Tin Nhanh – 11/1/2021

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Nhanh – 11/1/2021
  • Bà Pelosi thúc giục PTT Pence phản hồi, nếu không sẽ xúc tiến việc luận tội TT Trump
  • Ông Graham: Luận tội phế truất TT Trump rất ‘nguy hiểm’ và ‘không thể thành công’.
  • DNI Ratcliffe chỉ định Lực lượng Không gian Hoa Kỳ là Thành viên Cộng đồng Tình báo thứ 18
  • Đảng Dân chủ không thể luận tội TT Trump, kể cả sau khi ông rời nhiệm sở
  • Trung Quốc bị hạ dự báo tăng trưởng do đòn trừng phạt của Mỹ, rủi ro vỡ nợ và nội loạn Hong Kong.
  • Tổng thống Trump: Giải mật tất cả. Tất cả mọi thứ.
  • Cô gái nhập cảnh từ Nhật mắc Covid-19; Nhật phát hiện biến thể nCoV mới khác với Anh và Nam Phi

Bà Pelosi thúc giục PTT Pence phản hồi, nếu không sẽ xúc tiến việc luận tội TT Trump

Thứ Hai, 11/01/2021 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào tối Chủ nhật (10/1) nói rằng Hạ viện sẽ đưa ra một Nghị quyết vào thứ Hai (11/1) kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump trong khi chỉ còn 10 ngày nữa là nhiệm kỳ của ông kết thúc. 

House Speaker Nancy Pelosi Holds Weekly News Conference : News Photo

Trong một bức thư gửi các đồng nghiệp, bà Pelosi cho biết các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ cố gắng thông qua một Nghị quyết kêu gọi ông Pence viện dẫn Tu chính án 25 để tuyên bố Tổng thống Donald Trump “không có khả năng” thực hiện nhiệm vụ Tổng thống của mình.

Đảng Dân chủ đã cho ông Pence 24 giờ để phản hồi. Nếu phó Tổng thống từ chối với các yêu cầu của Đảng Dân chủ, Hạ viện sẽ xem xét các điều khoản luận tội liên quan đến vụ hỗn loạn ở Điện Capitol hôm 6/1. 

Hiện tại, giới truyền thông cánh tả, một số nhà lập pháp, cựu quan chức và các nhà phê bình đã đổ lỗi cho TT Trump với cáo buộc “kích động bạo loạn.”

Cùng ngày, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Hakeem Jeffries cũng thông báo rằng một “Nghị quyết đặc quyền sẽ được đưa ra sẽ buộc tội” TT Trump “kích động bạo lực.”

Ông Jeffries nói rằng việc đưa ra một Nghị quyết đặc quyền sẽ cho phép Hạ viện “khẩn trương” xem xét các điều khoản luận tội trước ngày 20/1.

Các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện sau đó sẽ “bỏ phiếu” Nghị quyết này và “gửi nó đến Thượng viện mà không cần phải thông qua Ủy ban Tư pháp như truyền thống”.

Tuy nhiên, cơ hội của Đảng Dân chủ trong việc thuyết phục Thượng viện thực thi luận tội trước ngày 20/1 dường như rất mong manh.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell hôm thứ Sáu đã gửi một lá thư cho các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa về việc Thượng viện có thể “hủy bỏ bất kỳ điều khoản luận tội nào” do đảng Dân chủ tại Hạ viện đề xuất chống lại Tổng thống Donald Trump trước ngày 20/1 một cách hợp pháp.

“Thượng viện hiện đang nghỉ và sẽ chỉ tổ chức các phiên họp chiếu lệ ba ngày một lần cho đến ngày 19/1. Căn cứ theo lệnh đã được nhất trí thông qua về việc thiết lập thời gian nghỉ và các phiên họp chiếu lệ này, Thượng viện có thể không tiến hành triển khai bất kỳ việc nào cho đến ngày 19/1,” ông McConnell viết.

Lãnh đạo đa số lưu ý rằng “nếu không có sự đồng ý nhất trí, Thượng viện không được tiến hành bất kỳ hoạt động nào dưới bất kỳ hình thức nào trong các phiên họp chiếu lệ, bao gồm cả việc bắt đầu hành động đối với các điều khoản luận tội nhận được từ Hạ viện.”

Hạ viện chỉ cần có đa số biểu quyết đồng tình là có thể thông qua Nghị quyết luận tội TT Trump lần 2. Nếu việc này xảy ra, Thượng viện sẽ nhận được thông báo rằng Hạ viện luận tội Tổng thống trong khi Thượng viện đang nghỉ. Theo ông McConnell, tất cả 100 Thượng nghị sĩ sẽ phải đồng ý tiến hành việc này, thì Thượng viện mới có thể tiến hành bỏ phiếu trong thời gian nghỉ.

Nếu việc nhất trí không diễn ra, thì Thượng viện sẽ không bắt đầu cho đến khi “nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hết hạn.”

Nếu thủ tục luận tội được bắt đầu, các đảng viên Dân chủ có thể sẽ tập trung vào bài phát biểu của TT Trump trước những người ủng hộ ông vào ngày 6/1, khi ông tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và lưu ý về các cáo buộc gian lận cử tri, bất thường và luật bỏ phiếu vi hiến.

Tổng thống đã nói rằng: “Tôi biết các bạn sẽ đến Điện Capitol và khiến cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe một cách hòa bình và ái quốc.” Sau đó, ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không đầu hàng.” 

