Tin Thế Giới – 13/11/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 13/11/2015

Đối lập Myanmar chiếm đủ ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ — Đảng đối lập chiếm đa số tuyệt đối cả hai viện

Đảng đối lập Myanmar Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc (NLD) đã chiếm được đa số tuyệt đối số ghế trong quốc hội, thắng áp đảo Đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) được chính phủ và quân đội ủng hộ. Kết quả cuộc bầu cử được Ủy ban Bầu cử công bố ngày thứ Sáu 13/11 cho thấy sự toàn thắng của NLD. Việc này sẽ cho phép NLD vượt qua quyền phủ quyết của quân đội trong quốc hội lưỡng viện gồm 664 ghế, được biết dưới tên Pyidaungsu Hluttaw, để chọn tổng thống.

Quân đội Myanmar và những đảng lớn trong quốc hội sẽ đề cử các ứng viên tổng thống vào tháng Hai sang năm. Người có số phiếu cao nhất sẽ là tổng thống, hai người có số phiếu kế tiếp sẽ là phó tổng thống.

Theo một điều khoản được hội đồng quân nhân cầm quyền lúc bây giờ đưa vào hiến pháp, bà Aung San Suu Kyi bị cấm không được trở thành tổng thống vì con bà là công dân nước ngoài. Cả hai con bà cũng như người chồng quá cố của bà là công dân Anh.

Nhà lãnh đạo NLD trước đây đã nói nếu đảng của bà thắng, bà sẽ là người chỉ thị cho tân tổng thống phải làm gì.

Hôm thứ Năm, khi chúc mừng cả Tổng thống Thein Sen lẫn nhà lãnh đạo NLD về “cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar,” Tòa Bạch Ốc nói nước này cần thực hiện thêm nhiều bước dân chủ nữa kể cả việc thay đổi hiến pháp để bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành tổng thống.

Cố vấn về chính sách đối ngoại của Tòa Bạch Ốc, ông Ben Rhodes hôm thứ Năm nói “ngay cả với cuộc bầu cử này, 25% số ghế trong quốc hội cũng dành cho quân đội. Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần trong vài năm qua là một sự chuyển quyền cai trị hoàn toàn cho dân sự tại Miến Điện sẽ đòi hỏi một tiến trình cải cách hiến pháp”.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm với ban Miến Điện Đài Á châu Tự do, bà Aung San Suu Kyi cảnh báo rằng tiến trình bầu cử “chưa kết thúc”. Bà cũng cảnh báo những người ủng hộ là cần phải tự chế đừng có những hành động khiêu khích trong những tuần và tháng tới.

Bà cho biết sau khi thành lập một chính phủ mới, NLD sẽ đưa ra một thời điểm “rõ ràng và chính xác” cho công cuộc cải cách.

Nhà lãnh đạo NLD nói: “Tôi có thể thấy được mục tiêu người dân mong muốn vẫn còn xa và cuộc bầu cử này chỉ là bước đầu”.

Tính đến giữa ngày thứ Sáu, NLD đã chiếm được 348 ghế tại cả hai viện quốc hội trong khi đảng USDP bị bỏ đằng sau rất xa, chỉ được 40 ghế. Những đảng nhỏ hơn, gồm có những đảng có căn cứ tại các vùng hay những đảng sắc tộc thiểu số và những ứng cử viên độc lập tất cả chỉ chiếm được chưa đến 30 ghế.

Hơn 30 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật. Các quan sát viên quốc tế hầu hết ca ngợi cuộc bầu cử này thành công, nhưng nêu lên quan ngại về bất bình của người Hồi Giáo và những sắc tộc thiểu số khác về sự minh bạch trong việc kiểm phiếu bầu đã bỏ trước.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Myanmar kể từ khi hội đồng quân nhân thành lập một chính phủ bán dân sự vào năm 2011, sau gần 50 năm cầm quyền, và một năm sau khi kết thúc gần hai thập niên bị giam giữ tại gia của bà Aung San Suu Kyi và việc cấm đảng NLD hoạt động được bãi bỏ. – VOA

***
Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ, đã giành được thắng lợi lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 08/11/2015 vừa qua: đảng của bà chiếm được đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện và Thượng viện Miến Điện.

