Tin Thế Giới – 13/7/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 13/7/22

Sách lược của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan chứng tỏ quyết tâm thống nhất ngày càng cao

14/07/2022 – VOANews – Một chiến lược Trung Quốc vạch ra trong tháng này đối với Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị, cho thấy quyết tâm của chính phủ Cộng sản trong việc thống nhất hai bên mà không cần đưa ra bất kỳ mối đe dọa mới nào, theo các chuyên gia.

Ông Denny Roy, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, cho biết tuyên bố từ Văn phòng Các vấn đề Đài Loan chủ yếu khuyếch đại những tham vọng đã nêu trước đây của Trung Quốc.

Ông Lưu Kết Nhất, người đứng đầu Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Đài Loan, nói chiến lược này sẽ giải quyết các rủi ro liên quan đến Đài Loan bằng cách tạo ra một “môi trường thuận lợi”, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ông Lưu nói, Trung Quốc muốn hòa bình hơn là xung đột với Đài Loan và
hứa hẹn một mức độ tự chủ theo mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” nếu
được thống nhất.

Ông Lưu Kết Nhất, người đứng đầu Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Đài Loan.
Ông Lưu Kết Nhất, người đứng đầu Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Đài Loan.

Ông nói “sức mạnh toàn diện” của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp thống
nhất hai bên và căng thẳng giữa họ sẽ mờ dần khi sức mạnh đó được xây
dựng.

Ông Roy nói: “Bất cứ điều gì khiến Bắc Kinh nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía họ là tốt, bởi vì điều đó củng cố cho trường hợp kiên nhẫn, thay vì tấn công trong tương lai gần vì tin rằng các xu hướng này không có lợi cho Trung Quốc”.

Giương oai diễu võ

Theo ông Lưu, thách thức lớn nhất đối với chiến lược này là người dân Đài Loan đang thúc đẩy độc lập.

Ông Brian Hioe, biên tập viên sáng lập của hãng truyền thông New Bloom có trụ sở tại Đài Loan, nói Đài Loan nên dự kiến sẽ có thêm những sự giương oai diễu võ, đặc biệt là sau tuyên bố vào giữa tháng 6 của Trung Quốc rằng eo biển giữa họ là vấn đề lãnh thổ chứ không phải là vấn đề quốc tế.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo tự trị kể từ cuộc nội chiến Trung Quốc vào những năm 1940, khi Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thua những người Cộng sản của Mao Trạch Đông và đặt lại căn cứ ở Đài Loan, còn được gọi là Trung Hoa Dân Quốc. Bắc Kinh cho biết họ sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, để thống nhất hai bên. Trung Quốc và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức và đã không nói chuyện kể từ năm 2015.

Kể từ giữa năm 2020, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới một phần của vùng nhận dạng phòng không Đài Loan hầu như mỗi ngày.

Tuần trước, để phản ứng trước chuyến thăm Đài Loan của Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott, ông Wu Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói Bộ Tư lệnh phía Đông của họ đã tổ chức một cuộc “tuần tra an ninh sẵn sàng chiến đấu chung và các diễn tập huấn luyện chiến đấu” xung quanh không phận Đài Loan “để đáp trả trước các hành động thông đồng và khiêu khích xấu xa của Hoa Kỳ và khu vực Đài Loan,” theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Tiếp sau các cam kết

Vào tháng 11, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cho biết họ sẽ đưa ra một chiến lược Đài Loan dựa trên tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố của văn phòng Đài Loan ngỏ ý sẽ tiếp tục theo dõi trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm 2022, ông Roy nói. Đại hội này họp năm năm một lần.

Bà Joanna Lei, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Thế kỷ 21
Chunghua tại Đài Loan, nói tuyên bố của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan
không có mối đe dọa mới nào.

Phản hồi của Đài Bắc

Tại Đài Bắc ngày 12/7, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của chính phủ đã bác bỏ chiến lược của Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Hội đồng, Chiu Chui-cheng, nói: “Các quan chức ở Bắc Kinh không muốn nhìn đúng vào thực tế cơ bản rằng hai bờ Eo biển Đài Loan không liên kết với nhau.”

Hầu hết người dân Đài Loan phản đối việc thống nhất và dân Đài Loan nên được tự quyết định loại quan hệ nào họ muốn với Trung Quốc, ông Chiu nói trong một cuộc họp báo.