Không có chi tiết nào cho thấy ông Trump khuyến khích người ủng hộ sử dụng bạo lực. 

Ngay sau khi vụ hỗn loạn xảy ra ở Điện Capitol, TT Trump đã ngay lập tức tweet và đăng video (đều đã bị Twitter xóa) kêu gọi người biểu tình hãy bình tĩnh, kiềm chế và về nhà. 

Xuân Lan (theo Epoch Times) – https://trithucvn.org/the-gioi/ba-pelosi-thuc-giuc-ptt-pence-phan-hoi-neu-khong-se-xuc-tien-viec-luan-toi-tt-trump.html

Ông Graham: Luận tội phế truất TT Trump rất ‘nguy hiểm’ và ‘không thể thành công’.

 11/01/21

Ông Graham: Luận tội phế truất TT Trump rất 'nguy hiểm' và 'không thể thành công'

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa phát biểu trước giới truyền thông tại Điện Capitol ở Washington vào ngày 1/7/2021. (Charlotte Cuthbertson / The Epoch Times)

Thượng nghị sĩ Graham cho biết: “Nếu Chủ tịch Pelosi thúc đẩy việc luận tội trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, điều đó sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Tôi hy vọng Tổng thống đắc cử Biden sẽ nhìn ra được thiệt hại bắt nguồn từ hành động này”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ kế hoạch luận tội Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khi chỉ còn hơn một tuần nữa là ông Trump sẽ mãn nhiệm.

Nhắc đến kế hoạch của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ, ông Graham cho biết: “Nếu Chủ tịch Pelosi thúc đẩy việc luận tội trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, điều đó sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Tôi hy vọng Tổng thống đắc cử Biden sẽ nhìn ra được thiệt hại bắt nguồn từ hành động này”.

Ông Graham nhận định, sự nghiệp chính trị của bà Pelosi đang “như mành chỉ treo chuông”. Ông cũng nhấn mạnh, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ đang “sống trong nỗi sợ hãi hàng đầu từ cánh tả cực đoan”. Lời này của ông Graham đề cập đến những tuyên bố của Hạ nghị sĩ theo xã hội chủ nghĩa Alexandria Ocasio-Cortez thuộc đảng Dân chủ về việc có khả năng cô sẽ phản đối vị trí lãnh đạo phe cánh tả của ông Schumer tại Thượng viện.

Là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, ông Graham khẳng định: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm luận tội Tổng thống Trump sẽ không chỉ không thành công tại Thượng viện, mà còn là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai của nhiệm kỳ tổng thống”.

Ông cũng đưa ra những nhận xét về các nguồn tin ẩn danh suy đoán rằng Tổng thống Trump có thể bị phế truất thông qua Tu chính án thứ 25.

Trước đó, vị Thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Trump vì những cáo buộc của ông về gian lận bầu cử và những bất thường trong cuộc bầu cử ngày 3/11.

Tuy vậy, ông Graham cho biết: “Đối với Tu chính án thứ 25 đang được viện dẫn, tôi không tin rằng điều đó là phù hợp vào thời điểm này. Tôi đang tìm kiếm sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tôi mong chờ đến 14 ngày tiếp theo để tái thiết. Và chúng tôi sẽ chuyển giao quyền lực theo đúng nghĩa truyền thống, bởi đây là một cuộc chuyển giao hòa bình”.

“Nếu có điều gì khác xảy ra, tất cả các lựa chọn sẽ được bày trên bàn”, ông nói thêm.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã lên án vụ đột nhập bất hợp pháp vào Điện Capitol của Hoa Kỳ hôm 6/1. Ông nhấn mạnh: “Giờ đây, cơn cuồng nộ phải được xoa dịu và khôi phục lại sự yên bình”. Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ cho biết, ông đang theo đuổi “mọi con đường hợp pháp” để “đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bỏ phiếu… [và] để bảo vệ nền dân chủ Mỹ”.

Tuy nhiên, hiện tại tài khoản chính thức của Tổng thống Trump trên Twitter đã bị gã trùm mạng xã hội này khóa vĩnh viễn.

Trước khi xảy ra vụ xâm nhập Điện Capitol và các cuộc biểu tình, Tổng thống Trump đã kêu gọi những người ủng hộ tại cuộc biểu tình giữ hòa bình và không tấn công Cảnh sát Điện Capitol Hoa Kỳ. Sau đó, ông đã phát hành một video mang thông điệp kêu gọi những người biểu tình “hãy về nhà trong hòa bình”, nhưng Facebook và Twitter đã nhanh chóng xóa video này.

Trong một nỗ lực để củng cố tuyên bố ủng hộ việc luận tội, bà Pelosi đã gửi một lá thư cho các thành viên Quốc hội trong tuần trước về kế hoạch luận tội của mình.

Trong bức thư gửi tới các đồng nghiệp, bà lập luận: “Hôm nay, sau những hành động nguy hiểm và đầy tham vọng của Tổng thống [Trump], các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội cần noi theo tấm gương đó và kêu gọi ông Trump rời văn phòng của mình – ngay lập tức. Nếu Tổng thống không tự nguyện rời nhiệm sở sớm, Quốc hội sẽ tiến hành [theo kế hoạch] hành động của chúng tôi”.

Hạ nghị sĩ James Clyburn thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện xác nhận: “Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận về điều đó và tôi hy vọng rằng Chủ tịch Hạ viện sẽ thúc đẩy tiếp, nếu phó tổng thống từ chối thực hiện nghĩa vụ bắt buộc của mình theo Hiến pháp”.

