Tin khắp nơi – 9-10-2016
IS ‘mất thêm đất’ ở Syria và Iraq
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mất hơn một phần tư lãnh thổ mà nó từng kiểm soát, theo các dữ liệu mới.
Các nhà phân tích về an ninh quốc phòng từ tổ chức nghiên cứu IHS trong lĩnh vực này nói kiểm soát lãnh thổ của IS đã giảm 28% so với diện tích cao nhất mà nhóm này chiếm được từ tháng 1/2015.
Trong chín tháng đầu năm nay, lãnh thổ của IS đã giảm từ 78.000 km2 xuống còn 65.500 km2 – một diện tích tương đương với kích thước của Sri Lanka – vẫn theo phân tích gia từ IHS.
Tuy nhiên, tốc độ mất đất của IS đã chậm lại trong ba tháng tính cho đến tháng Mười.
IS chỉ bị mất 2.800 km2 kể từ tháng Bảy.
Mức giảm này dường như trùng với việc Nga giảm số lượng các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu IS, theo quan sát của IHS.
Vào đầu năm nay, khoảng 26% các cuộc không kích nhắm mục tiêu vào IS, nhưng vào mùa Hè, con số giảm xuống chỉ còn 17%.
“Tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Putin nói Nga có sứ mệnh chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế và đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo,” Alex Kokcharov, phân tích gia cao cấp tại IHS về Nga cho hay.
“Các dữ liệu của chúng tôi cho thấy thực tế không phải như vậy.
“Ưu tiên của Nga là cung cấp hậu thuẫn quân sự cho chính phủ Assad, và rất có thể, chuyển đổi các cuộc nội chiến Syria từ một cuộc xung đột nhiều bên thành hai bên giữa chính phủ Syria và các nhóm thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo; và do đó phá hoại cơ sở để cung cấp hỗ trợ quốc tế cho phe đối lập,” ông Kokcharov nói.
‘Tổn thất đáng kể’
Tuy nhiên, những tổn thất mà IS gánh chịu vẫn là đáng kể, các chuyên gia nói.
IS đã bị đẩy ngược trở lại 10km từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các lực lượng Iraq đã nắm chắc căn cứ không quân Qayyarah, một căn cứ chiến lược tọa lạc 60km về phía nam Mosul, thành trì của IS.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng đã để mất Manbij, thành phố ở Syria cùng các tuyến đường vành đai xung quanh thành phố kết nối biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với thủ phủ Raqqa của IS.
Các tổn thất về lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng kể từ tháng Bảy là tương đối khiêm tốn về quy mô, nhưng chưa từng có về mặt ý nghĩa chiến lược
Các địa bàn này từ tháng Tám nằm trong tay các chiến binh người Kurd và Arab được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Các tổn thất về lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng kể từ tháng Bảy là tương đối khiêm tốn về quy mô, nhưng chưa từng có về mặt ý nghĩa chiến lược,” Columb Strack, nhà phân tích cao cấp và lãnh đạo cơ quan Giám sát Xung đột thuộc IHS nói.
“Tổn thất đường tiếp cận trực tiếp đến các tuyến đường buôn lậu xuyên biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tuyển mộ chiến binh mới từ nước ngoài của nhóm, trong khi chính phủ Iraq đã sẵn sàng khởi động tấn công vào Mosul.”
Nếu cuộc tấn công được hứa hẹn lâu nay nhưng bị trì hoãn khá lâu nhắm vào Mosul – dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này – mà thành công, đây sẽ là một đòn đánh lớn đối với các phần tử cực đoan.
Mosul – thành phố thứ hai của Iraq, nằm dưới sự kiểm soát của những kẻ cực đoan kể từ năm 2014 – được mô tả là “pháo đài cuối cùng” của IS bên trong Iraq, với chính quyền ở Baghdad nói rằng đây sẽ là dấu chấm hết cho Nhà nước Hồi giáo ở bên trong đất nước của họ. – BBC
Syria : Liên Hiệp Quốc không ra được nghị quyết về ngưng bắn ở Aleppo
Sẽ không có nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc về ngưng bắn tại Aleppo. Hội Đồng Bảo An không thể đồng thuận về hai dự thảo nghị quyết do Pháp và Nga đề nghị hôm qua 08/10/2016 tại New York, ngược lại Paris và Matxcơva đã đấu khẩu kịch liệt.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :
« Những gì diễn ra tại Hội Đồng Bảo An đều như dự đoán. Dự thảo nghị quyết của Pháp về việc cấm bay trên không phận Aleppo đã bị Nga phủ quyết – đây là lần thứ năm Nga sử dụng quyền này trong hồ sơ Syria. Đại diện của Matxcơva còn lên án Paris đã tham gia dàn dựng, gây phẫn nộ cho ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault.
