Tin Thế Giới – 16/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 16/10/2014

Ông Lương Chấn Anh: Sẵn sàng đàm phán với các lãnh tụ biểu tình
Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh hôm nay cho biết ông đang tìm cách thực hiện cuộc đàm phán với những nhân vật lãnh đạo của cuộc biểu tình đòi dân chủ đã bước sang tuần lễ thứ ba. Nhà lãnh đạo đặc khu hành chánh của Trung Quốc này cho biết như thế không lâu sau khi cảnh sát xịt thuốc cay mắt để giải tán những người biểu tình khi họ tìm cách ngăn chận một con đường gần khu trụ sở chính phủ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày hôm nay, ông Lương Chấn Anh nói rằng một người trung gian đang giúp giàn xếp cho cuộc đàm phán và cuộc đàm phán có thể diễn ra vào tuần sau.
Hồi đầu tháng này chính phủ Hồng Kông đã đồng ý tiến hành đàm phán, nhưng họ đã thay đổi ý kiến sau khi các lãnh tụ sinh viên học sinh tuyên bố nới rộng cuộc phản kháng mà chính phủ xem là bất hợp pháp.
Không lâu trước cuộc họp báo ngày hôm nay, cảnh sát Hồng Kông đã xịt hơi cay mắt để giải tán những người biểu tình khi những người này tìm cách ngăn chận một con đường gần khu trụ sở chính phủ.
Cảnh sát cho biết ba nhân viên cảnh sát bị thương trong những vụ xô xát xảy ra trong một thời gian ngắn.
Những vụ đụng độ này diễn ra trong lúc nhiều người ở Hồng Kông cảm thấy phẫn nộ vì việc cảnh sát đánh đập một cách dã man một người biểu tình không có khí giới ngày hôm qua.
Ông Ken Tsang (Tăng Kiện Siêu), nạn nhân của vụ đánh đập, hôm qua cho báo chí thấy những vết sướt và vết bầm trên người của ông và nói rằng ông đang chuẩn bị để kiện chính quyền Hồng Kông.
“Quí vị chắc đã nhìn thấy những hình ảnh trên truyền hình chiếu cảnh tôi bị một số nhân viên cảnh sát đánh đập một cách dã man trong khi tôi bị bắt và hoàn toàn không thể tự vệ. Trước đó, tôi cũng đã bị hành hung và sau đó tôi lại bị hành hung một lần nữa ở trạm cảnh sát.”
Những hình ảnh trên video cho thấy 6 nhân viên cảnh sát mặc thường phục xúm nhau khiêng ông Tsang, khi đó đang bị còng tay, vào một góc tối của một tòa nhà rồi không ngớt đấm đá nạn nhân trong bốn phút đồng hồ.
Những cảnh sát viên đó đã được thuyên chuyển công tác và nhà chức trách hứa tiến hành điều tra. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền nói rằng những hành động đó không đủ.
Tối hôm qua, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài Bộ Tư lệnh Cảnh sát để phản đối vụ đánh đập ông Tsang. Nhiều người cũng xếp hàng dài để nộp đơn khiếu nại về vụ này.
Hôm thứ tư, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington “quan tâm sâu sắc” về vụ cảnh sát đánh người và kêu gọi giới hữu trách Hồng Kông tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, minh bạch và cặn kẽ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng vụ hành hung này có thể làm gia tăng cường độ của cuộc phản kháng đã bước sang tuần lễ thứ ba.
Những người biểu tình, phần lớn là sinh viên học sinh, đang đòi chính phủ Trung Quốc đảo ngược quyết định mà họ công bố hồi cuối tháng 8 là tất cả các ứng cử viên trong cuộc bầu cử để chọn hành chánh trưởng quan Hồng Kông năm 2017 phải có được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Nhiều người Hồng Kông xem một cuộc đầu phiếu với những điều kiện như vậy là “một cuộc bầu cử giả hiệu.”
Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cùng với ông Lương Chấn Anh, một người trung thành với Bắc Kinh, đã tuyên bố cuộc phản kháng là bất hợp pháp và nói rằng họ sẽ không thực hiện thêm các biện pháp cải cách bầu cử. – VOA

Hàng trăm phiến quân IS bị hạ sát trong trận chiến giành Kobani
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói hàng trăm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã thiệt mạng trong cuộc chiến để giành thị trấn Kobani ở phía bắc Syria, giữa lúc các đợt không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu gia tăng cường độ. Ngũ Giác Đài cho biết tuy các cuộc không kích – trong chiến dịch giờ được gọi là “Inherent Resolve”, đã giúp các lực lượng dân quân người Kurd duy trì quyền kiểm soát, nhưng thị trấn này vẫn có thể rơi vào tay của quân Nhà Nước Hồi giáo.
