Tin Thế Giới – 1/8/2015
Đàm phán TPP kết thúc mà chưa có thoả thuận chung cuộc
Cuộc điều đình về Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc ở Hawaii mà chưa có một thoả thuận chung cuộc.
Tại một cuộc họp báo tối thứ sáu, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói 12 nước tham gia đàm phán đã đạt được những tiến bộ đáng kể và tin tưởng nhiều hơn lúc nào hết là thoả thuận đang nằm trong tầm tay.
Ngày giờ của cuộc họp kế tiếp chưa được ấn định, nhưng các bộ trưởng thương mại cho biết những công việc để giải quyết những lãnh vực còn có vấn đề sẽ được xúc tiến.
Những vấn đề này có tính chất nhạy cảm về mặt chính trị, bao gồm những nỗ lực để cho phép gia tăng lượng gạo nhập khẩu vào Nhật Bản, nhập khẩu thêm đường vào Mỹ, gia tăng quyền tiếp cận thị trường sữa của Canada và nới rộng sự bảo vệ quyền sáng chế cho những loại thuốc mới trong vòng 12 năm. – VOA
Putin ‘ra lệnh giết’ cựu gián điệp Nga
Thanh tra vụ cựu gián điệp người Nga Alexander Litvinenko tử vong nói rằng Tổng thống Vladimir Putin “đích thân ra lệnh” vụ giết hại này.
Thanh tra Ben Emmerson, tiến hành điều tra cho gia đình ông Litvinenko, nói trong phiên kết luận rằng có bằng chứng để kết luận “không phải nghi ngờ gì” rằng nhà nước Nga chịu trách nhiệm trong vụ này.
Tuy nhiên Kremlin nói với BBC rằng họ không tin vào cuộc điều tra.
‘Bạo chúa’
Ông Litvinenko, 43 tuổi và là người bất đồng chính kiến với Kremlin, uống trà có chứa một liều phóng xạ polonium gây chết người, trong lần gặp hai nghi phạm là Dmitry Kovtun và Andrei Lugovoi ở London vào năm 2006.
Điện Kremlin muốn ông Litvinenko chết và cung cấp chất độc được sử dụng để giết ông, thanh tra Emmerson cáo buộc.
Bằng chứng khoa học chứng minh được rằng ông Kovtun và ông Lugovoi đã giết cựu gián điệp này, ông nói thêm.
Ông Emmerson nói tại phiên báo cáo điều tra rằng Putin “ngày càng trở thành bạo chúa bị cô lập” và là “nhà độc tài bị mất cân bằng về đạo đức”.
Ông cho biết Tổng thống Nga và các đồng minh của mình “trực tiếp dính líu vào tội phạm có tổ chức”.
“Phe nhóm cá nhân” của ông Putin “sẵn sàng giết những người cản đường đi của họ”, ông Emmerson nói thêm.
Ông nói: “Nếu nhà nước Nga chịu trách nhiệm, trách nhiệm thuộc về Vladimir Putin.
“Không phải là việc loại suy trách nhiệm gián tiếp mà bởi ông ta đích thân ra lệnh thanh toán một kẻ thù muốn phơi bày ông và đám tay chân của ông ta.”
Thanh tra này nói ông Kovtun đã không có mặt tại phiên điều trần bởi ông sẽ không thể giải thích nổi bằng chứng chống lại ông.
Ông Kovtun nói hồi tháng Ba rằng ông muốn làm chứng, nhưng không xuất hiện qua đường kết nối video.
Phát biểu bên ngoài Tòa án Tư pháp Hoàng gia sau khi đọc phần kết luận, bà Litvinenko nói bà tin rằng “sự thật cuối cùng đã được phơi bày”.
Bà cho biết chồng bà từng “tuyên bố sẽ vạch trần tham nhũng” tại Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và các “chóp bu quyền lực ở Nga”.
“Hành động của ông được coi là phản bội và ông cuối cùng đã trả giá vì các hành động này,” bà nói.
Bà Litvinenko nói thêm: “Bất kỳ người bình thường nào nhìn vào các bằng chứng đưa ra trong cuộc điều tra sẽ thấy chồng tôi đã bị các điệp viên nhà nước Nga giết trong hành động khủng bố hạt nhân lần đầu tiên trên đường phố London.
“Điều này không thể xảy ra mà không được ông Putin biết và đồng ý.” – BBC
Đại sứ Ả rập Xê út: 3 thân nhân của bin Laden thiệt mạng trong vụ rớt máy bay ở Anh
Một vị đại sứ của Ả rập Xê út cho biết những thân nhân của Osama bin Laden, lãnh tụ al-Qaida đã bị hạ sát, nằm trong số những người thiệt mạng hôm thứ sáu trong vụ máy bay phản lực tư nhân bị rơi gần London.