Sau cuộc họp, ông tuyên bố : « Về thái độ kiên quyết chống lại khủng bố, chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chống lại Al Nosra, chống Al Qaida, quý vị có tin rằng nước Pháp có thể để cho ai đó dạy đời ? Từ Nga chăng, trong khi chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề và không hề nhập nhằng trong cuộc chiến đang tiến hành ? Các vị ấy gọi là dàn dựng ! Tôi rất sốc vì từ này. Tôi phát biểu nhân danh nước Pháp. Vô cùng sốc ! »
Việc phủ quyết này là một món quà cho Bachar Al Assad và cho bọn khủng bố, theo ngoại trưởng Pháp. Ông nói tiếp : « Chúng tôi sẽ không lùi bước, nhưng tất cả mọi người cần rút ra các kết luận hết sức nghiêm trọng về thất bại này ».
Trong khi các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Liên Hiệp Quốc, khoảng 200 thường dân bị thương ở Aleppo đang cần được tải thương khẩn cấp sau nhiều ngày thành phố bị máy bay Nga và chế độ Damas dội bom ác liệt. Những nhân viên cấp cứu tình nguyện Mũ trắng đã cứu được các nạn nhân ra khỏi những căn nhà đổ nát, và hiện đang yêu cầu đưa những người dân bị thương sang các bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng việc này không thể thực hiện được, vì chế độ Bachar Al Assad nhất quyết vây hãm Aleppo.
Uẩn khúc sau vụ Nga đình chỉ thỏa thuận plutonium với Mỹ
Ngày mùng 3/10/2016, ngay sau khi Washington tuyên bố ngừng đàm phán với Matxcơva trong vấn đề Syria do ngừng bắn không thể vãn hồi tại Aleppo, tổng thống Nga ký sắc lệnh đình chỉ một thỏa thuận về hợp tác an toàn hạt nhân song phương được thiết lập từ năm 2000.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một đòn trả đũa nặng nề nhắm vào Mỹ. Một số người thậm chí khẳng định đây là dấu hiệu của sự trở lại của kỷ nguyên « Chiến tranh Lạnh » Mỹ-Nga. Tuy nhiên, trong giới chuyên gia về hạt nhân hay giới ngoại giao Nga cũng có một số đánh giá khác về vụ đình chỉ thỏa thuận hạt nhân nói trên.
« Washington-Matxcơva : Băng giá » là tựa đề bài nhận định trên Le Figaro (ngày 05/10/2016) của nhà báo Isabelle Lasserre, chuyên về quốc phòng và chiến lược quốc tế. Tác giả nhận xét việc Hoa Kỳ quyết định ngừng thương thuyết với Nga vừa qua, thực ra chỉ là hành động « chính thức thừa nhận » thất bại của quá trình đàm phán « vốn đã chết ngay từ khi Matxcơva khởi sự cuộc chiến tổng lực nhằm lấy lại thành phố thứ hai của Syria, thủ phủ của lực lượng nổi dậy ». Việc Nga đình chỉ thỏa thuận phối hợp xử lý nguyên liệu plutonium dùng cho mục tiêu quân sự (« Plutonium Management and Disposition Agreement » gọi tắt là PMDA), mở một sân bay thứ hai tại Syria hay đình chỉ một thỏa thuận hợp tác khoa học về hạt nhân khác, tất cả chỉ trong ba ngày đầu tuần thực ra nằm trong một chuỗi những hành động lấn tới của Matxcơva trong bối cảnh chính quyền Obama chủ trương « kiềm chế », hạn chế tối đa việc can thiệp quân sự tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là tại Syria (1).
Quyết định đặt Mỹ, Nga vào thế xung đột công khai
Đối với chuyên gia luật người Pháp, gốc Nga, bà Karine Bechet-Golovko, quyết định ngừng thực thi thỏa thuận tiêu hủy lượng plutonium quân sự tồn dư – và gắn liền việc áp dụng trở lại thỏa thuận với các điều kiện mà Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây không thể thực hiện được (2) – cho thấy Matxcơva đang đặt mình vào thế đối đầu với Washington trong một xung đột « địa chính trị », mà sẽ chỉ có một bên thắng, một bên thua.
