Tin Thế Giới – 15/3/2015
Xung đột ở Miến Điện: Bắc Kinh «quyết tâm» bảo vệ công dân Trung Cộng
Trung Cộng «quyết tâm» bảo vệ công dân của họ sống gần biên giới Miến Điện. Đó là tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường hôm nay, sau cái chết của 4 người Trung Hoa hôm thứ sáu do một quả bom máy bay Miến Điện thả xuống tỉnh Vân Nam.
Bắc Kinh đã cực lực lên án vụ ném bom này và ngay lập tức đã điều chiến đấu cơ đến tuần tra ở khu vực biên giới Miến – Trung. Từ Rangun, thông tín viên Rémi Fave gởi về bài tường trình:
«Các bên đều đổ lỗi cho nhau. Trung Quốc cáo buộc Miến Điện. Miến Điện quy trách nhiệm cho phiến quân. Bắc Kinh cáo buộc quân đội Miến Điện đã sát hại 4 công dân của họ và làm bị thương 9 người khác sau khi một quả bom phát nổ trên lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực gần vùng Kokang, nơi xảy ra xung đột từ tháng 2 đến nay.
Bắc Kinh đã triệu đại sứ Miến Điện ở Trung Quốc lên và đã điều máy bay đến giám sát không phận nước này ở vùng biên giới. Về phần chính phủ Miến Điện thì cáo buộc phiến quân Kokang đã gây ra vụ ném bom này. Họ cũng tố cáo sự can dự của Bắc Kinh vào cuộc xung đột này và khẳng định rằng các sĩ quan Trung Quốc về hưu đã huấn luyện phiến quân Kokang, điều mà các sĩ quan này bác bỏ.
Cái trò tố cáo lẫn nhau và bác bỏ cáo buộc như vậy cho thấy Miến Điện ngày càng rời xa đồng minh truyền thống Trung Quốc trong bốn năm qua. Vào năm 2011, chính quyền Miến Điện lần đầu tiên đã nói «không» với láng giềng hùng mạnh của họ, nói «không» với dự án đập thủy điện khổng lồ ở miền Bắc nước này với nguồn vốn của một công ty Nhà nước Trung Quốc. Miến Điện nay muốn đa dạng quan hệ với thế giới, đặc biệt là với các nước dân chủ Tây phương.»
Ngoại trưởng Kerry: “Cần phải thương lượng với tổng thống Syria”
Cuộc chiến tại Syria đã bước vào năm thứ năm với hơn 215.000 nạn nhân tử vong. Trước tình hình bế tắc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố “cuối cùng” sẽ phải đàm phán với tổng thống al Assad về một thỏa hiệp chính trị chuyển giao quyền lực.
Hôm nay 15/03/2015 là tròn bốn năm cuộc xung đột tại Syria với những thiệt hại nhân mạng và hậu quả xã hội chưa từng thấy: 215.500 chết và hơn 4 triệu người trên 18 triệu dân phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Trong nước, 7 triệu người phải bỏ nhà tìm nơi yên ổn tạm cư theo thống kê của các tổ chức nhân quyền và của Liên Hiệp Quốc.
Cũng theo các tổ chức này, hơn 13.000 nạn nhân đã chết vì tra tấn trong các nhà tù của chính quyền Damas. Hàng chục ngàn người khác vẫn còn bị giam.
Các tổ chức thiện nguyện quốc tế lên án cộng đồng quốc tế bất lực không tìm ra một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Phong trào tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ của giai đoạn đầu tiên bị đàn áp biến thành nội chiến và hiện nay thành phần thánh chiến cực đoan chi phối dưới ngọn cờ đen của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Từ khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo can thiệp, chính quyền Damas tự tạo cho chế độ tư thế “chính đáng”.
Trong bối cảnh này, hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ CBS, là sẽ phải thương lượng với tổng thống al Assad. Ông không nhắc lại lập trường cố hữu của chính phủ Obama là tổng thống Syria đã mất tính chính đáng và nhà độc tài này phải ra đi.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết đang cùng nhiều nước khác mà ông không nêu tên tìm kiếm những phương thức mới để thúc đẩy lại tiến trình ngoại giao hầu chấm dứt chiến tranh.
Hôm qua, tại Paris, khoảng 700 người tham gia biểu tình chống chiến tranh với biểu ngữ “không Assad, không Nhà nước Hồi giáo”.
Ông Kerry phát biểu khi kỷ niệm bốn năm nội chiến vẫn chưa kết thúc, ông Kerry nói Hoa Kỳ đang thúc giục Tổng thống Assad tái tục thương lượng.
Hai vòng đàm phán trước đã thất bại.
