Tin Thế Giới – 11/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 11/12/2017

1. Venezuela: Phe đối lập bị cấm tranh cử tổng thống năm 2018

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố các đảng đối lập chính tại nước này bị cấm tham gia tranh cử tổng thống vào năm tới.

Ông nói rằng chỉ các đảng tham gia cuộc bầu cử thị trưởng hôm 10/12 mới có thể tranh cử tổng thống.

Các nhà lãnh đạo của đảng Justice First (Công lý Trên hết), Popular Will (Ý nguyện Toàn dân) và Democratic Action (Hành động Dân chủ) tẩy chay cuộc bỏ phiếu này và cho biết hệ thống bầu cử là thiên vị.

Tổng thống Maduro khẳng định hệ thống của Venezuela hoàn toàn đáng tin cậy.

Trong bài diễn văn hôm 10/12, ông nói rằng các đảng đối lập đã “biến mất khỏi bản đồ chính trị”.

“Một đảng không tham gia tranh cử hôm nay và kêu gọi tẩy chay thì không thể tham gia tranh cử lần sau nữa”, ông nói.

Hồi tháng 10/2017, ba đảng đối lập chính đã tuyên bố họ tẩy chay cuộc bầu cử thị trưởng hôm 10/12 để chọn người đứng đầu hơn 300 thị trấn và thành phố.

Họ nói rằng cuộc bỏ phiếu này nhằm phục vụ cho cái mà họ gọi là chế độ độc tài của Tổng thống Maduro.

Đảng Xã hội Chủ nghĩa của Tổng thống Maduro dự kiến sẽ giành được số phiếu lớn nhất trong cuộc bầu cử thị trưởng, bất chấp khủng hoảng kinh tế tồi tệ, tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm và lạm phát tăng cao.

‘Hả hê’

Katy Watson, phóng viên BBC tại châu Mỹ Latin, bình luận từ Barquisimeto, Venezuela:

Bài phát biểu của ông Maduro nhằm khiêu khích phe đối lập. Ông biện minh cho động thái này khi nói rằng đây là điều kiện được ấn định bởi Quốc hội Lập hiến – cơ quan bị phe đối lập từ chối thừa nhận vì “không dân chủ.”

Ông Maduro không còn được dân chúng tín nhiệm do cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ. Trước những lời chỉ trích, chiến lược của ông là “chia để trị” – tìm cách làm suy yếu phe đối lập.

Và ông ta đã thành công – ông cho bắt giữ một số nhà lãnh đạo phe đối lập được biết đến nhiều nhất như Leopoldo Lopez. Ông ngăn cản những người khác như Henrique Capriles tranh cử. Và bây giờ ông cấm các đảng có ảnh hưởng nhất tham gia tranh cử trong tương lai. Phe đối lập đang trong tình trạng khủng hoảng và ông Maduro đang hả hê. – BBC

 

2. Mỹ sẽ thua trận trước Nga và Trung Quốc?

Một phúc trình của Tập đoàn nghiên cứu RAND nói rằng các lực lượng Mỹ có thể sẽ bại trận trong cuộc chiến kế tiếp, theo báo The Telegraph.

Phúc trình, có tựa đề “Năng lực Quân đội Hoa Kỳ đối đầu với một Thế giới Nguy hiểm,” đánh giá các kịch bản xung đột trong tương lai, từ xung đột với Nhà nước Hồi giáo hay với Iran, cũng như một cuộc chiến giả định trên hai mặt trận trước cả Trung Quốc và Nga.

Các nỗ lực hiện đại hóa của Hoa Kỳ “không theo kịp tốc độ” khi so sánh với hai đối thủ lớn này, và các lực lượng Mỹ “không được đảm bảo để đối mặt với những thách thức chính ở châu Âu và Đông Á”, CNBC cho hay, dựa theo một phúc trình mới của Rand.

Trong khi căng thẳng với Triều Tiên gia tăng, phúc trình dài 190 trang của Rand cũng thảo luận các kịch bản chiến tranh với NATO-Nga liên quan đến các quốc gia vùng Baltic.

