Tin Thế Giới – 13/6/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 13/6/2015

WHO: Dịch bệnh MERS ở Nam Hàn ‘lớn và phức tạp’

Một toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, nói rằng dịch bệnh Hội chứng hô hấp Trung Ðông, tức MERS, bột phát tại Nam Hàn “lớn và phức tạp” và sẽ có thêm nhiều ca lây nhiễm nữa.

Tuy nhiên, WHO và các giới chức y tế Nam Hàn nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Bảy rằng virút gây bệnh MERS chưa lan truyền đại trà trong cộng đồng dân chúng.

Dịch bệnh MERS mới chỉ lây lan trong phạm vi các bệnh viện, giữa các bệnh nhân, thân nhân đến thăm viếng, và các nhân viên y tế chữa trị cho các bệnh nhân MERS.

Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận vào ngày 20 tháng 5, 138 người được ghi nhận đã nhiễm virút bệnh này, và 14 người đã tử vong, trong đó có một tài xế xe cứu thương đã chở một trong những bệnh nhân MERS.

Hàng ngàn người được cho là đã tiếp xúc với những người nhiễm virút đã được cách ly. Hàng ngàn trường học tiếp tục đóng cửa để đề phòng bệnh lây lan.

Bộ Y tế Nam Hàn hôm thứ Bảy cho hay tất cả 14 bệnh nhân MERS tử vong đều có những vấn đề khác về sức khỏe trước đó.

Các giới chức y tế hôm thứ Sáu nói rằng 1.249 người được thôi cách ly, khiến dư luận hy vọng là sự lây lan của dịch bệnh đã giảm. – Theo VOA

Biển Hoa Đông: Bắc Kinh muốn gia tăng tuần tra bằng drone – Thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành

Trong một động thái có thể gây thêm căng thẳng với Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, Quân đội TC đang cân nhắc việc sử dụng thường xuyên máy bay không người lái – tên tiếng Anh là drone – để giám sát vùng biển đang tranh chấp. Hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 13/06/2015 đã cho biết tin trên dựa theo một tài liệu TC về việc sử dụng máy bay được tiết lộ hôm 12/06.

Theo Kyodo, tài liệu biên soạn vào tháng Mười năm ngoái 2014, đã nêu lên sự cần thiết phải dùng đến phi cơ không người lái, vì lẽ công việc tuần tra khu vực bằng tàu không đủ để bảo vệ lợi ích của TC.

Trích dẫn các chuyên gia về phi cơ không người lái TC, tài liệu nêu bật tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện này trong hai mục tiêu: Chống lại các phi vụ do thám thường xuyên bằng loại drone Global Hawk mà Mỹ tiến hành tại Biển Hoa Đông, và đối phó với các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Nhật Bản.

Từ sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh đòi chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư, TC đã gia tăng các vụ giám sát khu vực bằng tàu thủy và máy bay để khẳng định yêu sách của mình trên những hòn đảo hiện do Nhật Bản quản lý.

Bắc Kinh đã từng sử dụng drone trong công việc giám sát Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 09/09/2013, lực lượng Không quân Nhật Bản đã phải cho chiến đấu cơ cấp tốc bay lên để sẵn sàng nghênh chiến, khi phát hiện một phi cơ không người lái TC gần quần đảo tranh chấp.

Tài liệu do Bắc Kinh biên soạn cũng khẳng định rằng TC có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành tuần tra vùng Senkaku/Điếu Ngư bằng máy bay vì TC đã thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bao trùm khu vực này vào tháng 11 năm 2013.

Theo hãng Kyodo, Quân đội TC hiện có khoảng 50 chiếc máy bay không người lái, trong đó có loại Dực Long (Yilong) được đánh giá là phù hợp nhất cho các nhiệm vụ tuần tra ở Biển Hoa Đông, vì có tầm hoạt động 4.000 km và khả năng bay liên tục trong 20 tiếng đồng hồ.

