Tin Thế Giới – 2/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 2/12/2014

Hồng Kông: Lãnh đạo Occupy Central kêu gọi giải tán biểu tình, sẽ tự nạp mình

Ba nhân vật sáng lập phong trào Chiếm Trung xúc tiến kế hoạch tự nạp mình cho cảnh sát, và kêu gọi những người cùng đi biểu tình với họ hãy rút lui vì sự an toàn của chính họ.

Tại một cuộc họp báo tối hôm qua 1/12, các ông Benny Tai, Chan Kin-man và Chu Yiu-ming loan báo họ sẽ ra tự nạp mình tại Sở cảnh sát Khu Trung Hoàn lúc 3 giờ chiều giờ địa phương, vào ngày mai Thứ Tư 3/12.

Ông Benny Tai nói hiện chưa rõ liệu cảnh sát có câu lưu hay thả ông và những người đồng sáng lập phong trào hay không, nhưng ông nói cả ba người sẵn sàng chấp nhận hậu quả, bất kể các hậu quả đó là gì.

Đồng thời, ông Tai kêu gọi hàng trăm người biểu tình vẫn còn cắm trại trên các đường phố Hong Kong hãy thoái lui và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài nhằm bảo đảm các cải cách dân chủ.

Ông nói: “Một chính phủ sử dụng dùi cui của cảnh sát để duy trì quyền lực của mình là một chính phủ phi lý. Vì sự an toàn của phong trào, vì mục tiêu ban đầu của chúng ta là tình yêu và hoà bình, chúng tôi chuẩn bị tự nạp mình, ba người chúng tôi kêu gọi các sinh viên hãy rút lui, và hãy cắm sâu rễ trong cộng đồng để biến đổi phong trào.”

Trên trang Twitter của mình, phong trào Chiếm Trung nói tự nạp mình “không phải là một hành động hèn nhát”, hay thừa nhận sự thất bại, mà là một hành động để lên án điều mà họ mô tả là “một chính phủ không có trái tim.”

Các cuộc biểu tình khởi sự vào cuối tháng 9 có mục đích đòi chính quyền tổ chức cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ vào năm 2017.

Nhà cầm quyền tuyên bố các cuộc biểu tình là bất hợp pháp và đã nhiều lần tìm cách dẹp bỏ nhiều khu vực cắm trại, đưa đến các cuộc xung đột bạo động.

Hiện chưa rõ liệu những người biểu tình có đồng ý rút lui hay không. Nhiều lãnh đạo sinh viên đã tuyên bố họ sẽ không đầu hàng, mà ngược lại đòi leo thang hành động.

Một lãnh tụ sinh viên hy vọng rằng một cuộc tuyệt thực sẽ thuyết phục nhà cầm quyền xét tới những biện pháp cải cách. Joshua Wong khởi sự cuộc tuyệt thực vô thời hạn của anh vào chiều tối thứ hai, cùng với hai thành viên khác trong nhóm của anh, mang tên là Scholarism.

12 giờ sau khi bắt đầu tuyệt thực, anh Wong, 18 tuổi, nói với các nhà báo rằng đòi hỏi của anh là mở các cuộc thương thuyết mới, không có điều kiện tiên quyết, để khởi sự lại tiến trình cải cách chính trị tại Hong Kong.

Joshua Wong cũng nói anh muốn hành động của anh sẽ giúp thu hút sự chú ý đến phong trào Chiếm Trung, vốn đã mất đà tiến trong những tuần lễ vừa qua.

Wong nói sinh viên các anh thừa nhận trong tương lai sẽ khó leo thang hành động, cho nên ngoài việc chịu đựng dùi cui và hơi cay, các anh muốn sử dụng thân thể của mình để khơi lên sự chú ý của công chúng đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ. Anh Wong nói anh không chắc là cuộc tuyệt thực có tăng sức ép lên chính quyền hay không, nhưng các sinh viên tuyệt thực hy vọng rằng khi công chúng biết về cuộc tuyệt thực của sinh viên, họ sẽ phải tự hỏi sắp tới đây, họ có thể làm gì?

Cuộc tuyệt thực của sinh viên Hong Kong đang diễn ra tại khu Admiralty, nơi mà các vụ đụng độ bùng phát hôm chủ nhật vừa rồi, sau khi những người biểu tình phá vỡ hàng rào của cảnh sát trong một cố gắng nhằm bao vây khu trụ sở chính quyền.

Cảnh sát phản ứng bằng hơi cay và dùi cui, nhưng những người biểu tình cuối cùng đã thành công trong việc buộc các văn phòng chính phủ và quốc hội phải đóng cửa trong một thời gian. Nhiều người bị thương, và ít nhất 18 người bị bắt giữ.