Trả lời phỏng vấn tại thành phố Ai Cập Sharm el-Sheikh, ông Kerry nói Hoa Kỳ đang làm việc với phe đối lập ôn hòa ở Syria và theo đuổi biện pháp ngoại giao.
“Chúng tôi đã có trao đổi với nhiều thành phần quan trọng trong bi kịch này,” ông nói.
Nhà Trắng trước đây đòi ông Assad từ chức như giải pháp chính trị, nhưng không rõ tuyên bố của ông Kerry có nghĩa là Mỹ thay đổi lập trường không.
Phóng viên BBC Jonathan Marcus nói bình luận của ông Kerry là dấu hiệu “rõ nhất” rằng Mỹ thừa nhận chính sách của họ về Syria “không đi đến đâu”.
Với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhiều chuyên gia tin rằng nếu ông Assad bị lật đổ, IS sẽ có lợi nhất. – Theo RFI, BBC
Vatican ủng hộ dùng vũ lực chống IS
Vatican nói rằng có thể cần phải sử dụng vũ lực để chấm dứt các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) vào người theo đạo Công giáo và các sắc dân thiểu số khác nếu không tìm ra giải pháp chính trị.
Tổng giám mục Silvano Tomasi, nhà ngoại giao cao nhất của Vatican ở Liên Hiệp Quốc, nói rằng các tay súng thánh chiến đang có hành động ‘diệt chủng’ và cần phải ngăn chặn.
‘Cần thỏa thuận chính trị’
Trước giờ Vatican có xu hướng chống lại can thiệp quân sự vào khu vực.
Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis đã lên án vụ IS chặt đầu 21 người Ai Cập theo Thiên chúa giáo Coptic ở Libya.
Các phiến quân đã nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số ở các khu vực của Syria và Iraq mà họ kiểm soát. Hàng ngàn người khác đã phải rời bỏ nhà cửa.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Crux, trang web Công giáo của Mỹ, Tổng giám mục Tomasi nói: “Điều cần thiết là một liên minh có sự phối hợp và được suy nghĩ thấu đáo để làm tất cả mọi việc để đạt được một thỏa thuận chính trị mà không cần dùng đến vũ lực.”
“Nhưng nếu điều đó là không thể thì lúc đó cần phải sử dụng vũ lực,” ông nói thêm.
“Chúng ta cần phải ngăn chặn tình trạng diệt chủng này. Nếu không trong tương lai chúng ta sẽ phải than thở tại sao mình đã không làm gì, tại sao chúng ta lại để cho thảm họa khủng khiếp đó xảy ra?”
Người theo Thiên chúa giáo là đối tượng tấn công chính của IS, ông nói, nhưng tất cả các cộng đồng thiểu số đều là con người và quyền của họ cần được bảo vệ.
Bất cứ liên minh quốc tế chống IS nào cũng bao gồm các nước Hồi giáo ở khu vực Trung Đông và cần phải đặt dưới sự chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc.
Hồi tháng Hai, các tổ chức nhân quyền đã cảnh báo rằng IS đang tìm cách xóa sổ các nhóm sắc tộc thiểu số.
Trong một bản phúc trình, họ ghi lại các vụ hành quyết tập thể, cưỡng bức cải đạo, hiếp dâm và các hành vi khác nhằm vào các cộng đồng thiểu số. – BBC
Trung Cộng thử nghiệm đường bay trên eo biển Đài Loan – Lý Khắc Cường nói TC sẽ không gia tăng kiểm soát Hồng Kông
Sau khi dời lại dự án được dự trù khai trương ngày 05/03/2015, Trung Cộng tiếp tục dự án lập đường hàng không dân sự lấn sâu vào eo biển Đài Loan. Chính quyền Đài Loan lo ngại an ninh bị đe dọa.
Hôm nay, 15/03/2015, cơ quan hàng không TC thông báo thử nghiệm các đường bay mới nối liền Triết Giang với hai thành phố Phúc Châu và Hạ Môn ở Phúc Kiến, bay dọc theo eo biển Đài Loan. Kế hoạch này, theo giải thích của Hoa lục, là để phục vụ nhu cầu chuyên chở hành khách càng ngày càng tăng, làm giảm nhẹ tần số chuyến bay trên tuyến đường cũ.
TC muốn khai trương đường bay mới vào ngày 05/03, nhưng đã phải hủy bỏ ý định do bị Đài Loan phản đối. Ngày 03.03, hai ngày trước khi dự án khai trương, TC bắt buộc phải dời kế hoạch, vì phải sửa đổi hành trình cho gần lãnh thổ Hoa lục hơn, để chứng tỏ “thiện chí hòa giải” với Đài Bắc.
Hôm nay, TC quay trở lại dự án này. Cơ quan hàng không dân dụng Đài Loan cho biết được Hoa lục thông báo bắt đầu thử nghiệm đường bay M503 vào lúc 11 giờ, giờ địa phương.
