Tin Thế Giới – 18/5/2015
Đức Giáo Hoàng công nhận Quốc gia Palestine
Bạo động giữa người Israel và người Palestine mới đây đã bùng ra ở Jerusalem, sau một cuộc tuần hành của những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã dự một cuộc họp riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không lâu sau khi Toà Thánh Vatican chính thức công nhận Quốc gia Palestine. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tường thuật từ London.
Hàng ngàn người đã rủ nhau tới dự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phê Rô hôm chủ nhật để chứng kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh cho 4 nữ tu, trong đó có 2 người là người ở vùng đất của Palestine thời thế kỷ 19. Toà Thánh Vatican cho biết họ hy vọng diễn tiến này sẽ mang lại sự khích lệ cho những tín đồ Cơ đốc giáo đang đối mặt với một làn sóng bách hại ở vùng Trung Đông.
Trong số những người xem lễ có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, là người hôm thứ bảy đã được mời đến dự một cuộc họp riêng với người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã.
Ông Sharif Nashashibi, một nhà phân tích phân tích tình hình Trung Đông ở London, cho biết sự công nhận trên thực tế của Đức Giáo Hoàng đối với một quốc gia của người Palestine dựa trên sự hậu thuẫn mà Toà Thánh đã dành cho Palestine tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm qua.
“Đức Giáo Hoàng đã có những nỗ lực rất lớn nhằm xây dựng những nhịp cầu và tích cực giao tiếp trên khắp Trung Đông để ủng hộ cho các cộng đồng Cơ đốc giáo trong khu vực, và dĩ nhiên, trong xã hội Palestine có một cộng đồng Cơ đốc giáo rất năng động. Đức Giáo Hoàng là người rất được yêu mến và kính nể, chẳng những trong giới tín đồ Cơ đốc giáo ở Trung Đông, mà còn trong dân chúng ở khu vực này nói chung.”
Israel đã đưa ra một thông cáo để bày tỏ sự thất vọng đối với việc Toà Thánh Vatican công nhận Quốc gia Palestine. Tuy nhiên, quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi những người Palestine, như ông Yousef Salman, là người đã tới Vatican để dự lễ phong thánh.
“Israel có quyền tồn tại. Palestine cũng có quyền tồn tại. Đây là một nước nằm cạnh nước Israel. Hai nước nên sống với nhau trong hoà bình và an ninh.”
Trong lúc những lời cầu nguyện hoà bình được xướng lên ở Vatican hôm chủ nhật, những vụ bạo động lại bùng ra giữa người Israel và người Palestine ở Jerusalem.
Những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã kỷ niệm việc Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967 với một cuộc tuần hành xuyên qua thành phố cổ mà cư dân hầu hết người theo đạo Hồi.
Bạo động xảy ra tiếp theo sau những buổi lễ hồi tuần trước tại các phần đất của người Palestine để đánh dấu ngày họ gọi là “Ngày Đại Hoạ”, kỷ niệm ngày quốc gia Israel được thành lập năm 1948, khi 700.000 người Ả Rập bỏ chạy hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Trong bài diễn văn truyền hình đánh dấu sự kiện này, Tổng thống Abbas kêu gọi dân chúng Palestine tiếp tục hy vọng.
“Chúng ta cùng nhau lập lại lời hứa là chúng ta sẽ không từ bỏ lập trường quốc gia của mình và chúng ta sẽ không thương lượng về lập trường này.”
Thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập phiên họp nội các đầu tiên của tân chính phủ. Trong cuộc vận động bầu cử trước đó, ông đã cam kết không chấp nhận việc thành lập một quốc gia Palestine, nhưng sau đó ông đã tìm cách làm dịu đi những tuyên bố đó. Ông cho rằng tiến trình hoà bình đã bị đổ vỡ vì những vụ tấn công của những phần tử hiếu chiến Palestine nhắm vào thường dân và tuyên bố chính phủ mới của Israel sẽ không thay đổi đường lối.
Israel có quyết tâm bảo vệ biên giới và bảo vệ an ninh trước mọi mối đe dọa dù xa hay gần. Tất cả những kẻ thù của chúng ta nên biết là chúng ta có những lằn ranh đỏ. Đó là chính sách của chúng ta trước đây và sẽ tiếp tục với chính phủ mới này.
