Tin Thế Giới – 01/9/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 01/9/2015

Nghi can chính trong vụ đánh bom Bangkok bị bắt

Nhà cầm quyền Thái Lan hôm thứ Ba bắt giữ một số nghi can liên quan đến vụ đánh bom một đền thờ ở Bangkok, và kêu gọi các chủ nhà cho thuê cung cấp thông tin về những kẻ khả nghi cho chính quyền.Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường trình từ thủ đô Bangkok.

Nhà cầm quyền Thái Lan đã bắt giữ một nghi can giống như người có hình dáng được mô tả là nghi can đánh bom đền thờ tại thủ đô Bangkok – Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết như vậy hôm thứ Ba.

Theo lời nhà lãnh đạo chính quyền quân nhân, nghi can “không phải người Thái” này bị bắt tại tỉnh Sa Kaeo nằm sát biên giới Campuchia.

Vụ đánh bom hôm 17 tháng 8 tại một đền thờ ở Bangkok giết chết 20 người và làm bị thương hơn 100 người.

Vài giờ đồng hồ trước loan báo vụ bắt giữ nghi can đánh bom, chính quyền quân nhân Thái Lan hôm thứ Ba kêu gọi những người chủ cho thuê mướn nhà ở hợp tác với giới hữu trách để giúp truy tìm những kẻ có liên hệ đến nhóm đã đánh bom đền thờ.

Kêu gọi này của chính quyền được phát sóng trên tất cả các kênh truyền hình để cập nhật thông tin cho công chúng về cuộc điều tra về vụ tấn công, mà giới hữu trách cho đến nay chưa chính thức gọi là tấn công khủng bố.

Loan báo hôm thứ Ba được loan tải bằng tiếng Thái, tiếng Anh, tiếng Quan thoại, bắt đầu với một lời trấn an rằng “số khách nước ngoài đặt vé máy bay đến Thái Lan vẫn ổn định ở mức bình thường.”

Loan báo của chính quyền được phát sóng cũng yêu cầu những người chủ nhà cửa cho thuê, nhà khách và căn hộ “thông báo cho các giới chức quân đội hoặc cảnh sát gần nơi họ ở, hoặc gọi điện thoại số 1515” để cung cấp thông tin về bất cứ kẻ nào khả nghi ở nơi của họ.

Truy lùng

Kể từ thứ Bảy tuần trước, hai khu căn hộ đã bị bố ráp, và một người nước ngoài 28 tuổi bị bắt. Giới hữu trách cũng cho biết họ tịch thu nhiều loại chất nổ và vật dụng chế bom.

Trong thông báo phát sóng hôm thứ Ba, Thiếu úy Pareya Netrawichien đọc rằng nghi can, tên và quốc tịch không được tiết lộ, chịu khai báo thông tin.

“Kết quả này giúp ích rất nhiều cho cuộc điều tra. Từ đó đã đưa đến trát bắt thêm những nghi can khác.”

Thiếu úy Pareya là xướng ngôn viên tin tức trên Kênh truyền hình số 5 của Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Chính quyền ra trát bắt 3 người đàn ông và 1 phụ nữ, trong số đó có nghi can tên tuổi chưa được tiết lộ liên quan đến vụ đánh bom đền thờ ở Bangkok, người có hình dạng giống như hình ảnh của nghi can mà máy thu hình an ninh thu được.

Tin nói nghi can phụ nữ đã cho một nghi can khác thuê nhà, đang ở nước ngoài, và chịu hợp tác với nhà cầm quyền, theo lời của chính quyền quân nhân Thái Lan.

Truyền thông trích lời vị xã trưởng nói rằng bà Wanna Suansan đã ở Thổ Nhĩ Kỳ mấy tháng qua với chồng người Thổ Nhĩ Kỳ, và bà ấy tuyên bố không hay biết gì về vụ đánh bom.

Đồn đoán

Có những đồn đãi cho rằng vụ tấn công có thể là để đáp lại việc Thái Lan hồi tháng 7 trục xuất hơn 100 người sắc tộc Uighur về Trung Quốc.

Các giới chức chính phủ và cảnh sát nhận được lệnh rằng khi nói về vụ đánh bom không được ám chỉ đó là một hành động khủng bố quốc tế, và cũng không được đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ám chỉ đến việc du khách người Trung Quốc là đối tượng chính được nhắm đến trong vụ đánh bom.

