Tin Thế Giới – 16/9/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 16/9/2015

Hungary công bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới — Croatia mở cửa cho di dân vào Âu châu

Hungary đã công bố tình trạng khẩn cấp tại hai quận hạt phía Nam giáp ranh với Serbia, bắt giữ hàng chục di dân và người tị nạn vì xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi luật mới được ban hành nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di dân. Thông tín viên Henry Ridgwell tường trình từ điểm nóng biên giới Horgos ở Serbia.

Đây là đường cao tốc chính từ Serbia tới Hungary, chỉ qua 1 đêm, nay đã trở thành đường tiền tuyến được tăng cường.

Đối với những người tị nạn và di dân bị lỡ thời hạn nửa đêm, đường đi của họ kết thúc tại đây. Bơ vơ trên đất Serbia, không biết sẽ phải làm gì và đi về đâu, phần đông cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình.

Một người tị nạn Syria tên Moamen Sande nói:

‘Đây là việc làm vô nhân đạo. Tôi ở đây đợi đến suốt đời.’

Số người càng đông lên, căng thẳng càng cao. Những ông bố ẵm con lên cao hơn đường dây kẽm gai trong cuộc biểu tình im lặng. Những người phẫn nộ gào thét: ‘Không có nước, không có thức ăn , hãy cho chúng tôi vào.’

Những người chỉ trích Hungary gọi đây là ‘Pháo đài Châu Âu,’ một hàng rào không có chỗ đứng trong thế kỷ 21 này. Nhưng Hungary nói họ chỉ đơn thuần thực thi luật lệ của Liên hiệp EU.”

Lãnh đạo phe đối lập và là cựu Thủ tướng Hungary, ông Ferenc Gyurcsány, đã tới đây để chứng kiến cảnh hỗn loạn. Ông nói:

“Thật tàn bạo. Thật quá sức vô nhân đạo, không thể tin được. Đám đông ngày càng tăng, căng thẳng ngày càng cao, làm sao biết được biện pháp này sẽ duy trì được bao lâu sẽ xoay sở được bao lâu?”

Đối với hàng trăm người Syria, đây là thất bại mới nhất của họ trên đường chạy lánh nạn chiến tranh. Nhiều người khác hy vọng xin tị nạn tại EU.

Ông Abdullah, một người Pakistan tìm đường tị nạn, phát biểu:

“Taliban đang giày xéo đất nước tôi. Taliban đang chiến đấu chống lại quân đội Pakistan.”

Hungary loan báo đơn xin tị nạn hợp lệ giờ đây sẽ được giải quyết tại các điểm biên giới chính thức như Roszke. Nhưng một nhà lập pháp Hungary cho đài VOA biết bà thấy có những điểm bất thường trong một số ít các đơn đã được chấp nhận.

Bà Timea Szabo, nhà lập pháp đối lập ở Hungary, nói:

“Trên đơn xin tị nạn, trong phần khai báo phương tiện băng qua biên giới ghi là ‘bất hợp pháp’ mà các viên chức phụ trách lại buộc những người tìm đường tị nạn phải ký vào đơn này. Cho nên đã có chuyện hết sức vô nhân đạo diễn ra tại đường biên giới, và mới ngày đầu thực thi luật vừa ban hành mà đã như thế.”

Trong lúc bất bình đang dâng cao, nhiều người e rằng tình hình có thể sẽ trở nên bạo động. Vẫn có thêm những người tị nạn mới tới. Cuộc hành trình của họ chạy lánh nạn chiến tranh và nghèo đói bị tạm dừng ngay tại bờ rìa Châu Âu bằng một hàng rào kẽm gai sắc như lưỡi dao cạo. – VOA

***
Croatia nói sẽ cho phép di dân đi tới Bắc Âu – mở ra một tuyến đi mới – chỉ một ngày sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia.

Hơn 150 di dân đã từ Serbia vào Croatia. Những người bị kẹt ở biên giới Serbia giáp Hungary đang bắt đầu cuộc hành trình tương tự.