Tin tức báo chí Anh và Ả rập Xê út nói rằng 3 hành khách trên máy bay là thân nhân của Osama bin Laden. Viên phi công cũng thiệt mạng trong vụ này.
Hoàng thân Mohammed bin Nawaf bin Abdulaziz, Đại sứ Ả rập Xê út tại Anh, đã dùng tài khoản Twitter của sứ quán để chia buồn với gia đình bin Laden mà không nói tới danh tánh của họ.
Cảnh sát cho hay chiếc máy bay riêng rơi xuống một bãi đậu xe và bốc cháy trong lúc tìm cách đáp xuống phi trường Blackbushe, cách London 65 kilomét về hướng tây nam. Máy bay này cất cánh từ Phi trường Malpensa ở Milan.
Giới hữu trách Anh đang điều tra.
Thân phụ của Osama bin Laden, ông Mohammed bin Laden là một tỉ phú ngành xây dựng, được dành cho nhiều hợp đồng xây dựng qui mô lớn ở Ả rập Xê út. Ông này cũng thiệt mạng trong một vụ rớt máy bay ở Ả rập Xê út năm 1967.
Osama bin Laden bị lực lượng đặc biệt Mỹ hạ sát năm 2011 ở Pakistan. – VOA
Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông và Đông Nam Á
Các vấn đề an ninh sẽ là trọng tâm của cuộc thảo luận vào cuối tuần này giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các giới chức Ai Cập tại Cairo, chặng thứ nhất của chuyến công du 5 nước ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói rằng Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc” về tình hình rối loạn ở bán đảo Sinai, nơi một nhóm hiếu chiến có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo thực hiện một loạt những vụ tấn công gây nhiều chết chóc.
Tại cuộc họp báo hôm qua, giới chức này nói rằng Ai Cập đang đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng từ các phần tử hiếu chiến liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và Hoa Kỳ cần ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập để ổn định đất nước của họ.
Giới chức này cho biết an ninh sẽ là trọng tâm của cuộc thảo luận vào ngày chủ nhật với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. Ông Kerry cũng sẽ hội kiến Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi.
Sau khi rời Ai Cập, Ngoại trưởng Kerry sẽ đến Qatar để dự hội nghị với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước. Nhóm này đã tỏ ý lo ngại là thoả thuận hạt nhân Iran có thể làm cho khu vực bị bất ổn. Trong lúc lưu lại Doha, ông Kerry cũng sẽ họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để bàn về các vấn đề an ninh, trong đó có những nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Sau khi rời Qatar, ông Kerry sẽ đi thăm Singapore, Malaysia và Việt Nam. Đây là 3 nước trong số 12 nước tham gia cuộc đàm phán TPP.
Tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự một diễn đàn của khối ASEAN. Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng an ninh biển là một trong những vấn đề sẽ được bàn thảo tại cuộc họp này. Giới chức này nói thêm rằng cuộc họp sẽ là một cơ hội để khối ASEAN trực tiếp bày tỏ quan điểm với Trung Quốc về vấn đề Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. – VOA
Chuyên gia Mỹ: TC có rất nhiều “tiền án” xâm chiếm Biển Đông — Nội bộ Mỹ vẫn tranh cãi về đối sách chống TC ở Biển Đông
Ngày 23 tháng 7 vừa qua, tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã mở một phiên điều trần để hiểu rõ hơn về “Vai trò an ninh của Hoa Kỳ tại Biển Đông”. Tham gia cuộc điều trần có 4 chuyên gia có uy tín từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau. Không hẹn mà gặp, toàn bộ bốn chuyên gia đều nêu bật thái độ quan ngại trước các hành vi hung hăng, quyết đoán hiện nay của TC tại Biển Đông, đặt ra những thách thức to lớn cho Hoa Kỳ, nước có vai trò truyền thống trong việc duy trì an ninh và ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những học giả tham gia điều trần gồm: Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Chủ nhiệm Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security), Giáo sư Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Hoa thuộc Trường Hải chiến Mỹ (U.S. Naval War College), Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Chủ nhiệm Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Tiến sĩ Michael D. Swaine, chuyên gia Chương trình Châu Á thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Một trong những tham luận đáng chú ý là phân tích của giáo sư Andrew Erikson về lịch sử xâm chiếm Biển Đông của TC, một nhân tố cho phép hiểu rõ hơn mưu đồ hiện nay của Bắc Kinh.