Theo thỏa thuận PMDA (3) được ký năm 2000, dự kiến chương trình sẽ khởi sự kể từ 2018, Hoa Kỳ và Nga có trách nhiệm phối hợp xử lý mỗi bên 34 tấn nguyên liệu plutonium – đã được làm giàu đủ để dùng cho mục tiêu quân sự. Đây là một khối lượng plutonium khổng lồ, ước tính đủ dùng cho 17.000 vũ khí hạt nhân. Về nguyên tắc, việc hai siêu cường hạt nhân đạt thỏa thuận về vấn đề này đã làm giảm nhẹ rất lớn nguy cơ kho nguyên liệu hạt nhân plutonium này bị đánh cắp hay sử dụng sai mục đích. Việc đình chỉ thỏa thuận có thể để ngỏ một tương lai bất định.
Tuy nhiên, về việc thỏa thuận hạt nhân PMDA bị Nga đình chỉ, điều được coi là bất ngờ với công luận và để ngỏ một viễn cảnh đen tối đối với thế cân bằng hạt nhân chiến lược Mỹ-Nga hiện nay, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Jonathan Marshall, có bài « The unmourned plutonium disposal deal » (Thỏa thuận plutonium không ai tiếc) (4), đưa ra một đánh giá khác. Theo nhà nghiên cứu, trên thực tế, thỏa thuận PMDA vốn đã rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ về mặt tài chính và kỹ thuật, đối với cả hai phía. Riêng về phía Hoa Kỳ, về mặt tài chính, kế hoạch biến plutonium dùng cho mục tiêu quân sự thành nhiên liệu plutonium dùng sản xuất điện dân sự – qua việc pha chế với uranium để tạo thành nhiên liệu hạt nhân ô xít hỗn hợp (MOX) – ban đầu ước tính hơn 3 tỉ đô la, nhưng nay đã vọt lên 30 tỉ.
Từ nhiền năm nay, một phương án xử lý khác đã được Hoa Kỳ tính tới, rẻ hơn (khoảng 9 tỉ đô la) và dễ thực thi hơn về kỹ thuật (5), tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để áp dụng phương án mới, hai bên phải đàm phán lại.
Thỏa thuận ít quan trọng nhất
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Jonathan Marshall, tổng thống Nga đã sử dụng việc đình chỉ một thỏa thuận đang lâm vào bế tắc như một biện pháp nhất cử lưỡng tiện. Một mặt, để gửi đến Hoa Kỳ và quốc tế một thông điệp mang tính cứng rắn, nhưng mặt khác, một biện pháp như vậy trên thực tế không để lại những hệ quả tồi tệ nào thêm cho quan hệ vốn đã xuống dốc giữa Nga và Mỹ.
Nhà phân tích Andrei Baklitsky, làm việc tại một trung tâm tâm « độc lập » về quan hệ quốc tế tại Nga PIR, được Sputnik (6), mạng truyền thông chính thức của nhà nước Nga dẫn lời, cũng cho rằng Matxcơva đã chọn đình chỉ một thỏa thuận « ít quan trọng nhất » trong số các hiệp định và thỏa thuận về an ninh hạt nhân, để bày tỏ thái độ bất bình với Mỹ. Ông bảo đảm là chắc chắn « sẽ không có thêm bất cứ thỏa thuận nào (về an ninh hạt nhân) bị đình chỉ ».
Chuyên gia trung tâm PIR nhấn mạnh là chính quyền Nga đã xem xét rất kỹ lưỡng, để biết là « thỏa thuận nào có thể hy sinh, thỏa thuận nào là không thể xâm phạm… bởi điều này có lợi cho cả Nga và Hoa Kỳ… PMDA là một thỏa thuận chưa hề được áp dụng, hoàn toàn khác với Hiệp định Cắt Giảm Vũ Khí Chiến Lược START (Strategic Arms Reduction Treaty) ».
Về lý do kỹ thuật của việc đình chỉ PMDA, cựu đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko giải thích chi tiết hơn. Theo ông, trong thỏa thuận này, « chính Hoa Kỳ đã đơn phương tiến hành việc thay đổi phương án với lý do tài chính và để tiết kiệm thời gian. Quyết định của Hoa Kỳ không bảo đảm là nguyên liệu plutonium thực sự được tiêu hủy, và quá trình này có thể bị đảo ngược. Trong khi đó, phía Nga đã gần như kết thúc việc xây dựng các cơ sở đắt giá » theo thỏa thuận.
