Tin khắp nơi – 31/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ nói Trung Quốc tập oanh kích đảo Guam

Máy bay ném bom của Trung Quốc bay gần Guam và diễn tập ném bom nhắm vào lãnh thổ này của Mỹ là một trong những hành động khiển các lực lượng quân sự của Mỹ tại đây xem Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm năng đáng lo ngại nhất ở Thái Bình Dương, trong lúc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh những hoạt động công khai bồi đắp biển đảo, xây dựng cơ sở quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc còn ra sức phát triển phi đội chiến đấu cơ có khả năng hoạt động hàng ngày trong chiến dịch khiêu khích trong không phận Biển Hoa Đông và Biển Đông và xa hơn nữa, các giới chức quân sự Mỹ trong khu vực cho biết. Ngoài ra Trung Quốc còn có những hoạt động không mang tính quân sự khác trong khu vực được xem là những nỗ lực khiến cho Mỹ khó hoạt động hơn tại đó và để bảo vệ cho các đông minh trong tương lai.

Các giới chức mô tả hoạt động leo thang của Trung Quốc trong thông báo gởi cho các phóng viên báo chí tháp tùng Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân, Đại tướng Joseph Dunford.

Các giới chức nói rằng mặc dầu mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên đang ngày càng tăng với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, một cuộc xung đột với Bắc Hàn vẫn được xem là “một cuộc chiến mà chúng tôi có thể thắng.” Còn với Trung Quốc, các giới chức nói họ “lo ngại về cách thức mà mọi việc đang diễn tiến.”

“Trung Quốc là một thách thức lớn dài lâu trong khu vực,” Đại tướng Dunford nói. “Nhìn vào những khả năng và Trung Quốc đang phát triển, chúng tôi phải đảm bảo duy trì khả năng để đáp ứng các cam kết với các đồng minh của chúng tôi ở Thái Bình Dương.”

Trong một năm qua, Nhật Bản đã thực hiện 90 phi tuần để nghênh cản chiến đấu cơ Trung Quốc thách thức Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Năm 2013, Bắc Kinh tuyên bố vùng ADIZ của Trung Quốc có ranh giới chồng lấn sang vùng ADIZ của Nhật Bản và bao gồm cả đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. Các giới chức quân sự cho biết, kế từ đó tần số đối đầu giữa máy bay của Nhật và Trung Quốc tăng lên, dẫn đến việc Tokyo quyết định tái triển khai hai phi đội chiến đấu cơ sang căn cứ không quân Naha ở Okinawa để có thể nhanh chóng nghênh cản các máy bay của Trung Quốc bay vào khu vực. Các giới chức nói: “Hiện nay hầu như mỗi ngày chiến đấu cơ Flanker vũ trang của Trung Quốc và máy bay của Nhật Bản bay rất gần nhau” trong khu vực .

Số vụ máy bay Mỹ và Trung Quốc đòi đầu nhau cũng tăng lên. Trang tin quốc phòng Defense News trích lời các giới chức quân sự nói máy bay ném bom K-6K “Badger” của Trung Quốc đang thăm dò các khu vực phòng thủ của Mỹ quanh đảo Guam.

Defense News nói máy bay Badger của Trung Quốc bay thường xuyên hơn vào không phận thuộc lãnh thổ của Mỹ. Các giới chức nói: “Máy bay Trung Quốc thực tập tấn công đảo Guam. Máy bay ném bom của họ còn bay quanh Hawaii.

Mặc dù các giới chức nhấn mạnh rằng không có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc, các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực vẫn tự hỏi một cuộc chiến ở Thái Bình Dương sẽ như thế nào nếu nó xảy ra.

(Theo Defense News, CNBC)

https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-trung-quoc-tap-oanh-kich-dao-guam/4093826.html

 

Thái Lan hủy bốn hộ chiếu Thái của cựu thủ tướng Yingluck

Chính phủ quân đội Thái Lan vừa quyết định hủy hết các hộ chiếu của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, người chạy khỏi nước này hồi tháng Tám trước khi diễn ra phiên tòa xét xử bà, hãng tin AFP đưa tin.

Bà Yingluck có bốn hộ chiếu Thái Lan, hai hộ chiếu cá nhân và hai hộ chiếu ngoại giao, các nhà chức trách cho biết.

Tuy có tin đồn bà Yingluck đang xin tỵ nạn ở Anh Quốc, Ngoại trưởng Thái ông Don Pramudwinai nói chính phủ Anh không cho bà cựu thủ tướng tỵ nạn tại thời điểm này, tờ Bangkok Post viết hôm 31/10.

Bà Yingluck làm cả nước Thái Lan bất ngờ vì bà đã bỏ trốn và không có mặt tại phiên toà phán quyết về cáo buộc ‘sao nhãng bổn phận’ của bà trong chương trình trợ giá gạo năm 2011.

Sau đó bà bị tuyên án 5 năm tù vì tội không ngăn chặn hối lộ trong chương trình này. Những người ủng hộ bà nói đây chẳng qua là nỗ lực của quân đội để đưa gia đình bà cựu thủ tướng ra khỏi chính trường.

Bà Yingluck đã ‘trốn khỏi Thái Lan’

Cựu Thủ tướng Yingluck bị tuyên án 5 năm tù

“Tất cả các hộ chiếu của bà Yingluck nay đã bị hủy,” Ngoại trưởng Don Pramudwinai nói với báo giới hôm thứ Ba 31/10.