18 nhân viên cảnh sát và 6 nhân viên di trú ở miền đông bắc Thái Lan đã bị kỷ luật và thuyên chuyển công tác vì những việc làm sai liên quan đến vụ đánh bom, giới hữu trách cho biết hôm thứ Ba.

Các cảnh sát viên, sau vụ đánh bom, đã không thi hành lệnh khám nhà và xét “2 kỹ sư người nước ngoài” trong khu vực hành chánh thuộc trách nhiệm của họ, và lại báo cáo là đã thi hành lệnh và không tìm thấy gì bất thường – giới hữu trách nói với các phóng viên báo chí như vậy.

Tướng Somyot Pumpanmuang, tư lệnh cảnh sát Thái Lan, nói 6 nhân viên di trú đã sao lãng nhiệm vụ tại cửa khẩu Aranyaprathet, đối diện với Poipet của Campuchia trên biên giới, và đã để cho “những người lao động bất hợp pháp” nhập cảnh Thái Lan.

Truyền thông địa phương loan tin rằng một nghi can đã bị bắt hôm thứ Bảy có thể đã vào Thái Lan qua cửa khẩu đó bằng cách hối lộ cho các nhân viên cửa khẩu và mang theo hộ chiếu giả của Thổ Nhĩ Kỳ. – VOA
|
|

2.
Giáo hoàng ‘tạm tha thứ việc phá thai’

Giáo hoàng Francis tuyên bố các linh mục Thiên Chúa giáo sẽ được phép tha thứ cho những phụ nữ phá thai và cả bác sĩ thực hiện việc này.

Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp tạm thời cho Năm Thánh sắp tới, từ 8/12 đến 26/11/2016.

Trong Thiên Chúa giáo, phá thai là tội nặng đủ để bị dứt phép thông công.

Giáo hoàng nói nhiều phụ nữ “tin rằng họ không còn lựa chọn nào khác”.

Việc tạm nới lỏng quy tắc được xem là chuyển biến lớn trong chính sách của Giáo hội.

Năm Thánh của Giáo hội Công giáo thường diễn ra 25 năm một lần, nhưng năm nay, sự kiện này được Giáo hoàng Francis quyết định. – BBC

Mỹ cam kết tăng cường nỗ lực chống khí hậu biến đổi ở Bắc Cực

Các phái đoàn của khoảng 20 quốc gia đã tụ họp tại Alaska để tham dự một hội nghị về những tác động của biến đổi khí hậu ở vùng Bắc Cực. Phái đoàn Mỹ, gồm có Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry, chủ trì một loạt các phiên họp với các nhà hoạch định chính sách, các khoa học gia và những tổ chức phi chính phủ để thảo luận về các phương cách đối phó với các vấn đề như ảnh hưởng của việc trái đất ấm dần đối với Bắc Cực. Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Mỹ Pam Dockins tường thuật.

Những người dân bản địa tại hội nghị nói họ đang ở tuyến đầu chống lại biến đổi khí hậu. Ông Lee Stephen, tộc trưởng một bộ tộc Alaska nói:

“Chúng tôi rất, rất quan tâm đến Trái Đất, của chúng ta. Nhưng Alaska không gây nên tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên những hoạt động của trái đất tác động đến Alaska.”

Những người tham dự hội nghị nói những quan ngại về khí hậu tại Bắc Cực gồm có nhiệt độ gia tăng, băng trên biển thu hẹp lại và con số các vụ cháy rừng cũng gia tăng do môi trường khô hơn, nóng hơn.

Ngoại trưởng Kerry gọi biến đổi khí hậu là một “thách thức lớn lao” sẽ trở nên tệ hại hơn nếu không giải quyết và sẽ đưa đến điều ông gọi là “những người tị nạn khí hậu.”

“Quí vị nghĩ di dân là một thách thức cho châu Âu hiện nay vì các phần tử cực đoan. Quí vị hãy chờ xem những gì xảy ra khi không có nước, không có lương thực và bộ tộc này chống lại bộ tộc kia chỉ để sống còn.”

Tuy nhiên, một số chính sách của Mỹ trong vùng đã bị chỉ trích, như quyết định của Tổng thống Barack Obama cho phép Công ty Dầu khí Shell nới rộng việc khoan dầu ngoài khơi Alaska.

Tổng thống Barack Obama nói:

“Chúng tôi không tự động đóng dấu cho phép. Chúng tôi nói rõ là Shell phải đáp ứng với những tiêu chuẩn cao của chúng tôi về việc làm thế nào tiến hành những hoạt động của họ.”

Tổng thống Mỹ nói an toàn là vấn đề quan trọng nhất.