Cánh cửa ngoại giao để ngỏ
Trong vụ việc này, một điều cũng đáng chú là, về mặt ngoại giao, vẫn theo Sputnik, trong khi tổng thống Nga Vladimir Putin lớn tiếng đe dọa Washington với sắc lệnh đình chỉ PMDA, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tỏ ra mềm mỏng. Ông nhấn mạnh, hoàn toàn khác với quá khứ, hiện nay giữa Nga và phương Tây không có « sự khác biệt về ý thức hệ ».
Theo ông Lavrov, Nga và các quốc gia phương Tây « cùng chia sẻ các nguyên tắc làm nền tảng cho khối OSCE (Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu) và Liên Hiệp Quốc. Các nguyên tắc chung đó có thể tóm lại là sự phát triển dân chủ của xã hội ». Báo Sputnik khẳng định, giới quân sự và chuyên gia chính trị Nga cho rằng không có dấu hiệu gì cho thấy một « cuộc Chiến tranh Lạnh mới » và đụng độ vũ trang giữa Nga và Mỹ là « không thể xảy ra ».
Về quyết định của chính quyền Nga đơn phương đình chỉ thỏa thuận hạt nhân PMDA, để trả đũa Hoa Kỳ, những đánh giá là hết sức trái chiều. Có quan điểm cho rằng quyết định này đẩy Nga và Mỹ vào thế đối đầu, viễn cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là nhãn tiền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định PMDA chỉ là một thỏa thuận không hề quan trọng trong số các thỏa thuận và hiệp định an ninh hạt nhân làm nền tảng cho quan hệ Nga – Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh, và điều này không ảnh hưởng gì đến thế cân bằng hạt nhân giữa hai siêu cường. Đình chỉ một thỏa thuận hạt nhân trên thực tế đang lâm vào bế tắc với việc đổ lỗi hoàn toàn cho Hoa Kỳ, phải chăng là một đòn tâm lý mới của tổng thống Putin vừa để trấn an công luận trong nước, vừa để kéo lạc sự chú ý của công luận quốc tế, đúng vào lúc các trận oanh kích tàn khốc của không quân Nga nhắm vào thường dân Syria tại thành phố Aleppo đang diễn ra trước mắt toàn thế giới ?
***
(1) Le Figaro cùng ngày có một bài viết khác mô tả tình trạng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ liên tục bị bạo hành tại Nga từ gần một năm trở lại. Đây là điều mà Đài Âu Châu Tự Do, do Quốc Hội Mỹ tài trợ, mới dám công khai thừa nhận ngày 03/10 (bài « En Russie, l’Amérique est dénigrée et ses diplomates harcelés/Tại Nga, nước Mỹ bị bôi bẩn, các nhà ngoại giao bị bạo hành »).
(2) Các điều kiện mà tổng thống Nga đưa ra để tái lập thỏa thuận PMDA là những điều mang tính nguyên tắc trong chính sách Nga của phương Tây, như trừng phạt kinh tế sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée… Theo nhà báo Isabelle Lasserre, chính sách không khoan nhượng của tổng thống Nga Putin nhìn chung có mục tiêu là « đẩy lùi khối NATO, chia rẽ châu Âu và chiếm lĩnh lại không gian ảnh hưởng thời Liên Xô ». Đối với nhiều nhà quân sự Mỹ « đe dọa hạt nhân Nga hiện nay còn đáng sợ hơn thời Liên Xô trước đây ».
(3) “2000 Plutonium Management and Disposition Agreement”, trang của bộ Ngoại Giao Mỹ.
(4) Đăng tải trên trang Consortium News ngày 05/10/2016.
(5) Bài « Plutonium Disposition by Downblending and Disposal », 27/05/2014, trên trang mạng AAAS (American Association for the Advancement of Science/Hiệp hội Hoa Kỳ vì tiến bộ khoa học).
(6) Trong bài « No Chance for Cold War II Between Russia, US », Sputnik ngày 05/10/2016.
Truy nã tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cảnh sát biển Hàn Quốc
Cảnh sát biển Hàn Quốc ở TP Incheon cho biết vụ việc xảy ra khoảng 15 giờ (giờ địa phương) hôm 7-10 tại vùng biển cách đảo Socheong 76 km về phía Tây Nam.
