Tin khắp nơi – 2/5/2016
Image Reuters Ông Donald Trump hứa sẽ thương lượng với Trung Quốc để giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nhân công Mỹ.
Tỷ phú Trump: TQ ‘cưỡng bức’ Hoa Kỳ
Ứng viên dẫn đầu trong cuộc đua dành đề cử vào Nhà trắng thuộc Đảng Cộng Hòa của Mỹ, Donald Trump cáo buộc Trung quốc “cưỡng bức thương mại” Hoa Kỳ.
Đây là chỉ trích mới nhất của Tỷ phú Trump về chính sách thương mại của Trung Quốc.
Ông Trump nói TC là “kẻ trộm khét tiếng nhất trong lịch sử thế giới” trong bài phát biểu của mình tại bang Indiana.
Chúng ta không thể tiếp tục để TC cưỡng bức Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ xoay chuyển tình thế, đừng quên rằng chúng ta đang có lá bài trong tayTỷ phú Donald Trump
Ông cũng cáo buộc TC đã phá giá tiền tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và nhân công Mỹ, ông tỷ phú nói.
Trong chiến dịch tranh cử của mình vào hôm Chủ nhật, Trump nói:
“Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng bức Hoa Kỳ.
“Chúng ta sẽ xoay chuyển tình thế, đừng quên rằng chúng ta đang có lá bài trong tay”.
Và ông nhấn mạnh: “Chúng ta [Hoa Kỳ] có nhiều quyền lực”.
Truyền cảm hứng?
Image Reuters Thủ tướng TC Lý Khắc Cường cho rằng bầu cử Mỹ rất sinh động và thu hút công chúng
Thủ tướng TC, Lý Khắc Cường, từng nhận xét về kỳ bầu cử Hoa Kỳ là “rất sinh động và thu hút công chúng.”
Tuy nhiên, nhiều người TC có cái nhìn tích cực hơn.
Họ coi Trump, một tỷ phú thích khoa trương người New York, là người truyền cảm hứng hơn là một kẻ đối lập.
Trong tuyên ngôn tranh cử của mình, Trump hứa “sẽ thương lượng với Trung Quốc để giúp doanh nghiệp và nhân công Hoa Kỳ cạnh tranh tốt hơn”.
Ông đưa ra 4 mục tiêu, trong đó ngay lập tức tuyên bố TC “thao túng tỷ giá tiền tệ” và yêu cầu nước này “kết thúc trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, cũng như nâng cao tiêu chuẩn lao động và môi trường lỏng lẻo”.
Số liệu mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ cho thấy thặng dư thương mại với TC của Mỹ hiện đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 365,7 tỷ USD (tương đương 250,1 tỷ bảng Anh).
Đến tháng hai năm nay, con số này đã đạt 57 tỷ USD.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160502_trump_china_rapes_usa
Tàu Mỹ và chuyến đi lịch sử tới Cuba
Image AP
Một tàu du lịch Mỹ có hành trình từ Hoa Kỳ tới Cuba, là chuyến đi đầu tiên của loại tàu này tới Cuba trong vòng hơn 50 năm qua.
Tàu Adonia rời cảng Miami, mang theo chừng 700 hành khách. Theo kế hoạch, tàu tới Havana vào hôm thứ Hai.
Cuba và Hoa Kỳ đã phục hồi quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái. Nhưng một số hạn chế có từ thời Chiến tranh lạnh liên quan tới việc đi lại và giao thương vẫn chưa được dỡ bỏ.
Chuyến đi của tàu Adoni được thực hiện sau khi Cuba bãi bỏ lệnh cấm công dân nước mình xuất nhập cảnh bằng đường biển.
Hãng điều hành tàu, Carnival, đã được cả hai chính phủ cấp phép cho các hành trình qua lại giữa Florida và Cuba.
Tuy nhiên, chính phủ Cuba có một quy định theo đó nói người Cuba chỉ được ra vào bằng đường hàng không.
Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc hãng điều hành không thể phục vụ các hành khách là người Mỹ gốc Cuba.
Sau những phản đối và đe dọa sẽ tiến hành các hành động pháp lý của người Mỹ gốc Cuba, Carnival nói hãng sẽ tạm ngưng các chuyến đi cho tới khi chính sách xuất nhập cảnh của Cuba được thay đổi.
Giới chức Cuba vừa dỡ bỏ lệnh cấm chỉ mới hơn một tuần trước.
Trước khi cuộc Cách mạng Cuba nổ ra, là sự kiện đưa Fidel Castro lên nắm quyền hồi 1959, các chuyến tàu phà du lịch chạy qua lại eo biển Florida là chuyện khá phổ biến.
Kể từ khi Tổng thống Barack Oama và Chủ tịch Raul Castro tuyên bố hồi 12/014 rằng họ đồng ý cải thiện quan hệ, ngành du lịch Cuba đã tăng vọt lên mức kỷ lục.
Các chuyến tàu du lịch được trông đợi sẽ đưa thêm hàng ngàn du khách tới hòn đảo này trong những tháng tới, phóng viên BBC Will Grant nói.
Tàu Adonia sẽ chạy hai tuần một lần từ Miami tới Cuba, Carnival cho biết.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160502_us_cruise_ship_historic_cuba_visit
Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực ngừng bắn Syria
Image Reuters Một cậu bé được đưa đến nơi trú ẩn an toàn tại Aleppo trong một cuộc không kích
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang ở Geneva trong một nỗ lực để ủng hộ một cuộc ngừng bắn một phần và mong manh ở Syria.
Ông Kerry sẽ có buổi hội đàm phán khẩn cấp với Đặc sứ của Liên hiệp Quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura, và các ngoại trưởng Ả Rập Saudi và Jordan.
Ông nói, ưu tiên hàng đầu là kết thúc bạo lực ở thành phố phía Bắc Aleppo.
Hơn 250 thường dân đã bị thiệt mạng ở Aleppo trong 10 ngày qua.
Một quan chức quốc phòng Nga nói trước đó các thương thảo đã diễn ra để chuẩn bị ngừng bắn ở khu vực này.
Hoa Kỳ muốn Nga gây áp lực lên đồng minh là phe chính phủ Syria, buộc họ ngưng các hoạt động mà phe này gọi là đánh bom không phân biệt.
Chính phủ Nga và Syria nói các cuộc không kích vào Aleppo nhắn vào Mặt trận Nusra – một lực lượng thánh chiến không phải nhóm tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn hồi Tháng Hai.
“Những giờ căng thẳng”
Image AP Ông John Kerry đến Geneva trước vòng đàm phán 10 ngày
“Chúng tôi đã nói chuyện trực tiếp với người Nga, ngay cả bây giờ” – Ông Kerry nói khi đến Geneva, bắt đầu hội đàm với Ngoại trưởng Jordania Nasser Judeh.
“Đó là những giờ căng thẳng. Chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác từ phía Nga. Chúng tôi rõ ràng mong đợi chế độ sẽ lắng nghe Nga và phản hồi với tuyên bố mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh Nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi một “một cuộc ngừng bắn toàn quốc, rộng khắp và cho cả nước được tiếp cận với cứu trợ nhân đạo”.
“Rõ ràng điều đó đã chưa xảy ra và vẫn chưa xảy ra” – Ông nói.
