Tin Thế Giới – 10/6/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 10/6/22

(AFP) – Nhật Bản phát hiện dấu hiệu của sự sống trên tiểu hành tinh Ryugu. Theo một nghiên cứu của đại học Okayama, Nhật Bản, được công bố ngày 10/06/2022, khoảng hơn 20 loại axit amin được phát hiện trong các mẫu đá mang về từ tiểu hành tinh Ryugu, cách Trái Đất 300 triệu km. Sự hiện diện của các loại axit amin này có thể chỉ ra nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất. Theo các nhà khoa học, các loại axit amin tạo ra protein trên Trái Đất có thể là đến từ vũ trụ.

(AFP) – Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới giảm vì chiến tranh Ukraina. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 09/06/2022, chiến tranh Ukraina đã làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được dự báo giảm mạnh trong năm 2022. Báo cáo chỉ ra rằng chiến tranh Ukraina đã tạo ra cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng đó là khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính. Chiến tranh Ukraina khiến các nhà đầu tư không dám liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Những số liệu sơ bộ của quý 1 năm 2022 cho thấy số vốn đầu tư vào các dự án mới (Greenfield) đã giảm 21%.

(Reuters) – Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE  từng bước điều chỉnh lãi suất chỉ đạo để chống lạm phát. Thông cáo được đưa ra hôm 09/06/2022 giải thích tăng lãi suất nhưng tránh làm phương hại đến các hoạt động kinh tế. Theo giới quan sát, lãi suất chỉ đạo của khu vực đồng euro sẽ dao động từ 1 đến 2%. Mục tiêu của BCE nhằm giữ lạm phát trung bình ở mức 2%.

(AFP) – Phần Lan nghiên cứu khả năng dựng rào cản ở đường biên giới với Nga. Một nguồn tin từ chính phủ giải thích với báo chí hôm 10/06/2022, đây là biện pháp đối phó trong trường hợp Nga sử dụng người nhập cư «như một phương tiện để gây sức ép» với quốc gia Bắc Âu này. Nga và Phần Lan có đường biên giới chung gần 1.300 cây số. Helsinki đang xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

(AFP) – Nga tập trận ngoài khơi biển Baltic. Bộ Quốc phòng Nga hôm 09/06/2022 cho biết huy động 60 tàu thuyền, 40 phi cơ và trực thăng vào cuộc tập trận trong bối cảnh NATO mở đợt tập trận trên biển trong khuôn khổ chương trình Baltops22 cho đến hết ngày 17/06/2022 cũng trong vùng biển này.

(AFP) – Giáo hoàng Phanxicô, 85 tuổi, hủy chuyến tông du Cộng Hòa Dân Chủ Congo và Nam Soudan vì lý do sức khỏe. Vatican ngày 10/06/2022 giải thích do đau đầu gối, lãnh đạo Tòa Thánh phải hủy hai chuyến viếng thăm châu Phi dự trù vào đầu tháng 7. Thông báo được đưa ra vào lúc rộ lên tin đồn giáo hoàng có thể sẽ phải từ chức.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220610-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Philippines phản đối tầu Trung Quốc ở bãi Đá Ba Đầu. Vụ việc xảy ra hồi tháng 4/2022, nhưng đến hôm qua, 09/06, bộ Ngoại Giao Philippines mới ra thông cáo phản đối, nêu rõ hơn một trăm chiếc tầu Trung Quốc neo đậu bất hợp pháp tại bãi Đá Ba Đầu, cách quần đảo Palawan 320 km về phía tây. Philippines còn khẳng định đã gởi công hàm phản đối chính thức đến đại sứ quán Trung Quốc tại Manila.

(AFP) – Trung Quốc : Máy bay quân sự rơi, một người chết. Truyền thông Trung Quốc ngày 09/06/2022 loan tin chiếc một tiêm kích J-7, trong một cuộc tập luyện, đã rơi xuống khu dân cư ở trấn Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung nước này. Viên phi công đã kịp nhảy thoát khỏi buồng lái và được chuyển đến bệnh viện, nhưng tai nạn xảy ra đã làm một người chết và hai người khác bị thương. Hãng tin Mỹ AP lưu ý, việc truyền thông nhà nước đưa tin tai nạn là điều hiếm thấy vì «Trung Quốc thường che giấu các vụ tai nạn quân sự (…)». AP cũng nhắc lại chính phủ nhiều nước gần đây phàn nàn về việc chiến đấu cơ Trung Quốc có những hành động nguy hiểm đối với các máy bay giám sát quân sự của những nước này.

(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Nga mất 15 năm thành tựu kinh tế và 30 năm hội nhập thế giới. Trong báo cáo hôm 08/06/2022, hiệp hội các ngân hàng quốc tế Institute of Finance International (IIF) kết luận Nga đang trả giá đắt cho hành động xâm chiếm Ukraina. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có hiệu quả «tức thời», nhưng đè nặng lên kinh tế Nga về lâu dài. GDP của Nga được dự báo giảm 15 % trong năm nay và giảm thêm 3% trong năm 2023.  

(Le Figaro) – Uber sát cánh với Chương Trình Lương Thực Thế Giới PAM để phân phát hàng cứu trợ cho nạn nhân chiến tranh Ukraina. Công ty dịch vụ gọi taxi của Mỹ Uber hôm 08/06/2022 thông báo sử dụng các loại xe nhỏ, phối hợp với PAM trong việc phân phối hàng viện trợ cho người dân Ukraina từ ở thành thị đến những vùng xa xôi, hẻo lánh. Chương Trình Lương Thực Thế Giới nhấn mạnh sự cộng tác này sẽ cho phép bảo đảm thực phẩm «đến được tay những người đang cần giúp đỡ một cách an toàn».

