Tin Thế Giới – 12/11/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 12/11/2015

Tổng thống Thein Sein chúc mừng bà Aung San Suu Kyi thắng cử — Những thách thức to lớn cho NLD

Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, đã chúc mừng lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà về thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội.

Một phát ngôn viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc cho biết Bộ trưởng Thông tin U Ye Htut đã chuyển cho cho đảng ông lời chúc mừng của Tổng thống Thein Sein, trong đó có một lời hứa hẹn là “chính phủ sẽ thực hiện một cuộc chuyển giao quyền hành êm thắm” sau khi Uỷ ban Bầu cử xác nhận Liên minh Dân chủ Toàn quốc thắng cử.

Những kết quả mới nhất từ Uỷ ban Bầu cử cho thấy Liên minh Dân chủ chiếm 135 ghế tại Hạ viện, tức là gần 90% của những kết quả được công bố cho tới giờ này. Trong số những người đắc cử có bà Aung San Suu Kyi, là người tái đắc cử tại đơn vị Kawhmu thuộc tiểu bang Yangon.

Trước đó trong ngày hôm nay, Bộ trưởng U Ye Htut cho biết trên trang Facebook chính thức của ông rằng Tổng thống Thein Sein đã chấp nhận đề nghị hội đàm của bà Suu Kyi, nhưng chỉ sau khi uỷ ban bầu cử hoàn tất quá trình kiểm phiếu.

Bên cạnh Tổng thống Thein Sein, bà Suu Kyi còn gởi thư mời họp tới Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann và Tư lệnh Quân đội Min Aung Hlaing trong một diễn tiến mà bà gọi là thể hiện tinh thần “hoà giải dân tộc”.

Các chuyên gia về chính trị Myanmar cho biết Liên minh Dân chủ cần chiếm 2/3 số ghế tại quốc hội để vượt qua quyền phủ quyết của quân đội tại cơ quan lập pháp gồm hai viện và có nhiệm vụ bầu ra tổng thống.

Theo một qui định của hiến pháp hiện hành, bà Suu Kyi, 70 tuổi, từng đoạt giải Nobel Hoà bình, không được giữ chức tổng thống vì người chồng quá cố của bà và hai người con của bà là công dân Anh. Nhưng trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC hôm qua, bà cho biết bất kể ai là người lên làm tổng thống, thì bà vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mọi quyết định trong tư cách là lãnh tụ của Đảng Liên minh Dân chủ.

Quân đội tự động nắm quyền kiểm soát 25% tổng số ghế đại biểu quốc hội dựa theo hiến pháp ban hành năm 2008, và tiếp tục kiểm soát nhiều bộ then chốt trong chính phủ, bao gồm quốc phòng, nội vụ và an ninh biên giới.

Quân đội cùng với các đảng có nhiều ghế nhất tại quốc hội sẽ đề cử ứng viên cho chức vụ tổng thống và các đại biểu quốc hội sẽ bỏ phiếu vào tháng 2 sang năm. Người chiếm nhiều phiếu nhất sẽ làm tổng thống, và hai người về hạng nhì và hạng ba sẽ giữ chức phó tổng thống.

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi tập đoàn quân nhân cầm quyền thành lập một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự vào năm 2011, sau khi cầm quyền gần 50 năm, và một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được thu hồi.

Hơn 30 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật. Hầu hết các quan sát viên quốc tế cho rằng đây là một cuộc bầu cử thành công, nhưng họ cũng nêu ra những mối quan tâm về việc người Hồi giáo và những khối dân thiểu số khác bị tước đoạt quyền bầu cử ứng cử và về sự thiếu minh bạch trong việc kiểm kê những lá phiếu được bỏ trước ngày bầu cử. – VOA

***
Một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất về việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng lớn đến đâu trong kỳ bầu cử ở Myanmar là tin tức sớm nói lãnh đạo lâm thời của USDP được quân đội hậu thuẫn, U Htay Oo thảm bại tại thị trấn Hinthada ở vùng Đồng bằng Irrawaddy.

Hồi tuần trước khi tôi ở đó, U Htay Oo nói với tôi rằng ông nghĩ ông sẽ lặp lại chiến thắng hồi 2010, khi USDP không phải cạnh tranh với NLD.

Ông sinh ra tại thị trấn này, và biết nó rất rõ, ông nói.

Hàng ngàn ủng hộ viên nhiệt thành của NLD, ông nói, đến từ bên ngoài thị trấn và sẽ không tạo được mấy ảnh hưởng lên dân chúng địa phương.

Ứng viên Khin Maung Yi của NLD, một giáo viên nghỉ hưu, không được biết đến nhiều tại Hinthada.

Đảng này đã hoạt động giống như ở bất kỳ nơi nào khác tại Myanmar – bóng dáng bà Aung San Suu Kyi và những hứa hẹn mơ hồ đem lại sự thay đổi. Thế nhưng chỉ vậy cũng là đủ.

U Htay Oo trong các diễn văn của mình đã nhấn mạnh tới những phát triển mà đảng của ông và quân đội đã đem đến cho khu vực.

Lời kêu gọi tràn ngập cảm xúc của người phụ nữ mà họ gọi là “Mẹ” là thứ có hấp lực không thể cưỡng lại. U Htay Oo đã thua, điều khiến chính ông cũng ngạc nhiên.