Anh trai của bà, ông Thaksin, người bị lật đổ sau một cuộc đảo chính năm 2006, đã sống lưu vong nhiều năm để tránh bị kết án ở Thái Lan vì tội nhận hối lộ.

Ông có nhà riêng ở Dubai.

Tổng tư lệnh Quân đội Thái lan, ông Prayut Chan-O-Cha, nói hồi tháng Chín rằng bà Yingluck cũng đang ở đó.

Mặc dù không có tin khẳng định về nơi trú ẩn của bà Yingluck, nhiều tin đồn nói bà đang xin tỵ nạn ở Anh quốc.

“Tôi không biết (bà ấy ở đâu),” ông Prayut nói với phóng viên hôm thứ Ba 31/10. “Điều quan trọng là quốc gia mà bà ấy đang trú ngụ phải khẳng định địa điểm của bà ta với chúng tôi,” ông nói thêm.

Bất kỳ chuyến đi Anh nào của bà đều giới hạn trong thời gian của một chuyến đi hợp pháp thông thường, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Don.

Động thái hủy hộ chiếu của bà Yingluck diễn ra sau khi bà đã hết hạn kháng án.

Các nhà phân tích cho rằng quân đội Thái nhiều khả năng đã có thỏa thuận đằng sau với bà Yingluck để đưa bà ra khỏi Thái Lan trước phiên tòa. Các tướng quân đội phủ nhận cáo buộc này.

Cựu Thủ tướng Thái Lan ‘đã sang Dubai’

Cựu thủ tướng Thái Lan không ra hầu tòa

Gia đình Shinawatras được lòng người dân ở các vùng nông thôn, nơi cử tri được hưởng lợi từ chương trình trợ giá gạo luôn bỏ phiếu cho người của gia đình này, giúp họ chiến thắng cử trong các kỳ bầu cử trong thập kỷ qua.

Nhưng dòng họ Shinawatras lại bị tầng lớp tinh túy Bangkok, vốn ủng hộ quân đội, thù ghét. Tầng lớp này lên án họ là những kẻ cơ hội tham nhũng và thường xuyên gây khó khăn cho các chính phủ nhà Shinawatras bằng các cuộc đảo chính, kiện ra tòa và biểu tình.

Quân đội cầm quyền hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 11/2018, tuy nhiên lệnh cấm các hoạt động chính trị vẫn được thực hiện nghiêm ngặt.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41818280

 

Vụ người mẫu 14 tuổi từ Nga chết ở Thượng Hải

Một công ty quản l‎ý người mẫu Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc rằng một người mẫu tuổi teen do công ty này đại diện đã qua đời do làm việc quá sức.

Vlada Dzyuba, 14 tuổi, qua đời tại Trung Quốc hôm thứ sáu sau khi tham dự Tuần lễ Thời trang Thượng Hải.

Đại diện của cô tại Thượng Hải, Công ty Quản lý Người mẫu ESEE, nói rằng Vlada từng là một cô gái trẻ rất đam mê nghề người mẫu.

Nhiều người mẫu nước ngoài tại Trung Quốc đến từ các quốc gia Liên Xô cũ.

Trung Quốc có luật cho phép trẻ em dưới 16 tuổi làm việc trong một số lĩnh vực.

Người mẫu Playboy chụp ảnh ‘xúc phạm núi thiêng’

Thời trang cho người bị Down

Theo các báo cáo, Vlada bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và chóng mặt và được đưa tới một bệnh viện ở Thượng Hải hôm thứ tư.

Cô qua đời hôm thứ sáu do suy giảm chức năng cơ quan nội tạng sau khi tình trạng sức khỏe ngày càng diễn biến xấu.

Tờ báo nhà nước Chinese Global Times cho biết cô tử vong do bị ngộ độc máu. Tờ Siberian Times, báo tiếng Anh có trụ sở tại Nga, cho rằng mẫu teen đến từ thành phố Perm (Nga) tử vong do bị viêm màng não.

Tờ báo này cho rằng bệnh của cô đã tái phát vì kiệt sức sau khi tham gia “một show diễn mệt nhoài tại Thượng Hải”

Carrie Fang, giám đốc ESEE là người ở bên Vlada khi cô qua đời, nói rằng người mẫu Nga đã rất vui với hai tháng làm việc tại Trung Quốc.

“Cô ấy là một người tràn đầy năng lượng, cô ấy thích ăn uống, cô ấy thích ăn khoai tây chiên, như điều mà một cô bé tuổi teen đáng nhẽ có thể làm,” Fang nói với phóng viên hôm thứ hai.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41821873

 

Tin ‘phá hoại của Nga’ đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ

Facebook cho hay trong hai năm qua, có tới 126 triệu người dùng Facebook Mỹ đã xem những nội dung do người của Nga tải lên mạng xã hội này.

Facebook nói có khoảng 80.000 bài được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Hầu hết các tin này tập trung đưa những thông điệp gây chia rẽ về xã hội và chính trị.

Facebook công bố con số này trước hai phiên điều trần thượng viện sắp diễn ra. Tại đó, Facebook cùng Twitter và Google sẽ trình bày chi tiết về tác động của Nga lên các mạng xã hội được nhiều người sử dụng.

Nga liên tiếp phủ nhận cáo buộc nước này tìm cách gây ảnh hưởng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả là ông Donald Trump thắng bà Hillary Clinton.

Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì?

Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga

Cựu giám đốc FBI dẫn dắt điều tra vụ Nga

Trong một tin có liên quan, hôm thứ Hai 30/10, cuộc điều tra do cố vấn độc lập Robert Mueller dẫn dắt về khả năng chiến dịch của ông Trump có thông đồng với Nga đã khiến hai cựu phụ tá của ông Trump bị buộc tội. Một phụ tá thứ ba thừa nhận đã nói dối FBI.

Tổng thống Trump phủ nhận mọi cáo buộc ông có thông đồng với Moscow, và liên tục kêu gọi điều tra bà Clinton.

Facebook nói gì?

Facebook nói khoảng 80.000 bài được đăng từ tháng Sáu 2015 và tháng Tám 2017. Những bài này được khoảng 29 triệu người Mỹ đọc trực tiếp, theo một bài phát biểu dự thảo mà truyền thông Mỹ có được.

Những bài này, mà Facebook nói là do một hãng có liên hệ với điện Kremlin tạo ra, lan truyền rộng nhờ mọi người like, chia sẻ và bình luận, và do đó đã đến tay nhiều triệu người nữa.

“Những hành động này đi ngược lại với sứ mệnh của Facebook là xây dựng cộng đồng và tất cả những gì mà chúng tôi đại diện,” cố vấn Colin Stretch của Facebook nói.

“Và chúng tôi quyết tâm làm tất cả những gì có thể để xử lý mối đe dọa mới này.”

Facebook cũng nói hãng này đã xóa 170 tài khoản Instagram, những tài khoản đã đăng 120.000 bài với nội dung xấu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41818279

 

Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì?

Cuộc điều tra của Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có diễn biến mới.

Ba trợ tá cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã bị khởi tố.

Cựu chủ tịch lãnh đạo chiến dịch, Paul Manafort, và một cựu trợ tá, Rick Gates, đã ra tòa nhưng không nhận các tội âm mưu chống Mỹ, rửa tiền và nhiều tội khác.

Hai người này nay bị quản thúc tại gia sau khi đóng tiền thế chân.

Trump: Sa thải ‘gã điên’ FBI ‘làm giảm áp lực’

Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga

Một cựu trợ tá khác, George Papadopoulos, đã nhận tội nói dối với FBI về các mối liên hệ với Kremiln.

Papadopoulos, cựu cố vấn đối ngoại của Donald Trump, thừa nhận ông đã che giấu liên lạc với một giáo sư có dính líu với Moscow, mà người này hứa có thông tin “xấu” về Hillary Clinton.

Theo đánh giá của AFP, mặc dù các cáo buộc hiện chưa chỉ ra có âm mưu từ cấp cao nhất, nhưng chúng có thể cho thấy những nhân viên của ông Trump đã hy vọng Nga giúp đỡ.

Cáo buộc đầu tiên với Paul Manafort và Rick Gates có tên “âm mưu chống lại Hoa Kỳ”.

Điều này có nghĩa là gì?

Chi tiết có trong Bộ Chuẩn luật Quốc gia Hoa Kỳ (US Code of Laws).

Đầu tiên, tội này không áp dụng cho một cá nhân, mà phải dùng với “hai người trở lên”. Trong trường hợp này, đó là ông Manafort và Gates.

Thứ hai, luật này khá rộng. Nó có thể dùng với một nhóm “có bất kỳ tội gì chống Hoa Kỳ, hay lừa gạt Hoa Kỳ, hay bất kỳ cơ quan nào, theo cách gì hay mục đích gì”.

Trong một vụ năm 1924, Chánh án William Taft định nghĩa “lừa đảo”:

“Âm mưu lừa Hoa Kỳ có nghĩa chủ yếu là lừa đảo về bất động sản hay tiền bạc.”

“Nhưng cũng có nghĩa là can thiệp, cản trở chức năng của chính phủ thông qua lừa đảo, hay ít nhất bằng một cách không trung thực.”

Tin ‘phá hoại của Nga’ đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ’

Hình phạt là gì?

Mức phạt tối đa là 5 năm tù.

Tiền phạt tối đa là 250.000 đôla, hoặc 500.000 đôla cho tổ chức.

Nhưng nếu bị can cũng phạm các tội khác, thì mức án có thể nặng hơn.

Luật áp dụng khi nào?

Tính chất rộng của luật khiến nó đã được áp dụng với nhiều người.

Năm 2005, tin tặc Jeanson James Anchesta bị truy tố, và nhận tội năm 2006 với mức án 5 năm tù.

Jeff Skilling, cựu giám đốc công ty năng lượng Enron, cũng bị kết tội, tống giam năm 2006 với mức án ban đầu 24 năm, sau đó giảm còn 14 năm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41817355

 

Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga

Một cố vấn chiến dịch tranh cử cho Donald Trump thừa nhận đã nói dối FBI về thời gian liên lạc với những người bị cáo buộc có liên quan tới Nga.

George Papadopoulos thừa nhận các cuộc trao đổi diễn ra trong thời gian ông tham gia chiến dịch của ông Trump chứ không phải sau đó, các tài liệu tòa án cho thấy.

Ông nói ông được nói cho biết là phía Nga đang nắm giữ những tài liệu “gây bất lợi” cho bà Hillary Clinton.

Trong một diễn biến riêng rẽ, cựu quản lý chiến dịch của ông Trump là Paul Manafort phủ nhận các cáo buộc rửa tiền không liên quan đến cuộc bầu cử 2016.

Các cáo buộc đối với ông Papadopoulos là vụ đầu tiên được Robert Mueller, cố vấn đặc biệt điều tra những cáo buộc theo đó nói có mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, đưa ra.