(RFI) – Biden: «Dân chủ, yếu tố thiết yếu cho tương lai của châu Mỹ». Trong bài diễn văn hôm 08/06/2022 tại Thượng Đỉnh Châu Mỹ ở Los Angeles, tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến những khác biệt giữa các quốc gia tại châu lục rộng lớn này. Nhưng theo ông điều quan trọng nhất là các quốc gia trong vùng đều là những «nền dân chủ» và Washington tin rằng đó là nền tảng để các bên «đối thoại trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau». Nhiều lãnh đạo của các nước như Mêhicô, Bolivia, Honduras hay Guatemala tẩy chay Thượng đỉnh Châu Mỹ 2022 do Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua, những quốc gia phi dân chủ theo quan điểm của Washington.

(Le Parisien) – Bảng xếp hạng mới của ECA International: Hồng Kông là thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu. Theo bảng xếp hạng ECA International được công bố ngày 08/06/2022, Hồng Kông cũng là nơi xăng được bán với giá cao nhất trên thế giới: 2,64 euro/lit. Giá nhiên liệu tăng là một trong những yếu tố chính đẩy giá sinh hoạt ở các thành phố thêm đắt đỏ. New York của Mỹ từ vị trí thứ 4 lên đứng thứ hai, nhưng chủ yếu do giá thuê nhà tăng tới 12%. Tiếp theo là Genève (Thụy Sĩ), Luân Đôn (Anh) và Tokyo (Nhật).

(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Mỗi ngày có 100 binh sĩ Ukraina tử trận. Ngoài ra, theo thông báo hôm nay 09/06/2022 của bộ trưởng Quốc Phòng Oleksii, Reznikov, mỗi ngày còn có 500 lính Ukraina bị thương do vũ khí của Nga. Hôm 01/06, tổng thống Ukraina từng cho biết mỗi ngày quân đội Ukraina mất 60-100 quân nhân.

(AFP) – Mỹ muốn bảo đảm đại pháo Himars được sử dụng đúng cách. Hoa Kỳ, vốn đã gởi bốn hệ thống pháo tân tiến Himars cho Ukraina, hôm qua 08/06/2022, cho biết muốn được bảo đảm rằng các quân nhân Ukraina nắm vững được cách sử dụng, trước khi gởi thêm những khẩu đại pháo mới. Theo tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, Himars là một hệ thống rất tinh vi, cần phải huấn luyện không chỉ người sử dụng, mà cả những người lính phụ trách bảo trì, cả sĩ quan lẫn hạ sĩ quan.

(AFP) – WHO lo ngại virus đậu mùa khỉ lan đến những nước chưa bị ảnh hưởng. Trong cuộc họp báo ngày 08/06/2022, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết thực sự có nguy cơ virus đậu mùa khỉ lan sang những nước khác, « nhưng kịch bản này có thể tránh được ». Hiện nay đã xuất hiện trên 1.000 ca đậu mùa khỉ tại 29 nước mà bệnh này vốn hiếm hoi, nhưng không có trường hợp tử vong nào so với các nước đang bị dịch. Đại đa số các trường hợp lây nhiễm là từ quan hệ đồng giới nam. WHO không khuyến cáo chích ngừa hàng loạt, cho biết vaccin đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả với virus đậu mùa khỉ, nhưng không biết trên thế giới còn được bao nhiêu liều. Bệnh đậu mùa đã được tuyên bố diệt trừ vào năm 1980.

(Le Figaro) – Nghị Viện Châu Âu đồng ý cho ngưng sản xuất xe hơi động cơ nhiệt từ năm 2035. Chiều qua, 08/06/2022, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua đề nghị của Ủy Ban Châu Âu, ngưng sản xuất xe hơi dùng động cơ nhiệt từ năm 2035, để có thể đạt mục tiêu zero khí thải đối với xe hơi và xe tải mới vào năm 2050. Đây là một quyết định quan trọng vì lãnh vực này chiếm 1/5 số khí thải của châu Âu, nhưng chỉ mới là giai đoạn đầu, vì còn phải đạt được thỏa thuận giữa 27 nước thành viên với Ủy Ban Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu từ nay đến cuối năm. Nhóm nghị ĩ cánh hữu PPE chỉ trích một biện pháp “mị dân”, cho rằng những áp lực kinh tế từ cuộc chiến tranh ở Ukraina khiến kỹ nghệ cần có thời gian thích ứng.

(France 24) – Một làng ở Pháp ra quy định bảo vệ sóng biển. Lần đầu tiên tại Pháp, làng Saint-Pierre-Quiberon thuộc vùng Bretagne đã ra quyết định cấm mọi việc xây dựng tại khu vực rộng 30 hecta dọc theo bờ biển để bảo tồn những đợt sóng, được coi là nguồn đa dạng sinh học. Việc đắp đê hoặc hút cát có thể làm biến đổi hình dạng những đợt sóng, cũng bị cấm. Ngoài lợi ích văn hóa, kinh tế, sóng biển còn giúp mang oxy đến cho môi trường hải dương, đảo trộn cát, đẩy sò ốc lên trên mặt để làm thức ăn cho cá… Cho đến nay, trên thế giới chỉ mới có Pêru luật hóa việc bảo vệ sóng biển vào năm 2013.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220609-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p