Phát biểu từ căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria, Tướng Sergei Kuralenko nói với truyền thông Nga các “đàm phán tích cực” đang được tiến hành để thiết lập “chế độ bình ổn ở tỉnh Aleppo”.
Quan chức bộ quốc phòng Nga không cho biết chi tiết nhưng thêm vào “chế độ bình ổn” quanh thủ đô của Syria đã được nới rộng đến 21:00 GMT thứ Hai 2/5 (1:00 giờ sáng hôm sau giờ Việt Nam).
Bình luận của ông cho thấy có sự thay đổi trong vị trí của Nga. Hôm thứ Bảy, Moscow nói họ sẽ không ép quân đội Syria ngưng chiến dịch, dù việc này đe dọa làm sụp đổ hoàn toàn tiến trình hòa bình.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160501_us_syria_cease_fire
Cha đẻ của máy bay MiG lừng danh một thời
Image Science Photo Library Chiến binh thời Chiến tranh Lạnh
Kỹ sư thiết kế máy bay người Nga Rostislav Belyakov, người qua đời 28/2/2014, thọ 94 tuổi, không phải là một cái tên quen thuộc trong các hộ gia đình.
Nhưng chiếc máy bay của ông – MiG, được đặt từ những chữ cái viết tắt tên cơ quan thiết kế hàng không mà Belyakov điều hành trong suốt hai thập niên – thì đã trở thành huyền thoại.
Các máy bay MiG do Belyakov thiết kế nằm trong số các mẫu ấn tượng nhất dưới thời Liên Xô: máy bay tiêm kích ném bom MiG-23 cánh cụp cánh xòe, MiG-25 kích cỡ lớn có thể bay với vận tốc gấp ba lần tốc độ âm thanh, và MiG-29 động cơ phản lực kép được thiết kế nhằm chống lại chiếc US F-16 của Mỹ.
Belyakov nhận chức Tổng giám đốc MiG sau khi nhà sáng lập Artem Mikoyan qua đời năm 1970; ông bắt đầu làm việc cho MiG từ năm 1941, khi đó nhằm tham gia nâng cấp chiến đấu cơ MiG-3 gặp nhiều trục trặc.
MiG trở nên nổi danh với chiếc MiG-15, chiến đấu cơ khiến phương Tây khiếp sợ khi xuất hiện trên bầu trời Triều Tiên hồi năm 1950.
Image copyright Science Photo Library Chiếc MiG-21 cánh tam giác được sản xuất hàng ngàn chiếc. Ảnh: Science Photo Library
“Đây là chiếc máy bay tiêm kích phản lực có thiết kế gọn nhẹ, nhanh, cơ động và hệ thống cánh cụp hiệu quả, làm thay đổi cục diện cuộc chiến trên không trong Chiến tranh Triều Tiên,” nhà thiết kế hàng không Jonathan Glancey nói.
Với những ai sống vào thời thập niên 1950 – 1960, tất cả mọi máy bay phản lực của Nga đều được gọi là MiG. Tên của hãng trở thành thuật ngữ chỉ tất cả các chiến đấu cơ hay máy bay ném bom của Nga xuất hiện trên đường băng từ Moscow đến Maputo.
Belyakov trở thành một trong những kỹ sư trưởng thiết kế của hãng MiG, giúp cho ra chiếc MiG-21 cánh tam giác (delta winged), một thiết kế tới nay vẫn được sử dụng, 50 năm kể từ ngày ra mắt.
Nhưng thách thức lớn nhất mà Belyakov phải đương đầu xuất hiện trong những thập kỷ sau – đó là nâng thiết kế của hãng lên một đẳng cấp mới như thiết kế cánh cụp cánh xòe và các chuyến bay có thể bay đến rìa vũ trụ.
Glancey tin rằng chiếc MiG-25 ‘Foxbat’ khổng lồ, kích cỡ ngang chiếc máy bay ném bom Lancaster của Anh trong Thế Chiến II và bay nhanh hơn đạn – là một trong những thiết kế ấn tượng nhất của Belyakov.
MiG-25 di chuyển với vận tốc nhanh đáng kinh ngạc. Mang một động cơ Mach-3, nó được thiết kế để đánh chặn các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa thế hệ mới của Hoa Kỳ, đặc biệt là nhằm đối phó với máy bay ném bom chiến lược North American B-70 Valkyrie.
Chiếc máy bay quân sự bề ngoài giống chiếc Concorde đã từng bay ở vận tốc Mach-3 tại độ cao 21km: thiết kế tuyệt đẹp, chiếc MiG-25 với đuôi đôi đã trở thành khắc tinh với máy bay ném bom của Mỹ.
B-70 Valkyrie của Mỹ mới chỉ dừng ở mức nguyên mẫu và chưa bao giờ đi vào hoạt động, nhưng ít nhất 1.186 chiếc Foxbat đã được xuất xưởng.
Thiết kế của Belyakov – thoáng nhìn từ các bức ảnh vệ tinh do thám – thực sự đã làm Lầu Năm Góc lo ngại, và nó đã thúc đẩy Hoa Kỳ phát triển chiếc F-15 Eagle, một trong những chiến đấu cơ quan trọng nhất của Không lực Hoa Kỳ thời kỳ cuối Chiến Tranh Lạnh.
Hồi năm 1976, khi một phi công Xô Viết đào thoát đến Nhật bằng chiếc MiG-25, các nhân viên CIA tháo chiếc máy bay thành từng mảnh rồi lắp lại trước khi trả về Liên Xô.
Douglas Barrie, từ Học Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến Lược (IISS), lần đầu gặp Belyakov trong một chuyến đi đến Nga sau khi Liên Xô tan rã.
Image Science Photo Library Chiếc MiG-27 này có thiết kế như máy bay tấn công hơn là phi cơ chiến đấu. Ảnh: Science Photo Library
Barrie nói mặc dù đã ngoài 70 tuổi, Belyakov vẫn nhiệt tình tiếp tục làm việc với MiG, dù đó là thời gian cực kỳ khó khăn của hãng.
“Liên Xô sụp đổ đã kéo theo việc cắt giảm chi phí quốc phòng, và trong suốt thập niên 1990, một hãng thiết kế từng nổi tiếng và lừng lẫy một thời như MiG phải đối mặt với khó khăn để tồn tại,” ông nói.
“Thậm chí sau khi không còn đóng vai trò tích cực tại MiG, ông vẫn có thói quen tham dự vào các triển lãm hàng không của Moscow, và thường tham gia trong các cuộc họp báo của MiG,” Barrie nói.
Về đóng góp xuất sắc nhất của Belyakov, theo Barrie thì có thể nói ông chính là người đã có công giúp MiG duy trì vị trí là hãng thiết kế chiến đấu cơ thượng thặng của Liên Xô, vượt lên trên đối thủ Sukhoi.
“Điều này thể hiện qua việc MiG được chọn vì đáp ứng được những tiêu chuẩn của không quân đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm,” ông nói.
“Một máy bay nguyên mẫu của MiG, gọi là Article 1.44, đã được lắp ráp và bay thử nghiệm, nhưng nước Nga trong thập niên 1990 không đủ tiền chi cho phát triển quốc phòng và cuối cùng bỏ dở chương trình này.”