Tin ‘phá hoại của Nga’ đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ

Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì?

Vụ Papadopoulos ảnh hưởng đến Trump như thế nào?

Giới phân tích nói rằng vụ việc có khả năng gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vì nó liên quan trực tiếp đến chiến dịch của ông.

Theo các tài liệu của tòa, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Trump thừa nhận là vào ngày 5/10/2017 ông đã cản trở cuộc điều tra của FBI đối với cáo buộc về sự thông đồng với Nga.

Khi bị FBI thẩm vấn hồi tháng Một năm nay, Papadopoulos nói rằng ông gặp hai nhân vật có quan hệ với Nga trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, 3/2016. Trên thực tế, ông gặp họ sau thời điểm đó.

Một trong hai người nói trên là một phụ nữ Nga không được tiết lộ danh tính, người mà ông Papadopoulos tin là có quan hệ với các quan chức chính phủ Nga.

James Comey điều trần về Donald Trump

Cựu giám đốc FBI dẫn dắt điều tra vụ Nga

Trump ‘chia sẻ thông tin mật với Nga’

Ông thừa nhận đã tìm cách sử dụng các mối quan hệ của mình để sắp xếp một cuộc họp “giữa chiến dịch với các quan chức chính phủ Nga”.

Người còn lại là một giáo sư không được tiết lộ danh tính ở London, người được cho là có “mối liên hệ đáng kể với các quan chức chính phủ Nga”.

Vị giáo sư này chỉ quan tâm tới vị thế của ông Papadopoulos trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, theo tài liệu của tòa.

“Thông tin bất lợi” của Nga về bà Clinton, dưới dạng “hàng nghìn email”, được vị giáo sư đề cập trong một bữa ăn sáng tại khách sạn ở London vào khoảng ngày 26/4/2016.

Vị giáo sư nói ông đã được cho biết về các email này khi ông gặp các quan chức cao cấp của chính phủ Nga trong chuyến đi Moscow gần đây.

Nhà Trắng phản ứng như thế nào?

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói rằng vai trò của ông Papadopoulos trong chiến dịch vận động của ông Trump là “rất hạn chế”.

Ông chỉ là “tình nguyện viên” và “không có hoạt động nào được thực hiện với tư cách nhân viên chính thức”.

Bà Sarah Sanders cũng nhấn mạnh rằng không có cáo buộc nào chống lại ông Manafort liên quan đến chiến dịch vận động của bà Trump.

Liên quan đến những cáo buộc về ảnh hưởng của Nga, bà nói, nên chú trọng vào chiến dịch của bà Hillary Clinton.

“Vụ bê bối về sự thông đồng này, như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đó, hoàn toàn liên quan đến chiến dịch của bà Clinton, Fusion GPS và Nga,” bà nói thêm.

Theo truyền thông Mỹ, Perkins Coie, một công ty luật đại diện cho chiến dịch của Clinton và Ủy ban Quốc gia Dân chủ, đã thuê công ty tình báo Fusion GPS vào tháng 4/2016.

Fusion GPS, có trụ sở tại Washington DC, đã được trả tiền để đào bới các thông tin bất lợi cho ông Trump, người khi đó đang là đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41814751

 

Vụ thử mới của Bắc Hàn ‘có thể gây rò rỉ phóng xạ’

Cuộc thử nghiệm hạt nhân mới tại địa điểm thử nghiệm ở vùng miền núi Bắc Hàn có thể gây rò rỉ phóng xạ, quan chức phụ trách khí tượng hàng đầu Hàn Quốc cảnh báo.

Một vùng trũng dài khoảng 100m ở chân núi Mantap có thể nổ tung, ông Nam Jae-cheol nói.

Vụ thử hạt nhân mới đây nhất của Bình Nhưỡng, được thực hiện hồi đầu tháng 9, có vẻ như đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất.

Bắc Hàn đã tiến hành sáu cuộc thử hạt nhân từ năm 2006 tới này, ở cùng một địa điểm thử nghiệm.

Kim Jong-un nhấn mạnh ‘quan hệ huyết thống’

Trung Quốc lo sợ ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn

“Có một khoảng trũng dài khoảng 60 đến 100 mét ở chân núi Mantap trong khu vực Punggye-ri,” ông Nam được thông tấn xã Nam Hàn Yonhap dẫn lời.

“Nếu một cuộc thử nghiệm nữa xảy ra, có khả năng vùng này bị sụp,” ông cảnh báo.

Địa điểm thử nghiệm Punggye-ri nằm trên địa hình núi ở phía đông bắc của Bắc Hàn, được cho là cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng và là địa điểm thử nghiệm hạt nhân đang hoạt động duy nhất trên thế giới.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm thứ Sáu tường thuật rằng các nhà địa chất Trung Quốc đã cảnh báo giới chức Bắc Hàn sau vụ thử nghiệm tháng 9 rằng các cuộc thử nghiệm mới ở đó có thể dẫn tới sự sụp lún lớn và rò rỉ chất thải phóng xạ.

Đe doạ hạt nhân của Bắc Hàn ‘tăng tốc’

Bắc Hàn: Động đất nhỏ gần nơi thử vũ khí

Trong khi đó, tờ báo chính của Bắc Hàn, tờ Rodong Sinmun, cho biết nước này có toàn quyền phóng vệ tinh.

