Tin Thế Giới – 02/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 02/12/2015

Nổ súng giết người tại San Bernadino, California

Ít nhất 14 người thiệt mạng và 14 người bị thương sau một vụ nổ súng xảy ra tại một Cơ Quan Xã Hội ở thành phố San Bernadino, thuộc miền Nam tiểu bang California.

Vụ thảm sát xảy ra vào khoảng 2 giờ rưỡi trưa (giờ địa phương) ngày hôm nay, thứ Tư mùng 2 tháng Mười Hai 2015. Nhóm sát thủ được nói là gồm 3 tên, mặc quần áo mầu đen, đeo mặt nạ cũng mầu đen, bất ngờ bước vào, dùng súng trường bắn xối xả vào những người đang có mặt trong Cơ Quan, nơi cung cấp dịch vụ xã hội cho người tàn phế. Sau khi thi hành thủ đoạn, cả bọn đã bỏ trốn trên một chiếc xe loại SUV sơn mầu đậm, có thể là mầu đen hoặc mầu xám.

Trong cuộc họp báo trực tiếp truyền hình toàn nước Mỹ, ông Cảnh Sát Trưởng Jarrod Burguan cho hay “chưa có tin tức để có thể nói đây là một vụ khủng bố”, trong khi dư luận lo âu, có người ví vụ nổ súng xảy ra chẳng khác gì chuyện khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS cầm súng bắn chết người ở thủ đô Paris của Pháp cách đây hơn 3 tuần lễ.

Tin tức chúng tôi ghi nhận được cho hay nhiều cơ quan đặc trách an ninh liên bang, như cơ quan FBI, tức khắc nhập cuộc để cùng với các nhân viên công lực địa phương mở cuộc điều tra và truy lùng thủ phạm.RFA

Bà Suu Kyi thảo luận với Tổng thống Thein Sein về việc chuyển quyền

Lãnh tụ đối lập Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay đã họp với Tổng thống Thein Sein để bàn về một cuộc chuyển giao quyền hành một cách êm thắm và hoà bình, sau cuộc bầu cử quốc hội vào thượng tuần tháng 11.

Cuộc thảo luận giữa bà Aung San Suu Kyi và ông Thein Sein diễn ra trong lúc mọi người chờ đợi sự thành lập của chính phủ đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ sau gần nửa thế kỷ nằm dưới sự cai trị của quân đội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Ye Htut cho biết ông Thein Sein cam kết tiến hành một cuộc chuyển giao quyền hành êm thắm.

“Tổng thống đã hứa là sẽ có một chuyển tiếp êm thắm và bà Aung San Suu Kyi cũng nói rằng chúng ta cần có một cuộc chuyển tiếp tốt đẹp tiến tới dân chủ, như một tấm gương tốt cho tương lai của một quốc gia dân chủ non trẻ như chúng ta. Chính phủ chúng tôi bảo đảm là chúng tôi sẽ làm cho điều này xảy ra.”

Cuộc thảo luận trong một thời gian ngắn giữa người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình và vị tổng thống sắp rời khỏi chức vụ đã diễn ra tại tư thất của ông Thein Sein tại thủ đô Naypyitaw. Diễn tiến này là một phần của cuộc vận động “hoà giải dân tộc” mà bà Suu Kyi đã loan báo ngay sau khi Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11.

Theo lịch trình đã định, bà Suu Kyi cũng sẽ họp với Đại tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội Myanmar, trong ngày hôm nay.

Theo hiến pháp hiện hành, quân đội tiếp tục nắm giữ 25% số ghế đại biểu tại quốc hội và những chức vụ then chốt trong nội các, bao gồm các bộ quốc phòng, nội vụ và an ninh biên giới.

Nhiều người ở Miến Điện lo ngại là quân đội sẽ làm ngơ kết quả cuộc bầu cử hồi tháng trước và tiếp tục nắm giữ quyền hành, như họ đã làm vào năm 1990, khi họ bác bỏ thắng lợi áp đảo của Liên minh Dân chủ Toàn quốc và giam giữ bà Suu Kyi gần 20 năm.

