Tin Thế Giới – 06/11/2015
Phi cơ Nga: ‘bom trong khoang hành lý’
Các nhà điều tra Anh về vụ phi cơ Nga rơi ở Ai Cập tin rằng một quả bom được đưa vào khoang để hành lý gửi.
Chính phủ Anh kết luận rằng khủng bố nhiều khả năng là nguyên nhân sau khi tình báo thu lượm được thông tin dân quân trao đổi với nhau tại bán đảo Sinai.
Các nhà điều tra của cơ quan an ninh Anh nghi ai đó có quyền tiếp cận khoang để hành lý đã đưa bom vào khoang này ngay trước khi phi cơ cất cánh, phóng viên an ninh BBC Frank Gardner cho biết.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với đài phát thanh CBS vào hôm thứ Năm ông cho là có “khả năng” rằng một trái bom gây ra vụ làm rơi phi cơ này.
Tuy nhiên cả Ai Cập và Nga đều nói còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov vào hôm 05/11 nói: “Mọi diễn tả về những gì xảy ra…chỉ có thể đưa ra nhờ một cuộc điều tra.”
Ông phát biểu sau khi Mỹ và Anh tuyên bố tin tình báo đặt giả thiết máy bay bị đặt bom.
Dân quân liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố họ gây ra vụ làm rơi phi cơ này khiến 224 hành khách đa số nạn nhân là người Nga thiệt mạng.
Anh đã ngưng toàn bộ các chuyến bay tới và từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh ở Ai Cập vào hôm thứ Tư.
Công dân Anh theo dự kiến sẽ rời đây vào hôm thứ Sáu nhưng chỉ mang theo hành lý xách tay.
Máy bay Airbus 321 của hãng Metrojet, đã rơi xuống sa mạc Sinai của Ai Cập, 23 phút sau khi cất cánh từ khi nghỉ mát Sharm el-Sheikh trên đường tới St Petersburg hôm thứ Bảy 31/10/2015. – BBC
Đảng: ‘Tập gặp Mã bất minh’
Một lãnh đạo Dân Tiến Đảng, bà Thái Anh Văn lên án cuộc gặp Tập-Mã, gọi nó là ‘bất minh’ và ‘gây hại’ cho Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn, nữ ứng viên hàng đầu vào chức tổng thống Đài Loan năm tới, tỏ sự ngạc nhiên về chuyện đột nhiên lãnh đạo Trung Quốc hẹn gặp ông Mã Anh Cửu tại Singapore ngày 7/11 này.
Được biết Tổng thống sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu sẽ được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp trong 20 phút.
Đây không phải là cuộc hội đàm mang tính quốc gia vì hai ông chỉ gọi nhau là ‘Ngài’, mà không dùng chức danh vì hai bên không công nhận nhau.
Nhưng bà Thái Anh Văn đặt câu hỏi vì sao tuyên bố về ‘Tập-Mã hội’ bỗng nhiên được nêu ra, không rõ từ đâu:
“Tôi tin rằng người dân cả nước cũng thấy ngạc nhiên như tôi,” bà Thái nói với báo chí Đài Loan hôm 05/11.
“Để mọi người biết về cuộc gặp theo cách vội vã, lộn xộn thế thật là làm hại cho dân chủ Đài Loan.”
Bà cũng gọi cách chuẩn bị cho cuộc gặp Tập-Mã là không minh bạch (nguyên văn tiếng Trung: ‘bất công khai thấu minh’).
Có vẻ như cuộc gặp được coi là ‘lịch sử’ diễn ra không dễ dàng.
Hãng AFP trích lời ông J. Michael Cole, một nhà nghiên cứu từ Đại học Nottingham làm việc tại Đài Bắc cho hay:
“Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để xử lý cuộc gặp một cách tế nhị, từ chuyện chụp ảnh, bắt tay đến góc nhìn.”
“Bất cứ thỏa thuận hay đồng ý nào cũng có rủi ro càng làm cho dư luận Đài Loan khó chịu vì họ đã cho rằng đây là chuyện tế nhị vì Bắc Kinh muốn tác động đến kết quả bỏ phiếu của họ,” ông nói.
Theo BBC Tiếng Trung trích các nguồn Trung Quốc thì sau cuộc gặp ngày 7/11 này tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, hai ông Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình sẽ dự bữa tiệc tối.
Tuy nhiên, bên nào sẽ trả tiền ăn của bên đó để không mang tiếng là “ăn của nhau”.