Một cuộc thăm dò được công bố vào đầu năm nay bởi Trung tâm Nghiên
cứu Bầu cử của Đại học Quốc lập Chính trị cho thấy hơn phân nửa số cư
dân Đài Loan muốn giữ nguyên hiện trạng vô thời hạn hoặc quyết định sau
về vấn đề thống nhất với Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/sach-luoc-cua-trung-quoc-ve-van-de-dai-loan-chung-to-quyet-tam-thong-nhat-ngay-cang-cao/6657615.html

Úc chuẩn bị chiến lược quốc phòng mới đối phó với Trung Quốc

13/07/2022 – Thu Hằng – Chính phủ mới của Úc đang nghiên cứu bối cảnh quốc phòng và cấu trúc lực lượng quân đội để thích ứng với việc Trung Quốc “đang tìm cách kiến tạo lại thế giới xung quanh chúng ta”.

Trong buổi nói chuyện ngày 11/07/2022 tại Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (ISIS), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cho biết vào đầu năm 2023, sẽ công bố tài liệu giúp giải đáp một số câu hỏi quan trọng: “Chúng ta đang ở đâu?” và “Chúng ta sẽ phải đi đâu?”

Trong chiến lược mới này, “Úc phát triển vũ khí tầm xa, kiên định với việc xây dựng lực lượng tầu ngầm hạt nhân” và kết hợp với Hoa Kỳ để tăng khả năng ngăn chặn tiếp cận trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tìm cách thao túng các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra, Úc cũng “lo ngại việc Trung Quốc sử dụng vũ lực” ở Biển Đông, tương tự như Nga đang làm với cuộc xâm lược Ukraina, có nghĩa là sẵn sàng tấn công trực diện trật tự thế giới, dùng vũ lực thay vì ưu tiên đối thoại.

Theo trang USNI News ngày 12/07, phó thủ tướng Úc cho biết “chiến lược mới là cách đáp trả thận trọng” đặc biệt trong bối cảnh quân đội Trung Quốc không ngừng đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây. “Điều này làm thay đổi hoàn toàn môi trường an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Do đó, các đồng minh, như Úc và Mỹ, “không thể đứng yên” trước những mối đe dọa ngày càng lớn.  

Canberra muốn Mỹ can thiệp nhiều hơn vào khu vực, đặc biệt là gia tăng hiện diện quân lính, tầu chiến, chiến đấu cơ. Chính phủ mới dường như muốn đóng vai trò rõ ràng hơn khi cho rằng Úc có nhiệm vụ “chia sẻ gánh nặng về lực lượng chiến lược” với Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Bác bỏ những nhận định cho rằng các liên minh quân sự (ANZUS, NATO) là tàn dư của Chiến trạnh Lạnh, bộ trưởng Quốc Phòng Úc nhấn mạnh những thỏa thuận đó cho phép các nước huy động “kết hợp các nguồn lực” để phối hợp lực lượng và mở rộng khả năng quốc phòng.

Về vấn đề Đài Loan, ông Richard Marles cho biết Úc không ủng hộ thay đổi nguyên trạng và luôn tôn trọng nguyên tắc “Một nước Trung Hoa duy nhất”

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220713-%C3%BAc-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-m%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

Phu nhân Biden xin lỗi khi ví dân châu Mỹ Latin như ‘bánh taco’

13/07/2022 – Reuters – Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden xin lỗi về lời ca ngợi của bà dành cho người châu Mỹ Latin bị chỉ trích khi bà ví von hôm 11/7 rằng họ độc đáo như “những chiếc bánh taco điểm tâm”.

“Đệ nhất phu nhân xin lỗi rằng lời lẽ của bà không ngụ ý ám chỉ gì ngoài sự ngưỡng mộ và tình yêu thuần túy dành cho cộng đồng người châu Mỹ Latin”, phát ngôn viên của bà, Michael LaRosa, nói ngày 12/7.

 Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden.
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden.

Hiệp hội Ký giả gốc châu Mỹ Latin Quốc gia vào tối ngày 11/7 nói bà Biden và các phụ tá soạn diễn văn cho bà nên hiểu rõ hơn về sự đa dạng của người châu Mỹ Latin.

Hiệp hội nói: “Chúng tôi không phải là những chiếc bánh taco.”

Phát biểu ở San Antonio tại hội nghị thường niên của UnidosUS ngày 11/7, trước đây được gọi là Hội đồng Quốc gia La Raza, bà Biden đã cố gắng ca ngợi ông Raul Yzaguirre, người Mỹ gốc Mexico, người đã lãnh đạo tổ chức vận động và dân quyền trong 30 năm.

“Ông Raul đã giúp xây dựng tổ chức này với sự hiểu biết rằng sự đa dạng của cộng đồng này, khác biệt như bodegas ở Bronx, đẹp như hoa ở Miami, và độc đáo như món bánh taco điểm tâm ở San Antonio, là sức mạnh của các bạn,” bà Biden nói.

