Tin Thế Giới – 15/6/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 15/6/2015

Đàm phán Hy Lạp-IMF đổ vỡ

Hy Lạp hôm qua tiến thêm một bước nguy hiểm nữa gần đến tình trạng vỡ nợ, khi các cuộc đàm phán về cải cách kinh tế với các nhà cho vay quốc tế ở Brussels đổ vỡ.

Tin cho hay các cuộc thương lượng giữa Hy Lạp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đổ vỡ chưa đầy một giờ đồng hồ, với cả 2 phía đổ lỗi cho nhau.

Các bộ trưởng tài chính Châu Âu dự định sẽ họp vào thứ năm tuần này để thảo luận về việc liệu Hy Lạp có thể ở lại trong khối Euro – khối 19 nước sử dụng đồng euro làm chỉ tệ quốc gia.

Hy Lạp có thời gian từ nay đến cuối tháng để tìm cách trả nợ cho các chủ cho vay. Nước này cần khoản vay kế tiếp là 270 tỷ đô la từ IMF và Ngân hàng Trung ương Châu Âu để thanh toán các khoản chi trả đó.

Các ngân hàng yêu cầu Hy Lạp tiến hành thêm các biện pháp cải cách kinh tế, kể cả cắt giảm thêm tiền hưu bổng và tăng thuế.

Chính phủ Hy Lạp nói họ đã hy sinh quá đủ rồi và rằng mức sống của người dân Hy Lạp đang sút giảm trong khi thất nghiệp lại leo thang.

Các giới chức tài chính Châu Âu nói các đề nghị cải cách kinh tế của Hy Lạp không toàn diện và cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn với Athens.

Một quan chức Đức hôm qua tuyên bố rằng tất cả những gì được gọi là đàm phán phút chót để đạt thỏa thuận với Hy Lạp là một điều “buồn cười”. – VOA

Cựu sứ thần Toà Thánh Vatican ra tòa

Vatican sẽ đưa cựu đại sứ tại Cộng hòa Dominic, Jozef Wesolowski, ra tòa với các cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em và khiêu dâm.

Giáo hoàng Francis cũng đã chấp nhận đơn từ chức của một giám mục Hoa Kỳ và người phó của ông này, bị cáo buộc tại Minnesota là đã phớt lờ một vụ tu sỹ ấu dâm.

Jozef Wesolowski bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em tại Cộng hòa Dominic từ 2008 đến 2013. Ông hiện đang bị quản chế tại gia ở Vatican.

Phiên tòa sẽ bắt đầu vào 11/7.

Wesolowski, 66 tuổi, cũng bị cáo buộc tội tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em, bắt đầu từ thời gian ông trở về Rome hồi 2013.

Đây là bước đi được coi như một phần trong chiến dịch của Giáo hoàng Francis nhằm trấn áp các tu sỹ và các nhân viên Giáo hội có hành vi lạm dụng trẻ em.

Hồi năm ngoái, Giáo hoàng đã so sánh hành động của những người phạm tội này như “ác quỷ”.

Ngài cũng đã củng cố luật của Vatican đối với loại tội lạm dụng trẻ em.

Wesolowski, người gốc Ba Lan, đã bị triệu từ Cộng hòa Dominic về hồi 2013, sau khi có các cáo buộc nói ông đã lạm dụng các bé trai Dominic.

Ông đã có thời gian 5 năm ở tại quốc gia vùng Caribbean này trong vai trò phái viên của Giáo hoàng.

Ông đã bị tước bỏ chức vụ giáo sỹ hồi tháng Sáu năm ngoái, sau khi bị một hội đồng xét xử của Giáo hội kết tội – ông là quan chức cao cấp nhất trong giáo hội bị tước bỏ áo tu sỹ do tội phạm này.