Loại drone Dực Long của TC giá chỉ khoảng 1 triệu đô la, rẻ hơn nhiều so với các máy bay Mỹ cùng loại. Máy bay này của TC cũng được cho là có hiệu quả cao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát vùng biển so với các chuyến bay có người lái..

Tài liệu được tiết lộ cũng ghi nhận là Cục Hải dương Quốc gia TC đã sử dụng chín tàu giám sát và bốn chiếc phi cơ để theo dõi khu vực xung quanh Biển Hoa Đông. Cơ quan này điều hành 11 căn cứ phụ trách giám sát từ trên không, và đã sử dụng phi cơ không người lái trong công việc của mình. – Theo RFI

***
TC kết án Chu Vĩnh Khang, TC chủ ngân hàng mới của thế giới, vì sao hai hệ phái Hồi giáo Shia và Sunni lại xâu xé lẫn nhau, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ruộng nho của Pháp, và 200 năm trận chiến lịch sử Waterloo, là những chủ đề thời sự chính được các báo Pháp cuối tuần 13/06/2015 đề cập đến.

“Bắc Kinh dàn dựng cảnh hạ bệ Chu Vĩnh Khang” là hàng tựa của nhật báo Le Monde về vụ xử cựu lãnh đạo an ninh TC. Vụ xử diễn ra bí mật chứng tỏ cho thấy kịch tính của cuộc đấu đá nội bộ tại TC và khẳng định quyền lực ngày càng được củng cố của Tập Cận Bình là những nhận xét chính của nhật báo.

Le Monde nhắc lại, hồi tháng Ba năm nay, Tòa án Tối cao TC hứa hẹn là vụ xử sẽ được tiến hành công khai. Nhưng trên thực tế, cựu lãnh đạo ngành công an, tư pháp và dọ thám của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đã bị đem ra xét xử bí mật vào ngày 22/05. Bản án đã được ra ngày thứ Năm 11/06, tại tòa án Thiên Tân.

Vì sao có sự thất hứa đó? Theo giải thích của Trương Hi Trạch (Joseph Chang), giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Hồng Kông, “các nhà lãnh đạo TC muốn rằng Chu phải nhận tội và tránh tấn công họ hay tiết lộ các chi tiết làm vấy bẩn danh tiếng của họ. Giả như điều đó có thể thực hiện được trong phiên xử công khai thì họ đã làm rồi. Nhưng dường như chỉ có xử kín mới cho phép họ đạt được điều họ muốn”.

Trên thực tế, tội tiết lộ “bí mật quốc gia” cũng chỉ lãnh có 4 năm tù, thay cho 7 năm tù vì tội “lạm dụng quyền lực” và chung thân “tội tham nhũng”. Đối với nhiều chuyên gia về hệ thống chính trị TC, kịch bản tham nhũng đối với Chu Vĩnh Khang là quá lộ liễu.

Ông Nicolas Becquelin, Giám đốc Đông Á của tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International, phân tích: “Đưong nhiên từ nhiều năm nay có nhiều đồn thổi dai dẳng về mức độ tham nhũng trong lãnh vực dầu khí, mà ông Chu Vĩnh Khang từng là lãnh đạo. Do đó rõ ràng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, ông ta là con hổ tế thần. Nhưng phiên xử đó chỉ là một sự dàn dựng nhằm đưa ra một sự giải thích chính thức với các đảng viên và công chúng để chứng minh cho quyết định chính trị vô hiệu hóa Chu Vĩnh Khang được đưa ra từ trên và nhằm hủy hoại sự nghiệp chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của ông này. Và quyết định được đưa ra khi các nhà điều tra bắt đầu có đầy đủ chứng cớ về sự phạm tội khi bắt giữ các tay chân thân tín của ông”.