Croatia nói nước này sẵn sàng đón nhận hoặc “chỉ hướng” cho di dân tới những nơi muốn tới.

Nhiều di dân, hầu hết là người Syria, đang hy vọng sẽ tới được Đức.

Các hạn chế đường biên và cuộc tranh cãi về việc phân bổ di dân cho thấy chia rẽ gay gắt giữa các nước trong Âu châu vì khủng hoảng hiện nay.

Phóng viên BBC Lyse Doucet nói các xe bus, xe tải và xe hơi đang đưa người di cư ra khỏi vùng biên giới Serbia-Hungary chạy về thủ đô Serbia, Belgrade, và về phía biên giới với Croatia.

Hungary đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới hôm thứ Ba, và đã triển khai hàng trăm cảnh sát tới nhằm đối phó với tình trạng phá rào ở đường biên.

Cảnh sát đã đóng cửa một chốt xe lửa gần Roszke vốn là nơi được hàng chục ngàn di dân vượt qua để vào khu vực Schengen phi biên giới của châu Âu.

Một nhóm chừng vài trăm di dân ở phía đất Serbia đã có cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động của Hungary ở phía bên kia đường biên, những người có vòi rồng trong tay.

Đám đông thỉnh thoảng lại hô vang “Mở ra, mở ra”, phóng viên BBC James Reynolds tường thuật từ hiện trường.

Những phiên tòa đầu tiên xử người xin tỵ nạn bị bắt giữ do vượt biên trái phép đã được tổ chức tại thành phố Szeged của Hungary.

Ahmed Suadi Talib, người Iraq học tại Syria, là người đầu tiên bị buộc tội theo luật mới, và bị trục xuất khỏi Hungary trong vòng một năm.

Phát biểu thông qua lời người phiên dịch, ông này nói với tòa rằng ông chạy khỏi Syria để thoát khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Ông vào Hungary qua lổ hổng của hàng rào biên giới và nói rằng ông không biết việc vào Hungary là bất hợp pháp. – BBC

Thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình sẽ diễn ra ngày 25/09/2015 — Chủ tịch TQ sắp công du Mỹ giữa nhiều căng thẳng — Vấn đề tin tặc bao trùm hội nghị Mỹ-Trung về công nghệ cao

Washington ngày hôm qua, 15/09/2015, đã xác nhận: Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp đón trọng thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng vào ngày 25 tháng Chín tới đây. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung mở ra lần này trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế và chính trị hàng đầu thế giới càng lúc càng vấp phải nhiều vấn đề căng thẳng.

Trong một thông báo ngắn gọn, Nhà Trắng đã nêu bật tính chất long trọng của buổi tiếp đón, với một buổi đại yến tối 25/09 để khoản đãi hai thượng khách là Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân Bành Lệ Viên.

Sau khi cho rằng chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc sẽ là một cơ hội để “mở rộng hợp tác Mỹ-Trung trên một loạt các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm”, bản thông báo không ngần ngại gợi lên những vấn đề đang gây căng thẳng giữa hai nước khi nói thêm rằng chuyến công du này cũng sẽ “tạo điều kiện cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình xử lý các lĩnh vực bất đồng một cách xây dựng”.

Trong số các vấn đề đang gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, hai hồ sơ nổi cộm là các vụ tin tặc, bị cáo buộc là xuất phát từ Trung Quốc, tấn công vào các mạng tin học của Mỹ, và các hoạt động hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Về hồ sơ thứ nhất, vài tuần trước lúc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng quy mô các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc là điều “không thể chấp nhận được”, trong lúc các quan chức Mỹ đề cập công khai đến các biện pháp trừng phạt.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh không chỉ bị quy trách nhiệm về những vụ tin tặc đột nhập vào các công ty, tập đoàn Mỹ, mà cả vào các cơ quan chính phủ Mỹ để đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng triệu công chức, trong đó có nhiều quan chức cao cấp.

