Tin Thế Giới – 02/11/2015
Chuyên gia Nga: máy bay bị “tan vỡ” trên không
Thi hài của hơn phân nửa số nạn nhân của chiếc máy bay Nga lâm nạn tại Ai Cập đã được đưa về Saint Petersburg. Bí mật vẫn bao trùm về nguyên nhân gây ra thảm nạn hàng không giết chết 224 người trên chiếc máy bay dân dụng MetroJet của Nga ngày 31/10/2015, nhưng yếu tố bom hay tên lửa gián tiếp được xác nhận.
Ngày hôm qua, sau khi tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự nhận là thủ phạm “trả thù” Nga oanh kích tại Syria, trưởng đoàn chuyên gia điều tra của Nga tuyên bố: máy bay bị “tan vỡ trên không” nhưng không rõ lý do. Theo ông Viktor Sorochenko, giám đốc Ủy ban hàng không liên chính phủ MAK, mảnh vỡ của máy bay rơi “tung tóe trên một diện tích 20 cây số vuông” trên vùng sa mạc bán đảo Sinai.
Trong cuộc họp báo vào trưa nay, giờ Moscow, lãnh đạo công ty MetroJet công bố hai chi tiết quan trọng: Phi công hoàn toàn mất kiểm soát máy bay khi bắt đầu xảy ra sự cố, chiếc máy bay “không bay nữa mà rơi tự do”.
Khẳng định máy bay còn rất tốt, ông Alexander Smirnov, trợ lý Tổng giám đốc công ty MetroJet, loại trừ yếu tố “sự cố kỹ thuật hay sai lầm của phi công” và cho biết thêm phi hành đoàn không liên lạc với đài kiểm soát không lưu dưới đất. Ông kết luận: Giả thuyết duy nhất để giải thích vì sao máy bay tan vỡ trên trời là một hành động từ bên ngoài gây thiệt hại nặng cho cấu trúc máy bay
Theo giới chuyên gia, tổ chức thánh chiến hoạt động trong khu vực này không có tên lửa phòng không với tầm hoạt động trên 10km nhưng họ có hỏa tiền tầm nhiệt địa đối không SA7, do Liên xô cũ chế tạo. Chuyên gia Mathieu Guidère cho rằng vì “uy tín”, tổ chức Daesh và chi nhánh ở Sinai không bao giờ nói dối nhận bừa.
Hai giả thuyết được đưa ra là: một là máy bay bị đặt bom và hai là bị trúng hỏa tiễn phòng không cá nhân khi do bị sự cố kỹ thuật phải giảm độ cao.
Nhiều hãng hàng không quốc tế như Pháp, Đức và Tiểu vương quốc Ả Rập đã tạm hủy bỏ các đường bay ngang Sinai cho đến khi “có lệnh mới”.
Tại hiện trường, các chuyên gia Nga và Ai Cập đã nhanh chóng tiến hành điều tra, đã tìm được hai hộp đen. Cho tới giờ, 168 thi hài nạn nhân đã được tìm thấy. Tại Nga, văn phòng của công ty du lịch và hãng hàng không giá rẻ Metro Jet bị cảnh sát lục soát để xem có bị thua lỗ, không tôn trọng luật về bảo trì máy bay và an toàn hàng không hay không. – RFI
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Đảng đương quyền giành thắng lợi bất ngờ
Đảng Công lý và Phát triển (AK) của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành được thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội trước kỳ hạn hôm chủ nhật. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Richard Green, kết quả này đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với sự cai trị của một đảng chỉ 5 tháng sau khi đảng AK mất thế đa số lần đầu tiên trong vòng hơn một thập niên.
Trong lúc hầu hết phiếu bầu được kiểm xong vào sáng sớm thứ hai, đảng AK chiếm gần 50% phiếu bầu và dự kiến giành được ít nhất 316 ghế tại quốc hội gồm 550 ghế đại biểu. Đây là thắng lợi lớn hơn khá nhiều so với dự đoán trước ngày bầu cử.
Tổng thống Erdogan hồi tháng 6 đã quyết định tổ chức bầu cử trước hạn kỳ sau khi đảng AK mất thế đa số và Thủ tướng Ahmed Davutoglu không thành lập được một chính phủ liên hiệp.
Trong bài diễn văn sau cuộc đầu phiếu hôm qua, ông Davutoglu gọi đây là “ngày chiến thắng.”
“Tôi kêu gọi tất cả các đảng chính trị tham gia quốc hội hình thành một hiến pháp quốc gia dân sự mới để có được một hệ thống bầu cử đáng tin cậy, một chính phủ minh bạch và những hoạt động chính trị không mang tính chất thư lại. Hãy làm việc chung với nhau cho một hiến pháp tự do, dân sự mới và thay đổi bản hiến pháp hậu đảo chánh.”
