Tin Thế Giới – 12/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 12/10/2014

Lương Chấn Anh: Chính quyền Hồng Kông ‘không suy suyển’, ‘Phong trào biểu tình khó đạt thành công’, ‘cuộc phản kháng vượt khỏi tầm kiểm soát

Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông ông Lương Chấn Anh khẳng định Trung Quốc sẽ không thay đổi các quy định cho cuộc bầu cử vào năm 2017, mặc dù có các cuộc biểu tình phản đối kéo dài nhiều tuần lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông Lương nói các cuộc biểu tình đã đi ra ngoài “tầm kiểm soát” và không loại trừ việc chính quyền sẽ sử dụng vũ lực để chấm dứt nó.

‘Lực lượng tối thiểu’

Ông Lương nói với TVB hôm Chủ nhật rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi ý kiến của mình về quy định, hình thức bầu cử.

Nhưng những người biểu tình phản đối nói rằng hình thức bầu cử này sẽ giúp cho Bắc Kinh kiểm soát được những ứng cử viên đứng ra tranh cử.

Khi được hỏi về các trại biểu tình, ông Lương nói:

“Chúng tôi đã dùng đến mọi hình thức thuyết phục… Chúng tôi hoàn toàn không thích giải tán các địa điểm đó, nhưng nếu một ngày nào đó các địa điểm đã giải tỏa, tôi tin rằng cảnh sát sẽ đánh giá bằng chuyên môn của họ và sẽ sử dụng một lực lượng tối thiểu.

“Chúng tôi không muốn thấy người dân của chúng tôi và các sinh viên bị thương vong.”

Ông Lương tái khẳng định rằng ông sẽ không từ chức và rằng phong trào biểu tình đã “mất kiểm soát”.

‘Giá trị cốt lõi’

Ông Lương đã hủy bỏ các cuộc đàm phán với người biểu tình hôm thứ Năm, nói rằng việc các sinh viên từ chối chấm dứt việc biểu tình đã làm cho “cuộc đối thoại mang tính xây dựng” không thể diễn ra.

Còn liên minh của ba nhóm biểu tình đã đưa ra tuyên bố nói rằng:

“Chúng tôi không thể cho phép một người, Lương Chấn Anh, phá hủy các giá trị cốt lõi của Hồng Kông mà chúng tôi rất trân trọng.”

Được biết, theo luật pháp ở Hồng Kông, luật cơ bản là một hiến pháp thu nhỏ và có hiệu lực sau khi thuộc địa cũ của Anh được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Luật này nói rằng mục đích cuối cùng là lựa chọn ra vị trưởng đặc khu hành chính thông qua “phổ thông đầu phiếu” theo đề cử của một ủy ban có đại diện rộng rãi tuân theo các quy trình dân chủ.

Trưởng Đặc khu hành chánh Hồng Kông khẳng định không từ chức và cảnh báo sinh viên coi chừng bị đàn áp.

Tuyên bố trên đài truyền hình Chủ nhật 12/10, Lương Chấn Anh cho rằng phong trào dân chủ “gần như không có cơ may nào” làm Bắc Kinh nhượng bộ.

Trên đài truyền hình TVB, Lương Chấn Anh thẩm định phong trào biểu tình đã vượt khỏi tầm kiểm soát của phe dân chủ. Ông cho rằng “dẫm chân lên Hiến pháp và quyết định của ban thường trực Quốc hội Trung Quốc” để đòi bầu cử tự do là một chiến thuật “ít có cơ may” chiến thắng. Lương Chấn Anh còn gián tiếp đe dọa dùng sức mạnh “tổi thiểu” để giải tỏa các khu phố bị chiếm đóng.

Lãnh đạo sinh viên kêu gọi chính quyền trở lại bàn đàm phán nhưng theo AFP đối thoại xem như đã bế tắc và do vậy phong trào biểu tình đã quay trở lại đường phố.

Theo Reuters, hơn 200 căn lều đã được dựng lên trên hai con đường chính là Gloucester và Harcourt.

Người biểu tình, trẻ có già có, qua đêm tại chỗ. Trên tường treo hàng ngàn biểu ngữ lên án Lương Chấn Anh đỡ đầu cho xã hội đen, kêu gọi Đài Loan noi gương Hồng Kông không nên chấp nhận quy chế “một quốc gia, hai chế độ” với Trung Quốc. Nhiều truyền đơn giản dị hơn đòi “Dân chủ cho Hồng Kông”.

