Tin Thế Giới – 13/12/2014
Đức Giáo hoàng không gặp Đạt Lai Lạt Ma để tránh phật lòng Trung Cộng
Theo tin báo chí, “Hội nghị các giải Nobel Hòa bình” lần thứ 14 sẽ được diễn ra ở Roma. Dù rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma có mặt ở Roma để tham dự Hội nghị nói trên, nhưng sẽ không có một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thông tín viên Huê Đăng cho biết thêm chi tiết.
Huê Đăng: Trước hết tôi xin phép tóm tắt sơ lược về buổi Hội nghị: trong ba ngày 12, 13 và 14/12/2015 tại Roma diễn ra “Hội nghị lần thứ 14 của những nhân vật đã được trao giải Nobel về hòa bình”. Như ta đã biết là Hội nghị này đúng ra đã phải được tổ chức hồi tháng 9 ở thành phố Cape Town ở Nam Phi, nhưng do sự phản đối của công luận trong việc chính quyền Nam Phi đã không cấp thị thực nhập cảnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Do vậy, dự định tổ chức ở Nam Phi đã bị hũy bỏ và sau đó Hội nghị đã được dời sang Roma. Theo chương trình, Hội nghị sẽ hội thảo về các khả năng để phòng chống lại các mối đe dọa chiến tranh và bạo lực tình dục, về các sáng kiến để gìn giữ hòa bình ổn định, đặc biệt là nhấn mạnh đến vai trò của các cơ chế tổ chức quốc tế.
Khác với trường hợp của Nam Phi, chính phủ Ý đã không hề đặt ra vấn đề nhập cảnh đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thậm chí các lực lượng dân chủ tiến bộ của Ý đã hoan nghênh sự có mặt của các vị Nobel về hòa bình.
Nhưng sáng hôm qua, 12/12/2015, các mạng truyền thông đã đưa tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối không gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo báo chí thì từ mấy tuần trước Tòa thánh Vatican đã nhận được yêu cầu của phái đoàn Tây Tạng để có được một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng sau khi xem xét điều nghiên, phía Tòa thánh Vatican đã từ chối buổi gặp gỡ.
RFI: Vì những lý do gì mà Đức Giáo Hoàng đã từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma? Trong khi Tòa thánh Vatican vẫn luôn luôn đề tao tinh thần liên tôn giáo như một trong những đường lối của Tòa thánh?
Huê Đăng: Theo báo chí, quyết định từ chối hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma là bởi vì Tòa thánh Vatican không muốn “can thiệp vào quan hệ xung đột giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Trung Quốc”, tức là Tòa thánh đã chấp nhận áp lực đến từ phía chính quyền Bắc Kinh vốn xưa nay vẫn liên tục áp lực lến tất cả các chính phủ trên thế giới để các chính phủ này “cô lập” Ngài.
Vẫn theo báo chí Ý, nguồn tin trên cũng đã được phía Tòa thánh Vatican xác nhận. Điều đáng chú ý là cũng chính vì áp lực của chính phủ Trung Cộng mà Nam Phi hồi tháng 9 đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và do đó “Hội nghị lần thứ 14 của những nhân vật đã được trao giải Nobel về hòa bình” đã phải di dời từ Cape Town sang Roma.
Điều này khẳng định một lần nữa chính sách gây áp lực của chính quyền Bắc Kinh lên bất cứ một chính phủ nào, một cơ quan nào, một tổ chức nào để tìm cách cô lập Đức Đạt Lai Lạt Ma và bóp nghẹt những yêu cầu tự do dân chủ của người Tây Tạng.
Thực ra, chuyện Trung Cộng gây áp lực lên các chính phủ không phải là điều gì mới mẻ, trong quá khứ cũng đã từng xẩy ra với một số chính phủ, nhưng cái mới mẻ lần này là chính TC gây áp lực lên Tòa thánh Vatican, vốn là một cơ chế tôn giáo có tính toàn cầu chứ không phải là một chính phủ của một quốc gia, và nhất là Vatican vẫn luôn luôn đề cao tinh thần liên tôn giáo.
RFI: Các mạng truyền thông có đưa ra nhận xét nào về nguyên nhân vì sao mà Tòa thánh Vatican đã chấp nhận áp lực của Trung Quốc?
Huê Đăng: Có chứ. Theo tin báo chí, hiện nay Tòa Thánh Vatican và chính quyền Bắc Kinh đang trong vòng đàm phán để có thể tiến đến một khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican. Một trong những tín hiệu cho thấy là đàm phán đang có những kết quả như hai bên mong muốn là hồi hè vừa rồi chính phủ Bắc Kinh đã đồng ý cho chuyên cơ chở Đức Giáo Hoàng từ Roma sang công du ở Nam Hàn được quyền bay trên không phận của Trung Quốc, điều mà từ xưa đến nay chưa bao giờ xẩy ra.
