Tin Thế Giới – 08/12/2015
Đối lập Venezuela ‘sẽ thả tù chính trị’
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội, liên minh các đảng phái đối lập Venezuela đã nhanh chóng công bố chương trình hành động về kinh tế và chính trị, gồm cả mục tiêu thả các tù nhân.
Phe đối lập dự kiến sẽ thông qua luật ân xá cho những ai bị giam giữ vì lý do chính trị dưới thời tổng thống Nicolas Maduro. Cuộc họp của tân nghị viện tuần đầu năm mới, vào ngày 5/1/2016 sẽ bàn về điều này.
Trong số các tù nhân nổi tiếng nhất có chính trị gia Leopoldo Lopez. Ông bị xử tù 14 năm hồi năm 2014 vì “kích động bạo lực”.
Phe đối lập Venezuela nói họ có trong tay danh sách 73 tù nhân cần được ân xá. Họ cũng muốn chấm dứt chính sách kinh tế kiểu Chavez, gọi là Chavismo, theo tên của cố tổng thống xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez.
Theo Reuters, lãnh đạo liên minh đối lập Jesus Torrealba nói các nhà lập pháp mới sẽ ngăn không cho Ngân hàng Trung ương in thêm tiền để giảm lạm phát.
Trong hai năm vừa qua, Tổng thống thiên tả Nicolas Maduro cho in nhiều tiền, đẩy lạm phát ở Venezuela lên vào hàng cao nhất thế giới.
Theo BBC News, đây là lần đầu tiên trong 16 năm Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) không nắm kiểm soát tại Quốc hội – một đòn giáng nghiêm trọng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của họ.
Tỉ lệ bỏ phiếu cao (74,3% cử tri đi bầu) cho thấy đa số dân chúng ủng hộ cho những thay đổi.
Cho đến năm 2013, các chính sách dùng thu nhập từ trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của đất nước để chi tiêu cho các chương trình xã hội ông Chavez khởi xướng bắt đầu mất tác dụng.
Chính sách tiền tệ, quốc hữu hóa các ngành then chốt và quản lý ngân sách của ông đã bị cho là nguyên nhân gây ra lạm phát cao, các ngành công nghiệp hoạt động không hiệu quả và hàng hóa thiếu hụt.
Sau khi ông Hugo Chavez qua đời vì ung thư sau 14 năm cầm quyền, Phó Tổng thống Nicolas Maduro, người được đích thân Chavez chọn để kế nhiệm, đã lên làm tổng thống thay ông.
Ông Maduro từng cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của ông Chavez. Nay, ông thừa nhận thất bại của đảng Xã hội Thống nhất PSUV trong cuộc bầu cử. – BBC
Tỉ phú Trump kêu gọi cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ
Tỉ phú Donald Trump lại đưa ra những phát biểu chống người Hồi giáo khiến dư luận sửng sốt, tiếp theo sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng trước ở Paris và vụ xả súng ở San Bernardino, California hồi tuần trước. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.
Ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump kêu gọi ngăn cấm “triệt để và tất cả” người Hồi giáo vào Hoa Kỳ cho đến khi nào các nhà lãnh đạo của nước Mỹ “hiểu ra được chuyện gì đang xảy ra.”
Ông Trump cho rằng số liệu của các cuộc khảo sát cho thấy “rất nhiều tín đồ Hồi giáo thù hận người Mỹ.”
“Cho đến khi nào chúng ta có thể xác định và hiểu rõ vấn đề này và mối đe dọa nguy hiểm của nó, thì đất nước chúng ta mới không còn là nạn nhân của những vụ tấn công tàn bạo của những kẻ chỉ tin vào thánh chiến… Đó là những kẻ chỉ tin vào thánh chiến, họ không tin vào hệ thống của chúng ta, họ không muốn có hệ thống của chúng ta… và họ không có suy nghĩ hợp lý hay quý trọng mạng sống con người, họ không biết tôn trọng.”
Những phát biểu cay độc về người Hồi giáo chẳng phải là điều mới mẽ đối với ông Trump, người từng hô hào là chính phủ phải giám sát các đền thờ Hồi giáo và đã không chịu rút lại đề nghị trước đó của ông là nên lưu giữ tên tuổi của người Hồi giáo ở Mỹ trong một hệ thống dữ liệu để theo dõi.