Ngũ Giác Đài cho biết có tổng cộng 39 cuộc không kích được thực hiện trong hai ngày thứ ba và thứ tư bên trong và xung quanh Kobani. Bộ Tư Lệnh Miền Trung của quân đội Hoa Kỳ nói rằng 18 vụ không kích trong ngày thứ Tư đã phá hủy nhiều vị trí chiến đấu và 16 tòa nhà do Nhà Nước Hồi giáo chiếm đóng.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn Đô đốc John Kirby nói nhóm Nhà Nước Hồi giáo IS đã đổ quân ào ạt vào trận chiến để giành thị trấn Kobani, tạo ra nhiều mục tiêu hơn cho máy bay của liên minh tấn công. Ông Kirby nói:
“Họ vẫn tiếp tục đổ quân vào Kobani, có nghĩa là có nhiều mục tiêu hơn ở trong và xung quanh Kobani. Một trong những lý do vì sao ta thấy có nhiều vụ không kích là bởi vì có nhiều quân Nhà Nước Hồi giáo ISIL ở đó. Thật khó đưa ra một con số chính xác, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi đã hạ sát hàng trăm chiến binh ISIL bên trong và xung quanh Kobani.”
Chuẩn Đô Đốc Kirby cho biết các chiến binh người Kurd đang tận lực chiến đấu để giữ cho thị trấn không rơi vào tay Nhà Nước Hồi giáo, và các cuộc không kích đã giúp ích cho những nỗ lực của họ nhằm bảo vệ thị trấn này.
“Chúng tôi tin rằng các cuộc không kích của chúng tôi đã góp phần vào nỗ lực đó, chúng tôi tin rằng ISIL vẫn đe dọa Kobani, nhưng người Kurd vẫn kiểm soát thị trấn. Ngay bây giờ, chúng tôi tin rằng Kobani đang được bảo vệ và nằm trong tay của lực lượng dân quân người Kurd. Điều đó không có nghĩa là sẽ không có một số vùng của Kobani rơi vào tay hay tạm thời nằm trong tay của ISIL. Đây là một tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào, nhưng nói chung, đánh giá của chúng tôi hôm nay là lực lượng dân quân người Kurd vẫn còn duy trì quyền kiểm soát Kobani.”
Tuy nhiên, ông Kirby thừa nhận thị trấn Kobani vẫn có thể rơi vào tay các chiến binh Nhà Nước Hồi giáo và đó sẽ là một bước thụt lùi.
Đặc sứ của Tổng thống Obama về Liên minh toàn cầu chống ISIL, cựu Đại tướng Thuỷ quân lục chiến John Allen, nói rằng mục tiêu của các cuộc không kích của liên quân ở cả Iraq và Syria là làm chậm lại đà tiến về mặt chiến thuật của nhóm Nhà Nước Hồi giáo.
“Điều đó đã xảy ra trên thực tế ở một số vùng. Họ vẫn giữ một phần vị thế chiến thuật trong các khu vực khác. Đó là điều đã được dự kiến. Ở một số vùng như Amerli, Đập Mosul, Haditha, các cuộc không kích rất hữu ích. Rõ ràng chúng tôi tập trung xung quanh Kobani để thực hiện các cuộc không kích hầu cung cấp những hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ tại đó, và rõ ràng là để các chiến binh đang chiến đấu chống lại IS có thời gian chuẩn bị trên thực địa. Nhưng tại tỉnh Anbar ở miền tây Iraq, chúng tôi hy vọng có thể cản lại hoặc chặn lại thế chủ động về mặt chiến thuật và đà tiến của họ ở đó. “
Ông Allen cho biết các cuộc không kích đã cho Iraq một số thời gian để huấn luyện lực lượng an ninh được tái trang bị của họ, cũng như huấn luyện và trang bị cho các chiến binh Syria tự do.
Phát ngôn viên Kirby của Ngũ Giác Đài dự kiến một cuộc chiến kéo dài chống lại IS và không xác nhận là liên minh do Mỹ dẫn đầu đang mất dần đất vào tay quân chủ chiến. Ông thừa nhận rằng những kết quả, cho đến nay, là lẫn lộn:
“Trong thời gian tới sẽ có những bước thụt lùi. Và sẽ có những thắng lợi và những tổn thất. Chúng tôi lưu ý tới tính chất phức tạp của tình hình.”
Tuy nhiên, ông cho biết nỗ lực của Iraq để bảo vệ Baghdad đã được củng cố và thủ đô của Iraq vẫn an toàn. Các lực lượng an ninh đang chiến đấu chống quân Nhà Nước Hồi giáo để kiểm soát Amriyat al-Fallujah, một thị trấn ở tỉnh Anbar, nằm cách Baghdad 35 km về hướng tây.