Nay ông sẽ bị một tòa án hình sự của Vatican xét xử. – BBC

Ba Lan đàm phán với Mỹ về việc bố trí thiết bị quân sự ở nước này

Ba Lan, hôm Chủ nhật, cho biết đang đàm phán với Hoa Kỳ về việc Hoa Kỳ sẽ đặt võ khí hạng nặng lâu dài bên trong vùng biên giới của nước này, trong khuôn khổ một kế hoạch đang được Hoa Kỳ xem xét nhằm gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu và các nước vùng Baltic để ngăn chận sự xâm lăng có thể xảy ra của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nói rằng với kế hoạch này Hoa Kỳ sẽ cần bố trí các xe tăng và các thiết bị khác ở Ba Lan. Bộ trưởng Quốc phòng Tomasz Siemoniak cho biết ông đã thảo luận kế hoạch với các giới chức quân đội Mỹ ở Washington vào tháng trước và được bảo đảm sẽ sớm có quyết định về vấn đề này. Ông nói:

“Đây là một bước nữa nhằm gia tăng sự hiện diện của Mỹ ở Ba Lan và trong khu vực.”

Nếu được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tổng thống Barack Obama chấp thuận, Hoa Kỳ sẽ bố trí các quân xa chiến đấu và 5.000 binh sĩ sẽ đồn trú ở Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Ba Lan và có thể ở Hungary, tất cả các nước một thời nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô cũ.

Đây sẽ là lần đầu tiên Hoa Kỳ khởi đầu sự hiện diện quân sự trong vùng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đây là một phần của kế hoạch mở rộng lực lượng “Xung kích” triển khai nhanh của Liên minh quân sự NATO nhằm ngăn chận bất cứ hành động can thiệp nào thêm nữa của Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm ngoái và là một dấu hiệu cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các nước đồng mình của mình trong khối NATO ở Đông Âu.

Sự xét duyệt tăng cường quân sự của Hoa Kỳ là một đáp ứng đối với vụ chiếm Crimea và về việc các nước phương Tây cho rằng Nga tiếp tục hỗ trợ cho nhóm nổi dậy thân Nga đang chiến đấu với các lực lượng Ukraine nhằm chiếm quyền kiểm soát miền đông Ukraine, một lập luận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng của Latvia Raimonds Vejonis nói với báo The New York Times, khi báo này tiết lộ về sự duyệt xét tăng cường quân sự, “Nếu có việc gì xảy ra, chúng tôi không thể chờ nhiều ngày nhiều tháng để có thêm thiết bị. Chúng tôi cần phản ứng ngay lập tức.” – VOA

Bà Hillary Clinton lên tiếng về TPP

Ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, kêu gọi Tổng thống Barack Obama làm việc với các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội để cứu vãn dự luật có tên gọi Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), được coi là vô cùng quan trọng cho Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie, một đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong quốc hội vẫn tỏ ra lạc quan rằng TPA sẽ được thông qua vì các hệ quả lớn mà các thỏa thuận thương mại mang lại cho vị thế lãnh đạo của nước Mỹ.

Trong một cuộc vận động ở Des Moines, Iowa hôm qua, cựu Ngoại trưởng Clinton kêu gọi ông Obama lắng nghe các đảng viên Dân chủ, những người thứ Sáu tuần trước đã bỏ phiếu chống dự luật về trợ giúp người lao động gắn với TPA:

“Trong 8 năm tôi làm ở Thượng viện, tôi đã bỏ phiếu ủng hộ một số thỏa thuận thương mại và tôi đã bỏ phiếu chống lại những thoả thuận khác. Tôi nghĩ tôi có một ý tưởng khá hay về những gì mà chúng ta có thể làm để thỏa mãn những điều kiện mà tôi tin là bất kỳ hiệp định thương mại nào, nhất là hiệp định TPP, phải thỏa mãn. Đầu tiên là thỏa thuận phải bảo vệ các công nhân Mỹ, và thứ hai, cần phải tăng lương và tạo công ăn việc làm với thu nhập tốt ở trong nước, và thứ ba, cần phải bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Tôi đã đề cập tới chuyện này nhiều tháng qua. Và theo tôi, hiện cần phải thực hiện những việc sau. Để đạt được một thỏa thuận đáp ứng các tiêu chuẩn cao, tổng thống cần phải lắng nghe và làm việc với các đồng minh trong quốc hội, những người đã bày tỏ quan ngại về tác động của một thỏa thuận yếu kém đối với các công nhân Mỹ, để bảo đảm là chúng ta có được một thỏa thuận tốt nhất và mạnh nhất có thể, và nếu không đạt được điều đó, thì chúng ta không nên ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.”