Trên khắp Thành phố New York, các cửa hàng tạp hóa được gọi là bodegas thường do các tiểu thương người Dominica hoặc Puerto Rico điều hành. Bà Biden đã phát âm sai từ này thành “bogotas.”

Những người bảo thủ trên mạng xã hội cũng nhảy vào phản đối, nói rằng
sẽ có sự phẫn nộ nếu một đảng viên Cộng hòa nổi tiếng đưa ra nhận xét
tương tự.

“Không có gì ngạc nhiên khi người châu Mỹ Latin đang bỏ chạy khỏi Đảng Dân chủ!” dân biểu Mỹ Andy Biggs, một đảng viên Cộng hòa từ Arizona, đã viết trên Twitter.

https://www.voatiengviet.com/a/phu-nhan-biden-xin-loi-khi-vi-dan-chau-my-latinh-nhu-banh-taco/6656106.html

(AFP) – Anh: 8 ứng viên đảng Bảo Thủ trong cuộc đua thay vị trí thủ tướng Boris Johnson. Ngày 12/07/2022, tám chính trị gia đã có đủ 20 người đỡ đầu trong cuộc đua giành chức chủ tịch đảng Bảo Thủ, gồm Rishi Sunak, Liz Truss, Tom Tugendhat, Penny Mordaunt, Kemi Badenoch, Nadhim Zahawi, Jeremy Hunt và Suella Braverman. Trong ngày 13/07, họ phải huy động được 30 dân biểu ủng hộ để vượt qua được vòng bỏ phiếu đầu tiên. Các vòng bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức cho đến khi chọn ra được 2 ứng viên trước kỳ nghỉ hè từ 22/07. Tên của thủ tướng Anh tương lai sẽ được biết vào ngày 05/09 sau khi được thành viên của đảng bầu ra.

(AFP) – Mỹ khẳng định tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Trong thông cáo ngày 12/07/2022, Lầu Năm Góc cho biết Maher Al-Agal, “một trong 5 chỉ huy cao cấp” của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đã bị máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ ngày 12/07 khi đang đi xe máy gần thành phố Jandairis, tây bắc Syria. Cố vấn thân cận của kẻ khủng bố này cũng bị thương nặng. Quân đội Mỹ khẳng định vụ tấn công không gây thiệt hại cho thường dân dù thông tin chưa được kiểm chứng.

(AFP) – Nga và Ukraina đàm phán về vấn đề ngũ cốc. Hôm nay 13/7/2022, phái đoàn Nga và Ukraina đã gặp nhau cùng các quan chức Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích tháo gỡ bế tắc kéo dài nhiều tháng trong việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Cuộc gặp giữa phái đoàn 3 nước và các quan chức ngoại giao Liên Hiệp Quốc đánh dấu việc lần đầu các quan chức Nga và Ukraina hội đàm trực tiếp kể từ ngày 29/03.

(RFI) – Trung Quốc: Thành phố Vũ Cương bị phong tỏa do phát hiện 1 ca dương tính Covid-19. 320.000 cư dân thành phố Vũ Cương bị yêu cầu ở nhà cho đến hôm nay 13/07/2022. Theo thông báo từ tòa thị chính được đăng hôm 11/07, ba ngày phong tỏa này giúp ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng sau khi ca nhiễm nói trên được ghi nhận.

(RFI) – Facebook và Instagram kiểm duyệt những thông tin về nạo phá thai. Tại Hoa Kỳ, hôm qua 12/07/2022, thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và Elizabeth Warren đã kêu gọi Facebook và Instagram làm rõ chính sách của mình liên quan đến các bài đăng về nạo phá thai. Hai mạng xã hội đã gỡ bỏ những thông tin, quảng cáo về nạo phá thai khi những thông tin này vốn không vi phạm nội quy của hai mạng xã hội này.

(AFP) – Croatia trở thành quốc gia thứ 20 sử dụng đồng Euro. Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu, cơ chế đại diện cho các thành viên EU, vào hôm qua, 12/07/2022, đã thông qua các văn kiện pháp lý cuối cùng xác nhận việc Croatia bắt đầu sử dụng Euro, đồng tiền chung Châu Âu kể từ ngày 01/01/2023. Bảy năm sau Litva, Croatia như vậy sẽ trở thành thành viên thứ 20 khu vực đồng euro. Đồng tiền riêng của Croatia, đồng kuna, sẽ được đổi với tỷ giá 7,5345 kuna ăn 1 euro.