MiG hiện vẫn phục vụ trong lực lượng không quân của hàng chục quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng mới chỉ cho phi đội MiG của mình nghỉ hưu từ cuối năm 2015 sau suốt 50 năm gắn bó.
Các bản tin truyền hình về thời gian hỗn loạn vừa qua ở Ukraine cho thấy những chiếc MiG trên đường băng của sân bay Belbek ở Crimea.
Tuy không còn cạnh tranh được với đối thủ Sukhoi kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cái tên MiG sẽ vẫn không biến mất.
Và tuy nguyên mẫu Article 1.44 của MiG chưa bao giờ được đưa vào hoạt động, nhưng máy bay chuyên phục vụ công tác huấn luyện có tên là AT có thể sẽ đưa tên tuổi của MiG đi xa hơn trong thế kỷ 21 này.
Chiến binh thời chiến tranh lạnh
Image Science Photo Library Ảnh: Science Photo Library
Những máy bay do hãng MiG của Rostislav Belyakov thiết kế đã trở thành biểu tượng của sức mạnh không quân Liên Xô.
Sản phẩm thời chiến
Image Sovphoto Getty Ảnh: Sovphoto/Getty Images
Thiết kế đầu tiên có Belyakov tham dự là chiếc MiG-3, chiến đấu cơ một người lái được đưa vào hoạt động khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941.
Chứng tỏ sức mạnh
Ảnh: USAF
Chiếc MiG-15 được thiết kế ngay sau chiến tranh Thế Giới thứ II, sử dụng công nghệ lấy được từ các thiết kế của Đức, đã khiến MiG trở nên nổi tiếng sau khi được đưa vào tham chiến tại Triều Tiên.
MiG-23 là thiết kế cánh cụp-cánh xòe duy nhất của MiG được đưa vào sử dụng. Có hơn 5.000 chiếc đã được sản xuất, hiện có một số vẫn đang hoạt động ở Bắc Triều Tiên và Angola.
Quái vật MiG
Image US Navy Ảnh: US Navy
Chiếc MiG-25 khổng lồ có thể bay nhanh gấp ba lần vận tốc âm thanh. Ban đầu nó được thiết kế để bắn hạ máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ, dù loại máy bay này của Mỹ chưa bao giờ được đưa vào hoạt động.
Từ Foxbat đến Foxhound
Image Science Photo Library Ảnh: Science Photo Library
Chiếc MiG-25 được thay thế bằng MiG-31, một trong những thiết kế cuối cùng của Belyakov. Loại phi cơ này hiện vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong Không lực Nga.
Xuất khẩu thành công
Image AFP Ảnh: AFP/Getty Images
Được thiết kế nhằm nghênh chiến các chiến đấu cơ phản lực của phương Tây như F-16, chiếc MiG-29 đã trở thành một trong những thiết kế thành công nhất của MiG, giúp hãng tiếp tục tồn tại trong thời kỳ Liên Xô tan vỡ.
Trình diễn
Ảnh: Getty Images
Chiếc MiG-29 của Belyakov là một lựa chọn ưa thích trong các buổi trình diễn hàng không. Với bộ khung chắc chắn nhưng linh hoạt, máy khoẻ, nó có khả năng thực hiện được các màn nhào lộn trên không ít có loại máy bay nào khác có thể làm được.
Chiến đấu cơ của tương lai?
Ảnh: BBC
Nguyên mẫu 1.44 của MiG là thiết kế nhằm ứng phó với các đối thủ như F-22 của Không lực Hoa Kỳ. Mẫu này đã thua một mẫu của Sukhoi và chưa bao giờ đi quá được giai đoạn thiết kế nguyên mẫu.
Di sản của Belyakov
Image copyright Science Photo Library Ảnh: Science Photo Library
Tuy các chiến đấu cơ MiG nay không còn được sản xuất với số lượng lớn nữa, nhưng hãng MiG vẫn rất bận rộn. Mẫu mới nhất, MiG-35 hiện đang được phát triển.
Stephen Dowling
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/05/160502_the-man-behind-the-migs_vert_fut
Bản tiếng Anh của bài này đã đăng trên BBC Future.
Lần đầu tiên Hàn Quốc và Iran họp thượng đỉnh
Tổng thống Iran, Hassan Rohani (P) tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Park Geun Hye tại Teheran,
ngày 02/05/2016.President.ir/Handout via REUTERS
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye hôm nay 02/05/2016 bắt đầu chuyến viếng thăm Iran bốn ngày. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, nguyên thủ Hàn Quốc chính thức thăm Teheran, và Seoul hy vọng chuyến công du này sẽ góp phần giúp cho nền kinh tế khởi sắc.
Chuyến công du này là đặc biệt vì nhiều lý do. Trước hết, vì đây là lần đầu tiên có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước, 54 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Dự định gặp gỡ đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước năm 1979 đã bất thành, vì rơi vào thời điểm tệ hại nhất. Đó là năm mà quốc vương Iran bị lật đổ, và tổng thống Park Chung Hee – cha của nữ tổng thống Hàn Quốc hiện nay – bị ám sát.
Hàn Quốc trông đợi nhiều vào cuộc gặp thượng đỉnh này, bằng chứng là có một đoàn doanh nhân đông đảo tháp tùng tổng thống. Có đến 240 lãnh đạo các doanh nghiệp như Samsung hay Huyndai có mặt tại Iran để cố gắng ký kết một loạt các hợp đồng, tiếp sức cho một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Trước sự cạnh tranh dữ dội từ khi thị trường Iran mở cửa, Seoul hy vọng Teheran sẽ nhớ đến sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, kể cả trong nhiều thập kỷ bị phương Tây trừng phạt. Bà Park Geun Hye còn mong muốn tăng cường trao đổi song phương, mà theo một số dự báo có thể lên đến 10 tỉ đô la.
Iran thông qua luật tăng cường hỏa tiễn đạn đạo
Còn tại Teheran, Quốc Hội sắp mãn nhiệm chủ yếu gồm phe bảo thủ đã thông qua luật mới cho phép tăng cường năng lực sản xuất hỏa tiễn đạn đạo của Iran. Đạo luật này được thông qua chỉ hai ngày sau thắng lợi của các đồng minh tổng thống Hassan Rohani có chủ trương ôn hòa, trong cuộc bầu cử Quốc Hội.
Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran bị Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức chỉ trích, và hồi tháng Giêng Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới sau khi Iran bắn thử hỏa tiễn. Sau đó Teheran tuyên bố ý định tăng cường năng lực hỏa tiễn đạn đạo nhằm răn đe, bị phương Tây cho là khiêu khích.
Mặc dù đã ký kết hiệp định nguyên tử, Iran vẫn không muốn nhượng bộ về chương trình hỏa tiễn đạn đạo và lên án phương Tây bán hàng tỉ đô la vũ khí cho các nước trong khu vực, nhất là Ả Rập Xê Út.
