Tin Thế Giới – 14/11/2015
Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm tấn công Paris — Tổng thống Pháp: Nhà nước Hồi giáo đã gây chiến — Ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm nay đã tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công làm hơn 100 người chết ở Paris.
Trong một tuyên bố chính thức, tổ chức này nói rằng các chiến binh được trang bị súng máy và mang theo thuốc nổ đã thực hiện các vụ tấn công tại nhiều địa điểm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ở trung tâm Paris.
Theo IS, các vụ tấn công nhằm mục đích cho Pháp thấy rằng nước này vẫn là một mục tiêu hàng đầu nếu nước này vẫn tiếp tục các chính sách hiện thời.
Tuyên bố nhận trách nhiệm được đăng trên mạng bằng tiếng Ả-rập và tiếng Pháp và được phổ biến bởi các ủng hộ viên của tổ chức khủng bố này.
Các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát đã làm ít nhất 127 người chết trong các vụ tấn công tối qua ở Paris.
Tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo không cho biết quốc tịch của những kẻ tấn công, nhưng các hãng thông tấn dẫn lời các quan chức cảnh sát Pháp cho biết một hộ chiếu Syria đã được tìm thấy trên thi thể của một trong những kẻ đánh bom tự sát nhắm vào sân vận động quốc gia Pháp.
Nhà nước Hồi giáo hôm nay cũng đã công bố một đoạn video không rõ ngày tháng, đe dọa tấn công Pháp nếu các vụ đánh bom nhắm vào các chiến binh của tổ chức này vẫn tiếp diễn.
Không rõ địa điểm của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo trong video cũng như khó có thể xác định ngày quay đoạn phim đó, nhưng thông điệp đưa ra rất rõ ràng.
Đoạn video cho thấy một nhóm chiến binh dường như là công dân Pháp đốt hộ chiếu.
Các chiến binh nước ngoài gia nhập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria được coi là hết sức nguy hiểm vì việc họ có hộ chiếu phương Tây giúp họ tới các nước Tây phương mà có thể không bị phát hiện.
Hôm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố rằng các vụ tấn công ở Paris là “một hành động chiến tranh” được tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoạch định ở nước ngoài và nhận được trợ giúp từ bên trong nước Pháp.
“Đối mặt với chiến tranh, đất nước phải có hành động phù hợp”, ông Hollande nói, nhưng không giải thích rõ điều đó có nghĩa là gì. – VOA
***
Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ phát biểu tại phiên họp bất thường của Quốc hội vào thứ Hai tuần tới, và tuyên bố nước Pháp sẽ để tang ba ngày để tưởng nhớ các nạn nhân.
Các vụ tấn công nhắm vào một sân vận động, phòng hòa nhạc, quán cà phê và nhà hàng ở các quận phía đông và bắc Paris là “một hành động chiến tranh của Daesh [Nhà nước Hồi giáo], được hoạch định và tổ chức bên ngoài nước Pháp với sự trợ giúp từ bên trong nước Pháp”, ông Hollande nói.
Tổng thống Pháp nói thêm: “Tất cả các biện pháp để bảo vệ đồng bào và lãnh thổ của chúng ta đang được tiến hành trong khuôn khổ của tình trạng khẩn cấp”.
Các cuộc tấn công có phối hợp ở Pháp tối qua xảy ra trong khi Pháp, một quốc gia tham gia các cuộc không kích nhắm vào Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Syria và Iraq, trong tình trạng cảnh giác cao trước khi diễn ra một hội nghị toàn cầu về khí hậu dự kiến sẽ khai mạc vào cuối tháng này.
Vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất nhắm vào Bataclan, một địa điểm hòa nhạc nổi tiếng, nơi ban nhạc rock từ California, Mỹ, đang biểu diễn.
Địa điểm này nằm cách văn phòng trước đây của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, một mục tiêu tấn công đẫm máu của các tay súng Hồi giáo hồi tháng Giêng, chỉ vài trăm mét.
Các nhân chứng tại phòng hòa nhạc cho biết họ nghe thấy các tay súng hô những khẩu hiệu lên án vai trò của Pháp ở Syria. – VOA
***
Sau loạt khủng bố tại Paris tối qua 13/11/2015, Hội đồng bộ trưởng Pháp họp phiên bất thường trong đêm. Sau cuộc họp, Phủ tổng thống ra thông cáo ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ (châu Âu) của nước Pháp. Tổng thống Pháp giải thích: “giao thông có thể bị cấm” tại một số khu phố và “việc khám xét có thể được tiến hành” khắp nơi trên toàn quốc.
