Tin Thế Giới -11/10/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới -11/10/2014

Phong trào dân chủ Hồng Kông lấy lại khí thế sau khi đối thoại bị hủy – Báo chí Trung Cộng lên án Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình – Thủ Tuớng Trung Cộng ‘tự tin’ về sự ổn định của Hong Kong

Trong đêm hôm qua, 10/10/2014, hàng trăm sinh viên đã dựng lều trại tại những địa điểm biểu tình chính ở Hồng Kông để tiếp tục phong trào đòi dân chủ. Sau khi chính quyền vùng lãnh thổ này quyết định hủy bỏ cuộc đối thoại dự trù với đại diện những người biểu tình, phong trào phản đối đã có dấu hiệu khôi phục được thanh thế, với hàng ngàn người xuống đường.

Thông tín viên RFI Florence de Changy đã hòa mình vào đoàn người biểu tình tập hợp gần trụ sở chính quyền Hồng Kông để ghi nhận những phản ứng bất bình, chen lẫn lo ngại:

“Dân chủ thực thụ”; “Hãy bảo vệ tương lai của chúng ta !”; “Hồng Kông là của chúng ta”. Đây là những khẩu hiệu chính được những người biểu tình hô vang.

Bầu không khí đã lại trở thành rất hăng say một lần nữa vào tối thứ Sáu này, sau vụ chính quyền Hồng Kông hủy bỏ các cuộc đối thoại với phong trào đòi dân chủ.

Trong đám đông, người ta thấy ông Lý Trác Nhân, nghị sĩ Hồng Kông, đồng thời là Chủ tịch của Đảng Những người Lao động, ngồi xếp bằng tròn trước bục diễn đàn dã chiến làm bằng hai tấm ván đặt trên bốn chiếc ghế đẩu. Ông không ngần ngại lên án việc Chính quyền hủy bỏ đối thoại:

“Điều đó cho thấy rằng chính phủ không thực tâm muốn giải quyết cuộc khủng hoảng. Bởi vì nếu muốn, thì họ cũng có thể mở ít ra một cuộc đối thoại với sinh viên. Nhưng vấn đề, theo tôi, là họ chưa có được chỉ thị từ Bắc Kinh. Quả là một điều đáng xấu hổ ! Dù làm bất cứ điều gì, họ cũng đều phải chờ đợi sự chấp thuận từ Bắc Kinh.”

Tuy nhiên, với hiện tượng phong trào đang trong chiều hướng bị sa lầy, tâm lý lo ngại đang gia tăng. Penny Lâm là một nữ luật sư, đã đích thân đến đây ủng hộ phong trào đấu tranh mà cô rất ngưỡng mộ. Cô không tránh khỏi lo âu:

“Chính quyền sẽ không cho phép mọi người ở lại đây mãi mãi. Vì vậy, sớm hay muộn gì thì cũng sẽ có một hình thức đàn áp. Không ai muốn thấy điều đó cả.”

Trong khi chờ đợi bước tiếp theo, các nhân vật chính của chính quyền Hồng Kông đã lục tục bay sang Trung Quốc để tham dự diễn đàn Quảng Châu.

Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang lập lại cáo buộc rằng Hoa Kỳ đứng sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Bài xã luận trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo số ra hôm thứ Bảy, nói rằng các giới chức Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đang tích cực xúi giục một “cuộc cách mạng màu” trên lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc.

Bài xã luận nói Hoa Kỳ ra vẻ bênh vực dân chủ và nhân quyền, nhưng thực chất là “bảo vệ cho lợi ích của Mỹ và làm suy yếu các chính phủ mà Mỹ xem là không chịu phục tùng.”

Nhật báo thường phản ánh các ý kiến ủng hộ Ðảng Cộng sản này trích dẫn các “tin tức truyền thông” ngụ ý rằng bà Louisa Greve của tổ chức ủng hộ dân chủ National Endowment for Democracy có trụ sở ở Washington đã gặp gỡ với các sinh viên biểu tình cách đây vài tháng.