Việc luận tội tại Hạ viện yêu cầu đa số đồng thuận, còn việc kết tội yêu cầu đa số 2/3 viện này đồng ý.

Du Miên – Theo Epoch Times tiếng Anh

DNI Ratcliffe chỉ định Lực lượng Không gian Hoa Kỳ là Thành viên Cộng đồng Tình báo thứ 18

 09/01/21

Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe hôm nay đã hoan nghênh Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (USSF) trở thành thành viên thứ 18 của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (IC). Với quyết định này, các thông tin mà USSF thu thập được sẽ được coi là căn cứ, bằng chứng trong các vụ kiện tụng [nếu có], bao gồm cả các cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử.

(Ảnh: Serge Averbukh)

Trong một buổi lễ hồi chiều ngày 8/1, Ratcliffe và Giám đốc Hoạt động Không gian, Tướng John W. “Jay” Raymond đã công bố việc chỉ định yếu tố tình báo của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ làm thành viên của IC.

“Việc gia nhập này tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo không gian bên ngoài như một miền an toàn và tự do cho lợi ích của nước Mỹ,” Ratcliffe nói. “Sức mạnh của Mỹ trong không gian mạnh hơn và thống nhất hơn bao giờ hết. Hôm nay, chúng tôi chào mừng Lực lượng Không gian đến với Cộng đồng Tình báo và mong đợi sức mạnh và sự khéo léo của một đội an ninh không gian mà không quốc gia nào có thể sánh được.”

Lực lượng Không gian là tổ chức mới đầu tiên gia nhập IC kể từ năm 2006.

Tướng Raymond cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã hành động để nâng cao các sứ mệnh tình báo không gian, kỹ thuật thương mại và hợp tác để đảm bảo sự thành công của Lực lượng Không gian, Cộng đồng Tình báo và cuối cùng là An ninh Quốc gia của chúng tôi”. “Đây là một cột mốc quan trọng, một tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ cam kết với một miền không gian an toàn và có thể tiếp cận được. Sự hợp tác của chúng tôi sẽ đảm bảo Lực lượng Không gian và Quốc gia luôn ở trên mọi mối đe dọa. ”

Ratcliffe nhấn mạnh việc bổ sung USSF vào IC đánh dấu một cơ hội lịch sử để thay đổi chiến lược hơn nữa trong doanh nghiệp không gian an ninh quốc gia.

“Thông qua việc chia sẻ thông tin và tình báo liên quan đến không gian, IC và DoD tăng cường tích hợp và điều phối các hoạt động tình báo của chúng tôi để đạt được hiệu quả và giá trị tốt nhất trong việc thực hiện các sứ mệnh của chúng tôi,” Ratcliffe nói. “Động thái này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian như một lĩnh vực hoạt động quân sự và tình báo ưu tiên đối với an ninh quốc gia, mà còn đảm bảo khả năng tương tác, phát triển năng lực và hoạt động trong tương lai cũng như nhận thức toàn cầu thực sự về cảnh báo chiến lược”.

Ezra Cohen, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Tình báo và An ninh cho biết: “Sự thay đổi của ngày hôm nay đã điều chỉnh dịch vụ mới nhất của chúng tôi với các thành viên khác của Defense Intelligence Enterprise và sẽ giúp đảm bảo các nỗ lực của chúng tôi được phối hợp và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực chiến tranh”.

Với sự bổ sung của USSF, chín thành phần của DoD đã là thành viên của Cộng đồng Tình báo.

  Từ Thức – https://tinhhoa.net/dni-ratcliffe-chi-dinh-luc-luong-khong-gian-hoa-ky-la-thanh-vien-cong-dong-tinh-bao-thu-18.html

Đảng Dân chủ không thể luận tội TT Trump, kể cả sau khi ông rời nhiệm sở

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ ngày 6/1 (ảnh: Reuters).

Giáo sư Luật danh dự trường Harvard Alan Dershowitz cho biết đảng Dân chủ hầu như không có cơ hội luận tội thành công và truất phế Tổng thống Donald Trump trước Ngày nhậm chức 20/1.

“Vụ án không thể đưa ra xét xử tại Thượng viện. Bởi vì Thượng viện có các quy tắc, và các quy tắc sẽ không cho phép vụ án được đưa ra xét xử, theo lời của lãnh đạo phe đa số, cho đến 1 giờ chiều ngày 20/1, một giờ sau khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở”, ông Dershowitz nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business vào 10/01.

Ông Dershowitz, người đã bảo vệ TT Trump trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện khoảng một năm trước, cho rằng Hiến pháp không cho phép luận tội một cựu tổng thống.

“Và Hiến pháp đặc biệt nói: Tổng thống sẽ bị truất phế sau khi bị luận tội chứ không nói là cựu tổng thống. Quốc hội không có quyền luận tội hoặc xét xử một công dân với tư cách cá nhân, cho dù công dân đó tên là Donald Trump hoặc tên là Barack Obama hay bất kỳ ai khác”, ông nói.

Ông Dershowitz đưa ra những tuyên bố này khi các đảng viên Dân chủ Hạ viện đề xuất các cáo buộc luận tội sau khi TT Trump có bài phát biểu trước những người biểu tình gần Điện Capitol. Một số ý kiến cho rằng ông Trump đã kích động đám đông bạo lực trước khi một nhóm xông vào tòa nhà Capitol.