Tòa Thượng thẩm Hong Kong đã đồng ý đưa ra một án lệnh để dọn quanh khu Admiralty, nhưng hiện chưa rõ liệu nhà cầm quyền có thi hành án lệnh đó hay không và nếu có thì khi nào.

Trong khi đó, 23 trong số 27 nghị sĩ Hồng Kông ủng hộ dân chủ yêu cầu những người lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên phải có chiến lược đấu tranh.

Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình:

“Gập người xuống như người ta vẫn thường làm ở Nhật Bản và Trung Quốc, để xin lỗi trước công chúng, vào tối qua, những người tổ chức phong trào biểu tình của sinh viên đã tạ lỗi và cho rằng họ đã thất bại khi có ý định gia tăng phong trào đấu tranh bằng cách xông vào chiếm đóng những khu vực xung quanh các tòa nhà hành chính.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), lãnh đạo trẻ nhất và có thái độ triệt để nhất của phong trào, đã thông báo là anh tiến hành tuyệt thực vô thời hạn cùng với hai thành viên khác trong phong trào, để đòi được đối thoại với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng ban Thư ký chính quyền Hồng Kông, về việc mở lại một cuộc tham khảo ý kiến người dân và thúc đẩy cải cách chính trị.

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, đã trích dẫn một ngạn ngữ Trung Quốc đại ý nói rằng “được đằng chân, lân đằng đầu”, các nhà phân tích cho đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng, cách nay hai tháng.

Theo nguồn tin cảnh sát, được báo South China Morning Post trích dẫn, cảnh sát sẽ tiến hành giải tán biểu tình ở Causeway Bay; giống như ở Mongkok, nơi đây đã bị chiếm đóng, nhưng lại không nằm trong kế hoạch của ban tổ chức biểu tình”. – VOA, RFI

Các tay súng al-Shabab giết 36 người ở đông bắc Kenya – NT Kerry sẽ đánh giá nổ lực chống IS, bác tin thoả thuận vùng trái độn Syria-Thổ Nhĩ Kỳ

Nhóm chủ chiến Somalia al-Shabab đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ sát hại 36 người vào sáng sớm hôm nay 2/12 tại vùng đông bắc Kenya.

Vụ tấn công xảy ra tại một mỏ đá ở thị trấn Mandera, nơi mà những người chứng kiến nói nhiều tay súng đã ra tay giữa lúc các công nhân đang ngủ trong lều của họ.

Một thông báo của nhóm al-Shabab nói các chiến binh của họ đã giết những người mà họ gọi là “những kẻ thập tự chinh Kenya”, để trừng phạt Kenya đã đưa quân sang chiến đấu ở Somalia.

Các lực lượng Kenya đã có mặt tại Somalia từ năm 2011, trong khuôn khổ của một lực lượng đa quốc của Châu Phi đã giúp đẩy lùi Nhóm al-Shabab ra khỏi các thành phố lớn của Somalia.

Những kẻ chủ chiến đã thực hiện các cuộc tấn công thường xuyên tại Kenya, và cảnh cáo chính phủ nước này sẽ xảy ra các cuộc tấn công khác nữa, trừ phi Kenya rút quân ra khỏi Somalia.

Tháng trước, các phần tử vũ trang al-Shabab đã giết chết 28 người trong cùng khu vực xảy ra các vụ giết chóc hôm nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đang công du Âu châu tuần này để nói chuyện với ngoại trưởng của các nước NATO và các giới chức khác về nhiều vấn đề, bao gồm khủng bố, biến đổi khí hậu và tình hình Ukraine. Ngày mai 3/12, ông Kerry sẽ chủ tọa cuộc họp cấp bộ trưởng của Liên quân chống Nhà nước Hồi giáo, một nhóm các nước cùng tham gia chiến dịch chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại một diễn đàn ở Washington rằng các thủ lãnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo cứ tưởng rằng thế giới sẽ không chống lại họ vì bị đe dọa quá mức:

“Chúng ta cần phải nói rõ – rằng chúng ta không bị đe dọa. Qúy vị không bị đe dọa. Các bạn bè và đối tác của chúng ta không bị đe dọa. Nhà nước Hồi giáo sai, rất là sai.”

Chiến dịch không kích của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đẩy lui Nhà nước Hồi giáo ra khỏi một số vị trí ở Iraq và Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói, tại Brussels, rằng Ngoại trưởng Kerry và hơn 60 đối tác của liên minh sẽ đánh giá các nỗ lực chính trị nhằm làm suy yếu và đánh bại Nhà nước Hồi giáo.