Về hồ sơ thứ hai, Nhà Trắng trong thời gian qua đã biểu thị thái độ càng lúc càng quan ngại đối với các hành vi áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mới đây, một đô đốc Hải quân Trung Quốc đã lại ngang nhiên tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc vì trong tên quốc tế của biển đó – South China Sea, Biển Hoa Nam – có từ Trung Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, Bắc Kinh đang đòi chủ quyền trên khoảng 90 phần trăm Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia. Bắc Kinh đang đẩy mạnh các công trình xây dựng trên các rạn san hô mà họ đang chiếm giữ ở Trường Sa, và triển khai các đội tàu đánh cá và các thiết bị quân sự trong các vùng tranh chấp. – RFI

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ vào tuần sau, trong lúc những mối bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington càng ngày càng nhiều. Thông tín viên đài VOA William Gallo tường thuật.

Theo thông cáo do Tòa Bạch Ốc phổ biến tối thứ hai, Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp kiến Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Hoa Kỳ ngày 25 tháng 9, năm 2015.

Cũng theo thông cáo này, chuyến viếng thăm cấp cao, tiếp theo chuyến đi của Tổng thống Obama tới Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái, sẽ bao gồm một buổi quốc yến tại Tòa Bạch Ốc với sự tham dự của hai vị đệ nhất phu nhân.

Thông cáo cho biết thêm rằng chuyến viếng thăm này mang lại một cơ hội “để nới rộng sự hợp tác Mỹ-Trung về nhiều vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà đôi bên cùng quan tâm,” và hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách giải quyết những mối bất đồng trong tinh thần xây dựng.

Trong thời gian qua, những mối bất đồng đã đe dọa làm lu mờ những chương trình hợp tác giữa hai nước.

Những vụ tấn công mạng

Một trong những mối bất đồng chính, gây ra những sự xích mích giữa đôi bên, là điều mà các giới chức Mỹ mô tả là một loạt những vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện nhắm vào các mục tiêu của chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tuần trước Tổng thống Obama nói rằng những vụ tấn công mạng này là “không thể chấp nhận.”

“Sẽ tới lúc chúng tôi xem vấn đề này là một mối đe dọa cốt lõi đối với an ninh quốc gia và chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này như xử lý một mối đe dọa như vậy”, Tổng thống Obama tuyên bố như thế và nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ phải hối hận nếu họ xem tấn công mạng là “một lãnh vực cạnh tranh.”

“Tôi bảo đảm với quí vị là chúng tôi sẽ thắng nếu chúng tôi phải cạnh tranh,” nhà lãnh đạo Mỹ cảnh cáo với lời lẽ thẳng thắn một cách bất thường.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết trong cuộc họp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Obama sẽ thảo luận về vấn đề tấn công mạng, một vấn đề mà ông “rất quan tâm”.

Trung Quốc nói rằng họ không hề thực hiện những vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ; đồng thời họ cũng khẳng định rằng họ là nạn nhân của những vụ tấn công như vậy.

Các vụ tranh chấp hải dương

Một vấn đề khác gây ra căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ-Trung là cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng.

Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không nghiêng về bên nào trong những vụ tranh chấp chủ quyền, nhưng Washington thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì những hành vi hung hãn của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn. Chính phủ Mỹ cũng đã phát triển những mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Mối quan tâm mới nhất của Mỹ tập trung vào việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường sa và thiết lập những cơ sở quân sự tại vùng biển có tranh chấp.

Một bản phúc trình hồi đầu tuần này của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đề cập tới những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây sân bay thứ ba trên các hòn đảo nhân tạo.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc muốn dùng những hòn đảo nhân tạo này để thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, và Brunei cũng có yêu sách chủ quyền.

Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc ngưng xây đảo và tôn trọng quyền tự do hàng hải ở vùng biển có tranh chấp. Trung Quốc nói rằng những hoạt động của họ có tính chất hoà bình và không phương hại tới tự do hàng hải.