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-l-dau-tien-han-quoc-va-iran-hop-thuong-dinh
Hợp đồng tàu ngầm Úc: Do đâu Nhật bị Pháp phổng tay trên
Tầu ngầm Barracuda, do hãng DCNS Pháp thiết kế riêng cho Hải Quân Hoàng Gia Úc.DCNS/Handout via REUTERS
Thứ Hai 26/04/2016 vừa qua, thủ tướng Úc Malcolm Turbull đã công bố quyết định chọn Pháp làm nhà cung cấp tàu ngầm mới cho Hải Quân Úc. Đây là một thông báo hoàn toàn bất ngờ, vì cho đến nay Nhật Bản được cho là nước có nhiều triển vọng nhất trong việc giành được hợp đồng của Úc. Trong một bài điều tra công bố hôm 27/04, hãng tin Anh Reuters đã tiết lộ những nguyên do sâu xa đã khiến cho Nhật Bản bị Pháp phổng tay trên hợp đồng khổng lồ trị giá 40 tỷ đô la Mỹ đó. Bài viết mang tựa « Pháp đã đánh chìm giấc mơ tàu ngầm Úc trị giá 40 tỷ đô la của Nhật Bản như thế nào ? » (How France sank Japan’s $40 billion Australian submarine dream).
Đối với Reuters, vào năm 2014, quan hệ thân thiết nảy nở giữa thủ tướng Úc Tony Abbott và đối tác Nhật Bản Shinzo Abe đã khiến mọi người đoan chắc rằng hợp đồng tàu ngầm 40 tỷ đô la Mỹ của Canberra không thể nào vuột khỏi tay Tokyo. Tập đoàn đóng chiến hạm Pháp DCNS nhập cuộc muộn hơn, với một kế hoạch táo bạo nhưng đã bị cho là hầu như vô vọng.
Điểm bất ngờ là 18 tháng sau đó, Pháp đã qua mặt được Nhật Bản để giành lấy một trong những hợp đồng vũ khí béo bở nhất thế giới, với hệ quả là phá tan giấc mơ được nhanh chóng hồi sinh của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nhật Bản. Các cuộc phỏng vấn với hơn một chục quan chức chính phủ và giới chức lãnh đạo ngành công nghiệp tại Nhật, Pháp, Úc và Đức đã nêu bật một loạt sai lầm từ phía Tokyo đã khiến cho hợp đồng tàu ngầm Úc này bị vuột khỏi tay.
Theo Reuters, sai lầm đầu tiên của Nhật Bản là không nhận thức rõ là bối cảnh chính trị đã thay đổi ở Úc sau khi thủ tướng Abbott phải rời bỏ chức vụ. Sai lầm thứ hai là các tập đoàn Nhật Bản từ Mitsubishi Heavy Industries (MHI) cho đến Kawasaki Heavy Industries (KHI), đều không cam kết rõ ràng ngay từ đầu là sẽ cung cấp công ăn việc làm với tay nghề đóng tàu cao tại Úc. Sai lầm thứ ba là Tokyo quá khinh địch, không thấy kịp thời là các đề nghị của mình đã bị Đức, và nhất là Pháp, vượt qua.
Về phần Pháp thì đã biết huy động guồng máy công nghiệp-quân sự rộng lớn và dạn dày kinh nghiệm của mình, và thuê Sean Costello, một chuyên gia Úc có uy thế trong ngành công nghiệp tàu ngầm để chỉ đạo công cuộc đấu thầu, giúp Paris chiến thắng bất ngờ.
Chính trường Úc biến động, Nhật mất thế thượng phong, Pháp khéo léo nhập cuộc
Đến cuối năm 2014, Nhật Bản vẫn còn thoải mái trong thế thượng phong nhờ vào mối quan hệ giữa hai ông Abe và Abbott, bắt đầu ngay sau khi ông Abbott lên làm thủ tướng Úc sau cuộc bầu cử năm 2013, một quan hệ được củng cố một cách nhanh chóng. Nhật Bản và Úc – đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ – đã muốn thắt chặt quan hệ an ninh nhằm đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và trên thế giới.
Tuy nhiên, Pháp đã tranh thủ một cơ hội để nhập cuộc. Vào tháng 11 năm 2014, Giám đốc điều hành tập đoàn DCNS Herve Guillou đã tháp tùng bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhân chuyến công du nước Úc. Ông Le Drian đến thành phố Albany ở phía tây nam xa xôi của Úc để dự lễ kỷ niệm 100 năm chuyến viễn chinh đầu tiên của lính Úc qua chiến đấu trên mặt trận miền Tây nước Pháp trong Đệ Nhất Thế Chiến.
Theo một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc Phòng Pháp, cùng với một số quan chức xin giấu tên, thì lịch sử chung sâu đậm kể trên đã mở cửa cho các cuộc thảo luận về hợp đồng tàu ngầm : « Bộ trưởng Pháp muốn có mặt nhân sự kiện quan trọng đó… Ông đã nói chuyện với đồng nhiệm Úc David Johnston và với … ông Abbott ».
Ít lâu sau, tình hình bất ổn chính trị tại Úc đã làm xói mòn lợi thế mà Nhật Bản có được với chính quyền cũ. Vào tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Johnston, đã bị buộc phải từ chức sau khi chê bai các kỹ năng của công ty đóng tàu Úc. Các nhà lập pháp miền Nam Úc vì lo lắng trước việc ông Abbott lặng lẽ đồng ý để Nhật Bản cung cấp tàu ngầm mới, đã đòi chính quyền phải chọn phương án đóng tàu ngay trong nước. Họ gây áp lực lên thủ tướng, buộc ông phải gọi thầu quốc tế, mở đường cho DCNS của Pháp và Marine Systems ThyssenKrupp của Đức nhanh chóng nhập cuộc.
Theo tiết lộ của hai người biết chuyện, vào tháng Hai năm 2015, thủ tướng Abbott đã gọi cho « người bạn tốt nhất ở châu Á » của mình, như cách ông gọi ông Abe, và cho biết về quyết định gọi thầu. Ông Abe đã tỏ ý thông cảm và cho biết ông sẽ cố làm theo. Tuy nhiên, theo Reuters, vì tin chắc rằng hợp đồng vẫn ở trong túi mình, nhóm đấu thầu của Nhật Bản vẫn khinh địch.
Tokyo quá khinh địch, lại không quan tâm đến công luận Úc
Một quan chức chính phủ Nhật Bản từng tham gia cuộc đấu thầu cho biết : « Mặc dù chúng tôi đã lao vào cuộc cạnh tranh, chúng tôi vẫn hành động như không có gì thay đổi… Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiến thắng, vì vậy cần gì phải làm cho sự việc bị khuấy động ? ».
Nhiều nguồn tin từ phái đoàn đấu thầu Nhật Bản xác nhận rằng phía Nhật đã không thèm đến dự một hội nghị về dự án tàu ngầm tương lai của Úc vào tháng Ba 2015 vì không hiểu được tầm quan trọng của nhu cầu vận động, qua đó để cho hai đối thủ Đức và Pháp mặc sức tung hoành. Nỗ lực muộn màng của Nhật Bản để tiếp cận các nhà cung cấp địa phương tiềm năng tại một sự kiện tiếp theo vào tháng 8 năm 2015 lại diễn tiến không tốt.
Các công ty Úc đã than phiền là Tokyo không sẵn sàng thảo luận về các hợp đồng thực chất. Vốn chuyên bán hàng cho quân đội Nhật vì một lệnh cấm xuất khẩu mà ông Abe đã dỡ bỏ vào năm 2014, không công ty Nhật Bản nào có đối tác trong giới công nghiệp quân sự Úc.