Kỳ vọng to lớn

Thế nhưng những thách thức trong khu vực này đối với bất kỳ chính phủ nào NLD sẽ thành lập tới đây sẽ là rất to lớn.

Tình trạng đói nghèo, cơ sở hạ tầng đổ nát và phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển, Hinthada cũng giống như hầu hết các nơi khác trong vùng Đồng bằng sẽ cần những khoản phát triển khổng lồ.

Pyo Myint Thein, một nhà hoạt động ủng hộ NLD và là thành viên của nhóm các nhà bất đồng chính kiến được gọi là “Thế hệ 88” nói rằng với ông, điều quan trọng là nới lỏng được sự kìm kẹp của giới quân sự lên chính quyền địa phương.

Ông muốn thấy các quan chức do USDP bổ nhiệm được thay thế bằng những người khác, và nạn ưu tiên ưu ái con ông cháu cha trong giới quân sự phải chấm dứt, tuy ông thừa nhận răng điều này sẽ cần có thời gian.

Tôi đã nghe được khá nhiều lời than phiền về cách thức một số công ty được giữ ưu thế trong thương mại và chế biến một số mặt hàng như lúa gạo và hạt hướng dương.

Một người phụ nữ địa phương nói mối ưu tiên của bà là có được nguồn điện ổn định hơn, trường học tươm tất hơn, đường sá được cải thiện.

Con đường dẫn tới Yangon xấu tới mức chỉ 160km nhưng để đi được cũng phải mất tới hơn năm giờ đồng hồ.

Những thanh niên nơi này nói về nhu cầu việc làm trong thời gian vận động tranh cử, để họ không phải rời bỏ thị trấn lên Yangon tìm việc.

Một nông dân làm thuê theo mùa vụ, Myint Tin, người không sở hữu tấc đất nào, tin rằng chiến thắng của NLD sẽ gỡ bỏ bớt khó nhọc và bấp bênh trong cuộc sống của vợ chồng bà, tuy bà không nói rõ được là gỡ bỏ bằng cách nào.

Myanmar là một đất nước rộng lớn, và có nhiều vùng còn nghèo khó hơn Đồng bằng Irrawaddy.

Nhiệm vụ đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi sẽ là đàm phán về việc bàn giao quyền lực từ phía quân đội, vốn đã điều hành hầu như mọi khía cạnh trong đời sống hành chính từ suốt 53 năm qua.

Sau đó, đảng phái còn non nớt kinh nghiệm và chưa được thử thách của bà sẽ phải tìm cách đáp ứng được những kỳ vọng to lớn mà chiến dịch vận động tranh cử sôi nổi của bà đã khuấy động lên.

Tuần trăng mật sẽ ngắn ngủi, và bà sẽ phải cầu cho gặp may mắn trong các lá bài kinh tế mà chính phủ của bà phải xử lý trong vài năm đầu tiên lên nắm quyền. – BBC

Sau Philippines, Indonesia có thể kiện TQ ra toà — Phi lại ra điều trần trong vụ kiện TQ — TQ dọa Phi về đơn kiện — McCain yêu cầu làm rõ về chuyến tuần tra của tàu USS Lassen

Indonesia có thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế nếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông và một phần lãnh thổ Indonesia không thể được giải quyết thông qua đối thoại. Người đứng đầu lực lượng an ninh Indonesia tuyên bố như vậy hôm nay.

Bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc “liếm trọn” biển Đông, trong đó có một số phần của quần đảo Natuna do Indonesia kiểm soát.

Indonesia tin rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một số phần của quần đảo Natuna “không có cơ sở pháp lý”.

Ông Luhut Panjaitan được trích lời nói: “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết. Chúng tôi đang tìm cách tiếp xúc với Trung Quốc. Chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp về vấn đề này thông qua đối thoại trong tương lai gần. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa quốc tế”.

Ông Panjaitan nói thêm rằng “Indonesia đang phải đối mặt với đường chín đoạn, và không chỉ nước ông, mà quyền lợi của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines cũng bị ảnh hưởng”.

Trước Indonesia, Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye.

Hồi cuối tháng trước, tòa này đã ra phán quyết chống Trung Quốc và ủng hộ Philippines, theo đó đồng ý xem xét vụ kiện Bắc Kinh của Manila liên quan tới biển Đông.

Tòa quốc tế này nói rằng có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Đơn kiện của Philippines cho rằng Trung Quốc đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Bắc Kinh từng tuyên bố rằng đây là tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo, và điều đó vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay nói rằng vụ kiện của Philippines đã gây căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, và cho rằng việc hàn gắn rạn nứt tùy thuộc vào Philippines. – VOA

***
Bộ Ngoại giao Philipines, ngày hôm nay, 11/11/2015, thông báo, Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ tổ chức cuộc điều trần vào ngày 24/11/2015, để tiếp tục nghe các bên liên quan trình bầy lập luận trong vụ Philipines kiện Trung Quốc liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo bản thông báo, cuộc điều trần về nội dung vụ kiện Philippines-Trung Quốc tại Tòa án trọng tài, chiếu theo Phụ lục số VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 30/11, tại La Haye.

Cuộc điều trần lần này được tổ chức sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực, vào ngày 29/10 vừa qua, tuyên bố đủ thẩm quyền xem xét một số nội dung đơn kiện của Philippines, bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa án không đủ thẩm quyền để xét xử vụ này.