Ông Trump đã nói trước đám đông rằng cuộc biểu tình của họ cho thấy “sự tự hào và táo bạo mà họ cần để lấy lại đất nước của chúng ta”, và “chúng ta hãy đi bộ xuống Đại lộ Pennsylvania”. Tổng thống đã không bảo những người biểu tình vi phạm Điện Capitol hay có những hành động bạo lực và sau đó còn lên án các hành động bạo lực này.

Ông chủ tòa Bạch Ốc đã nói với những người biểu tình rằng “hãy làm cho tiếng nói của bạn được lắng nghe một cách hòa bình trên tinh thần yêu nước”.

Một người bảo vệ TT Trump khác trong cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện, giáo sư luật Jonathan Turley, giải thích rằng việc luận tội Tổng thống Trump về bài phát biểu của ông sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Đô thị và Nhà ở Ben Carson, một thành viên trong nội các của tổng thống Donald Trump, cũng đã bác bỏ những lời kêu gọi viện dẫn Tu chính án thứ 25.

“Là một quốc gia, chúng ta cần hàn gắn. Tôi chưa nói chuyện với bất kỳ ai về việc viện dẫn Tu chính án thứ 25, và tôi đang tập trung vào việc nâng cao tinh thần cho những người phụ nữ và đàn ông bị lãng quên ở Mỹ. Đã đến lúc tiến tới hòa bình. Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau!” Ông Carson viết trên Twitter.

As a Nation we need to heal. I have not talked to anyone about invoking the 25th Amendment, and I am focused on finishing what I started in uplifting the forgotten women and men of America. It’s time to move toward peace. We are not each other’s enemies!— Ben Carson (@SecretaryCarson)January 8, 2021

https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-dan-chu-khong-the-luan-toi-tt-trump-ke-ca-sau-khi-ong-roi-nhiem-so.html

Trung Quốc bị hạ dự báo tăng trưởng do đòn trừng phạt của Mỹ, rủi ro vỡ nợ và nội loạn Hong Kong.

 11/01/21

Trung Quốc bị hạ dự báo tăng trưởng do đòn trừng phạt của Mỹ, rủi ro vỡ nợ và nội loạn Hong Kong

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde (L) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 4 năm 2019. (Ảnh của Parker Song / POOL / AFP qua Getty Images)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng 2021 của Trung Quốc, với lý do gặp khó khăn từ việc Trung Quốc bị tách rời khỏi công nghệ Mỹ do các đòn trừng phạt của Tổng thống Trump. Nhưng hơn thế, rủi ro tài chính trong nước ngày một lớn cho đến các hạn chế trong việc huy động vốn qua Hong Kong đối với các công ty Trung Quốc là nhân tố làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm thứ Sáu (ngày 8/1) vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc so với kết quả dự báo 2 tháng trước đó của họ. Theo IMF, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm nay, giảm 30 điểm phần trăm so với dự đoán trước đó là tăng trưởng 8,2% vào tháng 10/2020.

IMF cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho một số nền kinh tế lớn khác. Với Trung Quốc, IMF giải thích kỳ vọng tăng trưởng giảm phản ánh rằng Trung Quốc đang đối diện với môi trường địa chính trị bất lợi trong khi các điều kiện kinh tế toàn cầu đầy thách thức bởi virus Vũ Hán chủng mới.

Trong đánh giá mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc, IMF cảnh báo rằng quan hệ Mỹ-Trung xấu đi và việc Mỹ đã và đang tăng tốc thoái Trung về công nghệ – gây ra sự sụt giảm của ngành công nghệ Trung Quốc trong dài hạn, mất mát tới 1,8% giá trị tổng sản phẩm quốc nội hiện tại.

Ngấm đòn trừng phạt công nghệ và vấn đề Hong Kong từ Mỹ

Không chỉ các đòn trừng phạt của Mỹ đã phát huy tác dụng, IMF cho biết các hạn chế đối với dòng tài chính đổ vào Trung Quốc – thông qua các tổ chức tài chính Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong – cũng có thể ảnh hưởng xấu đến quốc gia này.

Cơ quan này cho biết Hong Kong chiếm khoảng một phần thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc, hai phần lượng trái phiếu phát hành ra nước ngoài và 60% đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và trong nước. Do vậy, các hỗn loạn tại Hong Kong và việc Mỹ xoá bỏ đặc quyền với Hong Kong – vì Trung Quốc đã không còn tuân thủ lời hứa “một quốc gia hai chế độ” đối với đặc khu này. Bởi thế, cửa ngõ hút vốn và công nghệ của Trung Quốc từ Hong Kong bị tê liệt cùng với việc Trung Quốc leo thang đàn áp dân chủ và tự do ngôn luận tại đặc khu này.

Tuần này, Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt mới đối với Hong Kong và Trung Quốc vì cuộc đàn áp các chính trị gia đối lập – với ​​hơn 50 vụ bắt giữ trong một cuộc đột kích rạng sáng, trong đó 1.000 cảnh sát truy quét thành phố. Đã có một số suy đoán rằng Hoa Kỳ có thể cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận đồng đô-la Mỹ của các công ty Trung Quốc ở Hong Kong trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump.

GDP của Trung Quốc tăng 4,9% trong quý III/2020, sau khi phục hồi 3,2% trong quý II và được IMF dự đoán là nền kinh tế duy nhất có tốc độ tăng trưởng dương vào năm 2020. IMF dự báo tăng trưởng cho năm 2020 là 1,9% – không thay đổi so với đánh giá trước đó vào tháng 10/2020.