Tuy nhiên, Tổng thống Thein Sein và Tướng Min Aung Hlaing đã cam kết chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

Biển Đông: TC lại bác bỏ mọi can thiệp của bên thứ ba

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye kết thúc vòng điều trần thứ hai về vụ Manila kiện TC trên vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh ngày hôm qua, 01/12/2015 đã lập tức lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC đã tái khẳng định rằng Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa quốc tế, và không chấp nhận bất kỳ giải pháp của bên thứ ba nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, Hoa Xuân Oánh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC đã lập lại quan điểm của Bắc Kinh: «Tòa án Trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines không có thẩm quyền» xem xét vấn đề Biển Đông, và TC sẽ không tham gia hoặc chấp nhận bất kỳ kết quả nào của tiến trình trọng tài.

Phát ngôn viên TC tiếp tục đổ lỗi cho Manila là cố tình gây chuyện khi kiện Bắc Kinh: «Hành động đơn phương của Philippines là một sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp, không phải là một nỗ lực để giải quyết tranh chấp mà là một mưu toan phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông». Và Oánh tiên đoán rằng mưu toan của Philippines «sẽ không đi đến đâu».

Cũng trong cuộc họp báo, Hoa Xuân Oanh đã nhấn mạnh rằng TC không chấp nhận bất kỳ giải pháp áp đặt nào về chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải, cũng như sẽ không chấp nhận việc một bên tranh chấp đơn phương tìm giải pháp nơi một bên thứ ba.

Quan điểm xuyên suốt của Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn là bắt các nước bị TC tranh giành lãnh thổ phải trực tiếp đàm phán với TC để tìm giải pháp, một chủ trương thường xuyên bị giới phân tích cho là để dễ bắt nạt các quốc gia nhỏ yếu hơn mình.

Cũng chính vì thế mà TC luôn luôn tố cáo nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Nhật, xen vào hồ sơ Biển Đông, cũng như phủ nhận vai trò của các định chế quốc tế và khu vực.- RFI

Mỹ đánh thẳng vào hệ thống đầu não của Nhà nước Hồi giáo

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay tuyên bố chính phủ Iraq đã được tường trình trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter loan báo các toán lính đặc nhiệm của Hoa Kỳ có thể đến Iraq trong vài tuần nữa.

‘Lực lượng mục tiêu viễn chinh đặc biệt’ này bao gồm khoảng 200 nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt, theo các giới chức thông thạo với các kế hoạch nhắm tấn công vào hệ thống đầu não của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ca ngợi lực lượng của ông trong một thông cáo hôm qua, và nói rằng tuy hoan nghênh sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Iraq không cần đến binh sĩ tác chiến ngay tại chiến trường. Ông nói hình thức hỗ trợ đó và lực lượng đặc biệt phải được tiến hành với sự chấp thuận của chính phủ và sự phối hợp với lực lượng Iraq.

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ sự ủng hộ mạnh cho ông Abadi và hôm nay nói rằng các kế hoạch của Hoa Kỳ đang được thực hiện với sự chấp thuận đầy đủ của chính phủ Iraq.

Dùng một tên gọi tắt khác cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ông Kerry nói, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác hết sức chặt chẽ với các đối tác Iraq về chính xác ai sẽ được điều động, họ sẽ được bố trí ở đâu, các hình thức sứ mạng được giao phó là gì, họ sẽ hỗ trợ như thế nào cho các nỗ lực của Iraq nhằm hạ cấp và phá hủy ISIL.”

Ông Kerry cũng lập lại quan điểm của Hoa Kỳ cho rằng chấm dứt cuộc chiến Syria là bước quan trọng nhất trong việc đánh bại các phần tử chủ chiến và nói thêm rằng Nga có thể đóng một “vai trò cực kỳ xây dựng” ở Syria.

“Mục đích của việc phái lực lượng đặc biệt đến Iraq sẽ là tận dụng tình báo ngay khi biết được để “hạ cấp ban lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt cùng các thành phần kiểm soát của ISIL” ở cả Iraq lẫn Syria. Một giới chức Hoa Kỳ cho đài VOA biết như thế với điều kiện không nêu danh tính.”- VOA