Tin Thế Giới – 21/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 21/12/2015

TC triệu đại sứ Mỹ, đe dọa trừng phạt — TC đòi Mỹ ngưng bán vũ khí cho Đài Loan và tuần tra Biển Đông

Sau khi triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để phản đối việc Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan, TC hôm 21/12 yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng các ‘lợi ích cốt lõi’ của TC ở Biển Đông, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt để trả đũa vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng TC Vương Nghị nói Hoa Kỳ cần phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của TC, bao gồm việc ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt các cuộc tuần tra quân sự gần các đảo mà TC kiểm soát ở Biển Đông.

Thông báo của Bộ Ngoại giao TC dẫn phát biểu của Vương Nghị: “Khi tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, Hoa Kỳ cần phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và những mối quan tâm hệ trọng khác.”

Sau khi giải thích với Ngoại trưởng Kerry về lập trường của TC đối với Đài Loan và Biển Đông, Vương Nghị yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và việc ‘phô trương sức mạnh” qua các cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay gần các đảo mà TC đang kiểm soát trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trước đó, hôm 16/12, TC đã triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh để phản đối thương vụ vũ khí trị giá 1,83 tỷ đôla và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu vụ mua bán vẫn tiếp diễn.

Các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết gói vũ khí mà Hoa Kỳ đồng ý bán cho Đài Loan bao gồm 2 tàu khu trục, các tên lửa chống tăng, xe tác chiến đổ bộ và phi đạn địa đối không Stinger.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vụ mua bán này là sự hỗ trợ thường kỳ của Hoa Kỳ cho khả năng tự vệ của Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố trong một thông báo rằng việc mua các vũ khí mới sẽ được thực hiện theo từng bước trong nhiều năm, cho phép Đài Loan duy trì và phát triển khả năng phòng thủ.

Bắc Kinh tuần rồi đã tỏ ra giận dữ sau khi Mỹ thông báo quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, tiếp sau những cuộc tuần tra nhằm khẳng định ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông của Washington.

Ngũ Giác Đài hôm thứ Sáu cho biết đang xem xét các khiếu nại của TC về việc máy bay B-52 của Washington bay gần đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây ở Biển Đông, một vấn đề nhạy cảm gây bất đồng giữa hai cường quốc hiện nay.

TC tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nơi được xem là có nguồn năng lượng dồi dào và lưu lượng hàng hải lên đến 5.000 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam cùng với các nước Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong khu vực này. – Theo VOA

***
Hoa Kỳ cần tôn trọng các lợi ích cốt lõi của TC, trong đó có việc ngưng bán vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt tuần tra gần các đảo nhỏ hiện do TC kiểm soát tại Biển Đông.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao TC ra ngày hôm nay 21/12/2015 cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói với đồng nhiệm Mỹ John Kerry như trên.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Vương Nghị nói rằng thế giới đang đầy dẫy những thách thức. Nếu Washington tìm kiếm sự hợp tác với Bắc Kinh, thì phải tôn trọng những lợi ích cốt lõi của TC và các vấn đề quan trọng liên quan.

Vương Nghị đã trình bày với ông John Kerry quan điểm của TC về Đài Loan và Biển Đông, đòi phía Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Bắc, cũng như “phô trương sức mạnh” qua việc cho các chiến hạm và phi cơ tuần tra gần các đảo do TC kiểm soát trên Biển Đông.

Hoa Kỳ đã khiến TC giận dữ vào tuần trước khi thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ chủ trương dùng vũ lực để thu hồi hòn đảo, nơi phe Quốc dân đảng sau khi thất trận trong cuộc nội chiến với phe Cộng sản năm 1949 đã chạy sang thành lập Trung Hoa Dân Quốc.

TC cũng tức tối trước các hoạt động của Hoa Kỳ tại Biển Đông, trong đó có việc tuần tra, mà Bắc Kinh coi là hành động khiêu khích.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết đang xem xét vụ TC phản ứng về việc một oanh tạc cơ B-52 của Mỹ bay vào không phận bên trong khu vực 12 hải lý ở Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), một trong những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì hai cường quốc bất đồng về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực.

