Tin Thế Giới 30/9/2014
Lãnh đạo Hong Kong không nhượng bộ – Mỹ kêu gọi TQ tự chế
Lãnh đạo của Hong Kong Lương Chấn Anh kêu gọi người biểu tình ngừng chiến dịch “ngay lập tức”.
Hàng chục ngàn người đã phong tỏa đường phố ở nhiều nơi.
Phong trào Occupy Central đã kêu gọi ông Lương gặp người biểu tình vào tối thứ Ba.
Trong khi đó, ông Lương nói người biểu tình – tập hợp gồm sinh viên, phong trào Occupy Central và người giận dữ vì phản ứng của cảnh sát – nên về nhà.
Thứ Ba 30/9, đường phố Hong Kong có im ắng hơn nhưng trước thềm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10 con số người xuống đường có thể sẽ gia tăng.
Hành chính Trưởng quan Đặc khu Hong Kong khuyến cáo người biểu tình ngừng chiến dịch “ngay lập tức”, trong khi cuộc sống ở một số nơi vẫn bị hoạt động này làm gián đoạn.
Ông Lương cũng bác yêu cầu đòi ông từ chức với lý do làm như vậy sẽ là một bước lùi.
Ông nói: “Bất kỳ thay đổi nhân sự nào trước khi có quy chế bầu cử tự do toàn diện sẽ chỉ khiến Hong Kong tiếp tục chọn lãnh đạo theo mô hình Hội đồng Bầu cử”.
“Các sáng lập gia của Occupy Central từng hứa nếu như phong trào của họ không kiểm soát được nữa thì họ sẽ kêu gọi dừng tay.”
“Nay tôi yêu cầu họ thực hiện cam kết của họ với xã hội và dừng chiến dịch này ngay lập tức.”
Hàng vạn người Hong Kong ở lại qua đêm trên đường phố để tiếp tục biểu tình trong khi Trung Quốc nói đây là việc làm “bất hợp pháp”.
Cuộc biểu tình còn lan rộng hơn sau khi cảnh sát dùng gậy và hơi cay sáng sớm hôm thứ Hai nhằm giải tán đám đông. Tuy nhiên cảnh sát chống bạo động sau đó đã rút đi.
Người biểu tình giận dữ vì chính quyền trung ương không cho người dân đặc khu được trực tiếp bầu lãnh đạo vào năm 2017.
Trung Quốc lên tiếng cảnh báo các nước khác không hỗ trợ “các cuộc biểu tình bất hợp pháp”.
Người biểu tình, gồm cả sinh viên và thành viên phong trào bất tuân dân sự có tên Occupy Central, muốn Bắc Kinh thôi kế hoạch bầu chọn lãnh đạo đặc khu qua một hội đồng tuyển chọn trung gian.
Cho tới nay, đặc khu hành chính trưởng quan vẫn được bầu qua một hệ thống thân Bắc Kinh.
Phản ứng của phương Tây
Vào thứ Hai, chính phủ Anh quốc đã kêu gọi tôn trọng quyền được biểu tình của người dân và thực hiện pháp quyền.
Hoa Kỳ cũng thống nhất với quan điểm trên, Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest kêu gọi chính quyền Hong Kong kiềm chế.
Ông Earnest nói với các phóng viên: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền bầu cử tự do ở Hong Kong theo đúng Luật cơ bản và chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của người dân Hong Kong”.
Hàng chục người biểu tình đã bị bắt đêm Chủ nhật. Cảnh sát chống bạo động sau đó đã phun hơi cay vào đám đông.
Cheung Tak-keung, phó cảnh sát trưởng, nói cảnh sát đã dùng sức mạnh “tối thiểu”. Ông nói 41 người, trong đó có 12 nhân viên cảnh sát, đã bị thương kể từ khi biểu tình nổ ra.
