Tin Thế Giới – 05/11/2015
Anh: Máy bay Nga có thể đã bị đánh bom
Anh hôm thứ Tư 4/11 nói rằng họ càng lúc càng lo ngại một quả bom đã nổ tung trên chiếc máy bay của Nga rơi hôm thứ Bảy trên bán đảo Sinai, giết chết tất cả 224 người trên đó.
Chính quyền của Anh đã cử một nhóm những chuyên gia hàng không tới sân bay tại thành phố du lịch Sharm El-Sheikh của Ai Cập, nơi mà chuyến bay hướng đến St Petersburg đã cất cánh, để đánh giá tình hình an ninh ở đó trước khi bất kỳ chuyến bay nào của Anh được phép rời khỏi khu vực.
“Trong khi cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi không thể khẳng định vì sao chiếc máy bay phản lực của Nga lại rơi,” Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron cho biết trong một thông cáo. “Nhưng trong lúc thêm nhiều thông tin được tiết lộ, chúng tôi trở nên lo ngại rằng chiếc máy bay có thể đã rơi vì một thiết bị nổ.”
Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết không có hãng hàng không nào của Mỹ có máy bay thường xuyên cất cánh từ bán đảo Sinai. Nhưng ông lưu ý rằng cơ quan an toàn hàng không của nước này mấy tháng trước đã cảnh báo các hãng hàng không thương mại là họ đã “có thể gặp nguy liên quan đến những hoạt động cực đoan” nếu bay qua Sinai.
Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo nhắc lại tuyên bố là chính họ đã làm rơi chuyến bay A321 của hãng Metrojet, thách thức những người hoài nghi chứng minh điều ngược lại.
Trong một tuyên bố bằng âm thanh đăng hôm thứ Tư trên những trang mạng xã hội, Nhà nước Hồi giáo cho biết sẽ tiết lộ chi tiết vụ tấn công khi họ quyết định.
Nhà chức trách nói rằng họ chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào của một vụ tấn công bằng phi đạn vào thời điểm chiếc máy bay rơi xuống hôm thứ Bảy tuần trước. Điều này mở ra khả năng có một vụ nổ trên máy bay, từ một quả bom hoặc là một trục trặc kỹ thuật.
Các nhà điều tra đang tiếp tục kiểm tra thiết bị ghi lại dữ liệu thu hồi từ xác máy bay để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã bác bỏ tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo là “tuyên truyền.” – VOA
Ông Mã Anh Cửu yêu cầu TQ cho Đài Loan ‘thêm không gian quốc tế’
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết ông sẽ dùng cuộc họp lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ bảy 7/11 này để yêu cầu Bắc Kinh nới lỏng những luật lệ về quan hệ ngoại giao của Đài Loan với các nước khác.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Singapore trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan kể từ khi đảo quốc Đài Loan tách khỏi Hoa Lục năm 1949 trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng.
Cuộc họp chỉ được loan báo hôm qua, tuy ông Mã cho báo chí biết rằng sự giàn xếp cho cuộc họp đã được thực hiện từ nhiều tháng trước.
Hôm nay ông cho biết ông hy vọng cuộc họp sẽ đặt ra tiền lệ cho những cuộc thảo luận trong tương lai giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, trong tiến trình mà ông gọi là bình thường hoá quan hệ.
Ông Mã nói ông định nhân cuộc họp này để nêu ra vấn đề là Đài Loan khó tham gia các sự kiện quốc tế vì Trung Quốc ngăn các nước khác thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Bắc Kinh cho phép Đài Loan tham gia một số sự kiện quốc tế như Thế Vận Hội dưới cái tên “Đài Bắc Trung Hoa” hay Chinese Taipei.”
Ông Mã cho biết ông hy vọng thúc đẩy cho Đài Loan “có thêm không gian quốc tế.”
Ông cũng cho biết ông không định đề cập tới những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mâu thuẫn với những yêu sách của Đài Loan và 4 nước khác.
Nhà lãnh đạo Đài Loan cũng cho biết cuộc họp sắp tới không có mục đích thăng tiến quyền lợi của đảng đương quyền trong lúc sắp diễn ra cuộc bầu cử vào tháng giêng.