TC yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông và ồ ạt bồi đắp, cải tạo các rạn san hô, bãi cạn thành đảo nhân tạo; bất chấp sự phản đối của các láng giềng như Việt Nam, Philippines… kể cả Hoa Kỳ, vốn đã tuyên bố vẫn là cường quốc Thái Bình Dương. – Theo RFI

Đảng đương quyền Tây Ban Nha chiếm nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử

Đảng Bình dân đương quyền ở Tây Ban Nha chiếm nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 20/12, nhưng kết quả khả quan của hai đảng đối lập mới đe dọa tới khả năng tiếp tục chấp chính của họ.

Kết quả chung cuộc cho thấy đảng của Thủ tướng Mariano Rajoy chiếm 123 ghế tại quốc hội gồm 350 ghế, thấp hơn con số 186 mà họ đang nắm giữ.

Đảng Ciudadanos, một đảng mới có lập trường thiên về giới doanh thương, chiếm 40 ghế.

Đảng Xã hội chiếm 90 ghế, và đảng Podemos, một đảng mới có chủ trương chống kiệm ước, chiếm 69 ghế.

Vì có nhiều tập hợp khác nhau cho một chính phủ liên hiệp, các nhà phân tích cho rằng phải mất nhiều tuần hoặc lâu hơn nữa thì các nhà thương thuyết mới có thể xác định một liên minh như thế nào sẽ nắm quyền cai trị Tây Ban Nha.

Cuộc đầu phiếu hôm 20/12 cho thấy dân chúng Tây Ban Nha lo lắng về tỉ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng trong chính phủ.

Nếu không thành lập được chính phủ, Thủ tướng Rajoy và đảng của ông sẽ là đảng đương quyền thứ ba ở Âu châu bị thất bại trong năm nay, sau Hy Lạp và Bồ Đào Nha, vì sự chống đối của cử tri đối với những biện pháp kiệm ước, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. – VOA

Các nước Châu Á chạy đua tàu ngầm giữa tranh chấp Biển Đông

Châu Á gia tăng chi phi vào khí cụ quân sự trong lúc sự chú ý ngày càng tập trung vào các vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như sự quan ngại ngày càng nhiều về sự bành trướng của quân đội TC.

Hồi đầu năm nay, tổ chức Tình báo Phòng vệ Sách lược, còn gọi tắt là DSI, có trụ sở ở London, báo cáo rằng Châu Á dẫn đầu thế giới về mức tăng chi quốc phòng, và mức chi của các nước dành cho tàu ngầm đứng đầu danh sách.

Các chuyên gia phân tích của DSI nói thị trường tàu ngầm Á Châu đang trị giá trên 7 tỷ đôla, nhưng đến năm 2015 sẽ tăng lên đến 11 tỷ. Điều đó có thể có nghĩa là vượt qua châu Âu trong tư cach thị trường tàu ngầm lớn hàng thứ nhì thế giới, ngay sau Hoa Kỳ.

Chuyên gia Sravan Kumar Gorantala của DSI nói TC, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm giữa những lo ngại về những đe dọa và xung đột hàng hải có thể xảy ra ở Biển Đông, cũng như ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ông Gorantala nói sự kiện TC ngày càng hung hăng trong những vụ tranh chấp về Biển Đông cùng với việc hiện đại hóa đội tàu ngầm của TC đã dẫn đến như cầu về tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Australia và Việt Nam.

Nhật Bản đã có hành động mua vũ khí của nước ngoài, chủ yếu cho các tầu ngầm lớp Soryu của họ. Nhiều nước đang có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng đã mua máy bay trinh sát.

Trong những nhận định gửi qua email cho đài VOA, ông Gorantala nói sự cạnh tranh giữa TC, Việt Nam, Philippines và Malaysia trong việc khẳng định chủ quyền các tài nguyên thiên nhiên gồm dầu khí ở Biển Đông đang thúc đẩy nhu cầu.

Thái Lan sắp mua 3 tàu ngầm điện chạy bằng diesel của TC để theo kịp khả năng hải quân của Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam mua 3 chiếc tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo và còn đặt mua thêm 3 chiếc nữa trong một thỏa thuận 2 tỷ 600 triệu đôla.

Philippines và Indonesia cũng đã có hành động mua các tàu ngầm hạng Kilo do Nga chế tạo vào lúc TC ngày càng tỏ ra hung hăng.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường tàu ngầm lớn nhất, với mức chi dự trù tăng thêm 102 tỷ đôla trong vòng thập niên tới.