Chính quyền Hong Kong khuyến cáo người biểu tình bình tĩnh và rút lui một cách hòa bình, thế nhưng đám đông vẫn tiếp tục trụ lại quanh trụ sở chính quyền vào đêm thứ Hai.
Hàng nghìn người đã chặn một con đường lớn tại Mongkok, trên bán đảo Cửu Long, trong khi một đám đông khác làm khu vực Causeway Bay, phía đông đảo Hong Kong, tê liệt.
Các trường học ở Wan Chai, Trung tâm và khu vực phía Tây đóng cửa hôm thứ Hai và thứ Ba.
Cuộc sống trong thành phố bị gián đoạn, nhiều đường phố tắc nghẽn.
Người biểu tình kêu gọi Đặc khu Hành chính Trưởng quan từ chức nhằm khai thông tiến trình cải cách chính trị và tạo điều kiện giải tỏa khủng hoảng.
Báo chí Trung Quốc thì nói “các lực lượng chống đối quá khích” đã gây bất ổn. Giới phân tích nói lãnh đạo Bắc Kinh đang quan ngại làn sóng dân chủ có thể lan ra Hoa lục.
Chính phủ Mỹ hối thúc Trung Quốc tự chế ở Hồng Kông. Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết Hoa Kỳ kêu gọi cả đôi bên thận trọng.
“Hoa Kỳ hối thúc giới hữu trách Hồng Kông hãy tự chế và những người biểu tình hãy bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.”
Ông Earnest nói thêm rằng Hoa Kỳ đã nói rõ lập trường là ủng hộ cử tri Hồng Kông trong những cuộc bầu cử sắp tới.
“Chúng tôi đã trước sau như một bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với quyền phổ thông đầu phiếu ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và đối với những nguyện vọng của người Hồng Kông và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.”
Tại Bộ Ngoại giao ở Washington, phát ngôn viên Jen Psaki nói rằng Hoa Kỳ cũng ủng hộ những nỗ lực của cử tri Hồng Kông để có quyền chọn lựa các ứng cử viên trong những cuộc bầu cử để bầu ra những người lãnh đạo của mình.
“Chúng tôi tin rằng phổ thông đầu phiếu và người dân Hồng Kông có thể thật sự chọn lựa các ứng cử viên là những điều mà họ nên có. Đó là một mối quan tâm mà chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ với Trung Quốc.”
Tòa Bạch Ốc không chịu cho biết là trong chuyến công du tới Bắc Kinh vào tháng 11 tới đây Tổng thống Barack Obama có nêu ra vấn đề của những cuộc phản kháng ở Hồng Kông hay không. Tuy nhiên họ nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản và phổ quát của quyền con người. – BBC, VOA
Thủ Tướng Do Thái: Iran nguy hiểm hơn nhóm Nhà Nước Hồi Giáo
Thủ tướng Israel kêu gọi cộng đồng quốc tế không cho phép Iran phát triển năng lực hạt nhân, và gắn cuộc chiến của Israel chống lại những chiến binh Hamas ở Dải Gaza với cuộc chiến toàn cầu lớn hơn chống lại những kẻ chủ chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai, ông Benjamin Netanyahu chỉ trích các nước ủng hộ những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để đè bẹp nhóm Nhà nước Hồi giáo, còn gọi là ISIS, vì đã không ủng hộ Israel trong cuộc chiến 50 ngày hồi gần đây với nhóm Hamas.
“Họ rõ ràng không hiểu rằng ISIS và Hamas là những nhánh mọc ra từ cùng một cây độc hại,” ông Netanyahu nói. “ISIS và Hamas cùng chia sẻ sự cuồng tín, cùng tìm cách áp đặt sự cuồng tín đó lên lãnh thổ vượt xa ngoài tầm kiểm soát của chúng.”
Ông Netanyahu cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không ký một thỏa thuận hạt nhân với Iran cho phép nước này tiếp tục tinh chế thêm uranium.