Tuyên bố này được đưa ra khi có nghi ngờ rằng Bình Nhưỡng có thể sớm phóng một vệ tinh – được xem như là một thử nghiệm cho công nghệ tên lửa đạn đạo của nước này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41813049

 

Bắc Hàn bác bỏ cáo buộc có liên quan đến mã độc WannaCry

Bắc Hàn công kích chính phủ Anh về cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công bằng mã độc nhắm vào Dịch vụ Y tế Quốc gia nước Anh.

Tin từ hãng thông tấn AFP hôm 31 tháng 10 cho biết Bắc Hàn gọi đây là một “nỗ lực xấu xa” nhằm xiết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt của quốc tế chống lại Bình Nhưỡng.

Hôm 27 tháng 10, Chính phủ Anh khẳng định vụ tấn công mạng nói trên do Bắc Triều Tiên điều khiển.

Một báo cáo của chính phủ Anh cho biết một phần ba các bệnh viện công của Anh quốc bị ảnh hưởng bởi mã độc WannaCry hồi tháng 5.

Vụ tấn công bằng mã độc này làm cho 300.000 máy tính tại 150 quốc gia bị mã độc WannaCry xâm nhập, yêu cầu người dùng nếu muốn lấy lại quyền kiểm soát máy tính thì phải thanh toán bằng Bitcoin.

Một số nhà nghiên cứu khẳng định có sự nhúng tay của  Bình Nhưỡng trong vụ việc này vì họ nhận thấy đoạn mã được sử dụng tương tự như các vụ tấn công an ninh mạng từng bị cáo buộc dưới thời của Kim Jong-Un.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, Ben Wallace nói với BBC vào tuần trước rằng chính phủ London chắc chắn Bắc Hàn chủ mưu trong vụ này.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Hiệp hội Triều Tiên- Châu Âu ở Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này và cảnh báo nước Anh về “sự suy đoán vô căn cứ” như thế.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/n-korea-denies-involvement-in-wannacry-cyberattack-10312017101120.html

 

Phụ tá thứ ba

trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận tội

Sau khi hai cựu phụ tá của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị khởi tố, nhóm điều tra liên bang cho biết một trợ lý khác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng nhận tội khai man với Cục điều tra liên bang (FBI).

Theo hãng tin Reuters, ông George Papadopoulos, người thứ ba trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi đầu tháng 10 đã nhận tội nói dối với FBI, mặc dù tin này chỉ mới được công bố hôm thứ Hai 30/10.

Cả hai ông Manafort và Gates đều không nhận tội, dù bị viện công tố ra cáo trạng với 12 tội danh, trong đó có tội rửa tiền và hành động như đại diện cho các lợi ích của cựu chính quyền Ukraina, vốn có lập trường thân Nga, dù không có đăng ký.

Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói bản cáo trạng không có liên quan gì tới ông Trump hay chiến dịch tranh cử của ông, và cũng không có bằng chứng về sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử với Nga.

Trong một diễn biến liên quan trực tiếp đến chiến dịch tranh cử năm 2016 của ôngTrump, hôm Thứ Hai 30/10, công tố viên cho biết ông Papadopoulos, cựu cố vấn chiến dịch, đã nhận tội hồi đầu tháng này rằng ông đã khai không đúng sự thật với nhân viên FBI.

Văn phòng công tố viên đặc biệt Robert Mueller nói ông Papadopoulos đã nói dối với nhân viên FBI về thời điểm cuộc tiếp xúc giữa ông và một giáo sư ở London, người cho biết là nắm trong tay thông tin có thể ảnh hưởng tới uy tín của bà Hillary Clinton, đối thủ chính trị của ông Trump.

Theo tài liệu của tòa án, ông Papadopoulos, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử, thú nhận rằng ông đã “gặp Chính phủ nhiều lần để cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi.”

Bà Sanders, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, nói vai trò của ông Papadopoulos trong chiến dịch tranh cử của ông Trump “rất hạn chế”, và ông là một tình nguyện viên.

Trong một email ngày 4/5 được trích dẫn trong bản cáo trạng của Papadopoulos, một nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chuyển một thông điệp từ ông Papadopoulos, đề nghị một cuộc gặp giữa ông Trump với chính phủ Nga với một giới chức khác trong chiến dịch vận động.

Theo bản cáo trạng, nhân viên này đã ghi chú thêm: “Hãy thảo luận. Chúng ta cần một người nào đó để thông báo ông DT sẽ không thực hiện các chuyến đi ấy. Phải là một người nào đó ở cấp thấp hơn trong chiến dịch, để đảm bảo không đánh đi một tín hiệu nào.”

Một nguồn tin ở Washington, muốn giữ kín danh tính, đã đọc được bức email đó, cho biết người gửi là ông Manafort và người nhận là ông Gates.

Ông Manafort điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 6 cho đến tháng 8 năm 2016, trước khi ông từ chức giữa lúc có tin ông có thể đã nhận được các khoản thanh toán bất hợp pháp lên tới hàng triệu đôla từ một đảng chính trị thân Nga ở Ukraina.

https://www.voatiengviet.com/a/phu-ta-thu-ba-trong-chien-dich-tranh-cu-cua-ong-trump-nhan-toi/4093998.html

 

TT Trump và Phu nhân phát quà Halloween cho thiếu nhi

Đêm Thứ Hai 30/10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania đã đón tiếp một số khách mời đặc biệt trên bãi cỏ phía nam Tòa Bạch Ốc nhân lễ Halloween.

Vợ chồng Tổng thống Trump trao quà cho các em học sinh vùng thủ đô Washington trong những bộ trang phục Halloween, cũng như cho gia đình của các quân nhân được mời đến Tòa Bạch Ốc.