Trong khi đó, một phong trào tự xưng là “băng vải xanh” ủng hộ chính quyền lên tiếng cảnh báo là họ sẽ xuống đường “nhận chìm” phe dân chủ. Phe này đã một lần tổ chức biểu tình với khoảng 10 ngàn người nhưng theo công luận địa phương, phe “băng vải xanh” nhận tiền của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Nhân dân nhật báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 11/10/2014 đăng một bài xã luận cho rằng Hồng Kông bị “bất ổn” vì phong trào “Occupy central”.

Theo nhiều nhà phân tích, từ ngữ “bất ổn” này biểu hiện tâm trạng ngày càng lo ngại của giới lãnh đạo Trung Quốc trước quyết tâm của phong trào dân chủ Hồng Kông chống lối “đảng cử dân bầu” mà Bắc Kinh áp đặt.

Trên truyền hình TVB, ông Lương Chấn Anh nói phong trào phản kháng “đã vượt khỏi tầm kiểm soát” và không thể tiếp tục kéo dài, cho nên không loại bỏ khả năng sử dụng “sức mạnh tối thiểu” để dọn sạch khu vực này trong trường hợp cần thiết.

Cuộc phản kháng hôm nay 12/10 vẫn tiếp diễn với hàng ngàn người ở trong những căn lều được dựng lên giữa đường phố trong đêm vừa qua.

Hôm qua, hai tổ chức tranh đấu ở Hồng Kông đã đăng một thư ngỏ trên tờ South China Mrning Post cho Chủ tịch Tập Cận Bình để yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc để cho cử tri Hồng Kông được chọn trưởng quan hành chánh của mình. Họ nói rằng ông Lương Chấn Anh và chính phủ Hồng Kông không chịu lắng nghe nguyện vọng của người dân. – BBC, RFI, VOA

Nga nói: ‘Quân Nga rút khỏi biên giới Ukraine’

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho hàng ngàn binh sỹ nước này đang đóng gần biên giới Ukraine quay về căn cứ, truyền thông Nga đưa tin.

Phát ngôn nhân của ông Putin nói rằng khoảng 17.600 binh sỹ đang tham gia luyện binh ở khu vực Rostov sẽ được rút về.

Tuy nhiên, trước đây Nga từng tuyên bố rút quân mà cả NATO và Mỹ đều cho là đã không xảy ra.

Nga đang bị cáo buộc gửi quân và vũ khí sang chiến đấu cho phe ly khai ở miền đông Ukraine mặc dù họ bác bỏ.

Giao tranh tiếp diễn

Thông báo mới nhất của phía Nga được đưa ra trước thềm một cuộc gặp giữa ông Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào thứ Sáu tới ngày 17/10.

Quân đội Ukraine đang chiến đấu với phe ly khai thân Nga ở các vùng Donetsk và Luhansk kể từ tháng Tư và cho đến nay hơn 3.500 người đã chết trong cuộc xung đột.

Hai bên đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/9 nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn, nhất là ở bên trong và xung quanh Donetsk.

“Ông Putin đã ra lệnh bắt đầu cho binh sỹ quay trở lại căn cứ thường trực,” ông Dmitry Peskov, phát ngôn nhân của Tổng thống Nga, được hãng tin Interfax và Ria Novosti dẫn lời nói.

Ông Peskov nói lý do của việc này là giai đoạn huấn luyện ‘đã xong’.

Ông Putin đã từng có những thông báo tương tự về việc rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine hồi tháng Ba và tháng Năm.

Tuy nhiên, các quan chức NATO và Mỹ cho biết họ không thấy có bằng chứng nào về việc Nga di chuyển quân.

Theo các phóng viên thì việc Nga điều binh áp sát biên giới với Ukraine được xem là một công cụ để uy hiếp chính quyền Kiev.

Ông Putin và ông Poroshenko sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) ở Ý vào tuần tới.
Phát biểu trước báo giới, ông Poroshenko nói: “Tôi không mong cuộc nói chuyện sẽ dễ dàng.”

Ông nói rằng ông hy vọng sẽ đối thoại với ông Putin về bất đồng giá khí đốt giữa hai nước.

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine hồi tháng Sáu với lý do là chính quyền Kiev đã không giải quyết nợ nần với Nga.