Yêu sách rộng khắp nhưng mập mờ
Trong bản điều trần của mình, Erickson đã nêu bật vấn đề là TC từ lâu đã có nhiều tham vọng đối với khu vực, cho dù luôn luôn mập mờ về quy mô vùng biển mà họ muốn đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Bản điều trần ghi rõ:
“Câu chuyện xuyên suốt về TC và Biển Đông là vấn đề (các nước khác) tự kềm chế mà không được (Bắc Kinh) đáp ứng. Thế nhưng giới lãnh đạo TC rõ ràng là đã có một tầm nhìn đầy tham vọng có phần dài hạn, được nuôi dưỡng bằng những nỗ lực tiến hành trong nhiều năm trường, dựa trên những yêu sách chủ quyền đã có từ lâu gói gọn trong một “đường chín đoạn” mơ hồ bao trùm hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.
Lập trường của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông rất dứt khoát và kiên quyết. Trong một bản tuyên cáo lập trường bác bỏ thẳng thừng thủ tục trọng tài quốc tế do Philippines khởi động liên quan đến tranh chấp song phương giữa hai nước, Bộ Ngoại giao TC tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông: Đông Sa [Pratas],Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa [bao gồm Macclesfield và bãi cạn Scarborough] và Nam Sa [Trường Sa]) và các vùng biển lân cận.
… TC đã nhiều lần từ chối tiết lộ các cơ sở chính xác, bản chất chính xác, thậm chí các thông số địa lý chính xác, của các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông. Như Cơ quan Tình báo Hải quân đã ghi nhận, TC “chưa bao giờ công bố tọa độ” của đường chín đoạn mà họ đã vẽ xung quanh hầu như toàn bộ Biển Đông – gần một cách nguy hiểm bờ biển của các nước láng giềng, vốn đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Họ không hề “tuyên bố quyền họ muốn được hưởng ở vùng đó là gì”, cũng vẫn chưa xác định là có coi Biển Đông thuộc diện “lợi ích cốt lõi” hay không. Tuy nhiên, với phát biểu và hành động cho đến nay của TC, có lý do để lo ngại rằng họ sẽ kiên quyết duy trì các yêu sách chủ quyền rộng khắp dựa trên “đường chín đoạn””.
Lịch sử xâm chiếm Biển Đông
Giáo sư Erikson đã lưu ý rằng TC có một lịch sử chuyên đi chiếm đất trong khu vực mà không phải đối mặt với phản ứng đáng kể nào từ phần còn lại của thế giới.
“Các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc có lịch sử hơn một nửa thế kỷ đi xâm chiếm các hòn đảo và các tính năng khác, đa số ở Biển Đông. Có vẻ như là từ lâu Trung Quốc đã nuôi tham vọng đánh chiếm một số lượng đáng kể các đảo đá tại Biển Đông, và trong thực tế, đã xâm chiếm nhiều hòn đảo của Việt Nam vào năm 1974 và 1988 cho dù lúc đó [Trung Quốc còn] bị nhiều hạn chế về sức mạnh quân sự trên không và trên biển. Các chiến dịch xâm chiếm đó đã không được chú ý và phân tích đúng mức.
Trên một số mặt, hành động của Trung Quốc còn phức tạp hơn so với những đánh giá trước đây ở ngoài Trung Quốc. Ví dụ, các lực lượng dân quân biển dường như đã được sử dụng vào năm 1974 trong xung đột Hoàng Sa, trong sự cố tàu Impeccable năm 2009, trong cuộc đối đầu (với Philippines) ở bãi cạn Scarborough Shoal, và trong cuộc đọ sức (với Việt Nam) liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
Điều quan trọng cần lưu ý là Hoa Kỳ không hề can thiệp để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trong những trường hợp đó, hoặc trong những vụ Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, đe dọa lực lượng Philippines ở Bãi Cỏ Mây..”.
Quân sự hóa Biển Đông
Hành động của TC ngày xưa đã như vậy, và ngày nay, theo Giáo sư Erickson, còn đáng ngại hơn vì TC đang bồi đắp các đảo (nhân tạo) ở Biển Đông, trong các vùng có tranh chấp như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Và những hòn đảo mới đang được xây dựng, một phần có chức năng quân sự và bán quân sự.
“Bản thân Bắc Kinh đã tuyên bố chính thức rằng các đảo mới họ bồi đắp trên biển sẽ được sử dụng vào mục tiêu quân sự. Ngày 09 tháng Ba năm 2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh nói rằng “công trình bảo trì và xây dựng” đồn bót ở Trường Sa cũng nhằm mục tiêu “bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ, cũng như quyền và lợi ích hàng hải” của TC.
Bên cạnh đó, Giáo sư Erickson cũng ghi nhận rằng TC đang sử dụng các chuyên gia pháp lý quốc tế của mình để cố gắng lái các luật lệ hàng hải theo chiều hướng có lợi cho mình.