Trong thông báo ngày 29/10, Tòa án Trọng tài Thường trực khẳng định có đủ thẩm quyền để xét xử, nghe điều trần về phần nội dung của 7 đề nghị do phía Philippines đưa ra, gác lại 7 đề nghị khác để xem xét sau. Bên cạnh đó, tòa còn đề nghị Philippines thu gọn và làm rõ đề nghị thứ 15 để có cơ sở xem xét về nội dung.

Cũng trong thông báo nói trên, Tòa án Trọng tài Thường trực cho biết trong thời gian tới, sẽ tổ chức các cuộc điều trần kín, không cho công chúng tham dự. Tuy nhiên, vì hiện nay, tòa vẫn ở trong giai đoạn xem xét có đủ thẩm quyền và thụ lý đơn kiện hay không và sau khi tham khảo ý kiến các bên liên quan, Tòa án sẽ xem xét đề nghị của Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, muốn cử các phái đoàn đến nghe điều trần với tư cách quan sát viên. Thời gian tổ chức các cuộc điều trần sẽ được thông báo cho các nước này.

Theo giới quan sát, việc Tòa tuyên bố có thẩm quyền đối với một số nội dung đơn kiện của Philippines là một thắng lợi đối với Manila. Báo chí Philippines coi cuộc điều trần vào cuối tháng 11 này là hiệp hai trong cuộc đọ sức giữa Philippines và Trung Quốc.

Trước các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, đầu năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực.

Ngày 16/03/2015, Philipines đã nộp lên tòa bộ hồ sơ 3000 trang. Đây là phần bổ sung cho tài liệu 4000 trang mà Manila đã gửi đến tòa từ 30/03/2014.

Tháng 07/2015, Tòa đã tổ chức hai vòng điều trần, để nghe phái đoàn Philippines phản bác các lập luận của Trung Quốc được nêu ra trong văn kiện lập trường công bố vào cuối năm 2014. – RFI

***
Ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng vụ Philippines kiện Bắc Kinh trước một tòa án trọng tài quốc tế về các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông đã làm quan hệ song phương căng thẳng và trách nhiệm của Manila là phải hàn gắn rạn nứt. Một thông báo đăng trên trang Web Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 11/11/2015, đã trích lời ông Vương Nghị cho biết như trên.

Thông báo trích lời Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định rằng vụ kiện Trung Quốc tại tòa án La Haye là “một cái nút thắt đã cản trở việc cải thiện và phát triển của quan hệ Trung Quốc-Philippines”. Đối với ông Vương Nghị, Trung Quốc “không muốn cái nút đó càng lúc càng chặt hơn để thậm chí biến thành một nút chết”. Do vậy, “về cách nới lỏng hay tháo gỡ hẳn cái nút này, cần phải nhìn về phía Philippines”.

Tuyên bố hàm ý đe dọa của Bắc Kinh được ông Vương Nghị đưa ra ít lâu sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hà Lan phán quyết rằng họ có đầy đủ thẩm quyền thụ lý đơn Manila kiện Bắc Kinh, và sẽ tiếp tục xúc tiến các cuộc điều trần.

Philippines đã hoan nghênh quyết định trên và Bộ Ngoại giao Philippines vào hôm nay xác định sẽ theo đuổi vụ kiện “cho đến khi có kết luận hợp lý”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho rằng: “Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc quá rộng, quá đáng và không có cơ sở theo luật quốc tế… Nếu không kiện thì Philippines có thể bị mất khoảng 80 phần trăm của vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng pháp lý và bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye trong vụ này nhưng vô hiệu. – RFI

***
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain yêu cầu bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cung cấp thêm chi tiết về chuyến tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông vào tháng trước.

Hôm qua 10/11/2015, trang mạng của Viện Hải quân Mỹ USNI đã công bố nội dung bức thư của Thượng nghị sĩ John McCain yêu cầu bộ Quốc phòng Mỹ công bố rõ ràng các mục tiêu của chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen trong phạm vi 12 hải lý chung quanh Đá Subi, một trong những đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Trường Sa.

Cuộc tuần tra này, diễn ra vào cuối tháng 10, là nằm trong khuôn khổ chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, vì Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển chung quanh các đảo nhân tạo này.

Cho tới nay, bộ Quốc phòng và hải quân Mỹ vẫn làm theo chỉ thị của Nhà trắng, tức là không cung cấp các chi tiết về chuyến tuần tra của khu trục hạm USS Lassen. Một phát ngôn viên của Lầu năm góc hôm qua trả lời trang thông tin USNI là họ sẽ không cung cấp bất cứ thông tin nào về chuyến tuần tra này.

Do không nắm được những chi tiết nói trên, cho nên các chuyên gia luật pháp, các nhà phân tích hàng hải và các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn tranh cãi với nhau về những gì mà khu trục hạ USS Lassen được làm và không được làm trong chuyến tuần tra đầu tiên gần sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa. – RFI

Trung Quốc bất bình với Bắc Triều Tiên vì vấn đề hạt nhân?

Các cựu giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc dường như không đặt ưu tiên cao cho việc giải quyết vụ tranh chấp về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo các nhà quan sát, nếu quả thật là như vậy thì điều đó có thể gây phức tạp cho những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề này.