Phúc trình cũng đề cập một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan và những khoảng trống trong các khả năng hiện tại của Hoa Kỳ.

Phúc trình của Tập đoàn RAND nói rằng sự tự mãn, và các ưu tiên bị lạc hậu, là trọng tâm của những rắc rối quân sự Mỹ.

Thay vì xây dựng các tàu sân bay khổng lồ, các tàu ngầm và máy bay tàng hình, Hoa Kỳ cần tập trung vào việc làm sao để quân đội vận hành tốt hơn.

Điều này bao gồm việc xây dựng các kho tên lửa hành trình tiên tiến, kỹ thuật liên lạc có khả năng chống lại tình trạng phá sóng tốt hơn và tăng cường khả năng phòng vệ của các căn cứ quân sự của Mỹ.

Lấy các thảm họa liên quan đến lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương làm minh chứng, phúc trình nói thêm rằng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hiện “chưa được đào tạo đầy đủ và chưa sẵn sàng để các đơn vị cùng phối hợp hoạt động hiệu quả nhất. – VOA.

 

3. Mua bán vũ khí tăng mạnh trên thế giới

2016 đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán vũ khí toàn cầu tăng mạnh trong 5 năm do căng thẳng về địa chính trị, CNN đưa tin, dẫn một phúc trình do một viện nghiên cứu ở Thụy Điển công bố hôm 11/12.

Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tăng 1,9% so với năm trước đó, đạt 374,8 tỷ đôla.

SIPRI nói rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán vũ khí “đã được dự báo trước” và xuất phát từ việc “triển khai các chương trình vũ khí mới của các quốc gia, các hoạt động quân sự đang diễn ra ở một số nơi, và những căng thẳng liên tục trong khu vực.”

Các nhà sản xuất vũ khí ở Hàn Quốc, vốn cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho quân đội nước này, có tốc độ sản xuất tăng cao nhất trong số các nước phát triển.

Chi tiêu cho sản suất vũ khí tăng nhanh như thế cho thấy mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm ẩn với Triều Tiên. Doanh thu của các công ty sản xuất vũ khí Hàn Quốc đã tăng hơn 20% trong năm 2016, lên tới 8,4 tỷ đôla.

Các công ty Mỹ vẫn đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí trong năm 2016, với doanh số bán hàng tăng 4%, đạt hơn 217 tỷ đôla. Hoa Kỳ chiến 58% tổng số doanh thu bán vũ khí toàn cầu.

Công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ- nhà sản xuất lớn nhất thế giới – có doanh số bán vũ khí tăng 11% trong năm 2016, nhờ bán máy bay chiến đấu F-35 và mua lại thương hiệu máy bay trực thăng Sikorsky.

Bà Aude Fleurant, Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự của Viện SIPRI, nói rằng tốc độ tăng doanh thu bán vũ khí của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục. Tổng thống Trump muốn tăng ngân sách của Lầu Năm Góc và tân trang lại kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.

Doanh số của các công ty Nga tăng 3,8%, đạt 26,6 tỷ đôla, tăng chậm hơn chút ít so với những năm gần đây.

Moscow đã tăng chi tiêu quốc phòng để tăng cường khả năng quân sự, nhưng việc mua sắm vũ khí đã chậm lại vì vấn đề tài chính.

Bà Fleurant lý giải rằng các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như xung đột về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, là nguyên nhân chính làm gia tăng doanh số bán vũ khí.

Khu vực này là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng, và nó có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực này.

Căng thẳng ở khu vực Biển Đông đã tăng từ năm 2014 khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp các hòn đảo, trang bị sân bay, bến cảng và hệ thống vũ khí. Trung Quốc cũng ra cảnh báo các tàu chiến và máy bay của Hoa Kỳ phải tránh xa khu vực này.

Bà Fleurant nói: “Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu và máy bay tuần tra hàng hải, vì lo sợ sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải.”

The Bloomberg, trong chuyến công du đến châu Á và dự APEC tại Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “chào hàng” tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam.

Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời “quảng cáo” của ông Trump với ông Phúc rằng “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên”. – VOA

 

4. Úc-Trung Quốc: Nhân Dân Nhật Báo tố báo chí Úc kỳ thị chủng tộc

Từ lúc bị nêu tên là nhân tố mưu toan lũng đoạn chính trường Úc, Bắc Kinh càng lúc càng tỏ thái độ tức tối, gia tăng dọa nạt Canberra.

Ngày hôm nay, 11/12/2017, đến lượt tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lên giọng cáo buộc các đồng nghiệp Úc là mang đậm tâm lý kỳ thị chủng tộc và có đầu óc hoang tưởng khi đưa tin về việc Trung Quốc xen vào nội tình chính trị Úc.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bài xã luận, tờ báo đã cho rằng truyền thông Úc đầy rẫy những thông tin hoang đường, đả kích chính quyền Trung Quốc một cách vô căn cứ và vu khống một cách đầy ác ý các du học sinh Trung Quốc và Hoa Kiều sống ở Úc.

Tờ báo đảng của Trung Quốc không ngần ngại cho rằng “những lập luận ồn ào hoang tưởng đó đều hàm chứa tính chất kỳ thị chủng tộc và là vết nhơ trên hình ảnh của nước Úc là một xã hội đa văn hóa”.

Bài xã luận được ký tên “Trung Thanh”, một bút danh thường được dùng khi tờ Nhân Dân Nhật Báo đề cập đến những vấn đề đối ngoại. “Tiếng nói Trung Quốc”, còn khẳng định Trung Quốc không cố tình can thiệp vào chính trường Úc, không dùng sự đóng góp tài chính để gây ảnh hưởng.

Lời đả kích Úc trên tờ Nhân Dân Nhật Báo đã nối tiếp những lời phản đối của chính quyền Bắc Kinh sau khi Trung Quốc bị thủ tướng Úc Michael Turnbull nêu đích đanh là nước tìm cách ảnh hưởng đến đời sống chính trị Úc, buộc ông phải đề xuất một số luật hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài trên các đảng chính trị Úc.

Hãng Reuters nhắc lại rằng việc Bắc Kinh mưu toan dùng quyền lực mềm gây ảnh hưởng tại Úc đã nổi cộm trở lại vào tuần trước, khi nghị sĩ Sam Dastyari, một chính khách có thế lực thuộc Công Đảng Úc (đối lập) bị loại khỏi chính phủ vì đã gọi điện thoại cảnh báo một doanh nhân Trung Quốc, đồng thời là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, rằng điện thoại của ông bị tình báo Úc nghe lén.

Tháng 06/2017, hai hãng truyền thông Úc là Fairfax Media và ABC đã báo động về việc Bắc Kinh tung chiến dịch “cài người” vào chính trường Úc để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc. – RFI

 

5. Thủ tướng Israel vẫn bảo vệ quyết định của Mỹ về Jerusalem

Trong cuộc họp với ngoại trưởng 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles sáng 11/12/2017, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa tuyên bố quyết định của Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái là “nền tảng đem lại hòa bình”. Tới nay, Liên Hiệp Châu Âu thường xuyên chỉ trích Tel Aviv chiếm đóng các vùng đất của người Palestine.

Từ 22 năm qua, ông Netanyahu là thủ tướng Israel đầu tiên tiếp xúc với các lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Âu. Cách nay hai ngày, thủ tướng Israel lên án Bruxelles có thái độ “giả dối” khi chỉ trích quyết định của tổng thống Trump về Jerusalem nhưng lại im lặng khi “hỏa tiễn chĩa vào Israel”. Họp báo chung với người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu – bà Federica Mogherini, thủ tướng Israel tuyên bố “tôn trọng châu Âu nhưng không sẵn sàng chấp nhận chính sách bên trọng, bên khinh của Bruxelles” về Cận Đông.

