Tin Thế Giới – 17/6/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 17/6/2015

Mỹ đả kích kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của TC – Nhật lên án gay gắt TC xây đảo nhân tạo

Việc TC loan báo dừng kế hoạch bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa, nhưng xác định sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở trên đó, trong đó có các cơ sở quân sự, cũng khiến Washington quan ngại. Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 16/06/2015, đã không ngần ngại lên tiếng tố cáo một hành vi gây căng thẳng trong khu vực.

Theo hãng tin Anh Reuters, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho rằng: “Kế hoạch do Trung Quốc loan báo không góp phần vào việc giảm căng thẳng, không giúp tìm ra các giải pháp hòa bình và ngoại giao hay củng cố các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc”.

Một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những lời lẽ thẳng thừng hơn. Phát biểu với một số nhà báo, viên chức này xác định: “Chắc chắn là chúng tôi (tức là Mỹ) không muốn thấy các cơ sở đó của TC bị quân sự hoá”.

Theo quan chức này thì việc quân sự hóa các cơ sở trên các đảo mà Bắc Kinh bồi đắp “không những không hề làm cho căng thẳng giảm bớt, mà trong thực tế tạo ra hiệu ứng ngược lại”.

Đối với quan chức cao cấp nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì TC đã tự cô lập mình: “Trong vấn đề này, Trung Quốc đang đơn độc. Không có ai khác trong khu vực ủng hộ các hành động đó”.

Vào hôm qua, 16/06/2015, trong một bản thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao TC khẳng định rằng một công trình bồi đắp một số đảo và bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa sẽ được hoàn thành “trong một ngày gần đây”. Tuy nhiên TC cũng có kế hoạch tiếp tục công việc xây dựng cơ sở trên các đảo để vừa “đáp ứng yêu cầu phòng vệ quân sự cần thiết”, vừa “phục vụ cho các nhu cầu dân sự”.

Chính việc Bắc Kinh không che giấu mục tiêu quân sự đã khiến các nước khác quan ngại. – Theo RFI

***
Hôm nay, 17/06/2015, đồng thanh với những phản ứng gay gắt của Mỹ, chính quyền Tokyo đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo của TC tại Trường Sa trong vùng Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh thổ.

Về việc TC gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo trong khu vực quần đảo Trường Sa, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga khẳng định quan điểm của Tokyo: “Chúng tôi không thể chấp nhận cách hành động theo kiểu sự đã rồi”, đồng thời ông cũng bày tỏ sự lo lắng sâu sắc của Nhật Bản về những việc làm như vậy của TC.

Trước báo giới, ông Yoshihide Suga tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được có nhưng hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng”.

Thực tế, thời gian gần đây nhiều nước đã lên án hành động xây đảo nhân tạo của TC nhằm nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp tại Biền Đông và “quân sự hóa” các vị trí đảo họ chiếm giữ.

Hoa Kỳ tố cáo, trong 18 tháng qua, TC đã mở rộng thêm các đảo họ chiếm đóng 800 hécta. Trong khi đó theo Manila, Bắc Kinh đã hoàn thành 75% công trình xây dựng một đường băng dài 3 km trên một hòn đảo đang có tranh chấp giữa TC và Philippines. Công trình này có thể được sử dụng làm căn cứ tiếp liệu cho hải quân và không quân TC.

Philippines khẳng định, bằng việc bồi đắp xây đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang xây dựng các “căn cứ quân sự”. Những cơ sở như vậy có thể gây cản trở lưu thông hàng hải cũng như hàng không trong vùng Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới.

Trả lời phản ứng của chính phủ Nhật Bản, hôm nay một phát ngôn viên Ngoại giao TC tuyên bố: “Chúng tôi đã nghe thấy hàng đống những đánh giá kiểu như thế rồi. Thật là phi lý khi mà người Nhật cứ tiếp tục gây chuyện xung quanh vấn đề này”.

Đại diện bộ Ngoại giao TC cũng lặp lại những lý lẽ cũ trước đây là, TC có chủ quyền không thể chối cãi tại quần đảo Nam Sa, tên TC để chỉ quần đảo Trường Sa. – Theo RFI

TC và Úc ký thỏa thuận trao đổi thương mại tự do

Theo AFP, hôm nay 17/06/2015, Canberra và Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do, kết quả của mười năm đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận này đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như khoáng sản, nông nghiệp, hàng điện tử hay đầu tư.