Kết quả sơ khởi cho thấy đảng đối lập chính – là đảng Nhân dân Cộng hoà (CHP), chiếm 25% phiếu. Đảng Dân chủ Nhân dân có khuynh hướng tự do và thân người Kurd và Đảng Phong trào Dân tộc cũng sẽ có đại biểu trong quốc hội mới. Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh tụ đảng CHP, phát biểu như sau.
“Số phiếu chúng tôi giành được đã tăng, nhưng chúng tôi không xem là chúng tôi đã thành công vì đã chiếm thêm phiếu. Số ghế đại biểu của đảng chúng tôi cũng tăng nhưng chúng tôi không xem đó là một thành tựu. Thành tựu của chúng tôi là nắm giữ quyền hành. Chúng tôi sẽ thăm dò kết quả với ban chấp hành của đảng và chúng tôi sẽ tổ chức đại hội và chúng tôi sẽ hành động bên trong khuôn khổ đó.”
Ông Selahattin Demitras, lãnh tụ đảng Dân chủ Nhân dân, nhận định như sau về kết quả bầu cử.
“Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ không hân hoan ăn mừng kết quả bầu cử , tuy một đảng chính trị đã chiếm gần 50% phiếu bầu, tại sao vậy? Tại vì một số khá đông dân chúng đang sống trong sợ hãi. Mọi người cảm thấy bất an vì không biết đảng đương quyền sẽ làm tới mức nào. Tôi có thể trấn an là mọi người không phải sợ hãi hay lo lắng, bởi vì chúng tôi có mặt ở đây.”
Cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng giữa chính phủ của ông Erdogan và một liên minh lỏng lẻo của những chính khách khuynh tả thân người Kurd, những nhân vật tranh đấu cho nữ quyền và những người Kurd có lập trường dân tộc. Những mối liên hệ gián tiếp giữa phe đối lập với đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động đã bị công kích bởi ông Erdogan và đồng minh của ông trong suốt thời gian vận động bầu cử.
Kết quả bầu cử làm bùng ra những vụ biểu tình phản kháng tại thành phố Diyabakir ở miền đông nam, nơi đa số cư dân là người sắc tộc Kurd.
Hồi tháng 7, cánh quân sự của PKK đã huỷ bỏ cuộc ngưng bắn kéo dài 3 năm với chính phủ ở Ankara, sau khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích những trại huấn luyện quân sự của nhóm này ở miền bắc Iraq trong lúc các chiến binh PKK chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Ankara cũng oanh kích nhiều căn cứ khác của PKK.
Tháng trước, chính phủ ở Ankara cho rằng PKK là thủ phạm của vụ nổ bom tự sát kép tại một cuộc mít-tinh kêu gọi hoà bình ở thủ đô, giết chết hơn 100 người và gây thương tích cho 160 người khác. – VOA
Tân chủ tịch Hạ viện Mỹ cam kết đưa ra một nghị trình táo bạo
Tân chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Paul Ryan tuyên bố phe Cộng Hòa, hiện đang nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, đã tỏ ra quá rụt rè về chính sách, và ông hứa sẽ đưa ra một nghị trình thay thế táo bạo trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Là người được đa số áp đảo các đại biểu quốc hội bầu lên tuần trước, ông Ryan cũng nói với khán giả truyền hình hôm chủ nhật rằng không thể tranh luận việc cải cách vấn đề di trú một cách toàn diện khi nào Tổng thống Barack Obama còn tại chức. Thông tín viên VOA Victor Beattie tại Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Ông Ryan, 45 tuổi, là vị chủ tịch trẻ nhất được bầu lên từ hơn 100 năm nay. Ông tuyên bố việc ông đắc cử tiêu biểu cho một ngày mới và hứa sẽ cắt đứt với quá khứ bằng cách đề ra 4 mục tiêu.
“Thứ nhất, buộc quốc hội phải làm việc trở lại theo đúng mục tiêu, như các vị lập quốc đã định, khai mở tiến trình. Thứ hai, tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải tìm ra quan điểm chung nơi nào có thể được để thúc đẩy các quyền lợi quốc gia và làm theo một cách không gây phương hại đến nguyên tắc. Thứ ba, chúng ta phải là một đảng đối lập hữu hiệu hơn. Chúng ta không thích phương hướng quốc gia đang đi tới. Chúng ta không thích phương hướng mà tổng thống đang đưa đất nước này đi tới. Vì thế, chúng ta phải là một đảng đối lập có hiểu quả nhưng, quan trọng nhất là thứ tư, tôi nghĩ rằng điều đó có nghĩa là chúng ta phải là đảng đưa ra các đề xuất. Nếu chúng ta không thích những gì đang diễn ra, thì chúng ta có nghĩa vụ đối với dân chúng quốc gia này, đối với cử tri của chúng ta, phải đưa ra một nghị trình táo bạo, cụ thể và rõ ràng, và một viễn kiến về cách thức chúng ta sẽ tiến hành mọi việc khác đi.”