Bắc Kinh cũng bày tỏ sự lo ngại là chiến lược xoay trục an ninh và ngoại giao sang Á châu của Washington là một mưu toan nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các giới chức Mỹ bác bỏ tố cáo đó.

Nhân quyền

Các tổ chức nhân quyền đang thúc giục Tổng thống Obama đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình.

Một lá thư của những người đứng đầu 9 tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch và Hội Ân Xá Quốc Tế, bày tỏ quan tâm sâu sắc về điều họ gọi là “sự xói mòn đáng kể của nhân quyền dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.”

Lá thư này kêu gọi Tổng thống Obama mời “đại diện của những người tranh đấu nhân quyền bị bách hại ở Trung Quốc” tới Tòa Bạch Ốc trước chuyến đi của ông Tập để đánh đi “một thông điệp mạnh mẽ” là chính phủ ở Bắc Kinh phải “chấm dứt việc đàn áp xã hội dân sự.”

Trong những cuộc họp cấp cao trước đây, các giới chức của chính quyền Obama thường không muốn công khai chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, có lẽ vì họ e rằng làm như vậy sẽ gây phương hại cho sự hợp tác trong các lãnh vực khác.

Biến đổi khí hậu

Một trong những lãnh vực hợp tác chính giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà quan sát cho rằng đây là một trọng tâm trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington.

Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Bắc Kinh hồi năm ngoái, Hoa Kỳ loan báo chỉ tiêu là đến năm 2015 lượng khí thải carbon sẽ giảm từ 26% đến 28% so với mức của năm 2005, trong khi Trung Quốc lần đầu tiên cam kết là lượng khí thải của họ sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030.

Thoả thuận đó được xem là một diễn tiến có tính chất bước ngoặt của hai nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới.

Để chứng tỏ họ đang xúc tiến thoả thuận này, các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang họp tại Los Angeles trong tuần này để thảo luận về những cách làm việc tốt nhất để giảm khí thải carbon. – VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ họp với những viên giám đốc hàng đầu của các công ty công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc, trong khuôn khổ của một nỗ lực nhằm phô bày tầm quan trọng của Trung Quốc như một nhà sản xuất và một người tiêu thụ các sản phẩm công nghệ cao. Theo tường thuật của thông tín viên Joyce Huang của đài VOA, cuộc họp này dự kiến sẽ nêu bật mối quan tâm của các công ty Mỹ về những mối rủi ro và những thách thức trong việc làm ăn trên thị trường Trung Quốc.

Cuộc hội thảo do Microsoft đồng chủ trì tại Seattle vào thứ tư tuần sau dự kiến sẽ có sự tham dự của các nhà tỉ phú ngành công nghệ cao của Mỹ, trong đó có các viên tổng giám đốc của Apple, IBM, Facebook, Google và Uber cùng với các đối thủ cạnh tranh của họ ở Trung Quốc như Baidu, Alibaba và ZTE.

Bao trùm hội nghị này, theo các nhà quan sát, là những mối quan tâm về gián điệp mạng và tấn công mạng. Giới hữu trách Mỹ tố cáo những tay tin tặc có bản doanh ở Trung Quốc đánh cắp hồ sơ của hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang và đánh cắp rất nhiều bí mật thương mại của các công ty Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh nêu lên những sự tiết lộ của cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Edward Snowden về những chương trình theo dõi của Mỹ như một nguồn gây lo ngại cho Trung Quốc.

Các viên giám đốc của những công ty Trung Quốc nói rằng cuộc họp ở Seattle có thể giúp cho đôi bên giải quyết những mối quan tâm này.

Ông Trình Lập Tân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ZTE Hoa Kỳ, phát biểu như sau.

“Các chính phủ và các cơ quan tiêu chuẩn hoá cũng có thể làm việc chung với các đối tác của họ từ nhiều nước khác nhau về những tiêu chuẩn an ninh chung. Điều mà tôi đang thật sự trông mong là một cuộc đối thoại như vậy sẽ cung cấp một khung sườn cho những nỗ lực chung trong tương lai.”