Một chiếc thuyền cao tốc có tải trọng 4,5 tấn chở nhiều cảnh sát biển Hàn Quốc đang đuổi bắt một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong khu vực thì bị một tàu khác của Trung Quốc đâm vào phía sau.
Chiếc tàu cá nói trên đã tẩu thoát và đang bị truy nã.
Không có thiệt hại về người trong vụ đâm tàu này. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ có 1 cảnh sát biển trên chiếc tàu bị đâm, 8 cảnh sát biển còn lại đã lên tàu cá Trung Quốc thứ nhất.
Trong khi tàu cảnh sát biển Hàn Quốc khác tới giải cứu nhân viên bị rơi xuống nước thì nhiều tàu Trung Quốc cũng đến giải vây cho chiếc tàu cá đang bị kiểm tra, buộc cảnh sát biển Hàn Quốc nổ súng đáp trả. Nhằm đảm bảo an toàn, cảnh sát biển Hàn Quốc ra lệnh cho 8 nhân viên rời khỏi tàu cá Trung Quốc.
Theo cảnh sát biển Hàn Quốc, khoảng 40 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc vào thời điểm xảy ra vụ va chạm.
Sau vụ việc trên, cảnh sát biển ở TP Incheon hôm 9-10 đã triệu tập phó tổng lãnh sự Trung Quốc tại Incheon, còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc triệu tập đại sứ Trung Quốc tới phản đối và yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn những vụ tương tự tái diễn.
Những vụ đụng độ giữa cảnh sát biển Hàn Quốc và ngư dân Trung Quốc thỉnh thoảng dẫn đến bạo lực và chết người. Vào tháng 10-2014, một thuyền trưởng Trung Quốc bị bắn chết khi chống đối cảnh sát biển Hàn Quốc.
Hồi năm 2011, cảnh sát biển Hàn Quốc Lee Cheong-ho bị một ngư dân Trung Quốc đâm chết trong một cuộc đối đầu ở vùng biển ngoài khơi TP Incheon.
Quân đội Philippines tuyên bố chưa chắc dừng tập trận với Mỹ
Quân đội Philippines cho biết sẽ xem xét lại tuyên bố chấm dứt tập trận chung với Mỹ của tổng thống Duterte để đưa ra quyết định cuối cùng.
Người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla hôm 8/10 cho biết bộ quốc phòng nước này sẽ đánh giá lại lợi ích mà những cuộc tập trận chung có truyền thống hàng thập kỷ mang lại cho cả Mỹ và Philippines.
Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana yêu cầu tạm ngưng 28 cuộc tập trận chung diễn ra hàng năm giữa hai nước đồng minh.
“Có thể sẽ có đề nghị tiếp tục toàn bộ chương trình hoặc chỉ tiếp tục một phần chương trình và ngưng những phần khác không mang lại lợi ích cho Philippines”, ông Padilla nói với kênh ABS-CBN.
Người phát ngôn quân đội Philippines cũng cho biết nước này sẽ tự đưa ra quyết định và sẽ thông báo đến Mỹ, theo AFP.
Người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla. Ảnh: AP. |
Quan hệ ngoại giao Mỹ – Philippines đang gặp thách thức nghiêm trọng bởi những phát ngôn của Tổng thống Duterte. Hôm 7/10, ông Duterte khẳng định lại tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng trước, rằng cuộc tập trận tháng 10 là cuộc tập trận cuối cùng giữa Mỹ và Philippines.
Hàng năm, Mỹ và Philippines tiến hành 28 cuộc tập trận chung, trong đó có 3 chương trình quy mô lớn. Trong cuộc tập trận vừa diễn ra, hải quân hai nước diễn tập các hoạt động đổ bộ cũng như bắn đạn thật.
Trước đó, ông Duterte cũng nói Tổng thống Obama “xuống địa ngục đi” sau khi Mỹ bày tỏ lo ngại về chương trình chống tội phạm ma túy ở Philippines. Tổng thống Philippines cũng thách thức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt hỗ trợ đối với đảo quốc này nếu thấy không hài lòng.
Ngày 6/10, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói các quan điểm cứng rắn của Tổng thống Duterte với Washington đến nay là vì muốn “giải thoát đất nước khỏi nền độc lập trói buộc” và “không còn quỵ lụy Mỹ”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói Washington “lưu tâm đến những giọng điệu này”, nhưng quan tâm hơn đến những hợp tác giữa 2 nước. “Chúng tôi vẫn duy trì cam kết an ninh với Philippines”, ông Kirby nói.