Ngoài Toà Thánh Vatican còn có 135 nước công nhận Quốc gia Palestine. Các nhà phân tích cho biết vị thế của Đức Giáo Hoàng như người lãnh đạo của hơn 1 tỉ tín đồ Công giáo trên thế giới khiến cho sự công nhận này trở thành một diễn tiến có nhiều ý nghĩa quan trọng. – VOA
TC thiết kế lại các tên lửa đạn đạo
Theo báo chí Mỹ, TC, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, đã thiết kế lại các tên lửa đạn đạo tầm xa để có thể mang nhiều đầu đạn nguyên tử, sau nhiều năm duy trì một lực lượng hạt nhân tối thiểu.
Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 16/05/2015, nhật báo Mỹ The New York Times cho biết rằng từ nhiều năm nay, TC đã nắm trong tay công nghệ thu nhỏ đầu đạn nguyên tử, để có thể đạt đến ba đầu đạn hoặc hơn nữa trên một tên lửa. Nhưng nhiều lãnh đạo kế tiếp nhau của TC đã không sử dụng đến công nghệ đó, vì không quan tâm đến một cuộc chạy đua vũ trang giống như dưới thời chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ với Liên Xô. Cho nên, việc Bắc Kinh nay thiết kế lại tên lửa đạo là một quyết định đáng chú ý.
Tờ New York Times cho biết chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ muốn đẩy mạnh cuộc chạy đua này, vào lúc mà chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng các phi đạo trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, lần đầu tiên đưa tàu ngầm TC đi qua vùng Vịnh, đồng thời phát triển một kho vũ khí tin học hùng hậu.
Cũng theo tờ báo này, hành động của TC đã gây bất ngờ cho các quan chức Mỹ và là một bằng chứng của thách thức mà chính quyền Obama đang đối mặt. Tổng thống Mỹ hiện đang chịu áp lực mạnh chưa từng có, đòi ông phải triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù về mặt chính thức các tên lửa này là nhắm đối phó với Bắc Triều Tiên chứ không phải với TC.
Các quan chức Mỹ cho biết là cho tới nay, Bắc Kinh vẫn từ chối thảo luận về quyết định bắt đầu gắn nhiều đầu đạn nguyên tử vào các tên lửa đạn đạo. Theo The New York Times, một số chương trình hiện đại hóa quân sự của TC là nhắm trực tiếp vào lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ. Tờ báo này cho biết, Bắc Kinh đã tìm các công nghệ để chặn các vệ tinh giám sát và viễn thông của Mỹ. Những đầu tư vào công nghệ tin học, cũng như các vụ tấn công tin học vào hệ thống máy tính của Mỹ bị các quan chức Mỹ xem như là một cách nhằm ăn cắp bản quyền, cũng như nhằm chuẩn bị cho xung đột trong tương lai.
Theo lời ông Ashley J Tellis, một chuyên gia tại viện Carnegie Endowment for International Peace, TC vẫn ngán ngại lợi thế về hạt nhân của Mỹ. Hiện giờ lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ mạnh gấp 8 lần TC. – Theo RFI
Trận chiến giằng co ở Ramadi
Các tay súng người Shia đang nhóm lại ở phía đông thành phố Ramadi của Iraq, chống lại các tay súng của Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đã nắm thành phố từ hôm Chủ Nhật.
Truyền hình quốc gia mô tả là xe tăng và xe quân sự các loại đang tiến vào doanh trại quân đội tại al-Habbaniyah.
Tin tức nói các chiến binh IS đang tiến về phía căn cứ này.
Chính quyền Iraq đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các tay súng được Iran hậu thuẫn sau khi quân đội bị đánh bật và phải bỏ chạy.
Chừng 500 người đã chết tại thành phố nằm cách thủ đô Baghdad chỉ 112 km về phía tây này.
Các lực lượng người Shia tại Habbaniya, cách Ramadi khoảng 20 km nay “trong tư thế sẵn sàng”, người đứng đầu hội đồng tỉnh Anbar, Sabah Karhout được hãng tin Reuters dẫn lời.
Trong một tuyên bố, hội đồng nói khoảng 3.000 chiến binh Shia đã tới Anbar để tham gia “giải phóng toàn bộ các khu vực của Ramadi đang bị các tay súng IS chiếm giữ”.
