Tin Thế Giới – 16/1/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 16/1/2015
Cảnh sát Bỉ phá vỡ âm mưu khủng bố, 2 thành viên thánh chiến bị hạ sát – Pháp bắt giữ 12 người bị nghi hỗ trợ hậu cần – Cảnh sát Đức bắt 2 nghi can
Một tuần sau những cuộc tấn công tại Pháp, một cuộc hành quân chống khủng bố diễn ra tại Vương quốc Bỉ ngày 15/01/2015, lục soát hàng chục địa điểm. Một tổ thánh chiến chuẩn bị tấn công khủng bố bị phá vỡ, hai nghi can bị giết sau một cuộc chạm súng. Lệnh báo động được nâng cấp.
Từ Bruxelles, thông tín viên Grégorie Lory tường thuật: “Âm mưu tấn công sắp được khủng bố thực hiện với quy mô lớn. Trên đây là tuyên bố của Phó biện lý Viện Công tố liên bang để mô tả tính chất nghiêm trọng của kế hoạch khủng bố mà cảnh sát vừa kịp thời ngăn chận.
Các đơn vị an ninh Bỉ đã tung ra hành chục cuộc lục soát ở Bruxelles và nhiều khu ngoại ô. Nhưng mục tiêu chính của chiến dịch diễn ra tại Verviers, ở phía đông, nằm giữa Liège và biên giới Đức. Tại đây, lực lượng an ninh tấn công vào trưa hôm qua. Sau cuộc chạm súng dữ dội, hai trong số ba nghi can bị bắn chết, nghi can thứ ba bị thương và bị bắt. Cảnh sát tịch thu nhiều súng ngắn và AK47.
Theo viện công tố Bỉ, tổ khủng bố này gồm thành viên thánh chiến từ Syria trở về hồi tuần trước để tiến hành tấn công tai Bỉ. Mục tiêu của họ là đánh vào các cơ quan cảnh sát và nhân viên công lực.
Hiện giờ, Tư pháp Bỉ từ chối gắn liền cuộc hành quân vừa kể trên với các vụ khủng bố tại Pháp hồi tuần trước, vì an ninh Bỉ tiến hành điều tra trước khi tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công.
Sau chiến dịch hôm qua, chính phủ Bỉ nâng cấp báo động từ 2 lên 3 trong thang điểm 4 cấp, cụ thể là cấm đậu xe trước các cơ quan cảnh sát và tăng cường vũ trang cho nhân viên công lực”.
Thủ tướng Charles Michel triệu tập ngay sau đó cuộc họp về tình hình khẩn cấp. Ông khẳng định chính phủ quyết tâm triệt hạ những kẻ gây khủng bố. Tâm lý sợ hãi phải đổi phe.
Tại Pháp, cuộc điều tra về các vụ khủng bố khiến 17 người chết vào tuần trước vừa có thêm diễn biến mới với việc câu lưu tổng cộng 12 người tại vùng Paris trong đêm hôm qua 15/01/2015.
Nhóm 12 người này, gồm 9 đàn ông và 3 phụ nữ, sẽ bị thẩm vấn vì bị nghi yểm trợ hậu cần, đặc biệt là vũ khí và xe hơi, cho hai anh em Kouachi tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo, cũng như cho Amedy Coulibaly vào một cửa hàng Do Thái vào tuần trước.
Trong số những người bị bắt có một người bạn của Coulibaly. Hiện cảnh sát Pháp cũng đang truy tìm chiếc xe hơi của Hayat Boumeddienne, bạn gái của Coulibaly, đang bị truy nã, nhưng hiện đã trốn sang Syria.
Trong khi đó tại thủ đô Berlin của Đức, sáng nay, trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô, cảnh sát cũng đã tiến hành khám xét tại 11 địa điểm thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan và đã bắt giữ 2 người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một người bị nghi là đứng đầu “một nhóm cực đoan” và đang chuẩn bị “một hành động bạo lực nghiêm trọng ở Syria”. Tuy nhiên, cảnh sát Berlin cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy là những kẻ nói trên đang chuẩn bị các vụ khủng bố tại Đức.