Nhận định của các cựu giới chức Mỹ được đưa ra trong lúc Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân và cuộc đàm phán với quốc gia Cộng Sản này tiếp tục bị bế tắc từ năm 2008.

Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh dường như ngày càng bực bội đối với việc Bắc Triều Tiên không muốn tham gia những cuộc điều đình nghiêm túc. Ông Roy mới đây đã gặp gỡ các quan chức và học giả Trung Quốc tại Bắc Kinh trong khuôn khổ của một phái đoàn của Uỷ ban Toàn quốc về Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ (National Committee on American Foreign Policy). Tổ chức có bản doanh ở New York này chuyên cổ xuý cho việc thông qua đối thoại để giải quyết những vụ tranh chấp giữa các nước.

Ông Roy phát biểu như sau tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm thứ hai.

“Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên dường như không có ưu tiên cao lắm trong các cuộc thảo luận của chúng tôi ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì, cũng giống như chúng tôi, Trung Quốc cảm thấy bực bội vì không biết làm thế nào để giao tiếp với Bắc Triều Tiên về vấn đề này. Mọi cách thức có thể mở cánh cửa cho những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về việc phi hạt nhân hoá đã bị ông Kim Jong Un đóng lại.”

Ông Evans Revere, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cũng đã tham gia cuộc thảo luận với phía Trung Quốc. Ông cho biết các giới chức ở Bắc Kinh tin là vấn đề này sẽ không có tiến bộ đáng kể trong tương lai gần.

“Những người Trung Quốc mà tôi đã gặp không kỳ vọng là vấn đề hạt nhân với Bắc Triều Tiên sẽ có đột phá trong những ngày sắp tới.”

Ông Revere nói Trung Quốc dường như chú trọng nhiều hơn tới điều mà họ gọi là “ổn định” ở bán đảo Triều Tiên, sau khi nhận thấy tình trạng bế tắc về vấn đề hạt nhân sẽ không chấm dứt một cách nhanh chóng.

Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tranh chấp với nhau vì những hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng từ đầu thập niên 1980. Cuộc đàm phán 6 bên – bao gồm hai miền Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, đã chấm dứt mà không mang lại kết quả nào.

Đầu năm 2013, Bình Nhưỡng loan báo chính sách theo đuổi vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế cùng một lúc. Và tháng 5 vừa qua, họ cho biết họ có khả năng để thu nhỏ bom hạt nhân để gắn vào phi đạn.

Washington tiếp tục nghi ngờ sự xác thực của tuyên bố đó, nhưng một số giới chức quân sự Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng có thể có khả năng đó. – VOA

Các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa tranh luận về di trú, chính sách đối ngoại

Tám ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng Hoà đã tranh luận về vấn đề di trú, chính sách đối ngoại trong cuộc tranh luận lần thứ tư vào tối hôm qua tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, và được chiếu trên đài truyền hình Fox Business Network. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường thuật.

Một trong những vụ tranh cãi gay gắt nhất của đêm tranh luận là về di trú, vấn đề đã giúp đẩy doanh gia Donald Trump tiến lên vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò công luận. Ông Trump bênh vực kế hoạch của ông là trục xuất hàng triệu người di dân bất hợp pháp. Ông phát biểu:

“Chúng ta sẽ phải đưa họ ra khỏi nước Mỹ. Xem này, chúng ta là một quốc gia có pháp luật. Một là chúng ta có một quốc gia, hai là chúng ta không có một quốc gia.”

Ông Trump đã bị Thống đốc bang Ohio John Kasich thách thức.

“Vâng, nhưng có đến 11 triệu người, chúng ta hãy nghiêm túc, ai cũng biết rằng chúng ta không thể nào bắt họ rồi đưa ho sang phía bên kia biên giới. Lập luận này thật là ấu trĩ.”

Một người khác cũng lên tiếng thách thức ông Trump là cựu Thống đốc Florida Jeb Bush. Ông Bush nói:

“Trả những người này về xứ, 500.000 người mỗi tháng là điều không khả thi, đi ngược lại với các giá trị Mỹ, và sẽ xé nát các cộng đồng.”

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz nói rằng bảo vệ biên giới là điều thiết yếu.

“Chúng ta có thể vừa ủng hộ di trú hợp pháp vừa tin tưởng vào thể chế pháp trị.”

Chính sách đối ngoại cũng là một trọng tâm chính yếu, kể cả hành động can thiệp của Nga ở Syria và đối phó với Nhà Nước Hồi giáo.

Nữ doanh nhân Carly Fiorina nói:

“Chúng ta phải áp đặt một khu cấm bay tại Syria bởi vì không thể để Nga bảo Hoa Kỳ phải điều máy bay ở đâu và vào lúc nào.”

Hai ông Ben Carson và Marco Rubio nói rằng Nhà Nước Hồi giáo vẫn là một mối đe doạ chủ yếu. Ông Carson phát biểu:

“Chúng ta sẽ phải tiếp tục đối đầu với bọn chúng bởi vì mục tiêu của chúng ta không phải là kiềm hãm mà là tiêu diệt họ, trước khi họ tiêu diệt chúng ta.”

Ông Rubio nói:

“Hoặc là họ sẽ thắng, hoặc là chúng ta sẽ thắng, và chúng ta sẽ phải xử lý nghiêm túc mối nguy này. Nó sẽ không tự mình biến mất.”