Ông Ryan nói nhiều người Mỹ bị bỏ lại phía sau về mặt kinh tế, với khoảng 46 triệu người sống trong cảnh nghèo khó, và ông mô tả chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là ‘một tai họa.’ Nhưng một vấn đề mà ông sẽ không để tiếp diễn là dự luật cải cách di trú toàn diện, chừng nào Tổng thống Obama còn tại chức bởi vì ông Ryan nói tổng thống đã tỏ ra không đáng tin cậy về vấn đề này:
“Tổng thống đã tìm cách qua mặt Quốc hội bằng một sắc lệnh hành pháp nhằm viết lại luật lệ một cách đơn phương. Tổng thống không viết ra luật lệ, mà là Quốc hội. Vì thế, vâng, tôi không tin là chúng ta nên, và sẽ không đưa vấn đề di trú ra với một vị tổng thống ta không thể tin cậy được về vấn đề này. Nếu chúng ta tin, và đồng thuận, về những sự việc như thực thi an ninh biên giới và nội địa, thì cũng được thôi.”
Cách đây 1 năm, ông Obama đã công bố một lệnh hành pháp dành cho hàng triệu người đã ở Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp ít nhất 5 năm và là cha mẹ của các công dân hay cư dân hợp pháp của Hoa Kỳ được cấp giấy phép làm việc trong 3 năm. Lệnh này cũng dành đặc ân cho những người đến Hoa Kỳ lúc còn vị thanh niên trước năm 2010. Nhưng việc thực thi toàn bộ lệnh này đã bị một tòa án liên bang chận lại và đang chờ được xét lại.
Ông Ryan tin rằng Quốc hội phải đưa ra các đề nghị về cải cách thuế và bảo hiểm y tế, về các cách thức để giải quyết các nguyên do cội rễ của tình trạng nghèo khó và thúc đẩy nền kinh tế đi tới. Được hỏi liệu ông có công khai hóa văn bản của hiệp ước Hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương bí mật TPP, ông Ryan đáp:
“Dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), mà tôi là đồng tác giả, đòi hỏi rằng hiệp ước thương mại này phải được công khai với toàn thể dân chúng Mỹ, để họ có thể nhìn thấy nó. Khi được đưa đến Quốc hội, văn bản phải được đưa ra công khai trong ít nhất 60 ngày hay hơn nữa. Vì thế, bộ luật mà chúng tôi viết ra đòi hỏi cả nước phải đọc từng chi tiết của thỏa thuận.”
Là người đứng hàng thứ nhì để lên kế nhiệm tổng thống sau phó tổng thống, ông Ryan tuyên bố ông được bầu lên để thống nhất phe Cộng hòa và ông dự định sẽ tiến hành bằng cách lãnh đạo Hạ viện để đi đến đồng thuận, thay vì áp đặt sự đồng thuận.
Nhà lập pháp đại diện tiểu bang Wisconin cho rằng phe Cộng hòa tranh chấp về các chiến thuật bởi vì họ không có một viễn kiến thay thế. Theo ông, nếu phe Cộng Hòa đắc cử vào Tòa Bạch Ốc và duy trì thế đa số tại Quốc hội vào năm 2016, thì họ sẽ có thể chứng tỏ cho công chúng cách thức họ sẽ sửa sai các vấn đề cấp bách của đất nước. – VOA
Cựu Thượng nghị sĩ, diễn viên Fred Thompson qua đời
Fred Thompson, một cựu thượng nghị sĩ Mỹ từng đóng phim điện ảnh và truyền hình, đã qua đời ở tuổi 73.
Ông Thompson qua đời hôm Chủ nhật do tái phát ung thư hạch, theo một thông cáo từ gia đình ông.
Ông Thompson từng là thượng nghị sĩ Mỹ đại diện bang miền nam Tennessee từ năm 1994 đến năm 2003.
Ông tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008 trước khi rời bỏ cuộc đua giành đề cử mà cuối cùng thuộc về Thượng nghị sĩ John McCain.
Ông Thompson từng hành nghề luật sư nhiều năm ở Tennessee và Washington, trong đó có khoảng thời gian làm luật sư trong Ủy ban Watergate của Thượng viện thời Tổng thống Richard Nixon.
Ông Thompson trở thành một diễn viên thành công sau khi đóng vai chính mình trong bộ phim Marie năm 1985, dựa trên một vụ án mà trong đó ông đại diện một người tố giác tiêu cực phơi bày tham nhũng của chính phủ ở Tennessee. Sau đó ông tiếp tục đóng trong loạt phim truyền hình Mỹ kéo dài nhiều năm, Law and Order .
Ông cũng có những vai diễn đáng nhớ trong phim Die Hard II, No Way Out và Days of Thunder. – VOA