Đó là dịp để đánh giá xem mọi việc đang diễn tiến đến đâu. Và rõ ràng là để thảo luận về điều gì sẽ cần phải làm. Và để cập nhật nỗ lực của các nước đạt đến đâu.

Bà Cynthia Schneider, giáo sư môn ngoại giao của Đại học Georgetown, nói liên minh cũng cần phải tìm hiểu xem làm thế nào Nhà nước Hồi giáo có thể thu hút được người ủng hộ:

“Hãy cùng tìm hiểu những nguyên do gốc rễ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu tố ý thức hệ không phải là nguyên do chính, mà là tình trạng nghèo túng và thiếu cơ hội.”

Theo nhận định của giáo sư Daniel Serwer, chuyên gia về quản lý xung đột của Đại học Johns Hopkins, liên minh cần có một kế hoạch rõ ràng với người Iraq về việc làm thế nào để họ tiếp tục cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ngay trên đất nước của họ. Giáo sư Serwer nói:

“Có rất ít tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở bên trong Iraq, và nguyên nhân dường như là do các lực lượng an ninh của Iraq không có khả năng.”

Giáo sư Serwer nói Ngoại trưởng Kerry cần phải hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria:

“Chiến lược đúng sẽ là một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ để lập ra một khu vực được giải phóng và được bảo vệ bên trong Syria.”

Nhưng giáo sư Serwer cũng nhận định rằng cả Mỹ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn thực hiện thêm những bước cần thiết để có thể đạt đến mục tiêu đó.

Trong vấn đề này, quân đội Mỹ đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của việc thành lập một vùng trái độn dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi có tin nói rằng Washington sắp đạt được một thỏa thuận với Ankara về kế hoạch phối hợp quân sự.

Tờ Wall Street Journal hôm Thứ hai 1/12 cho biết các giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sắp đạt được một thỏa thuận để cho phép các lực lượng Mỹ và đồng minh sử dụng những căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo và thỏa thuận này có thể bao gồm việc thành lập một khu vực an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Về việc này, Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Ngũ giác đài, cho biết:

“Chúng tôi đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lúc này, chúng tôi không tin là một vùng trái độn là cách tốt nhất để giải quyết vụ khủng hoảng nhân đạo ở miền bắc Syria.”

Một khu vực an toàn dọc theo biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có thể góp phần bảo vệ những tuyến đường tiếp tế cho những chiến binh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và cho những nhân viên đưa vật phẩm cứu trợ tới tay những người cần giúp đỡ.

Phóng viên VOA hỏi Đại tá Warren là có cách nào tốt hơn để ứng phó với vụ khủng hoảng này hay không, ngoài việc thành lập một vùng trái độn. Người phát ngôn của Ngũ giác đài trả lời:

“Tiếp tục gây sức ép lên nhóm Nhà nước Hồi giáo có lẽ là cách tốt nhất để ứng phó với vụ khủng hoảng này.”

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sử dụng lực lượng phòng không để thành lập một vùng trái độn có thể làm cho Mỹ và các nước đồng minh bị lôi kéo nhiều hơn vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm nay ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có ý kiến khác biệt về thứ tự ưu tiên đối với vấn đề Syria. Trong khi Ankara tập trung nỗ lực vào việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Washington chú trọng nhiều hơn tới cuộc chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, là nhóm đã chiếm những phần đất rộng lớn ở Syria và Iraq.

Những vụ không kích của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhắm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn nếu họ được quyền sử dụng các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh này đã thực hiện khoảng 1,120 vụ không kích nhắm vào các mục tiêu của quân khủng bố trong khu vực, trong đó có 493 vụ là ở Syria.

Một phi công Mỹ tham gia chiến dịch oanh tạc đã thiệt mạng sáng sớm thứ hai 1/12 khi chiếc F-16 của ông bị rơi trong lúc trở về căn cứ ở Trung Đông.

Đại tá Warren cho biết vụ này xảy ra trước khi viên phi công thực hiện vụ oanh kích:

“Rõ ràng là có những vấn đề bảo trì xảy ra trong lúc máy bay cất cánh. Ông ấy đã quay lại nhưng có điều không may là không thể hạ cánh.”

Người phát ngôn của Ngũ giác đài không chịu cho biết máy bay rơi ở nước nào, viện dẫn tính chất nhạy cảm của vấn đề này đối với quốc gia cho phép Hoa Kỳ sử dụng không phận của họ. – VOA