Giới chủ Úc hy vọng nhờ thỏa thuận nói trên có thể cạnh tranh lại với Châu Âu và Hoa Kỳ, trong khi đó các nghiệp đoàn lo ngại làn sóng lao động nhập cư người Trung Hoa với tiền công rẻ mạt sẽ tràn ngập thị trường nước này.

Thủ tướng Úc Tony Abbott vui mừng ghi nhận, đây là “một ngày lịch sử” đối với hai quốc gia, “tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước chúng ta vào thị trường của nhau”. Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb và đồng cấp TC Cao Hổ Thành (Gao Hucheng) đã ký văn bản thỏa thuận trao đổi thương mại tự do trong một nghi thức diễn ra tại thủ đô Úc.

Hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Úc, với trao đổi song phương hơn 160 tỷ đô la Úc (tương đương 110 tỷ euro)/năm, và nền kinh tế số hai thế giới đã trở thành quốc gia đầu tư số một vào Úc, vượt qua Hoa Kỳ. Thỏa thuận nói trên cho phép hơn 85% hàng xuất khẩu Úc vào TC được miễn, giảm thuế, trong đó có phần lớn của các sản phẩm của ngành công nghiệp năng lượng, rượu vang, thịt bò, cá và các sản phẩm sữa – các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Úc. TC cũng là thị trường nhập khẩu số một thế giới những hàng hóa nói trên.

Theo thỏa thuận này, các sản phẩm sữa của Úc sẽ được giảm thuế nhập khẩu, đến mức miễn hoàn toàn trong vòng 11 năm nữa. Riêng sữa cho trẻ em sẽ được miễn thuế trong vòng bốn năm tới. Cũng tương tự, thuế thịt bò của Úc vào TC sẽ được xóa bỏ trong vòng chín năm, thuế gia súc sẽ chấm dứt trong vòng bốn năm.

Đổi lại, Úc sẽ phải dỡ bỏ sắc thuế đánh vào các đồ điện tử và đồ điện gia dụng từ TC. Đầu tư Trung Quốc vào Úc cũng sẽ được tạo điều kiện dễ dàng. Các quỹ đầu tư tư nhân có thể đưa vào Úc đến một tỷ đô la Úc, mà không cần phải thông qua cơ quan kiểm soát đầu tư nước ngoài, trừ một số ngoại lệ như các dự án trên đất nông nghiệp hay doanh nghiệp thực phẩm. Bất đồng về những hạn chế đối với đầu tư, liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước TC, từng là một trở ngại cơ bản trong việc đi đến thỏa thuận này.

Chính phủ Canberra hy vọng thỏa thuận này sẽ cho phép vực dậy nền khai khoáng Úc đang xuống dốc, do giá nguyên liệu và nhu cầu từ TC sụt giảm. Giới chủ Úc vui mừng vì sẽ có được lợi thế cạnh tranh đáng kể so với Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada. Doanh nghiệp sữa của Úc sẽ có cơ may đè bẹp được đối thủ New Zearland nhờ ở các ưu đãi vừa có được.

Tuy nhiên, giới nghiệp đoàn Úc phản ứng dữ dội. Tổng thư ký nghiệp đoàn Electrical Traders Union (bao gồm các doanh nghiệp ngành điện tử và viễn thông) lên án: “Thỏa thuận này là một sự hổ nhục”, “một ngày đen tối” với người lao động Úc. Các công đoàn Úc rất lo ngại làn sóng nhân công được trả lương thấp từ TC với các dự án đầu tư hơn 150 triệu đô la Úc sẽ tràn sang, đe dọa việc làm tại Úc.

Trước TC, Úc đã có được hai thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục tiêu sắp tới của Canberra là một thỏa thuận với Ấn Độ. Xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và TC chiếm một nửa lượng xuất khẩu của Úc, theo Bộ trưởng Thương mại nước này. Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại TC cho rằng thỏa thuận song phương này đi theo hướng Khu vực trao đổi tự do xuyên Thái Bình Dương (FTAAP), một dự án bao gồm một khu vực địa lý rộng hơn, nhưng ít tham vọng hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP, do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng không bao gồm TC. – Theo RFI

Nga tăng cường kho vũ khí hạt nhân

Chỉ một ngày sau khi có tin bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị được triển khai vũ khí hạng nặng tại một số nước trong khu vực Đông Âu, hôm qua 16/06/2015 , Tổng thống Vladimir Putin, nhân diễn đàn quốc tế Army-2015 tại Nga, đã công bố một số chi tiết hiện đại hóa quân đội Nga, trong đó ông thông báo nước Nga sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Nga tuyên bố: “trong những năm tới, lực lượng hạt nhân của Nga sẽ được trang bị thêm hơn bốn chục tên lửa liên lục địa có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tinh vi nhất “. Ông cũng thông báo đưa vào hoạt động hệ thống radar có khả năng phát hiện những mục tiêu ở rất xa và hệ thống này sẽ hướng về phía phương Tây. Quân đội Nga cũng sẽ được trang bị những loại xe bọc thép “chưa đâu có trên thế giới”, ông Putin nhấn mạnh.