Bên ngoài thách thức, bên trong suy yếu

Không chỉ vậy, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi rực rỡ khi bối cảnh thế giới trở nên thách thức hơn bởi chính virus Corona biến thể từ Trung Quốc, khiến thị trường co hẹp lại và tổng cầu suy yếu. Trong khi tiêu dùng trong nước không thể tăng do đại dịch và bất bình đẳng thu nhập quá lớn trong nội tại nền kinh tế này. Thực tế, đại dịch đã làm suy yếu tổng tiêu dùng tư nhân do thu nhập giảm, đặc biệt là đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Tăng trưởng của Trung Quốc ở trạng thái “mất cân bằng”, sự phục hồi chủ yếu dựa vào hỗ trợ của chính phủ trong khi tiêu dùng tư nhân đang tụt hậu, theo IMF. Trong suốt năm 2020, ấn tượng tăng trưởng công nghiệp ở Trung Quốc vượt xa chi tiêu tiêu dùng, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vượt xa mức tăng nhập khẩu.

“Đại dịch đã làm suy yếu tổng tiêu dùng tư nhân khi thu nhập giảm xuống, đặc biệt là các hộ gia đình dễ bị tổn thương hơn, trong khi lại tăng tiết kiệm đề phòng. Đồng thời, đầu tư công tăng đáng kể, có nguy cơ đảo ngược tiến độ hướng tới tăng trưởng cân bằng hơn đã đạt được trong 5 năm qua”, IMF cho biết.

Không chỉ vấn đề cơ cấu thu nhập – tiết kiệm – tiêu dùng, rủi ro về bất ổn tài chính đã gia tăng trong suốt cuộc khủng hoảng, trong các lĩnh vực phi tài chính của doanh nghiệp, nhà ở và ngân hàng. Điều này phần nào phản ánh sự chậm trễ do Covid-19 gây ra đối với nỗ lực của chính phủ để giảm rủi ro tài chính và nợ, báo cáo cho biết.Một logo Alipay được nhìn thấy bên cạnh tòa nhà văn phòng Thượng Hải của công ty mẹ Ant Group, Thượng Hải vào ngày 3 tháng 11 năm 2020. Ant Group của Trung Quốc vào ngày 3 tháng 11 đã đình chỉ đợt IPO kỷ lục tại Hong Kong vàThuong Hai. Công ty này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý Trung Quốc về những rủi ro tiềm ẩn. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Nợ doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 10 điểm phần trăm lên 127 phần trăm GDP vào năm 2020, sau khi giảm cùng mức độ trong vài năm trước, trong khi nợ hộ gia đình dự kiến ​​sẽ tăng lên 58,3%/GDP so với Cơ quan này ước tính là 55,6% vào năm 2019.

IMF cũng lưu ý rằng áp lực tài chính đối với khoản nợ chính quyền địa phương đang tràn sang khu vực doanh nghiệp và ngân hàng. Nợ chính quyền địa phương chính thức của Trung Quốc đang tăng nhanh và dự kiến ​​đạt 25% GDP vào cuối năm 2020, ngay cả khi nguồn thu đang chậm lại.

IMF cho biết: “Những gánh nặng nợ nần này dường như đang ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính cho các doanh nghiệp địa phương và các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương có năng lực trả nợ yếu, có thể phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”.

Cơ quan này kêu gọi tiếp tục các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ ở mức độ vừa phải của chính phủ trung ương, cho đến khi sự phục hồi trên cơ sở vững chắc, đồng thời lưu ý rằng trong trung hạn, cần giảm quy mô chi tiêu của chính phủ để đảm bảo tính bền vững của nợ.

Các cải cách cơ cấu của Trung Quốc, chẳng hạn như mở cửa khu vực tài chính, đã tiến triển bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, các cải cách không được phân bổ đồng đều trên các lĩnh vực chính, đặc biệt là về tính trung lập trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Có rất ít tiến bộ rõ rệt đối với cải cách DNNN đang rất cần thiết. Ví dụ, các DNNN niêm yết tiếp tục được hưởng đặc quyền tiếp cận tín dụng và các nguồn lực tài chính khác, mặc dù năng suất của họ thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp tư nhân trong cùng lĩnh vực – khoảng 20% ​​vào năm 2019″, báo cáo của IMF cho biết.

Trung Quốc đã công bố 10 lĩnh vực cần cải cách vào đầu năm 2013, nhưng có rất ít tiến bộ trong các lĩnh vực lao động, đất đai, đầu tư xuyên biên giới, thương mại, DNNN và cạnh tranh.

Cơ quan này dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc sẽ tăng lên 1,9% GDP vào năm 2020 từ 1% vào năm 2019, do giá hàng hóa giảm, du lịch nước ngoài lao đốc và xuất khẩu tăng mạnh. Thặng dư được dự báo sẽ thu hẹp xuống dưới 1% vào năm 2021.

IMF cũng nhấn mạnh rằng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ giúp nền kinh tế thích nghi với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Một số giám đốc IMF kêu gọi cải thiện hơn nữa tính minh bạch của các can thiệp ngoại hối và loại bỏ dần các biện pháp quản lý dòng vốn.

Đức Duy – https://www.ntdvn.com/kinh-te/trung-quoc-bi-ha-du-bao-tang-truong-do-don-trung-phat-cua-my-rui-ro-vo-no-va-noi-loan-hong-kong-128247.html 

Tổng thống Trump: Giải mật tất cả. Tất cả mọi thứ.