Đài Loan là gì?
Phái chống lại ông Mã Anh Cửu, người sắp mãn nhiệm năm sau, rằng cuộc gặp là cách để giúp Quốc Dân Đảng tăng uy thế trong cuộc bầu cử tháng 1/2016.
Uy tín của Quốc Dân Đảng sụt giảm nhiều, một phần vì lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Nếu bà Thái Anh Văn thắng cử lên làm nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan, chính sách của Đài Bắc với Bắc Kinh có thể thay đổi.
Sinh năm 1956, bà Thái từng học ở Đại học Cambridge, Anh Quốc, Cornell, Hoa Kỳ và có bằng tiến sỹ trường LSE, London.
Bà từng giữ chức chủ tịch Dân Tiến Đảng và nay là ứng viên tổng thống của họ.
Chính sách ‘Một Trung Hoa’ của Quốc Dân Đảng bị nhìn nhận như một thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh, cho phép hai bên tùy ý diễn dịch nó ra sao.
Cũng theo AFP trong ngày 6/11, cuộc gặp Tập-Mã kéo trở lại những khó khăn về ngôn từ, khi báo chí quốc tế nói tới Đài Loan.
Chẳng hạn, cuộc thi Hoa hậu Miss Universe cũng phải tìm cách gọi ứng viên từ Đài Loan là gì vì hòn đảo này có chính quyền riêng nhưng không được Bắc Kinh và nhiều nước công nhận.
Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) đành phải gọi Đài Loan là ‘Vùng lãnh thổ riêng biệt gồm Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ’ tức là điểm ra toàn bộ các hòn đảo lớn nhỏ do chính quyền Đài Bắc kiểm soát.
Hiện Đài Loan tức Trung Hoa Dân Quốc được 22 quốc gia công nhận, trong đó có cả Nhà nước Vatican.
Nhưng Ngân hàng Phát triển Á châu gọi đây là “Đài Bắc, Trung Hoa”, còn Fifa và các tổ chức thể thảo quốc tế dùng tên gọi là “Trung Hoa Đài Bắc”.
Ngay cả người Đài Loan đã chết cũng bị Bắc Kinh coi là người Trung Quốc.
Chẳng hạn khi hãng hàng không Malaysia nêu ra tên tuổi 153 người là công dân CHND Trung Hoa và một người là “người Hoa Đài Bắc” (Chinese Taipei) tử nạn trong vụ MH370 thì Bắc Kinh nói cả 154 nạn nhân là người Trung Quốc. – BBC
Chính phủ Obama phát động chiến dịch hỗ trợ các cộng đồng bản địa
Từ việc giải quyết tình trạng vô gia cư cho tới việc trao quyền cho giới trẻ, chính phủ của Tổng Thống Obama đang phát động một số biện pháp mới để hỗ trợ các bộ lạc người da đỏ bản địa.
Tổng Thống Barack Obama đã dành ưu tiên cho việc cải thiện cuộc sống của người bản xứ tại Mỹ.
Tổng Thống Obama trò chuyện với 5 thanh niên bản địa hôm qua về một loạt những đề tài rộng rãi trong một cuộc đối thoại về những vấn đề mà các bộ lạc người bản địa phải đối mặt, kể cả hỗ trợ cho các sinh viên đang chuyển tiếp sang bậc đại học.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Một điều khác nữa mà chúng tôi đang cố gắng làm là củng cố các trường cao đẳng của các bộ tộc bản địa bởi vì chúng tôi tin rằng có cơ hội để nhiều người trẻ tuổi được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp theo một đường lối phù hợp với văn hoá của họ, cho phép những người trẻ tuổi đôi khi được ở nhà.”
Tổng Thống Obama còn nói rằng trong khi điều quan trọng là giới thanh thiếu niên bản xứ phải được hỗ trợ và có một nơi để tìm hiểu truyền thống văn hoá của họ, điều này không thể được dùng như một cái cớ để tránh những gì xảy ra bên ngoài cộng đồng của họ.
Hội nghị các Bộ Tộc Bản địa Toàn quốc lần thứ 7 tại Tòa Bạch ốc quy tụ hàng trăm nhà lãnh đạo bộ tộc và các giới chức chính phủ Mỹ để thảo luận về những phương cách gỡ bỏ các trở ngại trên con đường đi tới thành công của những người trẻ tuổi, và thúc đẩy quyền tự quyết của các bộ tộc. – VOA