Ngoài ra, trái với Pháp và Đức, đã nhanh chóng cam kết cho chế tạo tàu ngầm tại Úc, Nhật Bản thoạt đầu chỉ cho biết là sẽ thực hiện đúng theo các quy định đấu thầu, trong đó yêu cầu đóng tàu tại Úc chỉ là một trong ba khả năng.
Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng Úc nhận định : « Nhật đã nhập cuộc với một lời mời miệng, nhưng lại phải cố gắng cạnh tranh trong một cuộc thi quốc tế trong lúc hoàn toàn không có kinh nghiệm về việc này ». Đến tháng 9 năm 2015, đồng minh quan trọng của Nhật Bản là thủ tướng Abbott bị ông Malcolm Turnbull lật đổ, và cuộc đấu thầu được thực sự mở rộng cho cạnh tranh.
Nhật bỏ lỡ cơ may tuyển mộ nhân tài cho việc đấu thầu
Theo các quan chức ngành công nghiệp, tất cả các đề nghị đều có nhược điểm, do đó phải tính thêm một số yếu tố khác trong đó có vấn đề kinh nghiệm và quan hệ. Trong lãnh vực này, vào tháng Tư năm 2015, tập đoàn Pháp DCNS đã có quyết định tối quan trọng : Thuê ông Costello, người mà trước đó vài tháng đã bị mất chức chánh văn phòng bộ Quốc Phòng Úc sau vụ bộ trưởng Johnston phải từ chức.
Nguyên là một sĩ quan trong binh chủng tàu ngầm Úc, đồng thời là tổng quản lý phụ trách chiến lược tại tập đoàn nhà nước Úc về tàu ngầm ASC, ông Costello là nhân vật lý tưởng để hướng dẫn việc đấu thầu của Pháp. Theo một nguồn tin biết rõ ông Costello, nếu được Nhật Bản mời trước, ông Costello rất có thể là sẽ nhận lời. Thế nhưng phía Nhật « đã không hề nhấc điện thoại lên ». Ông Costello đã từ chối trả lời công khai về vụ đấu thầu.
Nhóm làm việc do ông Costello thiết lập đã vạch ra hơn một chục nhiệm vụ mà tập đoàn Pháp cần phải hoàn thành để giành hợp đồng, trong đó có công việc tối quan trọng là tranh thủ các tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và Raytheon, một trong hai hãng sẽ chế tạo hệ thống vũ khí cho các tàu ngầm Úc. Và trong một đòn thúc đẩy cuối cùng được phối hợp kỹ lưỡng, một phái đoàn lớn của chính phủ và giới lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đã đến thăm Úc cách nay một tháng để quảng bá cho những lợi ích kinh tế đến từ việc trao hợp đồng tầu ngầm cho Pháp.
Phản ứng muộn màng
Theo Reuters, cuối cùng thì Nhật Bản đã thấy là cần nỗ lực hành động. Tokyo đã đẩy mạnh chiến dịch vào tháng 9 năm 2015. Quan chức quốc phòng cấp cao Masaki Ishikawa đã nhập cuộc để kết nối những gì cho đến lúc đó chỉ là những đề nghị rời rạc, từ các bộ khác nhau cũng như từ đại sứ Nhật Bản tại thủ đô Canberra và từ tập đoàn Mitsubishi.
Nhật Bản đã bắt đầu nói về cơ hội đầu tư và phát triển vượt ra ngoài phạm vi quốc phòng, bao gồm cả khả năng mở một nhà máy pin lithium-ion tại Úc, trong khi Mitsubishi khai trương một đơn vị tại Úc. Trong một nỗ lực giờ chót để chiêu dụ Úc, Nhật Bản đã gửi một tàu ngầm Soryu của mình đến Sydney trong tháng Tư. Thế nhưng, khí chiếc tàu Nhật rời cảng Úc để trở về nước, ông Turnbull loan báo là hợp đồng đã được trao cho DCNS.
Đối với Tokyo, trước mắt Nhật Bản khó có cơ may tham gia một cuộc đấu thầu quốc phòng quốc tế quan trọng khác có thể giúp Nhật Bản phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí mà ông Abe mong muốn. Một phương án nhiều khả năng hiện thực hơn sẽ là các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài để giúp các công ty Nhật Bản nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự thế giới. Theo một nguồn tin ở Tokyo, thậm chí Nhật Bản có thể tham gia chế tạo các thành phần cho tàu ngầm Pháp sẽ được cung cấp cho nước Úc.
Về phần mình, một số quan chức Nhật Bản khác vẫn muốn Úc giải thích lý do tại sao họ bị mất hợp đồng để họ có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm đau đớn và ê chề như vậy.
Trọng Nghĩa
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-tau-ngam-uc-do-dau-nhat-bi-phap-phong-tay-tren-hop-dong-40-ty-do
Indonesia muốn giới hạn việc trồng cây dầu cọ
Quả cọ được thu hoạch tại một đồn điền Peat Jaya, tỉnh Jambi, trên đảo Sumatra của Indonesian ngày 15/09/2015.REUTERS
Theo hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 02/05/2016, chính phủ Indonesia dự kiến cấm việc lập đồn điền mới trồng cây dầu cọ, sau nạn cháy rừng nghiêm trọng năm ngoái, mà việc khai thác dầu cọ bị cho là nguyên nhân. Nếu giới sản xuất dầu cọ e ngại hậu quả kinh tế, thì giới môi trường hoài nghi hiệu quả.
Ngay từ tháng Tư, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra đề nghị chấm dứt việc cung cấp đất để trồng dầu cọ ở quốc gia sản xuất dầu cọ đứng đầu thế giới này. Theo ông Widodo, những đồn diền hiện hữu đã đủ rồi, và ông kêu gọi giới sản xuất chọn hạt giống tốt để tăng năng suất.
Các đồn điền trồng loại cây dầu này đã gia tăng nhiều trong những năm qua ở Sumatra và ở phần lãnh thổ Indonesia trên đảo Borneo, hầu đáp ứng nhu cầu ngày gia tăng của loại dầu này dùng trong thực phẩm và cả mỹ phẩm. Dĩ nhiên lợi nhuận mà dầu này mang về rất to lớn cho cả các nhà sản xuất và chính phủ nhờ nguồn thu thuế. Nhưng hiểm họa do việc mở rộng đồn điền khai thác cũng không nhỏ, với nạn phá rừng đe dọa nhiều loài động vật và nhất là gây cháy rừng làm khói mù lan tỏa ra cả khu vực.
Việc đình chỉ cấp đất trồng dầu cọ là nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm nạn cháy rừng quy mô rất nghiêm trọng xẩy ra hàng năm. Nhưng quyết định này của chính phủ Indonesia có vẻ không mang tính thuyết phục. Hiệp hội dầu cọ Indonesia cảnh báo là biện pháp này có thể đe dọa một ‘trụ cột’ của nền kinh tế Indonesia, một ngành công nghiệp sử dụng 24 triệu nhân công, một lãnh vực chiến lược đã đóng góp 19 tỷ đô la cho ngành xuất khẩu Indonesia vào năm 2015, đóng góp cho tăng trưởng của quốc gia này ở những vùng hẻo lánh.