Đây được xem là lên án trực tiếp nhất của Bắc Kinh về sự dính líu của Mỹ trong phong trào biểu tình.

Hoa Kỳ muốn thấy phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông, nhưng chưa lên tiếng trực tiếp ủng hộ phong trào bất tuân dân sự vốn đang tạo đà lớn mạnh ở Hồng Kông.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng ông tin tưởng có thể bảo đảm về sự “ổn định xã hội” của Hồng Kông và Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trên lãnh thổ bán tự trị này.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, ông Lý nói rằng sự ổn định lâu bền của Hồng Kông phải được bảo đảm cho người dân Hồng Kông và cho Hoa lục.

Chiều tối thứ Năm, nhà cầm quyền đã bãi bỏ cuộc nói chuyện với các thủ lãnh biểu tình, và nói rằng các cuộc đối thoại được dự kiến vào ngày thứ Sáu không thể thực hiện được vì các cuộc biểu tình mà họ xem là bất hợp pháp vẫn tiếp diễn.

Chính quyền thân Bắc Kinh đã tức giận bởi những đe dọa của các thủ lãnh sinh viên sẽ gia tăng các cuộc biểu tình nếu đòi hỏi cải cách bầu cử của họ không được đáp ứng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ra sức chỉ trích những người biểu tình, gọi đây là “phong trào bất hợp pháp”, do các “thế lực thù địch” kích động.

‘Sự thịnh vượng về dài hạn’

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với bà Merkel hôm 10/10, ông Lý Khắc Cuờng không đề cập trực tiếp đến các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, ông nói: “Việc duy trì sự thịnh vượng và ổn định về dài hạn đối với Hong Kong không chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc mà còn cho lợi ích của chính người dân Hong Kong”.

“Tôi tin chắc rằng người dân Hong Kong và chính quyền Hong Kong đủ khả năng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định của xã hội … đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.”

Ông nói sẽ “không có gì thay đổi” đối với quyền tự trị hiện nay của Hong Kong và những sự kiện tại Hong Kong là “vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Bà Merkel nói “các cuộc biểu tình cho đến nay vẫn hoàn toàn ôn hòa, và tôi hy vọng chúng sẽ có thể duy trì như vậy”.

Lời hứa dân chủ

Yêu sách của người biểu tình chủ yếu xoay quanh cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong.

Người dân tại đây muốn được quyền trực tiếp bầu lãnh đạo của mình.

Trung Quốc đã hứa cho phép người dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp, nhưng cũng nói tất cả các ứng viên phải được một ủy ban phê chuẩn – đồng nghĩa với việc Bắc Kinh được quyền sàng lọc ứng viên.

Các nhà hoạt động tại Hong Kong nói đây không phải là một mô hình dân chủ.

Một trong các nhà tổ chức chính của phong trào biểu tình Chiếm Trung tâm (Occupy Central), ông Benny Tai, nói với BBC rằng chính quyền cần phải trình bày một “lộ trình” hướng đến bầu cử dân chủ tại Hong Kong.

“Hiến pháp Luật Cơ bản (Basic Law) của chúng tôi nêu rõ người dân [Hong Kong] được bảo đảm quyền phổ thông đầu phiếu… Đây là điều không hiện hữu ở những nơi khác tại Trung Quốc,” ông nói. – RFI, VOA, BBC

Iraq kêu gọi Mỹ giúp đỡ thêm chống IS

Giới chức Iraq ở tỉnh Anbar thuộc miền Tây kêu gọi chính phủ nước này khẩn cấp tìm sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ do sợ rằng tỉnh lỵ có thể thất thủ và rơi vào tay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) trong vòng vài ngày.
Các chiến binh thuộc nhóm phiến quân đã tấn công thủ phủ của tỉnh này là Ramadi, và chiếm giữ căn cứ quân sự ở trong vùng.