Căng thẳng Biển Đông giúp hiện đại hóa hải quân

TC lâu nay vẫn đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng trong mấy năm vừa qua đã tăng tốc một chương trình xây dựng đảo mà nhiều nước lo ngại đang quân sự hóa một khu vực thiết yếu cho hàng hải quốc tế. Bắc Kinh hiện nay có 7 hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, kể cả việc xây dựng một phi đạo dài 3.000 mét tại một địa điểm.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc phòng tại Trường Đại học New South Wales ở Australia, nói rằng sách lược của Việt Nam trong việc đối phó với vụ xung đột là “tìm cách giữ các lực lượng tấn công của TC càng xa bờ biển Việt Nam càng tốt.”

Giáo sư Thayer nói những xung đột về Biển Đông đã dẫn tới “sự hiện đại hóa chưa từng thấy trong lực lượng hải và không quân của Việt Nam.”

Kể từ năm 2008, hải quân Việt Nam đã tiếp nhận một tàu chiến BPS-500 loại nhỏ và 2 tàu chiến thám thính hạng 3.9 có phi đạn hướng dẫn vũ trang bằng các phi đạn chống tàu Uran 3M24.

Các tàu ngầm quy ước hạng Kilo được vũ trang bằng phi đạn chống tàu và phi đạn cruise tấn công trên bộ, và được yểm trợ bằng 4 tàu chiến loại nhỏ có phi đạn hướng dẫn, 5 tàu chiến các loại và 6 tàu Fast Attack có phi đạn chống tàu.

Ông Thayer nói: “Việt Nam không nhắm vào một cuộc chiến tranh quy ước hay một cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Trung Quốc, họ đang nhắm vào một cuộc bùng nổ xung đột ở mức độ thấp hơn nhiều, nhưng tìm cách thủ thế để có thể ngăn chặn Trung Quốc thực sự gây thiệt hại.”

Trong các nhận định qua email, Trương Bảo Huy, một giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói tiềm năng xung đột ở Biển Đông tùy thuộc vào “cách thức Trung Quốc có thể phản ứng trước ‘những cuộc tuần tra tự do hàng hải’ của Hoa Kỳ xâm nhập lãnh hải mà Trung Quốc đòi chủ quyền quanh các bãi cạn và bãi đá.”

Trong những tháng gần đây, tàu bè và máy bay của Hoa Kỳ đã đi lại bên trong vùng đặc khu kinh tế 22 kilomet ngoài khơi mà TC nhận là thuộc quyền sở hữu của những hòn đảo nhân tạo của họ. Washington và các nước trong khu vực không công nhận các khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh và nói các nỗ lực của TC đang gây trở ngại cho hoạt động hàng hải và ngư nghiệp.

Trương Bảo Huy nói những hành động như thế phản ánh “tính khả tín răn đe” của TC.

Trương nói: “Vào một thời điểm nào đó họ có thể buộc phải tiến hành một số biện pháp cụ thể để đáp lại việc tàu bè Hoa Kỳ đi qua. Có thể là khởi đầu cho một hiện tượng leo thang không cố ý.”

Vũ khí của người yếu chống lại kẻ mạnh

Trương nói có một “cuộc chạy đua tàu ngầm trong khu vực” đánh dấu “một phản ứng bất cân xứng đối với tình trạng thiếu quân bình lực lượng để các nước nhỏ, từ Việt Nam cho đến Australia, sẽ tiếp tục cải tiến các khả năng tàu ngầm của họ chống lại một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.”

Ông Collin Koh, một giảng viên nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore (RSIS) nói rằng việc củng cố tàu ngầm nhằm “cung cấp một vũ khí cho người yếu chống lại kẻ mạnh.”

Ông Koh nói với đài VOA rằng các tàu ngầm “cấu thành một trong những lãnh vực trọng điểm chính của việc củng cố khả năng.” Các tàu ngầm đi vào hoạt động “trong tương lai gần sẽ lớn hơn những tàu thường hoạt động trong khu vực, và đương nhiên, được vũ trang và thiết bị tốt hơn.”

Nhưng ông Koh nói lúc đó các hải quân cần khắc phục nhiều thách thức gồm cả các vấn đề tài chính, kỹ thuật, hậu cần và nhân lực của các hoạt động tàu ngầm. Theo ông, “Không phải tất cả những nước mua tàu ngầm nhất thiết phải làm chủ được nghệ thuật chiến tranh dưới mặt nước.”