Nhưng Thượng nghị sĩ Rand Paul cảnh báo về những nguy cơ nếu Mỹ can thiệp quân sự sâu hơn nữa tại cả Syria lẫn Iraq.

“Nếu quí vị sẵn sàng làm như vậy, thì quí vị phải sẵn sàng đưa con em của quí vị, nam lẫn nữ, vào một cuộc chiến khác nữa ở Iraq. Tôi không muốn thấy điều đó xảy ra.”

Các ứng viên Cộng Hoà sẽ tranh luận với nhau lần nữa vào trung tuần tháng 12. – VOA

TT Obama cam kết ‘đóng vai trò quan trọng’ sau khi rời nhiệm sở

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hứa sẽ tiếp tục tham gia chính trị và lĩnh vực công trong một thời gian khá lâu sau khi rời Tòa Bạch Ốc vào năm 2017.

Trong cuộc tiếp xúc với nhóm hoạt động Organization for Action (OFA) ở Washington, ông Obama hôm qua nói rằng ông sẽ vẫn ‘đóng vai trò quan trọng nhất trong nền dân chủ Mỹ’, đó là vai trò của một công dân bình thường.

“Những việc chưa hoàn tất không hoàn toàn tuỳ thuộc vào cá nhân tôi, hay một thành viên quốc hội nào, hoặc ngay cả vị tổng thống kế tiếp mà chúng ta bầu lên. Mà nó tuỳ thuộc vào chúng ta, vào những gì mà người dân chúng ta có thể hiệp lực với nhau để làm. Đó là trọng tâm của tôi trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, ý tưởng về một tập thể công dân hoạt động, và tích cực tham gia. Đó cũng là điều mà tôi sẽ tập trung sau khi đã rời nhiệm sở. Thế cho nên muốn giúp tôi thì quý vị, trong tổ chức OFA hãy tiếp tục tham gia hoạt động, tiếp tục tổ chức và huy động nhân lực. Chúng ta phải nêu lên những vấn đề mà chúng ta quan tâm.”

Tổng thống Obama nêu bật một số những thành quả trong nhiệm kỳ của ông, như hồi phục kinh tế, cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ và quyết định đưa ra hồi tuần trước, chấm dứt dự án xây đường ống dẫn dầu Keystone XL, một dự án gây nhiều tranh cãi.

OFA, Tổ chức để Hành động, là một nhóm hoạt động cấp cơ sở xuất phát từ hai tổ chức hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Obama, đưa ông vào Tòa Bạch ốc sau hai cuộc bầu cử năm 2008 và 2012. – VOA

Jakarta xác nhận đã đòi Bắc Kinh làm rõ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Một hôm sau khi lãnh đạo phụ trách an ninh toàn Indonesia lên tiếng dọa kiện Trung Quốc trước Tòa án Hình sự Quốc tế, vào hôm nay 12/11/2015, đến lượt Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận việc đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông. Theo nguồn tin này, Trung Quốc vẫn chưa trả lời.

Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir đã xác định với giới báo chí tại Jakarta rằng lập trường của Indonesia vào lúc này rất rõ: “Không công nhận đường chín đoạn (của Trung Quốc trên Biển Đông) vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Phát ngôn viên này nói tiếp: “Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc làm rõ ý của họ và họ có ý gì với đường chín đoạn. Điều đó chưa được Trung Quốc làm sáng tỏ”.

Tuy nhiên, ông Nasir không cho biết là Indonesia đã chuyển yêu cầu làm rõ vừa kể cho Trung Quốc vào lúc nào.

Điều mà Jakarta muốn Bắc Kinh giải thích chính là sự kiện ranh giới biểu thị bằng 9 đường gián đoạn được Trung Quốc dùng làm cơ sở khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông – gọi nôm na là đường lưỡi bò – đã liếm vào một phần vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.

Ngay từ năm 2009, khi Trung Quốc lần đầu tiên chính thức hóa tấm bản đồ đường lưỡi bò trong một văn kiện gởi đến Liên Hiệp Quốc, Indonesia đã lập tức phản bác, và đã gửi lập trường chính thức của mình tới Ủy ban Liên Hiệp Quốc về phân định thềm lục địa, nhấn mạnh rằng “‘đường chín đoạn’ không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, Jakarta ít khi đề cập – ít ra là công khai – đến việc Bắc Kinh vi phạm vùng biển của mình và phải chờ đến năm ngoái mới thấy một tín hiệu mạnh từ phía Quân đội Indonesia, với việc Tư lệnh lực lượng vũ trang nước này tố cáo Trung Quốc đưa một phần Natuna của Indonesia vào bên trong đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Sau khi Tổng thống Joko Widodo đắc cử, Indonesia đã cứng giọng hẳn trên vấn đề này và luôn luôn nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Jakarta là “Cái Trung Quốc gọi là ‘đường chín đoạn’ không hề có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”, như nguyên văn tuyên bố của ông trước chuyến thăm Nhật Bản vào tháng Ba vừa qua.

Và hôm qua, đến lượt Tướng Luhut Panjaitan, nhân vật phụ trách an ninh trong chính quyền Indonesia lên tiếng, xác định rằng Jakarta sẵn sàng kiện Bắc Kinh trước Tòa án Hình sự Quốc tế nếu Trung Quốc từ chối đối thoại về hồ sơ này.