(AFP) – Twitter kiện Elon Musk ra tòa . Tập đoàn Twitter vào hôm qua, 12/07/2022 đã khởi động thủ tục pháp lý để buộc nhà tỷ phú Elon Musk phải mua lại mạng xã hội này theo các điều khoản đã được thỏa thuận vào cuối tháng 4, định giá Twitter ở mức 44 tỷ đô la. Thẩm phán một tòa án chuyên về luật kinh doanh, ở bang Delaware (phía đông nước Mỹ), do đó, sẽ phải xác định xem liệu nhà tỷ phú này có thể hủy bỏ thỏa thuận mà không phải bồi thường hay không.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220713-clone-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Kính viễn vọng James Webb gửi hình ảnh đầu tiên về vũ trụ. Bức ảnh mầu cho thấy những dải ngân hà được hình thành từ cách đây 13 tỉ năm sau vụ nổ Big Bang. Theo NASA ngày 11/7/22, đây là “bức ảnh hồng ngoại sâu thẳm nhất và rõ nét nhất chưa từng được chụp ở Vũ trụ xa xôi đến nay”. Nhiều hình ảnh khác sẽ được công bố trong ngày 12/07. James Webb là kính viễn vọng mạnh nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay được đưa vào quỹ đạo cách đây 6 tháng.

(RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia bình thường hóa quan hệ. Cuộc điện đàm ngày 11/07/2022 giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và thủ tướng Armenia Nikol Pachinian là sự kiện hiếm hoi, được cho là một bước tiến mới hướng đến bình thường hóa quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia không còn giữ quan hệ ngoại giao từ gần 30 năm nay. Hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai nhanh chóng những quyết định được đại diện hai nước thông qua ngày 01/07 tại Vienna (Áo), trong đó có việc mở lại biên giới chung cho công dân nước thứ ba. Biên giới này bị đóng từ năm 1993 sau vụ xung đột đầu tiên giữa Azerbaijan và Armenia ở vùng Thượng Karabagh. Trước đó, vào tháng 2, hai nước cũng nối lại đường bay trực tiếp giữa Istanbul và Erevan.

(AFP) – Euro bằng giá đô la Mỹ. Lần đầu tiên kể từ năm 2002, một euro đổi ngang với một đô la Mỹ ngày 12/07/2022. Việc đồng tiên chung châu Âu mất giá sẽ kéo theo lạm phát, nhập khẩu đắt hơn và mất sức hấp dẫn cho khu vực đồng euro. Đối với các nhà đầu tư, hiện tại nền kinh tế Mỹ có vẻ vững chắc hơn do châu Âu đang phải đối mặt với chiến tranh Ukraina, cũng như nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt.

(AFP) – Liên Âu thông qua khoản viện trợ mới 1 tỉ euro cho Ukraina. Quyết định được bộ trưởng các nước thành viên Liên Âu thông qua vào hôm nay 12/7/22, nâng tổng số tiền tài trợ cho Ukraina lên thành 2,2 tỉ euro. Bộ trưởng Tài Chính CH Sec, nước giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu, ra thông cáo cho biết khoản viện trợ mới lần này là nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính khẩn cấp nhất của Nhà nước Ukraina và giúp Nhà nước Ukraina thực hiện các chức năng thiết yếu nhất.

(AFP) – Lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện sang Nga bàn về năng lượng hạt nhân và không gian. Chuyến đi bất ngờ của tướng Min Aung Hlaing diễn ra vào hôm nay 12/07/2022. Tại Matxcơva, Min Aung Hlaing gặp lãnh đạo Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, Dmitri Rogozine, một nhân vật thân cận với tổng thống Nga Putin, và các đại diện của Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga, Rosatom. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov thông báo ông Putin chưa dự kiến gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện.

(AFP) – Ukraina và các nước Đông Âu sẽ dẫn đầu các đoàn diễu binh truyền thống ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2022. Điện Elysée hôm nay 12/07 giải thích đó là nhằm bày tỏ tình đoàn kết chiến lược của Pháp với các đồng minh, vinh danh quân đội các nước Đông Âu và đội quân Pháp được triển khai ở Đông Âu trong khuôn khổ NATO.

(AFP) – Thượng đỉnh Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Teheran ngày 19/07/2022. Theo thông báo hôm nay 12/07 của điện Kremlin, ba nhà lãnh đạo Putin, Raissi và Erdogan sẽ gặp nhau ngày 19/07/2022 tại Teheran để bàn về tiến trình hòa bình cho Syria. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Putin kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina. Ngoài cuộc họp 3 bên, tổng thống Nga và đồng nhiệm Thổ cũng có cuộc họp song phương. Ankara hiện đang tham gia các cuộc thương lượng cho phép ngũ cốc của Ukraina được xuất đi từ cảng biển Hắc Hải.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220712-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p