Tin Thế Giới – 10/27/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 10/27/2014

Bà Dilma Rousseff tái đắc cử Tổng thống Brazil, thắng sít sao với 51.5%

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đắc cử nhiệm kỳ hai để tiếp tục làm nhà lãnh đạo của quốc gia lớn thứ 5 thế giới.

Với 98% phiếu đã kiểm xong, bà Rousseff chiếm 51.5% phiếu, đánh bại đối thủ là Thượng nghị sĩ có lập trường trung hữu Aecio Neves.

Bà Rousseff, nhà lãnh đạo có chủ trương khuynh tả, phát biểu sau khi kết quả sơ bộ được loan báo.

“Một lá phiếu bầu lại là một lá phiếu của hy vọng, đặc biệt là để cải thiện những hành động của những người đã nắm quyền cai trị. Tôi biết đó là điều mà người dân nói lên khi họ bầu lại cho một nhà lãnh đạo. Đó là điều mà tôi nghe thấy từ các phòng phiếu. Đó chính là lý do tôi muốn trở thành một vị tổng thống tốt hơn.”

Trong vòng đầu phiếu thứ nhất trước đây trong tháng này, bà Rouseff đã chiếm được nhiều phiếu nhất, nhưng không giành được đa số quá bán để tránh tổ chức một cuộc đầu phiếu vòng nhì.

Đối thủ của bà trong vòng đầu phiếu này là Thượng nghị sĩ Neves, một kinh tế gia từng hai lần giữ chức thống đốc của tiểu bang đông dân hàng thứ nhì của Brazil. Ông phát biểu như sau về cuộc bầu cử.

“Sống động hơn bao giờ hết, hy vọng hơn bao giờ hết, tôi chấm dứt cuộc vận động tranh cử này với cảm giác là chúng ta đã chu toàn vai trò của mình, và để kết thúc, tôi xin một lần nữa nhắc tới Sao Paolo, bởi vì đối với tôi cái tên này diễn tả một cách rõ ràng nhất những cảm nghĩ trong tim óc tôi. Tôi đã ra sức chiến đấu, tôi đã hoàn tất sứ mạng của mình và tôi không hề đánh mất niềm tin. Xin cảm ơn tất cả mọi người ở Brazil.”

Cuộc bầu cử này được nhiều người xem là một sự tán thành đối với Đảng Công Nhân của bà Russeff, là đảng nắm quyền cai trị từ năm 2003 và được cho là có công nới rộng các chương trình phúc lợi xã hội và đưa hàng triệu người nghèo tiến vào giai cấp trung lưu.

Mặc dù vậy, trong 4 năm dưới quyền cai trị của Tổng thống Rouseff, kinh tế Brazil đã bị suy thoái và tốc độ tăng trưởng đã bị chậm lại. Bà cũng đã đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ của những người bất mãn trước tệ nạn tham nhũng và những lời chỉ trích về các khoản chi tiêu cho World Cup. – VOA

Ukraine bầu quốc hội thân Châu Âu nhiều nhất từ trước tới nay

Kết quả thăm dò cử tri vừa bỏ phiếu xong ở Ukraine cho thấy người dân nước này đã bầu ra quốc hội thân Châu Âu nhiều nhất từ trước tới nay, mặc dù phiến quân đòi ly khai thân Nga đã ngăn chận cuộc đầu phiếu ở phần đất mà họ kiểm soát. Kết quả cho thấy các đảng thuộc phe đương quyền, có chủ trương cải cách đã chiếm nhiều phiếu nhất trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng kết quả bầu cử quốc hội cho thấy sự hậu thuẫn mạnh mẽ dành cho nỗ lực của ông để thực hiện các biện pháp cải cách dân chủ và tăng cường các mối quan hệ với Liên hiệp Châu Âu.

“Kết quả của cuộc bầu cử mang lại chiến thắng vẻ vang cho tất cả các lực lượng dân chủ thân Châu Âu, thân Ukraine và mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội để phát triển, để cải cách, để xúc tiến chương trình Chiến lược 2020, trong đó có những biện pháp chống tham nhũng, những bước tiến để thực thi pháp trị, những biện pháp cải cách y tế và những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư.”

Kết quả cuộc thăm dò cử tri vừa bỏ phiếu xong cho thấy khối của ông Poroshenko chiếm 23% phiếu, thấp hơn tỉ lệ dự kiến trước đó là 30%. Mặt trận Bình dân của đương kim Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk về nhì với 21%.

Đảng Tự Cường thuộc phe tự do của ông Andriy Sadovy, Thị trưởng Lviv, về hạng ba với 13% phiếu. Khối Đối lập của cựu Tổng thống Yanukovich về hạng tư với 8% phiếu.