Tình trạng khẩn cấp, được Hội đồng các bộ trưởng ban bố bằng sắc lệnh, có hiệu lực trong 12 ngày, có thể được triển hạn bằng một luật do Quốc hội thông qua. Nhiều biện pháp an ninh đặc biệt được thực thi tại tất cả các đơn vị hành chính của vùng Paris. Những người bị tình nghi là nguy hiểm có thể bị quản thúc tại gia, toàn bộ các cơ sở biểu diễn, hội họp có thể bị đóng cửa, và các hoạt động khám xét có thể được lãnh đạo cơ quan chính quyền ra lệnh, không cần qua tư pháp.
Tất cả các cơ sở của chính quyền thành phố Paris đóng cửa hôm nay. Mọi người được kêu gọi ở tại nhà. Toàn bộ các trường học phổ thông và đại học tại vùng thủ đô Paris cũng sẽ không hoạt động, theo thông báo của cơ quan phụ trách giáo dục Paris trên Twitter trong đêm. Chính quyền cũng cho biết hủy bỏ toàn bộ các hoạt động dã ngoại của học sinh tại Pháp trong kỳ nghỉ cuối tuần này.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1961, Paris ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Trước đây, Pháp đã hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp cục bộ, hồi năm 2005, với cuộc bạo động ở ngoại ô Paris và năm 1985 tại quần đảo Nouvelle-Calédonie (Tân đảo).
Tình trạng khẩn cấp cho phép “khám xét nhà riêng cả ngày lẫn đêm”, cũng như một loạt “các biện pháp kiểm soát báo chí”.
Tái lập kiểm soát biên giới
Tuyên bố thứ hai của Tổng thống Pháp là tái lập kiểm soát biên giới, “để không ai có thể xâm nhập gây các vụ (khủng bố) khác trên lãnh thổ chúng ta”, và cũng “để không ai có thể trốn chạy”.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết cụ thể: “kiểm soát được tiến hành tại các điểm quá cảnh trên các trục đường xa lộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không… Các sân bay vẫn tiếp tục vận hành. Hoạt động hàng không và đường sắt diễn ra bình thường”.
Hàng nghìn cảnh sát và quân nhân được huy động
Theo Phủ tống thống Pháp, gần 4.000 cảnh sát đã được huy động để ngăn chặn khủng bố, bảo vệ an ninh, đồng thời với việc tiến hành các cuộc điều tra đầu tiên. 1.500 quân nhân cũng được triển khai tại vùng Paris, bổ sung vào lực lượng 7.000 binh sĩ tại chỗ.
Một bộ phận xử lý khủng hoảng liên bộ được tái khởi động: toàn bộ các cơ quan chức năng liên quan sẽ được điều phối bởi Bộ Nội vụ.
Cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Quốc phòng, do tổng thống triệu tập, được tổ chức sáng nay tại Phủ tổng thống. Theo các nhà quan sát, nếu có mối liên hệ giữa các vụ khủng bố tại Paris hôm qua với một số kẻ giật dây tại Syria, quân đội Pháp sẵn sàng vô hiệu hóa nhanh nhất những kẻ chủ mưu. Tổng thống Pháp có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama. Tổng thống Mỹ tuyên bố cùng Pháp gia tăng phối hợp chống khủng bố. – RFI
Campuchia ra trát bắt lãnh tụ đối lập Sam Rainsy
Một tòa án ở Campuchia hôm thứ Sáu ra trát bắt lãnh tụ đối lập nổi tiếng Sam Rainsy vì một vụ án cách đây 7 năm cáo buộc ông Rainsy tội phỉ báng.
Trát bắt này được nhiều người xem như mang động cơ chính trị khi nó được đưa ra giữa lúc ông Rainsy, đối thủ lâu năm của Thủ tướng Hun Sen, tăng mạnh hoạt động trong tuần này.
Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Năm dọa sẽ có hành động pháp lý sau khi ông Rainsy gợi ý rằng Đảng Nhân dân Campuchia không giữ cam kết tổ chức bầu cử dân chủ.
Ông Rainsy, lãnh tụ Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, phát biểu như vậy trong chuyến đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông trước đó trù tính trở về Campuchia vào thứ Hai tới.