Theo AFP, thái độ của TC làm Đài Loan rất bất bình. Bộ quốc phòng Đài Loan tuyên bố theo dõi chặt chẽ, kiểm soát mức độ chính xác của đường bay, để xem máy bay TC có lấn sâu đường ranh phân chia không phận hay không.
Kế hoạch đường bay M503 đã được Hoa lục thương lượng với Đài Loan, nhưng cho đến nay không được Đài Bắc chấp thuận. TC cũng không nói rõ là có ba đường khác cũng đi ngang eo biển Đài Loan.
Ngoài ra, trong cuộc họp báo ngày 15/03/2015, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết TC tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” vì Hồng Kông là một đặc khu hành chính và được bảo đảm bởi quy chế này, nhưng ông tránh đề cập đến tranh cãi về cuộc bầu cử tại lãnh thổ này vào năm 2017.
Năm ngoái, TC quyết định để cho cử tri Hồng Kông được tự do chỉ định người lãnh đạo đặc khu hành chính này, nhưng những người ra tranh cử đều là những ứng viên phải có được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Hành động trên đã dẫn tới làn sóng phản kháng chưa từng thấy tại Hồng Kông. Phong trào biểu tình đòi dân chủ đã kéo dài trong nhiều tháng, làm tê liệt một số các hoạt động kinh tế và tài chính của đặc khu hành chính này.
Đầu tháng 03/ 2015, nhân vật lãnh đạo số 3 của chế độ Bắc Kinh, chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) tuyên bố cần phát huy lòng yêu nước của thanh niên Hồng Kông đối với Hoa lục. Tuyên bố này đã gây nhiều phẫn nộ. Không trực tiếp nhắm vào các nhà dân chủ Hồng Kông, nhưng chủ tịch Quốc hội TC cho rằng những thành phần đòi độc lập đang “vượt quá giới hạn”.
Để xua tan mối lo ngại là chính quyền Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do của người dân Hồng Kông, Lý Khắc Cường nhấn mạnh: Quy chế “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông đã được ghi rõ trong Hiến pháp và đó là một nguyên tắc không thể thay đổi… Hồng Kông cũng như Macao được hưởng quyền tự trị cao. Không cần phải lo ngại chính quyền trung ương siết chặt chính sách đối với Hồng Kông”.
Kinh tế, ô nhiễm và chính sách một con
Trong buổi nói chuyện với báo chí sáng nay, thủ tướng TC cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề khác. Về mục tiêu tăng trưởng, Lý Khắc Cường một mặt cho rằng TC sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7%, nhưng mặt khác, Bắc Kinh “sẵn sàng huy động nhiều phương tiện và vẫn còn có trong tay hàng loạt công cụ” để kích thích kinh tế.
Liên quan tới hồ sơ môi trường, lãnh đạo Bắc Kinh nhìn nhận trước mắt TC đã thất bại, không đạt được mục tiêu giảm mức ô nhiễm không khí. Những tiến bộ gần đây “chưa xứng đáng với mong mỏi của người dân”. Dù vậy, Lý Khắc Cường tin rằng, TC sẽ giải quyết được vấn đề này với một mô hình kinh tế và phát triển mới.
Cuối cùng, trước hiện tượng dân số đang trên đà lão hóa, trai thừa gái thiếu, chính sách một con của TC ngày càng bị chỉ trích, thủ tướng họ Lý giải thích rằng Bắc Kinh đang nghiên cứu những lợi ích và tác động, trước khi quyết định về khả năng nới lỏng biện pháp kiểm soát dân số này. – Theo RFI
Cứu trợ tới đảo quốc Vanuatu sau siêu bão Pam
Vật phẩm cứu trợ bắt đầu được đưa đến Vanuatu hôm Chủ nhật sau khi một trận bão nhiệt đới tàn phá đảo quốc nam Thái Bình Dương này vào chiều tối thứ Sáu và ngày thứ Bảy.
Bão Pam, với sức gió lên đến 300 kilômét/giờ, đã phá huỷ hoàn toàn các làng mạc, thổi tung các nóc nhà, làm gãy đổ các cột điện và cây cối.
Giới hữu trách xác nhận ít nhất 8 người thiệt mạng, và hơn 20 người bị thương. Nhưng con số thương vong có thể sẽ cao hơn trong lúc các nhân viên cứu hộ đang đi đến các đảo xa của quần đảo này.
Các nhân viên cứu trợ nói rằng hầu như tất cả nhà cửa không được xây đúc vững vàng đều bị bão sang bằng. Nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trong tình trạng các hệ thống điện và các đường dây liên lạc bị bão phá hủy, các giới chức đang gặp khó khăn trong việc lấy tin tức về mức độ thiệt hại do trận bão gây ra.