Tham gia sự kiện này có một số gương mặt quen thuộc như Thư ký Báo chí Sarah Huckabee Sanders và Bộ Trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Nhân lễ Halloween, Tòa Bạch Ốc được trang trí với những mạng nhện, con dơi và những quả bí màu cam có khắc chân dung các cựu tổng thống Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-va-phu-nhan-phat-qua-halloween-cho-thieu-nhi/4093752.html

 

Chủ tịch TQ và Tổng Thống Hàn Quốc

bàn về THAAD tại Việt Nam

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đàm phán trực tiếp vào tuần tới, kết thúc một năm căng thẳng ngoại giao về việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm Thứ Ba 31/10 ra tuyên bố cho biết Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp bên lề Hội nghị Hợp tác Phát triển Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam từ ngày 10-11/11.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực trở nên lạnh giá sau khi Seoul triển khai hệ thống Phòng thủ Phi đạn (THAAD) ở thành phố Seongju. Hàn Quốc nói THAAD được triển khai để chống lại nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên, nhưng Trung Quốc phản bác rằng lá chắn tên lửa này ảnh hưởng tới an ninh của chính họ.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách hạn chế hoạt động của một số công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc, và cấm không cho các đoàn du lịch lớn đến thăm Hàn Quốc.

Quan hệ giữa hai nước dường như đã được cải thiện từ khi Tổng thống Moon và Chủ tịch Tập gặp nhau vào tháng 7 vừa rồi. Hai bên gần đây đồng ý mở rộng trao đổi song phương về tiền tệ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba 31/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận cuộc đàm phán song phương sẽ diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam.

Bộ này cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc phản đối việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, nhưng nói thêm rằng họ ghi nhận quan điểm của Seoul, và hy vọng sẽ giải quyết vấn đề một cách thích hợp.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tq-va-tong-thong-han-quoc-ban-ve-thaad-tai-vietnam/4093578.html

 

Thêm một lệnh cấm của ông Trump bị ngăn cản

Một thẩm phán liên bang tại Washington ngày 30/10 chặn không cho Tổng thống Donald Trump cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội, trao chiến thắng cho các quân nhân tố cáo Tổng thống vi phạm quyền được hiến định.

Tháng 7 năm nay, ông Trump loan báo sẽ cấm những người chuyển giới gia nhập quân ngũ. Đến tháng 8, các quân nhân chuyển giới đệ đơn kiện, tìm cách ngăn cản lệnh cấm của Tổng thống, và phán quyết của thẩm phán Colleen Kollar-Kotelly hôm nay giúp ngăn lệnh cấm được thực thi cho tới khi nào vụ kiện được ngã ngũ.

Thẩm phán Kollar-Kotelly nói các đương đơn có phần chắc sẽ thắng thế với lập luận rằng lệnh cấm của Tổng thống vi hiến vì lý do đưa ra không được ủng hộ bởi bất kỳ dữ kiện thực tế nào.

Sau loan báo về chính sách trên Twitter, hồi tháng 8, Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ chỉ thị quân đội chớ nhận tân binh là người chuyển giới và đình chỉ sử dụng ngân quỹ nhà nước cho các cuộc giải phẫu chuyển đổi giới tính đối với các quân nhân tại ngũ trừ phi tiến trình giải phẫu đã được tiến hành.

Bản ghi nhớ kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nộp kế hoạch thực thi lệnh của Tổng thống trước ngày 21/2 và Ngũ Giác Đài đã lập một ban gồm các giới chức cao cấp phụ trách việc này. Trong khi đó, chính sách hiện thời cho phép người chuyển giới gia nhập quân đội vẫn còn hiệu lực.

Hành động của thẩm phán Kollar-Kotelly hôm nay đánh dấu ‘thất bại’ pháp lý mới nhất trong các chính sách của Tổng thống Trump. Lệnh cấm du hành và các chính sách của ông Trump đối với các thành phố ‘chứa chấp’ di dân không giấy tờ cũng bị các tòa án ngăn cản.

https://www.voatiengviet.com/a/them-mot-lenh-cam-cua-ong-trump-bi-ngan-can/4092848.html

 

Tổng thống Pháp trình bày luật chống khủng bố

trước Tòa Nhân Quyền Châu Âu

Duy Anh

Hôm nay 31/10/2017, chủ nhân điện Élysée đến thành phố Strasbourg để tham dự cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu, sau đó sẽ đăng đàn trước Tòa Nhân Quyền Châu Âu để trình bày và giải thích về đạo luật chống khủng bố gây nhiều tranh cãi vừa được ông ký ban hành.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm qua 30/10/2017, đã đặt bút kí Đạo luật chống khủng bố nhằm thay thế cho việc ban hành tình trạng khẩn cấp. Đạo luật này bao gồm một số các biện pháp thắt chặt an ninh trong tình trạng khẩn cấp, song làm dấy lên rất nhiều chỉ trích trong giới chính trị, cũng như trong dư luận xã hội Pháp.

Trước 45 thẩm phán của Tòa Nhân quyền Châu Âu, ông Macron sẽ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đã kéo dài gần 2 năm, đồng thời, nhắc lại cam kết đảm bảo nhân quyền của nước Pháp. Nhân dịp này, tổng thống Pháp cũng sẽ nêu lên những dự định của ông về việc điều chỉnh các điều kiện giam giữ tù nhân.

