Tin Thế Giới – 12/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 12/12/2014

Trung Cộng: Quan hệ với Đài Loan vẫn bình thường sau cuộc bầu cử

Nhà thương thuyết hàng đầu của Trung Cộng (TC) về Đài Loan đang đi thăm đảo quốc tự trị này để tìm cách duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, sau khi Quốc Dân Đảng đương quyền bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương.

Trần Đức Minh, nhân vật được Bắc Kinh giao trách nhiệm thương thuyết với Đài Loan, hồi đầu tuần này cho báo chí Đài Loan biết rằng các mối quan hệ sẽ không bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử ngày 29 tháng 11.

Các nhà phân tích cho rằng sự chán ngán của cử tri đối với các chính sách về TC là một trong các nguyên do làm cho Quốc Dân Đảng bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử để chọn những người đứng đầu chính quyền của 9 thành phố và quận huyện.

Kết quả đó có thể làm suy yếu đi thế lực của Quốc Dân Đảng, khiến họ không thể nới rộng thêm nữa 21 hiệp định mà họ ký kết với TC từ năm 2008 tới nay.

Ông Hoàng Giới Chính, giáo sư chính trị học của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói rằng chuyến viếng thăm của Trần Đức Minh có mục đích làm giảm bớt những mối lo ngại về việc quan hệ giữa đôi bên có thể bị suy sụp. Ông nói:

“Mục đích của nó là chứng tỏ cho người Đài Loan thấy rằng bất kể là bầu cử như thế nào thì tiến trình chính trị nội bộ của Đài Loan là một chuyện. Quan hệ xuyên eo biển quan trọng hơn các cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng đó là chủ đề chính.”

Một nhóm nhỏ những người chống TC đã biểu tình khi Trần Đức Minh tới Đài Loan hôm thứ ba 9/12, và một cuộc phản kháng qui mô nhỏ cũng diễn ra vào ngày thứ tư bên ngoài một địa điểm hội nghị ở Đài Bắc. Sau đó Minh đã đến vùng duyên hải miền đông để thăm một công ty công nghệ sinh học của Đài Loan.

Theo dự liệu, nhà thương thuyết này sẽ không ký kết hiệp định mới nào với Đài Loan, và thay vào đó, sẽ ra sức tìm hiểu môi trường kinh doanh ở đảo quốc này và đánh giá những yếu tố làm cho Quốc Dân Đảng bị thất bại trong cuộc bầu cử mới đây.

Ông Mã Thiệu Chương, phát ngôn viên của Ủy ban Hoa lục của Đài Loan, cho đài VOA biết rằng Trần Đức Minh muốn tìm hiểu thêm về tình hình Đài Loan trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học và y tế.

Kết quả của nỗ lực này có thể đưa tới những đề nghị đầu tư từ các công ty TC, giúp cho kinh tế Đài Loan phát triển thêm và làm tăng những mối hy vọng của Bắc Kinh về việc tái thống nhất Đài Loan.

Theo tin của hãng thông tấn Trung ương của Đài Loan, Trần Đức Minh hôm thứ tư nói rằng các mối quan hệ xuyên eo biển sẽ không thay đổi vì cuộc bầu cử địa phương. Nhưng cảnh báo rằng hiệp định mậu dịch tự do mà TC sắp ký kết với Nam Triều Tiên có thể bắt đầu có hiệu lực sớm hơn hai năm so với dự kiến trước đây.

Đài Loan và Nam Triều Tiên cạnh tranh ráo riết với nhau trên thị trường quốc tế, vì hai nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, phần lớn là sang TC.

Hãng thông tấn Trung ương cho biết thêm rằng Trần Đức Minh thúc giục các nhà lập pháp Đài Loan phê chuẩn một hiệp định tự do hóa thương mại dịch vụ mà chính phủ Đài Loan đã ký với Bắc Kinh hồi giữa năm ngoái, nếu không thì có thể phải đàm phán lại.