Cũng trong cuộc họp báo sáng nay, bà Mogherini một lần nữa giữ khoảng cách với quyết định của tổng thống Hoa Kỳ về Jerusalem. Theo bà, giải pháp duy nhất để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine là “công nhận hai Nhà nước, với Jerusalem là thủ đô của hai Nhà nước đó, theo đường biên giới đã được vạch ra từ năm 1967”.

Trước khi đến Bruxelles, thủ tướng Israel đã hội đàm với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại Paris chiều ngày 10/12/2017. Nguyên thủ Pháp kêu gọi ông Netanyahu nên có “những cử chỉ can đảm hướng tới người Palestine để tháo gỡ bế tắc hiện tại”. Theo quan điểm của Paris, đối thoại song phương và đình chỉ các chương trình chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine sẽ giúp tái tạo niệm tin giữa Tel Aviv với Cơ Quan Quyền Lực Palestine.

Cũng trong nỗ lực ngoại giao, chiều nay chủ tịch Cơ Quan Quyền Lực Palestine, Mahmoud Abbas đến Cairo, thảo luận với tổng thống Ai Cập về hồ sơ Jerusalem. Trên nguyên tắc, vào cuối tháng 12/2017, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence công du Cận Đông để thảo luận với các lãnh đạo trong khu vực về bước kế tiếp trong kế hoạch hòa bình vốn đang bị bế tắc. Nhưng trước mắt, Palestine báo trước là sẽ không tiếp phó tổng thống Mỹ.

Tại Cận Đông, hôm qua hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục phản đối quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem. Bạo động trong 4 ngày qua tại Gaza, Ramallah và Bethléem làm 4 người Palestine thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, theo các nguồn tin từ bệnh viện Palestine được AFP trích dẫn.

Tại châu Á, khoảng 5.000 người biểu tình trước sứ quan Mỹ tại Jakarta với khẩu hiệu “Jerusalem thuộc về Palestine”. – RFI

 

6.  Ván bài Nga trong thế giới Ả Rập

Trong bối cảnh lò lửa chiến sự Trung Đông đang nóng rực từ khi tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và các hiềm khích tranh giành ảnh hưởng trong các nước Ả Rập tiếp tục căng thẳng cao độ, trang quốc tế nhật báo Le Figaro có bài nhận định của thông tín viên Pierre Avril tại Matxcơva về vai trò của nước Nga giờ đây trong khu vực Trung Đông.

Bài viết mang tựa đề : « Liệu Nga có là ông chủ mới của thế giới Ả Rập ? » ghi nhận : « Phong trào Mùa Xuân Ả rập khởi phát năm 2011, các cuộc biểu tình chống Putin ở Nga lên cao, rồi đến cuộc cách mạng màu ở Ukraina, những sự kiện đó càng làm cho Kremlin có cảm giác bị vây hãm. Bằng việc can thiệp vào Syria, nước Nga đã tìm được cơ hội lật ngược thế cờ. »

Bài viết của tác giả đặt ra các câu hỏi để lý giải cho vai trò của Nga ngày nay trên bàn cờ Trung Đông. Trước hết là câu hỏi :

Matxcơva có thể dựa vào quá khứ Xô Viết?

Tác giả nhắc lại lịch sử từ những năm 1960, Liên Xô, nhân danh sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc đã ủng hộ đắc lực cho các phong trào dân tộc và cách mạng Ả Rập. Trong đó, đặc biệt có Mặt Trận Giải Phóng Dhofar (FLD). Tổ chức vũ trang theo chủ nghĩa Mác-xít này, trước khi bị rơi vào quên lãng, đã tồn tại hàng chục năm dưới sự nâng đỡ của Liên Xô, cùng những ý đồ lật đổ các vương triều vùng Vịnh, nhưng không thành. Liên Xô cũng hậu thuẫn Nasser lật đổ chế độ quân chủ do Anh hậu thuẫn, lên cầm quyền ở Ai Cập đầu những năm 1950. Liên Xô cũng từng cung cấp vũ khí cho cuộc chiến giành độc lập của người Algeri. Thậm chí, từ năm 1967 đến năm 1990, Matxcơva còn thành công trong việc dựng lên ở Nam Yemen một chế độ 100% Mác-xít trong thế giới Ả Rập.