  • Thứ Sáu, 08/01/2021

Giải mật mọi thứ.

Trả lời bài đăng hôm 11/12/2020 của ông Todd Starnes trên Twitter viết rằng, “Thời điểm này, [ông Donald Trump] nên giải mật tất cả. Tất cả mọi thứ,” Tổng thống (TT) Donald Trump đã trả lời, “Tôi đang làm việc này. Tôi đồng ý!

TT trump giải mật nhiều tài liệu
Ảnh: Chụp từ màn hình twitter Tổng thống Donald Trump

Một lời khuyên tuyệt vời. Thật vậy, TT Trump nên dùng thời gian này để giáng những đòn vào “nhà nước ngầm,” các chính trị gia tham nhũng, các kẻ thù nước ngoài, và tất cả những người gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và quyền tự do trong nước của chúng ta. Nói cách khác, TT nên giải mật nhiều hơn những gì đã làm cho đến thời điểm hiện tại.

TT nên giải mật và công bố công khai tất cả các vấn đề có thể của các nhóm đối tượng này, cũng như các thông tin không mật mà công chúng hiện nay chưa được biết. Việc này nên trở thành ưu tiên hàng đầu của Tòa Bạch Ốc cho đến ngày 20/01/2021.

Nếu trở thành Tổng thống, ông Joe Biden đã báo hiệu rằng ông có thể sẽ rút lại các hành động trả đũa của TT Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Cộng và rút lui khỏi việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Iran đã được hứa rằng họ sẽ được nhận món quà lớn là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nối lại các hoạt động thương mại thông qua việc phục hồi – mà không cần các điều kiện tiên quyết – thỏa thuận Iran, cho phép họ chế tạo vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, có thể bắn đến bất cứ nơi đâu trên trái đất.

Việc công bố các tài liệu quan trọng, dù là mật hay không mật, như là ánh sáng của sự thật, sẽ giúp hạn chế các hành động tồi tệ của ông Joe Biden, Thượng nghị sỹ Kamala Harris, và những người có thể nằm trong chính phủ nhiệm kỳ tới.

TT trump giải mật nhiều tài liệu - Thượng nghị sĩ Kamala Harris
Thượng nghị sĩ Kamala Harris (Dân Chủ-California) và cựu Phó Tổng thống Joe Biden hôm 27/06/2019 tại Miami, Florida. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Các kế hoạch của nhà nước ngầm chống lại tự do và tổng thống như thế nào? Những tài liệu, tin tức tình báo, hay biên bản họp nào trong chính phủ thể hiện điều đó? Công chúng có quyền biết sự thật. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Theo những người cung cấp tin nội bộ từ Trung Cộng, các thí nghiệm “nâng cao khả năng” của Trung Cộng được cho là đã khiến virus Trung Cộng có thể lây nhiễm sang người, và các hành động cố ý làm lây lan ra toàn cầu của nó giống như việc tấn công liên tiếp bằng bom nhiệt hạch liên tiếp lên các nền kinh tế, đời sống và xã hội ở Hoa Kỳ và các quốc quốc gia khác trên toàn thế giới. Bao nhiêu người Trung Quốc đã tử vong vì virus này? Một số nguồn tin hé lộ con số lên đến hàng triệu người. Các tổ chức và cá nhân ở Hoa Kỳ đã đóng vai trò gì trong việc xây dựng các phòng thí nghiệm sinh học của Trung Cộng? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Các hoạt động kinh doanh mờ ám được cho là của gia đình Biden với Trung Cộng và các quốc gia thù địch khác có thể gây tổn hại trực tiếp đến an ninh quốc trong suốt nhiệm kỳ của ông ấy và sau này. Có tin tức tình báo về việc này không? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

TT trump cho giải mật nhiều tài liệu
Theo trang thông tin doanh nghiệp Trung Quốc, vào tháng 07/2008, Tập đoàn Thornton, có quan hệ với gia đình Biden, đã mở công ty tư vấn Solbre Thornton (Bắc Kinh) tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chụp màn hình thông tin công ty)

Chúng ta đã biết một ít về những nội dung trong máy tính xách tay của Hunter Biden, sự liên kết với Trung Cộng, và các cáo buộc về thuế đối với anh ta — những nội dung được cho là các thỏa thuận không phù hợp, hoặc có thể là bất hợp pháp với các chính phủ nước ngoài. Đã đến lúc công bố mọi thứ liên quan đến cuộc điều tra và toàn bộ nội dung của chiếc máy tính xách tay này, ngoại trừ những bức hình được cho là phạm pháp. FBI dưới thời của ông Biden có thể sẽ giấu kín những bằng chứng này, phủ nhận công lý, và cho phép chính phủ ông Biden tiếp tục các hành vi tham nhũng tương tự, làm lợi cho Trung Cộng và những kẻ thù khác của chúng ta. Hãy công bố tất cả những thông tin này.