Các liên minh mới

CSVN đã quay qua Ấn Độ trong việc huấn luyện 500 nhân viên làm việc với tàu ngầm tại một trường chiến tranh dưới mặt nước kể từ khi tiếp thu 3 chiếc tàu ngầm tấn công Kilo do Nga chế tạo.

Giáo sư Thayer của trường Đại học News South Wales của Úc nói vấn đề đối với Việt Nam là tình trạng thiếu kinh nghiệm chiến đấu và thiếu huấn luyện hữu hiệu khi có những lực lượng đối kháng. Ông nói:

“Nay ít nhất Việt Nam sẽ có khả năng làm được một thứ – đó là gửi các tàu ngầm Kilo ra biển và tự đi truy lùng và học cách tìm và định vị các tàu ngầm.”

Nhưng ông Thayer nói Việt Nam cần phải theo đuổi các chương trình có sự tham gia của các nước bạn, một điều mà cho đến nay họ vẫn lưỡng lự.

Sách lược của Việt Nam là củng cố “khả năng khiến TC phải nghĩ lại về thái độ hăm dọa kiểu đó.” – Theo VOA

TT Obama: Sẽ có ‘tiến bộ đáng kể’ chống IS trước khi kết thúc nhiệm kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tỏ ý tin tưởng rằng những người chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ “thắng thế” và nói ông tin rằng sẽ có “tiến bộ” đáng kể trong nỗ lực đó trước khi ông rời chức.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh tin tức NPR phổ biến hôm nay, ông Obama gọi Nhà nước Hồi giáo là một “tổ chức xấu xa, thâm độc,” nhưng nhấn mạnh rằng thiệt hại tồi tệ nhất mà các phần tử chủ chiến này có thể gây ra cho Hoa Kỳ là nếu mọi người thay đổi lối sống và các giá trị của mình.

“Điều quan trọng là chúng ta phải giữ vững quan điểm, và đây không phải là một tổ chức có thể phá hủy Hoa Kỳ. Đây không phải là một cường quốc công nghiệp vĩ đại có thể đề ra những mối rủi ro lớn cho chúng ta về mặt cơ chế hay một cách có hệ thống. Nhưng nó có thể làm hại chúng ta, và nó có thể làm hại người dân chúng ta và gia đình của chúng ta. Và vì thế tôi hiểu lý do vì sao mọi người lo ngại.”

Cách đây hơn 1 năm, tổng thống đã ra lệnh bắt đầu một chiến dịch không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq và Syria để tấn công các phần tử chủ chiến. Kể từ khi đó, máy bay liên minh đã tiến hành khoảng 9 ngàn cuộc không kích, và ông Obama nói Nhà nước Hồi giáo đã mất 40 phần trăm phần đất có dân mà tổ chức này đã từng kiểm soát.

Nhưng các phần tử chủ chiến vẫn còn nắm giữa những khu vực lớn, kể cả những thành phố chính ở cả Syria và Iraq, khơi ra những lời chỉ trích nhắm vào cách đáp ứng của Hoa Kỳ và những lời kêu gọi ông Obama đưa bộ binh Mỹ vào chiến trường.

Những chỉ trích

Tổng thống Obama nói với đài NPR rằng những lời chỉ trích có phần hợp lý khi nói về cách thức chính quyền ông xử lý chiến dịch oanh kích ở chỗ không thông tin liên lạc một cách thích đáng những gì đang được thực hiện. Nhưng ông nói trong những tuần lễ mới đây, những người chỉ trích – nhất là các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa ham muốn chức vụ của ông và ủng hộ việc thực hiện thêm các cuộc không kích – khi được hỏi họ sẽ làm gì khác thì đã không đưa ra được những lời giải đáp.

“Vậy, quý vị muốn đánh bom ai đây? Quý vị sẽ đánh bom chỗ nào? Khi nói về cái gọi là bom rải thảm, ý quý vị muốn nói gì?”