Gần 3 triệu cử tri ở những nơi do các phiến quân đòi ly khai thân Nga kiểm soát đã không thể bỏ phiếu trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật. Các lãnh tụ của phe đòi ly khai, là phe cầm đầu cuộc nổi dậy hồi tháng tư chống lại chính phủ ở Kiev, cho biết họ sẽ tổ chức cuộc bầu cử của họ vào ngày 2 tháng 11.

Tuy lãnh đạo các đảng kình chống nhau, Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk đều ủng hộ cho việc siết chặt quan hệ với Liên hiệp Châu Âu và đều vận động cho những biện pháp cải cách mà nhiều người cho là cần thiết để đưa đất nước ra khỏi bờ vực của phá sản. Theo dự liệu, các cuộc thương thảo để thành lập liên minh cầm quyền sẽ bắt đầu diễn ra trong ngày hôm nay.

Kiev và nhiều chính phủ Tây phương tố cáo Moscow hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine. Vụ khủng hoảng này đã gây tử vong cho hơn 3.700 người và đưa kinh tế Ukraine tới bờ vực của sụp đổ. – VOA

Trung Cộng sẽ xây dựng phi đạo tại Nam cực – Trung-Nhật gặp gỡ để tránh xung đột vũ trang

Báo chí nhà nước Trung Cộng (TC) hôm nay 27/10/2014 cho biết Bắc Kinh sẽ xây dựng một phi đạo tại Nam cực. Đây là giai đoạn mới trong việc nhanh chóng tăng cường sự hiện diện tại lục địa trắng, nơi TC đã có bốn trạm nghiên cứu.

Cơ sở hạ tầng này sẽ phục vụ cho việc tiếp tế nhân lực và vật lực cho bốn căn cứ do TC sở hữu tại Nam cực. Theo tờ Tin tức Buổi chiều, Bắc Kinh dự định xây dựng thêm một căn cứ nữa ở Nam bán cầu vào đầu năm 2015.

Tờ báo giải thích, các nhà nghiên cứu TC hiện đang “lệ thuộc vào việc vận chuyển bằng đường hàng hải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực nghiên cứu khoa học”.

Khoảng ba mươi quốc gia có trạm nghiên cứu tại Nam cực, nơi Bắc Kinh tập trung những phương tiện quan trọng để tăng cường sự hiện diện của TC tại đây. Minh họa cho nỗ lực này là các chuyến công tác liên tục của chiếc tàu phá băng Tuyết Long trong khu vực.

Còn ở Bắc bán cầu, TC, nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, còn tìm cách đứng chân tại Bắc cực, vì Bắc Kinh thèm khát trữ lượng dầu khí lớn ở vùng đất băng giá này.

Về tranh chấp với Nhật, các viên chức TC trong tuần này sẽ gặp gỡ các cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản tại Bắc Kinh, để nghiên cứu khả năng tránh né các xung đột trên bộ giữa hai nước. Đơn vị tổ chức là một quỹ tư nhân của Nhật hôm nay 27/10/2014 cho biết như trên, nói rằng mục đích là để xúc tiến hòa bình thế giới.

Các cựu lãnh đạo lực lượng hải quân và không quân Nhật, vào thứ Tư và thứ Năm 30/10 tới sẽ đề cập vấn đề này với các chỉ huy quân sự TC. Tiếp theo hai ngày thảo luận này, sẽ có những cuộc gặp gỡ khác trong những tháng tới tại TC hoặc Nhật Bản, và cho ra một bản báo cáo vào cuối năm.

Từ hơn hai năm qua, quan hệ Trung-Nhật lại xấu đi hơn bao giờ hết, do các bất đồng về lịch sử, nhưng nhất là do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hiện do Tokyo quản lý. Từ khi chính phủ Nhật mua lại ba trong số năm hòn đảo của quần đảo này từ một chủ tư nhân Nhật, những cuộc biểu tình bạo động đã nổ ra tại nhiều thành phố TC, và Bắc Kinh không ngừng gởi tàu bè đến quấy nhiễu.

Đến tháng 11/2013, TC đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên phần lớn Biển Hoa Đông, trong đó có khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh căng thẳng đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe luôn hy vọng một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch TC Tập Cận Bình vào tháng 11 tới, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh.

Lên nắm quyền gần như cùng thời điểm – ông Abe vào cuối năm 2012 còn ông Tập vào đầu năm 2013 – nhưng hai lãnh đạo Nhật-Trung chưa bao giờ gặp gỡ song phương.

Tân Hoa Xã xác nhận rằng hôm 18/10 Thủ tướng TC Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt tay nhau bên lề một diễn đàn kinh tế ở Milan, nhưng vội vã nói thêm là hai người không hội đàm chính thức. Vài giờ trước cái bắt tay này, ba bộ trưởng Nhật đã đến viếng đền Yasukuni, và hôm trước đó khoảng một trăm dân biểu, nghị sĩ Nhật cũng đến viếng ngôi đền vốn bị TC và Hàn Quốc coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật. – Theo RFI