Theo AP, Ủy ban bầu cử Miến Điện, ngày hôm nay, 13/11/2015 ra thông báo: mặc dù chưa kiểm phiếu hết, nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành được tổng cộng 348 ghế ở cả hai viện, trong khi chỉ cần 329 ghế trong tổng số 664 ghế là có đa đa số.

Do tình hình căng thẳng ở một số nơi trước cuộc bầu cử, cuộc bỏ phiếu đã không được tổ chức ở bẩy địa điểm. Chính vì thế, chỉ cần có 329 ghế là đủ để có được đa số ở cả Hạ viện (Quốc hội) và Thượng viện (Hội đồng các sắc tộc). Trong khi đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã chính thức 110 ghế tại Thượng viện và 238 ghế tại Hạ viện – cho phép tân Quốc hội thông qua các đạo luật do chính phủ đề xuất, mà không cần phải liên minh với các đảng phái khác.

Tính đến chiều nay, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, được quân đội ủng hộ, chỉ có được tổng cộng 40 ghế.

Theo Hiến pháp hiện hành của Miến Điện, quân đội được quyền chỉ định 25% tổng số ghế ở Hạ viện và Thượng viện và bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống do có con mang quốc tịch nước ngoài.

Tuy vậy, với kết quả kiểm phiếu được công bố chính thức, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ đứng ra lựa chọn tân Tổng thống và lập chính phủ. Đây là thắng lợi vượt quá mong đợi của phe đối lập.

Từ Rangoon, thông tín viên RFI Remy Favre gửi về bài tường trình:

“Giành được được đa số tuyệt đối có nghĩa là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể lựa chọn Tổng thống. Đây là thắng lợi đầu tiên tại Miến Điện, nơi giới tướng lãnh thống trị chính trường từ hơn 50 năm qua. Tổng thống Miến Điện có nhiều quyền hành như bổ nhiệm phần lớn các Bộ trưởng, cho dù quân đội được quyền bổ nhiệm Bộ trưởng một số bộ chủ chốt. Như vậy, đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền hành pháp với quân đội. Hiện nay, một số nhóm sắc tộc thiểu số lo ngại là không có đại diện của họ trong các định chế mới ở Miến Điện.

Vậy thì ai trong số các lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ trở thành Tổng thống của Miến Điện? Bà Aung San Suu Kyi không thể đảm nhiệm chức vụ này. Bản Hiến pháp do giới tướng lãnh làm ra trước đây chỉ để chống lại bà, ngăn cản bà trở thành Tổng thống. Thế nhưng, trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Aung San Suu Kyi không nêu ra một ai để đảm nhiệm chức vụ Tổng thống và trước các đám đông, bà vẫn chỉ xuất hiện một mình, trừ lúc bà đọc bài diễn văn trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng. Bà chỉ nói là bản thân bà sẽ giữ một vị trí đứng trên Tổng thống cho dù Hiến pháp Miến Điện không nói đến trường hợp này. Bà tuyên bố rằng tân Tổng thống sẽ làm những gì mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bảo phải làm. Nói một cách khác, đó là Tổng thống bù nhìn”. – RFI

Trung Quốc: Chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia

Trung Quốc khẳng định chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, trong lúc Jakarta dọa kiện Bắc Kinh ra toà án quốc tế về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay nói Bắc Kinh “không phản đối đòi hỏi chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna”.

Người phát ngôn này cũng cho biết Indonesia không có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa và cho là lãnh thổ của mình.