Giới bảo vệ môi trường thì tỏ vẻ hoài nghi về hiệu quả của biện pháp trên, không thể hạn chế nạn cháy rừng. Theo tổ chức Greenpeace, biện pháp này chỉ có hiệu quả nếu chính phủ đưa ra những quy định cụ thể, nghiêm khắc. Hiện giờ theo AFP, chi tiết về biện pháp vẫn đang được thảo luận, và cũng chưa có thời hạn áp dụng.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-indonesia-muon-gioi-han-viec-trong-cay-dau-co
Năm năm sau khi tiêu diệt Ben Laden, Mỹ nhắm đến thủ lãnh IS
Ảnh Ben Laden tại một điểm bán báo ở Karachi (Pakistan). Ảnh tư liệu chụp ngày 09/05/2011.REUTERS/Athar Hussain
Cách đây đúng 5 năm, Hoa Kỳ đã tiêu diệt được trùm khủng bố Oussama Ben Laden, ngày 01/05/2011. Chiến thắng vang dội này trước Al Qaida hiện nay đang bị che khuất bởi cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS), và CIA đánh giá nếu trừ khử được Al Bagdadi, thủ lãnh IS, điều này sẽ gây « tác động » quan trọng lên tổ chức thánh chiến.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio gởi về bài tường trình :
« Người Mỹ đã tiêu diệt Oussama Ben Laden… ». Vậy là đã 5 năm từ khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ kết thúc cuộc truy lùng trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Chiến dịch bí mật ở Pakistan đã thành công, cho dù tổng thống Barack Obama khi kể lại trên kênh truyền hình CNN đã nói rằng, thắng lợi của cuộc đột kích này trên lãnh thổ nước ngoài thật ra khá bấp bênh.
Ông Obama nói : « Đó là cơ hội lớn nhất để tấn công Ben Laden. Chúng tôi biết rằng hậu quả sẽ bất lợi với Pakistan. Và nếu đó không phải là Ben Laden, cái giá phải trả còn lớn hơn cả lợi ích, chúng ta sẽ bị mất mặt trước thế giới ».
Hoa Kỳ chẳng có mấy thời gian để thưởng thức chiến thắng trước Al Qaida, và không ai có thể dự đoán được là một kẻ thù mới của thế giới sẽ trỗi dậy : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Al Qaida yếu đi, nhưng cuộc chiến chống khủng bố còn lâu mới chấm dứt được.
Nay thì Mỹ đang phải truy lùng các thủ lãnh của IS, và người đứng đầu là Al Bagdadi. Bốn ngàn cố vấn quân sự ở Irak, và lực lượng đặc biệt ở Syria đã tăng từ 50 lên 300 người. Theo Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, đó là các cố vấn có nhiệm vụ giúp chặn bước tiến của quân địch. Giám đốc CIA John Brennan nhìn nhận rằng cuộc chiến không tuyên bố này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.
Thụy My
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160502-nam-nam-sau-khi-tieu-diet-ben-laden-my-nham-den-thu-lanh
Nhập cư : Đức yêu cầu Châu Âu kéo dài việc kiểm tra biên giới
Bộ trưởng Nội Vụ Đức Thomas de Maiziere cùng với thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh chụp tại Berlin (Đức) ngày 15/09/2015.REUTERS/Hannibal Hanschke
Đức và một số quốc gia láng giềng đã gởi thư vào hôm nay, 02/05/2016 đến Ủy Ban Châu Âu yêu cầu cho kéo dài việc kiểm tra ở biên giới thêm 6 tháng nữa. Các nước này lo ngại một làn sóng nhập cư mới.
Phát ngôn viên của bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho biết là bức thư được gởi yêu cầu kéo dài việc kiểm tra ở biên giới Áo-Đức, đã được tái lập vào năm ngoái.
Tuy tình hình di dân nhập cư có phần lắng dịu, nhưng phía Đức lo ngại một làn sóng di dân ồ ạt có thể diễn ra mùa hè này : thuyền nhân xuất phát từ Libya sẽ đổ vào Ý và từ đấy đi ngược lên phía bắc đến vùng biên giới Áo và vào Đức.
Năm ngoái 1,1 triệu người đã đến nước Đức, và Berlin muốn giảm đi lượng người vào Đức trong năm 2016 này.
Trên nguyên tắc việc kiểm tra ở biên giới các nước Châu Âu hết hạn vào ngày 12/05 này, nhưng Đức muốn kéo dài thêm 6 tháng nữa, tức cho đến tháng 11/2016.
Một viên chức Đức cho biết là yêu cầu kéo dài việc kiểm tra ở biên giới không chỉ liên quan đến Đức, mà đây còn là yêu cầu chung của một số láng giềng : Áo, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp.
Theo một nguồn tin từ Bruxelles, Ủy ban Châu Âu sẽ chấp thuận yêu cầu này.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160502-nhap-cu-duc-yeu-cau-chau-au-cho-keo-dai-viec-kiem-tra-bien-gioi
Trung Quốc lập đội dân quân trên biển
Đoàn tàu cá Trung Quốc tại một cảng phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 18/06/2014.Reuters
Đoàn tàu đánh cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam được tổ chức thành đội ngũ, học tập quân sự, trang bị vũ khí, được cấp xăng và nước đá miễn phí để vừa đánh bắt hải sản vừa « bảo vệ chủ quyền » ở Biển Đông. Tin này do chính quyền Hải Nam xác nhận với Reuters.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thì « không báo giờ có chuyện Trung Quốc huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo ».
Trên thực tế, theo Reuters, hàng chục ngàn tàu cá được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
Ngư dân Trung Quốc được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội Trung Quốc đã « đủ mạnh » để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự .
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và « bảo vệ chủ quyền tổ quốc » chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
Tàu cá của công ty của ông Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các giàn tên lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Ông này cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.
Một cố vấn chính quyền Hải Nam giải thích là lực lượng dân quân trên biển đang phát triển mạnh, vì « ngư dân có quyết tâm bảo vệ lãnh hải và quyền lợi quốc gia ».
Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của Trung Quốc có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế . Cho đến nay chỉ có chiến hạm mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
Vấn đề là một khi dân quân Trung Quốc với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của Trung Quốc, thì tương lai ngư dân các nước láng giềng ra sao ? Các nước liên can có đối sách bảo vệ ngư dân hay thụ động?
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-trung-quoc-lap-doi-dan-quan-tren-bien
Seoul cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Hàn Quốc
Ông Seo Jae-pyoung, tổng thư ký hiệp hội những người Bắc Triều Tiên đào thoát.
Ảnh chụp tại Seoul ngày 22/04/2016.REUTERS/Kim Hong-Ji
Seoul hôm nay, 02/05/2016, cho biết là đã chuyển lời cảnh báo đến các đại sứ quán Hàn Quốc ở nước ngoài về nguy cơ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Hàn Quốc để trả đũa việc người Bắc Triều Tiên đào thoát.
Một nhóm 12 người Bắc Triều Tiên làm việc trong một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc cùng với người quản lý đã bỏ trốn, chạy sang Hàn Quốc vào đầu tháng Tư. Seoul giải thích là nhóm người này tự động chạy trốn, trong lúc Bình Nhưỡng cho là họ đã bị tình báo Hàn Quốc lường gạt và « bắt cóc ».