Ông Hannington Alatoa, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Vanuatu nói: “Các cơ quan được khuyên phải chuẩn bị ứng phó với tình hình xấu nhất, ngay cả trong tình hình thông tin liên lạc bị hạn chế.”
Ông Alatoa đã phát biểu tại Nhật Bản, nơi ông tháp tùng Tổng thống Vanuatu Baldewin Lonsdale, tham dự một hội nghị của Liên hiệp quốc về giảm thiểu rủi ro của thiên tai.
Ông Alatoa nói: “Chính phủ nên ngay lập tức khuyến khích các cơ quan ban ngành thực hiện ngay các chương trình tái trồng trọt, khắc phục ảnh hưởng, và tái thiết, và những chương trình đó cần phải được thực hiện ngay tức khắc.”
Các giới chức cứu trợ nói trận bão này này có thể là một trong những thiên tai lớn nhất mà khu vực Thái Bình Dương từng gánh chịu. UNICEF cho biết trận bão ảnh hưởng đến ít nhất phân nửa dân số của Vanuatu, trong đó có khoảng 54.000 trẻ em. Tổ chức Oxfam nói nước uống và các vật dụng vệ sinh là những thứ đang cần thiết hàng đầu tại đây.
Một thông cáo về cuộc họp giữa ông Tổng thứ ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon và Tổng thống Lonsdale bên lề hội nghị tại Nhật Bản trích lời ông Ban nói đảo quốc Vanuatu “đã chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.” Ông nói “những cơn bão như Pam làm tăng thêm những thách thức đảo quốc này phải đối mặt.” – VOA
Tin Hoa Kỳ – Mỹ, Iran bước vào vòng đàm phán hạt nhân mới
Tòa Bạch Ốc muốn Quốc hội ngưng can thiệp vào các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân.
Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Dennis McDonough cảnh báo Quốc hội trong một công văn gởi đi vào chiều tối thứ Bảy rằng dự luật đang chờ cần được quốc hội thông qua đối với bất cứ thỏa thuận nào ký với Iran về khả năng hạt nhân của Iran có thể sẽ có một “ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng” trong các cuộc đàm phán.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật được đề nghị này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Thụy Sĩ hôm Chủ nhật để tham dự một vòng đàm phán mới với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Jawad Zarif, trong nỗ lực đạt một thỏa thuận tạm với Iran về chương trình hạt nhân của Iran trước thời hạn chót vào ngày 31 tháng 3 này.
Phát biểu hôm thứ Bảy tại một hội nghị đầu tư quốc tế ở Ai Cập, ông Kerry nói “một số tiến bộ” đã đạt được trong các cuộc đàm phán, nhưng “vẫn còn những khoảng cách, những cách biệt quan trọng, và những lựa chọn quan trọng mà Iran cần phải quyết định, ngõ hầu tiến tới.”
Ngoại trưởng Kerry nói rằng một trở ngại cho các cuộc đàm phán này có thể là lá thư công khai mà 47 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc phe Cộng hòa gởi cho các nhà lãnh đạo Iran để cảnh báo là tổng thống kế tiếp của Mỹ có thể đảo ngược một thỏa thuận hạt nhân với Iran vào bất cứ lúc nào. Ông cho rằng lá thư đó là một “sự can thiệp trực tiếp,” và có thể gây phương hại cho khả năng đạt đến một thỏa thuận với Iran.
Khi được hỏi liệu liệu ông có xin lỗi về lá thư đó khi đàm phán với ông Zarif ở Lausanne hay không, Ngoại trưởng Kerry nói “Tôi không xin lỗi cho một hành động vi hiến, thiếu suy nghĩ của một ai đó mới ngồi ở Thượng viện Hoa Kỳ hơn 60 ngày.” Ông nói: “Việc làm đó không đúng.”
Hoa Kỳ và 5 cường quốc tham gia cuộc đàm phán với Iran ở Lausanne.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Quốc hội không có quyền thay đổi một thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo của các nước.
Hoa Kỳ và các đối tác trong nhóm P5+1—Anh, Trung Cộng, Pháp, Nga và Đức—có hạn chót là cuối tháng 3 để đạt được một thỏa thuận khung với Iran, theo đó nước này sẽ cắt giảm chương trình làm giàu uranium để đổi lấy việc gỡ bỏ các chế tài đã gây thiệt hại nền kinh tế Iran.
Đảng Cộng hòa chống lại thỏa thuận vì cho rằng Iran không thể tin cậy được.
Iran luôn luôn nói không có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân, mà chương trình hạt nhân của họ phục vụ cho các mục đích dân sự. – Theo VOA