Một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP rằng tình hình ở Anbar là “mong manh”.

Các chiến binh IS kiểm soát các dải đất lớn thuộc lãnh thổ của Syria và Iraq và đang tấn công để giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới Kobane của Syria.

Anbar là một tỉnh có ví trí chiến lược quan trọng và là nơi có đập Haditha – là đập lớn thứ hai ở Iraq.

Chiếm được Anbar sẽ giúp cho quân IS kiểm soát một dải lãnh thổ kéo dài trên hầu khắp Syria và Iraq.

Việc này cũng sẽ cho phép nhóm phiến quân thánh chiến thiết lập được tuyến hậu cần của họ và lấy đó làm bàn đạp tấn công vào thủ đô Baghdad của Iraq.

‘Tính bằng ngày’

Hội đồng tỉnh Anbar đã yêu cầu Chính phủ Iraq cầu viện bộ binh Mỹ giúp đỡ để tỉnh này có thể kháng cự trước các chiến binh IS, theo truyền hình al-Sharqiyah của Iraq.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã nhiều lần bác bỏ sự hiện diện của bộ binh từ bất kỳ quân đội nước ngoài nào ở Iraq.

Quân đội Mỹ đã thực hiện một số cuộc không kích vào quân IS, ngăn cản lực lượng này chiếm giữ đập Haditha.
Tuy nhiên quân IS vẫn tiếp tục ‘tiến lên’ và tấn công tỉnh lỵ này.

Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh, Faleh al-Issawi, cảnh báo rằng Anbar có thể “thất thủ trong vòng 10 ngày”, theo tường trình của tờ The Times.

Cuộc giao chiến ở Kobane, thị trấn của người Kurd trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, đã chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi các cuộc tấn công của IS tại Anbar, ông al-Issawi nói thêm.

Một quan chức quốc phòng Mỹ, với điều kiện được giấu tên, nói với hãng AFP rằng tình hình ở Anbar là “mong manh”.

‘Có thể bị thảm sát’

Quân của Nhà nước Hồi giáo tiếp tục bám trụ tại thị trấn biên giới Kobane của Syria.
Các chiến binh đã tràn ngập trụ sở của lực lượng dân quân người Kurd, tiếp tục bao vây thị trấn mặc dù các cuộc không kích của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đang tiếp diễn.

Hôm thứ Sáu, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria cảnh báo rằng có tới 700 người bị mắc kẹt trong thị trấn.

Đặc phái viên Staffan de Mistura nói rằng: ‘các thường dân sẽ rất có thể bị tàn sát nếu thị trấn thất thủ và lọt vào tay IS’.

Còn các lực lượng người Kurd, bên đang được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS, nói rằng họ cần rất nhiều vũ khí và đạn dược để đẩy lui các cuộc tấn công của các chiến binh IS ở thị trấn.

Trong khi đó, cho đến nay nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bác bỏ mọi khả năng mở bất kỳ một chiến dịch bộ binh nào nhắm vào quân IS.

Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tham dự về mặt quân sự, một phần vì nước này e ngại sẽ vũ trang cho các lực lượng người Kurd, bên đang chiến đấu chống lại IS.

Thổ Nhĩ Kỳ từng có một cuộc nội chiến lâu dài với thiểu số người Kurd ở nước này.

IS nói nhóm này có mục đích thành lập một nhà nước do một lãnh đạo chính trị và tôn giáo duy nhất lãnh đạo theo luật Sharia của Hồi giáo.

IS được biết tới với các chiến thuật hành xử tàn bạo, kể cả giết người hàng loạt, bắt cóc các thành viên của nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc cũng như chặt đầu các binh sĩ và nhà báo bị giam giữ hoặc bắt làm con tin. – BBC

Trung Cộng phản đối Mỹ bán vũ khí cho CSVN và phản đối Seoul về vụ ngư dân TQ bị bắn chết|

Trung Quốc phản đối quyết định của Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh bán vũ khí sát thương cho Việt nam, xem đây là một hành động có tính chất “can thiệp” và “gây mất ổn định”.