Nhưng các tay súng IS cũng đã từ Ramadi tiến tới các vùng ngoại vi thị trấn al-Khalidiyah gần căn cứ Habbaniyah, một tuyên bố của IS và các nhân chứng nói.
Hoa Kỳ nói họ tin tưởng là tình thế tại Ramadi có thể đảo ngược.
Phát biểu tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói: “Tôi tin rằng khi các lực lượng được tái phối trí và trong những ngày tới, tình thế sẽ thay đổi.”
Các dân quân Shia, được biết đến với tên gọi Hashid Shaabi, từng là lực lượng chủ chốt trong việc tái chiếm Tikrit từ tay IS, một thành phố khác nằm về phía bắc Baghdad, hồi tháng Tư.
Tuy nhiên, việc sử dụng lực lượng này khiến Hoa Kỳ và các nước khác lo ngại, bởi nó có thể gây ra tình trạng căng thẳng phe phái ở các vùng đông người Sunni như Ramadi.
Các dân quân Shia đã rút khỏi Tikrit sau khi có các tường thuật về tình trạng bạo lực và hôi của diễn ra lan tràn.
Các tay súng IS đã giương cờ trên Ramadi hôm thứ sáu; đây là một trong những thắng lợi lớn của phe này trong năm nay.
Người đứng đầu hội đồng tỉnh Anbar, Sabah Karhout Al Helbusi, hôm nay 18/5 cho đài VOA biết ‘thảm họa nhân đạo’ đang xảy ra trong thành phố.
Hội đồng tỉnh Anbar, đa phần là người Sunni, đã chấp thuận viện trợ cho Các Đơn vị Huy động Nhân dân của người Shia chống lại phe Nhà nước Hồi giáo, theo nguồn tin từ ông Ameere Addai, thành viên Hội đồng.
Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ dẫn đầu đã nhắm mục tiêu các vị trí của IS bên trong và xung quanh Ramadi với các cuộc không kích hầu như hằng ngày kể từ tháng 10 tới nay, theo báo cáo thường nhật từ Ngũ Giác Đài.
Theo Ngũ Giác Đài, các đợt dội bom đó đã giảm đáng kể trong tuần lễ trước khi Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ Ramadi, trước khi một chiến dịch không kích kéo dài từ thứ sáu tới thứ hai đánh trúng 19 lần, xóa sổ các đơn vị chiến thuật, các vị trí chiến đấu, và các tòa nhà của IS.
Lên tiếng một ngày sau khi phe chủ chiến tuyên bố đã chiếm giữ được Ramadi, ông Kerry nói đó là một ‘mục tiêu cơ hội’ và ông tin là tình thế sẽ được đảo ngược trong những ngày tới. – BBC, VOA
TT Obama quyết định đình chỉ việc quân sự hóa cảnh sát HK – Thượng viện HK sắp quyết định về việc theo dõi công dân trong nước – Đấu súng ‘kinh hoàng’ chết người giữa các băng đảng lái mô tô ở Waco, Texas
Tiếp theo sau các vụ bạo động mang nhiều tính chất sắc tộc khiến quân đội phải xuống đường ở Ferguson, Missouri và Baltimore, Maryland, chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng các hạn chế liên bang mới đối với một số thiết bị kiểu quân đội dành cho công tác thực thi công lực ở địa phương.
Chính phủ liên bang đang đình chỉ việc cung cấp tài chính cho các thiết bị như xe bọc thép, máy bay vũ trang, súng phóng lựu và đồ ngụy trang – là loại thiết bị mà một nhóm liên cơ quan nhận thấy đã làm xói mòn lòng tin của dân chúng đặt vào giới thực thi công lực.
Chính phủ liên bang cũng hạn chế thiết bị bao gồm xe Humvee và các loại xe thiết giáp khác, các loại súng chuyên biệt, chất nổ và một số trang thiết bị chống bạo động.
Theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ thảo luận các biện pháp mới khi ông đến Camden, New Jersey trong ngày thứ hai. Đây là thành phố miền đông có một trong những tỷ lệ tội ác bạo lực cao nhất nước.