Một quan chức thân cận với tổng thống Pháp thừa nhận rằng tình trạng giam cầm tù nhân hiện nay « khó mà chấp nhận được ». Đây cũng là điều khiến nước Pháp thường xuyên bị Tòa Nhân Quyền Châu Âu lên án.

Là một thiết chế tư pháp của Hội Đồng Châu Âu, Tòa Nhân quyền Châu Âu có chức năng theo dõi việc tôn trọng Công ước Châu Âu về bảo vệ Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Tổng cộng, đã có 47 quốc gia phê chuẩn công ước này, trong số đó có cả các quốc gia không thuộc Liên Hiệp Châu Âu, như Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ

http://vi.rfi.fr/phap/20171031-tong-thong-phap-trinh-bay-luat-chong-khung-bo-truoc-toa-nhan-quyen-chau-au-ok

 

Nga: Thêm một đạo luật thắt chặt kiểm soát Internet

Thanh Phương

Ngày 01/11/2017, một đạo luật mới sẽ có hiệu lực tại Nga cấm người dân nước này sử dụng các phần mềm giúp truy cập Internet một cách bảo mật hoặc vô danh. Các nhà hoạt động nhân quyền và giới doanh nghiệp Internet đã lên án đạo luật này, vì họ xem đó là một hình thức tăng cường kiểm duyệt trên Internet trong bối cảnh nước Nga sắp bầu cử tổng thống.

Truy cập bảo mật hoặc truy cập qua mạng ảo VPN ( Virtual Private Network ) là những hình thức truy cập mà các công ty thường sử dụng để bảo đảm bí mật thông tin. Đây cũng là hình thức mà nhiều cư dân mạng sử dụng để vượt tường lửa, truy cập vào một số trang web bị chặn trong nước.

Đạo luật được thông qua mùa hè vừa qua và có hiệu lực từ ngày mai giao cho cơ quan kiểm soát viễn thông của Nga Roskomnadzor nhiệm vụ lập danh sách các dịch vụ cho phép truy cập vô danh. Cơ quan này có quyền ngăn chận những dịch vụ đó.

Đối với các tác giả của luật mới, mục đích của văn bản này là không cho người sử dụng Internet truy cập vào những trang web đã bị ngành tư pháp ra lệnh chặn lại, vì đó là những trang web có liên hệ với khủng bố hoặc bị xem là có nội dung quá khích, cực đoan.

Nhưng theo những người chống đối luật này, thì đây là một bước mới nhằm tăng cường kiểm duyệt Internet ở Nga. Mạng thông tin toàn cầu đã bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin vào năm 2012. Gần đây, một đạo luật khác đã được ban hành, bắt buộc các công ty công nghệ thông tin phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng Internet ở Nga và khi được yêu cầu thì phải trao những dữ liệu đó cho các cơ quan chức năng.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án luật mới của Nga là một « đòn rất mạnh đánh vào quyền tự do trên Internet ». Còn Electronic Frontier Foundation, một tổ chức bảo vệ các quyền tự do trên Internet, trụ sở tại Mỹ, thì cho rằng luật này sẽ ảnh hưởng đến các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn sử dụng các dịch vụ đó để đăng tải những thông tin mà không để lộ danh tính.

Đạo luật tăng cường kiểm duyệt Internet có hiệu lực trong khi chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga, mà gần như chắc chắc là ông Putin sẽ tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ tư.

Hiện giờ, hầu như toàn bộ các tờ báo ở Nga là nằm dưới sự kiểm soát của điện Kremlin, cho nên các nhà đối lập, nhất là ông Alexei Navalny, chủ yếu sử dụng Internet và các mạng xã hội để phổ biến thông tin và quan điểm của họ.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, nhiều nhà cung cấp dịch vụ VPN ở Nga đã báo trước là họ sẽ không tuân thủ luật mới, vì họ không muốn tham gia vào việc tăng cuờng kiểm duyệt Internet.

Tại Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ mạng thông tin toàn cầu, gần đây chính quyền cũng đã bắt đầu ngăn chận các phần mền VPN trước khi diễn ra Đại Hội Đảng lần thứ 19. Như vậy là Matxcơva đang muốn đi theo con đường của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, điện Kremlin không thể kiểm soát tuyệt đối mọi thông tin liên lạc trên Internet, vì khả năng kỹ thuật của nước này còn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171031-nga-gia-tang-kiem-soat-internet

 

Bắc Triều Tiên :

200 người chết vì sập đường hầm thử bom nguyên tử

Thụy My

Có ít nhất 200 người được cho là đã thiệt mạng khi một đường hầm tại địa điểm thử bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên. AFP hôm nay 31/10/2017 dẫn tin của đài truyền hình Nhật cho biết như trên.

Kênh truyền hình Nhật Asahi cho biết theo một nguồn tin ẩn danh, một đường hầm tại địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri đã bị sụp đổ vào đầu tháng Chín, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Đây là quả bom có sức công phá mãnh liệt nhất từ trước đến nay.

Khoảng 100 công nhân đã bị chôn vùi trong vụ sụp hầm đầu tiên, và trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, thì một đường hầm nữa lại bị sụp đổ, làm tổng cộng khoảng 200 người chết. Tai nạn này được cho là do vụ thử bom nguyên tử gây ra.

Các chuyên gia từng cảnh báo các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất có thể làm cho núi bị sụp, khiến phóng xạ bị phát tán ra không khí gần biên giới Trung Quốc. Vụ thử nguyên tử hôm 3/9 đã gây ra hiện tượng lở đất tại khu vực thử bom và xa hơn, theo các hình ảnh vệ tinh chụp được ngày hôm sau.