Tổng thống Obama nêu bật sự cần thiết phải giúp lực lượng địa phương để họ trở thành những người lấy lại phần đất của mình, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, sao cho các cơ chế chính quyền ổn định có thể bám rễ trong khu vực. Ông nói điều đó cần nhiều thời gian hơn so với việc gửi thêm thủy quân lục chiến. Ông cũng nói ông không biện bạch về việc muốn hành động “một cách thích đáng và theo một đường lối phù hợp với các giá trị Mỹ.”

“Tôi muốn nói với người lên kế nhiệm tôi rằng điều quan trọng là không phải chỉ bắn mà là nhắm vào mục tiêu, và điều quan trọng trong chức vụ này là bảo đảm rằng ta đưa ra những phán đoán tốt nhất dựa vào dữ liệu, vào thông tin tình báo, thông tin phát xuất từ những cấp chỉ huy của ta và của những người trên thực địa và đừng bị lay chuyển bởi chính trị.”

Chính trị

Về vấn đề ai sẽ dọn vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2017, Tổng thống Obama nói ông tin rằng một trong các ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ của ông sẽ đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào năm tới. Ông nói các đảng viên Dân chủ cũng có nhiều cơ may chiếm lại quyền kiểm soát Thượng viện, với đảng Cộng Hòa hiện đang chiếm thế đa số 54 so với 46. Tổng thống ủng hộ một cuộc vận động dựa vào những vấn đề, và nói rằng ông nghĩ đảng của ông có thành tích vững chắc về “tiến bộ thực thụ” về nhiều vấn đề.

Khi được hỏi về một năm đầy những thay đổi xã hội trong đó có việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, những cuộc biểu tình tập thể chống lại sự tàn ác của cảnh sát, và cuộc tranh luận về việc có tiếp nhận người Syria tỵ nạn hay không, ông Obama nói Hoa Kỳ đang thay đổi qua nhiều cách rất tích cực. Ông viện dẫn các cuộc nói chuyện với hai cô con gái của ông và bạn bè của các cô, và nói rằng thế hệ của các em này “bao dung hơn, dễ tiếp nhận mọi người khác mình hơn.”

Nhưng ông cũng thừa nhận những sự thay đổi về dân số, và những căng thẳng kinh tế vì cuộc khủng hoảng tài chính, tình trạng toàn cầu hoá và những tiến bộ kỹ thuật đã gây khó khăn ra sao cho mọi người, nhất là thành phần lao động tay chân, đạt được sự thịnh vượng trong nền kinh tế mới như đã có thời họ có được. Ông nói điều đó đưa đến tiềm năng giận dữ, bất mãn và sợ hãi.

“Một phần tình trạng này là có lý nhưng đã bị đánh lạc hướng. Tôi cho rằng một người như ông Trump đang lợi dụng điều đó. Đó là điều ông ấy đã lợi dụng trong suốt quá trình vận động.”

Khí hậu biến đổi

Tổng thống Obama cũng thảo luận về thỏa thuận biến đổi khí hậu mà hơn 190 quốc gia đã đạt được trước đây trong tháng để tìm cách giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá cao. Ông nói thỏa thuận không giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng đã đặt thế giới vào đúng hướng để đối phó với vấn đề. Một phần của nỗ lực là kế hoạch của ông Obama hạn chế lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện của Hoa Kỳ và tăng lượng điện tạo ra bằng các nguồn có thể tái tạo.

Ông thừa nhận sự chống đối của phe Cộng Hòa, nhưng nói ngay cả nếu một đảng viên Cộng Hòa lên kế nhiệm ông, thì lúc đó mọi người càng nhận ra rằng vấn đề là có thực và giải quyết vấn đề tiêu biểu cho những cơ hội tạo công ăn việc làm và tiết kiệm tiền bạc cho người tiêu thụ.

“Hãy ghi nhớ rằng đảng Cộng Hòa ở Hoa Kỳ có lẽ là chính đảng lớn duy nhất trong thế giới phát triển vẫn còn đang tham gia vào việc phủ nhận tình trạng biến đổi khí hậu.”

Ông nói lập trường đó là “một điều thực sự nguy hiểm.”

Kết thúc cuộc phỏng vấn, ông Obama nói rằng không có tổng thống nào tìm cách đạt được tỷ lệ ủng hộ 100%. Ông nêu ra những người chỉ trích các cựu tổng thống được kính nể như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Franklin Roosevelt, và nói tìm ra những lý do để không thích một người lãnh đạo là một “con đường rất quen thuộc ở nước này.” – VOA