Cũng theo ông Nicolas Becquelin, thì có hai giả thuyết để giải thích cho quyết định vô hiệu hóa Chu Vĩnh Khang. “Thứ nhất là vì ông này là đồng minh của Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh, bị kết án chung thân năm 2013, trong một chiến dịch nhằm tranh một chiếc ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí hất cẳng Tập Cận Bình. Giả thuyết thứ hai, bộ máy an ninh mà Chu Vĩnh Khang thiết lập đã trở thành một dạng Nhà nước trong một Nhà nước. Đối với Tập Cận Bình, người nghĩ rằng duy chỉ có tập trung hết quyền lực trong tay ông mới là phương cách duy nhất để cải tổ đất nước, bộ máy an ninh này là một đối trọng quyền lực quan trọng. Người ta nhận thấy là kể từ đó, lãnh đạo ngành an ninh không có chân trong Ban Thường vụ nữa”.

Một quan điểm cũng được giáo sư Trương Hi Trạch đồng chia sẻ. Theo ông, “điều hiển nhiên là lãnh đạo TC thích kết tội tham nhũng hơn là phơi bày sự việc như là một sự tấn công chống lại Đảng. Nếu người ta nói về đối đầu với Tập Cận Bình, điều đó làm dấy lên nhiều kiểu nghi vấn, mà chế độ không muốn thấy đặt ra, theo kiểu như ai muốn lãnh đạo đất nước? Nếu như hai ông Bạc và Chu liên kết với nhau, họ đã thành lập tổ chức nào để ủng hộ?” Trương kết luận: Do đó, điều hợp lý nhất là kết tội Chu Vĩnh Khang tham nhũng.

Vụ thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành

Thế nhưng, đối với báo Le Monde, đây lại là một “Vụ thanh trừng đáng lo trong Tử Cấm Thành”, tựa của bài xã luận. Trước mắt, vụ xử này là một thắng lợi lớn đối với Tập Cận Bình. Ông đã loại trừ hết tất cả các đối thủ, ngay cả trong quân đội. Và bây giờ Chủ tịch Tập đang dần đưa người của mình vào những vị trí quan trọng, chuẩn bị cho kỳ đại hội sắp tới năm 2017. Thời điểm ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, chưa có một nhà lãnh đạo TC nào nắm trong tay nhiều quyền lực như vậy. Đến mức phải lo ngại.

Thế nhưng, về dài lâu, chiến lược của ông có thể chứa nhiều bất ổn. Sau nhiều năm hỗn loạn do cuộc Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã thiết lập một ban lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể và đồng thuận. Cũng như hàng triệu người TC, ông đã chịu đựng quá nhiều về quyền lực tuyệt đối của Mao Trạch Đông, sự thái quá và những sai lầm của ông ấy, những gì đã dẫn đất nước đến bờ thảm họa. Số phận của đảng Cộng sản TC không thể nào nằm trong tay một người duy nhất.

Chính vì thế mà việc Tập Cận Bình ngày càng củng cố quyền lực những tháng gần đây chỉ có thể làm dấy lên nhiều câu hỏi. Nhất là khi chiến dịch chống tham nhũng lại do một cơ chế trong nội bộ đảng tiến hành trong sự mập mờ và không có đối trọng quyền lực độc lập. Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, Tập Cận Bình đã phá vỡ một điều cấm kỵ: Không bao giờ được tấn công vào một cựu thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bộ máy điều hành thật sự của Đảng và Nhà nước. Với việc kết án Chu Vĩnh Khang, kể từ giờ không một thành viên nào trong bộ máy lãnh đạo, sẽ tránh được. Kể cả nhân vật số một hiện nay, tờ báo kết luận.