Còn tại Hoa Kỳ, nhà chức trách cũng đang tăng cường kiểm soát ở các sân bay, giám sát các nhà thờ Hồi giáo, trước nguy cơ khủng bố từ những cá nhân riêng lẻ hoặc từ các nhóm rất nhỏ, do các tổ chức Hồi giáo cực đoan điều khiển từ bên ngoài.
Hôm thứ tư vừa qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI thông báo đã bắt giữ một thanh niên ở bang Ohio, bị cáo buộc âm mưu khủng bố nhắm vào Toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Cùng ngày hôm đó, một người Mỹ theo thánh chiến Hồi giáo đã bị tuyên án 20 năm tù ở bang Florida vì có dự định yểm trợ cho Al-Qaida.
Đang thăm Paris, hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, theo lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, đã xin lỗi vì đã vắng mặt trong cuộc biểu tình lên án khủng bố Chủ nhật vừa qua. Trước đó, hai Ngoại trưởng Mỹ và Pháp đã cùng đặt vòng hoa tưởng niệm trước cửa hàng Do Thái và tòa soạn Charlie Hebdo.
Cũng tại Pháp hôm nay, đến lượt Charb, chủ nhiệm tờ Charlie Hebdo, được mai táng ở Pontoise, ngoại ô Paris. Dự tang lễ có nhiều bộ trưởng Pháp.
Ở Đức, Công tố viên Martin Steltner ở Berlin, cho hay là khởi sự từ sáng sớm, cảnh sát đã bố ráp 12 căn nhà tại Berlin và một ở Brandenburg, dựa trên nghi ngờ rằng đã có những chuẩn bị ở Syria để thực hiện một hành động tội phạm nghiêm trọng và bạo động chống lại nước Đức.
Ông cho biết các biện pháp đó đã được thực hiện chống các phần tử Hồi giáo, và 5 người phụ trách một đơn vị hậu cần đang được điều tra, vì bị nghi là hỗ trợ cho các nhóm khủng bố vũ trang jihad ở Syria từ Berlin, bằng các phương tiện tài chính và hậu cần.
Thủ lãnh của nhóm này, chỉ được xác nhận là Ismet D, 41 tuổi, theo luật bảo vệ riêng tư của Đức, bị tình nghi là người tổ chức của nhóm gồm phần lớn là các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, chiến đấu chống những người mà họ nói là “những kẻ vô thần” ở Syria.
Một người đàn ông khác, được nhận diện là Emin F, 43 tuổi, bị nghi là phụ trách vấn đề tài chính.
Cảnh sát nói không có bằng chứng cho thấy các đương sự đang lập kế hoạch để thực hiện các cuộc tấn công bên trong nước Đức. – RFI, VOA
Giáo hoàng kêu gọi lãnh đạo Philippines diệt trừ tham nhũng – Quan hệ VN-Vatican ‘chưa chín muồi’
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi giới lãnh đạo Philippines từ bỏ tệ tham nhũng tràn lan đã gây tác hại tại đảo quốc này trong nhiều thập niên qua, và thay vào đó hãy làm việc để chấm dứt điều mà Đức Giáo Hoàng gọi là tình trạng nghèo đói “khủng khiếp” và những bất công xã hội gây khó khăn cho người dân nước này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời bình luận này hôm nay trong một bài diễn văn trước sự hiện diện của Tổng Thống Benigno Aquino và các giới chức Philippines khác trong ngày đầu tiên của chuyến đi 5 ngày tới thăm quốc gia duy nhất ở Á Châu có đa số dân theo Công giáo La Mã.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng lại nêu lên những đề tài vừa kể một lần nữa, khi cử hành Thánh Lễ tại ngôi nhà thờ xây cất theo kiến trúc thời thực dân ở Manila.
Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy có mặt để giúp những người phải sống trong một xã hội bị đè nặng dưới nghèo đói và tham nhũng, những người mà tinh thần bị đổ vỡ, chỉ muốn buông xuôi, rời bỏ trường học để sống trên các hè phố. Hãy ca ngợi cái đẹp và sự thực trong thông điệp của Thiên Chúa giáo gửi tới một xã hội bị cám dỗ bởi những hình ảnh đối nghịch về tính dục, hôn nhân và gia đình.”