Các tài liệu đã được chuyển giao cho Bộ Tư pháp có liên quan đến an ninh quốc gia không? Chính phủ ông Biden có thể ngăn chặn các cuộc điều tra như vậy. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Sự thông đồng của các quan chức Đảng Dân Chủ và “nhà nước ngầm” với Trung Cộng, Ukraine, Nga, Iran, Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, các tổ chức khủng bố, v.v. ở mức độ như thế nào? Đặc biệt là những người có thể trở thành quan chức cao cấp và thấp cấp trong chính phủ ông Biden. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Các email không an toàn của bà Hillary Clinton có phải là nguyên nhân dẫn đến sự thiệt mạng của đại sứ J. Christopher Stevens ở Libya, và ba người khác ở Benghazi không? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Các đại công ty công nghệ, bao gồm Google, Facebook và Twitter, có thông đồng với Trung Cộng hoặc các công ty Trung Quốc để phát triển, tiếp nhận hoặc chia sẻ các công nghệ kiểm duyệt không? Họ có chia sẻ công nghệ kiểm duyệt với các chính phủ và công ty nước ngoài khác không? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Chính phủ biết gì về cách những đại công ty công nghệ kiểm duyệt tin tức, quan điểm và ý kiến ở Hoa Kỳ? Các chính phủ tiền nhiệm có khuyến khích hành động của họ không? Kiểm duyệt là một phần trong nỗ lực đánh bại TT Trump trong cuộc bầu cử lần lần này. Toàn bộ dữ liệu người dùng mà họ đã thu thập và bán là những gì? Công chúng xứng đáng được biết. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

TT trump giải mật nhiều tài liệu
Dòng tweet của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trên một điện thoại ở Phần Lan mà Twitter đã kiểm duyệt, hôm 29/05/2020. (Ảnh: Olivier Morin/AFP/Getty Images)

Có thành viên hay nhân viên nào của Quốc hội liên hệ một cách bất hợp pháp với chính phủ các quốc gia thù địch không? Tin tức tình báo trong các cuộc họp mật và các tài liệu mà các thành viên tham gia họp được quyền nhận cuối cùng lại có thể nằm trong tay các chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức khủng bố không? Sự xâm nhập của các quốc gia khác vào quốc hội và các cơ quan chính phủ nghiêm trọng đến mức độ nào? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Liệu có những nguy cơ và đe dọa đến từ Trung Cộng, Nga, Iran, Bắc Hàn và các quốc gia khác mà các chính phủ tiền nhiệm đã thông đồng và giữ im lặng về chúng không? Ánh sáng của sự thật sẽ bắt buộc các chính sách trong tương lai phải tốt hơn. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Liệu có những điều khoản bổ sung và hợp đồng bí mật liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, có lợi cho chế độ Iran và các nhóm khủng bố liên quan đến nó, hay những văn bản ngầm chấp thuận cho vũ khí hạt nhân tương lai của Iran? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Những can thiệp của cựu TT Barack Obama vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài, ủng hộ kẻ thù của tự do và những đối thủ của các đồng minh mạnh mẽ của Hoa Kỳ như Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Ông Biden có nhượng bộ hoặc hứa hẹn nguy hiểm nào với Trung Cộng, Iran, Nga, Bắc Hàn, Ukraine, Cuba, Venezuela, v.v. không? Có tin tức tình báo về vấn đề này không? Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong buổi quốc yến tiếp đãi Trung Quốc do cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn hôm 25/09/2015. (Ảnh: Paul J. Richards/AFP/Getty Images)

Có ai trong số những cố vấn và những quan chức có thể hoặc sẽ được bổ nhiệm trong chính phủ ông Biden có liên hệ với các chính phủ nước ngoài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực thi thi công việc của họ trong việc đặt lợi ích Hoa Kỳ lên hàng đầu không? Những điều này nên được công bố sớm, trước khi diễn ra các cuộc họp xác nhận việc bổ nhiệm của họ. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này.

Luôn cần có sự cân bằng giữa nhu cầu giải mật thông tin quan trọng phục vụ pháp luật và tranh luận của quốc gia, và sự cần thiết trong việc bảo vệ các nguồn tin và các phương thức thu thập thập tin tức.

Vì mức độ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài có thể có đối với quyền tự do và an ninh quốc gia nếu các thông tin này tiếp tục nằm trong danh sách mật, những mối đe dọa này cần phải được làm rõ, nên cán cân cần nghiêng sang hướng giải mật. Ngoài ra, chính phủ ông Biden có thể sẽ phá hủy hoặc giấu kín những tài liệu như thế, che đậy vĩnh viễn các tội ác, trợ giúp hoặc thông đồng với các kẻ thù của Hoa Kỳ và các kế hoạch nhằm tước đoạt quyền tự do Hiến pháp của người dân Hoa Kỳ. Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin này. Ngay bây giờ.

Chỉ giải mật một cách nhỏ giọt những tài liệu như vậy có nghĩa là chúng có thể bị giấu kín vĩnh viễn khỏi công chúng, hoặc có thể bị chính phủ mới phá hủy. Tất cả mọi tài liệu, dù đã được giải mật hay chưa từng là mật, đều nên được công bố công khai trước ngày 20/01/2021.

TT có quyền giải mật và công bố các tài liệu như vậy, và hành động cuối cùng này sẽ là một cú đấm mạnh mẽ vì tự do và vào những kẻ thù của tự do. Ngày 20/01/2021 đang đến rất nhanh; đã đến lúc phải hành động.

Hãy giải mật và công bố tất cả những thông tin. Tất cả mọi thứ.

Tác giả bài viết, ông Art Harman là Chủ tịch của Liên minh Cứu trợ Thám hiểm Không gian có Người lái. Ông từng là giám đốc lập pháp và cố vấn chính sách đối ngoại cho Hạ nghị sỹ Steve Stockman (Cộng Hòa – Texas) trong Quốc hội lần thứ 113, và là một nhà phân tích chính sách kỳ cựu và chuyên gia chính trị cấp cơ sở.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của the Epoch Times.