TC: Chủ ngân hàng mới của thế giới

Về thời sự Châu Á, tuần san Courrier International trên mục kinh tế quan tâm đến Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng do TC đề xướng. Bất chấp lời can ngăn của Hoa Kỳ, nhiều đồng minh của nước này vẫn tham gia thành lập ngân hàng. Nhiều tiếng nói nghi ngờ khả năng điều hành của TC, cho rằng quốc gia này sẽ chấp thuận cấp tín dụng cho các nhà lãnh đạo độc tài, tàn phá môi trường và phớt lờ vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Financial Times tại Luân Đôn, Bắc Kinh có thể gây bất ngờ cho những ai phản đối và có thể sẽ làm tốt hơn. Courrier International lược dịch lại bài của tờ báo này qua hàng tựa “Trung Quốc, ông chủ tài kinh mới của thế giới”.

Thứ nhất, theo quan điểm của tờ báo Anh quốc, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu (AIIB) do TC chủ xướng sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, nhờ vào nguồn vốn khởi điểm với bước khởi đầu đầy hứa hẹn. Nguồn vốn ban đầu sẽ là 100 tỷ đô la, cao gấp đôi so với mức dự kiến. Điều đó cho phép AIIB trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Ngân hàng Phát triển Á Châu do Nhật Bản điều hành, ra đời cách đây gần 50 năm với một nguồn vốn là 150 tỷ đô la.

TC sẽ có phần đóng góp lớn nhất, rất có thể là gần 25%, tiếp đến là Ấn Độ, rồi Nga, Đức, Úc và Indonesia, những quốc gia đóng góp nhiều nhất. Tổng cộng 75% vốn và đương nhiên quyền biểu quyết rất có thể sẽ thuộc về các quốc gia Châu Á. Theo những dấu hiện đầu tiên, TC sẽ không có quyền phủ quyết. Và AIIB sẽ đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh. Hội đồng quản trị sẽ họp thường xuyên tại thủ đô TC và qua phương tiện vidéo hội nghị.

Đương nhiên có nhiều người quan ngại rằng AIIB có thể sẽ bị đặt dưới một sự giám sát ít nghiêm ngặt hơn so với các định chế tài chính lớn hiện nay. Các quản trị viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank), làm việc tại trụ sở ở Washington, là những người thông qua các khoản cho vay. Thế nhưng, theo nhận định của tờ báo Anh, hệ thống điều hành các định chế tài chính thế giới hiện nay quá cồng kềnh và dè dặt. Ngân hàng Thế giới trở nên quá chậm chạp và chần chừ, đến mức nhiều quốc gia không còn hứng thú xin tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Theo phân tích của Financial Times, đương nhiên vị Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng mới này sẽ phải là người của Bắc Kinh, nhưng do mời nhiều nước tham gia, TC có thể sẽ phải từ bỏ ý tưởng sử dụng AIIB đơn thuần như là một công cụ phục vụ chính sách ngoại giao của mình. Thậm chí Bắc Kinh có thể phải lấy làm hối tiếc về sự đầu tư này.

Nhìn chung, trong một chiều hướng nào đó, ngân hàng của TC đã có bước khởi động tốt. Một “cuộc chiến hạ tầng” cũng đã bắt đầu. Ngân hàng Phát triển Á Châu cũng đã làm một số trò “ảo thuật kế toán”, để nâng tổng số vốn cho vay. Tổ chức này cũng sẽ phải tiến hành một số đổi mới về quy trình chấp thuận cấp tín dụng để cạnh tranh với quy trình chấp thuận tín dụng nhanh chóng mà AIIB cam kết.

Shia-Sunni: Cuộc chiến dai dẳng không hồi kết

“Shia-Sunni: Vì sao đạo Hồi xâu xé lẫn nhau?” là câu hỏi lớn trên trang nhất tuần san L’Obs. Tờ báo dành 11 trang để giải thích rõ cho độc giả hiểu vì sao xung đột cứ dai dẳng giữa hai hệ phái Shia và Sunni, từ thời nhà tiên tri Mohamed cho đến lúc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh ra đời.

