Tin Thế Giới – 2/11/2014
Người biểu tình ở Burkina Faso đòi quân đội trả lại quyền hành
Hàng vạn người ở Burkina Faso hôm nay xuống đường biểu tình để đòi quân đội giao lại quyền lực cho giới hữu trách dân sự, sau khi tổng thống lâu năm của nước này từ chức.
Cuộc biểu tình, diễn ra trong một thời gian ngắn ở thủ đô Ouagadoudou, đã chấm dứt khi các lãnh tụ đối lập bắt đầu tham dự một cuộc họp kín với các nhân vật lãnh đạo quân đội.
Trước đó, các lãnh tụ đối lập nói rằng việc chuyển giao quyền lực “phải có tính chất dân chủ và dân sự” và không nên bị quân đội tước đoạt.
Quyền cai trị trong 27 năm của Tổng thống Blaise Campaore đã kết thúc hôm thứ sáu sau khi dân chúng xông vào trụ sở quốc hội và đốt cháy tòa nhà này.
Những người biểu tình chống đối một đề nghị tu chính hiến pháp mà nếu được thông qua sẽ cho phép ông Campaore ra tranh cử một lần nữa.
Hôm thứ bảy, sau một cuộc tranh giành quyền lực trong một thời gian ngắn, quân đội đã chỉ định Phó chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ tổng thống, ông Yacouba Isaac Zida, làm người lãnh đạo cuộc chuyển tiếp chính trị.
Đặc sứ Liên hiệp quốc về Tây Phi, cùng với Hoa Kỳ và Liên hiệp Phi châu, yêu cầu quân đội Burkina Faso chuyển giao ngay quyền hạn cho giới hữu trách dân sự. – VOA
Phiến quân Ukraine tiến hành cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Những phần tử đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine hôm nay bắt đầu cuộc bầu cử mà Kiev và các nước phương Tây tuyên bố sẽ không công nhận.
Phe ly khai đang kiểm soát hai khu vực Luhansk và Donetsk tổ chức cuộc đầu phiếu để chọn các nhà lãnh đạo và các viện lập pháp ở những vùng họ đã chiếm cứ.
Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ nói rằng cuộc đầu phiếu này là bất hợp pháp vì vi phạm hiến pháp Ukraine và cuộc ngưng bắn mà phe đòi ly khai và chính phủ Ukraine đạt được hôm mồng 5 tháng 9.
Nga cho biết họ sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử của phe đòi ly khai.
Các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu hối thúc Moscow bác bỏ kết quả bầu cử.
Các giới chức phương Tây nói rằng cuộc đầu phiếu gây phức tạp thêm cho những nỗ lực nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng ở miền đông Ukraine, nơi các phiến quân thân Moscow muốn nhập vào nước Nga.
Liên hiệp quốc cho biết hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong vụ giao tranh giữa các lực lượng chính phủ Ukraine và phiến quân thân Nga. – VOA
Do Thái đóng hai cửa khẩu ở biên giới Gaza
Israel đã đóng hai cửa khẩu ở biên giới Gaza. Quân đội nói rằng hôm nay họ quyết định đóng cửa khẩu Kerem Shalom và cửa khẩu Erez sau khi một quả đạn rocket từ phía Palestine bắn vào Israel.
Vụ này không gây thiệt hại hay thương tích. Đây là vụ bắn rocket thứ nhì kể từ khi cuộc chiến 50 ngày của Israel chống phe chủ chiến ở Gaza chấm dứt.
Israel cho biết viện trợ nhân đạo sẽ được phép đi qua cửa khẩu Erez.
Trong một diễn tiến khác, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi các thành viên quốc hội chứng tỏ “tinh thần trách nhiệm và tự chế” trong vụ tranh chấp giữa người Do thái giáo và người Hồi giáo về vấn đề liên quan tới Đền thờ trên núi.
Một số người Israel lo ngại phe Palestine lợi dụng tình hình để phát động thêm một cuộc nổi dậy. Ông Netanyahu muốn tránh không để cho bên nào có cớ để phản ứng bằng bạo lực.
Thánh địa ở Jerusalem, mà người Hồi giáo gọi là Đền thờ al-Aqsa, là nơi cả người Do Thái giáo lẫn người Hồi giáo đều tôn thờ. Dựa theo một thỏa thuận đã có từ lâu, quyền quản lý địa điểm này thuộc về Jordan.
Cả người Do Thái giáo lẫn người Hồi giáo đều được phép đến thăm, nhưng chỉ có tín đồ Hồi giáo mới được phép cầu nguyện ở đó.
Những nhân vật tranh đấu người Do Thái đang vận động cho việc thay đổi luật lệ để họ có quyền cầu nguyện tại thánh địa này.
Bạo động giữa các lực lượng an ninh Israel và người Palestine bùng ra hồi tháng trước, sau khi cảnh sát Israel bắn chết một tay súng Palestine đã gây thương tích cho một giáo sĩ Do thái giáo thuộc phe cực bảo thủ.