Hồi tháng 3 hàng ngàn người đã xông vào chiếm trụ sở Viện Lập pháp Đài Loan và những con đường xung quanh để phản đối hiệp định đó cùng với những mối liên hệ khác với Bắc Kinh. Họ e rằng TC sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế để đưa Đài Loan tới chỗ thống nhất với TC dựa trên các điều kiện của Bắc Kinh, một việc mà các cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy là có sự chống đối của 70% dân chúng Đài Loan.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ ba cho biết Đài Loan muốn mua ít nhất hai chiếc tuần dương hạm từ Hoa Kỳ. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận kế hoạch bán cho Đài Loan 4 chiếc tuần dương hạm, sau khi kế hoạch này được Hạ viện chấp thuận hồi tháng tư. TC phản đối kế hoạch này, nhưng Đài Loan nói rằng họ cần tăng cường khả năng tự vệ vì TC chưa từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan trong trường hợp cần thiết.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu muốn có những hiệp định thương mại với TC để hỗ trợ cho nền kinh tế của nước ông. Trước khi ông Mã lên nắm quyền vào năm 2008, Đảng Dân Tiến thuộc phe đối lập đã làm cho Bắc Kinh tức giận vì họ theo đuổi chủ trương là Đài Loan nên chính thức tách khỏi TC để độc lập. Đảng này đã giành được 7 ghế thị trưởng và huyện trưởng trong cuộc bầu cử ngày 29 tháng 11. – Theo VOA

Chính quyền Hông Kông phá chốt cuối cùng bắt hơn 200 người phản kháng — Phong trào dân chủ Hồng Kông bắt đầu cho cuộc “trường chinh” mới

Sau 11 tuần biểu tình bao vây các khu phố chính, chốt chận cuối cùng cắt đôi trục lộ giao thông chính tại Hồng Kông đã bị giải tỏa vào đêm 11/12. Hơn 200 thanh niên, sinh viên, học sinh và dân biểu thuộc phong trào dân chủ đã bị câu lưu. Chính quyền Hồng Kông từ chối không nói là thành phần cứng cõi này, bám trụ tới cùng có bị truy tố hay không.

Liệu phong trào tranh đấu cho một chế độ dân chủ tại Hồng Kông theo tinh thần “một quốc gia hai chế độ” đã thất bại ?

Báo chí Trung Cộng (TC), theo chân tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo nhận định là “cách mạng Dù đã thất bại và chính quyền trung ương Bắc Kinh không bao giờ nhượng bộ”.

Trong khi đó thì nhật báo Anh ngữ South China Morning Post của Hồng Kông thẩm định là giới trẻ “đã mở ra một trang Sử mới tuyệt vời” chứng nhân của “lòng phẩn nộ của cư dân Hồng Kông đối với chính quyền”.

Phong trào phản kháng mà đa số là sinh viên, học sinh và công nhân trẻ đòi hỏi phải được tự do bầu cử ứng cử chính quyền địa phương không qua hình thức “đảng cử dân bầu” của chế độ độc tài tại Hoa lục.

Một số thành viên của phong trào tỏ ra cay đắng vì bị thất bại ít ra là tạm thời. Vì phong trào chiếm đóng đường phố gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày nên một bộ phận dân chúng lúc đầu ủng hộ mạnh mẽ dần dần tỏ ra mệt mõi.

Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, giới trẻ phản kháng cảm thấy đã thực hiện được một kỳ công, làm đảo lộn cán cân chính trị tại Hồng Kông, tạo dựng nền móng vững chắc lâu dài cho cả một thế hệ.

Nữ Dân biểu Claudia Mo khẳng định là “ý thức chính trị của tuổi trẻ đã được khơi dậy, xu hướng này không thể đảo ngược, cuộc chiến vẫn tiếp diễn”.

Còn Martin Lee, một trong những cột trụ của phong trào chào mừng điều mà ông gọi là “ngọn lửa dân chủ đã bùng sáng trong tim mỗi sinh viên, không thể dập tắt bằng bạo lực”.

Cuộc tranh đấu sẽ chuyển sang “hình thức mới” theo như Đới Diệu Đình khẳng định.

Cho đến ngày hôm nay, người biểu tình đòi dân chủ đã bị giải tán hoàn toàn khỏi các khu phố sau hơn 70 ngày đấu tranh.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích nhận thấy phong trào đòi dân chủ Hồng Kông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm làm hành trang cho cuộc đấu tranh chính trị lâu dài và chính thống hơn.