Từ thập niên 1990, chế độ Xô Viết sụp đổ đã kéo theo dấu ấn Xô Viết ở Trung Đông. Le Figaro trích dẫn ông Kirill Semionov, cố vấn đối ngoại của Nga: « Ảnh hưởng của chúng ta trở về con số không. Nga không còn nguồn tài chính để dẫn dắt chính sách riêng của mình trong một vùng đã bị mất toàn bộ lợi ích ».

Cuộc chiến tại Syria đánh dấu sự trở lại hùng mạnh của nước Nga ?

Theo tác giả bài viết, « Trên thực tế, một chuỗi sự kiện phức tạp bùng phát khi có phong trào Mùa xuân Ả Rập đã đẩy Matxcơva vào đấu trường này. Năm 2011, sau khi Moubarak bị lật đổ ở Cairo, Nga cảm thấy bị phản bội khi Luân Đôn và Paris mở chiến dịch tấn công Lybia lật đổ Kadhafi, từ lâu vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Matxcơva. Vài tháng sau, đến lượt Assad bị đe dọa. Theo Kremlin, mối đe dọa đó không phải từ đường phố ở Syria mà là từ nhưng nhà bảo trợ phương Tây ».

Một yếu tố làm tình hình thêm nghiêm trọng là những sự kiện ở các nước Ả Rập xảy ra trùng vào thời điểm phong trào đường phố chống Putin lên cao ở Nga hồi cuối năm 2011, đầu năm 2012. Sau đó 2 năm lại nổ ra cuộc Cách Mạng Màu thân châu Âu ở Ukraina lật đổ tổng thống thân Nga. Từ đó Nga bắt đầu cảm thấy bị đe dọa.

Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria bắt đầu từ tháng 09/2015 là câu trả lời cụ thể cho các thách thức an ninh của họ. Matxcơva ban đầu nghĩ rằng họ sử dụng đòn bẩy quân sự ở Syria là để buộc các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga vì vụ can thiệp vào Ukraina.

Theo bài báo, trong cuộc khủng hoảng Trung Cận Đông vùng Vịnh hiện nay, Nga là cường quốc duy nhất có liên hệ với mọi bên để có thể đóng vai trò trung gian điều khiển cuộc chơi. Matxcơva hợp tác chặt chẽ với Iran trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria, trong khi đa số các nước từ Ả Rập Xê Út đến Hoa Kỳ không nói chuyện được với Teheran. Không can dự trực tiếp nhưng Matxcơva xích lại với Qatar để thúc đẩy vương quốc này đối thoại với Ả Rập Xê Út.

Le Figaro nhận định : « Giờ đây, từ thắng lợi quân sự, Matxcơva trở thành người đối thoại bắt buộc mà các nước bảo trợ cho phe nổi dậy ở Syria phải thích nghi. Thổ Nhĩ Kỳ chống kịch liệt Damas cũng đang hợp tác chặt chẽ với Nga ».

Như vậy, có thể thấy vai trò của Nga là không thể phủ nhận ở Trung Đông lúc này. Với vị thế đó, Nga đang tìm cách gia cố các mối quan hệ thương mại với mọi tác nhân trong vùng, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.

Liệu Nga đã cắm chân vững chãi trong vùng ?

Theo tác giả bài báo, « thừa cơ khủng hoảng Syria để nhảy vào Trung Đông một cách gần như là đột nhập, Matxcơva có thể sẽ mất ảnh hưởng trong vùng, một khi hòa bình được vãn hồi ». Đây là giả thuyết đang được giới nghiên cứu Ả Rập của Nga bàn luận.