Hiện chưa rõ liệu ông Rainsy bây giờ sẽ vẫn trở về Campuchia và đối diện với trát bắt, hay sẽ lưu vong như ông đã từng làm trong quá khứ khi ông bị án tù dài hạn.
Năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong kiện ông Rainsy ra tòa về tội phỉ báng, cáo buộc ông Rainsy gọi ông Namhong là một trưởng nhà tù của chế độ Khmer Đỏ.
Vụ án đó đã kết tội ông Rainsy với án phạt 2 năm tù. Ngoài ra ông Rainsy cũng bị án tù vì những cáo buộc liên quan đến hành động nhổ mốc cắm ở biên giới với Việt Nam.
Ông Rainsy chưa bao giờ thọ án tù. Sau đó ông trở về lại Campuchia và được chính thức ân xá, mở đường cho ông trở lại tham gia chính trường. Hiện chưa rõ lệnh ân xá có tác dụng gì với trát bắt hiện tại hay không.
Đảng Nhân dân Campuchia đương quyền và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia hồi tháng 5 đồng ý thôi thóa mạ nhau trong thỏa thuận được gọi là “văn hóa đối thoại”, mà đã bị chao đảo trong mấy tháng gần đây, một phần bởi bạo động chống lại các nhà lập pháp đối lập.
Thỏa thuận vừa kể đã phản ảnh một sự nhượng bộ chính trị hiếm thấy của Thủ tướng Hun Sen, người đã cai trị Campuchia từ năm 1985. – VOA
Đồng tiền Trung Quốc nhiều hy vọng được đưa vào rổ tiền tệ IMF
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang trên đường gia nhập vào rổ tiền tệ (SDR theo tiếng Anh, DTS theo tiếng Pháp) của IMF, còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt. Việc này một khi được chấp nhận sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Trong một báo cáo, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng đồng tiền Trung Quốc “đáp ứng được các điều kiện” để tham gia rổ tiền tệ, hiện nay gồm bốn đồng tiền là đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật. Bản báo cáo không công khai đã được trao cho Hội đồng quản trị IMF đại diện cho 188 nước thành viên, và Hội đồng này sẽ có quyết định cuối cùng vào ngày 30/11.
Việc bật đèn xanh này là một chiến thắng ngoại giao to lớn đối với Bắc Kinh, hiện đang có tham vọng mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ ra bên ngoài biên giới. SDR là đồng tiền quy ước, chủ yếu được sử dụng trong các kế hoạch hỗ trợ của IMF.
Để được đưa vào rổ tiền tệ, phải hội đủ hai điều kiện: “được sử dụng rộng rãi” trong giao dịch quốc tế, và “sử dụng một cách tự do”. Chính điều kiện thứ hai gây tranh cãi nhiều nhất, vì Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hối suất.
Trong báo cáo đầu tháng Tám, IMF nhận định còn phải có những nỗ lực lớn trước khi đưa ra lời khuyến cáo về đồng nhân dân tệ. Từ đó đến nay chính quyền Trung Quốc đã thay đổi cung cách ấn định hối suất để tiến gần với thị trường. Hồi tháng Tám, biện pháp bất ngờ này của Bắc Kinh đã khiến đồng nhân dân tệ bị phá giá 5% so với đô la.
Ngoài ra vào tháng 10 Trung Quốc đã chấp nhận tham gia một cơ chế của IMF giúp cải thiện chất lượng thống kê kinh tế vốn thường xuyên bị nghi ngờ. Sự kiện này có thể đã thuyết phục được ê-kíp IMF. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm nay hoan nghênh loan báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Cho dù cuối cùng sẽ do IMF quyết định, vấn đề này sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào Chủ nhật và thứ Hai 15/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi cái nhìn hiện đang hướng về Hoa Kỳ, cổ đông lớn nhất của IMF, trước đây thường xuyên chỉ trích Trung Quốc là ghìm giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu, nay đã có thái độ nhẹ nhàng hơn. Dù sao nếu đồng nhân dân tệ được chấp nhận vào rổ tiền tệ quốc tế thì chỉ bắt đầu từ tháng 9/2016.