“Tôi có thể xác nhận từ kinh nghiệm cá nhân quy mô to lớn của việc Trung Quốc đã xây dựng một thế hệ mới của các chuyên gia pháp lý hàng hải sắc bén và kiên trì, đang hoạt động trong các đấu trường quốc tế… Tôi tin rằng các nỗ lực có phối hợp của họ về lâu về dài có thể tạo ra thay đổi, một sự thay đổi theo chiều hướng làm suy yếu quyền cai quản những vùng biển chung, gây thiệt hại cho tập thể chúng ta”.
Để đối phó với TC, Giáo sư Erickson đề xuất nhiều hành động mà Hoa Kỳ có thể làm để giảm thiểu tác hại của các vấn đề đang nổi lên trong khu vực.
Trong những biện pháp đó, có việc Hoa Kỳ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, duy trì một cơ cấu quân sự đủ năng lực và toàn diện trong khu vực, với một lực lượng tên lửa đủ sức răn đe để chống lại kho vũ khí ngày càng tăng của TC, qua đó ngăn chặn bất kỳ hành động sử dụng võ lực hoặc đe dọa nào để giải quyết tranh chấp biển đảo. – Theo RFI
***
Trong thời gian gần đây, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo của TC tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt. Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, trong nội bộ chính quyền Mỹ, vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lãnh, muốn phản ứng mạnh hơn để răn đe TC, và giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao, không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.
Trong một bài phân tích được công bố trên mạng vào hôm qua, 31/07/2015 tờ báo Mỹ chuyên về chính trị Politico đã nêu bật quan điểm chung của Washington hiện nay là Hải quân Mỹ cho tầu thuyền hoặc phi cơ tiến vào vùng biển chung quanh hay không phận bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa.
Vấn đề tuy nhiên lại là, dù quan điểm chung là như vậy, nhưng trong hành động thực tế, tình hình có khác, và hiện nay một số chỉ huy cao cấp của Hải quân Mỹ trên hiện trường có mâu thuẫn với giới lãnh đạo tại Washington về nên hay không nên cho tàu Hải quân tiến hẳn vào bên trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Môt số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng cần phải chứng tỏ băng hành động cụ thể quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, trong lúc các quan chức chính phủ, hay các lãnh đạo ngoại giao thì lại dè dặt hơn, vì muốn xử lý tốt một giai đoạn khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Trung,
Đối với các chỉ huy quân sự, cũng như một số nghị sĩ được liệt vào diện “diều hâu”, Hoa Kỳ phải cho thấy rõ thái độ không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc cho chiến hạm Mỹ tiến sâu vào bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo vừa bồi đắp của TC.
Theo những người ủng hộ quan điểm cứng rắn này, nếu không làm vậy, Hoa Kỳ đã mặc nhiên chấp nhận các động thái gây bất ổn của TC, đang khiến cho các đồng minh hay đối tác của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam hết sức lo ngại.
Trả lời báo Politico, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã không ngần ngại tố cáo thái độ dè dặt của chính quyền: “Chúng ta tiếp tục giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ ở bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo đá đã được Trung Hoa cải tạo. Đây là một sai lầm nguy hiểm vì là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Trung Hoa”.
Quan điểm cứng rắn của Thượng nghị sĩ McCain cũng là lập trường của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ. Ông là người ủng hộ tích cực việc phái tàu chiến tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo TC.
Theo báo Politico, các nguồn tin từ quân đội và từ chính quyền Mỹ đã thừa nhận, trong hậu trường, rằng các bất đồng quan điểm nói trên thực sự tồn tại, và tranh luận đã nổi lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị sẽ có dịp gặp nhau vào tuần tới trong khuôn khổ các hội nghị của khối ASEAN tại Kuala Lumpur, và nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Hoa Kỳ trong tháng Chín.
Câu hỏi đặt ra là cho đến nay, Hải quân Mỹ đã từng thách thức Trung Quốc tại khu vực Trường Sa hay chưa? Vào tháng Năm vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận một vụ “gặp gỡ” gần vùng Trường Sa giữa chiến hạm tối tân nhất của Mỹ là chiếc USS Fort Worth, và tàu Trung Quốc. Nhưng Hải quân Mỹ vẫn giữ kín về địa điểm cụ thể nơi xẩy ra vụ chạm trán.
Thái độ cố tình mập mờ kể trên được cho là bắt nguồn từ tình hình tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ giữa giới lãnh đạo dân sự và giới chỉ huy quân sự Mỹ, về việc có nên phản ứng mạnh trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông hay không. – RFI