Hoa Kỳ đã xem xét tới việc áp đặt các biện pháp chế tài đối với những công ty hoặc cá nhân Trung Quốc dính líu tới những vụ tấn công hồi gần đây nhắm vào các hệ thống máy vi tính ở Mỹ. Nhưng tin tức báo chí hồi đầu tuần này cho biết Tòa Bạch Ốc đã quyết định không hành động trước cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các giới chức Mỹ đã chật vật để hình thành một cách đáp trả đối với những tố cáo về vấn đề tin tặc, một phần là vì đây là một hiện tượng tương đối mới. Ngoài ra còn có vấn đề là không dễ để xác định những nhân vật tranh đấu, nhân viên chính phủ hay các công ty ai là kẻ đã thực hiện những vụ tấn công cụ thể.

Ông Dư Gia Minh, giáo sư luật của Đại học Texas A&M, cho rằng mặc dù sự bất định làm cho việc áp dụng các biện pháp trừng phạt trở nên vô cùng khó khăn, nhưng các cuộc thảo luận có thể giúp cho đôi bên có được một nhận thức chung.

“Điều kiện của những biện pháp chế tài sẽ cho phép chính phủ Mỹ vạch ra một lằn ranh rõ ràng hơn về những gì là chấp nhận được và những gì là không chấp nhận được. Nó cũng sẽ là một bước đầu tốt đẹp để thực hiện thêm những cuộc thảo luận về vấn đề làm thế nào để chúng ta có thể thật sự ngăn chận những hoạt động tin tặc.”

Bên cạnh vấn đề tin tặc, những người chỉ trích nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có phần chắc sẽ bị chất vấn về những biện pháp quản lý nghiêm nhặt của chính phủ Trung Quốc, sự hạn chế đối với quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty công nghệ Tây phương, và chính phủ Trung Quốc có một vai trò như thế nào trong những vụ mà các công ty Trung Quốc vi phạm quyền tài sản trí thức.

Ông Nicholas Thomas, chuyên gia Á Châu của Đại học Thành thị Hồng Kông, nhận định như sau.

“Sự thật đơn giản là Trung Quốc mỗi ngày một hung hăng hơn trong các chiến lược mạng. Nhưng có một điểm hết sức quan trọng là những gì mà Trung Quốc đánh cắp được họ sẽ chuyển cho các công ty Trung Quốc, mang lại cho những công ty đó một ưu thế không công bằng trên thị trường và quyền tiếp cận không công bằng đối với những người làm chủ tài sản trí thức.”

Giáo sư Thomas dự đoán Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thoả hiệp về vấn đề luật lệ quản lý, vốn đã làm cho các công ty đa quốc có chi nhánh ở Trung Quốc cảm thấy ngày càng khó làm ăn ở nước này. Ngoài ra, ông Tập có lẽ cũng sẽ hứa tiến hành những hành động cụ thể để chống lại tệ nạn làm hàng giả hàng nhái của thương hiệu Mỹ ở Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh năm 2015 do Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh thực hiện cho thấy 61% hội viên của tổ chức này trong lãnh vực công nghệ thông tin và viễn thông nói rằng hoạt động làm luật của Trung Quốc là không rõ ràng và thiếu nhất quán, ảnh hưởng tới khả năng và ý muốn của các công ty này trong việc đầu tư ở Trung Quốc.

Các giới chức Trung Quốc tham dự hội nghị Seattle có phần chắc sẽ tập trung vào việc phát triển thương hiệu và công nghệ địa phương với sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài.

Bà Hoắc Cẩm Khiết, giám đốc công ty IDC China, cho biết như sau.

“Nếu cuộc thảo luận tập trung vào việc làm thế nào các công ty Mỹ có thể hợp tác làm ăn với các công ty Trung Quốc hay cùng nhau phát triển một thứ gì đó ở Trung Quốc, thì đó sẽ là một bước khởi đầu rất tốt.”