Lần thay đổi gần nhất trong số các đồng tiền trong Quyền rút vốn đặc biệt là vào năm 2000, khi đồng euro thay chân đồng franc Pháp và đồng mác Đức. – RFI
Tổng thống Mỹ hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP
Hôm qua 13/11/2015, trước báo giới, tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
Theo kênh truyền thông Úc SBS, tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng các nghị sĩ sẽ ra quyết định trong phiên họp mới của Quốc hội, khai mạc sau kỳ Noel. Barack Obama bày tỏ sự tin tưởng đối với khả năng hợp tác giữa hai đảng trong Quốc hội, để TPP chính thức có hiệu lực. Tổng thống Mỹ nhắc lại, Quốc hội có thời hạn 90 ngày xem xét, để phê chuẩn hiệp định.
Hiệp định TPP đã được đại diện chính phủ 12 quốc gia thông qua đầu tháng 10. TPP cho phép dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan giữa 12 nền kinh tế, chiếm 40% trọng lượng nền kinh tế thế giới.
Để gia tăng trọng lượng của đòi hỏi phê chuẩn TPP, hôm qua, tổng thống Mỹ có cuộc hội kiến với nhiều nhân vật tên tuổi thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tới Nhà Trắng, trong đó có các cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, Madelaine Albright, Colin Powell, hay cựu bộ trưởng Quốc phòng Bill Cohen.
Hôm nay, tổng thống Mỹ khởi sự chuyến công du Châu Á 9 ngày, trong đó hiệp định TPP sẽ là một nội dung quan trọng. Lần đầu tiên, kể từ sau khi hiệp định được thông qua, đại diện 12 quốc gia thành viên sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC, tổ chức ở Manila, trong hai ngày 18 và 19/11. – RFI
Quân đội Mỹ ‘khá chắc chắn’ đã tiêu diệt được ‘John thánh chiến’
Quân đội Mỹ nói họ “khá chắc chắn” là đã tiêu diệt được “John thánh chiến,” kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo khét tiếng người Anh xuất hiện trong những video quay cảnh sát hại dã man những con tin người phương Tây, trong một cuộc không kích ở Syria.
Đại tá Lục quân Steve Warren, một phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, cho biết nhà chức trách tin rằng một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào một chiếc xe hơi cuối ngày thứ Năm đã đánh trúng mục tiêu và “những người bị nhắm mục tiêu” đã bị giết chết.
Ông Warren cho biết cần có sự chứng thực cuối cùng để xác định liệu “John thánh chiến” có bị giết chết hay không. Ông Warren cho biết một người khác thiệt mạng có thể là tài xế hoặc ai đó đi khắp nơi cùng “John thánh chiến.” Không có mục tiêu khủng bố có giá trị cao khác bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công, ông nói.
“John thánh chiến,” được các cơ quan tình báo phương Tây xác định danh tính là Mohamed Emwazi, bị nhắm mục tiêu tấn công trong khi dường như đang đi xe trong thành phố Raqqa, thủ đô trên thực tế của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Các quan chức hàng đầu của Mỹ mô tả những vụ tấn công đánh trúng chính xác mục tiêu.
Emwazi, người gốc Kuwait có quốc tịch Anh, là một trong những mục tiêu hàng đầu của những cơ quan tình báo phương Tây kể từ khi xuất hiện trong những video quay cảnh chặt đầu và giết hại những con tin khác người phương Tây.
Emwazi đã thực hiện những hành vi “cực kỳ dã man” nhắm vào người Mỹ, ông Warren nói. Phát ngôn viên này nói thêm rằng việc hạ sát kẻ khủng bố này có ý nghĩa quan trọng bởi vì Emwazi “là nhân vật khá nổi tiếng của IS, là bộ mặt của tổ chức này theo nhiều nghĩa.” Ông nói rằng cái chết của Emwazi sẽ là một “đòn lớn” giáng vào danh tiếng của nhóm cực đoan này.
“Hắn ta là một công cụ tuyển mộ chính cho tổ chức này,” ông Warren nói. “Hắn ta là một con thú mang hình người, và giết chết hắn ta có lẽ làm cho thế giới trở nên tốt hơn một chút.”
Bạn bè và người quen nói rằng Emwazi lớn lên trong một gia đình khá giả ở London và theo học tại những trường công lập trước khi học ngành trình máy tính ở trường đại học.
Emwazi, được cho là trong độ tuổi 20, bắt đầu bị cực đoan hóa trong vài năm qua sau những chuyến đi tới châu Phi và Trung Đông, theo một số nguồn tin. – VOA