Từng bị chỉ trích vì trước đây không lên tiếng về TPP, bà Clinton không công khai ủng hộ thỏa thuận này, mà cho rằng cần phải đợi cho tới khi nào các cuộc đàm phán giữa 12 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương hoàn tất.

Bên chống đối TPP, trong đó có các liên đoàn lao động, các nhóm bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, và tiêu dùng, nói rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn tới chỗ mất việc làm và lương bổng giảm sút, trong khi không làm được gì nhiều để thúc đẩy việc bảo vệ các công nhân ở nước ngoài.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người đối đầu với bà Clinton trong cuộc chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống 2016 của đảng Dân chủ, nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng ông thấu hiểu thông điệp mà các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội muốn phát đi.

“Có lẽ chúng ta cần có một chính sách thương mại đại diện cho tầng lớp lao động để giúp xây dựng lại ngành chế tạo của đất nước thay vì chỉ đại diện cho các giám đốc điều hành của các đại tập đoàn đa quốc.”

Trước khả năng sẽ có thêm một cuộc bỏ phiếu về dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA) trong tuần này, ông Sanders nói rằng ông hy vọng bà Clinton sẽ đứng về phía những ai coi TPP và các thỏa thuận thương mại tự do khác là một thảm họa cần phải đánh bại. Ông nói rằng chính sách thương mại cần phải đòi hỏi các tập đoàn của Mỹ đầu tư tại Hoa Kỳ chứ không phải tại các nước khác.

Phát biểu trên chương trình Fox News Sunday, Dân biểu Cộng hòa Paul Ryan, chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Hạ viện, nói rằng các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội đã “đồng loạt” bỏ rơi ông Obama, và tổng thống có nhiều việc cần phải làm với đảng của ông để đảo ngược tình thế.

“Tôi lạc quan. Tôi nghĩ rằng chuyện này có thể được cứu vãn khi người ta nhận ra những hệ quả lớn đối với vị thế lãnh đạo của nước Mỹ”.

Xuất hiện riêng rẽ trên chương trình “This Week” của đài truyền hình ABC, Bộ trưởng Lao động Tom Perez bày tỏ lạc quan rằng dự luật về trợ giúp người lao động Mỹ TAA sẽ được thông qua theo cách này hay cách khác. Ông cho rằng Hoa Kỳ cần phải đặt ra luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Charles Morrison, chủ tịch Viện Đông Tây ở Hawaii, cảnh báo rằng việc không thể thông qua cái gọi là quyền đàm phán nhanh, theo đó quốc hội Mỹ không thể thay đổi thỏa thuận này khi nó được đưa ra thông qua tại cơ quan lập pháp này, sẽ đẩy TPP chậm lại vài năm.

“Câu hỏi thật sự là liệu Hoa Kỳ có thể là một đối tác đàm phán đáng tin cậy hay không nếu họ không có sẵn quyền đàm phán nhanh trước khi họ bắt đầu một cuộc đàm phán về thương mại.”

Chuyên gia về châu Á Michael J. Green của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảnh báo rằng việc quốc hội Mỹ không trao cho Tổng thống Mỹ quyền thúc đẩy thương mại sẽ gây ra thảm họa cho chính sách châu Á của ông Obama. Ông Green nói rằng điều đó sẽ đẩy một số đối tác đàm phán về TPP tới chỗ ngưng cải cách và nhượng bộ về thuế, và tiến tới chỗ ủng hộ các định chế kinh tế không thuộc Mỹ như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á mới được thiết lập của Trung Quốc. – VOA