Ông Amin Saikal, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Ả Rập và Hồi giáo tại Đại Học Quốc gia Australia, nói rằng bất chấp những lời trấn an của Ngũ Giác, Baghdad vẫn còn bị đe dọa bởi quân chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.
“Hãy hy vọng rằng sự tập trung vào Kobani đã không đánh lạc hướng sự chú ý của lực lượng liên minh khỏi thực tế là ISIL đã đạt được tiến bộ trong đà tiến của họ gần hơn tới Baghdad, và đã có tin cho rằng các lực lượng ISIL đang tiến gần hơn thủ đô của Iraq và đó là điều rất đáng lo ngại – một số nhà phân tích đã dự đoán họ thậm chí có thể tới gõ cửa thủ đô Iraq trong nay mai.”
Ông Saikal nói rằng chính phủ mới của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi chưa hoàn toàn hoạt động có hiệu quả và điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các lực lượng bên ngoài, như IS, lợi dụng tình trạng mà ông gọi là “tình trạng chân không chính trị” tại thành phố này.
Tổng thống Obama hôm thứ ba gặp các nhà lãnh đạo quốc phòng phương Tây và Ả Rập. Các nhà lãnh đạo này bày tỏ lo ngại về số phận của thị trấn Kobani và của tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq. – VOA

Ý khai mạc thượng đỉnh Á- Âu, hồ sơ Ukraine nổi bật – Giới nhân quyền biểu tình phản đối Thủ tướng Thái
Liên tiếp trong hai ngày, bắt đầu từ hôm nay, 16/10/2014, Nguyên thủ Quốc gia hay Thủ tướng chính phủ của hơn 50 nước Châu Âu và Châu Á gặp nhau tại thành phố Milano miền Bắc Ý để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu ASEM, được tổ chức 2 năm một lần.
Do tính chất nóng bỏng, cuộc khủng hoảng Ukraine đương nhiên đã nổi bật trong chương trình nghị sự, đặc biệt trong một loạt các cuộc họp bên lề với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một thông cáo ngày 15/10/2014, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, nước đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu đã xác nhận Tổng thống Nga sẽ gặp đối tác Ukraine Petro Porochenko tại Milan ngày 17/10 vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương. Cùng tham gia cuộc gặp sẽ có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và nhiều quan chức cao cấp khác.

Riêng Thủ tướng Ý, nước chủ nhà của Thượng đỉnh ASEM, đồng thời là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, sẽ tiếp xúc trước ngay vào tối nay với Tổng thống Ukraine, và vào chiều thứ Sáu (17/10/2014) với Tổng thống Nga.
Theo nhận định của Muriel Pomponne, thông tín viên RFI tại Moscow, cho dù hai Tổng thống Nga và Ukraine đã từng gặp nhau một số lần từ khi nổ ra khủng hoảng, nhưng cuộc gặp tại Milan lần này có thể mang tính chất quyết định:
“Cuộc gặp lần này cũng giống như lần gặp ngày 06/05 tại vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, nếu có khác chăng là lần này không có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ.
Vào thời điểm đó, ông Porochenko vừa mới đắc cử, và tự cho là có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước ông trong vòng hai tuần lễ. Bốn tháng sau thì vẫn chưa có gì được giải quyết, cho dù lệnh ngưng bắn chính thức có hiệu lực từ ngày 03/09. Cuộc hưu chiến đã được thương lượng vào lúc lực lượng ly khai thân Nga đang giành lại những vùng đất mà họ bị mất vào tháng 7. Thắng lợi đó, theo nhiều nhà quan sát, đã có được nhờ trợ giúp của quân đội Nga.
Lần gần đây nhất mà hai ông Putin và Porochenko gặp nhau trở lại là tại Minsk, thủ đô Belarus, ngay trước khi thỏa thuận ngưng bắn được ký kết. Nhưng lần gặp đó không mang lại kết quả, hai người đã không tìm được mẫu số chung nào. Từ lúc ấy, quân đội chính phủ Ukraine đi từ thất bại này đến thất bại khác, kể cả từ khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực nhưng không đuợc tôn trọng. Về phần Nga thì nước này ngày càng bị phương Tây trừng phạt nặng nề thêm.
Trên bình diện chính trị quả là hồ sơ không lối thoát. Kiev sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 26/10 tới đây trong lúc mà phe ly khai cho là muốn tổ chức bầu tổng thống ở những vùng họ kiểm soát vào ngày 02/11. Tuy nhiên, trong tuần này, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga triệt thoái khỏi khu vực biên giới, hai lãnh đạo lại nói chuyện với nhau qua điện thoại, và hồ sơ khí đốt có tiến triển. Cuộc gặp ở Milan do đó có thể mang tính chất quyết định”.