Đức Giáo Hoàng đã tới Philippines hôm thứ Năm, và đã đến thăm dinh tổng thống Malacanang để dự lễ chào mừng chính thức do Tổng Thống Aquino chủ trì.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trước đám đông tụ tập rằng chuyến đi thăm của Ngài có mục đích bày tỏ sự thân thiết của ngài đối với những người đã trải qua đau khổ, mất mát, tàn phá do Bão Yokand gây ra.
Đức Giáo Hoàng sẽ đi thăm tỉnh Leyte miền trung Philippines để gặp những người sống sót qua trận bão khốc liệt đã ập vào Philippines vào tháng 11 năm 2013.
Cao điểm của chuyến công du của Đức Giáo Hoàng sẽ là một thánh lễ vĩ đại ngoài trời, cử hành ở Manila, dự kiến sẽ có sự tham dự của 6 triệu người.
Phía Việt Nam, bình luận về việc Vatican và các Giáo hoàng đã năm lần tiếp đón các lãnh đạo hàng ‘tứ trụ’ của Việt Nam tới thăm Tòa Thánh kể từ năm 2007 tới nay, nhưng chưa thấy Việt Nam mời Giáo hoàng tới thăm quốc gia Đông Nam Á này, hôm 16/01/2015, một cựu quan chức về Tôn giáo của Chính phủ VN nói:
“Thông thường không thấy mời thì vẫn vui vẻ thôi chứ sao. Trong quan hệ quốc tế cũng thế, nhiều khi nước A rất là muốn nước B mời, nhưng chưa thấy người ta mời thì mình cũng cứ vui vẻ thôi, chứ không có vấn đề gì.”
Phát biểu này được ông Nguyễn Thế Doanh, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nói với BBC vào thời điểm Đức Giáo hoàng Francis đang có chuyến thăm đầu năm 2015 tới Philippines.
Đây là chuyến thăm thứ tư của một vị Giáo hoàng tới Philippines, quốc gia có 80% dân số theo Công giáo.
Đã có năm chuyến thăm của những quan chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tới Vatican trong vòng tám năm qua, mà gần nhất là chuyến thăm ‘chính thức’ của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, được đương kim Giáo hoàng Francis tiếp ngày 18/10/2014.
Ngày 25/01/2007, ông Dũng cũng tới thăm Vatican và được Giáo hoàng khi đó, ngài Benedict XVI tiếp đón tại Tòa Thánh.
‘Chưa chín muồi?’
Hôm thứ Sáu, ông Nguyễn Thế Doanh bình luận thêm về việc vì sao có vẻ chưa thấy Việt Nam mời Giáo hoàng nào tới thăm quốc gia vốn theo thể chế Cộng sản này.
Ông nói: “Người ta thấy cảm giác thấy có thể chín muồi hoặc thế nào đó thì người ta mời, trong quan hệ ngoại giao quốc tế thông thường là như thế.
“Hoặc là mở ra quan hệ đến một mức nào đó, hoặc quan hệ hai bên tới mức chín muồi hay như thế nào đó thì người ta mới đặt vấn đề như thế.
“Tuy nhiên đối với các quan chức cao cấp khác của Vatican đến Việt Nam thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam hoặc là các vấn đề khác, thì Việt Nam rất hoan nghênh.
“Tôi được biết Đức Hồng Y – Tổng trưởng Truyền giáo sắp tới cũng sẽ tới thăm.”
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, cựu quan chức lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam bình luận về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Francis tới Philippines và cho rằng tân Giáo hoàng là một ‘con người năng động’, ‘thực tế’ và ‘đi với người nghèo’.
“Đức Giáo hoàng mới xuất xứ từ Argentina, trong cuộc đời hoạt động của ông, ông rất để ý tới người nghèo,” ông Doanh nói với BBC. – VOA, BBC
Tin Hoa Kỳ
Mỹ bắt đầu nới lỏng trừng phạt Cuba vào ngày thứ Sáu 16/1 — Cuba hy vọng người Mỹ mang lại nguồn thu cho nền kinh tế
Bộ Tài chính Mỹ cho biết những quy định mới nới lỏng những hạn chế về thương mại và du hành đối với Cuba sẽ được thực thi bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Động thái này là một bước hướng tới mục tiêu của chính quyền Obama công bố hồi tháng trước là bình thường hóa quan hệ với quốc gia cộng sản này.