Phát biểu vừa kể được đưa ra một ngày sau khi ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh của Indonesia, cho biết nước ông có thể trở thành quốc gia thứ nhì trong khu vực kiện Trung Quốc vì yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, nếu Bắc Kinh và Jakarta không thể giải quyết vụ tranh chấp lãnh thổ này thông qua đối thoại.

Ông Luhut hôm thứ tư cho biết chính phủ ở Jakarta đang ra sức làm việc về vấn đề này và tìm cách tiếp xúc với giới hữu trách ở Bắc Kinh để thảo luận về những mối quan tâm đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông nói “Chúng tôi muốn thấy một giải pháp cho vấn đề này trong tương lai gần thông qua đối thoại, nếu không, chúng tôi có thể đưa vấn đề này ra trước Toà án Hình sự Quốc tế.” – VOA

B-52 bay gần đảo nhân tạo của Trung Quốc

Hai phi cơ ném bom B-52 của Hoa Kỳ đã bay gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông.

Tin cho hay kiểm soát không lưu của Trung Quốc trên mặt đất đã liên lạc với các phi cơ này này nhưng các phi cơ vẫn tiếp tục theo hành trình đã định, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết.

“Chúng tôi tiến hành các chuyến bay B-52 trong không phận quốc tế tại khu vực đó từ trước tới nay,” người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nói với báo giới.

Được biết các chuyến bay này được tiến hành vào đêm ngày 8 và 9 tháng 11 và ở khu vực quần đảo Trường Sa nhưng không nằm trong vùng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết.

“Các phi cơ B-52 bay trong hành trình thường kỳ ở Biển Đông,” cất cánh và hạ cánh tại Guam, ông Urban nói.

Tháng trước, một tàu khu trục của Hoa Kỳ đã thách thức giới hạn lãnh thổ quanh một trong những đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa trong sứ mệnh tuần tra được gọi là tự do hàng hải, một động thái thách thức đáng kể nhất trước các tuyên bố chủ quyền tại các đảo mà Bắc Kinh cơi nới.

Phát ngôn viên Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói rằng ông không biết liệu Biển Đông có được vào chương trình nghị sự chính thức tại bất kỳ phiên họp nào trong ba sự kiện họp thượng đỉnh tại châu Á mà Tổng thống Obama sẽ tham dự hay không, nhưng nói thêm rằng Biển Đông sẽ là đề tài “trong tâm trí và cửa miệng” của giới lãnh đạo nhóm họp tại đây.

Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Barack Obama sẽ là Manila nơi ông dự họp Thượng đỉnh APEC và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Hoa Kỳ sau đó sẽ bay đến Kuala Lumpur, Malaysia để dự hội nghị thượng đỉnh khối Asean và thượng đỉnh Đông Á.

“Chúng tôi khá quan ngại về việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do vận tải thương mại trong khu vực Biển Đông,” ông Earnest nói với các phóng viên.

“Và chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên, lớn và nhỏ, nhằm giải quyết những khác biệt qua con đường ngoại giao và làm sao để cố gắng không sử dụng kích cỡ và và sức mạnh của các nước này nhằm đe dọa các nước láng giềng.”

Trong một động thái nhằm tỏ rõ quyết tâm của Hoa Kỳ, ông Obama sẽ tham gia vào những gì mà Tòa Bạch ốc mô tả là “một sự kiện làm nổi bật sự quyết tấm của Hoa Kỳ hỗ trợ an ninh hàng hải cho Philippines”. Giới chức Mỹ đã không nói cụ thể sự kiện này là gì.

Vào đầu tháng này Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ cần “đình chỉ tất cả mọi hành vi và lời nói sai lầm” sau khi có tin Mỹ sẽ tuần tra ở Biển Đông thường xuyên.

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/11 nói tàu chiến Mỹ sẽ tối thiểu tiến hành tuần tra 2 lần mỗi quý ở khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Trường Sa.

Phản ứng ngày 3/11, người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc sẽ cương quyết ứng phó việc này.