Bên cạnh đó, hôm nay, Thủ tướng Prayut Chan-ocha, người lên cầm quyền tại Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm vừa qua, phải đối mặt với sự phản đối của hàng trăm nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền.
Đây là lần đầu tiên, ông Prayut Chan-ocha xuất hiện trên chính trường Châu Âu và nhân dịp này, hàng trăm nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tổ chức cuộc biểu tình ngay tại Milan, phản đối lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan.
Một trí thức Thái Lan, bà Juny Yipraset, hiện sống lưu vong tại Ý nói với AFP: “Không có dấu hiệu gì cho thấy ông Prayut có ý định cho phép Thái Lan quay lại tiến trình dân chủ” và “Liên Hiệp Châu Âu không nên cấp thị thực nhập cảnh cho ông ta tới đây và Châu Âu không nên nói chuyện với ông ta. Châu Âu nên nói với ông ta rằng cần tái lập ngay lập tức nền dân chủ tại Thái Lan”.
Lên cầm quyền sau cuộc đảo chính, ông Prayut, năm nay 60 tuổi, hứa hẹn tiến hành cải cách, ngăn chận nạn tham nhũng, trước khi cho tổ chức bầu cử lập pháp. Châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc đảo chính hồi tháng Năm tại Thái Lan và đình chỉ trao đổi các cuộc viếng thăm cấp cao.
Cho dù áp dụng các biện pháp trừng phạt, nhưng chính các nước Châu Âu, vào tháng trước, đã thừa nhận là ít có khả năng can thiệp, ngăn chặn Thủ tướng Thái Lan tới dự Thượng đỉnh Á-Âu tại Milano, Ý. – RFI

Bạo loạn ở Vân Nam, Quý Châu
Tám người được cho là đã thiệt mạng trong một vụ xung đột giữa các công nhân xây dựng và người dân ở tỉnh Vân Nam thuộc Tây Nam Trung Quốc, chính quyền và truyền thông nước này thông báo hôm thứ Tư ngày 15/10.
Chính quyền huyện Tấn Ninh nằm cách Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam không xa, thông báo trên tài khoản mạng xã hội chính thức của họ rằng đã xảy ra đánh nhau giữa các công nhân đang xây dựng một trung tâm thương mại và hậu cần và người dân địa phương.
‘Chính quyền cướp đất’
Hình ảnh trên mạng xã hội Weibo cho thấy các thi thể nằm trên đường và các công nhân xây dựng bị trói cùng với đông đảo cảnh sát chống bạo động. Tuy nhiên, những hình ảnh này không thể được kiểm chứng độc lập.
Chính quyền nói rằng cảnh sát sẽ tiến hành điều tra một cách ‘đúng luật, khách quan và công bằng’ và sẽ trừng phạt những kẻ phạm pháp.
Tờ tạp chí Tài Tân cho biết hồi tháng Sáu cũng xảy ra va chạm. Khi đó người dân đã tố cáo chính quyền ‘cướp đất của họ’ để làm dự án.
Tạp chí này cho biết một số dân làng đã nói với họ rằng có những người ‘mặc đồng phục đen’, một số người đeo tấm chắn có huy hiệu công an đã ‘tấn công’ họ và họ đã đánh trả.
Tranh chấp đất đai là một trong những nguyên nhân chính của hàng chục ngàn cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc mỗi năm. Đa số đều không được truyền thông Trung Quốc đưa tin mặc dù trong một số trường hợp như cuộc nổi dậy của nông dân ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, hồi năm 2011 đã thu hút sự chú ý của quốc tế và khiến chính quyền Bắc Kinh hứa hẹn hành động.
Cuộc bạo loạn ở Vân Nam diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp hội nghị trung ương 4 với các chủ đề chính như nền pháp trị để chống lại tình trạng bất ổn mà Đảng đang rất sợ.
Tại tỉnh Quý Châu sát với Vân Nam hôm 13/10 cũng xảy ra các vụ đụng độ của hàng nghìn dân với lực lượng công an tại huyện Tam Tuệ, làm hai người chết, theo tờ Minh Báo ở Hong Kong.
Lý do cuộc biểu tình được cho là do một quyết định của tỉnh ngưng không nâng cấp thị trấn Tam Tuệ lên thành thành phố.
Hàng nghìn người đã tụ tập ngoài trường tiểu học địa phương ủng hộ học sinh bãi khóa sau khi ban giám hiệu cấm học sinh nghỉ học.
Sau hai ngày diễn biến vụ việc trở nên nghiêm trọng khiến 1.000 cảnh sát cơ động Trung Quốc có hỗ trợ của trực thăng vào cuộc.
Nguồn tin từ Hong Kong cũng nói có sau vụ ẩu đả làm nhiều người bị thương và hai bên công an và người biểu tình đã đánh nhau giành xác hai học sinh bị chết. – BBC