Một mặt, sự bành trướng của nước Iran Hồi giáo dòng Shia có thể khiến quan hệ Nga với Ả Rập Xê Út trở về con số 0 bất cứ lúc nào. Mặt khác, các nước như Ai cập vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của Mỹ. Còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hữu hảo với Nga trong lúc quan hệ của họ với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu gặp rắc rối. Với việc tổng thống Donald Trump vừa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quan hệ giữa Matxcơva và nhà nước Do Thái vốn vẫn được chú trọng và đã được cải thiện đáng kể thời gian qua, nay sẽ trở nên tế nhị hơn nhiều.

Tác giả kết luận : « Trong một vùng thường trực các xáo trộn này, Vladimir Putin không thể tự phụ với nhãn quan chiến lược. Vai trò của nhà chiến thuật, hay có thể gọi là cơ hội, cũng đủ để ông thực hiện tham vọng.” – RFI

 

7. Đức: TQ ‘lập tài khoản LinkedIn ảo để nhử quan chức EU’

Cơ quan tình báo Đức cảnh báo rằng Trung Quốc đang dùng các tài khoản ảo trên mạng xã hội để thu thập thông tin cá nhân từ các chính trị gia, giới chức cấp cao của EU.

Theo tờ Telegraph của Anh, sau cuộc điều tra vụ xâm phạm an ninh quy mô lớn dài chín tháng, Cơ quan Tình báo Quốc gia Đức (BfV), cho biết hơn 10.000 người Đức kết nối với các profile ảo trên mạng xã hội LinkedIn.

‘Mục tiêu kết nối’

Giới chức tình báo Đức cho hay, các profile ảo giả làm headhunter (người săn đầu người), chuyên gia tư vấn hay các học giả dưới tên “Rachel Li” và “Alex Li”, và dụ người ta “kết nối” với họ để thu thập thông tin về thói quen, sở thích và quan điểm chính trị.

“Cơ quan tình báo Trung Quốc đang hoạt động trên các mạng xã hội như LinkedIn nhằm thu thập thông tin và tìm nguồn tin tình báo theo cách này”, một phát ngôn viên cho hay.

Rất nhiều profile ảo cố ý dùng ảnh nam giới, phụ nữ có gương mặt cuốn hút để có nhiều người kết bạn với họ. Một ảnh avatar trong số này được cho là lấy từ catalogue thời trang trực tuyến, Reuters đưa tin.

Các profile ảo cũng giả là đang làm tại các tổ chức gồm RiseHR, công ty phát triển nhân lực của Hà Lan và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trung-Âu, một viện nghiên cứu chính sách.

Nhiều profile ảo nhắm mục tiêu kết nối với các nhà ngoại giao cấp cao và các chính trị gia khắp châu Âu. BfV cho biết “một lượng lớn” các profile ảo hiện vẫn chưa được xác định và kêu gọi công dân Đức báo cáo về những profile đáng nghi.

Cơ quan này cũng cảnh báo các viên chức chính phủ Đức phải cảnh giác về việc rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. – BBC

 

8. Bitcoin ra mắt trên sàn giao dịch tương lai

Bitcoin đã bắt đầu giao dịch trên một sàn lớn lần đầu tiên.

Bitcoin được đưa lên sàn giao dịch hợp đồng tương lai CBOE (future) ở Chicago vào lúc 23:00 GMT hôm Chủ nhật, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đặt cược vào việc giá Bitcoin sẽ tăng hay giảm.

Trong thời gian trước khi có sự ra mắt cho giao dịch tương lai, giá trị của đồng tiền số này đã tăng lên.

Việc đưa Bitcoin ra giao dịch tại CBOE đã được một số người xem như một bước tiến tới việc hợp pháp hoá đồng tiền.

Người ta dự kiến vào tuần tới cũng sẽ có bước tương tự tại một sàn đối thủ là Chicago Mercantile Exchange.

Giao dịch CBOE cho thấy hợp đồng tương lai của Bitcoin hết hạn vào tháng Một tăng 17% từ 15.000 USD lên quá 18.000 USD.

Bitcoin là gì?

Đó là loại tiền số “thay thế” mà phần lớn tồn tại trực tuyến và không được in hoặc điều chỉnh bởi các ngân hàng trung ương.