Khi được hỏi là liệu Indonesia cũng có thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia hàm ý cho biết là Jakarta không loại trừ bất cứ khả năng nào: “Chúng tôi không thể tiên liệu sự việc trước khi biết được chuyển biến của nó. Nhưng điều rõ ràng là chúng tôi không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, chúng tôi không công nhận vấn đề đường chín đoạn, và chúng tôi đã cho Trung Quốc biết rõ điều đó”. – RFI

Lộ thiết kế ‘ngư lôi hạt nhân’ của Nga — Ông Putin: Nga không ‘chạy đua vũ trang’

Điện Kremlin nói kế hoạch bí mật về một ngư lôi hạt nhân, Status-6, lẽ ra không được xuất hiện trên truyền hình Nga.

Việc để lộ xảy ra trong bản tin của kênh Channel One khi Tổng thống Putin thăm các tướng lĩnh ở Sochi.

Một viên tướng đã cầm biểu đồ xem hệ thống ngư lôi.

Được tàu ngầm phóng đi, vũ khí mới sẽ tạo ra “các vùng ô nhiễm phóng xạ lớn”, theo tài liệu.

Tài liệu này cũng nói hệ thống Status-6 được thiết kế nhằm “hủy diệt các cơ sở kinh tế quan trọng của kẻ thù trong khu vực ven biển và gây ra tổn thất ghê gớm cho lãnh thổ nhờ tạo ra các vùng ô nhiễm phóng xạ lớn, khiến không thể dùng cho hoạt động kinh tế, quân sự trong thời gian dài”.

Người phát ngôn của ông Putin Dmitry Peskov nói: “Đúng là một số dữ liệu mới đã được quay phim, vì thế sau đó được xóa đi.”

Tuy vậy, báo nhà nước Rossiiskaya Gazeta cũng đưa tin về vũ khí mới, tuy không đăng biểu đồ.

Vì vậy có đồn đoán việc để lộ là cố tình.

Theo biểu đồ trên tivi, ngư lôi có tầm xa lên tới 10.000 km và có thể hoạt động ở độ sâu tới 1.000m.

Thiết kế là của Rubin, một nơi thiết kế tàu ngầm ở St Petersburg.

Trên tivi, ông Putin nói với các vị tướng rằng Mỹ và Nato đang thúc đẩy hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu, “bỏ qua lo ngại và đề nghị hợp tác của chúng ta”.

Mỹ đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (BMD) đặt trên biển nhằm chống lại tên lửa của các nước như Iran.

Theo kế hoạch, hệ thống này rồi sẽ đặt trên đất liền của Romania và Ba Lan.

Báo Rossiiskaya Gazeta nói ngư lôi mới của Nga sẽ ngang với sức mạnh của bom cobalt.

Đây là loại bom sẽ khiến “mọi thứ còn sống bị giết”, theo tờ báo.

Bom cobalt chưa bao giờ được thử nghiệm vì sức mạnh của nó. – BBC

***
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư nói rằng chương trình hiện đại hóa quân đội Nga không có nghĩa là nước ông sẽ tham gia một cuộc chạy đua vũ trang.

Phát biểu tại một cuộc họp ở thành phố Sochi với các giới chức công nghiệp quốc phòng, ông Putin nói rằng chương trình nâng cấp quân đội Nga hiện nay chỉ đơn thuần là vấn đề “cập nhật hóa” sau thời gian các lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng “thiếu ngân sách kinh niên” từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000.

“Chúng tôi không tham gia vào một hình thức chạy đua vũ trang, chỉ cập nhật ở mức độ ít hơn nhiều, và không vượt qua ai cả,” ông Putin nói.

Hôm thứ Ba, ông Putin nói rằng Nga đối chọi lại với kế hoạch lá chắn phi đạn của Mỹ bằng cách triển khai “các hệ thống tấn công có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống chống phi đạn nào.”

Washington nói rằng hệ thống lá chắn phi đạn của NATO do Mỹ lãnh đạo nhằm mục đích không những ngăn chặn kho vũ khí của Nga, mà còn những mối đe dọa phi đạn từ những nước nguy hiểm khác như Iran và Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên ông Putin hôm thứ Ba nói rằng ám chỉ những mối đe dọa từ Iran và Bắc Triều Tiên “chỉ là bức màn che” cho “mục đích thực sự” của lá chắn phi đạn do Mỹ cầm đầu – đó là “vô hiệu hóa tiềm năng của các nước hạt nhân khác – chủ yếu là Nga.” – VOA

TQ chặn thí sinh Hoa hậu Thế giới Anastasia Lin vào vòng chung kết?

Anastasia Lin, thí sinh Canada dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới là người gốc Trung Quốc. Cô Lin nói hiện cô vẫn chưa nhận được giấy báo tham dự vòng thi chung kết vào tháng tới, sau khi cô lên tiếng về vấn đề nhân quyền.

Cô Annastasia Lin, 25 tuổi, là một diễn viên và nghệ sĩ dương cầm, tốt nghiệp đại học Toronto. Cô cáo buộc các giới chức Trung Quốc đang đàn áp cha cô và ngăn cô đến tham gia vòng chung kết của cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại nước này. Cô Lin cũng là người theo Pháp Luân Công, một giáo phái bị cấm và bị đối xử như tội phạm ở Trung Quốc. Cô Lin giành được vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào tháng 5.