Cũng như Tin lành và Thiên Chúa giáo vào thế kỷ XVI, hai hệ phái Shia và Sunni sâu xé lẫn nhau. Điểm lại các sự việc gần đây, từ việc Daesh giết hại hơn 1700 binh sĩ Irak, phần đông theo hệ phái Shia, rồi đến việc lực lượng dân quân Shia do Iran yểm trợ tái chiếm cứ địa Tikrit thuộc hệ phái Sunni từ tay quân thánh chiến hay như việc Qatar kêu gọi xua đuổi những người theo hệ phái Alawit và nhà độc tài Bachar al-Assad, một nhánh của hệ phái Shia,…tất cả đều có chung một điểm duy nhất đó là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa hai dòng Hồi giáo Shia và Sunni.

Bởi lẽ, “Nhất Đấng Tối cao, mà Đa dòng hệ”. Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới có đến 1,5 tỷ tín đồ, nhưng được chia thành ba hệ phái: Sunni, chiếm đa số, gần như 85% ; Shia từ 10-15% và phần còn lại là những hệ phái nhỏ như Khawarij, Mozabite và Ibadi. Rồi ba dòng hệ đó lại còn chia nhỏ ra nữa thành nhiều trường phái, nhánh hay hội đoàn khác nhau. Và bên nào cũng tự cho mình là “chính thống”.

Theo tuần san, sự chia rẽ khởi đầu sau khi nhà tiên tri Mohamed qua đời năm 632. Ông ra đi chỉ để lại một thông điệp, nhưng không có di chúc, lẫn con trai nối dõi. Và mọi sự bất hạnh cũng bắt nguồn từ đây. Cuộc chiến giành quyền lãnh đạo tàn khốc kéo dài hàng mấy chục thế kỷ nay cho đến tận bây giờ vẫn còn tiếp diễn, như những gì thế giới đang tận mắt chứng kiến tại Irak, Syria và tại Yemen.

Khí hậu ấm dần: Rượu vang Pháp chao đảo

Nhìn sang nước Pháp, tình trạng khí hậu ấm dần bắt đầu có những tác động lên lãnh vực nông nghiệp. Tại nước Pháp, quốc gia sản xuất rượu vang hàng đầu thế giới, buộc phải xem xét lại phương thức sản xuất, có nguy cơ làm biến đổi hương vị của rượu. Le Figaro nhận định: “Biến đổi khí hậu làm chao đảo ruộng nho Pháp”.

Theo nhật báo, “ngành trồng nho tại Pháp phải thích nghi với hiện tượng khí hậu ấm dần”. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ gia tăng đang làm cho chu kỳ trồng nho bị xê dịch, nho ngày càng ra trái sớm hơn. Nho sẽ bị chín sớm hơn trong gian đoạn thời tiết nóng bức, đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối của trái nho. Nghĩa là nho sẽ ngày càng bị ngọt hơn, điều đó sẽ dẫn đến nồng độ alcool cao hơn. Trái nho sẽ mất đi tính chua và như vậy rượu sẽ không còn vị mát khi nếm thử. Thêm vào đó, trái nho không đủ độ chín cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc, khả năng cất giữ và mùi vị của rượu. Những thay đổi có thể làm biến chất hoàn toàn rượu vang như là Bordeaux chẳng hạn.

Trong viễn cảnh đó, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về cách cấy ghép cây nâng chiều cao của thân cây nho để tránh cho các chùm nho phải chịu nhiều sức nóng tỏa ra từ nền đất, hay di dời ruộng nho lên những vùng cao mát hơn, hoặc áp dụng phương pháp nhân bản (clone) các giống cây có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra liệu những việc đó có làm biến đổi hương vị của rượu hay không ? Phải ít nhất là 10 năm nữa để có thể rút ra được những kết luận đầu tiên. – RFI