Tiết lộ các đề nghị chung quyết về một lực lượng cảnh sát cộng đồng, Tổng thống Obama sẽ viện dẫn các nỗ lực của thành phố Camden trong việc giảm thiểu tội ác và tạo cơ hội kinh tế cho cư dân thành phố.
Chính quyền đang vận động để củng cố quan hệ giữa cơ quan thực thi công lực và các cộng đồng địa phương. Trong những tuần lễ sắp tới, các thành viên Nội các sẽ đến những thành phố như St. Louis, gần Ferguson, và Philadelphia, gần Camden.
Về việc theo dõi công dân trong nước, phạm vi các hoạt động theo dõi nay mai của chính phủ Hoa Kỳ có thể được quyết định trong tuần này khi Quốc hội thảo luận để cho phép tiếp tục các nỗ lực chống khủng bố sắp đáo hạn trong khi cải tổ chương trình thu thập dữ liệu gây nhiều tranh cãi.
Vấn đề được đặt ra là các hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia bí mật đã bị Edward Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng đang trốn chạy pháp luật, phanh phui và gây ra một cơn lốc chính trị cả trong lẫn ngoài nước, và mới đây bị tòa thượng thẩm liên bang phán quyết là bất hợp pháp.
Tuần trước, Hạ viện đã biểu quyết với số phiếu áp đảo tán thành việc chấm dứt hoạt động thu thập hàng loạt các hồ sơ điện thoại của người dân Mỹ. Dự luật có tên là USA Freedom Act (Tự do USA) nay chờ quyết định của Thượng viện, nơi chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA được nhiều thành viên có thế lực bênh vực.
Trưởng khối đa số Thượng viện Mitch McConnell của đảng Cộng hòa nói với chương trình “This Week” của đài ABC: “Tôi nghĩ đó là một công cụ quan trọng để bảo vệ dân chúng trong nước.”
Ông McConnell là một trong nhiều nhà lập pháp với lập trường cho rằng việc theo dõi chặt chẽ của liên bang đối với thông tin liên lạc qua điện thoại đã có thể ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Việc thu thập dữ liệu ồ ạt của NSA đã được phát động một cách bí mật sau biến cố 11 tháng 9, và theo giới chỉ trích, đã đi quá xa.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy nêu câu hỏi: “Nếu như chúng ta chấp nhận rằng chính phủ có thể thu thập tất cả các hồ sơ về điện thoại của chúng ta, bởi vì chính phủ có thể – có thể thôi – muốn một ngày nào đó, sàng lọc lại để đi tìm một số liên hệ có thể có với các phần tử khủng bố, thì chương trình đó sẽ kết thúc ở đâu?”
Theo dự luật ‘Tự do USA’, các công ty viễn thông chứ không phải là chính phủ sẽ lưu giữ các dữ liệu điện thoại.
Ông McConnell nói những quan ngại về quyền riêng tư do dự luật gây ra đã bị thổi phồng và không có cơ sở, và luật hiện hành vốn đã bảo vệ các hoạt động qua điện thoại của người dân Mỹ.
Ông McConnell giải thích: “Không có ai ở NSA thường xuyên nghe các cuộc nói chuyện qua điện thoại. Để có thể nghe được bất cứ một cuộc nói chuyện nào qua điện thoại, NSA phải xin một án lệnh của tòa. Tôi không muốn chúng ta ‘mù mắt’ trước những đe dọa, thực ra, tôi sợ rằng dự luật được Hạ viện thông qua về cơ bản sẽ là sự kết thúc của chương trình.”
Nhưng liệu chương trình có thực sự đánh bại được mọi âm mưu khủng bố hay không là một vấn đề gây tranh cãi, và sẽ là đề tài tranh luận sối nổi tại Thượng viện trong những ngày sắp tới. Vấn đề này gây chia rẽ cả trong các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, và đã phơi bày một sự rạn nứt về việc đâu là nơi để lập thế quân bình giữa an ninh quốc gia và tự do dân sự.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Daines nói: “Các phần tử khủng bố nhất định phá hoại lối sống của chúng ta, nền tảng tự do và công lý cho tất cả mọi người của quốc gia chúng ta. Nhưng trong khu chúng ta củng cố các khả năng tình báo quốc gia chúng ta, thì chúng ta cũng phải dành sức mạnh và quyết tâm tương tự để bảo vệ hiến pháp của chúng ta, các quyền tự do dân sự của chúng ta, chính là nền tảng của đất nước này. Nếu các lực lượng xấu thành công trong việc lèo lái các nhà lãnh đạo ở Washington để làm xói mòn các giá trị hợp hiến cốt lõi của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem lại cho các phần tử khủng bố này một chiến thắng mỹ mãn. Chúng ta không bao giờ nên cho phép việc này xảy ra.”