Không giống như những thí sinh khác, cho tới nay cô Lin vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự vòng chung kết diễn ra ở khu du lịch Tam Á vào ngày 19/12 tới, nên cô không thể nộp đơn xin visa được.

“Những thí sinh khác, một số người nói với tôi họ nhận được từ ngày 30/10, tức 10 ngày trước, và bây giờ chỉ còn khoảng 10 ngày là đến hạn chót xin visa. Do đó nếu đến ngày 20/11 mà tôi không có visa thì tôi không thể đến dự chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới được. Tôi sẽ tự động bị loại khỏi cuộc thi”.

Cô Lin cho rằng việc trì hoãn cơ hội nhận visa của cô có thể do những lần cô lên tiếng về những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc trước đây.

Lần gần đây nhất là hồi tháng 7 khi cô ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc. Trong bài phát biểu đăng trên trang web của Ủy ban Hành pháp-Quốc hội về vấn đề Trung Quốc, cô Lin nói cô “muốn lên tiếng cho những người ở Trung Quốc đang bị đánh đập, bị thiêu và chích điện vì kiên quyết giữ niềm tin của họ”.

“Tôi quan tâm tới những vấn đề nhân quyền từ rất lâu trước khi tôi nghĩ tới chuyện thi sắc đẹp”, cô Lin nói với Reuters.

“Nếu họ có thể buộc tôi im lặng bây giờ, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội lên tiếng lần nữa bởi vì họ biết thủ đoạn này có hiệu quả với tôi và tôi sẽ tuân theo họ. Cho nên khi càng có nhiều sự chú ý của quốc tế thì cha tôi càng được bảo vệ, tôi nghĩ thế”.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khi được hỏi về trường hợp của cô Lin, đã trả lời rằng ông “không biết về trường hợp này”.

Trong khi đó, các giới chức trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới chưa lên tiếng bình luận gì.

Một giới chức của Bộ Ngoại Giao Canada nói với Reuters rằng Ottawa biết trường hợp của cô Lin nhưng không thể bình luận về những quyết định về visa của Trung Quốc, nhưng việc cổ xúy nhân quyền vẫn là ưu tiên trong mối quan hệ của Canada với Trung Quốc.

Cô Lin đến Canada cùng với mẹ khi cô 13 tuổi. Cô nói các giới chức Trung Quốc đã liên lạc với cha cô sau khi cô giành chiến thắng trong cuộc thi ở Canada và khiến cho dư luận chú ý về chiến dịch chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công. Cô Lin cho biết:

“Vài ngày sau [khi thắng giải], ông ấy [cha cô Lin] gửi tin nhắn cho tôi nói ‘Con phải dừng những công việc về nhân quyền ngay lập tức, nếu không, gia đình ta sẽ bị tấn công’, giống như trong cuộc cách mạng văn hóa. Cha tôi cho biết nhân viên an ninh đã đến gặp ông ấy”.

Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 1999 sau khi hàng ngàn thành viên tập trung tại khu vực trung tâm Bắc Kinh để biểu tình phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhóm này cho biết hơn 3.300 học viên Pháp Luân Công đã bị chết trong tù hoặc bị tra tấn trong cuộc đàn áp kéo dài cả thập niên. – VOA

Tổng thống Obama chúc mừng bà Aung San Suu Kyi — Không có đại diện Hồi Giáo trong Quốc hội mới của Myanmar

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chúc mừng lãnh tụ đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi về thành công của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà, là đảng rõ ràng đã thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội.

Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama đã gọi điện thoại cho người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình để tán dương “nỗ lực không ngừng và sự hy sinh của bà trong nhiều năm tranh đấu cho một nước Myanmar bao gồm nhiều thành phần, hoà bình và dân chủ hơn.”

Thông cáo nói thêm rằng “Tổng thống ghi nhận rằng cuộc bầu cử và sự thành lập chính phủ mới có thể là một bước tiến quan trọng trong cuộc chuyển tiếp dân chủ của Miến Điện và trong nỗ lực xây dựng một tương lai hoà bình và thịnh vượng hơn.”

Tổng thống Obama cũng gọi điện cho Tổng thống Myanmar Thein Sein để chúc mừng sau “cuộc bầu cử lịch sử” ngày 8 tháng 11. Tòa Bạch Ốc cho biết “Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định sự quan trọng của việc tất cả các đảng phái tôn trọng kết quả bầu cử khi kết quả chính thức được loan báo và làm việc với nhau trong tinh thần đoàn kết để thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần, có tính chất đại diện, phản ánh ý chí của người dân.”

Trong lúc kết quả bầu cử tiếp tục được báo cáo từ các nơi trong nước, lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà rõ ràng là đã giành được thắng lợi áp đảo.

Các kết quả mới nhất của Uỷ ban Bầu cử cho thấy Liên minh Dân chủ Toàn quốc chiếm được 196 ghế trong tổng số 243 ghế đại biểu đã có kết quả, tức hơn 80% của những kết quả được loan báo cho Hạ viện. Đảng này cũng thắng lớn tại Thượng viện, giành được 95 trong số 116 ghế được loan báo cho tới lúc này. – VOA

***
Kết quả của cuộc bầu cử lịch sử ngày Chủ Nhật tại Myanmar vẫn tiếp tục được công bố một cách chậm chạp, nhỏ giọt nhưng dường như Liên minh Dân chủ Toàn quốc đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, sẽ thành lập một chính phủ trong năm tới vì chiếm được đa số ghế trong quốc hội. Tại Mandalay, thị trấn nơi các vụ bạo loạn về tôn giáo hồi năm ngoái làm 2 người thiệt mạng, cộng đồng Hồi Giáo hoan nghênh kết quả bầu cử nhưng cảnh báo rằng không thể xóa tan được sự kỳ thị đã ăn sâu bằng một thắng lợi bầu cử lịch sử duy nhất.