Trong một thông cáo chung, các bộ trưởng tại hội nghị biến đổi khí hậu tái xác nhận những cam kết đối với những biện pháp làm chậm lại việc quả đất ấm dần.

Các vị bộ trưởng hứa ủng hộ những nỗ lực để giảm khí thải carbon và tăng cường các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực. – VOA

Tổng thống Obama đổi tên ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ

Tòa Bạch Ốc thông báo hôm chủ nhật Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đổi tên ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ là Mount McKinley thành Denali, và chọn cái tên truyền thống gốc bản thổ Alaska này, vào ngày hôm trước khi ông thực hiện chuyến thăm lịch sử đến tiểu bang Alaska.

Hãng thông tấn AP cho rằng qua việc đặt tên lại cho ngọn núi này, Tổng thống Obama đã sa vào một vụ xung đột nhạy cảm đã kéo dài nhiều thập niên giữa cư dân của hai tiểu bang Alaska và Ohio. Từ nhiều năm, dân Alaska đã gọi ngọn núi cao 6 ngàn 194 mét này một cách không chính thức là Denali, nhưng chính phủ liên bang thừa nhận cái tên gợi nhớ tới vị tổng thống thứ 25 của Hoa Kỳ, ông William McKinley, sinh ở Ohio và đã bị ám sát vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Bộ trưởng Nội Vụ Sally Jewell nói, “Với tinh thần tôn kính dành cho nơi này, chúng tôi chính thức đặt tên lại cho ngọn núi là Denali để tuyên dương các truyền thống của người dân bản thổ Alaska, và sự ủng hộ mạnh của dân chúng Alaska.”

Thông báo được đưa ra vào lúc ông Obama chuẩn bị lên đường sáng sớm hôm thứ Hai, để thực hiện chuyến thăm Alaska, và sẽ là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên thực hiện chuyến du hành lên phía bắc vùng Bắc cực. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông Obama tìm cách chứng tỏ tình đoàn kết với người dân bản thổ Alaska, và dự định sẽ mở một cuộc thảo luận bàn tron với một nhóm người dân bản thổ Alaska ngay sau khi đến Anchorage ngày hôm nay.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, người đã vận động cho dự luật từ nhiều năm để đổi tên ngọn núi, nói rằng người dân Alaska lấy làm “vinh dự” công nhận tên ngọn núi là Denali. Đây là một sự thay đổi trong luận điệu của vị đại biểu Cộng Hòa đại diện tiểu bang Alaska, là người đã lên tiếng chống lại các chính sách về năng lượng của ông Obama trước khi ông đến thăm tiểu bang của bà.

Trong một thông cáo, bà Murkowski nói: “Tôi muốn cảm ơn Tổng thống đã hợp tác với chúng tôi để đạt được sự thay đổi quan trọng này nhằm chứng tỏ vinh dự, sự tôn trọng và biết ơn người Athabasca ở tiểu bang Alaska.”

Các nỗ lực trước đây của các nhà lãnh đạo Alaska nhằm đổi tên ngọn núi đã bắt đầu từ năm 1975, nhưng đã bị các thành viên trong đoàn đại biểu tiểu bang Ohio ở Quốc hội ngăn chặn. Chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo Ohio hay những người chống đối việc đổi tên này có tổ chức một nỗ lực để ngăn chặn việc định danh này hay không.

Chưa thấy phản ứng tức thời trước những yêu cầu bình luận của Chủ tịch Hạ viện John Boehner và các nhà lập pháp khác của tiểu bang Ohio.

Tòa Bạch Ốc viện dẫn quyền của bà Jewell được đổi tên và Bộ Nội vụ nói bà Jewell dự định công bố một công lệnh cấp bộ trưởng chính thức đổi tên ngọn núi là Denali.

Tòa Bạch Ốc nói ngọn núi mang cái tên được chính thức thừa nhận vào năm 1896, khi một người đi tìm vàng thám hiểm vùng núi ở miền trung tiểu bang Alaska. Khi nghe tin ông McKinley, một đảng viên Cộng Hòa đã được đảng đề cử ra làm tổng thống, người đi tìm vàng này đã dùng tên ông đặt cho ngọn núi và cái tên này đã được chính thức thừa nhận.

Tòa Bạch Ốc nêu ra điểm ông McKinley chưa hề đến thăm tiểu bang Alaska, và nói địa điểm này rất quan trọng về mặt văn hóa đổi với dân bản thổ Alaska và là tâm điểm của lịch sử dân bản thổ Athabasca. – VOA