Và cũng chính lần đó Đức Giáo Hoàng từ trên chuyên cơ đã lập tức gởi điện thư đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để chúc mừng “nhân dân Trung Quốc”. Cũng vẫn theo các nguồn tin báo chí thì hiện nay từ phía chính quyền Bắc Kinh đã đề ra với Vatican hai “phương án” để giải quyết vấn đề “tấn phong Giám mục”, vì như ta đã biết là cho đến nay ở Trung Quốc các Giám mục không do Tòa thánh trực tiếp tấn phong, mà do “Hội đồng Giám mục của Giáo hội yêu nước Trung Quốc” đãm nhận.
Phương án thứ nhất là các ứng cử viên vào chức Giám mục sẽ được các giáo phận tuyển chọn thông qua các thủ tục “dân chủ” hiện hành ở Trung Quốc, sau khi các giáo phận nhận được sự đồng ý của Hội đồng Giám mục của Trung Quốc (tức là của Giáo hội yêu nước), và sau khi danh sách ứng cử viên đã được thông báo cho các cơ quan quản lý về tôn giáo của Trung Quốc, và cuối cùng các ứng cử viên giám mục sẽ được tấn phong chỉ sau khi có sự chấp thuận của Tòa Thánh Vatican.
Phương án thứ hai là Trung Quốc sẽ đệ lên Tòa Thánh tên của hai ứng cử viên. Và nếu Vatican không đồng ý “phê chuẩn” bất cứ người nào thì Trung Quốc sẽ phải lập lại quá trình lựa chọn từ đầu để tìm kiếm hai ứng cử viên mới.
Theo một số nguồn tin thì các cuộc đàm phán, vốn đã bắt đầu từ năm 2006, và theo dự tính là có thể sẽ kết thúc đàm phán vào khoảng đầu năm 2015 sắp tới. Và nếu quan hệ sẽ được thiết lập trong thời gian ngắn sắp tới, thì có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đi vào lịch sử với việc đưa hàng tỷ con chiên Trung Quốc lạc lõng trở về lòng Giáo hội. Mục tiêu cực kỳ lịch sử… nên Đức Giáo Hoàng đành phải “hy sinh” Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một phát ngôn viên của Vatican nói rằng mặc dù Đức Giáo hoàng “rất coi trọng” ông, yêu cầu của vị lãnh tụ người Tây Tạng đã bị từ chối “vì những lý do hiển nhiên”.
Trung Quốc gọi Đức Dalai Lama là phần tử gây chia rẽ và phản ứng giận dữ khi những nhân vật cao cấp nước ngoài gặp gỡ ông.
Dalai Lama chạy trốn sang Ấn Độ từ năm 1959 sau khi quân đội Trung Quốc nghiền nát một âm mưu nổi dậy ở Tây Tạng.
Ông đang vận động để đạt tới giải pháp “trung dung” hơn với Trung Quốc, tìm kiếm khả năng tự trị thay vì độc lập cho Tây Tạng.
Ông được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989.
“Giáo hoàng Francis rõ ràng là rất tôn trọng Đức Dalai Lama nhưng ông sẽ không gặp gỡ bất kỳ nhân vật đoạt giải Nobel nào,” một phát ngôn viên Tòa Vatican nói.
Người phát ngôn cũng cho biết thêm rằng Giáo hoàng sẽ gửi thông điệp qua video tới hội nghị.
Thất vọng
Phát ngôn viên của Đức Dalai Lama nói ông “thất vọng trước việc không thể gặp Đức Giáo Hoàng nhưng ông không muốn gây ra bất kỳ bất tiện nào”.
Các nhà phân tích cho rằng Vatican và Trung Quốc có mâu thuẫn trong việc kiểm soát Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát một cộng đồng chính thống mang tên gọi Hội những người Yêu nước có khoảng 12 triệu người.
Nhưng cũng có một hội khác tồn tại bí mật với số thành viên lớn hơn rất nhiều, chọn trung thành với Đức Giáo hoàng.
Khúc mắc nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican là bên nào có tiếng nói quyết định trong việc chỉ định các đức Giám mục.
Một quan chức Tòa Thánh nói quyết định của Giáo hoàng đối với Đức Dalai Lama “không phải vì sợ mà muốn tránh gây thêm khó khăn cho những người vốn đã phải chịu khổ sở”.