“Trung Quốc luôn tôn trọng và giữ gìn tự do hàng hải và hàng không trên Nam Hải của các nước theo Luật Quốc tế, song, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào làm tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cái cớ tự do hàng hải và hàng không trên Nam Hải.”

Bà Hoa nói tiếp: “Đối với những thách thức có dụng tâm xấu của bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc đều sẽ ứng phó một cách cương quyết.”

“Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình trên biển và không phận biển Nam Hải.” – BBC

Chuyên gia TQ: Không ngạc nhiên khi TT Obama không đến Việt Nam

Trong bài đăng trên trang web của đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV. com), nhà nghiên cứu Linh Đức Quân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thế giới vụ của Thông tấn xã Trung Quốc nói việc Tổng thống Mỹ Barack Obama không ghé Việt Nam trong chuyến đi châu Á để tham dự cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và hội nghị APEC ở Philippines đã khiến cộng đồng thế giới chú ý.

Tổng thống Obama với chiến lược “tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương” đã 9 lần đi thăm các quốc gia Á châu trong thời gian 7 năm qua. Chỉ có Brunei, Lào và Việt Nam là ông chưa đặt chân đến. Nhà nghiên cứu này cho rằng Brunei là một quốc gia nhỏ bé, còn Việt Nam và Lào là hai nước cộng sản. Việt Nam có lực lượng quân đội hùng mạnh và chiếm giữ vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Obama trong những lần gặp các lãnh đạo Việt Nam tại Mỹ đều nói ông sẽ đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Cả báo chí Mỹ và Việt Nam đều dự đoán ông Obama sẽ tới Việt Nam trong chuyến công du châu Á trong tháng này nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm 20 quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam.

Chuyên gia Linh Đức Quân nói sau khi Bắc Kinh và Hà Nội loan báo chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, Tòa Bạch Ốc đã thông báo Tổng thống Obama sẽ không đến Việt Nam trong năm nay, khiến nhiều chuyên gia về chính trị và các đồng minh Mỹ bất ngờ.

Một số chuyên gia nói do lịch trình làm việc của ông Obama quá dày đặc, nhưng theo ông Linh Đức Quân, đó chỉ là lý do bào chữa, vì nếu ông Obama thực sự muốn đến Việt Nam, ông có thể sắp xếp thời gian cho việc này.

Nhà nghiên cứu này nói nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ không hứng thú đến Việt Nam sau khi Chủ tịch Tập đến đây. Trong khi đó, một số người suy đoán Tòa Bạch Ốc đang chờ Hà Nội phải cúi mình chấp nhận những đòi hỏi của Washington.

Một lý do khác là Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn đến việc tiếp xúc với những tân lãnh đạo sắp lên của Hà Nội sau kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 vào đầu năm tới.

Hoa Kỳ sẽ bầu tổng thống mới vào tháng 11 năm tới. Do đó ngay cả nếu Tổng thống Obama có sắp xếp đến Việt Nam vào tháng 6 tới thì chuyến đi này, theo ông Linh Đức Quân, cũng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng chứ không có gì khác hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Philippines Aquino trong hội nghị APEC vào tuần tới để bàn về vấn đề Biển Đông và Hiệp định Nâng cao Hợp tác Quốc phòng.

Cuộc họp giữa hai vị tổng thống được ấn định vào ngày 18/11, vài giờ trước khi hội nghị tập trung về các vấn đề kinh tế, không liên quan đến chính trị, quân sự và an ninh, giữa các lãnh đạo APEC diễn ra ở Manila.

Philippines cùng với Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và Brunei đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.

Sự kiện Washington gần đây đưa chiến hạm đến tuần tra trong khu vực này đã khiến cho Bắc Kinh nổi giận, trong khi dư luận Việt Nam nhiều người hoan nghênh động thái “khẳng định tự do hàng hải” của Hoa Kỳ trong “vùng biển quốc tế”. – VOA