Trong một bài báo đề ngày 10/10/2014, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng chính sách của Mỹ về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thể hiện rõ rệt sự “can thiệp” của Hoa Kỳ vào thế cân bằng lực lượng ở khu vực châu Á.

Vào đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vẫn được thi hành từ nhiều thập niên qua. Theo thông cáo của bộ Ngoại giao Mỹ, việc giảm nhẹ cấm vận này là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm giúp các nước ở vùng Biển Đông tăng cường khả năng về an ninh hàng hải. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng việc bán các vũ khí cho Việt Nam sẽ được Washington cứu xét theo từng trường hợp.

Tuy nhiên, quyết định nói trên của Mỹ được đưa ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội với Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc vào tháng 5/2014 đặt giàn khoan ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đang tranh chấp. Quan hệ giữa hai nước càng xấu đi do việc Trung Quốc xây phi đạo quân sự trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một hành động bị phía Việt Nam cực lực phản đối.

Trong bài báo hôm qua, tờ Nhân Dân Nhật Báo viết rằng: “ Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển còn tồn tại giữa hai nước. Hơn nữa, vào năm 2013, hai bên đã thiết lập nhóm công tác chung để thảo luận về khai thác phát triển biển”. Cho nên đối với Nhân dân Nhật báo, việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ phá hỏng sự “đồng thuận” giữa Việt Nam với Trung Quốc, và gây phương hại đến ổn định và làm phức tạp thêm các tranh chấp.

Tờ Nhân dân Nhật báo cũng tỏ vẻ bực tức khi viết rằng, “trong khi đã giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, và vẫn hạn chế việc xuất khẩu công nghệ cao cấp cho Trung Quốc”.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cho rằng quyết định của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ “cản trở việc phát triển quan hệ Mỹ-Trung”.

Bên cạnh đó, một sự kiện khác là vào tối hôm qua, 10/10/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức một “cuộc họp khẩn cấp” với Đại sứ Hàn Quốc tại Bắc Kinh để phản đối vụ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị Tuần duyên Hàn Quốc bắn chết. Vụ việc xẩy ra vào lúc sáng tại vùng hải phận Hàn Quốc trên Hoàng Hải khi ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép bị cảnh sát biển Hàn Quốc chận bắt.

Trong một bản thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết là ông Lưu Kiến Siêu, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc đã tiếp xúc với ông Kwon Young Se, đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc, để chuyển lời “phản đối nghiêm khắc” về sự cố, xẩy ra ngoài khơi cách bờ biển phía tây của Hàn Quốc 144 km.

Theo nguồn tin trên, quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Seoul lập tức tiến hành một điều tra cặn kẽ, trừng phạt những người chịu trách nhiệm và đề ra biện pháp để ngăn ngừa sự cố tương tự tái diễn. Về phần Hàn Quốc, Đại sứ Kwon Young Se đã tỏ ý “rất lấy làm tiếc” về vụ việc, và gởi lời “chia buồn sâu sắc” đến gia đình nạn nhân.

Vấn đề đáng chú ý trong vụ này là theo báo chí Hàn Quốc, phần lỗi lại thuộc về phía tàu cá Trung Quốc, đã vào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, khi bị Tuần duyên Hàn Quốc chặn bắt lại kháng cự dữ dội bằng dao và chai bia.

Theo lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc, viên thuyền trưởng chiếc tàu cá Trung Quốc mang ký hiệu Lỗ Doanh Ngư 50987 đã bị đạn lạc khi cảnh sát biển Hàn Quốc phải bắn để cảnh cáo.

Cũng theo Tuần duyên Hàn Quốc, họ phải thường xuyên đối mặt với các vụ tàu cá Trung Quốc tràn vào đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Hàn Quốc. Khi bị bắt, ngư dân Trung Quốc thường kháng cự dữ dội.