Chính phủ Mỹ bị tin tặc tấn công lần hai, nhắm vào tình báo và quân đội

Cơ quan nhân lực của chính phủ Hoa Kỳ hình như lại bị một vụ tấn công lớn của tin tặc lần thứ hai. Các tin tặc có liên hệ với TC được cho là đã thực hiện cả hai vụ tấn công này, một cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.
Một giới chức Hoa Kỳ không nêu danh tánh cho biết trong vụ xâm nhập thứ hai vào mạng điện toán của Cơ quan Quản lý Nhân sự, gọi tắt là OPM, các tin tặc đã có thể lấy được các thông tin cơ sở nhậy cảm do các cơ quan tình báo và quân đội lưu giữ để xác minh lý lịch an ninh cho các cơ quan chính phủ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Các thông tin cá nhân chuyên sâu cần thiết để xác minh lý lịch an ninh bao gồm những thông tin về sức khỏe tâm thần, tiền án, tiền sử về sử dụng chất cồn, thuốc cấm và phá sản. Các nhân sự cũng phải cung cấp thông tin liên lạc của thân nhân và những người tiếp xúc, bà con của các nhân viên tình báo Mỹ ở nước ngoài có thể bị cưỡng bức.

Trong vụ xâm nhập mạng điện toán của OPM lần đầu được loan báo hồi tuần trước, tin cho hay là các hacker đã lấy được thông tin cá nhân nhậy cảm của hàng triệu công chức liên bang Mỹ. OPM nói rằng có đến 4 triệu công chức liên bang hiện tại và đã thôi việc bị ảnh hưởng trong vụ tấn công mạng xảy ra hồi tháng 12.

Liên đoàn Lao động của Chính phủ Liên bang (AFGE) hôm thứ Năm nói rằng các tin tặc đã lấy được thông tin cá nhân của tất cả công chức liên bang.

AFGE nói vụ xâm nhập này cho thấy “một sơ hở quá lớn của cơ quan trông giữ thông tin đã được lực lượng lao động liên bang tín cẩn giao phó.”

Vụ xâm nhập mạng điện toán thứ hai được phát hiện trong cuộc điều tra vụ tin tặc nhắm vào các nhân viên liên bang.

Các vụ xâm nhập mạng điện toán này xảy ra hai năm sau khi Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng với chính phủ, đã đánh cắp được hàng ngàn hồ sơ tối nhậy cảm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. – VOA

TPP gặp trở ngại nghiêm trọng sau cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện Mỹ

Kế hoạch thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương đầy tham vọng của Tổng thống Barack Obama vấp phải trở ngại nghiêm trọng hôm thứ Sáu khi Hạ viện bỏ phiếu chống lại một phần của toàn bộ kế hoạch này.

Ông Obama trước đó đã đến Điện Capitol sáng thứ Sáu để đưa ra lời kêu gọi cuối cùng với những nghị sĩ Đảng Dân chủ của ông. Nhiều người lo ngại thỏa thuận thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TPP, sẽ khiến thêm nhiều công ăn việc làm ở Mỹ bị đẩy ra nước ngoài và gây tổn hại cho môi trường.

Ngay cả sau khi ông Obama gặp gỡ những thành viên chủ chốt của đảng mình hôm thứ Sáu, lãnh đạo khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẽ chống đối dự luật này.

Về phía Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói rằng ông sẽ ủng hộ dự luật này.

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhìn chung ủng hộ những hiệp định thương mại tự do như vậy, nhưng nhiều người trong đảng này không muốn đóng một vai trò trong việc trao cho ông Obama điều được coi là một thành tựu chính trị to lớn, đặc biệt là trước những cuộc bầu cử năm 2016.

Tòa Bạch Ốc vẫn đang tìm kiếm sự chấp thuận cho thẩm quyền đàm phán “cấp tốc” rất quan trọng.

Dự luật cấp tốc này, được gọi là Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), sẽ cho phép Tòa Bạch Ốc đàm phán với 12 quốc gia trong thỏa thuận TPP và những thỏa thuận khác giống như vậy mà không để Quốc hội sửa đổi bất cứ điều gì trong những thỏa thuận đó ngoài việc phê chuẩn hoặc bác bỏ.