Duterte muốn giải thoát Philippines khỏi sự trói buộc của MỹNgoại trưởng Philippines nói các quan điểm cứng rắn của TT Duterte với Washington đến nay là vì muốn giải thoát đất nước khỏi “nền độc lập trói buộc” và không còn quỵ lụy Mỹ. |
Duterte: Mỹ-EU cứ ngừng hỗ trợ, Philippines không xin xỏTổng thống Philippines nói nếu Mỹ và EU không hài lòng với chiến dịch chống ma túy tại Philippines và vì thế muốn ngừng hỗ trợ nước này thì “cứ tự nhiên mà làm”. |
Đông Phong
Miến Điện: Nhiều đồn biên giới với Bangladesh bị tấn công
Ảnh minh họa : Người Rohingya sinh sống ở bang Rakhine vùng biên giới Miến Điện-Bangladesh.
Ảnh ngày 11/11/2014.REUTERS/Minzayar
Ít nhất hai cảnh sát Miến Điện bị giết trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật trong ba vụ tấn công « có phối hợp » ở bang Rakhine giáp giới với Bangladesh. Cảnh sát chưa rõ thủ phạm là ai. Rakhin là nơi có cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi tạm cư và cũng là nơi xẩy ra xung đột bạo lực kỳ thị chủng tộc.
Theo một viên chức chính quyền bang Rakhine, vụ tấn công vào đêm thứ Bảy đã gây thiệt hại nặng cho cảnh sát biên giới : hai cảnh sát viên tử thương, hai người bị thương và sáu người mất tích.
Được AFP đặt câu hỏi, cảnh sát ở Rangoon cho biết có ba đồn biên giới bị tấn công với ít nhất 8 cảnh sát viên tử vong. Toán tấn công cũng bị thiệt hại nhân mạng nhưng lấy được nhiều vũ khí của cảnh sát.
Vụ tấn công võ trang này gây ngạc nhiên lẫn lo ngại. Ngạc nhiên vì bang Rakhine không có một tổ chức võ trang tầm cỡ chống lại chính quyền trung ương. Trong những năm gần đây mới xuất hiện một nhóm dân quân mang tên « quân đội Arakan », theo đạo Phật, thỉnh thoảng tấn công quân đội.
Ngược lại, cộng đồng Rohingya không có tổ chức tranh đấu võ trang. Giới quan sát lo ngại tình trạng người Hồi giáo Rohingya, bị xem là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, bị phân biệt đối xử kéo dài có thể dẫn đến phản ứng bạo động.
Trong năm 2012, xung đột giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật tử đã làm cho 200 người chết, đa số là người Rohingya.
Mọi xung đột trong bang Rakhine sẽ là một thách thức đối với chính quyền Aung San Suu Kyi.
TIN ĐỌC NHANH
(Reuters) – Mỹ-Philippines : Ngưng tập trận chung hay tiếp tục ? Quan hệ Washington với Manila của tổng thống Duterte biến thành chuyện phim nhiều tập. Phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla ngày 08/10 cho biết hai bên sẽ duyệt xét xem khả năng tốt nhất : « tiếp tục toàn bộ » chương trình 28 cuộc tập trận hàng năm « hay chỉ giữ lại những phần nào có lợi » cho Philippines.
(AFP) – Bắc Triều Tiên và bom hạt nhân. Hình ảnh vệ tinh, sau khi được Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn,đại học Johns Hopkins phân tích, xác nhận Bắc Triều Tiên có vẻ như đang chuẩn bị thử hạt nhân hoặc tên lửa, trong bối cảnh Bình Nhưỡng sắp tổ chức đại lễ kỷ niệm 71 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10/10).
(AFP) – Ấn Độ phá vỡ mạng lưới lừa đảo qua điện thoại. Cảnh sát Bombay lục soát khoảng một chục « cơ sở » và câu lưu 700 người để điều tra. Nạn nhân đa số là công dân Mỹ, 6.500 người, nhưng cũng có người Ấn. Chiến thuật rất giản dị : thủ phạm gọi điện thoại tự xưng là thanh tra thuế và đề nghị nếu nạn nhân không nhanh chóng chi tiền thì cảnh sát sẽ đến nhà. Trong vòng một năm, mạng xã hội đen này lấy được 30 triệu đôla.