Ukraine sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt sưởi ấm vào mùa đông nếu bất đồng này không được giải quyết. – BBC

Giao tranh ác liệt ở Kobane, Syria

Giao tranh ác liệt hôm nay lại diễn ra bên trong và xung quanh thành phố Kobane của Syria nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cột khói đen bốc lên cao ở thành phố này ngày hôm nay trong lúc các chiến binh người Kurd ra sức bảo vệ thành phố trước cuộc tấn công của các phần tử cực đoan thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Các chiến đấu cơ của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã dội bom vào những mục tiêu ở bên trong và xung quanh Kobane.

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đứng ngoài cuộc giao tranh, bất chấp những lời thúc giục của cộng đồng quốc tế đòi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan can thiệp.

Các giới chức Liên hiệp quốc trong khu vực cảnh báo rằng có tới 12.000 người Kurd, trong đó có hàng ngàn người già ở trung tâm thành phố, “có phần chắc sẽ bị tàn sát” nếu Kobane bị thất thủ.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria, trụ sở đặt tại Anh, cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát 40% thành phố này tính tới sáng ngày thứ bảy.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn không chịu tham gia chiến đấu, viện dẫn những mối liên hệ giữa những người Kurd đang bảo vệ thành phố Kobane với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), là tổ chức bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

PKK đã tiến hành một cuộc nổi dậy trong nhiều thập niên để đòi tự trị cho khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này bị Ankara và Washington xem là một tổ chức khủng bố. – VOA

Tin Hoa Kỳ
Ca nhiễm Ebola thứ hai ở Texas, Hoa Kỳ cho nhân viên y tế

Một nhân viên y tế từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola trước khi qua đời, Thomas Duncan, đã có kết quả dương tính với loại virus này, theo giới chức Hoa Kỳ.
“Chúng tôi đoán biết trước khả năng xảy ra trường hợp thứ hai, và chúng tôi đã chuẩn bị cho trường hợp này,” theo ông David Lakey, ủy viên cơ quan Dịch vụ Y tế bang Texas.

Ông Duncan, người bị nhiễm virus ở Liberia, đã qua đời tại bệnh viện Dallas hôm thứ Tư 08/10.

Nhân viên y tế vẫn chưa được nêu tên.

Ông Thomas Duncan có kết quả dương tính với Ebola hôm 30/09, mười ngày sau khi bay từ Monrovia qua Brussels.

Ông lâm bệnh vài ngày sau khi tới Hoa Kỳ và vào bệnh viện Presbyterian ở Dallas trong tình trạng sốt cao.

Mặc dù cho các nhân viên y tế biết ông đã ở Liberia, người ta vẫn cho ông về nhà điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng sinh.

Bệnh nhân này sau đó được đưa vào khu cách ly trong bệnh viện và qua đời dù được chữa trị bằng loại thuốc mới đang thử nghiệm.

‘Nhận diện tiếp xúc’

Vẫn không rõ liệu nhân viên y tế, vốn có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm sơ bộ, có tiếp xúc với ông Duncan khi ông có các triệu chứng bệnh khi được đưa vào viện hay không.

Nhân viên này cũng báo bị sốt nhẹ hôm thứ Sáu, được đưa vào khu cách ly và xét nghiệm, theo thông cáo của sở y tế Texas.

“Các quan chức y tế đang phỏng vấn bệnh nhân và cố gắng nhận diện mọi tiếp xúc hoặc bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào,” thông cáo viết thêm.

“Những người tiếp xúc với nhân viên y tế sau khi các triệu chứng xuất hiện sẽ được theo dõi dựa trên sự tương tác giữa họ và khả năng phơi nhiễm trước virus này.”

Dịch Ebola tập trung chủ yếu ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, nay đã có hơn 8.300 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ nhiễm virus, và ít nhất 4.033 người đã thiệt mạng.

Trong nhiều tuần qua các giới chức y tế Mỹ đã không ngớt trấn an dân chúng là hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ biết cách ngăn chận sự lây lan của vi rút đã giết chết nhiều ngàn người ở Tây Phi.

Ca bệnh mới nhất được loan báo trong lúc 5 phi trường lớn ở Mỹ bắt đầu một chương trình được tăng cường để kiểm tra những hành khách đến từ ba nước Liberia, Sierra Leone và Guinea. – VOA, BBC