Nhân dịp này Tổng thống Nga cũng ca ngợi hết lời tiềm năng quân sự của các lực lượng hải quân và không quân Nga đã được hoàn thiện. Hạm đội tàu chiến của Nga cuối năm nay còn được bổ sung loại tàu ngầm mới mang đầu đạn hạt nhân.

Thông báo của Tổng thống Nga đánh dấu bước leo thang quân sự mới giữa Đông và Tây. Thông tín viên Muriel Pomponne tại Moscow cho biết thêm chi tiết:

“Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga thông báo ngay sau ngày nhật báo New York Times tiết lộ về việc Lầu Năm Góc có dự định triển khai các loại vũ khí hạng nặng tại các nước Đông Âu, một cách cụ thể là chủ yếu tại các nước vùng Baltic.

Nếu như dự định trên được Nhà trắng thông qua thì các loại vũ khí hạng nặng sẽ được triển khai tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Về mặt biểu tượng mà nói thì điều này khó có thể chấp nhận được đối với người Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã giải thích rõ với người đồng cấp Phần Lan được ông đón tiếp cuối buổi chiều hôm qua rằng “chính NATO đã tiến đến sát biên giới của chúng tôi chứ chúng tôi không có đi đâu hết”.

Nga nhận thấy không hề vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà chính người Mỹ đã không tôn trọng chữ ký của họ qua việc triển khai các tên lửa ở Ba Lan và Rumani.

“Chúng tôi sẽ buộc phải chĩa vũ khí về những vùng lãnh thổ xuất phát mối đe dọa đối với chúng tôi”, Putin nói thêm.

Tổng thống Nga cũng nói rằng “đây là một tín hiệu chính trị đối với nước Nga”. Vậy nhưng Nga cũng đang bắn một tín hiệu chính trị cho nước Mỹ bằng việc cho triển khai tên lửa. Đó là những loại tên lửa liên lục địa có sức răn đe hơn là đe dọa thực tế.

Phản ứng của NATO

Thông báo của Tổng thống Nga về việc triển khai kho vũ khí hạt nhân đã khiến NATO tức giận. Liên minh quân sự của phương Tây lên án đây là bước leo thang nguy hiểm.

Về phần mình NATO khẳng định hoàn toàn có quyền gia tăng hiện diện quân sự tại phía Đông. Đó chỉ là việc triển khai các phương tiện phòng trừ của NATO trên lãnh thổ của các đồng minh phía đông, trước đây từng là thành viên khối Vacxava. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố rằng Liên minh Đại Tây Dương dựa trên nguyên tắc phòng thủ tương hỗ trong trường hợp thành viên của khối bị tấn công.

Ngoại trưởng Mỹ cũng đã bày tỏ nỗi lo ngại sau thông báo của Moscow. Ông John Kerry nói: “Tất nhiên là tôi lo ngại. Chúng ta đã có hiệp định START, chúng ta đang đi ngược chiều, chúng ta đã hợp tác tốt với nhau từ những năm 1990, trong việc phá hủy vũ khí hạt nhân, tại các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ”.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Không ai muốn quay lại phía sau. Không ai muốn trở lại với chiến tranh tranh lạnh. Việc làm này có thể là tạo thế để đàm phán hay để bày tỏ lo ngại trước các hoạt động quân sự của NATO, thật khó có thể nói được. Nhưng chúng ta không thể có kiểu thông báo như vậy từ một lãnh đạo của một cường quốc và chúng ta không thể không quan ngại về hậu quả có thể của những thông báo như vậy”. – RFI

Hạn hán ‘nặng nhất trong một thế kỷ’ ở Bắc Hàn – Bắc Hàn trả tự do cho hai công dân Nam Hàn

Bắc Triều Tiên đang bị một trận hạn hán nặng nhất so trong một thế kỷ qua, theo một nguồn tin của truyền thông nhà nước, càng gây khó khăn cho kho dữ trự lương thực vốn đã thiếu hụt của quốc gia nghèo khó này.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên hôm thứ Ba nói rằng “Trận hạn hán trầm trọng nhất trong 100 năm đang hoành hành nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, gây thiệt hại nghiêm trọng.”