Theo bộ Thống Nhất ở Seoul, những cơ quan đại diện Hàn Quốc ở nước ngoài được chỉ thị đề cao cảnh giác. Phát ngôn viên của bộ này, Jeong Joon-Hee, cho biết Seoul đã dự kiến nhiều giả thuyết trả đũa của Bình Nhưỡng, kể cả việc bắt cóc người hay khủng bố.
Theo báo Hanbook Ilbo số ra hôm nay, Bắc Triều Tiên dự kiến bắt cóc người Hàn Quốc để làm vật trao đổi với nhóm người đào thoát nói trên. Tờ báo trich một nguồn tin chính thức theo đó Bình Nhưỡng dự tính bắt cóc 120 người, chính khách, quân nhân, người làm việc ở ngoại quốc.
Theo AFP, tính ra đã có khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên chạy được sang Hàn Quốc. Nhưng những vụ cả một nhóm người đào thoát như vừa xẩy ra rất hiếm, nhất là những người làm việc trong các nhà hàng Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, vì họ được chọn lựa rất kỹ càng.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-seoul-canh-bao-nguy-co-binh-nhuong-bat-coc-cong-dan-han-quoc
Mỹ và Ấn Độ bàn việc chống chiến tranh tàu ngầm vì lo ngại Trung Quốc
Tầu ngầm lớp Song, do Trung Quốc tự đóng.Wikimedia
Ấn Độ và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc giúp đỡ lẫn nhau truy lùng các tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Reuters hôm nay 02/05/2016 dẫn lời các viên chức quân sự cho biết như trên. Việc hợp tác này có thể giúp siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn trước tình hình Trung Quốc tăng cường các hoạt động dưới đáy biển.
Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đang hết sức quan ngại trước tầm vóc và tham vọng của Hải quân Trung Quốc, hiện đang ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông đồng thời thách thức vị thế hiện nay của New Delhi ở Ấn Độ Dương. Sau nhiều thập kỷ do dự không muốn ngả về phía Mỹ, rốt cuộc tháng trước Ấn Độ đã chấp nhận mở cửa các căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, để được chuyển giao công nghệ vũ khí nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc.
Hai bên cũng cho biết Hải quân Mỹ-Ấn sẽ bàn thảo về việc chống chiến tranh tàu ngầm (ASW), một lãnh vực kỹ thuật quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau. Các viên chức Hải quân Ấn Độ nói rằng tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trung bình bốn lần mỗi ba tháng. Một số được trông thấy gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, nối với eo biển Malacca, ngõ vào Biển Đông mà hiện trên 80% số nhiên liệu cung ứng cho Trung Quốc phải đi qua.
Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tiến hành tập trận hải quân chung, đều sử dụng kiểu phi cơ P-8 mới, nên có thể chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin siêu nhạy cảm về các hoạt động của tàu ngầm. P-8 là vũ khí săn tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị các bộ cảm biến có thể truy tìm và nhận diện tàu ngầm bằng sóng siêu âm và các phương tiện khác.
Ấn Độ tham gia tập trận ở Biển Đông
Trang mạng MarineLink.com hôm nay, 02/05/2016 loan tin là Ấn Độ sẽ cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản tham gia tập trận chung trên biển ở khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai nơi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Đây là cuộc tập trận đa phương diễn ra tại Singapore và Brunei, kéo dài từ ngày 02/05 đến 12/05/2016, trong khuôn khổ cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), để thao dượt bảo đảm an ninh hàng hải và chống khủng bố. Tham gia cuộc tập trận này, ngoài ba nước nói trên còn có các nước ASEAN, Nga, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngày 28/04/2016, Trung Quốc loan báo sẽ gởi một chiến hạm và lực lượng đặc nhiệm đến tham gia cuộc tập trận đa phương này. Trong số những nước tham gia, có những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, như Việt Nam và Philippines. Đây là lần đầu tiên hải quân Việt Nam gởi một chiến hạm tham gia một cuộc tập trận quốc tế.
Thụy My, Thanh Phương
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-tq-hk-ad-tau-ngam-qt-qs
Thủ tướng Pháp đến Úc cam kết thực thi nghiêm túc hợp đồng tàu ngầm
Hai thủ tướng Pháp Manuel Valls ( trái ) et và úc Malcolm Turnbull
ngày 02/05/2016 tại Canberra.AAP/Sam Mooy/via REUTERS
Thủ tướng Manuel Valls đã đột xuất ghé Úc vào hôm nay 02/05/2016, đúng một tuần sau khi Canberra loan báo việc chọn tập đoàn Pháp DCNS làm nhà cung cấp 12 chiếc tàu ngầm cho Hải Quân Úc. Trong một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Úc Malcom Turnbull, ông Valls cam kết sẽ đích thân theo dõi hồ sơ và nhất là trấn an rằng toàn bộ các tầu ngầm sẽ được đóng tại Úc.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas tại Canberra cho biết chi tiết :
Manuel Valls và Malcolm Turnbull xuất hiện bên nhau tươi cười với vẻ rất đồng tình ở Nghị Viện Camberra. Họ hoan nghênh việc đúc kết hợp đồng to lớn mà thủ tướng Pháp cho là « hai bên cùng có lợi ».
Ông nói : « Đây là một sự chọn lựa đầy vinh dự cho nước Pháp, tôn vinh kinh nghiệm, công nghệ và năng lực công nghiệp Pháp. Sự chọn lựa đó cũng buộc nước Pháp phải xứng đáng với sự tin tưởng của nước Úc ».
Ông Valls còn nói thêm : « Đây là một quan hệ đối tác về công nghiệp, kinh tế, nhưng cũng là đối tác lâu dài về các vấn đề an ninh và quốc phòng ».
Nếu không có chặng ngừng không chính thức tại Úc, được quyết định và tổ chức vào giờ chót, thì quả là chuyến đi của thủ tướng Pháp trong khu vực Thái Bình Dương sẽ không mỹ mãn.
Cho dù thủ tướng Valls chỉ ghé Úc có vài tiếng đồng hồ, việc ông gặp đồng nhiệm Úc cho phép chính thức hóa hơn nữa hợp đồng được cho là lịch sử, nhưng còn phải được cụ thể hóa.
Thủ tướng Pháp giải thích là trong những tháng tới đây « phải cụ thể hóa tất cả những cam kết, dĩ nhiên là những cam kết trên mặt công nghệ, với việc tạo công ăn việc làm ở Úc và chuyển giao công nghệ”. Theo ông, Pháp « sẽ tôn trọng các cam kết về lịch trình, về tài chính, về hiệu năng của những chiếc tàu ngầm tương lai ».
Chuyến ghé Úc thủ tướng Pháp trước hết mang tính biểu tượng, ông muốn cho thấy hình ảnh một chính phủ Pháp hoạt động thành công và nhất là hình ảnh một lãnh đạo chính phủ biết dấn thân, và cũng có mặt trong thành công về thương mại này.
Chặng ghé Úc là một ngụm dưỡng khí đối với ông Valls trước khi trở về Paris, nơi những hồ sơ gai góc đang chờ đợi ông : Bạo động bên lề các cuộc tuần hành ngày mùng Một tháng Năm, tranh cãi về luật lao động ở Quốc Hội ngày thứ Ba này.
Thủ tướng Pháp ghé Úc nhưng vẫn tôn trọng lịch trình trở về Pháp đúng ngày, ông không thể xa Paris quá lâu.