Lần cuối Dalai Lama tiếp xúc với Giáo hội là năm 2006 khi ông gặp Đức Giáo hoàng Benedict XVI. – Theo RFI, BBC
Nga phản đối dự luật ủng hộ Ukraine của Quốc Hội Mỹ
Nga chỉ trích một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua cho phép cấp 350 triệu đôla viện trợ quân sự cho Ukraine và những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các công ty quốc doanh chính của Nga.
Nếu Tổng thống Barack Obama ký thành luật Đạo luật Hỗ trợ Tự do Ukraine, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng và vũ khí xuyên thủng thiết giáp, radar chống pháo kích, máy bay trinh sát chiến thuật không người lái do binh sĩ điều khiển, thiết bị thông tin liên lạc và đạn dược.
Dự luật, được cả hai viện Quốc hội đồng lòng thông qua cuối ngày thứ Năm 11/12, cũng cho phép chính quyền Obama áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mới lên vũ khí xuất khẩu của công ty Rosobornexport và tập đoàn khí đốt thiên nhiên Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát.
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu nói rằng việc thông qua dự luật này là “hết sức đáng tiếc” do “bản chất công khai đối đầu” của dự luật.
Nga cáo buộc Mỹ một lần nữa đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ” nhắm vào Nga, và nói thêm rằng Nga sẽ không e ngại trước sự “hăm dọa,” không thỏa hiệp lợi ích quốc gia của mình, hay cho phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Đồng tác giả của dự luật, Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee thuộc đảng Cộng hòa, cho biết việc Quốc hội đồng lòng thông qua dự luật này chứng tỏ “cam kết vững chắc đối với chủ quyền của Ukraine.” Ông cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá cho điều mà ông gọi là “cuộc tấn công nhắm vào nền tự do và an ninh ở châu Âu.”
Nga chiếm quyền kiểm soát khu vực Crimea từ tay Ukraine vào đầu năm nay và bị nhiều nước cáo buộc hỗ trợ quân sự cho phiến quân thân Nga ở miền đông Ukraine. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Quốc Hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách quốc phòng, năm 2015 là 585 tỷ
Quốc hội Mỹ hôm 12/12 vừa thông qua dự luật ngân sách quốc phòng 585 tỉ đô la cho tài khóa mới.
Dự luật, gọi tắt NDAA, được Thượng viện chấp thuận với đa số áp đảo hôm thứ sáu, một tuần sau khi được Hạ viện thông qua.
Dự luật chi tiêu quốc phòng cho tài khóa 2015, vốn đã bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, giờ đây đang chờ Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Dự luật này bao gồm ngân khoản khẩn cấp mà ông Obama yêu cầu để dùng cho chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Luật này còn có những khoản tiền để huấn luyện cho phiến quân ôn hòa ở Syria và cho các lực lượng người Kurd ở Iraq trong vòng 2 năm.
Dự luật này buộc quân đội giữ lại đội máy bay A-10, là loại máy bay yểm trợ gần. Không quân Mỹ đã đề nghị loại khỏi biên chế hơn 100 chiếc A-10, nhưng dự luật này cấm thực hiện việc đó trong năm 2015.
Trong tổng chi quốc phòng cho năm ngân sách 2015 (tháng 10/2014 – tháng 10/2015), có 496 tỉ là ngân sách cơ bản cho Lầu Năm Góc, gần 64 tỉ dành cho các cuộc chiến ở nước ngoài và 17,9 tỉ về vũ khí nguyên tử. Thượng viện phê chuẩn với 89 phiếu thuận và 11 phiếu chống, còn Hạ viện trước đó đã thông qua với 300/119 phiếu. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký và ban hành.
Ngân sách này đảm bảo được kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm huấn luyện và trang bị lực lượng đối lập ôn hòa Syria chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, bảo vệ người dân và tạo lập điều kiện chấm dứt nội chiến tại Syria. Tương tự, chương trình huấn luyện lực lượng Kurdistan chống IS cũng được cho phép. Tổng cộng số tiền dành cho việc đối phó với IS là 5 tỉ đô la.
Các biện pháp kiểm soát chi tiêu nhân sự của Lầu Năm Góc, chiếm gần phân nửa ngân sách đã được đưa ra. Trợ cấp nhà ở cho quân nhân bị giảm 1%, và không nói đến chuyện tăng lương.
Máy bay A-10 Warthog chuyên hỗ trợ cho bộ binh vẫn được duy trì. Không quân Mỹ muốn loại ra kiểu máy bay vốn được Lục quân rất ưa chuộng, do A-10 Warthog có khả năng bay thấp và tiêu diệt xe tăng địch. Luật cũng bác bỏ việc loại hàng không mẫu hạm USS George Washington, mà tài trợ cho việc tân trang chiếc tàu này.