Hãng tin này nói rằng ruộng lúa bị khô cháy tại nhiều tỉnh sản xuất lúa trọng điểm, trong đó có Hwanghae và Pyongan, chủ yếu là do thiếu mưa.

Bắc Triều Tiên đã bị một trận đói hoành hành vào đầu thập niên 1990, khiến hàng trăm ngàn người chết. Kể từ đó, quốc gia này vẫn thường xuyên chịu tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng.

Tình trạng đó càng bị ảnh hưởng nặng hơn bởi lũ lụt, hạn hán, và quản lý sai lầm.

Liên hiệp quốc ước tính 70% dân số, hay 18 triệu người dân ở Bắc Triều Tiên bị đe dọa thiếu lương thực và thiếu các các chất bổ dưỡng.

Tỉ lệ suy dinh dưỡng cao, với khoảng 27,9% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Liên hiệp quốc hồi tháng 4 đã vận động quyên góp với mục tiêu 111 triệu đôla để cấp ngân quỹ cho 5 tổ chức cứu trợ tiếp tục chương trình cung cấp thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm cho Bắc Triều Tiên trong năm 2015.

Nam Triều Tiên, quốc gia cũng đang bị hạn hán, không bình luận về tin tức của Hãng thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên. Nhưng hồi gần đây, Seoul có cảnh báo rằng sản lượng nông nghiệp của Bắc Triều Tiên có thể giảm 20% so với năm ngoái nếu hạn hạn kéo dài. – VOA

***
Phân tích của Stephen Evans, phóng viên BBC tại Seoul

Thật bất thường khi Bắc Hàn nói công khai về thiếu thốn của họ, vì thế sự xuất hiện của tường thuật này trên truyền thông nhà nước đáng quan tâm.

Nó chứng tỏ tình hình nghiêm trọng, và có thể rằng Bắc Hàn muốn sự giúp đỡ từ ngoài.

Tường thuật về hạn hán trùng hợp với việc thả hai tù nhân Hàn Quốc, và có thể cho thấy mong muốn của miền Bắc muốn có thông cảm và giúp đỡ.

Thăm dò dư luận ở Hàn Quốc đưa ra những lập trường trái ngược. Đa số người ủng hộ viện trợ cho Bắc Hàn nhưng một số cũng hỏi vì sao phải giúp một đất nước phát triển vũ khí hạt nhân nhắm vào chính những nước viện trợ.

Bắc Hàn chịu nạn đói trầm trọng hồi thập niên 1990. Kể từ đó, nông dân được nhiều tự do hơn để bán trên thị trường và sản lượng đã tăng. Tuy vậy, hôm nay nếu không có nước trồng lúa thì ngày mai không có cơm ăn. – BBC

***
Bắc Triều Tiên hôm nay phóng thích hai công dân Nam Triều Tiên bị bắt sau khi lẻn vào miền Bắc hồi tháng trước. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, Bình Nhưỡng thực hiện hành động dường như có tính chất hoà giải này sau khi cho biết họ muốn mở lại cuộc đàm phán hoà bình với Seoul.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất của Nam Triều Tiên, bà Park Soo Jin, sáng nay cho biết Bắc Triều Tiên đã trả lại hai người Nam Triều Tiên mà họ nói đã nhập cảnh trái phép vào Bắc Triều Tiên thông qua biên giới Trung Quốc vào ngày 11 tháng 5.

Nữ phát ngôn viên này nói rằng chính phủ đã tiếp nhận 2 người Nam Triều Tiên vào lúc 10:15 sáng thứ tư tại làng đình chiến Bản Môn Điếm trong khu phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên.

Bộ Thống nhất không cho biết chi tiết nào về động cơ của vụ phóng thích này và lý lịch của 2 người được thả. Họ chỉ nói rằng chính phủ sẽ điều tra về việc hai người này đã vào Bắc Triều Tiên bằng cách nào.

Nhiều người suy đoán hai người Nam Triều Tiên này là những nhà truyền đạo Cơ đốc giáo. Các hoạt động tôn giáo bị hạn chế dưới chế độ độc tài áp bức ở Bắc Triều Tiên. Trong quá khứ, nhiều nhà truyền giáo đã bị bắt vì vi phạm một lệnh cấm truyền đạo hoặc vì điều mà Bắc Triều Tiên cho là phạm tội chống nhà nước. Một số người đã được thả về nước sau khi có sự thỉnh cầu của thân nhân hoặc của những nhân vật nổi tiếng của nước họ.