“Đúng là là ISIS phải bị đánh bại. Nhưng đánh bại ISIS và để Iran tiến tới ngưỡng cửa sức mạnh hạt nhân thì tức là thắng một trận nhưng bại cả cuộc chiến,” ông Netanyahu nói.
Ngoại trưởng Syria Walild Mouallem cũng lên tiếng hôm thứ Hai. Ông nói với Đại hội đồng rằng chính phủ của ông đứng cùng với những nỗ lực quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông Mouallem hối thúc gây thêm áp lực nữa đối với những nước đang tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo, để những nước này chấm dứt ủng hộ những nhóm vũ trang.
Damascus đã nhiều lần cáo buộc các nước Ả-rập vùng Vịnh hỗ trợ phe đối lập vũ trang ở Syria mà chế độ mô tả là những kẻ khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria hôm thứ Hai cũng cáo buộc Mỹ có một “chính sách nước đôi” về những phần tử chủ chiến chống chính phủ ở nước ông bằng việc chiến đấu chống lại nhóm này nhưng ủng hộ một số nhóm khác.
Đề cập đến những nhóm chống chính phủ được Washington coi là ôn hòa, ông nói hậu thuẫn những người này tạo nên “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cực đoan tiếp tục phát triển trong khu vực. – VOA
Tây Ban Nha đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ở Catalonia
Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã đình chỉ kế hoạch trưng cầu dân ý về độc lập của xứ Catalonia.
Tòa án cho biết đầu tiên phải xem xét những lập luận rằng liệu cuộc bỏ phiếu ngày 9 tháng 11 có vi phạm hiến pháp của đất nước hay không.
Tòa án hành động theo yêu cầu của chính quyền trung ương Tây Ban Nha ở Madrid.
Tòa án đưa ra thông báo quyết định vài giờ sau khi Thủ tướng Mariano Rajoy nói nghị định trưng cầu dân ý là “một cuộc tấn công nghiêm trọng vào quyền của tất cả người Tây Ban Nha.”
Ông Rajoy nói theo Hiến pháp năm 1979 của Tây Ban Nha, tất cả người dân Tây Ban Nha cần phải bỏ phiếu về vấn đề chủ quyền – không chỉ riêng 5 triệu người xứ Catalonia.
Catalonia, chiếm khoảng một phần năm nền kinh tế Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và nền văn hóa riêng biệt và từ lâu đã đấu tranh để giành quyền tự chủ lớn hơn. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Mỹ-Afghanistan ký hiệp ước an ninh
Tân chính phủ Afghanistan và Hoa Kỳ đã ký hiệp ước an ninh song phương bị trì hoãn lâu nay. Hiệp ước này sẽ cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan khi sứ mạng chiến đấu của lực lượng quốc tế chấm dứt vào ngày 31 tháng 12 năm nay.
Hai bên ký hiệp ước tại Kabul ngày hôm nay, một ngày sau khi Tổng thống Ashraf Ghani tuyên thệ nhậm chức để lên thay thay ông Hamid Karzai.
Dưới sự bảo vệ an ninh cẩn mật, các đại diện trên toàn thế giới cùng với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo Afghanistan tham dự lễ nhậm chức ngày hôm qua tại Dinh Tổng thống ở Kabul.
Đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Abdullah Abdullah, cũng tuyên thệ nhậm chức là người đứng đầu ngành hành chánh mới, dựa theo thỏa thuận chia sẻ quyền hành đạt được sau cuộc khủng hoảng hậu bầu cử kéo dài nhiều tháng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chúc mừng cả hai nhà lãnh đạo và ca ngợi họ đã chuyển ‘một thời điểm thách thức’ thành ‘thời điểm của cơ hội thực sự’.
Tại New York, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon công nhận có những thách thức nghiêm trọng mà Afghanistan phải đối phó và kêu gọi tân chính phủ ‘nhanh chóng được thành lập và làm việc với tất cả người dân Afghanistan trong tinh thần đoàn kết quốc gia’.