Nguời biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông không hẳn đã trắng tay. Ít nhất thì họ cũng đã gây được tiếng vang trên khắp thế giới, chính quyền địa phương cũng đã phải chấp nhận tham vấn dân chúng về thể thức bầu cử. Đòi hỏi mở rộng ủy ban tuyển chọn ứng cử viên vào vị trí lãnh đạo đặc khu cũng đã được hứa hẹn được nghiên cứu.

Từ chối chấp nhận tự do tuyển cử ở Hồng Kông, đảng Cộng sản Trung Quốc muốn khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch đó là cho dù vùng đất thuộc địa cũ của Anh này có được hưởng quyền tự trị thì nay nó đang thuộc về TC, đảng sẽ vẫn quyết định tương lai của vùng đất này. Ông Sebatian Veg, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Pháp về TC đương đại tại Hồng Kông nhận định: “Bắc Kinh không muốn nhượng bộ những vấn đề cốt lõi”. Ý kiến này đã được nhật báo chính thức ở TC China Daily khẳng định trong bài xã luận hôm nay rằng “Trên các vấn đề mang tính nguyên tắc, chính quyền trung ương sẽ không bao giờ nhượng bộ” và “cuộc cách mạng dù đã thất bại”.

Dẫu sao giới quan sát độc lập vẫn nhận thấy phong trào biểu tình với nòng cốt là lực lượng học sinh sinh viên và giới viên chức trẻ chưa phải đã mất tất cả. Cuộc đấu tranh vừa qua đã làm nảy sinh một thế hệ chứng tỏ họ là những chủ nhân thực sự của thành phố này. Thế hệ trẻ Hồng Kông đã làm được những việc chưa từng có, nhất là từ khi vùng đất này trở về với TC. Trong vòng 11 tuần lễ, những người biểu tình đã thách thức Bắc Kinh bằng sự phản kháng ôn hòa.

Cái được nhất của phong trào đấu tranh đó là đã khơi dậy được ý thức chính trị trong giới trẻ Hồng Kông rằng phải tiếp tục cuộc đấu tranh này thì mới có được dân chủ, nếu không thì các quyền tự trị của vùng đặc khu này sẽ dần bị co lại cũng như các quyền dân chủ sẽ bị bóp nghẹt lại theo sự dẫn dắt của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Các lãnh đạo phong trào học sinh sinh viên, giới đại học hay chính trị không dừng cuộc đấu tranh của họ cho dù họ đã quả quyết sẽ không cần phải chiếm lại đường phố vì đã dự tính đến nhiều hành động mới để phản kháng.

Chuyên gia Sebatian Veg nhận định, giờ đây “cuộc trường chinh” bước vào các thiết chế đang đợi họ. Những người lãnh đạo phong trào sẽ phải tiến vào lãnh địa của giới chính trị, kinh tế, tư pháp, họ sẽ phải chiếm giữ những vị trí trong chính quyền để làm nền tảng cho cuộc đấu tranh lâu dài.

Các thăm dò dư luận cho thấy Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đi tiên phong trong cuộc phản kháng vừa qua, giờ đây là một phong trào rất được lòng dân. Liên đoàn này có thể giới thiệu các ứng viên ra tranh cử cấp quận vào năm 2015, hoặc trở thành một lực lượng hậu thuẫn cho các đảng phái ủng hộ dân chủ. – Theo RFI

Tin Hoa Kỳ

Giám Đốc CIA: ‘Một số nhân viên CIA vượt quá giới hạn thẩm vấn’

Giám đốc CIA đã bênh vực cơ quan tình báo này trong một cuộc họp báo hiếm hoi, sau khi Thượng viện công bố bản phúc trình cho rằng nhân viên CIA đã sử dụng tra tấn trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Tuy nhiên, ông John Brennan cũng nói cơ quan này đôi lúc có khuyết điểm. Đây là một sự nhìn nhận được đưa ra vào lúc có những lời kêu gọi đòi CIA và nước Mỹ phải chịu tránh nhiệm.