Nhưng phát biểu hôm thứ Hai của ông Trump đã tăng mức độ của luận điệu chỉ trích mạnh mẽ thường thấy của nhà tỉ phú này đối với tín đồ Hồi giáo, tiếp theo sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris và San Bernardino, California.
Ông Nihad Awad, giám đốc điều hành của Hội đồng Quan hệ Hoa Kỳ – Hồi giáo, lên án phát biểu của ông Trump, và cảnh báo rằng những phát biểu đó làm cho người Hồi giáo ở Mỹ gặp phải mối rủi ro bị trả đũa bằng bạo động.
“Phát biểu của ông Donald Trump nghe giống như của một tay đầu đảng phân biệt chủng tộc, chứ không phải của một người lãnh đạo một đất nước vĩ đại như đất nước của chúng ta. Ông ấy và những người khác đang mắc mưu của ISIS. Đây thực sự là điều mà ISIS muốn người Mỹ làm — đó là quay sang ẩu đả nhau.”
Phát biểu của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama, trong diễn văn được truyền hình toàn quốc, kêu gọi người Mỹ không quay sang chống người Hồi giáo tiếp theo sau các vụ tấn công khủng bố.
Tòa Bạch Ốc nhanh chóng lên án đề nghị của ông Trump, gọi đó là “hoàn toàn đi ngược lại với giá trị của Mỹ.”
Phát biểu của ông Trump cũng gặp phải sự chỉ trích của các đối thủ trong các cuộc bầu cử trong đảng sắp tới để chọn người đại diện tranh cử tổng thống.
Cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush đăng trên Twitter rằng “Ông Trump đang phát khùng…Các đề nghị chính sách của ông ấy là không nghiêm túc”.
Thống đốc bang New Jersey Chris Christie gọi quan điểm của ông Trump là “lố bịch”. Còn Thượng nghị sĩ Lindsay Graham nói rằng lời lẽ của nhà tỉ phú này “đi từ những phát biểu ngớ ngẩn đến chỗ hết sức nguy hiểm”. – VOA
Mỹ đưa máy bay trinh sát tới Singapore, TC phản đối — Singapore xích lại gần Mỹ hơn trên hồ sơ Biển Đông
Hoa Kỳ và Singapore đã ký một thỏa thuận về việc lần đầu tiên triển khai máy bay trinh sát P8 Poseidon ở Singapore trong tháng này, nhưng ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao TC hôm nay lên tiếng chỉ trích động thái này là nhằm “quân sự hóa khu vực”.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp ở Washington hôm qua, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã hoan nghênh việc triển khai bắt đầu từ ngày 7 cho tới ngày 14/12.
Thông cáo cũng nói rằng việc triển khai máy bay P8 ở Singapore sẽ “thúc đẩy việc phối hợp hoạt động thêm nữa với quân đội các nước trong khu vực thông qua việc tham gia vào các cuộc diễn tập đa và song phương, trong khi hỗ trợ kịp thời công tác cứu hộ thảm họa và nhân đạo”.
Một quan chức quốc phòng Mỹ được dẫn lời nói rằng các đợt triển khai máy bay trinh sát tiếp theo ở Singapore có thể sẽ tiếp tục sau đó, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hoa Xuân Oánh hôm nay cho rằng việc “gia tăng triển khai quân sự của Hoa Kỳ cũng như việc thúc đẩy quân sự hóa khu vực không phù hợp với các lợi ích chung và lâu dài của các nước trong khu vực”.
Hoa nói thêm rằng Singapore, cũng giống như các nước khác trong vùng, muốn chứng kiến một vùng Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng.
Hoa Kỳ thực hiện các chuyến bay do thám với máy bay P8 từ Nhật Bản và Philippines cũng như Malaysia.
Tháng trước, một máy bay ném bom B52 của Mỹ đã bay gần một số hòn đảo nhận tạo mà TC xây dựng ở biển Đông, và cuối tháng Mười, một chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý thuộc các đảo đó.
Hồi tháng Năm, quân đội TC cũng đã 8 lần cảnh cáo một chiếc máy bay trinh sát P8 bay gần các hòn đảo nhân tạo đó. – Theo VOA
***
Khi quyết định cho Mỹ triển khai phi cơ do thám hiện đại P8 Poseidon ngay trên lãnh thổ của mình, với địa bàn hoạt động rõ ràng là Biển Đông, Singapore như đã cho thấy là họ đang đứng về phía Mỹ trong hồ sơ Biển Đông, nhân danh việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không đang bị những hành vi quyết đoán của TC đe dọa.
Quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Singapore và Hoa Kỳ không phải là một bí mật, vì ngay từ năm 1990, Singapore đã đồng ý mở cửa một phần các căn cứ của mình để cho đồng minh Mỹ sử dụng, mà cụ thể là mở quân cảng Changi cho chiến hạm Mỹ, kể cả hàng không mẫu hạm. Trong toàn vùng Đông Nam Á, Changi là cảng duy nhất có khả năng đón tiếp tàu sân bay Hoa Kỳ.
Bản Thỏa thuận ghi nhớ về quốc phòng Mỹ-Singapore ký kết vào khi ấy không được các láng giềng của Singapore tán đồng. Cho dù vậy, Singapore vẫn coi trọng quan hệ với Mỹ, và qua năm 2005, hai bên ký kết một hiệp ước khung về hợp tác chiến lược – Strategic Framework Agreement – để thắt chặt thêm hợp tác quốc phòng và quân sự. Công cuộc hợp tác này đã được tăng cường đáng kể với Hiệp ước Hợp tác Tăng cường về Quốc phòng – Enhanced Defense Cooperation Agreement – ký kết hôm nay tại Washington.
Để bảo đảm năng lực quốc phòng, Singapore không ngần ngại đầu tư mạnh vào quân đội và vũ khí hiện đại. Trong số các nước vùng Đông Nam Á, Singapore nổi bật là nước duy nhất đã rất thận trọng, không mua thiết bị từ TC hoặc từ Nga.
Từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tung ra chiến lược xoay trục qua Châu Á, vào lúc TC ngày càng có những hành vi hung hăng quyết đoán nhằm áp đặt chủ quyền Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, Singapore đã trở thành một nước Đông Nam Á hiếm hoi dám hậu thuẫn cho chiến lược xoay trục của Mỹ một cách cụ thể.
Chính Singapore đã đồng ý cho quân đội Mỹ đặt một trung tâm chỉ huy trên đất nước mình, và triển khai 4 chiến hạm mới LCS tức là tàu cận chiến duyên hải, đặt căn cứ tại quân cảng Changi, từ đó tỏa ra thực hiện các nhiệm vụ tại Biển Đông.
Sau chiếc đầu tiên là USS Freedom, vào tháng 12 năm ngoái, chiếc LCS thứ hai của Mỹ USS Fort Worth đã bắt đầu hoạt động từ Singapore. Theo kế hoạch, chiếc thứ ba sẽ đến nơi vào năm tới 2016, và đến năm 2017, sẽ có đủ 4 chiếc.
Việc Singapore bật đèn xanh cho Mỹ bố trí phi cơ do thám hiện đại P8 Poseidon cũng nằm trong chiều hướng hậu thuẫn cho chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, mà mục tiêu được tuyên bố là nhằm bảo đảm an ninh và ổn định cho toàn vùng.
Trong bối cảnh đọ sức Mỹ-Trung hiện nay, với việc Hoa Kỳ đe dọa tiếp tục tiến hành các chiến dịch tuần tra “vì quyền tự do hàng hải” tại Biển Đông, trong lúc TC cho biết sẽ sẵn sàng phản ứng, đồng thời cho ra sức thị uy, Singapore rõ ràng là đã thiên về lập trường của Mỹ khi tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch tuần tra của Mỹ.
Có tin cho rằng sắp tới đây, rất có thể là Mỹ sẽ cử một tàu cận chiến duyên hải của mình, đặt căn cứ tại Biển Đông, thức hiện chiến dịch tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của TC tại Trường Sa.
Theo các nhà phân tích, chính thái độ hợp tác không úy kỵ với Mỹ của Singapore, một quốc gia không thể bị nghi ngờ là mang nặng tâm lý chống TC, đã thúc đẩy một số nước láng giềng bớt đi dè dặt trong việc xích lại gần Washington hơn để có đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Trong thời gian gần đây, giới quan sát đã ghi nhận một chiều hướng của Malaysia và Indonesia cảnh giác hơn đối với TC. Trong thế cục hiện nay tại Biển Đông, cảnh giác với TC, có nghĩa là gần gũi hơn với Mỹ. – Theo RFI