Ngày nhậm chức không phải không có bạo động. Phe Taliban nhận trách nhiệm trong một cuộc tấn công tự sát gần phi trường Kabul làm ít nhất 4 người thiệt mạng.
Ông Ghani, người từng giữ chức bộ trưởng tài chánh trong 2 năm dưới thời tổng thống Karzai, đã mời các tổ chức đối lập trong đó có Taliban để thảo luận về tương lai của đất nước.
Ông Ghani nói chiến đấu không phải là giải pháp cho những khác biệt chính trị. Khác biệt chính trị có thể được giải quyết bằng các cuộc thương thuyết chính trị. Do đó ông kêu gọi các đối thủ của chính phủ – đặc biệt là Taliban và Hezb-e-Islami, tham gia các cuộc đàm phán chính trị.
Lễ nhậm chức tại Kabul diễn ra trước một số đông đảo các nhân vật chính trị nước ngoài, trong đó có tổng thống nước láng giềng Pakistan Mamnoon Hussain và cố vấn cao cấp của tổng thống Mỹ John Podesta, người loan báo hiệp ước an ninh được ký ngày hôm nay.
Việc chuyển tiếp chính trị dân chủ ngày hôm qua đánh dấu quyền hành của tổng thống Karzai chấm dứt sau 13 năm tại chức. Ông được đưa lên lãnh đạo Afghanistan vào cuối năm 2001 sau khi một liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo lật đổ Taliban vì đã chứa chấp mạng lưới khủng bố al-Qaida. – VOA
Công ty Mỹ Yum! Brands đổi logo sau khi bị người Việt phản đối
Yum! Brands, tập đoàn của Hoa Kỳ sở hữu các thương hiệu đồ ăn nhanh như Taco Bell, KFC và Pizza Hut, đã chính thức đổi logo của Banh Shop, cửa hàng chuyên bán bánh mì của Việt Nam ở Dallas, Texas.
Logo trước đó có một ngôi sao đỏ mà một số người trong cộng đồng người Việt ở địa phương cho là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản.
Thông cáo của tập đoàn bán đồ ăn nhanh viết: “Sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến của khách hàng, chúng tôi đã sửa logo của Banh Shop ở Dallas. Việc sử dụng ngôi sao đỏ, dù không cố ý, đã xúc phạm một số người, và chúng tôi đã bỏ nó khỏi thiết kế, và chúng tôi xin lỗi bất kỳ ai đã cảm thấy bị xúc phạm.”
Logo mới có thêm dấu sắc trong chữ ‘Banh Shop’ màu trắng trên nền đen.
Ông Cung Nhật Thành, Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Dallas và vùng phụ cận, được mời đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi này.
Ông Thành cũng chính là người đã lên tiếng vận động phản đối logo của Banh Shop. Ông từng nói với VOA Việt Ngữ:
“Tôi thấy có cái gì đó không ổn bởi vì ngôi sao đỏ là biểu tượng của cộng sản mà đứng lên trên cái chữ Sài Gòn, có nghĩa là Sài Gòn và cộng sản nó dính liền với nhau. Cái điều đó là điều cộng đồng người Việt họ không có chấp nhận vì Sài Gòn là thủ đô của nước Việt Nam Cộng hòa, không dính dáng gì tới ngôi sao đỏ cả, và cái sự gán ghép như thế này không tốt.”
Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung lên tiếng phản đối những gì được cho là gắn với chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, người Mỹ gốc Việt ở thành phố Irvine ở nam California đã phản đối đề xuất kết nghĩa với thành phố Nha Trang của Việt Nam.
Trước đó, Santa Ana, một trong những thành phố ở Hoa Kỳ có đông người Việt sinh sống nhất, thông qua nghị quyết ngăn cản quan chức Việt Nam tới thăm thành phố này. – VOA