Vào năm 2011, chẳng hạn, một người lính Tuần duyên Hàn Quốc đã bị ngư dân Trung Quốc giết chết nhân một vụ chận bắt trong vùng biển của Hàn Quốc. – RFI

Vụ sát nhân gây tranh cãi làm lu mờ chuyến thăm Myanmar của nhà lãnh đạo Thái

Người đứng đầu tập đoàn cầm quyền Thái Lan đã thực hiện vụ đảo chính gần đây nhất tại vương quốc này đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong tư cách thủ tướng. Nhưng chuyến đi Myanmar đang bị lu mờ vì một vụ ám sát dường như đã gây rắc rối cho bang giao giữa hai lân quốc. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok.

Thương mại, cải thiện an ninh biên giới, và vấn nạn của các công nhân di trú Myanmar ở Thái Lan là các đề tài trong nghị trình chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.

Nhưng chính 2 công nhân di trú Myanmar, hiện đang bị giam giữ vì nghi đã ám sát 2 du khách người Anh, mới là vấn đề được giới truyền thông chú ý đến nhiều nhất trong chuyến thăm này.

Các tổ chức nhân quyền ở Thái Lan, Myanmar và các nơi khác đã tỏ ý nghi ngờ về việc bắt giữ họ, vì những lời cáo buộc này đi ngược lại với các lời thú tội về kết quả DNA mà cảnh sát nói cho thấy xứng hợp với chất liệu gien phát hiện nơi một trong 2 nạn nhân người Anh.

Tổng thống Myanmar Thein Sein hôm nay đã yêu cầu thủ tướng Thái tiến hành một cuộc điều tra ‘trong sạch và công bằng’ về vụ này, theo tin tức của giới truyền thông ở Yangon.

Một nhà hoạt động về nhân quyền ở Yangon, nằm trong số những người đến gần toà đô chính để phản đối chuyến thăm của người đứng đầu tập đoàn cầm quyền Thái, nói rằng vụ này đã không được điều tra có hệ thống.

Ông Nay Myo Zin nói chính phủ Myanmar phải làm áp lực với Thái Lan để cho phép được sự hỗ trợ của công đồng quốc tế hầu sự thật có thể được phanh phui và để 2 công dân Myanmar, có thể bị bắt một cách bất công, được trả tự do.

Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan, ông Somyot Poompanmoung, nói với các phóng viên ở Bangkok hôm nay rằng bằng chứng chống lại hai người đang bị câu lưu là kết quả của một cuộc điều tra đích đáng và “theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế.”

Vụ sát hại 2 du khách người Anh ở bãi biển thuộc đảo nghỉ mát Koh Tao đã làm hoen ố hình ảnh của Thái Lan.

Công nghiệp du lịch, chiếm tới 10% tổng sản lượng quốc dân của Thái Lan, vốn đã bị thiệt hại vì những vụ biểu tình chính trị kéo dài ở các đại lộ của Bangkok trước khi xảy ra vụ đảo chính ngày 22 tháng 5.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về những vụ sát nhân trong khi những lời cáo buộc ồn ào cho rằng các nghi can trong vụ giết người ở Koh Tao đã bị tra tấn trong khi thẩm vấn.

Công nhân từ Myanmar, tức Miến Điện, ở Thái Lan lâu nay vẫn rất dễ bị tổn thương. Không ai biết chắc được có bao nhiêu dân di trú từ Myanmar ở Thái Lan, là nơi họ là một nguồn lao động tay chân rẻ tiền cấp thiết. Con số có thể lên tới 3 triệu.

Kể từ khi xảy ra vụ đảo chính, tập đoàn cầm quyền đã thiết lập một hệ thống đăng ký cho công nhân di trú từ các nước láng giềng mà tập đoàn nói là sẽ bảo vệ tốt hơn cho cả công nhân lẫn chủ nhân. – VOA