Nhân định của bà Hoắc phù hợp với cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc là sẽ thúc đẩy cho điều được gọi là “sự sáng tạo bản địa” để giảm bớt sự lệ thuộc của Trung Quốc đối với công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, bà Hoắc cũng nói rằng nhiều sáng kiến ở Trung Quốc để kích thích tăng trưởng kinh tế không thể đạt mục tiêu nếu chỉ dựa vào thương hiệu Trung Quốc không thôi. Bà nói rằng điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải tìm cách cân bằng giữa chủ trương bảo hộ công nghiệp nội địa với chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. – VOA

Các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa tranh luận lần hai

Tỉ phú Donald Trump sẽ là tâm điểm trên diễn đàn của cuộc tranh luận tối nay 16/9 cùng với 11 ứng cử viên dẫn đầu khác của Ðảng Cộng hòa. Cuộc tranh luận thứ hai này sẽ diễn ra tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan gần thành phố Los Angeles.

Với lối nói khoa trương và tự tôn, ông Trump tiếp tục dẫn đầu xa về tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri. Đa số các đối thủ theo trông đợi sẽ chỉa mũi tấn công vào ông Trump trong cuộc tranh luận được truyền hình toàn quốc tối nay nhằm cải thiện vị trí đang bị tuột thấp của họ. Nhưng ông Trump đã công kích nhiều đối thủ trong quá trình vận động của ông, trong số đó có cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush, con trai và em trai của hai cựu tổng thống Mỹ, người đã có lúc dẫn đầu cuộc đua tranh quyền đề cử của đảng trước khi ông Trump vào cuộc.

Bất chấp được tổ chức tại thư viện vinh danh vị tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, cuộc đấu khẩu giữa các ứng cử viên Cộng hòa có lẽ sẽ là cuộc trắc nghiệm cho khẩu hiệu chính trị đặc trưng được tôn trọng lâu nay của ông Ronald Reagan là “Không được nói xấu đồng chí trong Ðảng Cộng hòa.”

Xuất hiện trên diễn đàn chính với ông Trump và ông Bush tối nay còn có các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Rand Paul và Ted Cruz; các Thống đốc Scott Walker của bang Wisconsin, Chris Christie của bang New Jersey, và John Kasich của bang Ohio; cựu Thống đốc Mike Huckabee của bang Arkansas; cựu Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Ben Carson và bà Carly Fiorina, cựu Tổng Giám đốc của công ty máy tính Hewlett-Packard.

Cả ông Carson và bà Fiorina, giống như ông Trump, đã giành được sự ủng hộ của cử tri theo Ðảng Cộng hòa nhờ quan điểm chính trị của người hoạt động độc lập của họ.

Ứng cử viên ăn nói nhẹ nhàng Carson giành được thêm tỉ lệ ủng hộ đều đặn trong các cuộc thăm dò dư luận cử tri hồi tháng trước, và đang là người dẫn thứ nhì về tỉ lệ ủng hộ sau ông Trump.

Bà Fiorina, ứng cử viên nữ duy nhất bên Ðảng Cộng hòa, cũng tăng được sự ủng hộ của cử tri nhờ vào khả năng tranh luận của bà với các ứng cử viên khác ở vị trí thấp hơn trong cuộc đua hồi tháng trước. Bà cũng nhắm mục tiêu vào ông Trump, người đã công khai xúc phạm ngoại hình của bà trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí hồi gần đây.

Bốn ứng cử viên đang ở vị trí thấp hơn trong cuộc đua là Thống đốc Bobby Jindal của bang Louisiana, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum và cựu Thống đốc George Pataki của bang New York sẽ dự một cuộc tranh luận riêng, diễn ra trước cuộc tranh luận chính chiều tối nay.

Cuộc bầu cử sơ bộ chính đầu tiên để chọn đề cử của đảng sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 2 năm tới, tại bang Iowa, và lúc đó cử tri thường thay đổi chọn lựa của họ về ứng cử viên mà họ ủng hộ. – VOA