Đạo luật duy trì việc cấm di chuyển tù nhân trại giam Guantanamo sang Mỹ, dù Tổng thống phản đối. Quốc hội Hoa Kỳ cấm Lầu Năm Góc chuyển 136 tù nhân tại đây sang đất Mỹ để xét xử, chăm sóc sức khỏe, cầm tù hoặc bất kỳ lý do nào khác. Phe Cộng hòa lo ngại những người tù này có thể được thẩm phán cho trả tự do, trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia. – VOA, RFI
Hạ viện Mỹ đòi Washington xét lại quan hệ quân sự với Bắc Kinh
Chiều hướng cứng rắn của Mỹ đối với các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh tại các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương càng lúc càng rõ nét. Dấu hiệu mới nhất là yêu cầu hôm 10/12/2014 của một dân biểu đầy thế lực, đòi Lầu Năm Góc xét lại chính sách đối thoại quân sự với Trung Quốc.
Theo dân biểu này, lý do là vì chính sách của Washington mang lại cho Bắc Kinh quá nhiều lợi ích, nhưng không thuyết phục được quân đội Trung Quốc chấm dứt các hành động hiếu chiến ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong một bức thư dài ba trang gởi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work, Dân biểu Đảng Cộng hòa Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ đã yêu cầu “xem xét lại chính sách ‘giao lưu’ hiện hành với quân đội Trung Quốc… trong khuôn khổ một chủ trương rộng lớn hơn (của Lầu Năm Góc) nhằm rà soát lại các mục tiêu an ninh của Mỹ trong khu vực.”
Đối với ông Randy Forbes, chủ trương giao lưu để khuyến khích quân đội Trung Quốc hòa hoãn hơn đã mang lại kết quả ngược lại với mong đợi của Mỹ. Ông viết: “Vào lúc chúng ta tăng cường việc phát triển quan hệ giữa hai quân đội trong hai năm qua, các hành động của quân đội Trung Quốc lại chỉ trở nên hung hãn hơn… Các sự cố liều lĩnh trên biển và trên không đã liên tục xẩy ra và Trung Quốc đã sử dụng nhiều hình thức cưỡng bức mới nhắm vào các láng giềng của họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Trang mạng tờ báo Mỹ Washington Free Beacon vào hôm qua đã nêu bật nhiều sự cố đã khiến cho vị chủ tịch Tiểu ban Hải lực của Hạ viện Mỹ phải lên tiếng. Tờ báo đã nhắc lại các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xây dựng cơ sở trên các đảo đá đang tranh chấp, cho máy bay và tàu quân sự cản mũi phi cơ hay chiến hạm Mỹ trong vùng, những hành vi đã từng bị Lầu Năm Góc mô tả là “nguy hiểm” và “khiêu khích”.
Một cách kín đáo hơn, Bắc Kinh cũng lợi dụng giao lưu quân sự để “học lóm” công nghệ hay kỹ thuật của Mỹ. Tờ Washington Free Beacon đã nêu lên vụ Tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) được mời lên tham quan tàu sân bay USS Ronald Reagan ở San Diego vào tháng năm vừa qua. Ít lâu sau, một đô đốc hải quân Trung Quốc đã về hưu xác nhận với thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tướng Phòng Phong Huy đã thu thập được các thông tin có giá trị về năng lực của chiếc USS Reagan.
Ngoài ra, vào tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã cho chiến đấu cơ tàng hình đời mới nhất của họ bay thử. Chiếc J-31 của Trung Quốc tuy nhiên đã được cho là sử dụng công nghệ của loại phi cơ Mỹ F-35 mà Quân đội Trung Quốc bị tình nghi là đã đánh cắp được thông qua các cuộc tấn công tin học nhắm vào một nhà thầu phụ của tập đoàn chế tạo máy bay Lockheed Martin của Mỹ.
Theo giới quan sát, thái độ nghi ngại Trung Quốc của Dân Biểu Mỹ Randy Forbes không phải là cá biệt, mà phản ảnh một phản ứng chung của dư luận Mỹ trước những hành vi thái quá của Trung Quốc, không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà cả đối với các láng giềng của Trung Quốc.
Mới đây, trong một động thái hiếm hoi, Hạ viện Mỹ ngày 03/12 vừa qua, đã thông qua Nghị quyết H. Res-714 lên án các hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế trên các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà tác giả là Trung Quốc. – RFI