Bitcoin được tạo ra thông qua một quá trình phức tạp được gọi là “đào mỏ” và sau đó được giám sát bởi một mạng máy tính toàn cầu

Khoảng 3.600 Bitcoins mới được tạo ra mỗi ngày, với khoảng 16.5 triệu đồng đang lưu hành.

Giống như tất cả các loại tiền tệ, giá trị của Bitcoins được xác định bằng việc người ta muốn mua và bán nó ở mức giá nào.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng 10/2017 nói việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi cơ quan báo chí hôm 28/10 khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc giao dịch bitcoin trên thị trường “chợ đen” (thông qua môi giới) đã và đang diễn ra tại Việt Nam, theo một nhà quan sát muốn ẩn danh nói với BBC.

Được biết các “cò bitcoin” có tài khoản mua bán trên thị trường thế giới kinh doanh dựa vào ăn chênh lệch tỉ giá giữa bitcoin/usd trên các sàn thế giới với “tỉ giá chợ đen” dựa vào nhu cầu mua bán bitcoin của nhà đầu tư tại Việt Nam.

Hiện chưa rõ có làn sóng “chốt lời” chứng khoán tại Việt Nam, vốn tăng điểm mạnh trong năm 2017, để chuyển qua buôn bán bitcoin hay không.

Hợp đồng tương lai là gì?

Hợp đồng tương lai cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào giá của cái gì đó vào một ngày trong tương lai.

Các nhà đầu tư nay có thể đặt cược vào Bitcoin tăng hoặc giảm giá mà không thực sự sở hữu chúng.

Hợp đồng tương lai thường dựa trên giá của một loại hàng hóa thực sự – chẳng hạn như dầu.

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi của Bitcoin là một số người không coi đây là một “thứ gì đó”.

Mặc dù được gọi là đồng tiền, nhưng người ta vẫn tranh luận là đó có phải là một tài sản, hoặc hàng hóa, mà không có bất kỳ việc sử dụng thực tế hoặc giá trị có thế đánh giá được.

Một người trong cuộc cho biết việc ra mắt bắt đầu với mức điểm thấp mà không “không có rượu sâm banh” ăn mừng. Tuy nhiên, CBOE nhắn trên twitter cảnh báo rằng trang web của sàn này chạy chậm và có thể tạm thời không truy cập được.

Việc dự báo sự có mặt của bitcoin ở dạng niêm yết mua bán chính thống đầu tiên đã giúp đồng tiền gây tranh cãi tăng vọt lên quá mức 10.000 USD và sau đó là hơn 17.000 USD vào thứ Năm trước khi giảm xuống. Theo Coindesk.com, giá của Bitcoin đứng ở mức 16.600 USD vào thứ Hai.

Nick Colas, từ hãng nghiên cứu Data Trek, cho biết việc niêm yết hợp đồng tương lai đã cho Bitcoin “tính hợp pháp và công nhận rằng đây là một tài sản người ta có thể buôn bán”.

Chris Ralph, giám đốc đầu tư tại St James’s Place nói với chương trình Today của BBC rằng ông vẫn cẩn trọng về đồng tiền này.

“Tôi không muốn dùng từ hợp pháp, nhưng có thể nó đã chuyển từ bóng tối ra ánh sáng”, ông nói.

“Nhưng điều tôi nghĩ là diễn biến này có nghĩa là sẽ nhiều người hơ đang làm việc trong thị trường ngân hàng đầu tư sẽ để mắt tới Bitcoin.

“Nó đã từng được mô tả như là loại tài sản cho năm 2017, nhưng khi bước vào năm 2017 thì không ai gọi đó là một loại tài sản cả”.

Việc ra mắt Bitcoin tại CBOE và CME đã được thực hiện sau khi được Ủy ban Giao dịch Tương lai (CFTC) và Hàng hóa Mỹ phê duyệt.

Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo các nhà đầu tư về “mức độ biến động và rủi ro cao trong kinh doanh và giao dịch các hợp đồng này”. – BBC