Từ chối cấp thẩm quyền đàm phán cấp tốc sẽ khiến cho chính quyền Obama khó khăn hơn trong việc có được thỏa thuận TPP, vốn đã chậm mấy năm so với lịch trình. Kết quả là ông Obama đã dốc nhiều nguồn lực chính trị quan trọng vào vấn đề TPA.

Những quốc gia đang đàm phán TPP bao gồm Mỹ, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Mexico, Malaysia, Nhật Bản, Chile, Canada, Brunei, và Australia. Thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu này nhắm mục tiêu chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu một khi hoàn tất.

Tòa Bạch Ốc cho biết TPP sẽ giúp tiếp phá dỡ bỏ những rào cản về thương mại toàn cầu, mở cửa những thị trường chưa được khai thác, và phát triển những nền kinh tế, trong khi tạo nên một đối trọng quan trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. – VOA

***
Dự luật TAA (Trade Adjustment Assistance) bị bác bỏ hôm qua 12/6 nhằm trợ giúp những người lao động Mỹ bị tác động bởi các hiệp định tự do mậu dịch. Luật này nếu được thông qua sẽ mở đường cho việc thiết lập thủ tục đàm phán nhanh (Trade Promotion Authority, TPA), theo đó Quốc hội chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ mọi hiệp định tự do mậu dịch do chính phủ ký kết, chứ không được sửa đổi bất cứ điểm gì.

Thật ra thì luật riêng về TPA đã được Hạ viện thông qua hôm qua, nhưng dự luật này không thể được đưa lên tổng thống ký phê chuẩn, bởi vì văn bản luật của Thượng viện gộp chung TAA và TPA với nhau.

Kết quả bỏ phiếu hôm qua ở Hạ viện là một vố đau đối với tổng thống Barack Obama, vốn xem tự do mậu dịch là ưu tiên hàng đầu về kinh tế trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông. Cụ thể là trước khi rời khỏi Nhà trắng vào tháng 01/2017, ông Obama hy vọng sẽ ký được hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, với 11 nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Sau một cuộc tranh cãi gay gắt, Thượng viện Mỹ, mà đảng Cộng hòa chiếm đa số, ngày 22/05 vừa qua đã thông qua luật TPA, nhưng thất bại hôm qua tại Hạ viện, buộc các nghị sĩ phải xét lại chiến lược để có thể tổ chức một cuộc biểu quyết mới. Từ Washington, thông tín viên RFI gởi về bài tường trình:

“Trong khi các dân biểu Cộng hòa ồ ạt bỏ phiếu thuận cho dự luật về đàm phán nhanh các hiệp định tự do mậu dịch, tổng thống Barack Obama lại không có được phiếu của khoảng 20 dân biểu Dân chủ mà ông cần.

Phát ngôn viên của Nhà trắng, Josh Earnest, nhấn mạnh rằng văn bản luật nói trên có lợi cho tầng lớp trung lưu, bởi vì nó bảo đảm sự trợ giúp cho những người lao động nào có thể bị mất việc làm trong trường hợp ký hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông nhắc lại rằng: “Chương trình này đặc biệt có thể giúp rất nhiều cho thành phần trung lưu và chúng ta biết là nhiều dân biểu Dân chủ của Hạ viện đã ra tranh cử chính là nhằm giúp thành phần trung lưu và để thành phần này có một tiếng nói tại Washington.”

Nhưng như lời bà Nancy Pelosi, lãnh đạo khối Dân chủ tại Hạ viện, họ muốn có một hiệp định tốt hơn cho người lao động Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Hạ viện tổ chức một cuộc biểu quyết mới. Trong bản thông cáo, ông lưu ý rằng các quy định, luật lệ của nền kinh tế thế giới không thể do các nước như Trung Quốc quyết định, mà phải do Hoa Kỳ viết ra.” – RFI