Giám đốc CIA John Brennan đã lên tiếng bênh vực cho cơ quan của ông. Ông nói rằng cơ quan này luôn cố gắng làm việc đúng đắn trong khi phải đối mặt với những “sự lựa chọn vô cùng khó khăn.”

Tuy nhiên, ông công nhận là một số nhân viên “đã vượt quá giới hạn”:

“Trong một số trường hợp có giới hạn, các nhân viên của cơ quan đã dùng những kỹ thuật thẩm vấn không được cho phép, những kỹ thuật đáng kinh tởm và đáng bị mọi người phỉ nhổ. Và chúng tôi đã có khuyết điểm trong việc buộc một số nhân viên phải chịu trách nhiệm đối với những sai lầm của họ.”

Ông Brennan cũng nhắc lại lập luận là điều được gọi là “thẩm vấn mạnh tay” — bao gồm trấn nước, không cho ngủ, có thể tạo nên một sự khác biệt:

“Những người bị giam, đối tượng của những kỹ thuật thẩm vấn mạnh tay, đã cung cấp những tin tức có ích, và được sử dụng trong cuộc hành quân cuối cùng chống lại bin Laden.”

Có mối liên hệ trực tiếp giữa những cuộc thẩm vấn này và việc hạ sát bin Laden, lãnh tụ của al-Qaida, hay không thì ông Brennan không nói đến.

Và việc bênh vực như vậy không làm chấm dứt những lời kêu gọi đòi CIA và những cơ quan khác phải chịu tránh nhiệm về những hoạt động này, những hoạt động mà Liên hiệp quốc xem là tra tấn.

Phát ngôn viên của Tổng Thư Ký Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nói:

“Việc này nên là sự bắt đầu của một tiến trình. Vấn đề trách nhiệm là một vấn đề hết sức quan trọng.”

Việc buộc các giới chức dính líu tới tra tấn phải chịu trách nhiệm có lẽ rất khó xảy ra trên nước Mỹ. Ngày hôm qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói Bộ Tư pháp đã xem những chứng cứ trong phúc trình của Thượng viện. Ông nói:

“Những điều các công tố viên liên bang đã nói là họ không có đủ chứng cứ để truy tố bất kỳ một người nào.”

Ông Richard Kelsey, Phụ tá Khoa trưởng trường Luật George Mason, nói rằng tuy những nỗ lực quốc tế có thể được thực hiện, nhưng đó là một việc rất đỗi phức tạp:

“Những điều có thể làm được trên phương diện pháp lý luôn luôn đi ngược với những gì chúng ta có thể làm được trên thực tế và trên phương diện chính trị.”

Tuy có phần chắc sẽ không xảy ra, nhưng các cuộc điều tra mới tại những quốc gia có những nơi được gọi là “những địa điểm bí mật” do CIA điều hành, như Ba Lan, Romania và Afghanistan, có thể dẫn tới chỗ đưa vấn đề ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Về việc này, bà Jennifer Daskal, giáo sư Trường đại học American University và là một cựu viên chức Bộ Tư pháp, nói với đài VOA như sau.

“Nếu tôi là một giới chức bị nêu tên trong bản phúc trình là có tham gia vào sự phát triển và giám sát chương trình này, thì chắc chắn là tôi sẽ không tới các nước châu Âu trong thời gian tới đây.”

Phó giám đốc Human Rights Watch, bà Andrea Prasow, nói rằng cho dù phúc trình của Thượng viện có thể cho phép những người bị giam giữ theo đuổi những vụ kiện tại Hoa Kỳ, thì vấn đề này cũng không được đưa ra tòa án hình sự mà sẽ là một vụ kiện dân sự để đòi bồi thường:

“Hiện nay chúng tôi có 500 trang tài liệu, trong đó những vụ vi phạm được ghi nhận một cách đầy đủ và có rất nhiều chi tiết. Những người được nêu tên trong phúc trình, những nạn nhân được nêu tên trong phúc trình, có thể nộp đơn kiện và được tòa án phân xử.”

Tuy chưa có một vụ phân xử như thế, nhưng Hoa Kỳ và CIA đang phải đối mặt với một vụ xét xử bởi một tòa án là tòa án công luận. – VOA