Quốc Dân Đảng của ông Mã Anh Cửu theo dự liệu sẽ mất ghế vào tay Đảng Dân Tiến, là đảng có chủ trương Đài Loan nên chính thức tách khỏi Trung Quốc để độc lập.
Tuy sự thành công của cuộc họp này có thể làm tăng cơ hội của Quốc Dân Đảng, nhưng họ cũng có thể bị xem là có thái độ nhu nhược đối với chính phủ ở Bắc Kinh. – VOA
Ông Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Lào
Ông Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại quốc gia Đông Nam Á này vào năm tới.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm thứ tư 4/11 rằng trước chuyến viếng thăm lịch sử này “có một cảm giác về tiềm năng” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Lào “lần đầu tiên trong một thời gian khá lâu.”
Ông Rhodes cho biết một quan hệ đối tác về công cuộc phát triển đang hình thành giữa hai nước đặt trọng tâm vào những lãnh vực như y tế, dinh dưỡng và giáo dục cơ bản. Ông nói “Hoa Kỳ đang trở thành một đối tác thật sự của chính phủ Lào.”
Ông Rhodes vừa trở về Washington sau chuyến công du Đông Nam Á để chuẩn bị cho sự tham dự của phái đoàn Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào năm tới. Ông nói với cử toạ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington rằng các nước Đông Nam Á nhìn nước Mỹ qua một lăng kính lịch sử và “tại Lào”, đó là một lăng kính xấu xí”, có liên hệ tới những quả bom rơi xuống trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở Lào trong khuôn khổ của cuộc chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1970.
Tuy nhiên, ông Rhodes cho biết những chương trình như chương trình lãnh đạo trẻ do Mỹ thực hiện đã thay đổi nhận thức cũ kỹ đó. Ông nói chương trình đó mới được nới rộng sang Đông Nam Á hồi gần đây đã được thanh niên Lào đón nhận một cách hết sức nồng nhiệt. Ông kể lại chuyện một phụ nữ trẻ ở Lào tham gia chương trình này và đã đến thăm nước Mỹ và tỏ ra rất yêu thích tiểu bang Montana ở miền tây Hoa Kỳ. Người phụ nữ này giờ đây đã về nước và làm việc về những vấn đề như xử lý rác và nước thải, là những vấn đề mà Lào rất cần phải giải quyết.
Myanmar
Ông Rhodes cũng cho biết một số thông tin về cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào chủ nhật này tại Myanmar (tức Miến Điện.) Ông nói các quan sát viên quốc tế đã được quyền tiếp cận các phòng phiếu và ông tin rằng phần còn lại của thế giới sẽ có “một tập hợp sự thật đáng tin cậy” để xử lý sau cuộc bầu cử.
Cuộc đầu phiếu này được giới hữu trách Myanmar tán tụng là cuộc bầu cử tự do và công bằng đầu tiên trong vòng 25 năm. Tuy nhiên, có những tin tức về những vụ bạo động lẻ tẻ, về một làn sóng chống người Hồi giáo và những mối quan tâm về sự chính xác và đầy đủ của danh sách cử tri.
Ông Rhodes nói cuộc đầu phiếu sẽ được phán xét dựa trên các vấn đề như quyền bầu cử có được tôn trọng hay không và danh sách cử tri có chính xác và đầy đủ hay không.
Nhưng ông lưu ý là Myanmar vẫn có một văn hoá mà trong đó một bài diễn thuyết vận động bầu cử có thể trở thành một sự khích động bạo động. Ông nói có “có nhiều sự khuấy động, nhiều sự phức tạp tại nước này vào thời điểm này… Người dân không biết chuyện sẽ xảy ra.”
Myanmar sẽ nhận được nhiều lợi ích từ một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Vì Myanmar đang còn nằm trong danh sách bị chế tài sau vụ đàn áp trong thập niên 1990 của tập đoàn quân nhân cầm quyền lúc bấy giờ, một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn ngần ngại trong việc đầu tư vào Myanmar. Ông Rhodes tỏ ý cho biết các biện pháp chế tài có thể được nới lỏng sau cuộc bầu cử. Ông nói “Có thể có rất nhiều lợi ích trong tương lai.” – VOA