Trước đó, giáo sĩ này đã tham dự một cuộc hội thảo về việc dành cho người Do Thái quyền cầu nguyện tại Đền thờ trên núi. – VOA
Ấn Độ phản đối Sri Lanka mở cảng đón tàu ngầm Trung Cộng (TC)
Theo báo chí Ấn Độ, New Delhi vừa bày tỏ thái độ hết sức bất bình trước sự kiện chính quyền Sri Lanka sắp cho phép một tàu ngầm tấn công TC ghé cảng nước láng giềng này của Ấn Độ. Theo báo Times of India ngày 02/11/2014, phản ứng của Ấn Độ lại càng mạnh mẽ hơn khi mà mới tháng 9 vừa qua, New Delhi đã từng tỏ ý quan ngại trước sự kiện Sri Lanka đã cho một tàu ngầm nguyên tử của TC ghé cảng Colombo.
Theo nhật báo Ấn, các nguồn tin mà Chính quyền New Delhi nhận được cho thấy là sự kiện tàu ngầm của TC ghé cảng Sri Lanka lần này sẽ diễn ra rất sớm. Sự hiện diện của tàu ngầm TC tại vùng eo biển Palk Straits khiến chính quyền Ấn Độ hết sức quan ngại, và một lần nữa, New Delhi đã gởi công hàm đến Colombo, lần này để tỏ thái độ hết sức bất bình.
Tờ Times of India đã hàm ý cho rằng việc TC đưa tàu ngầm tấn công ghé cảng Sri Lanka, sát nách Ấn Độ, là một hành vi trả đũa New Delhi, vì được loan báo vài ngày sau khi Ấn Độ chính thức hóa việc tăng cường quan hệ quốc phòng và dầu khí với Hà Nội nhân chuyến công du của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.
Ấn Độ lại càng phẫn nộ hơn nữa khi Sri Lanka đã phớt lờ thông điệp được New Delhi gởi đến Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hồi đầu tháng này, phản đối vụ tàu ngầm nguyên tử TC ghé cảng Colombo hôm 15/09, đúng vào lúc Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam, và quân đội Ấn-Trung gờm nhau tại vùng Chumar tỉnh Ladakh ở phía đông nam.
Hạm đội tàu ngầm TC, trong đó có ba chiếc chạy bằng năng lượng nguyên tử có khả năng bắn tên lửa đạn đạo, được đánh giá là một trong những lực lượng tấn công mạnh nhất của Bắc Kinh. Vào đầu năm nay, lần đầu tiên một chiếc trong số này đã đi qua vùng Ấn Độ Dương trên đường đi tới Vịnh Ba Tư.
Việc tàu ngầm TC được Sri Lanka cho ghé cảng đã khiến nỗi lo ngại tại Ấn Độ gia tăng vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực mà New Delhi cho là vùng ảnh hưởng của mình. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ
Không quân Mỹ muốn ngừa sự cố với Trung Cộng (TC) trên Thái Bình Dương
Tân Tư lệnh Không quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương đã tỏ hy vọng tiếp tục các cuộc thảo luận với phía TC về những biện pháp nhằm tránh những vụ đối đầu trên không nguy hiểm giữa không quân hai nước. Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Mỹ AP vào hôm qua, 01/11/2014, Tướng Lori Robinson cho biết là bà dự kiến trao đổi thêm về vấn đề trên nhân cuộc biểu diễn hàng không lớn nhất của TC tổ chức vào tháng 11 này.
Mối quan ngại sự cố nẩy sinh từ do phi cơ Mỹ-Trung đối đầu trên không đã gia tăng sau vụ một chiến đấu cơ TC áp sát – chỉ cách 9 mét – một trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông vào tháng 8 vừa qua. Sự cố đó đã gợi lại một vụ trực diện khác vào năm 2001, khi phi cơ hai bên va đụng nhau làm cho một phi công TC tử nạn, và phi cơ Mỹ phải hạ cánh khẩn xuống đảo Hải Nam.
Tình hình trên Thái Bình Dương đã căng thẳng hẳn lên vào năm ngoái khi TC thông báo thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông bao trùm các đảo tranh chấp với Nhật Bản. Sự kiện đó đã làm dấy lên lo ngại sự cố đối đầu trên không, đặc biệt trong bối cảnh Tokyo tiết lộ là các phi vụ của Không quân Nhật đã tăng 30% trong thời gian gần đây để đối phó với máy bay TC đến gần vùng đảo tranh chấp.
Theo tân Tư lệnh Không quân Mỹ vùng Thái Bình Dương, Washington muốn tất cả các bên tuân thủ các chuẩn mực quốc tế được công nhận về an toàn trên không, giống như những quy định mà Hoa Kỳ và Liên Xô đã áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Cho dù không loại trừ khả năng những hành vi đối đầu như vào tháng 8 qua tiếp diễn, bà Robinson cho rằng việc Mỹ và TC thỏa thuận được với nhau về các biện pháp cần thực hiện là một điều thiết yếu, và hai bên phải bắt đầu đối thoại về vấn đề này.
Bà Lori Robinson, một đại tướng bốn sao, vừa nhậm chức Tư lệnh không quân Mỹ vùng Thái Bình Dương PACAF vào trung tuần tháng 9, thay thế tướng Hawk Carlisle được thuyên chuyển công tác. Bà trở thành phụ nữ đầu tiên đảm trách chức vụ chỉ huy một lực lượng trọng yếu của Quân đội Hoa Kỳ. – Theo RFI