Trọng Nghĩa
Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160502-thu-tuong-phap-den-uc-cam-ket-thuc-thi-nghiem-tuc-hop-dong-tau-ngam
Biển Đông: Bắc Kinh tăng áp lực trước ngày toà án quốc tế phán quyết
Quan chức ASEAN và thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhân hội nghị ASEAN-Trung Quốc về thực thi DOC tại Singapore ngày 27/04/2016.REUTERS/Edgar Su
Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông qua đường 9 đoạn. Dự đoán sẽ bị bất lợi, Bắc Kinh cố gắng chiêu dụ một số nước ủng hộ lập trường của mình và gây chia rẽ nội bộ ASEAN. Tuy đạt được một số kết quả, nhưng Trung Quốc sẽ không tránh được thế « gậy ông đập lưng ông ».
Bắc Kinh cảm thấy bất an vì một loạt các động thái ở Tây phương, theo South China Morning Post. Các đại cường tây phương như Mỹ, châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh hãy tuân thủ phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực.
Một chiến dịch vận động công luận lên án Bắc Kinh đang diễn ra rất mạnh tại Hoa Kỳ. Washington chuyển quân thường xuyên hơn, trấn đóng năm căn cứ mới tại Philippines và tuần tra chung tại Biển Đông. Nỗ lực dài hơi của Nhật đã huy động G7 lên án hành động vũ lực độc đoán ở Biển Đông và Hoa Đông.
Có lẽ Trung Quốc e sợ áp lực liên hoàn này « lùa » họ vào thế cờ phải « thượng tôn pháp luật », điểm yếu của chế độ độc đảng, do vậy Bắc Kinh phải đối phó bằng cách tấn công trước bằng vận động ngoại giao .
Theo Japan Times, trong hai tuần vừa qua, Bắc Kinh đã thu được một số thành quả trong chiến thuật lôi kéo một số quốc gia ủng hộ lập trường chống « quốc tế hóa » hồ sơ Biển Đông. Ấn Độ, Nga, Pakistan, Belarus, hai nước Lào và Brunei, tuy là thành viên của ASEAN, đã nghiêng theo Trung Quốc.
Nỗ lực chiêu dụ của Bắc Kinh được khởi động từ tháng Tư, nhân một cuộc họp tay ba cấp ngoại trưởng của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Lần đầu tiên một bản thông cáo chung về Biển Đông được công bố, nhưng với nội dung hoàn toàn là một bản sao của lập trường Trung Quốc: giải quyết xung khắc bằng đàm phán song phương giữa hai bên có liên can.
Vài ngày sau, bộ ngoại giao Trung Quốc ra thêm một bản thông cáo cho là ba nước Đông Nam Á là Cam Bốt, Lào và Brunei đồng thuận với Trung Quốc. Ngay lập tức, Phnom Penh, mặc dù có tiếng « thân » Bắc Kinh, đã vội vã cải chính. Phát ngôn viên chính phủ Hun Sen tuyên bố hoàn toàn « không thảo luận, không thỏa hiệp » với Vương Nghị, khi ngoại trưởng Trung Quốc đến vận động. Brunei, đến hôm nay cũng không lên tiếng là có ủng hộ hay không.
Cũng trong chiến thuật hóa giải mọi chống trả trong khu vực, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà từ nay kiêm nhiệm tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc, hôm thứ năm 28/04, đề nghị thăm dò « cách tiếp cận mới về an ninh khu vực », để thay thế điều mà ông gọi là « tư duy lỗi thời » dựa trên một liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Và sau khi đã xây dựng một loạt đảo nhân tạo lấn chiếm của Việt Nam và Philippines để làm tiền đồn, trong bản tin của Tân Hoa Xã cùng ngày 28/04, Bắc Kinh đưa ra « sáng kiến hợp tác quốc tế » đặt trên nền tảng « đối tác giữa Trung Quốc, ASEAN và Đông Á ».
« Mưu sự tại nhân… »
Theo nhận định của chuyên gia an ninh Châu Á Thái Bình dương Jonathan Bershire Miller, thâm ý của Bắc Kinh là dùng quyền lợi làm mồi nhử để phân hóa và làm rạn nứt ASEAN, bỏ rơi Philippines. Lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng có thể làm phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực mất tính chính danh, khi có nhiều thành viên của ASEAN và cường quốc như Nga, Ấn, Pakistan … không ủng hộ.
Nhưng theo chuyên gia Jonathan Bershire Miller, mưu kế của Bắc Kinh sẽ khó thành, vì Trung Quốc chỉ lôi kéo được « khách hàng hay chế độ thân thiện ». Tiếng nói ủng hộ lập trường của Bắc Kinh do vậy mất hết trọng lượng.
Mặt khác thâm ý gây chia rẽ của Trung Quốc đã bị ASEAN tố giác. Giới ngoại giao Singapore đặt câu hỏi như tát vào mặt « phải chăng Trung Quốc muốn can thiệp vào nội bộ ASEAN ? »
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, trong một cuộc họp về việc thực thi Tuyên Bố Ứng Xử tại Biển Đông DOC tại Singapore ngày 27/04 phải nói là đã « bị sốc » vì lời tố cáo này.
Tú Anh
Indonesia kêu gọi Malaysia và Philippines cùng tuần tra trên biển
Một chiếc tàu Malaysia bị cướp biển bỏ rơi gần bãi Tubbatahha thuộc vùng biển Sulu. Ảnh do lực lượng tuần duyên Philippines công bố ngày 29/04/2012.AFP
Vào ngày 05/05/2016 tới đây, ngoại trưởng và lãnh đạo quân đội ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ họp lại tại Jakarta để thảo luận vấn đề tăng cường an ninh hàng hải. Một trong những biện pháp đề nghị là khả năng tuần tra hỗn hợp giữa ba nước.
Cuộc họp được triệu tập theo sáng kiến của Indonesia, đang đặc biệt lo ngại sau vụ 14 thủy thủ Indonesia bị bắt cóc ở vùng biển Philippines hồi tháng 3.
Theo các nguồn tin báo chí, nhân hội nghị này, đại diện ba nước sẽ đề cập đến khả năng tổ chức những cuộc tuần tra hỗn hợp, một kế hoạch từng được nêu lên trong quá khứ, nhưng đã bị tạm gác qua một bên do các tranh chấp chủ quyền chồng chéo trong khu vực.
Vấn đề là trong thời gian gần đây, cướp biển đã lộng hành trở lại, và từ khi lên cầm quyền vào năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa vấn đề an ninh hàng hải lên hàng ưu tiên.
Theo bộ trưởng Indonesia phụ trách an ninh Luhut Panjaitan, vùng biển giữa Indonesia và Philippines đang càng ngày càng mất an ninh, do đó các nước trong khu vực không thể để nơi này biến thành một « Somalia mới ».
Từ giữa thập niên 1960 đến nay, đây là một trong những nơi có nhiều hải tặc hoạt động. Bên cạnh đó, từ khi các thành phần Hồi Giáo cực đoan ở Mindanao, miền Nam Philippines, nổi dậy chống chính phủ, khu vực đã trở thành ổ bạo loạn Hồi Giáo.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160502-indonesia-keu-goi-malaysia-va-philippines-cung-tuan-tra-tren-bien