Trong một phát biểu hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew nói Mỹ hiện đang “một bước gần hơn tới việc thay thế những chính sách đã không hữu hiệu.”
Theo những quy định mới, người dân Mỹ sẽ không cần phải xin giấy phép để có thể đi đến Cuba với bất kỳ lý do nào trong số những lý do được chấp thuận. Những đại lý du lịch và những hãng hàng không cũng sẽ được phép mở dịch vụ mà không cần phải có giấy phép.
Nhưng du lịch bình thường tới Cuba vẫn bị cấm. Ông Robert Muse, luật sư và cũng là chuyên gia về luật của Mỹ liên quan đến Cuba nói với đài VOA những người du hành không nằm trong các lý do đã được cho phép vẫn bị phạt vạ nặng.
Kể từ ngày thứ Sáu, hoạt động thương mại sẽ bắt đầu mở rộng. Du khách Mỹ sẽ được phép đem vào Mỹ 400 đôla giá trị hàng hóa mua ở Cuba vì mục đích sử dụng cá nhân, bao gồm 100 đôla giá trị thuốc lá và rượu.
Những quy định mới cũng sẽ nâng hạn mức về lượng kiều hối và cho phép các tổ chức tài chính của Mỹ mở những tài khoản trong những ngân hàng ở Cuba. Các công ty sẽ được phép vận chuyển những vật liệu và thiết bị xây dựng tới cho các công ty tư nhân của Cuba.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ có thể xuất khẩu những thiết bị thông tin liên lạc cho Cuba, điều mà nhiều người nói có thể giúp khuyến khích luồng thông tin tự do ở nước này.
Một số nghị sĩ Quốc hội đã thể hiện sự chống đối trước việc nới lỏng những biện pháp trừng phạt, nói rằng việc này sẽ không khuyến khích tiến trình dân chủ ở Cuba.
Nhưng Cuba đã cho thấy những dấu hiệu họ sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận của mình với Washington. Chính phủ cộng sản đã phóng thích 53 tù nhân chính trị như đã hứa trong thỏa thuận tái lập quan hệ với Mỹ.
Nhiều người ở Cuba, nhất là các thương gia, hy vọng rằng các công dân Mỹ sẽ tận dụng quyền tự do đi lại để chi tiêu và đầu tư vào Cuba.
Ông Alexis Batista, một người pha chế đồ uống, nói: “Về mặt kinh tế, việc nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế sẽ giúp dân Cuba nhiều điều. Nó sẽ mở ra nhiều cơ hội, và đời sống của người dân sẽ được cải thiện. Ông nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp, nhưng giới hữu trách sẽ phải đưa ra quyết định trong các cuộc đàm phán.”
Ông Orlando Veliz, một đầu bếp nhà hàng, nói: “Sẽ có nhiều người Mỹ tới Cuba. Giới buôn bán sẽ có thêm nhiều khách hàng, cho dù họ tới từ đâu, thì điều có cũng là điều tốt đẹp cho nền kinh tế, cho công việc kinh doanh”.
Các luật lệ mới cũng nâng mức giới hạn về kiều hối và cho phép các định chế tài chính Mỹ được thiết lập các tài khoản tại các ngân hàng của Cuba.
Tuy nhiên, các biện pháp cải cách của Tổng thống Barack Obama sẽ không hoàn toàn thay thế các biện pháp cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba đã được áp đặt nhiều thập kỷ qua.
Sẽ cần có một bộ luật của Quốc hội để hoàn toàn nới lỏng các hạn chế về thương mại, nhưng một số các nhà lập pháp đã lên tiếng phản đối bất kỳ việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt vì cho rằng điều đó cũng sẽ không khích lệ tiến bộ dân chủ ở Cuba. – VOA