Thứ hai vừa qua, Bắc Triều Tiên đã thông qua Hội Hồng Thập Tự để thông báo cho Nam Triều Tiên là họ sẽ thả hai người này. Họ không cho biết thông tin nào về 4 người Nam Triều Tiên khác đang bị giam, trong đó có 2 người thú nhận làm gián điệp cho miền Nam và một sinh viên 21 tuổi theo học tại Đại học New York và có quyền cư trú ở Mỹ.

Vụ phóng thích này diễn ra vài ngày sau khi Bình Nhưỡng lập lại ý muốn mở lại cuộc đàm phán với Nam Triều Tiên, với điều kiện Seoul đồng ý tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự với Mỹ và cấm các nhân vật tranh đấu ở Nam Triều Tiên thả bong bóng tuyên truyền sang miền Bắc.

Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia cuộc đàm phán song phương mà không có điều kiện tiến quyết nào.

Nam Triều Tiên cũng cùng với Hoa Kỳ yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện những hành động cụ thể để chấm dứt chương trình hạt nhân trước khi các cuộc thương thuyết quốc tế có thể được xúc tiến. Họ hô hào cho việc gia tăng áp lực ngoại giao và chế tài Bắc Triều Tiên cho tới khi nào giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đáp ứng yêu cầu đó.

Ông Kim Yong Hyun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk, cho rằng trên cấp độ quốc tế dường như không có không gian để thoả hiệp vì tất cả các bên đều kiên quyết giữ nguyên lập trường của mình, nhưng vụ phóng thích tù nhân này có thể mang lại một cơ hội để cải thiện các mối quan hệ Liên Triều.

Giáo sư Kim nói rằng vụ phóng thích tù nhân tự nó không phải là một sự tiến bộ giữa hai miền Triều Tiên, nhưng nó có thể là một chất xúc tác để giúp giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ Liên Triều.

Giáo sư Kim cho rằng Seoul nên có những đáp ứng tích cực, như chấm dứt những biện pháp chế tài kinh tế mà họ đã áp dụng vào năm 2010 sau khi Bắc Triều Tiên bắn chìm một chiến hạm của miền Nam, làm cho 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên thiệt mạng. Ông cũng đề nghị Nam Triều Tiên cố gắng thực hiện lại những cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Ông Kim cho rằng những nỗ lực đó gộp chung lại sẽ góp phần xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai chính phủ.

Hồi đầu tuần này, một tổ chức nghiên cứu có tên Nhóm Khủng hoảng Quốc tế phổ biến một bản phúc trình về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia của tổ chức này tán thành “chính sách ngăn chận và răn đe” hiện nay nhắm vào Bình Nhưỡng, nhưng họ cũng hối thúc Nam Triều Tiên thiết lập điều họ gọi là “những kênh giao tiếp mới để tạo ra những thay đổi tuần tự trong xã hội ở Bắc Triều Tiên.”

Phúc trình này cũng hối thúc Seoul, Washington và các nước đồng minh hỗ trợ cho những hoạt động xã hội dân sự, như các chương trình giao lưu về giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học và thể thao với Bắc Triều Tiên. – VOA

Tỉ phú Donald Trump tham gia cuộc đua tổng thống Mỹ

Một nhân vật nữa của Đảng Cộng hòa đã chính thức bước vào cuộc đua tổng thống cho năm 2016 tại Mỹ.

Tỉ phú bất động sản Donald Trump tuyên bố tranh cử tại tòa nhà chọc trời mang tên ông ở thành phố New York hôm thứ Ba.

Gọi nhóm những chính trị gia hiện thời ở Washington là “ngu ngốc” và “những kẻ thất bại,” ông Trump nói cái gọi là Giấc mơ Mỹ đã chết.

“Nhưng nếu tôi được bầu làm tổng thống, tôi sẽ hồi sinh nó lớn hơn và tốt hơn, và mạnh hơn bao giờ hết và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Ông Trump cho biết chuyên môn về kinh doanh của ông sẽ đưa công ăn việc làm từ nước ngoài trở về Mỹ. Ông cũng cho biết ông sẽ mạnh tay với vấn đề khủng bố, quốc phòng và di trú.

Các nhà phân tích cho rằng ông Trump có ít cơ may giành được đề cử.

Ông chủ yếu được biết tới là ngôi sao truyền hình của chương trình The Apprentice mà ông làm người dẫn. Cho đến gần đây, ông khăng khăng nói rằng Tổng thống Barack Obama làm giả giấy khai sinh Mỹ của mình. Nhưng cái tên Trump đã trở thành đồng nghĩa với sự giàu có và là đối tượng châm chọc của những cây hài ở Mỹ. – VOA