Thanh Tâm biên dịch – https://etviet.com/binh-luan/tong-thong-trump-giai-mat-tat-ca-tat-ca-moi-thu.html

Cô gái nhập cảnh từ Nhật mắc Covid-19; Nhật phát hiện biến thể nCoV mới khác với Anh và Nam Phi

 11/01/21, 08:54  Việt Nam

Cô gái 24 tuổi từ Nhật về Thanh Hóa dương tính với virus Vũ Hán (Covid-19) đã nâng tổng số ca bệnh tại Việt Nam lên 1.514 ca; mới đây Nhật Bản đã phát hiện biến thể nCoV mới khác với biến thể tại Anh và Nam Phi.

Cô gái 24 tuổi từ Nhật về Thanh Hóa mắc Covid-19. (Ảnh qua nhandan)

Bộ Y tế tối 10/1 đã công bố thêm 1 ca mới nhiễm viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) từ Nhật về, được cách ly ngay tại Thanh Hóa. Cụ thể: 

Bệnh nhân 1.514 (BN1514) là nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vào ngày 08/01/2021, bệnh trên từ Nhật Bản đáp chuyến bay QH9415 xuống Sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm ngày 09/01/2021 cho thấy bệnh nhân dương tính với chủng virus Vũ Hán. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam đã lên tới 1.514 ca. Trong đó có 35 ca đã tử vong.

Hai ca khác được tiên lượng nguy kịch là BN 1405 (người đàn ông 74 tuổi đang điều trị tại Quảng Nam) và BN 1465 (một người phụ nữ 61 tuổi điều trị tại Hà Nội, tổn thương phổi đến 75%, xuất hiện “cơn bão cytokine”, tắc mạch phổi, đang được cho thở máy và xem xét can thiệp ECMO).

Trong tổng số 1.361 ca được chữa khỏi có nhiều trường hợp bị tái dương tính với chủng virus Vũ Hán. Tính đến tối 10/1, Việt Nam vẫn đang phải cách ly 17.634 người phòng dịch Covid-19.

Nhật Bản phát hiện biến thể nCoV mới khác với biến thể tại Anh và Nam Phi

Theo TTXVN, vào ngày 10/1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thông báo việc nước này vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi Vũ Hán có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi.

Biến thể này có trong 4 người từ Brazil đến Nhật Bản dương tính với Covid-19. Mặc dù có cấu trúc gần tương tự với biến thể đã phát hiện tại Anh và Nam Phi, song có một số điểm khác đã được phát hiện trong biến thể này. 

Các nhân viên y tế đang phun xịt khử trùng tại một tòa nhà ở Nhật. (Ảnh qua anadolu)

Trong ngày, Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản đã báo cáo các trường hợp này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết 4 người trên đến từ Brazil gồm 2 người lớn trong độ tuổi từ 30 – 40 và 2 trẻ em khoảng trên 10 tuổi, đến Nhật Bản và nhập cảnh tại sân bay Haneda hôm 2/1. 

Người đàn ông khi đến Nhật Bản không có triệu chứng nhưng sau đó phải nhập viện vì khó thở, trong khi người phụ nữ có biểu hiện đau đầu, còn bé trai bị sốt, bé gái không có triệu chứng.

Hiện cơ quan y tế Nhật Bản vẫn chưa xác định được khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Thế giới vượt 90 triệu ca, bác sĩ riêng của Giáo hoàng tử vong do Covid-19

Tờ L’Osservatore Romano của Vatican ngày 10/1 đưa tin, Fabrizio Soccorsi, bác sĩ riêng của Giáo hoàng Francis đã qua đời ở bệnh viện Gemelli tại Rome hôm 9/1 vì các biến chứng do virus Vũ Hán chủng mới gây ra.

Mặc dù nguyên nhân gây tử vong cho ông Soccorsi được xác định là biến chứng Covid-19, nhưng nhiều nguồn thạo tin cho hay vị bác sĩ 78 tuổi này kể từ cuối tháng 12 năm ngoái còn phải điều trị bệnh ung thư.

Bác sĩ riêng của Giáo hoàng Francis tử vong vì Covid-19. (Ảnh qua reuters)

Hiện vẫn chưa rõ ông Soccorsi có tiếp xúc gần với Giáo hoàng trong thời gian gần đây hay không.

Mới đây, Nga đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 biến thể mới, theo nguồn tin sáng 11/1 từ VOV.

Theo trang worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 90,67 triệu ca Covid-19, trong đó có hơn 1,94 triệu ca đã tử vong. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 7/1. (Ảnh qua TTXVN)

Tính đến chiều 10/1, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 381.497 ca tử vong trong tổng số 22.702.350 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 2 và Brazil đứng thứ 3.

Xét theo khu vực, châu Âu vẫn đang là tâm dịch của thế giới khi số ca tử vong do Covid-19 đã lên tới hơn 587.500 ca – cao nhất thế giới – trong tổng số hơn 25,8 triệu ca mắc. 

Trong khi đó, Bắc Mỹ là khu vực có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 25,9 triệu ca, trong đó có hơn 381.000 ca tử vong – đứng thứ 2 thế giới. Đứng thứ 3 về số ca mắc là châu Á với hơn 21,4 triệu ca, trong đó có hơn 347.900 ca tử vong.

https://tinhhoa.net/co-gai-nhap-canh-tu-nhat-mac-covid-19-nhat-phat-hien-bien-the-ncov-moi-khac-voi-anh-va-nam-phi.html