Khi quốc hội mới của Myanmar khai họp trong năm tới, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này không có đại diện của người Hồi Giáo được bầu lên.

Liên minh Dân chủ Toàn quốc NLD của bà Aung San Suu Kyi dường như sẵn sàng chiếm đa số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử công bằng và tự do nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên đảng quyết định gạch tên tất cả những người Hồi Giáo trong danh sách ứng cử viên của đảng.

Bà Win Mya Mya, phó chủ tịch NLD tại Mandalay nói bà muốn ra tranh một ghế tại thị trấn Mandalay với dân số đông đảo là người Hồi Giáo.

Nhưng vì lo ngại sẽ phân tán số phiếu của các cử tri có tình cảm chống Hồi Giáo do nhóm Ma Ba Tha Phật giáo cực đoan khuấy động nên đảng đã khuyên bà không ra tranh cử và điền thế bằng một ứng cử viên Phật giáo.

Bà Win Mya Mya nói:

“Tôi cảm thấy buồn lòng khi các ứng cử viên Hồi Giáo không thể tham dự vào cuộc bầu cử này vì có sự can thiệp của Ma Ba Tha.”

Bà nói thêm bà chấp nhận quyết định của NLD vì đưa được đảng vào tham chính sẽ dẫn đến sự bình đẳng hơn cho tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc ở Myanmar.

Năm ngoái những tin đồn lan truyền trên mạng đã làm bùng phát những cuộc bạo loạn về tôn giáo trên đường phố Mandalay. Chủ tiệm thuốc người Hồi Giáo bà Yin Yin Moe và gia đình phải rời khỏi nhà 3 ngày vì lo sợ.

Bà nói chính phủ của NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ là một thay đổi tích cực đối với cộng đồng Hồi Giáo, nhưng bà lo ngại rằng sự kỳ thị đã được đào sâu sẽ còn kéo dài nhiều thập niên nữa.

“Là một chính trị gia bà Aung San Suu Kyi phải chú trọng đến tránh nhiệm của bà do người dân giao phó, do đó đôi khi bà muốn làm việc gì đó nhưng bà phải nhìn đến kết quả, đây là chính trị.”

Ứng cử viên Hồi Giáo duy nhất trong cuộc bầu cử này là ông Khin Maung Thein thuộc Đảng Nghị hội Đoàn kết Toàn quốc.

Việc ông ra ứng cử có tính cánh tượng trưng nhiều hơn, ông chỉ được 815 phiếu so với hơn 80.000 phiếu của NLD. Tuy nhiên ông vẫn phấn khởi.

“Dù có một số việc chưa rõ ràng nhưng chúng tôi không lo lắng. Chúng tôi tin tưởng bà Aung San Suu Kyi là một người trung tín, tất cả 50 triệu người Myanmar sẽ được nâng đỡ. Do đó chúng tôi chào mừng sự thành công của bà.”

Mặc dầu NLD sẽ có được sự tín nhiệm hoàn toàn để cầm quyền, đảng cũng sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc hoạch định một đường lối trong khung cảnh phức tạp về tôn giáo và sắc tộc. – VOA

Apple xin lỗi về ‘kỳ thị chủng tộc’

Hãng Apple đã lên tiếng xin lỗi sáu học sinh bị yêu cầu rời khỏi cửa hàng của họ tại Úc theo cách mà các học sinh mô tả là ‘phân biệt chủng tộc’.

Một clip ghi hình sự cố tại trung tâm mua sắm Highpoint ở Melbourne hôm thứ Ba 10/11 khiến cộng đồng mạng phản đối kịch liệt.

Trong đoạn băng, một nhân viên bán hàng nói rằng nhân viên bảo vệ lo ngại rằng các cậu bé này sẽ ăn trộm hàng.

Khi các cậu bé phản đối, nhân viên bán hàng nói: “Không bàn cãi nữa, tôi yêu cầu các cậu rời khỏi cửa hàng của chúng tôi”.

Hãng Apple cho biết viên quản lý cửa hàng đã ngỏ lời xin lỗi đến các học sinh da màu này và hiệu trưởng của họ.

Người quay clip cũng là học sinh, Francis OSE, viết status trên Facebook: “Đây đơn giản là chuyện phân biệt chủng tộc – dù cho họ có xin lỗi”.

Một trong những học sinh liên quan đến vụ việc, Mohamed Semra, sau đó nói trên Facebook rằng họ hài lòng với phản hồi từ phía Apple.

“Họ xin lỗi, thế là đủ, chúng tôi không cần phải đẩy sự việc đi xa hơn nữa”, cậu bé viết.

Clip ghi nhận vụ việc đạt được hơn 62.000 lượt xem trên Facebook và châm ngòi cho cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các cậu bé đều là học sinh lớp 10 tại trường trung học Maribyrnong ở Melbourne. – BBC