Những tấm ảnh do trang 38th North công bố cho thấy những thay đổi trên mặt đất ở Punggye-ri : Những khối đất bị hất tung lên không do rung chấn, sau đó là những vụ đất trượt xuống lòng suối.

Theo Cơ quan giám sát địa chấn của Mỹ, vụ nổ này đã gây ra trận động đất 6,3 độ Richter, và vài phút sau là một vụ động đất 4,1 độ Richter. Nhật Bản nhận định đó là một quả bom nhiệt hạch mạnh 120 kiloton, gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Thông tin này được đưa ra vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên sẽ đến thăm Hàn Quốc vào tuần tới.

Bắc Triều Tiên hiếm khi xác nhận những tai nạn, đặc biệt nếu liên quan đến chương trình nguyên tử. Từ khi lên kế vị Kim Jong Il năm 2011, đến nay Kim Jong Un đã cho thử hạt nhân bốn lần. Bắc Triều Tiên coi bom nguyên tử là vũ khí quý giá để bảo vệ, chống lại Mỹ tấn công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171031-bac-trieu-tien-200-nguoi-chet-vi-duong-ham-thu-nguyen-tu-bi-sap

 

Tây Ban Nha khởi tố

cựu chủ tịch vùng Catalunya vì tội “nổi loạn’’

Trọng Thành

Ba ngày sau khi chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont tuyên bố độc lập, cơ quan công tố Tây Ban Nha khởi động thủ tục truy tố cựu lãnh đạo này, với tội danh «nổi loạn». Trong khi đó cựu lãnh đạo Catalunya đang ở Bỉ.

Theo AFP, tại Madrid, đích thân chưởng lý Tây Ban Nha, ông Jose Manuel Maza, thông báo hồ sơ khiếu kiện toàn bộ ê-kíp cầm quyền vùng tự trị, bao gồm cựu chủ tịch Carles Puigdemont, đã được đệ trình.

Cựu chủ tịch Catalunya đã không xuất hiện tại Tây Ban Nha kể từ hôm qua. Theo truyền thông châu Âu, ông Puigdemont đang có mặt tại Bỉ. Trả lời đài truyền hình Flamand VRT (Bỉ), luật sư Paul Bakaert xác nhận điều này. Vị luật sư nói trên đã tiếp thân chủ của mình tại Tielt, một thị trấn nhỏ, cách Bruxlles khoảng 90 km.

Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles:

Để hiểu được ông Carles Puigdemont đến đây để làm gì, chúng ta có thể tìm hiểu các hoạt động chuyên môn của luật sư Paul Bakaert, người kể từ giờ là đại diện pháp lý cho cựu chủ tịch Catalunya tại Bỉ. Vị luật sư 70 tuổi này dành gần như cả đời cho vấn đề luật cư trú, dẫn độ và quy chế tị nạn chính trị.

Điều đó có nghĩa là khách hàng mới người Catalunya của ông lo ngại sẽ bị chưởng lý Tây Ban Nha cưỡng chế về nước, dựa trên lệnh truy nã của Liên Hiệp Châu Âu. Như vậy, ông Carles Puigdemont sẽ phải xin tị nạn chính trị tại Bỉ.

Tuy nhiên, vấn đề là đã từ rất lâu nay, Bruxelles không còn cấp quy chế này cho các công dân, thành viên của các quốc gia khác của Liên Hiệp Châu Âu, hoặc của khu vực kinh tế châu Âu. Bởi những quốc gia châu Âu được tiếng là tôn trọng luật pháp, các giá trị, và các tập quán dân chủ.

Hơn nữa, Bỉ cũng muốn làm mọi cách tránh để Tây Ban Nha có phản ứng giận dữ về ngoại giao. Đây cũng có thể là vấn đề mà cơ quan chuyên trách của Bruxelles, về người tị nạn và người vô tổ quốc, sẽ phải xem xét.

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra là cựu chủ tịch Catalunya sẽ quyết tâm, cùng với năm cựu lãnh đạo khác trong chính quyền vùng tự trị, lập nên cái gọi là ‘‘chính phủ lưu vong’’ tại Bỉ, một chính quyền Catalunya tự phong. Trong giai đoạn hiện tại, còn chưa rõ đây sẽ là một tổ chức có khả năng hoạt động thực sự, hay chỉ mang tính biểu tượng.

Còn tại Tây Ban Nha, hôm qua, cũng là ngày đầu tiên, 200.000 viên chức Catalunya làm việc trực tiếp dưới sự giám hộ của chính quyền trung ương, sau quyết định của Thượng Viện. Cũng hôm qua, đảng PdeCat chủ trương độc lập của cựu lãnh đạo Catalunya tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc bầu cử cấp vùng, được tổ chức ngày 21/1, theo quyết định của chính quyền Madrid.

Tuyên bố độc lập, được 70 nghị sĩ Catalunya thông qua, trên tổng số 135, gây các phản ứng hết sức trái ngược tại vùng tự trị, khiến giới đầu tư lo ngại. Theo một thăm dò dư luận của nhật báo El Mundo, thực hiện cuối tuần trước, tổ chức trước tuyên bố độc lập, phe đòi độc lập sẽ mất đa số tại Nghị Viện, và chỉ đạt 42,5% phiếu bầu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171031-tay-ban-nha-chuan-bi-khoi-to-cuu-chu-tich-vung-catalunya-vi-toi-%E2%80%9Cnoi-loan%E2%80%99%E2%80%99