Thượng viện chỉ còn vài ngày để quyết định. Trong khi Bộ luật Yêu Nước (Patriot Act) cho phép việc thu thập dữ liệu ồ ạt sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 6, Thượng viện sẽ nghỉ họp trong tuần lễ cuối tháng này. Một cuộc thách thức pháp lý tiếp tục với chương trình của NSA sẽ được quyết định bởi Tối cao Pháp viện, nhưng sẽ gây nhiều tranh cãi nếu như Quốc Hội tự ý chấm dứt chương trình.
Trong một tin khác, cảnh sát bang Texas nói 192 người có thể bị buộc tội về tội phạm có tổ chức sau vụ băng nhóm đi mô tô đấu súng làm chết chín người.
18 người khác bị thương khi các băng đảng bắn nhau tại một khu mua sắm ở thành phố Waco.
Một nhân chứng mô tả hiện trường giống như “chiến trường”.
Có thể có đến năm băng nhóm dính líu vì tranh cãi về chỗ đậu xe gần nhà hàng.
Nhân viên và khách hàng ở một quán ăn gần đó phải trốn trong phòng đông lạnh và sau đó được cảnh sát hộ tống ra ngoài.
Vụ việc xảy ra buổi trưa hôm Chủ nhật 17/5.
Hạ sĩ cảnh sát Patrick Swanton nói: “Tôi kinh ngạc khi người dân vô tội đã không thiệt mạng hay bị thương.”
“Trong 34 năm làm việc, đây là hiện trường tội ác bạo lực nhất tôi chứng kiến.”
Trung úy cảnh sát Waco Patrick Swanton cho hay 192 người đã bị bắt vì bị cáo buộc tham gia tội phạm có tổ chức sau vụ nổ súng hôm chủ nhật khiến 9 tay lái mô tô thiệt mạng và ít nhất 18 người khác bị thương.
Tại một cuộc họp báo ngày thứ Hai, ông Swanton nói: “Chúng tôi đã nhận được những lời hăm dọa chống lại nhân viên công lực suốt đêm từ các nhóm mô tô khác nhau.”
Ông nói thêm,”Chúng tôi biết rất rõ là một số nhóm đã đến thành phố của chúng tôi và đã có kế hoạch dự phòng để ứng phó với các cá nhân đó nếu họ tìm cách gây rối ở đây.”
Ông Swanton nói vụ bạo động hôm chủ nhật bắt đầu ngay sau buổi trưa tại một nhà hàng ăn nằm trong một khu thương xá đông đúc ở Waco, nơi các thành viên của ít nhất 5 băng đảng kình chống nhau đã tụ tập dự một cuộc họp.
Ông cho biết cảnh sát đã bắn những tay lái mô tô có vũ trang, mặc dầu hãng tin AP tường thuật rằng chưa rõ ngay liệu có cảnh sát viên nào trong số 9 người thiệt mạng hay không.
Ông Swanton mô tả quang cảnh bên trong nhà hàng là đầy các vỏ đạn, dao, và xác người cùng những vũng máu sau cuộc bạo động. Ông nói khoảng 150 đến 200 tay lái mô tô có mặt bên trong nhà hàng trong lúc vụ nổ súng xảy ra.
Cảnh sát trưởng Quận McLennan, ông Parnell McNamara, là cơ quan tham gia cuộc điều tra, cho biết tất cả 9 người thiệt mạng đều là thành viên của các băng nhóm Bandidos hay Cossacks.
Băng nhóm Bandidos, thành lập hồi thập niên 1960, can dự vào hoạt động mua bán lậu cocaine, marijuana, và methamphetamine, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
FBI và nhân viên của Cục liên bang đặc trách Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ đang hỗ trợ các giới chức địa phương và tiểu bang trong cuộc điều tra. – VOA, BBC