàn xây dựng một khoản tiền mặt bất hợp pháp lên đến 30 triệu won (tương đương với 26.000 euro) trong năm 2013. Sự việc đổ bể khi chủ nhân dùng tiền mua chuộc ông Lee là Sung Wan-Jong tự tử để lại một danh sách những nhân vật mà ông đã đưa tiền đút lót. Trong đó có tên Thủ tướng Hàn Quốc nhân chiến dịch vận động tái tranh cử vào Quốc hội. Hơn nữa, ông Sung Wan-Jong đang bị điều tra về tội trốn thuế và tham nhũng.

Trước khi tự tử, vị doanh nhân đó có trả lời phỏng vấn một nhật báo, khẳng định đã đút lót tiền cho nhiều nhân vật thân cận của Tổng thống và nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng chính trị đang cầm quyền Saenuri. Những cáo buộc cho đến giờ Thủ tướng từ nhiệm vẫn luôn chối bỏ, tuyên bố rằng ông cũng chỉ vừa mới biết đến vị doanh nhân này. Tuy nhiên, giới truyền thông tại Seoul khẳng định cả hai người quen biết nhau rất rõ.

Hãng tin Anh Reuters nhận định vụ tai tiếng xảy ra có thể sẽ làm suy yếu thêm nữa vị thế của nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, trong khi bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra trong năm tới 2016. – RFI

Hội nghị Á-Phi thúc đẩy giao thương

Cảnh sát dã chiến và xe bọc thép xuất hiện ở trung tâm Jakarta bảo vệ cho Hội nghị Á – Phi diễn ra từ 19 đến 24/04.

Chừng 80 lãnh đạo các nước châu Á và châu Phi đang và sắp cùng họp ở Jakarta và Bandung nhân kỷ niệm 60 năm Tuyên bố Bandung lập ra Phong trào Không Liên kết năm 1955.

Hội nghị của các bộ trưởng, doanh nhân thì đã diễn ra hôm 20/04.

Ngày nay, các nước dự hội nghị muốn thúc đẩy giao thương Nam Bán cầu (Advancing South-South Cooperation) và chống khủng bố, cả ở châu Á và châu Phi.

Ngoài thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hiện chắc chắc có thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới dự.

Có trông đợi ông Abe sẽ phát biểu về Thế Chiến 2 nhân dịp kỷ niệm lớn năm nay nhưng chưa rõ ông có xin lỗi về các tội ác của quân đội Nhật Hoàng ở Đông Nam Á hay không.

Một nhà báo Indonesia cho hay vấn đề ‘nô lệ tình dục’ cho quân đội Nhật mà nạn nhân là phụ nữ Indonesia và Philippines vẫn còn được quan tâm ở các nước này.

Giới báo chí tại Jakarta chưa rõ Chủ tịch Tập Cận Bình của TC sẽ đến dự hội nghị khi nào nhưng có trông đợi từ phía Nhật rằng ông Abe muốn bắt tay Tập tại Indonesia.

Điều hiện rõ là đầu tư TC hiện đang rất lớn ở Indonesia, với trên 30 tỷ USD tổng cộng từ 10 năm qua.

Biển Đông

Nhưng vấn đề Biển Đông cũng là điều báo chí chú ý tuy các lãnh đạo sẽ tập trung đầu tiên vào chủ đề chống khủng bố vì tình hình Yemen và IS đều có tác động đến không ít quốc gia tham dự hội nghị.

Nước chủ nhà Indonesia đang điều tra về các nhóm vận động Hồi giáo đưa thanh niên sang Syria và Iraq tham chiến trong hàng ngũ IS.

Người ta cũng đồn đoán về khả năng một lãnh đạo cao cấp từ Bắc Hàn tới dự hội nghị, thậm chí có thể là chính Kim Jong-un.

Tuy thế, theo các phóng viên BBC Indonesia thì Đại sứ quán Bắc Hàn không đáp lời yêu cầu cho biết về chuyện này từ báo giới.

Điều chắc chắn là cờ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã bay phấp phới trên đường từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta về thủ đô Jakarta, theo Nguyễn Giang của BBC có mặt trong tuần này tại đây cho biết.

Cờ TC, Việt Nam và nhiều nước châu Phi cũng được cắm dọc các tuyến đường chính ở trung tâm, theo nhà báo của BBC.

Có ý kiến trên báo chí Indonesia lo ngại rằng các khẩu hiệu vì hòa bình, thịnh vượng chung và chống khủng bố không ngăn được ‘các nước lớn đem nghị trình riêng của họ’ đến hội nghị Á-Phi lần này. – Theo BBC

TC, Pakistan thảo luận về an ninh khu vực

Các nhà lãnh đạo Pakistan tìm cách giảm bớt những mối lo ngại của TC về vấn đề khủng bố trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du hai ngày đến quốc gia Nam Á này. Thông tín viên Ayesha Tanzeem của đài VOA gởi về bài tường trình từ Islamabad.

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay đọc diễn văn trước phiên họp lưỡng viện của quốc hội Pakistan và được trao tặng huân chương dân sự cao quí nhất của nước này.

Cả hai nước đều muốn đặt trọng tâm của chuyến viếng thăm vào 46 tỉ đô la đầu tư và tín dụng mà TC dự trù sử dụng để phát triển một hành lang kinh tế xuyên qua Pakistan.

Tuy nhiên, rõ ràng là vấn đề khủng bố và những hoạt động của các phần tử hiếu chiến đã được nói tới rất nhiều trong các cuộc thảo luận song phương. TC lo ngại là các phần tử hiếu chiến trong vùng Tân Cương của họ nhận được hỗ trợ của phiến quân ở Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã tìm cách trấn an nhà lãnh đạo TC rằng nước ông xem đây là một vấn đề rất quan trọng.

“Tôi xin bảo đảm với Ngài Chủ tịch là Pakistan xem an ninh của Trung Quốc như an ninh của chính mình.”

Mặc dầu vậy, Sharif cũng thừa nhận là còn nhiều việc cần phải làm.

“Những nỗ lực của chúng tôi trong lãnh vực này đã đạt được nhiều thành quả nhưng chúng tôi cần phải tăng cường các nỗ lực này để có thể đạt được những mục tiêu của mình.”

Để đáp lại, Tập Cận Bình nói với quốc hội Pakistan rằng nước ông sẽ ra tay giúp đỡ. Tập phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên.

“Trung Quốc sẽ giúp Pakistan tăng cường năng lực để chống lại quân khủng bố và bảo đảm an ninh. Và chúng tôi sẽ hợp tác với Pakistan để đối phó với những mối đe dọa phi truyền thống ngõ hầu có thể mang lại một sự bảo đảm an ninh cho kế hoạch hợp tác kinh tế song phương và công cuộc phát triển chung của hai nước.”

Tập Cận Bình cũng khuyến khích Pakistan nắm giữ một vai trò có tính chất xây dựng tại lân bang Afghanistan và đề nghị hỗ trợ cho việc ổn định quốc gia này.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Pakistan để thúc đẩy tiến trình hoà giải và sự chuyển tiếp êm thắm ở Afghanistan.”

Pakistan xem chuyến viếng thăm này của Tập Cận Bình là một bước ngoặt trong mối quan hệ với TC. Các giới chức ở Islamabad nói rằng hai quốc gia vốn là đồng minh chiến lược lâu đời này giờ đây cũng sẽ trở thành hai đối tác kinh tế. – Theo VOA